Sa Mạc Nở Hoa

4.



Mấy tuần lễ sau đó tôi không nhận được tin tức của mẹ em Dibs. Tôi gọi điện thoại đến trường và hỏi cô hiệu trưởng có nghe cha mẹ em nói gì không. Bà nói cũng không được tin tức gì cả. Tôi hỏi về Dibs. Bà cho biết là mọi việc vẫn như thường lệ vậy thôi. Dibs đi học đều. Nhà trường, dù muốn hay không, vẫn phải chờ, hy vọng những buổi trị liệu bằng đồ chơi sớm bắt đầu.

Rồi một buổi sáng tôi nhận được tấm giấy do cha mẹ em ký, cho phép tôi ghi lại những buổi trị liệu. Có hàng chữ ngắn xác định sự vui lòng cộng tác trong việc chúng tôi nghiên cứu về đứa trẻ và đề nghị chúng tôi gọi điện thoại cho họ và sắp xếp những buổi hẹn hàng tuần cho Dibs.

Tôi hẹn phỏng vấn em vào chiều thứ năm hàng tuần tới ở phòng trị liệu tại Trung Tâm.

Nhiều người trong chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Gia đình này không phải phải quyết định dễ dàng đâu. Người ta tự hỏi về ý nghĩa của sự chần chờ này, nhưng có thể tưởng tượng được sự dằn vặt, lo lắng của cha mẹ khi suy nghĩ xem họ phải đối phó thế nào. Và còn Dibs nữa, nó sẽ ra sao? Liệu họ có quan tâm đến tương lai của em, cố gắng nghĩ tới những kết quả có thể có được, nhờ đánh giá lại khả năng của em hay không? Chắc chắn họ đã cân nhắc mọi khía cạnh liên hệ tới cuộc mạo hiểm này.

Dibs đến mau mắn Trung Tâm cùng với mẹ. Bà bảo người tiếp khách rằng bà sẽ trở lại đón con một giờ sau, rồi để nó lại trong phòng chờ. Tôi ra đón em. Em đứng lì ở chỗ mẹ dẫn vào, đội nón, mặc áo khoác, đeo găng, đi ủng.

Tôi ra chỗ em đứng:

— Chào em Dibs. Hân hạnh gặp lại em. Mình lại phòng đồ chơi đi. Phòng ở cuối dãy hành lang này.

Dibs đưa tay lên, lặng lẽ nắm tay tôi. Chúng tôi đi theo hành lang đến phòng đồ chơi.

— Đây là một phòng chơi khác – tôi nói với em – Phòng này cũng như phòng ở trường em mà cô gặp em mấy tuần trước.

— Vâng – em ngập ngừng nói.

Phòng chơi này ở tầng trệt. Căn phòng rực rỡ ánh nắng. Căn phòng này hấp dẫn hơn căn phòng ở trường nhưng đồ trang bị thì chủ yếu cũng vậy. Nhưng khung cửa sổ trông ra sân đậu xe và bên kia bãi xe có một ngôi nhà thờ lớn xây cất bằng đá xám.

Khi chúng tôi bước vào phòng đồ chơi, Dibs chậm rãi đi vòng quanh, sờ mó những đồ vật, gọi tên những đồ vật bằng giọng tra hỏi mà nó đã dùng trong lần đầu đến phòng đồ chơi.

“Thùng cát? Giá vẽ? Ghế? Thuốc vẽ? Xe hơi? Búp bê? Nhà búp bê?” Sờ tới vật nào em đều kêu tên theo cách ấy. Rồi em đổi giọng đôi chút, “Đây là xe hơi à? Đây là xe hơi. Đây là xe cát à? Đây là cát. Đây là thuốc vẽ à? Đây là thuốc vẽ”.

Sau khi em đã đi hết một vòng, tôi nói:

— Phải. Có nhiều đồ vật khác nhau trong phòng này, phải không? Em đã sờ và kêu tên hầu hết các đồ vật rồi.

— Đúng – em nhẹ nhàng nói.

