Sa Mạc Nở Hoa

23.



Tới mùng một tháng mười tôi mới đi nghỉ hè về. Có nhiều tin nhắn đang chờ đợi tôi. Một trong những lới nhắn đó là của má em Dibs. Tôi gọi dây nói cho bà, băn khoăn muốn biết gia đình này ra sao trong kỳ hè.

— Dibs muốn đến với cô một lần nữa – bà nói – Ngày một tháng chín cháu đã bảo tôi là cháu muốn tới thăm cô một lần nữa, tôi nói cho cháu nghe là mãi tháng mười cô mới về. Cháu không đá động gì tới chuyện này nữa cho mãi tới mồng một tháng này. Rồi cháu nói “Má ơi, bây giờ một tây tháng mười rồi. Má nói là cô A sẽ về vào ngày ấy. Má kêu điện thoại cho cô và nói với cô là con muốn trở lại thăm cô một lần nữa rồi thôi” – Vì thế tôi đã gọi cô – Bà khẽ cười.

— Cháu tuyệt lắm – bà nói – Chúng tôi được một mùa hè tuyệt vời. Tôi không thể nói hết là chúng tôi sung sướng và biết ơn cô tới mức nào. Cháu không còn là đứa trẻ trước đây nữa. Cháu vui vẻ, thoải mái. Cháu liên hệ rất tốt với mọi người trong gia đình. Cháu nói luôn miệng. Thật tình cháu không cần lại cô nữa và nếu cô bận quá thì cô cứ cho biết tôi sẽ giải thích cho cháu.

Không cần nói là tôi làm gì bận đến nỗi không gặp lại Dibs. Tôi hẹn tới thứ năm sau đó.

Dibs nhanh nhẹn bước vào, mỉm cười rạng rỡ, đôi mắt long lanh. Em đứng lại nói chuyện với những cô thư ký ở phòng ngoài, đang đánh máy và sao lục những cuốn băng. Em hỏi các cô đang làm gì và các cô có thích công việc mình làm không? “Các cô có vui không?” – Em hỏi – “Các cô chắc vui lắm”.

Có sự thay đổi rõ rệt nơi em kể từ buổi viếng thăm lần cuối. Em ra vẻ thoải mái, vui vẻ, cởi mở. Có vẻ duyên dáng và hồn nhiên trong cử chỉ của em. Khi tôi ra phòng chờ để đón em, em chạy lại với tôi đưa tay bắt.

— Em muốn gặp cô thêm một lần – em nói – Và bây giờ thì em đến đây. Vào văn phòng cô trước đã.

Chúng tôi vô văn phòng. Em đứng giữa phòng và ngó xung quanh. Mặt mày tươi vui. Em chạy lăng xăng đưa tay sờ bàn giấy, những tủ hồ sơ, những chiếc ghế, những kệ sách. Em thở dài. “Ồ, nơi tuyệt vời hạnh phúc!”

— Em đã vui hưởng những lúc ở đây phải không?

— Dạ. Vui, vui lắm. Ở đây có nhiều điều tuyệt vời.

— Những điều tuyệt vời ấy là gì?

— Sách! Sách, sách và sách – Em lấy những ngón tay vuốt nhẹ trên sách – Em thích sách lắm. Kể cũng lạ những dấu vết đen nhỏ trên giấy lại làm mình vui đến thế. Những tờ giấy và những dấu vết đen nhỏ mà kể được truyện.

— Phải. Kể cũng ngộ nhỉ.

— Đúng vậy cô ạ.

Em nhìn qua cửa sổ. “Trời đẹp quá. Đứng ở cửa sổ này nhìn ra thật là tuyệt”.

Em ngồi xuống bàn, giơ tay với hộp phiếu, xem xét những tấm phiếu, và mỉm cười cởi mở.

— Tại sao cô lại chỉ để lại có cô và Dibs thôi – em la lớn – Không có người nào khác trong cái hộp này trừ cô và em. Chỉ còn có hai cô cháu mình.

— Em chẳng nói em muốn như thế là gì?

— Dạ, đúng như thế! Cô có vứt bỏ phiếu của người khác đi không?

— Không. Cô để vào hộp khác. Trong cái hộp hồ sơ để kia.

