Sa Mạc Nở Hoa

9.



Dibs hớn hở bước vào phòng chơi thứ năm tuần kế tiếp. Mẹ em đã gọi dây nói xin cho em sớm mười lăm phút vì bà phải dẫn em đi bác sĩ để chích. Chúng tôi thỏa thuận.

— Em vui vì sự thay đổi thời giờ – em vừa nói vừa cười với tôi.

— Thật không? – tôi hỏi – Tại sao vậy?

— Em vui bởi vì em cảm thấy vui. Em bước tới căn nhà búp bê.

— Em có việc phải làm.

— Việc gì đấy?

— Đây này – em trả lời, chỉ vào căn nhà búp bê.

— Sửa nhà và khóa lại. Khóa cửa lại! Đóng các cửa sổ …Em đi ra chỗ cửa sổ trong phòng chơi và nhìn ra ngoài. Em liếc mắt nhìn tôi. “Trời nắng” – em nói – “Bữa nay ở ngoài ấm lắm. Để em cởi nón, cởi áo ra. Em bỏ nón, áo, vải quấn ống chân ra mà không cần có người giúp, em đem treo ở núm cửa.

— Bữa nay em rất muốn vẽ.

— Việc đó tùy em.

— Vâng. Điều này tùy em.

Em đi ra chỗ đặt giá vẽ. “Em sẽ bỏ hết nắp ra và em bỏ một cây cọ vào mỗi hũ này. Bây giờ em xếp đặt lại cho thứ tự. Đỏ, Cam, Vàng, Xanh da trời, Xanh lá cây – em nói. Em liếc nhìn tôi. “Có những việc tùy thuộc ở em. Những việc khác thì không” – em sôi nổi nói.

— Phải . Cô cho như vậy là đúng.

“Đúng” – em đáp gằn giọng. Em tiếp tục xếp màu vẽ theo thứ tự màu sắc. Rồi em bắt đầu phết những vệt màu trên giấy “Úi cha! Thuốc màu chảy” – em nói – “Bút chì thì không chảy. Vẽ ở đâu thì nó nằm yên ở đấy. Còn màu thì không. Chúng chảy. Em vẽ một đốm màu cam. Thấy không, nó chảy! Rồi một vệt màu xanh lá cây. Nó lại chảy xuôi. Nó chảy xuôi em quệt nó đi”.

Em lại gần và gõ ngón tay vào bức tường lót gương. Đây là căn phòng của người khác ở trong này. Trước, có người ngồi trong này, nhưng hôm nay thì không.

Tôi ngạc nhiên vì câu nói bất ngờ này.

— Em nghĩ vậy à?

— Em biết điều đó. Những tiếng nói nhỏ và những giọng thì thào cho em biết vậy.

Thí dụ nhỏ này cho thấy là trẻ em rất nhạy cảm với những điều xảy ra chung quanh chúng, mặc dù chính lúc đó chúng không nói gì – điều đó đúng với Dibs và đúng với cả chúng ta nữa.

— Cô có biết điều ấy không?

— Có.

Em quay lại chỗ giá vẽ và vẽ thêm những vệt màu trên giấy.

— Đây là những vết, những vạch của những ý nghĩ của em.

— Vậy hả?

— Vâng. Bây giờ em sẽ lôi những tên lính ra. Nhất là tên lính đặc biệt ấy! Trong lúc em từ giá vẽ bước qua thùng cát, em ngừng lại bên tôi và nhìn vào những điều tôi ghi chú. Tôi đã viết tắt những tên màu sắc mà em đã dùng, bằng cách viết chữ đầu của mỗi tiếng, Dibs tìm hiểu những điều ghi chú của tôi …chỉ ghi lại những việc làm của em, mà không ghi lời. Những lời hỏi đó được những người quan sát lặng lẽ điều khiển máy thu băng.

“Ồ, viết cả chữ đi” – Dibs nói – “Đ là đỏ. Đánh vần là Đ – Ỏ. C là cam, C – A – M. V là vàng. V – À – N – G. Em đánh vần những chữ ấy theo cách thức này.

— Bởi vì em có thể viết tên các màu, em nghĩ là cô cũng nên viết hết sao? Em nghĩ là cô có nên viết tắt không, nếu cô thích viết tắt?