Tôi không muốn hối em. Để em có đủ thời giờ nhìn quanh và dò xét. Mỗi đứa trẻ đều cần có thời gian để khám phá thế giới trong đó nó sống.

Em đứng lại giữa phòng.

— Nè, Dibs! Bỏ nón, bỏ áo ra chứ.

— Vâng. Cô cởi áo, bỏ nón cho Dibs – Em nói vậy nhưng không mảy may nhúc nhích.

— Vậy là em muốn cởi áo, cởi nón phải không? Được lắm Dibs. Làm đi. Cởi ra.

— Cởi cả găng tay, cả ủng nữa.

— Được. Cởi cả găng, cả ủng nữa, nếu em muốn.

— Vâng – em nói, giọng thì thầm.

Em đứng đó bối rối kéo tay áo tôi. Em bắt đầu rên rỉ. Em đứng trước mặt tôi, gục đầu xuống, rên rỉ.

— Em muốn cởi áo ra, nhưng em muốn cô giúp em, có phải không?

— Vâng ạ – Có tiếng nức nở trong tiếng trả lời của em.

Tôi ngồi xuống một chiếc ghế nhỏ và nói “Được rồi, Dibs. Nếu em muốn cô giúp em cởi áo, cởi nón, em lại đây cô sẽ giúp”. Điều này là việc làm có dụng ý. Tôi tình nguyện giúp em, nhưng ngồi yên một chỗ để em phải tự nguyện giúp em, nhưng ngồi yên một chỗ để em phải tự nguyện đi ít bước nếu muốn giúp.

Em ngập ngừng đi lại phía tôi. “Cả ủng nữa” – em nói giọng khàn khàn.

— Được rồi. Chúng ta cởi cả đôi ủng ra nữa – tôi nói.

— Cả găng tay – Em vừa nói vừa đưa tay ra.

— Được. Cả găng tay nữa.

Tôi giúp em cởi găng, cởi nón, cởi áo, tháo ủng. Tôi bỏ găng vào túi áo khoác của em, đưa áo, đưa nón cho em. Em bỏ rơi xuống sàn. Tôi nhặt lên máng vào nắm đóng cửa.

— Chúng ta treo lên dây cho tới giờ ra về – tôi nói – Chúng ta sẽ ở trong này với nhau một giờ, rồi sẽ tới giờ em về.

Em không đáp. Em đi lại chỗ đặt giá vẽ và nhìn những ống thuốc vẽ. Em đứng đó một hầu lâu. Rồi em gọi tên những màu thuốc vẽ để trên giá vẽ. Thong thả em xếp đặt lại những ống thuốc vẽ này. Em đặt màu đỏ, màu vàng và màu xanh da trời trên gờ giá vẽ. Em cẩn thận để những màu đó cách xa nhau và trong những khoảng cách thích hợp, em thêm vào những màu khác để tạo ra quang phổ gồm sáu màu có sắc độ khác nhau. Rồi em để màu thứ ba vào những chỗ thật đúng, thêm màu đen và màu trắng, và có trên gờ giá vẽ cả một thang giá trị màu sắc đầy đủ.

Sau khi em đã sắp xếp cho thứ tự, em cầm một chiếc bình lên và xem xét. Em nhìn vào bên trong bình, quậy màu trong bình bằng một cây cọ, đưa lên soi trong ánh sáng, ngón tay nhè nhẹ lướt trên nhãn hiệu.

“Sơn vẽ Favor Ruhl” – em nói – “Đỏ. Sơn vẽ Favor Ruhl Vàng. Sơn vẽ Favor Ruhl. Xanh da trời. Sơn vẽ Favor Ruhl. Đen”.

Đây là câu trả lời một phần cho một câu hỏi. Rõ ràng là em đang đọc nhãn hiệu. Đúng là nhãn hiệu sơn vẽ Favor Ruhl. Và những màu sắc được xếp đặt đúng và gọi trúng tên.

— Tốt – tôi nói – Như thế là em đọc được nhãn hiệu những bình sơn. Và em biết tên các loại màu.

— Đúng rồi – em ngập ngừng nói.

