Sa Mạc Nở Hoa
14.
Tuần sau đó khi tôi đang ở phòng tiếp nhận thì mẹ con Dibs đến. Khi đó tôi mặc một chiếc áo dài lụa in bông.
— Ồ, má coi kìa – Dibs reo – áo màu đẹp quá. Hoa đẹp không? Áo đẹp không?
— Ừ – má em nói – áo cô đẹp lắm.
— Những màu sắc – Dibs nói – Những màu sắc đẹp.
Lần này khác hẳn với lối đến âm thầm thường lệ của em. Má em mỉm cười.
— Dibs nằng nặc đòi phải đem đến khoe cô một món quà sinh nhật của cháu, cô thấy có được không?
— Được chứ. Nếu em muốn mang đến, được lắm chứ.
— Dạ, cháu muốn lắm.
Dibs nôn nóng muốn trở lại phòng chơi. Em kè kè ôm một hộp lớn chắc là đựng quà sinh nhật.
“Cháu có thể cắt nghĩa cho cô” – mẹ em nói – “Thực vậy, tôi nghĩ là cháu có thể trả lời được hết”. Có sự hãnh diện không lầm được trong giọng nói của bà.
Dibs đã trở lại phòng chơi. Tôi đi theo em. Em ngồi trên bờ bể cát và mở gói quà bọc giấy. “Em đang ở đây” – em tuyên bố – Em đang ở đây”.
— Được. Em hãy cứ tự nhiên như ở nhà vậy.
— Không như ở nhà! Dibs đáp. Như ở phòng chơi chứ!
— Phải. Hãy cứ tự nhiên như ở phòng chơi!
Dibs lăng xăng đi lại quanh phòng mỉm cười sung sướng. “Em mới mừng sinh nhật’ – em nói.
— Sinh nhật em có vui không?
— Vui.
Em trở lại với gói đồ. “Cô thấy không đây là máy điện tín quốc tế chạy bằng pin và các đồ phụ tùng. Thấy không? Đây là những nút chấm và đây là những nút gạch và máy gởi thông điệp đi bằng tín hiệu. Cô đánh vần bằng chấm và bằng gạch, nó sẽ gởi thông điệp đi bằng tín hiệu. Không phải bằng chữ mà bằng tín hiệu. “Trong lúc em di chuyển máy pin rơi ra. Em vội vàng lắp pin lại. “ Nó rời ra” – em giải thích. “Những cục pin này lắp không kín lắm. Khi em nhấn nút cô có nghe thấy những tiếng động nhẹ không? Đó là thông điệp. Cô thấy ngộ không?”
— Có, ngộ lắm, Dibs ạ.
— Rất, rất là hay – Em nhấn nút và đánh một thông điệp – Thấy nó chạy không? Đây là bộ máy điện tín quốc tế và ai cũng đọc được nếu biết tín hiệu.
— Cô thấy rồi.
Một chiếc xe vận tải chạy bên ngoài cửa sổ. “ Mày nhìn xe vận tải, Dibs”- em nói trở lại với lối nói hồi trước. “Mày mở cửa sổ Dibs” . Em mở cửa sổ và nhìn ra ngoài. “Ồ, xe chạy rồi” – em nói.
— Nó đi rồi ư?
“Dạ, một chiếc xe vận tải khác đến”. Một chiếc xe vận tải khác rẽ vào và đậu lại. Dibs nhìn tôi cười. Có lẽ sự rút lui trở về với kiểu nói trẻ nít là một sự giải tỏa bớt áp lực của những kỳ vọng mà món quà sinh nhật gợi lên. “ Đây là xe vận tải” – Dibs nói – “Nó đậu lại. Nó di chuyển. Bây giờ nó lùi. Người đàn ông ra khỏi xe. Ông ấy mang một cái gì. Bốn hộp một lần. Ông đưa cái gì vào trong nhà. Ông đi ra. Ông lấy lại bốn hộp lớn. Ông vào trong nhà”.
Em tựa trên khung cửa sổ và xem xét chiếc xe vận tải. Em ngoái cổ qua vai nhìn tôi. “Đó là xe vận tải lớn. Màu đó dơ bẩn. Không biết hộp ấy đựng gì, nhưng ông có một xe đầy. Ông hết đi vào lại đi ra xe. Ông khuân thùng vào trong nhà. Đi tới đi lui, Đi ra đi vô. Ông mang đồ”.
Hai cô nữ sinh viên cắp sách đi ngang qua cửa sổ. Các cô nhìn lên thấy Dibs tựa cửa sổ.