— Nhưng cái hộp này cô dành riêng cho cô cháu mình thôi ư?

— Bởi vì em nói là em muốn thế.

Dibs ngồi tựa lưng vào ghế và nhìn tôi một hồi lâu. Có nét nhu mì trên khuôn mặt em. “Mọi việc đã diễn ra y như vậy” – em thong thả – “Bởi vì em nói là em muốn thế” – em nhắc lại. Rồi em mỉm cười. “Bởi vì em nói là em muốn thế” – em nhắc lại. Rồi em mỉm cười. “Bởi vì em nói là em muốn thế” – em nói thêm.

Em đưa tay với một tấm phiếu trắng. Em cầm một cây viết chì lên và viết gì đó trên tấm phiếu. Cúi người trên tấm phiếu, em chăm chú và cẩn thận viết gì trên đó. Rồi em đưa cho tôi “Cô đọc đi” – em nói – “Đọc cho em nghe”.

“Tạm biệt căn phòng thân yêu với những cuốn sách đẹp. Tạm biệt bàn giấy thân yêu. Tạm biệt cửa sổ với vòm trời cao. Tạm biệt những tấm phiếu.

Tạm biệt cô thân yêu, chủ phòng chơi tuyệt vời” – Tôi đọc bức thông điệp của em cho em nghe.

Em với lấy tấm phiếu. “Em muốn thêm ít điều” – em nói. Em viết điều gì đó đàng sau tấm phiếu và đưa cho tôi. Em thêm ba hàng chữ: “Bởi vì em nói rằng em muốn thế. Bởi vì tôi nói rằng tôi muốn thế. Bởi vì chúng ta nói rằng chúng ta muốn thế”.

Sau khi đọc xong, em cầm lấy và xếp lại với hai tấm phiếu của chúng tôi. — Chúng mình về phòng chơi đi – em nói – Đi nào! Đi nào, cô!

Em chạy vào phòng chơi, dang cánh rộng ra, xoay tròn người, lớn tiếng cười. “Chơi vui quá! Chơi vui quá!” – Em la lớn – “Phòng chơi này thật tuyệt vời!”.

Em chạy lăng xăng, mở vòi nước chảy hết cỡ, đứng lùi lại cười vui vẻ. “Nước. Nước. Nước. Chảy ào ào. Bắn tung tóe. Vui vẻ lên!” Rồi em tắt nước, mỉm cười với tôi, và đi ra chỗ đặt giá vẽ. “Chào thuốc vẽ” – em nói “Mấy người lộn xộn hết rồi hay sao? Đúng rồi. Tôi thấy mấy người lộn xộn hết”.

Rồi Dibs lại với tôi. “Em không sao tưởng tượng nổi” – em nói.

— Em không tưởng tượng nổi cái gì? – Tôi hỏi.

— Tất cả điều này, và cô nữa. Cô không phải là một người mẹ. Cô không phải là một cô giáo. Cô không phải là hội viên của câu lạc bộ chơi bài với má. Cô là ai?

— Em không tưởng ra cô là loại người nào ư?

— Không, em không tưởng tượng được – Dibs nói. Em nhún vai – Nhưng điều đó không có gì là quan trọng – em vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt tôi – Cô là chủ của một phòng chơi tuyệt vời – Em đột ngột quì xuống và lấy những ngón tay vuốt chân tôi và nhìn sát vào vớ đan mà tôi mang – Cô là cô chủ với hàng trăm lỗ nhỏ trên vớ – Em vừa nói vừa phá lên cười.

Em đứng phắt dậy, chạy ra bàn cầm bình chai lên. “Chai con nít” – em nói “Chai con nít thây yêu đầy an ủi. Khi ta cần mi, mi an ủi ta”. Em mút bình chai mấy phút. “Em lại là con nít, em thích bình chai. Nhưng Dibs sáu tuổi không cần mi nữa. Từ biệt, bình chai con nít, từ biệt”.

Em nhìn quanh phòng, tìm ra mục tiêu nơi lò sưởi bằng cát. “Từ biệt bình chai con nít, từ biệt. Ta không còn cần mi nữa”. Em quăng chai vào máy sưởi và nó vỡ tan tành nhiều mảnh. Nước ở trong chai tung tóe trên sàn. Dibs chạy lại cúi xuống xem. “Em thanh toán nó rồi” – em nói.

