Sa Mạc Nở Hoa
2.
Ta hãy đi vào trong đêm, nơi thứ ánh sáng lờ mờ xóa nhòa những đường nét thực tế sắc cạnh và trải lên thế giới trước mặt một bức màn mờ ảo. Đây không phải câu chuyện “như thế này này” vì làm gì có thứ ánh sáng rọi chiếu của bằng chứng hiển nhiên, không có gì mâu thuẫn, nhờ đó ta có thể thấy sự việc như nó xuất hiện và biết các câu trả lời. Ở đây lợi khí của lòng ngờ vực có đất sống mạnh và tồn tại để buộc phải xem xét lại phạm vi và những hạn chế của việc lượng giá con người. Bởi vì khi những chân trời mở rộng hay thu hẹp bên trong một người thì những khoảng cách ấy người khác không đo lường được. Sự hiểu biết gia tăng qua kinh nghiệm riêng, giúp một người có thể nhìn thấy và cảm thấy, theo những cách thức rất linh động, mà sự bén nhạy riêng của cá nhân người đó là yếu tố quyết định. Ở đây người ta có thể dễ dàng nhận ra thực chất của cái thế giới âm u, được phóng ra từ những ý nghĩ, thái độ xúc động. Có lẽ dễ hiểu hơn là mặc dầu chúng ta không có sự thông suốt để kể ra những lý do gây nên tác phong của một người, chúng ta vẫn có thể cho rằng một cá nhân sống trong một thế giới riêng tư đầy ý nghĩa, do phẩm giá của nhân cách kết thành.
Từ buổi họp bước ra, tôi mang theo cảm nghĩ chia sớt sự tôn trọng và lòng hăm hở muốn gặp Dibs. Chúng ta biết rằng nghiên cứu là một sự phối hợp kỳ ảo của những trực giác, phỏng đoán, tính chủ quan, trí tưởng tượng, những hy vọng và những mơ ước, pha trộn một cách chính xác với những dữ kiện thu nhặt một cách khách quan và gắn liền vào thực tế của toán học. Có điều này mà không có điều kia là chưa trọn vẹn. Gắn bó với nhau, những yếu tố này cho phép lần mò từng bước trên đường đi tìm chân lý. Thế là tôi sắp sửa gặp Dibs. Tôi sẽ đến trường quan sát em giữa những em khác. Rồi tôi sẽ tìm cách gặp riêng em một lúc. Sau đó tôi sẽ đến thăm nhà em để nói chuyện với mẹ em. Chúng tôi sẽ quyết định về giờ giấc để em đến phòng chơi của Trung Tâm Hướng Dẫn Trẻ Em theo ngày hẹn. Công việc bắt đầu từ đó.
Trong lúc men theo con đường bờ sông phía đông, tôi nghĩ đến nhiều em tôi đã từng biết – những trẻ em khốn khổ, những em bé thất bại trong nỗ lực tìm một bản ngã để các em có thể vững tin – những em không được ai hiểu cho, nhưng không ngừng cố gắng để thành người theo quyền hạn riêng của mình. Qua những tình cảm, những ý tưởng, những ước mơ, những hy vọng, những chân trời mới được mở ra trong mỗi đứa trẻ. Tôi biết những đứa trẻ đã bị vật ngã bởi những sợ hãi và lo lắng, trong lúc chống trả để tự vệ trước một thế giới mà vì nhiều lý do chúng không chịu nổi. Một số đã vươn lên được với một sức mạnh đổi mới và có khả năng đối phó với đời. Một số không đủ khả năng chịu đựng nổi sức ép của định mệnh khe khắt. Chúng phải tránh những sáo ngữ, những lời giải thích có sẵn. Nếu chúng ta muốn gần sự thật hơn, chúng ta phải tìm hiểu sâu xa hơn những lý do tạo nên tác phong của con người.
