Sa Mạc Nở Hoa
19.
Lần sau khi Dibs đến em bảo tôi là em sinh hoạt ở văn phòng của tôi có được không. “Em thấy là cô có cái máy thu băng” – em nói – “Em ghi âm trên máy được chứ?”
Đối với tôi chẳng có gì trở ngại, thế là chúng tôi vào văn phòng. Tôi gắn băng vào máy, cắm điện và chỉ bảo em cách sử dụng máy. Em hăm hở cầm ống thâu và bật cho máy chạy.
“Dibs đang nói đây” – em nói – “Nghe ta nói, máy thâu băng. Mi sẽ bắt và giữ lại tiếng nói của ta. Ta là Dibs đang nói. Ta là Dibs. Đây là ta”. Em tắt máy và cười với tôi. “Tiếng của em đó” – em nói – “Em đã nói và ghi lại. Em sẽ ghi một cuộn băng dài và chúng ta sẽ giữ nó lại mãi mãi. Dành riêng cho chúng ta thôi”.
Em lại mở máy thâu băng và bắt đầu nói vào ống thu. Em nói đầy đủ tên họ, địa chỉ, số điện thoại. Rồi em kể tên đầy đủ của mỗi người trong gia đình, cả bà em nữa. “Tôi là Dibs, và tôi muốn nói” – em tiếp tục – “Tôi ở văn phòng cô A và ở đây có một máy thâu băng và lúc này tôi đang nói vào đấy. Tôi đi học”. Em kể tên trường và địa chỉ. “Có những cô giáo ở trường tôi”. Tên của mỗi cô giáo được ghi lại thật đầy đủ. “Có những đứa trẻ khác ở phòng tôi và tôi sẽ kể tên tất cả những đứa trẻ”. Em đọc tên tất cả những đứa trẻ. “Marshmallow là con thỏ của chúng tôi và là một con thỏ ngoan, nhưng nó bị nhốt trong lồng. Khổ cho con Marshmallow quá. Khi tôi ở trường tôi tập đọc, tập viết và tập đếm. Nào, tôi đếm thế nào đây? Một, hai, ba, bốn”. Những con số từ từ và ngập ngừng buột ra. “Sau số bốn đến số gì nhỉ? Thôi, để ta giúp mi, Dibs. Sau bốn là năm. Đếm một, hai, ba, bốn, năm. Trời ơi! Mi giỏi lắm mới biết đếm như vậy!” Dibs vỗ tay.
“Tôi nghe có người vào cửa” – em tiếp tục – “Ồn ào quá. Vào trong nhà thì phải lặng lẽ. Ồ, đó là Ba. Làm gì mà xô cửa ầm ầm vậy Ba? Ông ngu ngốc và không chú ý. Tôi không muốn ông lẩn quẩn quanh tôi khi ông hành động như vậy. Tôi không cần biết là ông muốn gì. Tôi nhốt ông vô phòng của ông và khóa cửa lại để chúng tôi khỏi phải nghe một kẻ ngu ngốc đang la”.
Dibs tắt máy và đi ra cửa sổ. “Trời bên ngoài đẹp quá” – em nói – “Cô A, tại sao bao giờ trời cũng đẹp khi em có mặt ở đây?”
— Dường như trời bao giờ cũng đẹp khi em đến đây à?
— Dạ, ngay cả khi trời lạnh hay trời mưa, bao giờ trời cũng đẹp trong này. Để em mở băng cho cô nghe.
Em cuốn ngược băng lại và mở ra từ đầu, lắng nghe với vẻ nghiêm chỉnh trên nét mặt. Em vặn lại đoạn ghi băng ghi tiếng la hét của người cha nhiều lần, rồi em cho chạy hết chỗ băng đã ghi. Em tắt máy. “Ba không thích bị đuổi về phòng” – em nói với tôi. “Ông không thích bị mắng là ngu ngốc”. Em lại đi ra cửa sổ.
“Từ cửa sổ này em có thể nhìn thấy mấy cây. Em có thể đếm được tám cây, em nhìn thấy một phần nào của những cây đó. Cỏ cây chung quanh nhà là điều tốt. Cây nào cũng cao lớn và thân thiết”.
