Sa Mạc Nở Hoa

12.



Tuần nào cũng có một Thứ Năm và tuần lễ sau đó cũng không phải là một biệt lệ. Nhưng, Dibs không thể tới phòng chơi được. Em bị lên sởi. Mẹ em gọi điện thoại lại xin huỷ buổi hẹn. Vào thứ năm tuần kế tiếp em đã khá bình phục nên đã hăm hở xuất hiện để được tham dự buổi trị liệu bằng trò chơi. Mặt em còn mét và còn chấm đỏ, nhưng khi em đến phòng tiếp nhận, em tuyên bố: “Sởi bay rồi, em khỏe nhiều rồi”.

— Bữa nay em hết sởi rồi ư?

— Vâng. Khỏi rồi, hết rồi. Cô cháu mình về phòng chơi đi.

Khi chúng tôi đi qua văn phòng tôi, Dibs ngó vào. Có hai người đàn ông đang sửa máy ghi âm. “Có hai ông trong phòng chúng ta” – em nói.

— Em có ý nói là có hai ông trong văn phòng cô?

— Đúng. Mấy người đó sẽ làm việc ở đây trong khi chúng ta ở phòng chơi.

— Cô cho người khác ở phòng cô à?

— Đúng. Đôi khi cô cho phép họ làm vậy.

— Họ làm gì trong đó?

— Họ đang sửa cái máy ghi âm.

Khi chúng tôi bước vào phòng chơi, Dibs bỏ nón, bỏ áo, quẳng lên một chiếc ghế.

— Em tiếc thứ năm tuần trước quá – em nói.

— Ừ, cô biết chứ. Cô cũng biết là em bị lên sởi không đến được.

— Em có nhận được tấm cạc cô gởi cho. Tấm cạc làm em sung sướng. Nhận được tấm cạc này làm em thích lắm.

— Như vậy thì cô cũng vui lắm.

— Cạc viết lời chúc em mau khỏi. Cạc viết là cô nhớ em.

— Đúng vậy.

— Em thích bó liễu lá bạc cho em. Nó là cả một mùa xuân. Những cành liễu đẹp. Với những nụ non trên mỗi cành. Em thích những cành này. Ba nói là chúng sẽ mọc rễ sau một thời gian dài ngâm trong nước và em có thể đem trồng trong vườn. Ba nói chúng có thể mọc thành bụi. Chuyện đó có thể xảy ra được không?

— Em nói là Ba em bảo như vậy. Còn em thì nghĩ thế nào?

— Em hy vọng là ông nói đúng. Nhưng để em tự quan sát xem sao?

Tôi chú ý đến việc Dibs đá động tới sự nhận định của ba em. Khó mà biết là lời kể lại này có phải là cách thức mới để người cha gần gũi với Dibs không – hoặc giả là cha em đã có nhiều phen cố tình giải thích cho Dibs về nhiều điều, mặc dù ông ta không nhận được sự đáp ứng nhất mực của em. Như thể cô Jane đã từng làm ở trường. Như bác Jacke đã từng làm nhiều phen khi Dibs “chỉ biết nghe thôi”. Nhưng bây giờ em đã học lại điều ấy cho tôi nghe nói một cách mặc nhiên.

— Em đã nói gì khi ba em nói cho em nghe về những cành liễu lá bạc? – Tôi hỏi, hy vọng thu thêm một chút hiểu biết nữa chăng.

— Em chẳng nói gì cả. Em chỉ biết nghe thôi.