Tôi quyết định đến trường ngày hôm sau. Tôi sẽ gọi điện thoại cho mẹ em Dibs và thu xếp gặp bà tại nhà riêng của bà càng sớm càng hay. Tôi sẽ gặp Disb tại phòng trị liệu bằng trò chơi tại Trung Tâm Hướng Dẫn Trẻ Em vào thứ năm tuần tới. Và rồi công việc sẽ kết thúc ở đâu? Nếu em không có cách nào đục thủng được bức tường mà em đã quyết liệt xây quanh mình – và rất có thể là em sẽ không làm nổi – tôi sẽ phải nghĩ đến cách trợ giúp khác. Đôi khi một hành động nào đó rất có kết quả với em này, lại không có giá trị với em khác. Chúng ta không dễ dàng bỏ cuộc. Chúng ta không loại bỏ một ca xem như “vô phương” mà không cố gắng làm thêm một điều gì đó. Một số người không tán thành thái độ này: thái độ cứ nuôi hy vọng mà không có cơ sở hy vọng. Nhưng chúng ta không chờ đợi phép lạ. Chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết, tin tưởng rằng sự hiểu biết sẽ dẫn chúng ta đến những cách thức hữu hiệu hơn để giúp người khác phát triển và sử dụng một cách tích cực hơn. Sự tìm tòi cứ tiếp tục mãi, và chúng ta sẽ tiếp tục tìm ra đường thoát khỏi sự ngu dốt đặc của mình.
Sáng hôm sau tôi đến trường trước khi học trò đến. Những phòng học mẫu giáo sáng sủa vui tươi được trang bị thích nghi và hấp dẫn. “Các em sắp đến” – cô Jane nói – “Em rất muốn biết ý kiến của chị về Dibs. Em hy vọng chị giúp được em ấy. Cậu bé này làm em lo lắng vô cùng. Như chị biết đó, khi một em thực sự bị thiểu năng thì phải có một mô thức tổng quát và liên tục về tác phong, lộ ra trong những ưa thích và hành động của nó. Nhưng trường hợp em Dibs thì sao? Chúng em không thể biết chắc em ấy sẽ ở trong trạng thái nào, ngoại trừ chúng em biết chắc em ấy không mỉm cười. Chưa có ai trong chúng em nhìn thấy em ấy mỉm cười bao giờ cả hay tỏ ra vui vẻ dù chỉ trong khoảnh khắc. Đó là một trong những lý do khiến chúng em cảm thấy rằng vấn đề này vượt xa tình trạng thiểu năng. Em ấy hay xúc động”.
Trẻ bắt đầu đến. Phần lớn các em đều có nét mặt hăm hở hân hoan. Tự nhiên là các em cảm thấy thoải mái và thư thái ở trường này. Các em chào nhau, chào các cô giáo tíu tít. Một vài em bắt chuyện với tôi, hỏi tên tôi, hỏi tôi đến đây làm gì. Chúng lột nón, cởi áo đem treo vào tủ. Tiết thứ nhất là tiết tự do lựa chọn. Các em tìm đồ chơi, tự lựa chọn những hoạt động các em thích, các em vui chơi cười nói một cách tự nhiên.
Đến lượt Dibs đến. Má dẫn em vô lớp. Tôi chỉ nhìn thấy bà ta thôi bởi vì bà ta vắn tắt nói vài lời với cô Jane, chào cô và để Dibs ở lại. Em mặc chiếc áo khoác màu xám, đầu đội nón. Em đứng yên ở chỗ mẹ dẫn vào. Cô Jane hỏi em có muốn cất nón, cất áo không. Em không trả lời.
Em lớn con so với tuổi. Mặt em xanh xao. Khi cô Jane bỏ nón cho em, tôi nhìn thấy mái tóc đen và quăn. Hai tay bỏ thõng xuống hai bên. Cô Jane giúp em cởi áo. Em có vẻ không muốn. Cô treo nón và áo vào chỗ tủ dành cho em.
