Sa Mạc Nở Hoa

10.



Tuần sau khi Dibs trở lại, em bước những bước khoan thai, thoải mái đến phòng chơi. Em ngừng bên cánh cửa quay tấm bảng nhỏ treo trên cửa. “Yêu cầu đừng quấy rầy” – em đọc.

Em bước vào phòng, bỏ nón áo ra và treo lên núm cửa. Em thu lượm bốn cây súng để quanh phòng và đưa chúng vào rạp múa rối. Em bước ra, nhặt một chiếc máy bay có chong chóng gãy. Em ngồi vào bàn và lặng lẽ sửa chữa cánh quạt gãy một cách có hiệu quả.

Em lấy hộp đựng gia súc, xếp đặt từng loại, gọi tên những con vật. Rồi em ra chỗ bể cát, leo vào, em kỹ căn nhà giống hệt thế này trong tiệm bán sắt ở đại lộ Lexington” – em tuyên bố.

— Em thấy à?

— Vâng, em thấy – Giống hệt như cái này. Cùng kích thước. Cùng màu sắc. Làm bằng kim chỉ. Giá hai đô la chín mươi tám xu.

Em nhìn vào lò sưởi điện. “Bữa nay trong này nóng” – em nói – “Em tắt lò sưởi”.

“Có nhiều thứ đồ chơi trong tiệm bán đồ sắt” – em nói – “Có một chiếc xe nhỏ vận tải nhỏ, giống như cái này”. Em đưa ra một chiếc xe vận tải nhỏ tôi xem. “Một chiếc xe vận tải trút về đằng sau với một chiếc tay quay để cát tụt xuống”.

— Một xe vận tải giống như thế này?

Vì một lý do nào đó Dibs dường như lần lữa đợi chờ. Nhưng xem ra em có vẻ rất thư thái. “Có nhiều cái như thế này. Nhưng không giống hẳn. Em có thể nói là hầu như cùng kích thước. Và máy móc cũng giống như cái này. Nhưng không sơn cùng màu và có tên in ở bên hông. Được làm thứ kim loại nặng hơn. Họ đòi một đô la bảy mươi lăm xu ở trong tiệm.

Em đổ cát lên chiếc xe vận tải nhỏ, quay tay, nâng cao thùng xe lên, trút cát xuống, quay tay hạ thấp xuống vị trí lúc ban đầu và làm lại công việc này nhiều lần. Một đống cát bắt đầu hình thành trước mặt em trong lúc em làm công việc này. “Nó sẽ làm thành trái đồi để em leo” – em nói – “Em có thể chơi trò lính ra trận”.

Em nhảy khỏi bể cát, vội vã chạy băng qua phòng chơi, nhặt lên một cái trống. Em ngồi xuống bở bể cát và đánh trống bằng hai chiếc dùi. “Trống, chiếc trống ngộ nghĩnh” – em nói. “Ôi trống, đầy âm thanh. Âm thanh chậm. Âm thanh nhanh. Âm thanh dịu dàng. Đánh – đánh – đánh lên trống ơi. Nhào vô – nhào vô – nhào vô hô. Xung phong! Xung phong! Xung phong! Xung phong! Trống thét. Theo ta. Theo ta”. Em cẩn thận đặt trống lên thành bể cát, leo vào trong cát, bắt đầu xây đồi cát. “Một ngọn đồi cao, thật là cao. Và tất cả những người lính cố gắng để leo lên tận đỉnh đồi. Họ muốn leo lên đỉnh đồi hết sức”. Em vội vã đắp đồi, chọn một số lính đặt họ ở những tư thế khác nhau, như đang leo đồi.

— Họ có vẽ muốn leo lên đỉnh đồi phải không?

— Vâng – Dibs đáp. Thật tình họ muốn lắm.

Em thu tất cả lính mà em có thể gom góp được. Em đặt chúng chung quanh đồi cát mà em đã đắp. “ Em lấy thêm lính” – em nói – “ Em sẽ để chúng ráng leo lên đồi lên đỉnh đồi. Bởi vì chúng biết là có gì trên đỉnh đồi nếu chúng leo lên được tới đỉnh. Và vì thế chúng mới muốn lên đỉnh như vậy”.

Em nhìn tôi mắt sáng ngời.

— Cô có biết có gì trên đỉnh đồi không?

— Không. Có gì vậy?

Dibs cười thông cảm nhưng giữ bí mật. Em nhích từng tên lính thong thả từng chút một theo hướng đỉnh đồi. Nhưng khi em đã di chuyển tất cả những tên lính chỉ còn cách mục tiêu chừng một gang tay, em đổ thêm cát cho đỉnh cao hơn. Rồi cho lính quay lại từ từ, em cho lính xuống đồi từng tên một. Em cho lính từng tên một tiến về căn nhà nhỏ, đựng trong hố cát.

