Sa Mạc Nở Hoa

17.



Sáng hôm sau mẹ em Dibs gọi điện thoại xin gặp tôi. Tôi vui vẻ thu xếp gặp bà ngay hôm ấy. Bà vào văn phòng tôi với sự hăm hở được kiềm chế. Sự diễn đạt tự phát lòng thân thiết của Dibs bữa trước đã kéo bà ra khỏi thế tự vệ kiên cố.

— Chúng tôi thật lòng biết ơn cô – bà nói – Cháu Dibs đã thay đổi rất nhiều. Cháu không còn là đứa trẻ trước đây nữa. Tôi chưa bao giờ thấy cháu để lộ tình cảm một cách tự do như bữa qua khi chúng ta chia tay. Tôi – tôi cảm động hết sức.

— Tôi biết chứ, thưa bà.

“Cháu khá lắm rồi” – bà nói. Mắt bà ánh lên vẻ hạnh phúc, nụ cười nở trên môi. “Bây giờ cháu bình thản, vui vẻ hơn. Cháu không còn có những cơn giận hờn nữa. Hầu như cháu không còn mút ngón tay cái nữa. Cháu nhìn thẳng vào mặt chúng tôi. Phần nhiều cháu trả lời khi chúng tôi nói với cháu. Cháu tỏ ra quan tâm đến những gì đang diễn ra trong gia đình. Đôi khi cháu chi với em gái cháu khi con nhỏ này ở nhà. Không phải lúc nào nó cũng chơi đâu, nhưng đôi lúc. Cháu bắt đầu tỏ ra quyến luyến tôi đôi chút. Đôi khi cháu lại gần tôi và nói lên ý nghĩ của cháu. Hôm trước cháu vào bếp nơi tôi đang làm bánh và bảo. “Con thấy má đang bận làm bánh. Bánh má làm ngon lắm. Má làm bánh cho chúng mình”. Chúng mình, tôi nghĩ là cháu đã bắt đầu cảm thấy là cháu thuộc về gia đình. Và tôi nghĩ …phải, tôi nghĩ tôi bắt đầu cảm thấy cháu là một người trong gia đình chúng tôi.

“Tôi không biết có chuyện gì trục trặc giữa chúng tôi. Ngay từ đầu tôi thất bại với cháu. Tôi cảm thấy hoàn toàn thất bại và bị đe dọa. Dibs đã hủy hoại hết những gì là của tôi. Cháu đe dọa cuộc hôn nhân của tôi. Cháu chấm dứt sự nghiệp của tôi. Tôi tự hỏi mình đã làm gì để gây nên sự khó khăn cho chúng tôi? Tại sao tất cả vấn đề này đã xảy ra? Tôi có thể làm gì bây giờ để điều chỉnh tình trạng? Tôi không ngừng tự hỏi tại sao? Tại sao lại như vậy?