Em lượn quanh phòng chơi, nhìn vào những hũ màu, nhìn vào những vật dụng để trên bàn. Rồi em đi ra chỗ bể cát và bằng một cử động hồn nhiên và thoải mái em nhảy vào cát. Em nằm dài ra. “Có muốn lột giày ra không Dibs?” – em tự hỏi. “Không” – em đáp. “Vậy mi muốn làm gì, Dibs?” – em hỏi – “Tùy mi!”. Em trở mình và úp mặt lên cát. “Em không có gì phải vội” – em nói – “Bây giờ em cứ thế này thôi!”. Em thọc tay vào cát và lôi lên mấy căn nhà nhỏ đã được một em nhỏ nào đó vùi xuống. Ồ, em tìm thấy đồ vật trong cát. Những ngôi nhà nhỏ. Những thứ vụn vặt”. Rồi đột ngột em đi tới đầu kia của bể cát và bắt đầu đào cát. Sau cùng, xẻng của em cào phải đáy bể bằng kim loại. Dibs với tay xuống cát lôi lên một tên lính. Em nâng cao nó lên.

“Ố, là là! Thằng này đây!” – Em reo lên – “Thấy không? Thấy thằng lính này không? Đây là thằng người mà em chôn dưới ngọn đồi của em. Em vui mừng thấy nó vẫn bị chôn mấy tuần nay. Xin Ngài về ngay, về ngay! Về ngay mộ Ngài!” Em lại chôn vùi tên lính nhỏ đi. Vừa làm, em vừa cất tiếng hát:

Anh biết không anh

Bác bán bánh bao

Bác bán bánh bao

Anh biết không anh

Bác nằm bơ vơ

Sống bên bụi bờ

Em nhìn tôi, mỉm cười. “Em học bài hát ấy ở trường” – em nói – “Bây giờ em hát cho người bị chôn nghe:

Anh biết không anh

Cái thằng ma lanh

Cái thằng ma lanh

Anh biết không anh

Nó sống bơ vơ

Sống trong lòng mồ.

Dibs lớn tiếng cười. Em lấy xẻng nện trên nấm mồ để nhấn mạnh.

— Không. Em không nói chuyện nhiều với Ba.

— Em không nói à?

— Không

— Tại sao em lại không?

— Em không biết. Em đoán là chỉ vì em không nói thôi. Em ngân nga một đoạn nhạc êm dịu.

— Em cũng học được ca khúc này ở trường – em khoe. Ở trường em có hát ca khúc này không?

— Em học được ca khúc này ở trường. Em hát đây cho cô nghe thôi.

— Ạ!

Đặt những câu hỏi trong trị liệu là điều rất hữu ích nếu có người nào trả lời những câu hỏi đó một cách chính xác. Nhưng không có ai trả lời nỗi đâu. Tôi thường băn khoăn tự hỏi không biết ở trường Dibs có sự thay đổi tác phong nào không. Dường như không có sự thay đổi đáng kể nào, bởi vì giáo viên chưa báo cáo gì cả. Đó là điều chúng tôi đã thỏa hiệp với nhau. Nhưng Dibs đang học được nhiều điều ở trường, ở nhà và ở những nơi mà em tới, mặc dù em không có tác phong như thế nào đó khiến những điều em học tập được có thể đem ra đánh giá hoặc trắc nghiệm.

“Tháo giày ra, Dibs” – em tự bảo mình. Em tụt giày ra. Em đổ cát đầy giày, xúc cát bằng những cử chỉ thận trọng. Rồi em tháo một chiếc vớ ra nhồi đầy cát. Em kéo căng một bên chiếc vớ còn lại ở chân và xúc cát đổ vào, giữa vớ và chân. Rồi em tụt nốt chiếc vớ đó ra và dụi chân dưới cát. Em xúc cát đổ lên chân cho tới khi có cả một mô cát chôn lấp hai chân và phần dưới cẳng.

Đột nhiên em rút chân khỏi cát, đứng dậy, nhảy ra khỏi bể cát và mở cánh cửa phòng chơi. Em kiểng chân lên, gỡ tấm bảng khỏi móc treo, trở lại phòng, đóng cửa, đưa tấm cạc cho tôi.

— Trị liệu là gì hả cô?

Tôi ngỡ ngàng. “Trị liệu ư?” – tôi nói – “À, để cô nghĩ một phút đã”. Tại sao em lại hỏi câu này, tôi băn khoăn suy nghĩ. Giải thích làm sao cho có nghĩa lý đây?

