Sa Mạc Nở Hoa

3.



Tôi gọi dây nói cho mẹ em Dibs và xin gặp bà ngay khi nào bà thấy thuận tiện. Bà bảo rất hân hạnh nếu tôi đến dùng trà với bà vào ngày mai, hồi bốn giờ. Tôi nhận lời.

Gia đình bà ở tại một ngôi nhà cổ xây bằng đá màu nâu ở khu phía đông thành phố. Bên ngoài căn nhà được chăm sóc kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Cửa vào được lau chùi chói ngời, viền đồng sáng loáng. Ngôi nhà tọa lạc ở một con đường xưa rất đẹp và có vẻ vẫn duy trì được phong thái của thời xa xưa. Tôi mở cánh cổng sắt, bước lên bực thềm, và nhấn chuông cửa. Qua cửa đóng tôi nghe những tiếng la nghẹn ngào: “Không khóa cửa! Không khóa cửa! Không! Không! Không!” Giọng la chìm vào yên lặng. Một chị người làm mặc đồng phục gia nhân ra mở cửa. Tôi tự giới thiệu. Chị mời tôi vào phòng khách.

Mẹ em Dibs chào đón tôi rất tử tế, nhưng nghiêm nghị. Theo thong lệ chúng tôi nhập đề bằng câu nói về thời tiết và về sự hạnh ngộ được gặp gỡ nhau. Nhà được bày biện đẹp đẽ, ngăn nắp. Phòng khách xem như thể chưa hề có một đứa trẻ nào được chơi ở đây tới năm phút. Thực vậy không có dấu hiệu nào tỏ ra có người đã thực sự sinh sống trong ngôi nhà này.

Trà được mang lên. Bộ đồ trà thật đẹp. Bà không bỏ phí thời giờ vào chuyện.

— Tôi được biết cô được mời làm chuyên viên nghiên cứu trường hợp cháu Dibs. Cô rất có lòng khi nhận lãnh công việc này. Tôi xin thưa để cô biết rằng chúng tôi chẳng mong một phép lạ nào. Chúng tôi đã chấp nhận thảm kịch của Dibs. Tôi được biết chút ít về sự nổi danh và nghề nghiệp của cô và tôi rất tôn trọng công trình nghiên cứu khoa học về hành vi con người. Chúng tôi không mong có những thay đổi nơi cháu Dibs, nhưng nếu nhờ nghiên cứu về đứa trẻ này, cô có đóng góp đôi chút vào sự hiểu biết về hành vi con người, thì chúng tôi rất vui lòng cộng tác.

Không ngờ được. Ở đây với thái độ tôn trọng khoa học, bà cung cấp cho tôi một số dữ kiện để nghiên cứu. Không phải một đứa trẻ gặp khó khăn. Không phải con trai bà. Và bà nói rất rõ là bà không trông chờ một sự thay đổi nào trong các sự kiện. Tôi lắng nghe bà vắn tắt kể cho tôi những chỉ dẫn về Dibs. Ngày tháng năm sinh. Sự chậm tiến bộ. Chậm phát triển rõ rệt. Có thể có liên hệ tới cơ năng sinh lý. Bà ngồi trên ghế hầu như bất động. Căng thẳng. Tự kiềm chế một cách khủng khiếp. Mặt bà tái nhợt. Mái tóc bà rẽ ở giữa, bới thành cụm, thả sau gáy. Mắt bà xanh lợt. Môi bà mím thành vệt dài. Đôi lúc, bà cắn môi một cách bối rối. Áo bà màu thép xám, đơn giản một cách cổ xưa. Bà là một phụ nữ đẹp một cách lạnh lùng. Khó đoán được tuổi bà. Trông bà khoảng trên năm mươi, nhưng cũng có thể còn trẻ hơn nhiều. Bà có một nối nói rành rẽ, thông minh. Bà làm ra vẻ can trường, nhưng rất có thể bà cũng khổ sợ sâu xa và bi thảm như Dibs.

Bà hỏi tôi có chịu khảo sát Dibs tại đây không.

— Phòng ở trên lầu – đàng sau nhà, bà nói – Sẽ không có ai làm cản trở hoặc quấy rầy cô trên đó. Cháu có nhiều đồ chơi lắm. Và chúng tôi sẵn sàng mua thêm những gì cô muốn hay cần.

— Không được đâu, cảm ơn bà – tôi nói – Tốt hơn hết nên để tôi gặp em ở phòng đồ chơi tại Trung Tâm Hướng Dẫn Trẻ Em. Mỗi tuần một buổi, mỗi buổi một giờ.

Sự xếp đặt này rõ ràng làm bà em ngại. Bà nói lại:

— Cháu có nhiều đồ chơi trong phòng. Chúng tôi sẵn sàng trả thù lao cho cô cao hơn nếu cô chịu lại đây.

— Xin lỗi bà, nhưng tôi không làm như vậy được. Và bà không phải trả thù lao.