Tại sao mẹ con tôi lại tranh chấp với nhau như vậy? Tới mức độ mà Dibs hầu như bị hủy diệt. Tôi còn nhớ khi tôi thưa chuyện với cô lần đầu tôi nằng nặc cả quyết là cháu bị thiểu năng. Nhưng tôi biết là cháu không bị thiểu năng. Tôi đã dạy cháu, trắc nghiệm cháu và cố gắng bắt cháu phải có tác phong bình thường từ khi cháu mới hai tuổi. Làm tất cả công việc ấy nhưng không thực sự có giao cảm giữa hai bên. Bao giờ cũng thông qua sự vật. Tôi không biết cháu làm gì ở đây trong phòng chơi. Tôi không biết cô có nhận ra dấu hiệu nào về tất cả những điều mà cháu biết và có thể làm không? Cháu đọc được hầu như bất kỳ tài liệu nào cháu bắt gặp. Cháu có thể viết và viết đúng chính tả. Cháu giữ lại bất kỳ những gì cháu lưu tâm tới. Cháu có những cuốn sách để dán các loại cây và lá cây. Cháu ép hoa. Cháu có một phòng đầy sách vở, tranh ảnh, những đồ vật nhờ đó cháu có thể học hỏi, những trò chơi có tính giáo dục, các đồ chơi, những tài liệu khoa học. Một máy hát. Một sưu tập lớn dĩa hát. Cháu thích nghe nhạc – nhất là nhạc cổ điển. Cháu có thể nhận ra bất kỳ đoạn nào trong dĩa nhạc. Tôi biết điều này bởi vì cháu sẽ nói đó là đoạn nào khi tôi cho nghe một đoạn, và hỏi cháu. Tôi để dĩa hát rồi tắt máy sau một đoạn, và hỏi cháu đó là đoạn nào và cháu gọi đúng tên. Tôi dành nhiều giờ mở nhạc cho cháu nghe, diễn giải cho cháu về những dĩa nhạc ấy – và thực sự không biết là cháu có hấp thụ không. Tôi đã đọc cho cháu nghe cả mấy trăm cuốn sách, trong lúc cháu, giải thích cho cháu nghe về mọi điều quanh cháu. Nói đi, nói lại, nói tới, nói lui chỉ có điều khích lệ duy nhất là cháu chịu ngồi gần để nghe và nhìn vào những món đồ tôi chỉ cho cháu.

Bà thở dài và lắc đầu buồn bã. “Tôi phải tự chứng minh với mình một điều gì đó” – bà nói – “Tôi phải chứng minh là cháu có thể học được. Tôi phải chứng minh là tôi có thể dạy được cháu. Nhưng tác phong của cháu như thế nên tôi không biết là cháu hấp thụ được bao nhiêu và nó có ý nghĩa tới mức nào. Tôi thấy cháu lụi hụi cắm cúi trên những món đồ mà tôi cho cháu, khi cháu một mình trong phòng và tôi tự nhủ. “Cháu sẽ không làm như vậy nếu những cái đó vô nghĩa đối với cháu. Nhưng tôi không dám chắc lắm”.

“Bà cực kỳ bối rối và mâu thuẫn trong tình cảm của bà đối với em” – Tôi nhận định – “Trắc nghiệm, quan sát, tự nghi ngờ và nghi ngờ Dibs. Hy vọng và thất vọng, cảm thấy thất bại và muốn bù đắp bằng cách nào đó”.

“Vâng” – bà nói – “Luôn luôn thử cháu. Luôn luôn nghi ngờ khả năng của cháu. Ráng gần gũi cháu hơn và kết quả bao giờ cũng chỉ là xây thêm những bức tường ngăn cách giữa hai bên. Và cháu cũng chỉ có hành động cầm chừng để cầm chân tôi ở mức đó thôi. Tôi không nghĩ là có đứa trẻ nào bị hành hạ tới mức ấy, vì những yêu sách đòi hỏi cháu không ngừng là phải vượt qua được hết trắc nghiệm này đến trắc nghiệm khác – luôn luôn và luôn luôn phải chứng tỏ là cháu có khả năng. Cháu không được yên ổn. Trừ khi bà cháu đến chơi. Bà với cháu hợp nhau lắm. Với bà, cháu được thư thái. Cháu không nói nhiều với bà. Nhưng cháu thế nào thì bà nhận thế ấy và bà luôn luôn tin ở cháu. Bà thường bảo tôi rằng nếu tôi cứ việc thoải mái và đừng xía vô chuyện của nó thì rồi nó sẽ đâu ra đấy. Nhưng tôi không tin. Tôi cảm thấy là tôi phải đền bù lại tất cả những khuyết tật mà tôi đã gây cho cháu. Tôi cảm thấy trách nhiệm là để cháu ra thế này. Tôi cảm thấy có tội”.