— Chào chú – Một cô gái chào Dibs. Em làm ngơ.
— Chị chào em – Cô gái nói to. Dibs tiếp tục làm ngơ.
— Em không chào lại à? – Cô gái hỏi – Em không biết nói hay sao? Có chuyện gì buồn phải không? Hay mèo tha mất lưỡi rồi?
Dibs không nói gì cả. Em đứng nhìn qua cửa sổ, yên lặng nhìn theo họ.
Khi hai cô đã đi khuất, em nói: “Em nhìn mấy cô ấy đi qua. Em không nói với họ. Có một người đàn ông trên xe vận tải. Em không nói với ông ta. Có một người đàn bà đi dọc đường phố. Em không nói với bà ta. Em không nói gì với bất kỳ người nào trong số những người này. Chiếc xe vận tải chạy kia kìa. Chào xe!”. Xe chạy qua có tiếng máy nổ.
“Em không chào lại à? Em không biết nói à?” – em nhái giọng cô gái. Dibs đóng sập cửa lại và quay lại đối diện với tôi mắt đỏ lên vì giận dữ. “Không muốn chào. Không muốn nói với mấy người ấy!” – Dibs la lớn – “Không thèm nói”
— Em nhìn người ta, em nghe người ta nói, nhưng họ làm cho em bực mình và em không muốn nói chuyện với họ – Tôi nói.
— Đúng vậy – em nói – Người ta bần tiện nên em không nói với họ. Nhưng em nói với cái xe vận tải. Em chào tạm biệt xe vận tải.
— Xe vận tải không thể nói gì mất lòng em, có phải không?
— Xe vận tải tử tế.
Rồi em thu nhặt một sô cát nhỏ, một chén nhựa, một cái muỗng, vài cái khuôn làm bánh và một cái rây bột. Em bày những đồ vật này trên cát. “Bây giờ em sẽ nướng bánh” – em loan tin – “Bữa nay chị bếp nghỉ và em sẽ nướng bánh. Việc này sẽ làm cho trí em được thảnh thơi” – em nói. Em bắt đầu đong và trộn cát trong cái chén. “Em lấy bột, lấy đường và bơ” – em nói
– “Em sẽ lấy cái rây bột. Rây ba lần. Em sẽ rây như thế này để làm cho nó nhẹ hơn. Làm như thế bánh ngon hơn. Và em sẽ thêm bơ. Bơ đôi khi cũng gọi là chất béo. Những thứ khác cũng gọi chất béo như mỡ, bơ, dầu thực vật.” Em chú ý hết mình vào trò chơi.
“Nào, để em thêm sữa” – em nói – “Cô có thấy là em đốt lò trước lên không để cho nóng trước? Nóng trước có nghĩa là làm cho nó ấm trước thời gian nướng. Rồi em lấy khuôn bánh. Có nhiều thứ khuôn. Đây là những khuôn hình con thỏ. Đây là những khuôn hình sao. Đây là những khuôn hình trái bí. Cô có chọn khuôn nào không? Nếu cô lựa cô đưa cho em. Hay là đẩy ra phía bàn bên này. Em muốn biết xem cô có hiểu những điều em nói với cô. Cô hiểu về khuôn chứ? Cô có muốn em làm bánh con thỏ không? Bây giờ để em cán bột bằng cái cây lăn nhỏ này và em sẽ cắt bằng khuôn mà cô chọn”.
Bột làm bánh của em không đủ đặc. Em liếc mắt nhìn tôi. “Bột làm bánh thật, dính nhau hơn” – em nói – “Nhưng em cứ coi như là chúng dính nhau và em cắt bằng khuôn hình con thỏ. Em phải để bột lên vỉ và nắn hình.”
— Cô biết – Tôi góp lời.
“ Bây giờ đặt bánh vào lò đốt sẵn” – em nói. Em để khay bánh bằng cát vào cái lò giả. “Bây giờ em sẽ ngồi xuống và chờ bánh chín.” Em ngồi xuống trên bờ bể cát và cởi dây giày ra. Em tháo giày ra, bò vào cát và hát.
Ồ, bánh ơi, chín đi Trong lúc ta ngồi đây Ồ, bánh ơi, chín đi Trong lúc ta cởi vớ
Trong lúc ta đổ cát trên chân Trong lúc ta đếm ngón Một, hai, ba, bốn, năm.
Năm ngón chân trên một bàn chân Ô, số nào là sau số một?
Ta bảo mi làm sao?