Cô Jane ngồi lại chỗ tôi, nói khẽ, “Đó , Dibs đó. Không khi nào em tự cởi lấy nón áo, nên chúng em phải mặc nhiên làm chuyện đó. Đôi khi chúng em cố gắng kéo em sinh hoạt với một em khác – hay cho em một việc đặc biệt nào đó để làm. Nhưng em khước từ mọi mời mọc. Sáng nay chúng em để mặc em ấy để chị tiện bề theo dõi. Em ấy có thể đứng đó thật lâu. Hay em có thể bắt đầu di chuyển từ vật này qua vật khác. Đôi khi em thay đổi liên tục công việc như không có khả năng kéo dài sự chú ý chút nào cả. Thế rồi em lại chăm chú vào vật gì cả tiếng đồng hồ. Tất cả đều tùy thuộc vào tình cảm của em lúc ấy”.
Cô Jane đến với các em khác. Tôi quan sát Dibs, ráng làm bộ không chú tâm theo dõi em.
Em đứng đó. Rồi em quay đi, rất chậm và dứt khoát. Em giơ tay lên trong một cử chỉ hầu như tuyệt vọng, rồi lại buông thõng tay xuống sang hai bên.
Em lại quay đi. Bây giờ tôi lọt vào tầm nhìn của em – nếu em muốn nhìn tôi.
Em thở dài, cắn môi, đứng ở đó.
Một chú bé chạy lại chỗ Dibs. Em bảo: “Này Dibs! Lại chơi với mình đi!” Disb nhìn chú bé. Em sẽ cào hắn nếu hắn không nhảy lùi lại kịp.
“Meo!meo!meo!” – Chú bé trêu chọc.
Cô Jane đến và chú bé đi sang phía khác chơi.
Dibs di chuyển đến bên tường, gần chiếc bàn con trên đó có bày mấy hòn đá, mấy chiếc vỏ sò, mấy cục than và mấy cục quặng khác. Dibs đứng sát cạnh bàn. Thong thả, lần lượt em nhặt lên từng đồ vật một, hết vật này đến vật khác. Em dùng ngón tay sờ quanh từng đồ vật, áp chúng vào má, ngửi và nếm. Rồi em cẩn thận đặt chúng vào đúng vị trí. Em thoáng nhìn tôi, rồi quay vội đi. Em cúi xuống, bò vào gầm bàn và ngồi dưới đó hầu như hoàn toàn khuất mắt.
Dibs ở dưới gầm bàn. Từ vị trí thuận lợi ấy em có thể nghe và nhìn thấy hết những điều các em khác nói và làm – nếu em muốn. Em có biết trước sinh hoạt của nhóm này không khi em bỏ vào gầm bàn? Thật khó nói. Em ở dưới gầm bàn cho tới khi vòng tròn buổi sáng giải tán và học trò có những sinh hoạt khác. Khi đó em cũng chuyển sang làm việc khác.
Em bò quanh phòng, sát bờ tường, ngừng lại xem xét nhiều đồ vật mà em bắt gặp. Khi em đến bậc cửa sổ rộng nơi đó có kê bể trồng cây và hồ nuôi cá, em leo lên bên cạnh và đăm đắm nhìn vào những cái hồ làm bằng kiếng, vuông và lớn. Đôi lúc, em thò tay vào và sờ mó một vật gì đó trong bể trồng cây. Lúc đó em có vẻ khéo léo và nhanh nhẹn. Em ở lại đó khoảng nửa giờ, dường như chăm chú quan sát, rồi em lại bò tiếp, hoàn tất chuyến đi quanh phòng.
Khi em đến góc phòng để sách, em ve vuốt những cuốn sách để trên bàn, chọn một cuốn, kiếm một chiếc ghế kéo lê qua phòng, ngồi lên ghế, quay mặt vào tường, em mở sách và chậm rãi xem xét từng trang, cẩn thật lật từng tờ. Em đọc hay sao? Em xem tranh vẽ ư? Một cô giáo đến bên em.