Bất chợt bà òa khóc. “Tôi không biết tại sao tôi đã gây khổ cho cháu” – bà than. “Sự thông minh của tôi biến đâu hết. Tác phong của tôi thiếu tự chủ và hoàn toàn không hợp lý. Tôi có thể thấy chứng cớ mà tôi tìm kiếm là bên dưới cái tác phong kỳ quặc ấy, cháu có khả năng. Và tôi không thể tự nhận với mình là đã gây nên những khó khăn cho cháu. Tôi không thể thừa nhận là mình đã hắt hủi con. Chỉ có bây giờ tôi mới dám nói ra điều này vì tôi không còn hắt hủi cháu nữa. Dibs là con tôi và tôi hãnh diện vì cháu”. Bà nhìn tôi dò xét.

— Việc thừa nhận những tình cảm của bà đối với Dibs cực kỳ khó khăn. Nhưng bây giờ tình cảm của bà đã thay đổi và bà đã chấp nhận em, tin tưởng nơi em, và hãnh diện vì em, có phải không? – Tôi hỏi.

Bà gật đầu mạnh mẽ.

— Để tôi chỉ cho cô thấy những việc khác mà cháu có thể làm được. Cháu có thể đọc, viết, đánh vần, quan sát đồ vật. Và những bức tranh cháu vẽ thật là độc đáo. Để tôi trình cho cô những bức vẽ của cháu.

Bà bỗng đưa ra một cuộn giấy mà bà mang theo. Bà gỡ sợi dây thun, mở tranh ra và đưa cho tôi. “Cô xem đi” – bà nói – “Cô nhìn xem chi tiết và bối cảnh”.

Bà trải những bức tranh trước mặt và nghiên cứu. Rồi bà nhìn tôi bằng cặp mắt lo âu. “Quá bất thường” – bà bình tĩnh nói – “Cái khả năng kỳ lạ này làm tôi lo lắng nhiều. Tôi khốn khổ với ý nghĩ là cháu có thể bị tâm thần phân liệt. Và nếu đúng như thế, thì liệu cái tài phi thường và ưu việt ấy có giá trị gì không? Nhưng bây giờ thì tôi hết sợ điều này rồi. Cháu bắt đầu có tác phong bình thường hơn”.

Bà mẹ này có học y khoa và biết rằng sự chẩn đoán của bà có thể là đúng. Cái tác phong bất thường mà bà đã áp đặt lên Dibs đã khiến em xa rời gia đình em và xa những đứa trẻ, những người lớn khác mà em đã gặp ở trường. Khi một đứa trẻ bị cưỡng bức phải tự chứng tỏ là mình có khả năng, kết quả thường rất tai hại. Một đứa trẻ cần được yêu thương, được chấp nhận và hiểu biết thông cảm. Nó bị hủy hoại khi gặp phải sự hắt hủi, nghi ngờ và thử sức không ngừng.

— Tôi vẫn còn bị lúng túng về nhiều điều – bà nói. Nếu Dibs quả là có biệt tài, tài đó không nên để mai một. Những thành quả của cháu phải là điều đáng hãnh diện.

— Tất cả những thành quả này đối với bà rất có ý nghĩa dù bà vẫn còn bối rối về sự phát triển toàn diện của em có phải không?

— Vâng – bà đáp – Những thành quả của em rất quan trọng. Đối với cháu cũng như đối với tôi. Tôi còn nhớ năm cháu được hai tuổi. Đó là lúc cháu học được. Ba cháu nói là tôi điên khi tôi nói cho ông biết là Dibs có thể đọc được. Ông nói không có đứa trẻ hai tuổi nào có thể học đọc được, nhưng tôi biết cháu có thể đọc được. Tôi đã dạy cháu đọc.

— Em đã đọc như thế nào?

