Sa Mạc Nở Hoa
18.
Vào ngày thứ hai khi cô Jane gọi dây nói cho tôi, tôi cảm thấy nôn nóng muốn nghe cô báo cáo về tác phong của Dibs ở trường. Chắc chắn là một phần nào cái tác phong mà tôi quan sát được ở phòng chơi phải hiện ra tại trường. Cô không bắt tôi phải hồi hộp lâu.
— Em vui mừng báo cáo với cô là chúng em nhận xét có sự thay đổi lớn nơi Dibs – cô nói – Đây là một sự thay đổi từng bước nhưng chúng em rất hài lòng về Dibs. Bây giờ Dibs chịu trả lời chúng em. Đôi khi chính em bắt đầu gợi chuyện trước. Em ấy vui vẻ, bình tĩnh và tỏ ra chú ý đến các em khác. Bây giờ phần nhiều là em nói lưu loát, nhưng khi có chuyện phiền hà, em lại lui về lối nói cộc lốc ấu trĩ của em. Em xưng EM khi nói về mình. Chị Hedda vui không tưởng nổi. Chúng em rất vui lòng về Dibs. Chúng em nghĩ là cô muốn biết.
— Chắc chắn là tôi vui mừng khi biết điều này – tôi nói – Chúng ta có thể thu xếp gặp nhau để tôi được nghe thêm chi tiết về những thay đổi tác phong của em không? Cô, cô Hedda và tôi có thể dùng cơm trưa với nhau một ngày nào gần đây không?
— Chúng em mong điều đó lắm – cô Jane nói – Và em biết chị Hedda cũng mong lắm. Chị được phân công đến nhóm của Dibs vì chúng em nghĩ là chị ấy lo cho em ấy nhất. Chắc chắn là chị muốn làm việc với Dibs. Chị đã giúp đỡ em ấy nhiều lắm.
Hôm sau chúng tôi cùng ăn bữa trưa với nhau, và đó là một cuộc thảo luận rất có ý nghĩa về Dibs.
Em đã từ từ và dè dặt thoát ra khỏi sự cách ly tự tạo. Không có người nào trong chúng tôi đã nghi ngờ là Dibs không ý thức được những gì diễn ra quanh em. Những điều phỏng đoán của chúng tôi đúng – em đã lắng nghe và học hỏi trong lúc thu mình ngoài lề nhóm dưới gầm bàn hay ngồi quay lưng lại nhóm, ra vẻ cách biệt. Dần dần, em trực tiếp đến gần nhóm hơn. Lúc đầu có những câu trả lời ngắn đáp lại những câu hỏi nhằm vào em. Rồi em bắt đầu làm những điều các em khác làm. Buổi sáng khi em vào lớp, em đã biết chào lại. Em cẩn thận cởi áo và cất nón đem treo ở móc riêng dành cho em khác, xích ghế lại sát nhóm để nghe kể chuyện, để hát hay nói chuyện. Đôi lúc em trả lời câu hỏi. Với sự khéo léo các cô giáo điều khiển nhóm cách nào để không có sự đột ngột chú ý đến Dibs khi em tham dự hay nói. Nhưng lúc nào cũng sẵn cơ hội để em tham gia.
— Em từ lâu không còn những cơn giận hờn nữa đến nỗi chúng em quên hẳn là trước đây em vẫn thường giận hờn – cô Hedda nói – Em mỉm cười với những em khác và với chúng em. Khi lần đầu tiên em bắt đầu là thành viên của nhóm, em ấy xích lại gần em, cầm tay em, nói với em vài tiếng. Em thận trọng chỉ tiếp nhận điều gì Dibs làm và nói, để khuyến khích em cố gắng hơn. Và rồi, dĩ nhiên là những đứa trẻ khác bận rộn với công việc riêng nên các em chấp nhận bất kỳ điều gì Dibs làm mà không cần hỏi. Dần dần Dibs bắt đầu theo những lời chỉ dẫn và em có khả năng thực hiện những điều chỉ dẫn đòi hỏi khả năng cao. Rồi em chuyển sang giá vẽ và thuốc màu. Đó là việc em làm đầu tiên. Em chú tâm vào công việc như thể là em đang thực hiện một kiệt tác.
Hedda cười và đưa ra một cuộn những bức vẽ của em, cô trải rộng ra. “Dibs không phải là họa sĩ, nhưng ít nhất em cũng làm được một cái gì”.
Tôi nhìn những bức tranh. Những bức tranh rất giản dị, tiêu biểu, thuộc lứa sáu tuổi. Một căn nhà thô sơ. Cây. Hoa. Màu sắc trong sáng, rực rỡ. Nhưng tại sao Dibs lại vẽ những bức tranh như vậy khi em có khả năng đi vào nghệ thuật phức tạp hơn? Đây có thể là những bức tranh vẽ của bất kỳ những đứa trẻ nào ở tuổi em – nhưng đồng thời là họa phẩm kỳ lạ của một đứa trẻ mà những bức họa, những tranh màu ở nhà vượt xa khả năng thuộc lứa tuổi em.