Em trở lại máy thâu băng và mở máy. “Ngày xưa có một cậu bé sống trong ngôi nhà lớn với mẹ, với cha và em gái …Và một hôm người cha về nhà và vào phòng làm việc của ông và cậu bé cũng theo vào không thèm gõ cửa. “Ông là một người xấu” – cậu bé la – “Tôi ghét ông! Tôi ghét ông! Ông có nghe tôi nói không? Tôi ghét ông”. Và người cha bắt đầu khóc. Ông ta nói “Xin đừng. Ba ân hận. Ba ân hận về những điều ba đã làm cho con. Xin đừng ghét ba!” Nhưng cậu bé bảo ông ta “Tôi sẽ trừng phạt ông. Tôi không muốn ông quanh quẩn bên tôi nữa. Tôi muốn đuổi ông đi”. Em tắt máy và lại gần tôi.
— Đây chỉ là giả bộ thôi – em nói – Em bịa một chuyện về ba. Ở trường em làm cho ông một bàn thấm và buộc bằng một sợi dây vải đỏ. Rồi em lại làm một cái gạt tàn bằng đất sét đem nung rồi đem sơn để tặng Ba.
— Em làm đồ tặng Ba ư? Và chuyện này chỉ là chuyện giả bộ thôi à?
— Dạ. Nhưng mình cứ việc nghe lại.
Em cho quay lại câu chuyện. Rồi em ghi băng nói tiếp. “Đây là tiếng nói của Dibs. Tôi ghét cha tôi. Ông ta xấu với tôi. Ông không ưa tôi. Ông không muốn có tôi ở gần. Ông ta là một người xấu”. Em nói lại tên và địa chỉ của ông. “Ông ta là một nhà bác học” – em tiếp tục nói. “Ông ta là một người rất bận. Ông muốn được tĩnh mịch. Ông không thích cậu bé. Cậu bé không ưa gì ông”. Em tắt máy và đến bên tôi.
“Ông không còn xấu với em nữa” – em nói – “Nhưng ông đã từng xấu với em. Có lẽ bây giờ ông còn thích em là đàng khác”. Trở lại với máy thâu băng em tiếp tục nói. “Ba ơi! Tôi ghét ông” – em hét lớn – “Tôi ghét ông! Ông đừng có bao giờ khóa nhốt tôi lại nữa nếu không tôi sẽ giết ông. Tôi giết ông thật đấy vì những điều ti tiện của ông đối với tôi”.
Em cuốn ngược băng lại, gỡ ra, và trao cho tôi.
— Cô cất đi – em nói – Cô bỏ vào hộp cất đi và giữ lại cho riêng chúng ta.
— Được. Cô sẽ cất và giữ lại cho chúng ta.
— Em xuống phòng chơi. Chúng ta sẽ thanh toán việc này dứt khoát. Chúng tôi xuống phòng chơi và Dibs nhảy vào bể cát và bắt đầu đào một cái hố sâu. Rồi em đi tới căn nhà búp bê và lấy ra con búp bê cha. “Ông có muốn nói gì không?” – em hỏi con búp bê – “Ông có hối hận vì những câu nói ti tiện cáu kỉnh không?” Em lắc con búp bê, ném nó xuống bể cát và lấy chiếc xẻng đánh nó. “Tôi sẽ làm cho ông một gian nhà tù có khóa cửa’ – em nói – “Ông sẽ hối hận về những việc ti tiện ông đã làm”.
Em lấy những viên gạch và xếp quanh cái hố, cất nhà tù cho con búp bê cha. Em làm việc nhanh nhẹn và hữu hiệu. “Đừng đối xử với Ba như thế, con” – em nhân danh con búp bê cha mà nói – “Ba hối hận vì Ba đã làm khổ con. Con hãy để cho Ba thêm một cơ hội nữa”.
“Tôi sẽ trừng phạt ông vì những gì ông đã làm!” – Dibs la lên. Em đặt con búp bê cha trong hố cát và lại gần tôi.
— Em vốn sợ Ba – em nói – Ông thường rất nhỏ mọn đối với em.
— Em vốn sợ ông ư? – Tôi hỏi.
— Bây giờ ông không còn nhỏ mọn với em nữa. Nhưng em vẫn cứ trừng phạt ông.
— Dù ông không còn nhỏ mọn với em nữa, em vẫn muốn trừng phạt ông ấy à?
— Dạ. Em sẽ trừng phạt ông.