“ Tôi đã tìm cho em hai bộ chữ cái. Những chữ được cắt rời ra. Tôi chỉ cho cháu xem từng chữ, bảo cháu chữ đó là chữ gì và âm của từng chữ. Tôi sắp xếp chữ theo thứ tự và cháu ngồi đó mà ngó. Rồi tôi xóa đi và bảo cháu xếp lại như tôi đã xếp. Nhưng cháu chạy ra khỏi phòng. Tôi lại xếp chữ theo thứ tự và để cái hộp chữ cái kia bên cạnh. Rồi tôi bỏ đi và cháu trở lại. Tôi cầm những chữ cái khác và ráp lại với bộ kia, chỉ cho cháu chiều đúng của chữ và nói cho biết tên mỗi chữ. Xong tôi lấy bộ chữ cái thứ hai và lại bảo cháu lắp ráp. Cháu lại chạy khỏi phòng và tôi cũng bỏ đi, biết rằng cháu sẽ trở lại xem nếu tôi để một mình cháu. Rồi tôi làm lại cũng điều ấy, lần thứ ba, khi tôi bỏ cháu lại một mình, cháu ráp chữ. Và chẳng bao lâu cháu có thể tự lắp ráp chữ theo thứ tự.

“Tôi kiếm những bức hình của đủ mọi loại đồ vật và bảo cho cháu biết mỗi bức hình chỉ cái gì và viết tên đồ vật và giải thích chữ đó cho cháu. Tôi ráp những tên ấy với những chữ cái đã cắt. Chẳng bao lâu Dibs cũng làm việc ấy, viết tên ấy ra và để cái ảnh đúng tên chữ. Phải, đó là việc đọc. Xong tôi kiếm cho cháu những cuốn truyện nhỏ và đọc đi đọc lại cho cháu nghe. Tôi kiếm cho cháu những dĩa hát ghi âm những bài vừa chơi vừa hát, những truyện ngắn, những bài thơ. Lúc nào tôi cũng thử nghiệm những điều mới. Cháu học cách sử dụng máy ghi âm. Cháu học cách đọc tên những dĩa hát. Tôi bảo “Lấy cho má dĩa hát về chiếc xe lửa nhỏ”. Cháu lục đống dĩa hát và trở lại với cái dĩa đúng để trên bàn trước mặt tôi. Và luôn luôn bao giờ cháu cũng đúng. Tôi nói “Con đem lại cho má dĩa nói về cây”. Cháu đem lại. Và bất kỳ dĩa nào tôi yêu cầu. Sau một thời gian ba cháu đồng ý là có lẽ cháu đọc được. Cháu chúi mũi vào sách. Rồi đôi khi ba cháu đọc cho cháu nghe. Ông làm gì cũng thấu đáo và giải thích cặn kẽ về mọi vật. Rồi ông để lại những đồ vật ấy cho Dibs xem cho tới khi ông trở lại phòng lấy lại đồ. Rồi tôi bắt đầu dạy số và cháu học rất nhanh. Cháu lầm bầm nói và tôi cảm thấy là cháu đang nói với chính mình. Nhưng thực sự không bao giờ có sự giao cảm thật giữa chúng tôi. Vì thế mà tôi lo lắng về cháu”.

Giọng bà rơi vào yên lặng. Bà nhìn qua cửa sổ một hồi lâu. Tôi không nói gì cả. Bức tranh mà bà phác họa về cuộc đời bà với Dibs thật dễ sợ. Thật là kỳ diệu, đứa trẻ ấy vẫn còn giữ được sự nguyên vẹn và sự cảm thụ của mình. Áp lực mà em đã phải chịu, đủ mạnh để đẩy bất kỳ một em nhỏ nào vào thế lẩn tránh tự vệ. Bà đã chứng minh với chính mình là Dibs có thể hoàn tất được những công việc mà bà đặt ra cho em. Nhưng bà cảm thấy sự liên hệ thân tình với con. Cái lối khai thác tài ba của con bất kể đến cuộc đời tình cảm thăng bằng của nó có thể hủy hoại nó.