—Hừm – Hử? Không. Cô đừng làm vậy. Luôn luôn phải làm mọi việc nghiêm túc. Viết cả chữ ra, làm cho thật đúng.

— Sao vậy?

Dibs nhìn tôi. Em mỉm cười. “Bởi vì em nói vậy”.

—Như thế có đủ lý do không?

— Vâng. Trừ khi cô thích làm theo kiểu của cô – Dibs cười.

Em đi ra phía bàn, lấy nắm đất sét từ trong hũ ra, tung lên trời, bắt lấy, để

lại vô bình. Có một tấm hình nhỏ trên sàn gần sọt đựng giấy vụn. Em nhặt lên, nhìn tấm hình. “Ô này” – em lưu ý – “ Em muốn có tấm hình này. Em muốn cắt ra những hình nhỏ nè, cái kéo đâu?”

Tôi đưa cho em cái kéo. Em cắt hình ra. Rồi em ra chỗ để nhà búp bê.

“Bữa nay em có việc phải làm” – em tuyên bố.

— Em có việc à?

— Vâng.

Rất thận trọng, em gỡ hết những bức vách từ căn nhà búp bê ra và đem chúng sang thùng cát. Em cầm lấy cái xẻng và đào một cái hố sâu trong cát và chôn những bức vách. Rồi em trở lại căn nhà búp bê và với một cái xẻng vững chắc em tách cánh cửa ra vào khỏi nhà búp bê, và chôn nó vào trong. Em làm việc mau mắn, hữu hiệu, lặng lẽ và chăm chú. Sau khi đã làm xong công việc, em nhìn tôi. “Em gỡ hết vách, hết cửa ra” – em nói.

— Có. Cô thấy em làm việc ấy.

Đoạn em gỡ tấm vách mặt tiền của căn nhà búp bê hiện có lối vào mà không có cánh cửa, và ráng dựng đứng tấm vách ấy trên cát. Sau cùng, em thành công. Em chọn lựa một cái xe con và đẩy nó chạy vòng trên cát. Em ngồi chồm hổm trên bờ bể cát, cúi xuống trong một tư thế có vẻ vụng về và không thoải mái.

“Em phải vào hẳn trong thùng cát” – em nói. Em len vào bên trong thùng cát, ngồi vào giữa, nhìn tôi, mỉm cười. “Bữa nay. Em lết xuống cát. Từng chút từng chút một em lọt xuống cát”.

“Cát lọt vào giày em” – em quan sát – “Vậy, để em tháo giày ra”. Em tháo một chiếc giày ra. Em ấn chân sâu xuống cát. Rồi em quay mình nằm sấp trên cát, cọ hai má xuống cát, thè lưỡi ra nếm cát. Em nghiền nát giữa hai hàm răng. Em ngước nhìn tôi.

Chà, cát dòn và chích, nếm chẳng có mùi vị gì. Có phải vô vị là như thế này không? Em bốc lấy một nắm cát và để nó chảy xuống đầu, xoa cát trên tóc. Em cười. Bỗng nhiên, em giơ cao chân lên. “Coi nè” – em la lớn – “Vớ em có lỗ. Một chân em mang vớ lủng!”

— Cô cũng thấy thế.

Em nằm duỗi dài trong thùng cát. Em lăn qua lăn lại. Em lún xuống cát, và với hai tay em bốc cát đắp lên mình. Cử chỉ của em tự do, cởi mở, thoải mái. “Đưa cho em bình sữa” – em ra lệnh. Tôi đưa cho em “Em coi như đây là cái nôi nhỏ của em” – em nói. Em cuốn mình lại như trái banh đẹp đẽ, và em làm như mình còn bé. Em làm theo lời nói, mãn nguyện mút bình chai. Đột nhiên, em ngồi lên, cười với tôi.

— Em sẽ hát cho cô nghe. Em sẽ sáng tác một bài ca và hát cho một mình cô nghe nhé!

— Được.

— Được. Cứ việc nghĩ nếu em thích. “Em sẽ đặt lời trong khi hát” – Em cười

— Được lắm.

