Sa Mạc Nở Hoa

11.



Thứ năm tuần sau đó khi Dibs trở lại, em vui vẻ bước vào phòng chơi. Em bỏ nón, bỏ áo quăng lên một chiếc ghế! “Văn phòng của của cô A số mười hai” – em tuyên bố! – “Phòng này số mười bảy. Chiếc ghế này có số ở lưng ghế. Số mười ba. Cô thấy không?” Em nhanh nhẹn quay ghế lại, lấy ngón tay phớt nhẹ lên con số.

“Đúng vậy” – tôi nói theo. Có nhiều lúc em có vẻ tỉ mỉ chú ý đến chi tiết cụ thể.

Em đi đến tủ đựng đồ đạc và chọn một cái hộp chứa căn nhà nhỏ của một làng búp bê. Em ngồi xuống sàn lựa ra những căn nhà con con, những cửa tiệm, nhà máy, những ngôi nhà thờ, và những tòa nhà khác. Có những cây con để trồng khắp làng. Sau khi xây cất xong Dibs hoàn toàn bị những vật dụng này thu hút. “Đây là một làng búp bê” – em nói – “Xem chúng ta có những thứ gì nào. Nhà thờ. Nhà ở. Cây cối. Em sẽ xây dựng một làng với những thứ này”. – “Đây là hai nhà thờ. Em sẽ khởi công bằng những nhà thờ. Em sẽ đặt ngôi nhà thờ lớn này làm trung tâm giữa làng. Và em để ngôi nhà thờ nhỏ ở chỗ này. Em lựa ra những ngôi nhà ở và xếp thành những dãy nhà thẳng hàng lối. Đây sẽ là một khu xã nhỏ, để có nhiều khu trống quanh các khu nhà. Cô có thấy ngọn tháp nhà thờ không? Đây sẽ là một thế giới đầy nhà cửa.”

Em nằm dài trên sàn, má áp xuống sàn nhà. Em di chuyển một ít tòa nhà.

“ Em đã tạo nên một thị xã nhỏ này” – em nói – “Chỗ này em đã tạo ra một thế giới nhỏ đầy nhà. Em đã trồng cây quanh đó. Em tưởng tượng ra vòm trời, mưa, những luồng gió nhẹ. Em mơ tới bốn mùa. Và bây giờ em gợi ra mùa xuân. Cây ra lá. Ở trong thị xã nhỏ yên tĩnh này, cái gì cũng dịu dàng, tốt đẹp và yên ấm. Có những người đi bộ dọc theo đường phố. Những cây lặng lẽ mọc lên theo đường đi.”

Em đặt thêm nhiều cây chung quanh làng. Cây này có những cành lá xanh” – em nói – “Nó mọc ở đây, vươn lên thẳng, thẳng lên trời. Nó thì thào nhiều điều bí mật khi gió thổi qua. “Hãy nói cho ta biết mi đi đâu?” – Cây hỏi gió – “Hãy nói cho ta biết mi đã từng thấy những gì? Bởi vì ta có rễ chôn chặt chân ta vào đất và ta phải vĩnh viễn đứng lại. Và gió thì thầm trả lời. “Ta không khi nào đứng lại. Ta thổi đi xa. Xa, xa, xa mãi, xa thật xa. Và cây kêu lên. Ta muốn đi với mi, ta không muốn đứng đây một mình buồn bã. Ta muốn đi với mi. Mi có vẻ vui ghê! Ô, này …”

Dibs đứng dậy đi về phía bàn. Em nhặt lên bộ tranh lắp ráp, em ngồi xuống sàn dưới chân tôi và mau chóng ráp những mảnh lại thành hình. “Đây là Tom, Tom con trai ông thổi sáo” – em nói – “Ở trường em có bài ca về bức tranh này. Để em hát cô nghe”. Dibs hát, lời và nhạc thật đúng. “Hết” – em báo, khi vừa hát xong.

Em học bài này ở trường phải không?

— Vâng. Cô Jane là cô giáo em. Cô Jane là một phụ nữ đã lớn. Cô A là một phụ nữ đã lớn. Có nhiều người đã lớn.