“Chúng tôi gởi cô em gái đi học xa nhà – ở trường bà dì tôi – để tôi có thể dồn hết tâm trí vào Dibs” – bà nói bằng một giọng trầm trầm. “Ngay đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao tôi lại nghĩ là những thành quả này quan trọng đến thế. Lúc cháu còn là một trẻ nít, tôi đã bắt đầu cưỡng bách cháu phải tự chứng minh với tôi. Tại sao tôi không để Dibs được là một đứa trẻ? Con tôi! Và vui vẻ với cháu. Tôi nhớ là đã nói với cô là nó từ khước tôi. Tại sao? Tại sao tôi đã từ khước chính tình cảm của mình? Tại sao tôi lại trút lên đầu Dibs mối liên hệ căng thẳng mỗi ngày một gia tăng giữa nhà tôi và tôi? Chúng tôi chống lại mọi ý nghĩ là mình có lỗi. Mặc cảm tội lỗi, thất vọng, chán nản, thất bại. Đó là những tình cảm của chúng tôi, và chúng tôi không bao giờ chịu nổi. Chúng tôi đổ lỗi cho Dibs. Tội nghiệp cho cháu. Bất kỳ có chuyện gì bất ổn giữa chúng tôi với nhau là lỗi của cháu. Cái gì cũng là lỗi của cháu cả. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi rồi đây có bao giờ đền bù lại cho cháu được không?

— Có nhiều tình cảm vướng mắc sâu đậm trong mối liên hệ này – tôi nói – Bà đã gọi tên chúng ra. Bà đã nói đến những tình cảm của bà trong quá khứ. Còn tình cảm của bà hiện nay ra sao?

— Tình cảm của tôi đã thay đổi – bà thong thả nói – Tình cảm của tôi đang thay đổi. Tôi hãnh diện về Dibs. Tôi thương cháu. Bây giờ cháu đã thay đổi. Cháu phải thay đổi trước nhất. Cháu phải rộng lượng hơn tôi. Và tình cảm và thái độ của ba cháu cũng đã thay đổi. Tất cả ba chúng tôi đều xây những bức tường cao quanh mình. Không phải chỉ có Dibs. Cả tôi nữa. Và cả nhà tôi nữa. Và nếu những bức tường này sụp đổ – và quả là chúng đang sụp đổ thì chúng tôi sẽ hạnh phúc hơn, thân thiết hơn.

— Những thái độ và tình cảm quả có thay đổi – tôi nói – Tôi đoán rằng bà đã kinh nghiệm được điều đó.

Có lẽ bà được chấp nhận đúng như con người thật của bà và bà cảm thấy không còn bị đe dọa ở tư thế làm mẹ nữa, nên bà đã có thể đào sâu những tình cảm của mình để khám phá và thấu hiểu nhiều điểm quan trọng. Có rất nhiều trường hợp một đứa trẻ không được nhận vào trị liệu nếu cha mẹ từ khước không chịu tham dự và chính họ không chấp nhận sự trị liệu cho chính bản thân họ. Không ai biết là đã bao nhiêu trẻ bị cho về vì yếu tố này. Thật là hữu ích nếu cha mẹ chịu đến và và tìm ra phần trách nhiệm của mình trong những vấn đề liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ có thể đồng ý xin trị liệu nhưng lại có tính đề kháng rất cao nên ít có kết quả. Nếu họ chưa sẵn sàng đón nhận thứ kinh nghiệm này thì ít có thể trông mong gì ở sự trị liệu. Tính phòng vệ nơi một người bị đe dọa có thể không sao khắc phục nổi. May mắn cho Dibs, cha mẹ em đủ nhạy cảm đối với em và chính họ cũng thay đổi trong sự hiểu biết và tôn trọng sự biến đổi của em. Không những chỉ có Dibs tìm ra được chính mình mà cả cha mẹ em nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.