Nghĩ đi. Nghĩ đi. Cứ nghĩ đi. Ta sẽ nhắc lại điều đó
Coi ta và nghe ta nói Một, hai, ba, bốn, năm Ta nói gì nhỉ?
Mi nói lại đi Một, một, một Ta nói gì nhỉ?
Nghe lại một lần nữa Một, hai, ba,bốn Một, một, một Lắng nghe ta đây Đứa trẻ ngu ngốc Một. Hai. Hai. Hai. Bây giờ nhắc lại Một, hai, ba, bốn, năm
Đúng. Đúng. Đúng rồi
Thưởng mi chiếc bánh
Vừa chín còn nóng!
Em cười. “Như vậy năm ngón trên một bàn chân và năm ngón ở chân kia cộng lại mười ngón trên hai bàn chân” – em nói – “Cô có học hỏi được gì không? Hay là cô biết mà cô không trả lời em?”
— Đôi khi em biết những câu trả lời mà tại em không muốn nói. Có phải như thế không?
“Em không biết khi nào em đã biết và khi nào em không biết” – Dibs nói, em đã nói thành lời sự lúng túng mà em đã thường vấp phải. Em nằm ngửa xuống cát và uốn cong người cho tới khi ngón chân em chạm đến tận môi. “Cô có thấy em tài không?” – em nói – “Em có thể gập đôi người lại mà chẳng cần ai dạy cả”. Em lăn mình trên cát. Em đứng thẳng lên và nhảy xuống trong cát. Em chạy ra bàn, lấy bình chai và trở lại bể cát. Em nằm xuống và bú bình chai như một đứa trẻ nít. Em nhắm mắt lại. “Hồi em còn bé” – em nói.
Tôi chờ đợi, nhưng em không nói tiếp.
— Khi em còn bé thì sao? Sau cùng tôi hỏi.
— Khi em còn bé – em nhắc lại. Rồi bỗng ngồi bật lên – Em không còn bé. Không bao giờ em là trẻ nít cả!
— Bây giờ em không còn là con nít và không muốn nghĩ em đã là con nít phải không?
Em đi lại chỗ giá vẽ.
— Có mười một màu sơn khác nhau trên bàn vẽ. Những màu sắc khác nhau được làm bằng những nguyên tố khác nhau. Cô có biết điều đó không?
— Vậy hả? – Tôi hỏi lại.
— Dạ.
Dibs mỉm cười. Em đập đập hai cánh tay như gà vỗ cánh. Em cười. “Dibs vui quá” – em reo lên – “Tiếp tục công việc, Dibs. Ra chỗ nước. Ra chỗ chậu lavabô”. Em đi giày, thắt dây giày thật chặt, nhảy ra chỗ đặt lavabô, mở cửa và vặn rôbinê nước thật lớn. Em lấy bình chai, cầm ra lavabô, đổ nước chai còn lại, rồi hứng đầy. Nước bắn vô phòng. Em mở rôbinê nước uống, lấy ngón tay bịt một phần miệng vòi và hướng tia nước bắn vào phòng. “Em tạo dòng nước phun!” Em xăn tay áo lên. Em hứng nước đầy bình chai, ráng lắp núm vú vô, nhưng bị trơn tuột.
— Cô A sẽ làm việc ấy giúp em, Dibs – em nói – Cô A sẽ không xua đuổi em đâu.
— Em nghĩ là cô sẽ giúp em ư?
— Vâng. Em biết là cô sẽ làm mà.
Em đưa cho tôi cái bình chai và cái núm vú. Tôi lắp cho em và đưa trả chai cho em.
Em đứng trước mặt tôi bú chai, nhìn tôi trừng trừng. “ Em không bị cô gọi là thằng ngốc” – em nói – “Em nhờ cô giúp thì cô giúp. Em nói là em không biết, thì cô biết. Em nói là em không làm được thì cô làm được”.
— Như vậy thì em cảm thấy thế nào?
“Em cảm thấy như lúc này này” Em nhìn tôi đăm đăm và trang nghiêm. Em quay trở lại lavabô, hứng đầy bình chai, đổ đi, mở rôbinê, phun nước, cười trong lúc đổ nước ra khay và sàn nhà “Làm cho trơn ướt!” Em nói lớn – Làm rối tùm lum”. Em nhìn thấy một hộp chùi nồi soong trên kệ bên trên lavabô. Em leo lên lấy xuống.
— Hộp này đựng cái gì?
— Bột chùi nồi soong.
Em đưa lên ngửi, đổ ra một chút ra tay nhìn rồi đột ngột đưa lên miệng nếm.