— Cô xin nói thế này nhé: trị liệu là có may mắn lại đây chơi và nói về bất kỳ điều gì, theo cách thức mà em muốn chơi, muốn nói. Đó là khoảng thời gian mà em có thể dùng làm gì tùy ý em. Là khoảng thời gian mà em có thể là em. Đó là lời giải thích hay nhất mà lúc đó tôi nghĩ ra. Em lại lấy tấm cạc từ tay tôi. Em lật sang mặt kia.

— Em biết câu này có nghĩa gì rồi. “Đừng làm rộn” có nghĩa là yêu cầu mọi người để cho họ yên. Đừng làm phiền họ. Đừng vô. Cũng đừng gõ cửa. Để mặc cho hai người thôi. Mặt này có nghĩa họ đang sống đó. Và mặt kia nói rằng để yên cho hai người sống. Như vậy phải không?

— Phải. Như vậy đó.

— Có người đang đi dọc hành lang. Nhưng đây là phòng của chúng ta. Họ sẽ không vào chứ?

— Cô không nghĩ là họ sẽ vào.

— Căn phòng này dành riêng cho em, có phải không? Chỉ dành riêng cho mình em. Chứ không dành cho ai khác. Có phải không?

— Chỉ dành riêng cho em giờ này mỗi tuần nếu em muốn vậy.

— Cho Dibs và cho cô A. Không phải chỉ cho mình em. Mà cả cho cô nữa.

— Như thế là cho cả hai người chúng ta.

Dibs mở cửa. “Em treo tấm bảng lại” – em nói – “Họ sẽ không làm rộn”.

Em treo lại tấm bảng vỗ vỗ cánh cửa, trở vào và đóng cửa lại. Một nụ cười sung sướng nở trên nét mặt em. Em đi lại chỗ tấm giá vẽ.

Em mỉm cười. Rồi sau khi đã mang vớ, mang giày và thắt dây giày đàng hoàng, em trở lại bể cát. “Hồi em bị bệnh sởi em phải nằm trong giường” – em kể – “Người ta buông hết màn cửa sổ xuống và phòng tối om. Em không thể đọc, vẽ và viết được”.

— Vậy thì em làm gì?

— Người ta mở dĩa nhạc cho em nghe. Má kể cho em nghe mấy chuyện. Em có nhiều dĩa đọc chuyện. Em nghe đi nghe lại dĩa ấy. Nhưng em thích nhất là nghe dĩa nhạc.

— Chuyện và nhạc giúp em giết thì giờ, phải không?

— Nhưng em nhớ những quyển sách em ghê.

— Em thích đọc lắm à?

— Ồ, thích, thích lắm. Em thích viết những chuyện về những điều mà em thấy và những gì mà em nghĩ tới. Em cũng ham vẽ tranh. Nhưng thích đọc nhất.

— Em thích đọc gì? Em có những loại sách nào?

— Ồ, em có đủ mọi loại sách. Em có sách về chim, về các loài vật, cây cối, thảo mộc, về cá, về người ta, về tinh tú, về khí hậu, về các nước và hai bộ bách khoa, một cuốn tự điển – cuốn tự điển hình em có lâu rồi, và cuốn tự điển khổng lồ, trước là của Ba. Em có mấy ngăn sách dài. Và những cuốn thơ. Mấy cuốn truyện cổ tích. Nhưng em thích nhất là sách khoa học hơn bất kỳ sách nào khác. Em thích tấm cạc cô gởi cho em. Người ta cho em để trên giường. Người ta để em bóc lấy. Má để em đọc trước. Để em giữ và đọc đi đọc lại.

— Cô đoán là em dành nhiều thời giờ đọc sách lắm, phải không?

— Dạ. Nhiều khi em chỉ làm có thể thôi.