Em thở thật sâu. Rồi em bắt đầu hát. Dường như em cũng đang sáng tác nhạc. Giọng em trong sáng, du dương và dịu dàng. Âm nhạc tương phản với lời mà em đặt. Em chắp tay lại. Vẻ mặt của em nghiêm trọng. Trông em như một cậu bé trong ca đoàn. Mặc dù những lời của em không giống ca đoàn chút nào.

“Ồ, em ghét – ghét – ghét” – em hát – “Ghét những bức vách, ghét những cánh cửa khóa, ghét người xô đẩy em vào. Em ghét nước mắt, ghét lời cay đắng. Em sẽ giết hết với chiếc rìu con, đập dập nát xương, nhổ lên trên đó”. Em bới cát lên, nhặt một tên lính, lấy búa cao su nện và nhổ lên nó. “ Ta nhổ vào mặt mi. Ta nhổ vào mặt mi. Ta vùi đầu mi sâu trong cát” – em hát. Giọng em rung lên ngọt ngào, thánh thót. “Và những cánh chim từ Đông bay về hướng Tây – em muốn thành chim – em sẽ bay xa vượt những bức tường, thoát ra khỏi cửa, xa, xa, xa hẳn kẻ thù. Em bay, bay vòng quanh thế giới, rồi về với cát, trở lại phòng chơi, về với bạn bè. Em đào xuống cát. Em vùi xuống cát. Em hất cát lên. Em chơi trong cát. Em đếm hạt cát. Em lại trở thành trẻ thơ”.

Em lại mút bình chai. Em cười với tôi.

— Cô có thích bài ca của em không?

— Đúng là một bài ca khác thường.

— Vâng. Đúng là bài ca khác thường.

Em bước ra khỏi thùng cát, đi về phía tôi, nhìn vào đồng hồ của tôi. “Còn mười phút nữa” – em nói, và đưa mười ngón tay lên.

—Vâng. Mười phút nữa.

— Cô, cô đang nghĩ còn mười phút nữa thì đến giờ về.

— Đúng. Đó là điều cô nghĩ. Em nghĩ thế nào?

“ A ha!” – em reo. “Cô muốn biết à? Được, em nghĩ, sắp đến giờ về. Em sẽ lấy hết lính ra. Hai người này có súng. Và chiếc máy bay này, giống như con chim. Máy bay, bay, ồ, máy bay, đầy cát. Bay vòng quanh, bay vòng quanh. Bay cao đến tận trời!” Em chạy chung quanh phòng chơi, cầm chiếc máy bay thật cao, di chuyển duyên dáng và nhịp nhàng. “Ồ máy bay, hãy nói cho ta biết! Mày có thể bay cao tới mức nào? Mày có thể bay cao tới trời xanh không? Có thể bay vượt lên vòm trời hay không? Hãy nói cho ta, chiếc máy bay khả ái, mày có bay khả ái, mày có bay được không? Hỡi máy bay …” Đột ngột, em ngưng mọi hoạt động, em chú ý lắng nghe. Em buông chiếc máy bay rơi trên cát. Mọi hớn hở vui tươi nơi em đột nhiên biến mất.

“Có con Dorothy” – em nói. Em lại chỗ thùng cát, leo vô, và với cái xẻng đào cánh cửa và những tấm vách của căn nhà búp bê. “Những cái này chưa chôn được” – em nói. Em ngước nhìn lên nhìn tôi, sự buồn phiền làm môi em mím, trán em nhăn.

— Bây giờ còn chín phút nữa phải không? – Em hỏi tôi, giọng êm buồn thiu.

— Không. Chỉ còn năm phút nữa.

— Hả? – Dibs nói, đưa năm ngón tay lên – Bốn phút kia đi đâu rồi?

— Em không nghĩ đến bốn phút đã qua rồi ư?

— Sắp đến giờ về rồi. Dù em không muốn về. Dù thế nào đi nữa, thì cũng tới lúc báo cho chúng ta biết là hết rồi.

— Phải, dù sao thì cũng hết giờ rồi. Có tiếng máy xe vận tải chạy.

— Kìa xe vận tải chạy kìa. Cô có nghe thấy không?

— Cô nghe chứ.

— Cũng đến giờ xe vận tải ra về.

— Phải, cô cũng nghĩ như vậy.

— Có lẽ xe vận tải cũng không muốn về?

— Có thể là như vậy.

— Còn mấy phút nữa cô nhỉ?