— Em có đem theo tác phẩm khác của Dibs – cô Hedda khoe. Đây là ít truyện em ấy viết. Em ấy biết chữ cái và có thể, có thể đánh vần được ít tiếng
– Cô đưa những tờ giấy cho tôi. Dibs nắn nót viết:
Em nhìn thấy con mèo
Em nhìn thấy con chó
Em nhìn thấy cô
— Chúng em có những tấm hình treo quanh phòng ở dưới có viết tên những đồ vật và các em nhìn vào đấy để viết cho đúng. Và một khi em muốn viết một câu truyện, chúng em giúp nó. Một vài em đã bắt đầu đọc được. Một vài em đọc rất giỏi. Và Dibs bắt đầu tham gia tập đọc.
Tôi nhìn vào những chữ mà Dibs nguệch ngoạc viết. Những tình cảm hỗn tạp chọi nhau trong người tôi. Những tranh vẽ thô sơ. Những câu viết ngắn giản dị. Tại sao Dibs lại hạ thấp khả năng của mình đến thế? Hay đó là dấu hiệu cho thấy là Dibs tự điều chỉnh cho hợp với lứa tuổi của em?
— Và em cũng biết đọc! – Cô Hedda nhiệt tình nói – Em tham gia một nhóm tập đọc. Em chịu ngồi đó với các bạn khác, lần mò từng chữ. Khi đến lần mình em thong thả đọc từng chữ, không tự tin lắm, nhưng thường là đọc đúng. Em thực tình nghĩ là Dibs có thể đọc giỏi hơn thế, nhưng em ấy cũng chỉ đọc như các em khác trong nhóm thôi, làm như em ráng đọc vậy.
Tôi chới với vì lời tường thuật này. Điều này có nhiều ý nghĩa. Chắc chắn sự nhiệt thành của các cô giáo của em là điều cần đối với Dibs. Nếu tôi nói với các cô là em có thể làm hơn thế nhiều, các cô có thể thất vọng và hết mãn nguyện vì sự tiến bộ của em.
Sự tiến bộ về mặt xã hội của Dibs là yếu tố quan trọng nhất trong sự phat triển của em. Không đặt khả năng của em thành vấn đề – trừ phi người ta nêu lên vấn đề uổng phí tài năng. Nhưng tới giai đoạn này của cuộc trị liệu, thì sự thích nghi với người khác và với xã hội đối với Dibs lại không quan trọng hơn sự biểu diễn tài nghệ đọc, viết hoặc vẽ một cách vượt xa bất kỳ đứa trẻ nào trong nhóm của em sao? Thành quả trí tuệ cao nào có ích gì nếu không thể đem nó sử dụng một cách tích cực để phục vụ cho hạnh phúc cá nhân và vì lợi ích của người khác?
— Như vậy cô nghĩ là Dibs đang có sự tiến bộ trong nhóm của em – tôi nói.
— Dibs thích âm nhạc lắm – cô Jane nói – Em nổi nhất trong nhóm. Bài hát nào em cũng thuộc. Em tham dự ca đoàn.
— Cô phải nhìn thấy Dibs nhảy mới rõ – Cô Hedda nói – Em tình nguyện làm voi hay làm khỉ, hay làm gió. Tự nguyện. Em vụng về lúc khởi đầu; nhưng khi đã nhập cuộc em cử động uyển chuyển, nhịp nhàng. Chúng em không hối thúc Dibs vào việc gì cả. Chúng em vui mừng vì mỗi bước nhỏ em thực hiện và chúng em cảm thấy Dibs vui thích được là thành viên của nhóm. Và em tin là thái độ của mẹ em Dibs đối với em ấy cũng thay đổi rất nhiều. Khi bà dẫn em đến, hay đón em về, bà có thái độ chấp nhận, thoải mái, vui vẻ hơn đối với Dibs. Em cầm tay bà vui vẻ đi cùng với bà. Em là một đứa trẻ rất hay!
— Phải. Em là một đứa trẻ rất hay – tôi nhận định – Dường như em đang cố gắng hết mình để được là một thành viên của nhóm.
— Sự thay đổi rõ ràng diễn ra trong ngày sinh nhật của em. Chúng em bao giờ cũng mừng ngày sinh nhật của từng em. Chúng em có chiếc bánh sinh nhật. Cô và các cháu quay thành vòng tròn, kể một câu chuyện, rồi mang chiếc bánh có thắp nến ra. Các em hát “Mừng ngày sinh nhật” và em có sinh nhật hôm ấy đứng cạnh cô giáo và chiếc bánh, thổi tắt nến. Chiếc bánh được cắt ra và bưng đi mời tất cả các em.