— Nhưng em mê lắm. Em mê đọc về những điều em nhìn thấy. Rồi em thích được xem những thứ mà em đã đọc. Em có đủ mọi loại đá, loại lá và các loại côn trùng, các loại bướm ướp khô. Rồi ống dòm và máy ảnh. Đôi khi em chụp ảnh các vật trong vườn. Và ở trên cây bên ngoài cửa sổ nhà em. Có điều em chụp ảnh không đẹp lắm. Em vẽ hình đẹp hơn. Nhưng em thích phòng chơi của cô hơn – em nói và gật gù đầu như muốn nhấn mạnh.

— Em thích căn phòng này hơn ư? Mọi thứ đều khác phòng chơi của em, có phải không?

— Dạ đúng. Khác, khác lắm.

— Khác ở chỗ nào? Tôi không thể không theo đuổi đề tài này.

— Đúng như cô nói – Dibs nghiêm chỉn đáp – Khác như vậy đó.

Tôi bỏ dỡ vấn đề đang nói. Tất cả chi tiết có thêm này thật là hay, nhưng không giải thích được bằng cách nào. Dibs đã học đọc, học viết, học đánh vần và học vẽ được. Theo tất cả những lý thuyết về học hỏi hiện hành, em sẽ không thể học được những kỹ năng ấy, nếu không chế ngự được ngôn ngữ nói và có những kinh nghiệm căn bản thích hợp trước đã. Ấy vậy mà Dibs có được những kỹ năng này tới một mức độ cao.

Tiếng chuông nhà thờ bắt đầu điểm. Dibs quay lại nhìn tôi. “Ồ, nghe kìa”- em nói. “Bốn giờ tới nơi rồi. Đúng bốn giờ rồi”. Em đếm từng tiếng chuông điểm. “Một. Hai. Ba. Bốn. Còn bao lâu nữa?” – Em hỏi.

— Còn mười lăm phút nữa.

— Ồ, thế hả? Em đếm ngón tay như một anh chàng hà tiện, chậm chạp, kỹ lưỡng cho tới mười lăm – Mười lăm phút à? Năm phút và mười phút phải không? Mười phút và năm phút phải không?

— Phải.

— Có khi chúng nó vui vẻ. Có khi chúng nó buồn. Những phút buồn và những phút vui.

— Phải có những lúc buồn và những lúc vui.

— Bây giờ em đang vui.

— Em vui à?

— Vâng. Vui lắm.

Em mở cửa sổ và nghiêng mình ra. “Ồ, bữa nay trời đẹp quá!” – Em nói –

Ồ một ngày vui sướng, trời xanh biếc. Chim đang bay. Ồ, nghe tiếng máy bay không? Ồ, vòm trời vui. Ồ chiếc máy bay bay theo hướng tây vui vẻ. Ồ, con chim vui vẻ. Ồ thằng Dibs vui vẻ. Ồ, Dibs, với những cành liễu lá bạc để trồng và nhìn chúng mọc lên! Ồ, Dibs ơi, nói cho ta biết mi vui tới mức nào?” Em quay lại nhìn tôi. Rồi em lại quay ra cửa sổ mở rộng. “Vui quá, em sẽ phun nước miếng qua cửa sổ trước khi em đóng nó lại!” – Em reo lên. Và em làm như vậy.

— Khi chuông reo lần tới là tới giờ về – tôi nhắc.

— Ồ, vậy hả?

Em lại gần tôi và lặng lẽ sờ tay tôi. Rồi em lại đi tới giá vẽ. Em mau mắn sắp xếp màu vẽ lại theo thứ tự. Em lấy hộp đựng những con thú ở nông trại. Em lấy ra những thanh gỗ làm hàng rào và xem xét thật kỹ. “Em sẽ làm một nông trại đẹp” – Em tuyên bố. Em bắt đầu hát:

Em xây nông trại!

Em xây nông trại!

Nông trại thật đẹp

Cho cô cho em!