Em ngồi xuống bàn, đưa tay với hộp bút chì. Em đọc tên trên chiếc hộp. Rồi em lấy ra cây viết chì đỏ và viết bằng chữ in rõ nét “ĐỎ”. Em cũng làm như vậy với những màu khác và em dùng những màu này theo thứ tự liên tiếp đặt thành vòng tròn. Viết đến đâu em đánh vần đến đó, đọc tên mỗi chữ khi viết ra.

Tôi theo dõi em. Tôi cố gắng đáp ứng bằng lời nói, thừa nhận ý định giao cảm với tôi bằng hoạt động này của em.

— Em đánh vần tên của mỗi màu và viết ra bằng màu đó. Có phải thế không? Xem nào. Đỏ đánh vần là đờ – o hỏi đỏ, đúng không?

—Đúng rồi – em thong thả ngập ngừng nói.

— Và em đang vẽ chiếc bánh xe màu, có phải không?

— Phải rồi – em lẩm bẩm.

Tôi cố giữ sao cho những lời bình luận của tôi phù hợp với hoạt động của em, cố gắng không nói ra điều gì chứng tỏ là tôi mong muốn em làm một điều gì đặc biệt nào đó, mà chỉ để truyền thống, để cho em thấy rằng tôi hiểu, rằng tôi thừa nhận hành vi của em. Tôi muốn em dẫn đường. Tôi theo sau. Tôi muốn cho em biết ngay từ đầu là em sẽ định lấy đường hướng trong căn phòng này và tôi sẽ thừa nhận những cố gắng của em, theo sự cảm thông hai chiều, trên căn bản thực tế cụ thể của kinh nghiệm được chia xẻ giữa hai chúng tôi. Tôi không muốn thán phục và khen ngợi khả năng của em có thể làm tất cả những điều này. Dĩ nhiên là em có thể làm được hết. Khi dành sáng kiến cho cá nhân, người ta sẽ chọn lấy miếng đất mà họ cảm thấy an toàn nhất. Bất kỳ một lời ngạc nhiên hay khen ngợi nào đều có thể được họ suy luận là khuyến khích họ nên tiếp tục. Mọi người đều hành động thận trọng để bảo vệ sự nguyên vẹn nhân cách của mình. Chúng tôi đang làm quen với nhau. Những đồ vật mà Dibs đề cập tới, những đồ vật trong căn phòng này không dính líu tới tình cảm sâu sắc nào, chúng chỉ là những thành tố để đối thoại ở thời điểm thông cảm này giữa chúng tôi. Đối với Dibs đấy là những từ ngữ an toàn.

Đôi lúc em đưa mắt nhìn tôi, nhưng khi bốn mắt giao nhau, em lập tức nhìn đi chỗ khác.

Chắc chắn những hoạt động khởi đầu của em là một tiết lộ. Cô Hedda có lý do vững vàng để tin ở Dibs. Thực vậy, không những em đang thoát ra khỏi vỏ sò, mà còn khởi sự đập vỡ nói. Dù những khó khăn của em ra sao chăng nữa chúng ta có thể hoàn toàn bác bỏ nhãn hiệu thiểu năng.

Em leo vào thùng cát. Em xếp lính thành hàng từng đôi một. Cái lọt vào giày em, em đưa mắt nhìn tôi, chỉ vào đôi giày, rên rỉ.

— Chuyện gì vậy? – Tôi hỏi – Cát lọt vào giày à? Em gật đầu.

— Nếu em muốn tháo thì tháo giày đi.

— Dạ – em trả lời khàn khàn.

Em ngồi yên, mắt dán vào đôi giày, rên rỉ. Tôi đợi. Sau cùng em nói:

— Cô tháo giày cô ra – em nói một cách nhọc nhằn.

— Em muốn cởi giày, nhưng em muốn cố giúp em, có phải vậy không? Em gật đầu. Tôi giúp em như em nhờ, cởi dây giày, gỡ giày ra cho em.

Em nhè nhẹ lê chân trên cát và chỉ ít phút sau sẵn sàng bước ra khỏi thùng cát.