— Bữa loan báo là ngày sinh nhật của Dibs, cả lớp không biết là Dibs sẽ làm gì. Trước đó, không khi nào em tham dự cả, mặc dù lớp vẫn mừng ngày sinh nhật của em như bất kỳ em nào khác. Khi tới lúc xếp thành vòng tròn. Dibs đứng cạnh em. Khi hát bài mừng sinh nhật, Dibs hát lớn tiếng hơn cả. Em hát “Mừng ngày Sinh Nhật, Dibs thân mến. Mừng ngày Sinh nhật của em!”. Rồi sau khi bánh được cắt thành miếng, em bê đi mời từng người với nụ cười rạng rỡ trên nét mặt. Em tiếp tục nói. “Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi! Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Hôm nay tôi lên sáu!”.
Các cô giáo hài lòng về Dibs. Tôi cũng vậy. Nhưng chúng tôi còn phải đi xa hơn nữa. Dibs còn phải học cách tự chấp nhận mình đúng như con người của mình và sử dụng những khả năng của mình chứ không chối bỏ chúng. Nhưng về mặt xã hội, và về mặt tình cảm, em đã mở cho mình được những chân trời mới. Những chân trời mới ấy là căn bản cho sự phát triển toàn diện của em. Tôi tin chắc là cái khả năng mà em đã sử dụng được ở phòng chơi và trong gia đình, sẽ được biểu lộ trong những sinh hoạt khác. Những khả năng trí tuệ của em đã được đem sử dụng để trắc nghiệm em. Những khả năng ấy đã trở thành hàng rào cản và là nơi trú ẩn chống lại một thế giới mà em khiếp sợ. Đó là tác phong tự vệ và phòng ngự. Đó là sự cô lập của em. Và nếu Dibs bắt đầu nói, đọc, viết, vẽ theo những thể cách vượt xa những đứa trẻ khác quanh em, em sẽ bị chúng lánh xa và bị cách ly vì những khác biệt của mình.
Dibs dấn thân vào cuộc đi tìm chính mình. Mỗi giai đoạn một mục tiêu và sự tin tưởng vào những năng lực nội tâm của đứa trẻ này là hai điều kiện thiết yếu. Bầu không khí của em phải thư thái, lạc quan, tinh tế.
— Cách đây ít lâu ở trường chúng em có tổ chức một chương trình văn nghệ nho nhỏ – cô Hedda mỉm cười nói – Chúng em không hiểu biết là liệu Dibs có vui lòng tham gia loại hoạt động này hay không và chính em quyết định để tùy em ấy. Thực ra chúng em quyết định để mỗi đứa trẻ trong nhóm tự quyết định xem mình có dự vào chương trình hay không. Đó là một câu chuyện cả nhóm cùng sáng tạo và diễn xuất, tìm lời và tìm điệu nhạc tùy hứng. Và không bao giờ lặp lại lần thứ hai. Mỗi ngày chúng em trình diễn khác đi. Ai muốn là cây? Ai muốn là gió? Ai muốn là mặt trời? Và rồi chúng em để cho nhóm quyết định xem ai sẽ đóng vai nào trong buổi trình diễn tại thính đường.
— Chúng em không biết là Dibs cảm thấy thế nào về việc này hoặc em sẽ làm gì. Chúng em đã nhiều lần áp dụng chương trình này và trước đây Dibs chẳng thèm biết tới. Nhưng lần này thì em nhập bọn và tình nguyện trình diễn một vũ điệu. Em tạo một vũ khúc mà các em khác rất mê. Em muốn là gió, em thổi, em uốn lượn quanh co và các em quyết định Dibs sẽ là gió trong buổi lễ. Dibs đồng ý. Em thủ vai rất đạt. Đột nhiên giữa vũ khúc em quyết định hát. Em sáng tác lời và cung điệu. Em hát đại khái như sau. “Em là gió. Em thổi. Em thổi. Em leo. Em leo. Em leo lên đồi. Em thổi mây trời. Em uốn cong cây. Em thổi gợn cỏ. Không ai cản được gió. Em là gió, là cơn gió lành, cơn gió không ai nhìn thấy. Nhưng em là “gió”. Em dường như không biết là có khán giả. Các em rất khác rất ngạc nhiên và thích thú. Chúng em nghĩ rằng sau cùng Dibs đã tìm được chính mình và bây giờ là thành viên của nhóm.
Chắc chắn là Dibs đang tiến triển, nhưng tôi chưa dám nói là em đã tìm thấy chính em. Em còn phải đi nữa. Sự tìm kiếm bản thân của em là một kinh nghiệm khó khăn và bối rối, khiến em ý thức dần dần những tình cảm, thái độ và những liên hệ của em với người xung quanh. Chắc chắn là còn nhiều tình cảm thuộc quá khứ em chưa đào lên được và thể hiện qua trò chơi của em để tự biết mình, để hiểu và để kiềm chế mình hữu hiệu hơn. Tôi hy vọng là trong phòng chơi em có được những kinh nghiệm mới giúp em biết và cảm thấy những xúc động nội tâm để bất kỳ sự sợ hãi nào, sự ghen ghét nào trong con người em được đưa ra ánh sáng và loại bỏ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.