— Ô, nhưng chúng tôi có khả năng mà – bà vội vàng nói – Tôi xin trả thù lao để cô làm công việc nghiên cứu này.

— Bà tốt quá. Nhưng không phải trả thù lao. Tôi chỉ yêu cầu là làm sao để em đến Trung Tâm đúng giờ và đều đặn. Lẽ dĩ nhiên là trừ khi em bị đau yếu. Và tôi xin bà viết giấy cho phép chúng tôi ghi lại đầy đủ tất cả những cuộc phỏng vấn để chúng tôi tiện việc nghiên cứu. Và tôi cũng xin gởi bà một tờ cam kết là trong trường hợp tài liệu này được dùng để giảng dạy hay báo cáo hoặc ấn hành dưới hình thức nào, thì danh tính sẽ hoàn toàn được đổi khác để không ai có thể nhận ra là trường hợp của em Dibs.

Tôi đưa cho bà tờ cam đoan được thảo ra trước cuộc gặp gỡ này. Bà cẩn thận đọc.

— Được lắm – sau cùng bà nói – Tôi giữ tờ giấy này được không?

— Dạ được. Bà và ông nhà sẽ ký vào tờ cam đoan này, bằng lòng cho chúng tôi ghi lại đầy đủ tất cả các phỏng vấn với điều kiện là tài liệu này sẽ được ngụy trang hoàn toàn nếu đem báo cáo.

Bà lấy mảnh giấy ấy và đọc lại cẩn thận.

— Tôi giữ lại tờ này để bàn với nhà tôi và sẽ gởi bằng đường bưu điện cho cô, nếu chúng tôi quyết định thông qua việc này.

— Xin vâng. Tôi rất mong bà cho biết ý kiến, sau khi đã có quyết định. Bà cầm tờ giấy trên đầu ngón tay. Bà liếm ướt môi. Cuộc thăm viếng này không giống chút nào những cuộc gặp gỡ đầu tiên với những bà mẹ. Tôi cũng cảm thấy ngượng ngập như bà, tìm cách thoái thoát việc gặp con bà trong phòng chơi của nó. Nhưng tôi cảm thấy đây là sự liều lĩnh tôi phải chấp nhận, bằng không Dibs sẽ không đến Trung Tâm.

— Tôi sẽ cho cô biết ngay sau khi chúng tôi quyết định.

— Tôi không hiểu tại sao, khi một gia đình có thể trả một khoản thù lao lớn để cô có thể theo dõi miễn phí cho một đứa trẻ khác mà cha mẹ nó không có khả năng trả nổi, mà cô lại từ chối?

— Bởi vì công việc nghiên cứu của tôi chủ yếu là để tăng cường sự hiểu biết trẻ em – tôi giải thích – Tôi được trả lương để làm công việc đó. Điều này loại bỏ yếu tố thù lao, và tránh cho phụ huynh nghĩ rằng họ được lãnh dịch vụ mà có người không trả. Nếu bà muốn tài trợ cho Trung Tâm để nghiên cứu mà không có ràng buộc nào với trường hợp đặc biệt này, thì tùy ý bà. Công trình nghiên cứu được tài trợ phần lớn theo cách thức này.

— Tôi hiểu rồi. Nhưng tôi vẫn muốn trả thù lao cho cô.

— Tôi biết là bà muốn. Tôi rất cảm động về sự quan tâm của bà. Nhưng tôi chỉ có thể gặp em Dibs với những điều kiện này mà thôi.

Tôi đã nói ra hết. Tôi đã leo ra một cành xa và bà có thể chặt đứt cành ấy với tốc độ của một cái cưa điện. Tôi cảm thấy sâu sắc rằng nếu chúng tôi thắng được cuộc tranh luận nhỏ nhặt này, chúng tôi đã đi được một bước quan trọng trong việc tạo nên trách nhiệm cần thiết lúc ban đầu cho người mẹ. Có lẽ bà vẫn thường lấy tiền để lẫn tránh trách nhiệm phải có với con. Tôi nhất định lần này phải gạt bỏ hẳn yếu tố này.

Bà rất điềm tĩnh trong vài phút. Tay bà chắp lại thật chặt để trên đầu gối. Bà nhìn xuống tay. Bất giác tôi nhớ đến Dibs lăn ra sàn úp mặt xuống đất ngay đơ, thinh lặng. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng bà cũng buồn phiền và lẻ loi như con bà.

Sau cùng bà liếc mắt nhìn tôi, mau chóng nhìn đi chỗ khác, tránh mặt tôi.