“Ô, cô thấy rồi” – cô nói – “Em đang xem sách in hình chim. Em kể cho cô nghe với, Dibs?” – cô thăm hỏi bằng một giọng nói dịu dàng, êm ái.
Dibs quăng cuốn sách ra xa, lăn xuống sàn, nằm ngay đơ, mặt úp xuống, bất động.
“Cô xin lỗi” – cô giáo nói – “Cô không có ý làm phiền em đâu, Dibs ạ”. Cô nhặt cuốn sách lên, để lại trên bàn, đi lại phía tôi. “Điển hình như vậy đó”
– cô nói – “Chúng em đã biết cách tránh né. Nhưng em muốn để chị thấy”. Dibs, ở tư thế nằm sấp, nhưng đã nghiêng đầu để có thể theo dõi cô giáo.
Chúng tôi làm bộ không theo dõi em. Sau cùng em đứng lên và thong thả đi vòng quanh ven bờ tường. Em sờ mó những cây viết chì, đất sét, những cây đinh, cây búa, những mảnh gổ, cái trống. Em cầm lên rồi lại đặt xuống. Những em khác tiếp tục công việc của chúng không mấy quan tâm đến Dibs.
Rồi đến giờ ra sân chơi, một cô giáo bảo tôi, “Có thể là em ấy ra, mà cũng có thể là em ấy sẽ không. Đánh cá năm xu em cũng chẳng dám”. Cô tuyên bố giờ ra chơi. Cô hỏi Dibs có muốn ra không.
Em nói, “Không ra đâu” – bằng giọng nói nặng nề, rõ ràng.
Tôi nói, “Tôi phải ra mới được, trời hôm nay thật đẹp”. Tôi mặc áo khoác vào.
Dibs đột ngột nói, “Dibs ra sân!” Cô giáo mặc áo cho em. Em vụng về đi ra sân chơi. Điệu bộ của em rất nặng nề làm như em bị buộc trói thành từng khúc, về thể lực cũng như tình cảm.
Các em khác chơi trong bể cát, trên xích đu, trên khu thể dục, trên xe đạp. Các em chơi đá banh, rượt bắt, cút bắt. Các em chạy, tránh né, leo trèo, nhảy nhót. Nhưng Dibs thì không. Em ra một góc xa, nhặt một cây que, ngồi xổm xuống và cào tới cào lui trên mặt đất. Còng lưng trên hoạt động cô đơn ấy. Gạch tới gạch lui, gạch lui gạch tới. Tạo nên những gạch lõm nhỏ, trên mặt đất lặng lẽ, lẩn tránh, xa vắng.
Khi cô giáo rung chuông các em vào lớp. Dibs cũng vào. Cô Jane giúp em cởi áo. Lần này em đưa nón cho cô. Cô giáo để một băng nhạc nhẹ êm dịu. Mỗi em lấy chiếu riêng của mình trải dài trên nền nhà để nghỉ ngơi. Dibs lấy manh chiếu của em xổ ra dưới bàn đọc, xa chỗ các em khác. Em nằm úp mặt trên chiếu, đưa ngón tay cái vào miệng, nghỉ ngơi như những em khác. Em đang suy nghĩ gì đây trong thế giới cô đơn của em? Tình cảm của em ra sao? Tại sao em lại xử sự như vậy? Điều gì đã xảy ra đến nỗi em phải xa lánh mọi người? Liệu chúng ta có cách nào tác động tới em không?
Dibs đứng gần cửa ra vào. Tôi lại gần và rủ em xuống phòng đồ chơi ở cuối hành lang. Tôi đưa tay cho em. Em ngần ngại một lúc rồi nắm tay tôi không nói một lời. Khi chúng tôi đi ngang qua cửa các phòng khác, em lẩm bẩm điều gì đó mà tôi không hiểu. Tôi không yêu cầu em nhắc lại điều em đã nói. Tôi nói rằng phòng đồ chơi ở cuối đường hành lang. Tôi lưu tâm đến phản ứng ban đầu này của em. Em rời khỏi lớp học với một người lạ mà không ngoái cổ nhìn lại. Tôi nhận thấy là em nắm tay tôi thật chặt. Em có vẻ căng thẳng. Nhưng kỳ lạ là em chịu đi.