Em đi ra chỗ bàn và nhìn những khối gỗ. Rồi em từ từ chủ tâm xếp chồng những khối lên nhau; tháp gỗ chao đảo rồi đổ ụp. Em chắp tay vào nhau.

— Cô A! – Em kêu lên, cái tên em đặt cho tôi và từ đó gọi tôi – Giúp em, lẹ lên.

— Em muốn cô giúp em à?

— Dạ đúng – Em liếc mắt nhìn về phía tôi.

— Vậy em muốn cô làm gì nào? Nói cho cô nghe Dibs.

Em đứng bên bàn, nhìn xuống những khối gỗ, tay vẫn ôm chặt lấy ngực.

Dibs yên lặng. Tôi cũng vậy.

Em đang nghĩ gì? Em đang tìm kiếm điều gì? Hiện nay điều gì giúp ích nhất cho Dibs? Tôi muốn tỏ cho em biết là tôi thành khẩn muốn hiểu em. Tôi không biết em thực sự đang theo đuổi điều gì. Có lẽ chính em cũng không biết vào lúc sự liên hệ giữa chúng tôi đang bắt đầu.

Chắc chắn là không nên xông vào thế giới riêng tư của em và ráng lôi ra những câu giải đáp. Nếu tôi có thể truyền sang cho Dibs lòng tin tưởng của tôi nơi em, nếu tôi có thể truyền sang cho em cái quan niệm là không có những câu trả lời dấu kín mà em phải đoán ra, không có những tiêu chuẩn bí ẩn nào về tác phong hay biểu lộ mà không được công khai khẳng định, không có áp lực bắt em phải đoán ý tôi và phải tuân theo một giải pháp mà tôi đã quyết định, không có sự hối thúc phải làm hết những việc hôm nay – thì, có lẽ Dibs sẽ cảm nghĩ được an toàn hơn và em sẽ thấy mình có quyền có những phản ứng của mình. Như vậy em sẽ nhìn thấy rõ hơn; sẽ hiểu và chấp nhận chúng. Điều này cần có thời gian, cần cố gắng nhiều, cần sự nhẫn nại lớn lao cả hai phía chúng tôi. Và bao giờ hai bên cũng phải thành thật từ căn bản. Em đột ngột thò tay ra, mỗi tay cầm một khối, đập vào nhau.

— Sụp đổ – em nói.

— Ồ, thế là sụp đổ à? – Tôi hỏi.

— Đúng đấy. Sụp đổ!

Một chiếc xe vận tải tiến vào bãi xe và dừng lại bên cửa sổ mở rộng. Dibs tiến tới bên cửa sổ và định đóng lại.

— Đóng cửa lại – em nói.

— Em muốn đóng cửa hả? Những bữa nay trong này nóng quá dù để mở cửa sổ.

— Đúng rồi. Cô đóng cho Dibs.

— Ồ, vậy em vẫn muốn đóng à?

— Vâng, Dibs đóng cửa! – Em nói lớn.

— Em biết rõ điều em muốn, phải không? – Tôi hỏi lại.

Trong một giây ngắn ngủi, Dibs nhìn thẳng vào mặt tôi.

— Em biết – em khô khan trả lời tôi.

Rồi em ra chỗ giá vẽ. Lấy tay sờ mó những hũ sơn. Em cầm lấy cây bút sơn trong hũ sơn màu đỏ và lướt bút vẽ trên tấm giấy căng trên giá vẽ. Em vẽ một hình vuông mà em thận trọng tô bằng những nét bút rõ ràng, kỹ lưỡng. Chúng tôi không ai nói một lời nào cho tới lúc gần hết giờ. Dibs dường như bị lôi cuốn vào bức hình em họa.

— Thời gian em có thể vui chơi trong phòng này gần hết rồi, tôi bảo em. Chỉ còn năm phút nữa thôi.

Dibs không chú ý tới lời tôi. Em tiếp tục vẽ những hình vuông màu theo cùng một thứ tự không thay đổi. Đỏ. Cam. Vàng. Xanh lá cây. Xanh da trời. Trắng. Tím.