— Tôi phải nói với cô điều này. Tôi chỉ có thể đề nghị là cô tiếp xúc với trường để có thêm chi tiết về tình trạng bịnh hoạn của cháu Dibs, tôi không còn gì để nói thêm nữa. Và chính tôi, tôi sẽ không thể đến chỗ cô phỏng vấn được. Nếu cô buộc điều kiện này, thì ngay lúc này tôi đề nghị chúng ta quên hẳn cuộc dàn xếp này đi. Tôi không có gì để nói thêm. Đây là một thảm kịch – một thảm kịch lớn. Cháu Dibs ư? Vâng, đúng là cháu bị thiểu năng. Cháu sinh ra như vậy. Nhưng tôi không thể đến để chịu phỏng vấn hay tra hỏi.

Bà liếc mắt nhìn tôi. Bà có vẻ hoảng hốt khiếp đảm với ý nghĩ chính mình sẽ bị phỏng vấn.

— Tôi hiểu. Tôi tôn trọng ý kiến bà về vấn đề này.

Nhưng tôi xin thưa điều này là nếu có bao giờ bà muốn nói với tôi về Dibs, bà cứ tự nhiên tiếp xúc với tôi. Nhưng tôi để bà toàn quyền quyết định về vấn đề này.

Bà có vẻ thư thái đôi chút.

— Nhà tôi cũng sẽ không lại đâu.

— Được, tùy bà quyết định.

— Khi tôi đưa cháu đến Trung Tâm, tôi sẽ không ngồi chờ đâu. Tôi sẽ trở lại khi hết giờ.

— Thế cũng được. Bà có thể đem em tới và để em ở đó, rồi trở lại đón em khi hết giờ. Hay bà có thể để một người khác đem em lại cũng được, nếu bà muốn.

Sau một hồi yên lặng khá lâu, bà nói thêm:

— Tôi rất đỗi cảm kích về sự hiểu biết và thông cảm của cô.

Chúng tôi uống cạn ly trà. Dorothy được đề cập tới như một chỉ dẫn thêm về gia đình và như một “Đứa trẻ hoàn hảo”. Trong cuộc phỏng vấn này mẹ em Dibs tỏ ra sợ hãi, lo lắng và hoảng hốt hốt hơn chính em trong buổi đầu tiếp xúc.

Tôi có cảm tưởng rõ rệt là Dibs sẽ đáp ứng nhiều hơn là mẹ em. Dibs đã phản đối việc khóa cửa, nhưng một vài cửa ra vào rất quan trọng của cuộc đời mẹ em đã bị khóa chặt rồi. Hầu như đã quá muộn! Bà không làm sao phản đối được nữa. Và sự thật hiển nhiên là trong cuộc phỏng vấn ngắn ngủi này bà đã cố tình khóa thêm một cửa nữa.

Khi tôi ra về bà tiễn tôi ra tận cửa.

— Cô có chắc là cô không thích gặp cháu ở phòng đồ chơi của nó không?- bà hỏi – Cháu có nhiều món đồ chơi đẹp. Và chúng tôi sẵn sàng mua bất kỳ món gì cô có thể cần tới. Tôi xin nhắc lại là bất kỳ thứ gì.

Bà thất vọng thật sự. Tôi cảm thấy thương bà. Tôi cảm ơn bà về sự mời mọc của bà, nhưng một lần nữa tôi thưa với bà là tôi chỉ có thể gặp em tại phòng đồ chơi nơi Trung Tâm.

— Tôi sẽ cho cô biết ngay sau khi chúng tôi có quyết định – bà nói, tờ giấy trên tay rung nhè nhẹ.

Trên đường tới chỗ đậu xe, tôi cảm thấy sự nặng nề, ngột ngạt của gia đình bất hạnh này. Tôi nghĩ tới Dibs với căn phòng đồ chơi trang bị đầy đủ của em. Tôi chẳng cần vào phòng này cũng có thể tin chắc rằng những gì mua được bằng tiền đều có ở đây. Và tôi tuyệt đối biết chắc là có một cửa bóng loáng vững chắc. Và một chiếc khóa thường được khóa chặt.

Tôi tự hỏi không biết có thể kể gì thêm về chuyện Dibs, nếu có bao giờ bà quyết định nói về điều đó. Chắc chắn sẽ không có những câu trả lời trôi chảy để giải thích những liên hệ trong gia đình này. Người phụ nữ này thực sự cảm thấy và nghĩ gì về Dibs, và bà đã giữ vai trò nào trong những ngày thơ ấu của nó, đến nỗi phải khiếp sợ đến thế trước viễn tượng bị phỏng vấn về hoàn cảnh ấy.

Tôi tự hỏi liệu mình đã điều hành tình trạng này một cách có hiệu quả nhất – hay là mình chỉ tạo thêm sức ép khiến bà có thể thoái thoát không cho điều tra về đứa trẻ. Tôi băn khoăn không biết bà và ông chồng bà sẽ quyết định ra sao. Liệu họ có đồng ý với sự xếp đặt mà chúng tôi đã bàn bạc hay không? Liệu tôi có được gặp Dibs hay không? Nếu tôi được gặp em, điều gì sẽ xuất phát từ kinh nghiệm này?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.