Ở cuối hàng lang, dưới chân cầu thang có một phòng nhỏ dành làm phòng trị liệu bằng đồ chơi. Phòng này không mấy hấp dẫn – vì thiếu màu sắc và trang trí. Phòng có một cửa sổ hẹp để ánh sáng lọt vào, nhưng quang cảnh chung thì buồn bã dù đã bật đèn sáng.
Đồ chơi lăn lóc trên bàn, trên sàn, và trên vài ngăn kệ kê quanh tường. Dưới đất có một nhà búp bê. Mỗi phòng trong căn nhà búp bê được bày biện thưa thớt bằng gỗ thô sơ. Gia đình nhà búp bê nhỏ nằm lăn lóc trước cửa nhà. Búp bê nằm chất đống ở đó – mẹ, cha, con trai, con gái và những em bé, với một chiếc hộp mở nắp đựng những búp bê nhỏ khác bên cạnh. Có một vài con thú bằng cao su – ngựa, sư tử, chó, mèo, voi, thỏ. Có một vài chiếc xe hơi, máy bay, đồ chơi. Một hộp những miếng gỗ lắp nhà để trên sàn. Trên đống cát có vài chiếc soong chảo, vài chiếc muỗng, và một ít dĩa nhôm. Có một bình đựng đất sét trên bàn, một vài ống sơn vẽ và giấy vẽ trên giá. Một bình chai bú sữa đầy nước để trên giá. Một búp bê vải lớn ngồi trên ghế. Ở một góc dựng một hình người cao bằng cao su mặt vênh váo, đổ chì nặng ở bên dưới để nó đứng bật dậy sau khi bị xô ngã. Những đồ chơi được chế tạo bền chắc, nhưng trông có vẻ cũ kỹ và đã bị sử dụng thô bạo.
Không có gì trong căn phòng hay những đồ vật có khuynh hướng kiềm chế những hoạt động của một đứa trẻ. Căn phòng đủ chỗ và đủ đồ vật để đáp ứng sự bộc phát nhân cách của những đứa trẻ. Nơi đây một đứa trẻ có thể tìm sự yên lặng để nghe lại những âm thanh cũ, la hét trước những điều khám phá của nó về cái bản ngã vừa tìm thấy, để thoát khỏi sự giam cầm của những hoài nghi, những âu lo, và sợ hãi. Nó mang vào đây ảnh hưởng của mọi hình thù, mọi âm thanh, màu sắc, cử chỉ và nó tái thiết lại thế giới của nói, rút lại vào tầm vóc có thể điều khiển được.
Khi chúng tôi bước vào phòng, tôi nói, “Chúng ta sẽ ở với nhau trong một giờ trong phòng chơi này. Em có thể tùy ý xem các đồ chơi các vật dụng sẵn có. Em tự quyết định xem em muốn làm gì”.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ sát ngay bên trong cửa ra vào. Dibs đứng ở giữa phòng, quay lưng về phía tôi, hay tay đan vào nhau. Tôi chờ đợi. Chúng tôi còn ở đây cả giờ. Không gấp gáp gì. Chơi hay không chơi. Trò chuyện hay yên lặng. Ở đây, không thành vấn đề. Căn phòng rất hẹp. Dù em có đi đâu thì cũng chẳng đi được xa. Có một chiếc gầm bàn nếu em muốn trốn thì có thể chui xuống gầm. Có một chiếc ghế nhỏ bên cạnh bàn, nếu thích thì em có thể ngồi. Có đồ để chơi nếu em muốn.