— Em có quen những người đã lớn khác không?

— Lẽ dĩ nhiên là có – Dibs đáp – Cô Hedda nè. Có các cô khác ở trường nữa. Có bác Jacke làm vườn cho nhà em. Có cô Millie giặt đồ. Bác Jacke chặt một cành cây lớn trong sân nhà em. Cây đó ở ngoài cửa sổ phòng em, nó xòe cành gần đến nỗi em có thể đưa tay qua cửa sổ và sờ được. Nhưng Ba em muốn chặt cành ấy đi. Ba nói là cành đó cọ vào nhà. Em nhìn thấy bác Jacke leo lên cây, cưa cành. Em mở cửa sổ phòng và nói với bác ấy rằng cây ấy là bạn em và cần cây ấy. Bác Jacket nói là em thích cành ấy, bởi vì nó rất gần, em có thể với qua cửa sổ và sờ nó. Ba nói là ông vẫn muốn cành đó được chặt. Ba nói ông không muốn em nghiêng mình qua cửa sổ. Ông nói là ông không biết em làm chuyện ấy và ông sẽ gắn lưới an toàn trên cửa sổ để em không bị té. Rồi ông bảo bác Jacke phải chặt cành ấy ngay. Bác Jacke bảo bác có thể chặt một chút ở đầu cành để nó đứng cọ vào tường nhà vì bác biết em thích cành ấy. Nhưng Ba nói rằng em có nhiều thứ để chơi. Ông bắt bác Jacke phải chặt cành xa cửa sổ để em không còn với tới nữa. Nhưng bác Jacke dành cho em cái ngọn cây mà em vẫn thường vuốt. Bác Jacke bảo em có thể giữ cành cây này trong phòng em – không phải cây nào cũng có được một cành thân yêu được sống trong nhà đâu. Bác nói với em đó là một cây du du cổ thụ. Bác bảo nó khoảng hai trăm năm và trong thời gian đó có lẽ không một người nào đã thương yêu n tha thiết như em. Như thế nào em cũng giữ lại cái ngọn cành cây. Bây giờ em vẫn còn giữ nguyên.

— Việc đó xảy ra lâu mau rồi?

— Cách đây một năm. Nhưng bác Jacke cũng không giúp gì được. Bác đã chặt cành đó. Và rồi có người đến gắn lưới an toàn. Một cái ở cửa sổ phòng em, một cái ở cửa sổ phòng Dorothy.

— Có ai biết là bác Jacke cho em cái ngọn cành ấy không?

— Em không biết. Em không kể cho ai nghe cả. Em vẫn giữ cái ngọn ấy, em không cho ai mó vào. Em sẽ đá, sẽ cắn nếu có người nào đụng tới nó.

— Cành này đối với em quí lắm phải không?

— Vâng, quí lắm.

— Em có ưa chơi với bác Jacke không?

— Có, bất kỳ lúc nào được ra sân là em đến với bác Jacke. Bác nói chuyện cho em nghe. Em lắng nghe những điều bác nói. Bác kể cho em nghe đủ thứ chuyện. Bác nói cho em nghe về thánh Francis ở thành Assisi. Ông Francis sống từ thời xưa, ông cũng yêu chim, yêu cây, yêu gió, yêu mưa. Ông nói mấy thứ đó là bạn. Chúng là bạn thật đấy. Còn dễ thương hơn người nữa – Dibs nói thêm, nhấn giọng thật mạnh.