— Em không cần bình chai con nít nữa và bây giờ em thanh toán nó phải không? – Tôi nhận định.

— Dạ, đúng vậy.

Em ra bể cát và xông xáo đào cát. “Chôn đồ vật. Chôn đồ vật. Chôn đồ vật. Rồi lại đào chúng lên. Nếu thích làm như vậy” – em cười. “Em nói cho cô biết cái này là chất liệu tốt. Nó làm được nhiều việc. Người ta làm kiếng bằng cát. Em đã đọc một cuốn sách trong vấn đề này”.

Em đi ra nhà búp bê. Em thu lượm gia đình búp bê và để chúng trong phòng khác. “ Những người đồ chơi cũ kỹ này. Bây giờ ta từ giã các ngươi. Ta để các người vào phòng khách và các người chờ đợi một đứa trẻ khác đến đây chơi với các người”.

— Sau khi em đi một bạn trẻ khác sẽ đến đây thế chỗ em, có phải không? Dibs nhìn tôi, hỏi.

— Một bạn nhỏ khác sẽ đến phòng chơi – tôi nói.

— Ngoài em, cô còn gặp những trẻ em khác ở đây, phải không cô?

— Phải. Cô gặp những em khác.

— Điều đó sẽ làm cho các bạn ấy được sung sướng.

Em ra cửa sổ và mở cửa ra. Em nghiêng mình ra ngoài và hít thở khí trời. “Qua cửa sổ này em nhìn được cảnh vật bên ngoài” – em nói – “ Em nhìn thấy những xe vận tải, cây cối, máy bay và nhà thờ điểm chuông một, hai, ba, bốn khi tới giờ về”.

Em đi lại chỗ tôi và nói gần như nói thầm, “Ngay cả khi em không muốn về nhà, thì đó vẫn là nhà em”.

Em nắm tay tôi trong tay em. Em nhìn tôi một hồi lâu.

— Em muốn đi xem nhà thờ kia – em nói – Chúng ta có thể ra đó, đi xung quanh nhà thờ rồi vào bên trong xem không cô?

— Cô nghĩ được thôi. Làm chuyện này là điều bất thường, nhưng đây cũng là điều yêu cầu bất thường. Vào buổi cuối cùng, cần thỏa mãn yêu cầu bất thường. Vào buổi cuối cùng, cần thỏa mãn yêu cầu này của Dibs.

Chúng tôi ra khỏi trung tâm và đi xung quanh nhà thờ. Dibs ngước nhìn lên và rất cảm kích vì tầm vóc lớn lao của nhà thờ.

— Bây giờ mình vào đi, xem bên trong nữa – em nói.

Chúng tôi bước lên những bậc thềm. Tôi mở những cánh cửa nặng trĩu và bước vào bên trong. Dibs xem ra bé tí dưới vòm cao chót vót. Em chầm chậm đi theo lối giữa, chạy mấy bước, ngừng lại, nhìn lên và nhìn chung quanh với vẻ sợ sệt và thán phục trên khuôn mặt rạng rỡ. Em rất cảm kích về sự tráng lệ của nhà thờ.

“Em cảm thấy mình rất nhỏ bé” – em nói – “Em nghĩ là em đã teo lại” – Em thong thả quay đi và ngắm nhìn vẻ đẹp quanh mình. “Bà em nói nhà thờ là nhà của Chúa” – em nói – “Cho tới nay em chưa nhìn thấy Chúa bao giờ, nhưng ngài phải lớn lao kinh khủng mới cần tới một ngôi nhà như thế. Và Jacke nói rằng nhà thờ là nơi tôn nghiêm”.

Bỗng em chạy về phía bàn thờ. Em ngửng đầu lại phía sau, dang rộng cánh tay lên về phía những cửa sổ kính màu ở trên chánh điện. Em quay lại nhìn tôi, không nói.

Đúng vào lúc đó, người nhạc sĩ đại phong cầm bắt đầu đàn. Dibs chạy lại kéo tay tôi.

— Mình đi đi! Mình đi đi! Em sợ – Em kêu lên.