Nhưng Dibs vẫn đứng giữa phòng. Em thở dài. Em thong thả quay đi ngập ngừng bước qua căn phòng, rồi đi men theo bờ tường. Em đi từ đồ chơi này đến đồ chơi khác, sờ thử các đồ chơi. Em không trực tiếp nhìn tôi. Đôi khi em liếc mắt nhìn tôi nhưng lại quay đi ngay khi bốn mắt gặp nhau. Cuộc đi quanh phòng buồn tẻ. Bước chân em nặng nề. Dường như không có tiếng cười và hạnh phúc nơi đứa trẻ này. Cuộc đời đối với em là cực hình.
Em bước tới căn nhà búp bê, đưa tay vuốt má, quì xuống bên cạnh, nhìn vào đồ đạc bên trong. Thong thả em nhặt lên từng đồ vật một, hết cái này tới cái khác. Trong lúc làm việc này em lẩm bẩm kể tên mỗi món đồ với giọng ngập ngừng ướm hỏi. Giọng em trầm và đều đều.
“Giường? Ghế? Bàn?” – em nói – “Nôi? Tủ? Radio? Bể tắm? Thau?”. Mọi món đồ trong căn nhà búp bê em đều cầm lên, gọi tên, cẩn thận đặt lại. Em quay sang đống búp bê, thong thả chọn lọc. Em lựa ra một người đàn ông, một người đàn bà, một cậu con trai, một cô con gái, một em bé. Dường như em đang nhận diện những người này: “Cha? Mẹ? Em gái? Em bé?”. Rồi em lựa những con vật nhỏ. “Chó? Mèo? Thỏ?”. Em thở dài não nề và thở dài nhiều lần. Làm như em tự chọn cho em một việc làm khó khăn và cực nhọc.
Mỗi lần em kêu tên một đồ vật, tôi lại thừa nhận lời nói của em. Tôi nói: “Phải, đây là cái giường”, hay “Cô nghĩ đây là cái tủ”, hay “giống con thỏ lắm”. Tôi cố trả lời ngắn gọn cho phù hợp với lời nói của em, và thay đổi giọng để tránh sự độc điệu. Khi em nhặt lên con búp bê cha và hỏi: “Ba?” Tôi đáp, “Có thể là ba”. Và câu chuyện của chúng tôi tiếp diễn như thế với món đồ em nhặt lên và gọi tên. Tôi nghĩ đây là cách thức em bắt đầu giao cảm bằng lời. Gọi tên đồ vật là cách bắt đầu khá an toàn.
Rồi em ngồi xuống sàn đối diện với căn nhà búp bê. Em yên lặng nhìn đăm đăm một hồi lâu. Tôi không hối thúc em. Tôi muốn em có sáng kiến trong việc xây dựng mối liên hệ này. Thường thường người lớn vì quá nhiệt tình nên hành động thay thế cho đứa trẻ.
Em đưa tay ôm chặt lấy ngực và nhắc lại nhiều lần, “Không khóa cửa. Không khóa cửa. Không khóa cửa”. Giọng nói của em trở thành năn nỉ kêu xin. “Dibs không thích khóa cửa” – em nói. Có tiếng nấc trong giọng nói của em.
Tôi nói với em, “Em không thích cửa bị khóa”.
Dibs dường như muốn co rúm lại. Giọng nói của em biến thành tiếng thì thào khàn khàn. “Dibs không thích cửa đóng. Không thích cửa khóa. Dibs không thích tường chung quanh nó”.
Rõ ràng là em đã có một số kinh nghiệm khốn khổ khi cửa đóng và cửa khóa. Tôi nhận ra những tình cảm em diễn tả. Rồi em bắt đầu lấy những con búp bê mà em đã đặt trong nhà ra. Em lấy con búp bê cha và búp bê mẹ ra. “Ra tiệm! Ra tiệm!” – Em nói – “Đi ra tiệm. Đi đi!”
“Ô! Má đi ra tiệm à?” – Tôi hỏi – “Cả ba nữa? Cả em gái nữa à? Em mau lẹ đẩy tất cả ra khỏi nhà.