Em xốn xang đi vòng quanh phòng chơi. “Em ngắm cây” – em nói – “Bây giờ em vẫn ngắm cây. Vao mùa Xuân lá trổ xòe ra và xanh ra vì mưa đem lại cho chúng màu xanh tươi. Chúng nở ra vì vui mừng thấy mùa Xuân trở lại. Và suốt Hè chúng che bóng mát thân yêu. Rồi đến mùa Đông, lá bay xa. Bác Jacke nói rằng vào mùa Thu gió đến với chúng đem chúng đi du lịch vòng quanh thế giới. Một lần bác kể em nghe chuyện về một chiếc lá bỏ sót trên cành cây ấy. Bác nói chiếc lá nhỏ buồn lắm vì nó nghĩ rằng nó bị bỏ rơi và nó sẽ không được đi đâu nữa. Nhưng gió đã trở lại để đón chiếc lá nhỏ cô đơn và thổi nó đi một chuyến du lịch tuyệt vời nhất mà chưa được ai hưởng. Bác nói rằng chiếc lá nhỏ này được thổi quanh trái đất và được nhìn thấy tất cả những kỳ lạ trên thế giới. Và sau khi nó đã đi khắp thế giới, nó trở lại sân nhà em, bác Jacke nói, bởi vì nó nhớ em. Và một ngày mùa Đông bác Jacke gặp nó dưới gốc cây nhà em. Nó mệt hết sức, gầy yếu, khô cằn sau một chuyến du lịch dài. Nhưng bác Jacke nói rằng nó muốn trở về với em vì nó không gặp được một người nào khác trên thế giới nó có thể thích như em. Vì thế bác cho lại em. Dibs đi lại một vòng nôn nao quanh phòng. Em dừng lại trước mặt tôi. “Em giữ lại chiếc lá đỏ” – em nói – “Nó mệt và già lắm. Nhưng em giữ chiếc lá ấy, em lồng nó vào khung kính. Em tưởng tượng ra một số đồ vật mà nó được xem trong khi bay cùng thế giới với gió. Và em đọc trong những cuốn sách của em về những nước mà nó đã từng thấy”.

Em đi lại chỗ tôi.

— Giày của em – em nói với giọng điệu nhõng nhẽo hồi trước – Cô A, buộc dây cho em đi.

— Được, Dibs. Để cô buộc cho em.

— Em cảm thấy buồn hay sao? Em gật đầu. “Buồn”.

— Bác Jacke còn làm vườn cho nhà em không?

— Không. Không làm nữa. Ba nói bác ấy già quá rồi và từ khi bác lên cơn đau tim thì không làm việc này nữa. Nhưng đôi khi bác vẫn lui tới. Em và bác ấy gặp nhau ở ngoài sân. Bao giờ bác cũng kể một chuyện cho em nghe. Nhưng lâu nay không thấy bác tới nữa. Em nhớ bác ấy quá.

— Đúng rồi. Cô cũng chắc vậy. Dibs, chắc bác là người tử tế lắm.

— Ồ, đúng đấy. Em thích bác ấy lắm. Em đoán, có lẽ bác ấy là một người bạn? – Em hỏi với vẻ tư lự

— Cô đoán bác ta là người bạn thật đấy. Một người bạn rất tốt.

Dibs đi ra cửa sổ im lặng nhìn ra ngoài một hồi lâu. “Bác Jacke chúa nhật nào cũng đi nhà thờ”. Em nói và chỉ tay về phía nhà thờ – “Bác nói là bác đi nhà thờ.”

— Còn mười phút nữa phải không cô?

— Không.

— Còn chín phút nữa?

— Không.

— Tám phút nữa?

— Phải. Tám phút nữa.

— Vậy để em chơi với gia đình búp bê và căn nhà trong ít phút còn lại.