— Đừng Dibs – tôi la – Đây là bột chùi nồi soong chảo không nếm được đâu.
Em quay lại lạnh lùng nhìn tôi. Sự phản ứng đột ngột của tôi có vẻ mâu thuẫn. “Làm sao em có thể nói là nó có vị gì nếu em không nếm?” – Em nghiêm chỉnh hỏi tôi.
— Cô cũng không biết có cách nào khác. Nhưng cô không nghĩ là em cần phải nếm. Nếm không tốt đâu.
Em nhổ xuống chậu lavabô.
— Em súc miệng bằng nước đi – tôi đề nghị.
Em làm theo. Nhưng phản ứng của tôi làm em bối rối. Em để gói bột trở lại kệ và lạnh lùng nhìn tôi.
— Cô xin lỗi, Dibs – tôi nói – Tại sao cô không nghĩ ra trước. Nhưng cô không muốn thấy em nếm nhiều bột chùi soong như vậy.
Em cắn môi, đi ra cửa sổ. Binh giáp nhạy bén của em sẵn sàng giương lên khi tình cảm của em bị thương tổn. Sau đó em trở lại chậu lavabô. Em hứng đầy nước và đổ ào xuống khay. Em thả từng bình chai vào nước, rồi mở nước chảy đầy chậu, chúng va vào nhau. Nước chảy hết cỡ. Em cười và cầm những bình chai xoáy tròn chậu nước. Em để tuột một chiếc bình chai và nó va vào vòi nước. “Chúng có thể bể và gây thương tích” – em nói – “Cô có sợ cho em không?”
“Cô nghĩ là em biết cách giữ gìn chứ” – Tôi đáp, nhờ có kinh nghiệm rồi.
Em vớt những chai thủy tinh ra và ném những dĩa nhựa vào trong nước.
“Chúng đảo tròn khi chìm xuống” – em hô – “Những chiếc ly nhỏ. Những chiếc dĩa đựng ly nhỏ. Những chiếc dĩa nhỏ. Chìm xuống. Chìm xuống”. Em hắt nước ra phòng từng ly một, la hét vui vẻ. “Lùi ra. Lùi ra. Lùi ra” – em reo – “Coi chừng quần áo, lùi lại, coi chừng không ướt hết”.
Tôi rút về một góc an toàn và Dibs tiếp tục hắt nước.
“Trong đời em chưa bao giờ làm được một việc hư hỏng to lớn như thế này” – em reo lên. Chậu nước dâng lên, càng lúc càng gần mực trào ra. “Trông nước kìa” – em hô – Sẽ giống như một ngọn thác. Sẽ trào xuống”. Em đứng trước lavabô, theo dõi, nhún nhảy. Em thọt hai tay và cánh tay xuống nước, đưa tay ướt lên mặt, vỗ nước vào mặt. Ồ nước, nước ướt, nước mát, nước dính” – em nói. Em cúi xuống cho tới khi mặt chạm nước. Đúng lúc nước bắt đầu trào, em vội vã chặt vòi nước.
“Em để ít nước tràn ra” – em loan báo. Em khuấy mạnh ly, dĩa quay tròn trong chậu. Em ném những con dao, nĩa và muỗng bằng nhựa vô. “Những đồ vật nhỏ này có thể trôi tuột xuống ống cống” – em nói. Em vớt chúng lên. Em đặt chúng trên khay. “Tạm đủ rồi” – em nói và mở nút đóng ra. Nước òng ọc chảy xuống cống. Em vớt tay cầm nút vặn nước nóng.
— Nước đó nóng lắm, Dibs ạ – tôi nói – mở nước lạnh trước đã.
Dibs xếp những chiếc dĩa lại. Em đếm. Em nhanh nhẹn mở vòi nước nóng, lấy ngón tay hứng nước, vội vã rụt tay lại.
— Nóng – em la.
— Em muốn tự mình kinh nghiệm. Bây giờ thì em thấy rồi.
— Vâng, nóng quá.
Em nhặt bình chai để trên bàn lên, đút núm vô miệng và nút. Em ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh bàn, vẻ yên ổn, cầm bình chai uống. “Em chưa lớn tuổi lắm” – em nói.
— Chưa lớn tuổi à?
— Vâng. Mới có sáu tuổi.
— Hiện nay em chưa cảm thấy mình lớn tuổi lắm, có phải không? “Chưa”. Em tiếp tục bú chai và nhìn tôi. Sau đó em để chai xuống.