— Ba phút.

Dibs cầm tấm cửa của căn nhà búp bê trong tay và nhìn nó.

— Em phải lắp cánh cửa này vào căn nhà và khóa tất cả cửa lớn, cửa sổ lại. Cây búa đâu để đóng đinh cánh cửa?

— Không có cái búa nào ở đây cả. Em cứ để lại trên kệ – hay ở trong căn nhà búp bê, nếu em muốn. Ông bảo vệ sẽ gắn vào sau.

Dibs đặt tấm cửa lên mặt bàn, thay đổi ý kiến, dời nó đi và cất vào trong căn nhà búp bê. Em đóng những cửa sổ của căn nhà.

“Cô giúp em mang giày với” – em vừa nói vừa đưa chiếc giày cho tôi rồi ngồi xuống chiếc ghế con để tôi xỏ giày cho. “Giúp em mang nón, mang áo với” – em nói. Bỗng em trở thành bất lực. Tôi giúp em.

Mọi người đều ngủ trong nhà – em nói – Và bên ngoài là đêm đầu xuân … Vào giờ tối thui và họ ngủ và nói rằng họ sẽ ngủ và ngủ nữa, ngủ ở đây có lúc ấm, có lúc lạnh, nhưng luôn luôn an toàn. Ngủ và chờ đời. Ngủ và chờ đợi. Và lắp vào căn nhà của họ một thứ cửa khác. Một cái cửa bất kỳ lúc nào mình bước tới là mở tung. Không khóa. Không chìa. Không đóng sập lại. Và bây giờ thì em xin từ biệt – Dibs nói thêm, đứng trước mặt tôi, nhìn tôi, nghiêm trang – Cô nhớ cho nhé. Em sẽ trở lại.

— Ờ. Em sẽ trở lại. Cô vẫn nhớ mà.

Dibs nhìn thấy hình một con vật nhỏ cắt từ tờ giấy, bỏ vào sọt rác.

— Em xin tấm hình này – em vừa nói vừa nhặt lên – Em xin được không?

— Được.

— Cô nói thế này nhé: Được, Dibs, em có thể lấy đem về nhà. Nếu đó là điều mà em thích, Dibs, thì hay lắm.

— Được, Dibs , em có thể lấy đem về nhà – tôi nhắc lại đúng lời em – Nếu đó là điều mà em thích, Dibs, thì hay lắm.

Dibs mỉm cười, em đưa tay vỗ nhẹ vào tay tôi. “Thật là tốt!” – em nói. Em mở cửa bước một bước ra hành lang, rồi lùi lại và nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay của tôi. Em với năm đấm cửa và dập cửa thật mạnh. “Chưa” – em nói

– “Chưa tới giờ. Mới bốn giờ mười lăm. Em đợi tới lúc chuông nhà thờ vang lên”.

— Bữa nay em tới sớm nên phải về sớm. Em ở đây cả giờ rồi.

Dibs đăm đăm nhìn tôi lâu cả phút.

— Em đến có sớm hơn, nhưng giờ ra về vẫn vậy – em tuyên bố.

— Không. Bữa nay giờ về cũng phải sớm chứ.

— Ồ không. Em đến sớm, nhưng em không về sớm.

— Có. Em về sớm. Bởi vì hôm nay em phải đi bác sĩ. Em nhớ ra chưa?

— Nhớ ra không có dính líu gì đến việc này cả.

— Bây giờ em không muốn về. Nhưng …

— Đúng vậy – Dibs nói tranh lời tôi. Em nhìn tôi thăm dò.

— Em có chắc như vậy không?

Em thở dài

— Em dám chắc như vậy. Thôi được, bây giờ em về.

Em hy vọng bác sĩ lấy kim chích Dorothy và em hy vọng ông ta làm đau cho nó phải la, phải khóc, và trong bụng em cười, em sung sướng vì nó bị đau. Em giả bộ như là em không quan tâm đến chuyện ấy. Chào cô, thứ năm tới em lại gặp cô.

Dibs đi dọc dãy hành lang và vào phòng tiếp nhận nơi má em và Dorothy đang đợi em. Em làm ngơ như không biết có em gái, cầm tay mẹ, rời khỏi Trung Tâm không nói với ai nửa lời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.