— Âm nhạc làm em sợ à? – Tôi hỏi trong lúc chúng tôi đi ra cửa. Dibs đứng lại và ngoái nhìn phía sau. “Khoan, đừng ra vội” – em nói. Chúng tôi dừng lại.

— Em sợ sự lớn lao và em sợ tiếng động – Dibs nói – Nhưng cảnh vật đẹp quá khiến em thấy mình tràn ngập hào quang và vẻ đẹp.

— Sợ nhưng vẫn thích? – Tôi hỏi – Đây là ngôi nhà thờ đẹp.

— Ở đâu ra cái tiếng lạ lùng này? – Em hỏi.

— Có người chơi đại phong cầm và tiếng này là tiếng nhạc đại phong cầm.

Ồ – Dibs nói – Trước đây em chưa hề nghe thứ âm nhạc này. Nó làm cho em thấy lạnh người. Nó làm cho em nổi da gà lên – em cầm chặt tay tôi – Em chưa thấy cái gì đẹp đến thế – em thì thầm.

Nắng chiếu qua những tấm kính màu và những luồng sáng chiếu về phía chúng tôi.

“Đi ra khỏi đây đi” – Dibs nhẹ nhàng nói. Chúng tôi đi ra cửa. Dibs ngoái cổ lại nhìn. Tới cửa em đứng lại. “Cô đợi em chút” – em thì thầm. Em e dè vẫy tay về phía bàn thờ và nói bằng giọng nhỏ nhẹ “Từ biệt Chúa, từ biệt”.

Chúng tôi ra khỏi nhà thờ và trở lại phòng chơi. Trên đường về Dibs không nói một lời nào. Khi chúng tôi về đến phòng chơi em ngồi vào ghế bên cạnh bàn. Em mỉm cười với tôi. “Thực là thích thú” – em nói – “Hôm nay em vào nhà Chúa. Lần đầu tiên”.

Em ngồi lặng lẽ một hồi lâu, nhìn vào những bàn tay chắp lại.

— Cô nói cho em biết – em đột ngột hỏi – Tại sao có những người tin ở Chúa và có những người không tin.

— Cô nghĩ là cô không trả lời nổi câu hỏi này Dibs ạ.

— Nhưng có thật có những người tin và những người không tin không?

— Đúng. Cô nghĩ vậy.

— Bà tin. Nhưng Ba và Má không phải những người tin đạo. Và Jacke tin. Nó nói với em về chuyện này.

— Cô nghĩ là mọi người quyết định lấy. Mỗi người quyết định lấy cho mình.

Sau một hồi yên lặng kéo dài giữa chúng tôi, Dibs hỏi tôi:

— Cô có biết bây giờ em ráng tập gì không?

— Không. Tập gì vậy?

— Em đang ráng tập chơi dã cầu. Ba đang ráng dạy em. Ba và em ra công viên chơi với nhau. Nhưng Ba cũng không phải là người biết chơi. Những trái banh là những đồ vật khó đánh bằng một miếng cây. Và là những vật khó thấy vào nơi mình muốn thấy. Nhưng em sẽ tập chơi, bơi vì tất cả bọn con trai ở trường đều chơi dã cầu và em muốn chơi với tụi nó. Như vậy thì em phải biết chơi. Nên em rất cố gắng. Và em sẽ học được. Nhưng em không thích trò chơi này lắm. Em có thể chơi trò cảnh sát và kẻ trộm giỏi hơn, và em thích chạy băng qua vườn nhà bà cụ Henry. Bà cụ cũng la em.

Chuông báo reo. Mẹ em Dibs đã đến đón em.

— Tạm biệt Dibs. Thật hân hạnh được quen biết em.

— Vâng. Thật hân hạnh. Tạm biệt cô.

Chúng tôi cùng ra phòng tiếp nhận. Em băng qua phòng chạy lại cầm tay mẹ. “Má đây rồi” – em nói – “Con không còn trở lại đây nữa. Hôm nay đến để từ biệt”.

Hai mẹ con cùng nhau ra về – Cậu bé đã có cơ hội tự xác định qua trò chơi và đã vượt lên như một đứa trẻ có khả năng và hạnh phúc, và một bà mẹ cũng đã trưởng thành trong sự hiểu biết và đánh giá đúng mức đứa con tài ba của bà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.