— Cô A ở trong tòa nhà gạch to – em nói – Cô sống ở phòng mười bảy. Đó là phòng của cô. Và phòng mười bảy là phòng của cô. Cũng là phòng của em luôn.
— Phòng này là của hai cô cháu mình à?
Dibs gật đầu. “Ở trong phòng này thích lắm. Trong văn phòng cô cũng thích. Cô cháu mình xuống văn phòng cô đi. Em đem theo cả bộ máy điện tín nữa.”
Chúng tôi đi xuống văn phòng tôi. Dibs lại ngồi vào ghế trước bàn giấy. Em xem xét chiếc đèn bàn mới, bật lên, rồi lại mở chiếc hộp đựng bộ máy đánh điện tín. “Máy này gởi thông điệp” – em nói.
— Loại thông điệp nào? – Tôi hỏi.
— Thông điệp thường – Đây là tín hiệu chữ a. Đây là tín hiệu chữ b. Em chỉ cho cô tín hiệu của tất cả các chữ của mẫu tự – Em đánh tín hiệu của từng chữ cái.
“Cánh tay bị bong da” – em nói – “Bởi thế da bị sần. Em phải bôi thuốc nhờn. Ồ, nhìn xem cuốn sách nhỏ đẹp kìa”. Em cầm cuốn sách lên. “À cô có cuốn tự điển nhỏ. Để em tra một chữ. Xem nào. M – e – n, viết là “men”, em tìm và đọc cho cô nghe định nghĩa: Chất người ta cho vào bột làm bánh. Em thích tra tự điển. Cô có hiểu tín hiệu không?”
— Khi cô đối chiếu với bản chỉ dẫn in trên nắp hộp.
Sau khi biết tôi có thể đọc được những thông điệp viết bằng tín hiệu. Em kéo máy điện tín lại gần và mau lẹ ấn nút đánh thông điệp. “Nghe đây. Nghe đây. Nghe đây” – em hô – “Cô có nhận được thông điệp không?”
— Cô phải nhìn vào tờ giấy và so với bảng in trên nắp hộp.
— Được. Cô nhìn đi – Đây là một thông điệp quan trọng.
— Cô nghĩ là cô nhận ra rồi – Tôi nói sau khi đã phiên dịch xong.
— Nó nói gì?
— Nó nói. Em là Dibs. Em là Dibs. Em là Dibs.
— Đúng lắm – em reo – Bây giờ nhận tin đây – Em kỳ cạch gõ trên máy điện tín.
— Em thích Dibs. Cô thích Dibs. Cả hai chúng ta đều thích Dibs – Tôi đọc thông điệp lại cho em nghe. Em vỗ tay.
— Đúng lắm! – Em reo – Chúng ta thích Dibs. Em mỉm cười sung sướng. Bây giờ cô viết câu gì để em đánh. Hỏi em một điều gì đó.
Tôi viết bằng tín hiệu. “Em bao nhiêu tuổi?”
“Em sáu tuổi” – em viết câu trả lời – “Em vừa mừng sinh nhật. Em thích em. Cô thích em. Em sẽ giữ lại những thông điệp này.”
Em đậy nắp lại. “Chiếc máy này đẹp lắm” – em nói – “Đây là quà sinh nhật. Má em tặng. Ba cho một bộ đồ thí nghiệm hóa học. Dorothy cho em một cuốn sách. Và Bà cho em một dĩa hát lớn và đẹp. Bà gởi đến bằng đường bưu điện. Một ít kẹo và mấy trái banh đựng trong hộp” – Em cười. “Năm rồi bà gởi cho em một con gấu vải. Em cưng nó hết sức.”
— Em thích con gấu vải lắm à? Dường như em vẫn thường thích những tặng phẩm sinh nhật.
— Em thích chứ. Và cả thiệp sinh nhật nữa. Em thích tấm thiệp mà cô gởi cho em. Năm nay em thích ngày sinh nhật lắm.
— Cô vui mừng được biết là em thích.
— Gần tới giờ rồi phải không? – Em hỏi và xoay mặt chiếc đồng hồ về phía em. – Phải.
“Em ngồi yên như thế này cho hết ba phút” – Em nói và khoanh tay để trên mặt bàn trước mặt em, theo dõi kim đồng hồ. “Em đang sung sướng”.
Khi hết giờ em cầm máy chiếc máy điện tín lên và đi ra cửa.
— Thôi, chào tạm biệt cô A.
— Tạm biệt Dibs.
— Cô ở lại đây, tuần tới em sẽ trở lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.