Em nhìn tôi. “Còn lại bao nhiêu phút nữa?” – em hỏi. Tôi viết con số năm lên một mảnh giấy và đưa cho em xem. Em nhìn và cười. Em lấy cây viết chì của tôi, đợi ít giây, viết số bốn, đợi một giây, rồi viết con số ba, đợi thêm một giây nữa, viết con số hai, đợi một giây nữa, viết con số một. “Tới giờ về” – em hô lên – “Chỉ có chuông nhà thờ chưa reo”.

— Em chạy trước chuông – tôi nhận xét.

— Vâng, em cố tình đó – Em nhìn xuống hàng rào mà em đã dựng lên trên sàn – Cô thấy gì không? – Em chỉ hàng rào, hỏi.

— Hàng rào dài.

— Ồ, này! Chưa dài đủ đâu! Em bắt đầu hát lại.

Em dựng hàng rào

Hàng rào dài lắm

Em không nhìn tới

Đầu hàng rào kia

Tại sao có rào?

Rào nằm tận đâu?

Em không thích rào

Đừng rào quanh em!

Em cười. “Em sẽ nhốt những con thú vật bên trong vòng rào” – em tuyên bố. Em đặt một con ngựa và một con bò cái đằng sau hàng rào. “Bây giờ đến con bò này” – em nói và cầm lên cho tôi xem – “Con bò cái này cho sữa. Đây là con bò thân hữu. Tất cả những con bò cái đứng thành hàng ngang, sẵn sàng cho sữa”. Rồi em đổi giọng, nói the thé. “Vào hàng, bò. Đứng thẳng lên. Mày có nghe tao nói không? Đừng có làm như con ngốc vậy!” Em cầm lên một chú gà trống. “Đây là chú gà trống” – em nói. Chuông bắt đầu vang lên.

— Nghe kìa, Dibs.

— Vâng. Một giờ. Còn ba giờ nữa mới tới bốn giờ.

— Ô kìa, Dibs. Bộ em tính đùa với cô đấy à? Chưa tới giờ về hay sao?

— Dạ, tới rồi. Nhưng mình giả bộ đi.

— Giả bộ à?

— Vâng. Mình giả bộ là mới có một giờ.

— Liệu sự giả bộ có thực sự thay đổi giờ này không em?

— À, không đâu. Có hai loại giả bộ được. Và sự giả bộ thật là ngốc. Em đứng lên và đi bộ lại chỗ tôi.

— Và nhiều khi chúng lẫn lộn với nhau mình không thể bảo cái nào là cái nào.

Em ra về rồi, tôi ở lại với những nghĩ ngợi và suy đoán mà tôi có thể rút ra từ một số dữ kiện của cuộc nói chuyện với Dibs. Em có vẻ thoải mái hơn trong sự giao tiếp với mẹ em. Có những dấu hiệu cho thấy là ở nhà Dibs được đối xử tôn trọng, thông cảm và hiểu biết hơn. Ngay cả “Ba” cũng có vẻ nhân hậu hơn. Nhưng họ đang thay đổi cách cư xử đối với Dibs? Hay là Dibs đã thay đổi trong khả năng tiếp xúc với cha mẹ em để em có thể đón nhận tình cảm của họ một cách tự nhiên hơn?

Chắc chắn là họ đã cung cấp đầy đủ những phương tiện để nuôi dưỡng khả năng trí tuệ sắc bén của em. Chắc chắn họ đã cố gắng cảm thông với em và dạy em nhiều điều. Rất khó hiểu làm sao họ có thể tin rằng đứa trẻ này bị thiểu năng, trong khi họ tiếp tục cung cấp những tư liệu giáo dục vượt xa khả năng của một đứa trẻ trung bình ở tuổi Dibs. Chắc chắn họ phải biết rằng: vấn đề của Dibs không phải là sự thiểu năng trí tuệ. Nhưng tại sao em lại cứ giữ hai loại tác phong hoàn toàn trái ngược nhau – một bên là tác phong tài ba lỗi lạc, một bên lại khiếm khuyết đến thế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.