— Bữa nay lính không lên được tận đỉnh đồi!

Lính về nhà. Lính quay lại vẫy tay. Chúng muốn lên đỉnh đồi. Nhưng bữa nay chúng không lên được.

— Và chúng thấy buồn, chúng buồn vì không làm được điều muốn làm có phải không?

— Vâng – Dibs thở dài – Chúng muốn làm, nhưng chúng không làm được. Nhưng chúng đã tìm ra ngọn đồi. Và chúng đã leo lên, lên, lên, lên được nhiều lắm. Và có lúc nghĩ là sẽ leo tới đỉnh. Trong lúc nghĩ rằng mình có thể leo được, chúng vui lắm.

— Nguyên việc cố gắng leo lên đỉnh đồi cũng làm cho họ vui à?

— Vâng. Với đồi núi là vậy. Cô đã leo đồi bao chưa?

— Có. Còn em thì sao, Dibs?

— Có. Có lần em leo rồi. Em không leo tới đỉnh – em nói thêm đầy vẻ nghĩ ngợi. Nhưng em đứng dưới chân đồi và nhìn lên. Em nghĩ là mỗi đứa trẻ nên có một ngọn đồi riêng. Đây em nghĩ rằng nên như vậy – em nói thêm và nhìn tôi gật đầu như để nhấn mạnh thêm cho lời nói.

— Những điều này có vẻ quan trọng với em lắm phải không?

— Vâng. Rất quan trọng.

Em nhặt cái xẻng kim loại và lặng lẽ chăm chú đào một cái hố sâu trong cát. Em chọn một tên lính và để riêng ra một bên. Sau khi em đã đào xong chiếc hố em cẩn thận đặt tên lính xuống đáy hồ và xúc cát đổ lên. Khi huyệt đã được lấp đầy, em lấy xẻng nện lên. “Tên này vừa bị chôn” – em nói – “Tên này không thể có cơ hội để leo lên đồi. Và dĩ nhiên, nó không lên được tới đỉnh. Ồ, nó muốn lắm. Nó muốn được ở với những người khác. Nó cũng muốn hy vọng nhưng nó không có cơ hội. Nó bị chôn”.

— Thế là tên này bị chôn – Tôi bình luận – Nó không có cơ hội leo lên đỉnh đồi. Nó không được lên tới đỉnh?

— Nó bị chôn – Dibs vừa nói vừa nghiêng về phía tôi – Không những nó bị chôn, mà em còn đắp một trái đồi thiệt lớn, thiệt cao, thiệt kiên cố trên cái gò má ấy. Sẽ không bao giờ có cơ hội leo lên ngọn đồi nào nữa!

Em xúc cát bằng hai tay đầy và đắp ngọn đồi trên ngôi mộ – trên người lính bị vùi lấp. Khi ngọn đồi đắp xong, em phủi tay sạch cát, ngồi xếp bằng, nhìn vào đấy. “Tên này là Ba” – em điềm đạm nói rồi leo ra ngoài bể cát.

— Ba được chôn dưới ngọn đồi ư?

— Vâng. Đúng là Ba.

Chuông nhà thờ vang lên, Dis đếm tiếng chuông điểm giờ. “Một. Hai. Ba.

Bốn. Bốn giờ rồi. Ở nhà em có chiếc đồng hồ và em biết coi giờ”.

— Em có đồng hồ ư? Và em cũng biết xem đồng hồ à?

— Vâng. Có nhiều loại đồng hồ khác nhau. Có thứ phải lên dây, có thứ chạy điện, có thứ có chuông reo, có thứ điểm nhạc.

— Của em loại nào?

Dibs dường như rút lui khỏi việc chôn cất bằng câu chuyện trí tuệ này. Tôi sẽ hướng theo em. Cần phải có thời gian để em giải tỏa những tình cảm này đối với người cha. Nếu như em cảm thấy ông ta đã len lỏi vào đầu óc em, nếu như em cảm thấy hơi hoảng sợ cái trò em vừa chơi, và nếu như em tìm thấy đường tháo thân vào sự an toàn của câu chuyện về những thứ vật chất – như em đã nói về đồng hồ – tôi không hối thúc em vào việc thăm dò tình cảm của em. Em đã tự xác định rất rành mạch về tâm tình của em trong trò chơi vừa qua.

— Đồng hồ báo thức của em có chuông nhạc. Em lên dây cót. Em cũng có một đồng hồ đeo tay. Và một chiếc ra – đi – ô gắn đồng hồ.

Em cầm trống lên và đánh chầm chậm. “Em gõ trống cho Ba”.

— Như vậy những tiếng trống chầm chậm này là đánh cho Ba?

— Vâng.

— Bây giờ tiếng trống nói gì vậy?