Em trở lại bể cát và tiếp tục việc xây nhà tù. Rồi em đặt con búp bê cha vào nhà tù, đặt tấm ván nhỏ làm nóc nhà rồi phủ cát lên trên. “Ai sẽ lo lắng cho con?” – em la lên. Dibs nhìn tôi. “Đây là người cha” – em nói – “ Ông nói là ông rất ân hận. Ai sẽ mua đồ cho con và săn sóc cho con? Ba là Ba của con. Đừng làm khổ Ba. Ba hối hận về những điều Ba đã làm cho con! Ôi, Ba ân hận quá, Dibs, tha lỗi cho Ba! Ba hối hận quá”. Em tiếp tục xúc cát và con búp bê cha bị vùi lấp trong nhà tù.
Dibs lại gần tôi, kéo tay tôi quàng ngang lưng em – Ông ta là cha em. Ông săn sóc cho em. Nhưng em đang trừng phạt ông vì tất cả những điều ông làm cho em buồn phiền đau đớn.
— Em đang phạt ông về những điều ông thường làm khiến cho em bị khổ sở à?
Dibs trở lại căn nhà búp bê và nhặt con búp bê con trai lên. “Cậu bé nghe cha kêu cứu và cậu chạy lại cứu ông ta” – em nói. “Dibs nhảy vào bể cát với con búp bê con”. Cô thấy chưa. Đấy là Dibs” – em giới thiệu tôi với con búp bê cầm trong tay – Và nó vào chỗ hoang vắng mênh mông này và tìm kiếm ngọn núi đã chôn vùi cha nó trong gian nhà tù và cậu ta bắt đầu đào. Cậu đào, cậu bới”. Dibs nhặt chiếc xẻng lên và đào sâu xuống nhà tù. Cậu nhấc tấm ván lên và nhìn vào trong hố. “Rồi, ông ta đây rồi!” – Dibs loan tin – “ Và ông ta rất hối hận về những điều mà ông ta đã làm. Ông nói “Ba thương con, Dibs. Con giúp Ba với. Ba cần con”. Thế là cậu bé mở khóa nhà tù để cha mẹ em ra”. Dibs thận trọng nhặt con búp bê cha lên. Em cầm con búp bê cha và con búp bê con trong tay và lặng lẽ xem xét. Em đem chúng về căn nhà búp bê và để chúng bên nhau trên một băng ghế dài.
Dibs quay lại phía tôi, với nụ cười xinh xinh trên môi, em nói giọng bình thản. “Bữa nay em nói chuyện với Ba em”.
— Thế à? Em nói về vấn đề gì?
— Ông ngồi trong phòng ăn sáng đang uống cà phê và đọc báo. Em đi thẳng tới chỗ Ba và nói: “Chào Ba. Chúc Ba được thoái mái bữa nay”. Ba em đặt báo xuống và nói với em: “Chào Dibs, con cũng được thoải mái đi”. Và có vậy. Hôm nay em vui lắm.
Em đi loanh quanh phòng mỉm cười vui vẻ.
— Bữa chủ nhật Ba đưa gia đình em đi tắm biển bằng xe hơi. Chúng em ra bãi biển và em nhìn thấy biển. Ba và em đi dọc bờ biển và Ba kể cho em nghe đủ thứ chuyện về biển, về thủy triều và về những sự khác nhau giữa biển, hồ, sông, suối, ao đầm. Và em bắt đầu xây một lâu đài bằng cát. Ba hỏi Ba có thể giúp em không và em đưa xẻng cho Ba. Hai cha con thay phiên nhau xúc. Em lội xuống nước nhưng trời lạnh, em không ở lâu trong nước được. Cả nhà ăn cơm trưa trong xe. Vui thiệt là vui, má cười hoài, cười hoài.
— Em được vui vẻ với Ba, với Má à?
— Dạ. Thích lắm. Một cuộc đi chơi rất vui ra bãi biển và trở về. Không có một câu nói nặng nề nào. Thật tình là không có.
Dibs mỉm cười. “Hôm nay em đã nói chuyện với Ba” – em nói với một nụ cười vui vẻ, cởi mở.
Điểm thú vị là những tình cảm thù hận và oán ghét cha được biểu lộ công khai, trực tiếp và đầy đủ hơn khi em đã an tâm hơn trong mối liên hệ với người cha. Thực là nức lòng khi được nghe kể là em có những kỷ niệm tốt đẹp với người cha, không những ông giảng giải cho con nghe về biển, về sông, về suối mà còn thay con xúc cát để xây nhà với nó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.