“ Sửa soạn cho mấy người lớn vô giường” – em nói và lựa những con búp bê và xếp vào những phòng ngủ – “Bây giờ đến con nít. Đây là em bé. Chị bếp nằm đây. Và đây là chị giặt đồ. Chị giặt đồ than là mệt. Chị muốn nghỉ ngơi. Đây là những chiếc giường. Đây là phòng của Ba. Mi không được vô đây. Mi không được quấy rầy ông. Ông mắc bận. Đây là phòng của Má. Đây là giường của Ba. Và mỗi người con có phòng riêng. Chị bếp có phòng riêng, có giường. Chị cũng than là chị mệt. Và chị giặt đồ không có giường. Chị phải đứng coi máy, và đứa trẻ này đôi khi chạy xuống nhà giặt và hỏi chị ấy tại sao chị không vào giường ngủ nếu chị mệt. Chị trả lời rằng người ta mướn chị để làm việc chứ không phải để nghỉ, nhưng Má nói rằng chị có thể kê chiếc ghế xích đu dưới đó. Chẳng có lý do gì cấm chị nếu chị thích ngồi xích đu như vậy. Chị đã giặt đồ cho gia đình này cả bốn mươi năm rồi. Đôi khi chị có thể ngồi đu một lúc, có phải thế không? Chị bếp hỏi vậy. Nhưng chị giặt đồ nói rằng không được, bởi vì sẽ quấy rầy ông chủ và chỉ có trời mới cứu được chúng ta nếu chúng ta quấy rầy ông ta. Nhưng chị bếp nói rằng cứ để ông vô xối nước xà bông lên cái đầu già nua ấy. Rồi chị đuổi thằng bé lên lầu, nói rằng trong nhà giặt chẳng có gì làm cho nó vui cả. Thế là thằng bé trở lại lên lầu”.

Lúc ấy tôi vô ý vấp phải bức tranh mà Dibs đã ráp lại trên sàn dưới chân tôi. Tôi cúi xuống, xếp ngay ngắn lại. Dibs liếc mắt nhanh nhìn tôi.

— Cô đang làm gì thế?

— Cô đạp phải tranh hình của em và tấm hình Tom Tom, con trai người thổi sáo bị bung ra.

Dibs tò mò nhìn tôi.

— Cô nói gì cơ? – Em hỏi lại – Em chẳng hiểu cô nói gì cả.

— Cô nói là cô vô ý đạp phải bức tranh lắp của em và bức tranh Tom Tom, con trai người thổi sáo bung ra.

“Ồ” – Dibs nói. Chắc chắn là Dibs biết từng cử động diễn ra trong phòng này dù em mải miết đến đâu với công việc riêng đi nữa. Dibs quì gối xuống để xem tôi ráp lại đúng chưa. Em cho là đã được. Em đứng dậy và cầm lấy ổ khóa của cửa phòng chơi. “Khóa lại nhé?” – em hỏi.

— Em không muốn khóa cửa?

— Đúng vậy – Em khóa cửa lại – Khóa rồi.

Sau đó một lúc, tôi bảo:

— Phải, cửa khóa rồi. Bây giờ em mở khóa cho cô đi, vì bây giờ là giờ ra về!

— Vâng, dù cô biết là em không muốn về.

— Phải, dù cô biết là em không cảm thấy muốn về, nhưng có những lần, Dibs, em phải về! Và đây là một lần ấy.

Em đứng trước mặt tôi, nhìn đăm đăm vào mắt tôi. Em thở dài. “Vâng” – em nói – “Em biết. Ở đây em có thể làm được nhiều việc, nhưng rồi, cuối cùng bao giờ em cũng phải về.” Em bắt đầu đi ra cửa.

— Còn nón áo của em này.

“Vâng. Nón áo của em” – em đáp. Em quay lại nhặt nón và đội lên. Em kéo nón sụp sâu xuống đầu. “Nón áo của em” – em nói. Em nhìn tôi. “Em chào cô A. Rồi thứ năm lại tới. Tuần nào cũng có một thứ năm. Tạm biệt cô”. Em đi dọc dãy hành lang xuống phòng tiếp nhận. Tôi nhìn theo em. Em ngoái cổ lại vẫy tay. “Chào cô”. Em chào thêm lần nữa.

Trẻ như thế, bé như thế, mà giàu nghị lực đến thế! Và tôi nghĩ đến bác Jacke và tự hỏi liệu bác có biết là sự thông cảm và từ tâm của bác đã trở thành yếu tố quan trọng giúp cho sự phát triển của em nhỏ này không? Tôi nghĩ đến cái ngọn cành cây biểu tượng và chiếc lá nhỏ mong manh héo úa, tàn tạ ấy. Tôi nghĩ đến câu nói đầy tư lự của Dibs: “Em nghĩ, có lẽ, lúc ấy là người bạn không chừng?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.