Phút thứ năm đến và trôi qua. Tôi đứng lên.

— Thời giờ của chúng ta hết rồi. Dibs – tôi nói với em – Tới giờ về rồi.

— Không! – em nói lớn tiếng – Dibs không về. Dibs ở lại.

— Cô biết là em không muốn về, Dibs. Nhưng bữa nay hết giờ rồi bây giờ em phải về nhà. Tuần tới em lại đến. Rồi tuần tới, tuần tới nữa. Nhưng mỗi khi hết giờ thì em phải về.

Dibs òa lên khóc.

— Dibs không về nhà – em khóc nức nở – Dibs ở lại.

— Cô biết là em muốn ở lại. Nhưng bữa nay thời giờ của chúng ta hết rồi và em phải về. Bây giờ em để cô mặc áo cho em nhé.

Dibs rời khỏi góc để giá vẽ nơi em bám víu. Hai tay buông thõng xuống hai bên. Em ra vẽ hoàn toàn thất vọng. Tôi mặc áo khoác cho em.

— Đôi khi không dễ gì làm những điều mình phải làm – tôi giải thích cho em – nhưng có điều phải làm. Em ngồi xuống đây, cô mang giày cho.

Tôi chờ đợi trong lúc em suy nghĩ về những điều tôi vừa nói. Vừa rên rỉ, em vừa ngồi xuống chiếc ghế nhỏ. Tôi mang giày, rồi mang ủng cho em. Nước mắt em lăn trên gò má.

— Lúc này em đang khổ sở. Cô hiểu em đang cảm nghĩ gì, Dibs ạ. Nhưng đôi lúc có những điều ta phải làm, ngay khi chúng ta chẳng muốn làm chút nào cả.”

Em vụng về lau khuôn mặt lem nước mắt. Ôm em trong vòng tay, an ủi em, kéo dài thời giờ, công khai biểu lộ yêu thương và thiện cảm với em là việc dễ. Nhưng tạo thêm những vấn đề tình cảm cho cuộc đời đứa trẻ này liệu có giá trị gì không? Em vẫn phải về nhà dù em có cảm thấy thế nào chăng nữa. Cố tránh nhìn thẳng vào thực tế này chẳng lợi gì cho em. Em cần phát huy năng lực để đối phó với thế giới của em, nhưng năng lực này phải xuất phát từ nội tâm và em phải tự mình có khả năng đối phó với thế giới của mình, như nó hiện có. Bất kỳ sự thay đổi có ý nghĩa nào đối với Dibs cũng phải xuất phát từ nội tâm. Chúng ta không có hy vọng gì thay đổi được thế giới bên ngoài của em.

Sau cùng, em mặc đồ vào để ra về. Em cầm tay tôi và cùng đi dọc hành lang tới phòng đợi. Mẹ em đứng đó chờ em, rất giống Dibs – ở điểm bất ổn, khổ sở, không an tâm về chính mình và về hoàn cảnh. Thoạt nhìn thấy mẹ, em lăn ra sàn úp mặt xuống, chân giẫy, miệng la, chống đối. Tôi từ giã em, nói với mẹ em là sẽ gặp em vào tuần tới rồi bỏ đi. Có sự lộn xộn trong phòng đợi khi mẹ em bắt em ra về. Bà bối rối và bực dọc vì thái độ của em.

Tôi khổ tâm trước sự thể này, nhưng không biết làm gì hơn là bỏ mặc cho mẹ con bà tự liệu lấy. Tôi thấy là nếu tôi đứng lại và chứng kiến hoặc can thiệp thì chỉ làm cho hoàn cảnh thêm rắc rối. Tôi không muốn ra vẻ như bênh hoặc chống đối Dibs hay bà mẹ em. Tôi không muốn làm điều gì ngụ ý là phê bình tác phong của họ hoặc giả là ủng hộ hay phản đối người mẹ hay đứa con. Như vậy hay nhất là nên bỏ đi mà không dính líu gì cả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.