Em khám phá ra là những bức tường trong các căn phòng trong nhà búp bê đều có thể gỡ đi. Em tháo từng bức cách ra, vừa làm vừa nói. “Không thích tường. Dibs không thích tường. Gỡ hết tường ra, Dibs!” Và trong phòng chơi này Dibs đã tháo gỡ đôi chút những bức tường em xây quanh mình.
Tôi không hỏi em có muốn về lớp hay không. Ở đây không có việc lựa chọn. Tôi không hỏi em có muốn trở lại đây không. Có thể là em không muốn cam kết. Ngoài ra em đâu có quyền quyết định. Tôi cũng không nói rằng tuần tới tôi sẽ gặp em, bởi vì tôi chưa thông qua kế hoạch với mẹ em. Đứa trẻ này đã chịu nhiều tổn thương rồi, cho nên tôi chẳng muốn những lời hứa hẹn đưa đẩy mà có thể sẽ không thực hiện được. Tôi không hỏi em là có vui hay không. Tại sao lại ghìm em lại bằng một sự đánh giá thứ kinh nghiệm mà em vừa trải qua. Nếu sự vui chơi của một đứa trẻ là cách thức tự nhiên để nó tự biểu lộ, tại sao chúng ta lại khép nó vào khuôn khổ cứng ngắc của một câu trả lời có sẵn. Một đứa trẻ chỉ thêm lúng túng bởi những câu hỏi đã được người nào đó trả lời trước khi hỏi nó.
Cuối cùng, tôi đứng đây nói, “Tới giờ rồi, Dibs! Em thong thả đứng lên, cầm tay tôi, chúng tôi rời khỏi phòng, và bắt đầu đi dọc hành lang. Khi nhìn thấy cửa lớp của em, tôi hỏi em có thể một mình về lớp được không.
Tôi làm như thế bởi vì tôi hy vọng là Dibs sẽ dần dần thêm tự chủ và trách nhiệm hơn. Tôi muốn truyền cho em lòng tin tưởng của tôi nơi khả năng của em có thể đáp ứng lại lòng mong đợi của tôi. Tôi tin là em có thể làm việc ấy. Nếu em do dự, tỏ dấu hiệu là làm việc khó quá trong ngày đầu, tôi sẽ đi với em thêm một quãng. Tôi sẽ đi với em đến tận cửa lớp, nếu thực sự em cần đến sự hỗ trợ ấy. Nhưng em đã đi một mình. Tôi nói, “Chào em, Dibs!”
Em nói, “Được ạ” – giọng nói của em êm ái, dịu dàng. Em đi dọc hành lang, mở cửa, rồi quay lại nhìn. Tôi vẫy tay. Nét mặt của em thật ngộ. Em có vẻ ngạc nhiên – gần như mãn nguyện. Em bước vào phòng và đóng cửa lại. Đây là lần đầu tiên Dibs đi một mình đến một nơi nào đó.
Một trong những mục tiêu của tôi khi tạo dựng mối liên hệ này với Dibs là giúp em đạt được sự độc lập về tình cảm. Tôi không muốn làm phức tạp thêm vấn đề của em bằng cách tạo ra một mối liên hệ trợ lực khiến em lệ thuộc vào tôi và trì hoãn sự phát huy trọn vẹn tình cảm an toàn nội tâm của em. Nếu Dibs là một đứa trẻ thiếu thốn về phương diện tình cảm – và có triệu chứng là em bị như vậy – thì sự gây dựng một quyến luyến tình cảm vào lúc này xem như có thể đáp ứng nhu cầu sâu xa của em, nhưng lại tạo ra một khó khăn mới mà cuối cùng em cần phải giải quyết.
Sau buổi tiếp bằng trò chơi đầu tiên với em Dibs, tôi mới hiểu tại sao các giáo viên và các người trong ban giám hiệu không nỡ gạch tên em đi như một trường hợp vô vọng. Tôi kính trọng sức mạnh và khả năng nội tâm của em. Em là một đứa trẻ rất can đảm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.