Dibs đập trống mạnh và chậm. “Ngủ, ngủ, ngủ, ngủ. NGỦ – NGỦ – NGỦ NGỦ – NGỦ – NG – U – U – U – U – U!” và mỗi chữ em đều tăng dần nhịp độ. Em kết thúc bằng một hồi trống sôi nổi.

Dibs ngồi đó, đầu cuối xuống. Tiếng trống im bặt. Lúc đó em đứng lên và lặng lẽ cất trống vào rạp hát nhỏ và đóng cửa lại. “Tao để mày vào đây trống ơi” – em nói – “Cất trống vào phòng nhỏ và đóng cửa lại”.

Rồi em vào rạp hát nhỏ, đóng cửa lại đằng sau em. Có một cửa sổ nhỏ trong rạp hát ba góc này, nhìn ra bãi đậu xe. Đứng chỗ cửa sổ này, Dibs có thể nhìn thấy phía sau nhà thờ. Tôi không nhìn thấy Dibs nhưng nghe tiếng em nói rõ ràng.

“Đây là phía sau nhà thờ” – em nói – “Nhà thờ lớn, lớn quá. Nhà thờ nhô cao đến tận trời. Nhà thờ đánh nhạc. Nhà thờ đánh chuông – một, hai, ba, bốn, lúc bốn giờ. Nhà thờ lớn có những bụi cây chung quanh và người ta vô đó”. Sau một lúc lâu im lặng, em tiếp tục nói. “Và vòm trời. Có khoảng trời cao trên kia. Và một con chim. Có chiếc máy bay. Có khói”. Thêm một hồi im lặng nữa. “Và Dibs đứng bên cửa sổ nhỏ, nhìn ra bao la”.

— Thế giới nhìn từ chỗ em đứng rộng lớn lắm nhỉ? – Tôi góp chuyện.

— Đúng lắm – em nhẹ nhàng nói – Lớn lắm! To lớn lắm!

— Cái gì cũng lớn lắm à?

Dibs từ rạp hát nhỏ bước ra. Em thở dài. “Nhưng Dibs thì không. Dibs không lớn cỡ nhà thờ đâu.”

— Cái gì cũng lớn cả, khiến Dibs cảm thấy mình nhỏ phải không?

Em trèo vào bể cát. “Ở đây lớn lắm” – em nói – “Em bạt đồi. Em sang bằng nó”, em làm đúng lời. Em san bằng ngọn núi. Em để cát chảy qua kẻ tay. “Ồ, ngọn đồi bình địa” – em nói – “Ồ, ngọn núi bình địa!”

Em nhìn tôi và mỉm cười. “Chúng em đã đến tiệm sửa giày để lấy giày cho Ba” – em nói – “Chúng em đi dọc đại lộ Lexington. Chúng em xuống đường bảy mươi hai. Có xe buýt, có xe tắc xi và ở đại lộ số Ba, có đường chạy ngang trên đầu. Chúng em có thể đi xe buýt. Chúng em có thể đi tắc xi. Chúng em có thể đi bộ. Nhưng chúng em không làm như vậy. Chúng em đi xe nha.”

— Em có thể đi được bằng nhiều cách, nhưng em đi bằng xe riêng à? Dibs cuối sát vào tôi. Mắt em long lên.

— Ồ, cô quên rồi sao – em trách nhẹ tôi – Chúng em đã phải lấy giày cho Ba.

— Ông thợ vá lại và sửa lại nữa.

— Này Dibs tới giờ phải đi rồi.

Tới giờ phải đi – Dibs đồng ý. Em đứng dậy – Tới giờ từ năm phút trước đây rồi.

Dibs nói rất đúng. Tôi không muốn ngắt quãng chuyện của Dibs kể về chuyện đi lấy giày cho Ba. “Đúng, em nói đúng” – tôi bảo. “Quá năm phút rồi.”

Dibs lấy nón ra khỏi rạp hát nhỏ. “Cái phòng con này ngộ lắm” – em nói khi ra khỏi đó, vừa đội nón, mặc áo vừa nói – “Một cái phòng nhỏ ngồ ngộ với cái lỗ ở cửa ra vào và một khung cửa sổ trong đó”. Em băng qua căn phòng và nhặt đôi giày lên. “Đôi giày mới” – em khoe. Em ngồi xuống tự mang lấy giày không cần có sự tiếp tay. Trước khi em mang giày, em đưa cả đôi chân về phía tôi. “Cô xem thấy chưa?” – em nói – “Vớ mới nữa, không có lỗ. Không có lỗ thủng. Ở phòng mạch bác sĩ mà mắc cỡ quá”. Em cười. Em cột dây giày rất chặt và gọn. Em đứng dậy. Lúc em ra khỏi cửa em đứng lại, quay ngược tấm bảng nhỏ lại. “Bây giờ tha hồ làm rộn” – em nói – “Chúng ta đi thôi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.