Sa Mạc Nở Hoa
5.
Tuần sau Dibs trở lại Trung Tâm. Em rất hăm hở chờ buổi hẹn. Tôi đang ở trong phòng thì cô tiếp viên nhận máy, báo cho biết Dibs đã đến. Tôi đi xuống phòng khách ngay. Dibs đứng đó ngay bên trong cửa ra vào! Mẹ em đã đưa em đến phòng tiếp nhận, nói vắn tắt với cô tiếp viên, rồi đi liền.
“Chào em Dibs” – Tôi vừa chào vừa lại gần em. Em không đáp. Em đứng đó, mắt nhìn xuống.
“Chúng ta trở lại phòng đi nào” – tôi vừa nói vừa đưa tay ra. Em nắm tay tôi và đi dọc hành lang đến phòng đồ chơi. Tôi đứng né sang một bên để Dibs vào trước. Em bắt đầu bước vào phòng, nhưng đột nhiên quay lại nắm lấy cánh cửa. Có một tấm bảng xoay hai mặt treo trên cửa. Dibs kiểng chân gỡ tấm bảng khỏi móc.
“Đừng làm rộn” – em đọc. Em lật tấm bảng lại và nhìn những chữ trên mặt kia. “Đồ chơi” – em đọc. Em gõ ngón tay trên chữ thứ hai nhiều lần. Đối với em đây là một từ mới. Trị liệu. Em cẩn thận xem xét. “Trị liệu”.
— Đọc là trị liệu – tôi nói, chỉ cho em cách phát âm đúng.
— Phòng đồ chơi trị liệu?
— Phải – tôi đáp.
— Phòng đô chơi trị liệu – em nhắc lại – Cô bỏ nón áo của cô ra.
Tôi nhìn em. Tôi biết em nói về chính em nhưng lại dùng đại danh từ ngôi thứ hai. Ít khi nghe Dibs dùng chữ “Em” để chỉ về mình.
— Vâng. Nhưng cô không đội nón, không mặc áo khoác? Dibs nhìn tôi.
— Cô bỏ nón và áo của cô ra – em vừa nói vừa kéo áo của em.
— Em muốn cô giúp em bỏ nón, bỏ áo của em ra có phải không?
Tôi hy vọng là em chú ý đến đại danh từ Em, nhưng đây là vấn đề gây rắc rối và lúng túng.
— Đúng a.
— Để cô giúp em.
Và tôi làm việc này, lần này được em góp phần nhiều hơn. Tôi đưa nón và áo cho em sau khi đã gỡ ra.
Em đưa mắt nhìn tôi, đỡ lấy nón áo, đi ra phía cửa. “Cô treo lên đây” – em nói – mang áo nón lên nắm đóng cửa.
— Tuần trước cô mang lên đó. Hôm nay em mang lấy.
— Vâng.
Em ngồi lên bờ thùng cát và lại xếp những tên lính chì từng đôi thành hàng dài. Rồi em lại đến ngôi nhà búp bê và sắp xếp lại đồ đạc. “Cửa ra vào đâu? Cửa ra vào đâu?” – Em hỏi và chỉ tay vào mặt tiền căn nhà trống cửa.
— Cô nghĩ là cửa để trong tủ đằng kia.
Dibs đi ra tủ và lấy tấm liếp mặt tiền căn nhà búp bê. Khi em đi vòng quanh căn nhà búp bê, em lỡ va tấm liếp vào căn nhà và một trong những tấm vách long ra. Em gắn bức vách lại, cố lắp đúng mộng. Rồi em ráng lắp tấm liếp mặt tiền trên đó có vẽ một cửa ra vào và những chiếc cửa sổ. Công việc khó khăn lắm và em đã cố gắng nhiều lần và mỗi lần em thất bại không gắn được, em rên rỉ.
— Khóa lại – em lẩm bẩm – Khóa lại.
— Em muốn khóa căn nhà lại ư?
— Khóa lại – em đáp
— Được rồi – em tuyên bố – Khóa chặt.
— Thấy rồi. Em khóa được rồi – tôi nói.
Dibs nhìn tôi. Em thoáng mỉm cười. “Em làm được” – em ngập ngừng nói.
— Em làm được thật. Mà lại làm một mình. Em cười rõ hơn và có vẻ rất mãn nguyện.
Em đi vòng quanh căn nhà búp bê và đóng hết cửa sổ lại.
— Đóng hết – em nói – Khóa hết, đóng hết. Đóng hết, khóa lại.
— Đóng, đóng hết rồi – tôi nói.
Em quì xuống chõng tay nhìn vào phía dưới của căn nhà. Có hai cửa ra vào lắp bản lề ở phần này của căn nhà. Em mở ra. “Đây nè” – em nói. “Đây là hầm nhà, lấy những cái này ra. Tường, tường nữa và vách ngăn”.
— Gắn thêm cái núm nữa – em nói.
Em đứng dậy, lấy cây viết chì và vẽ rất kỹ một cái núm cửa trên cửa nhà búp bê.
— Em nghĩ là phải có cái núm cửa căn nhà búp bê à?
— Đúng thế – em lẩm bẩm. Em vẽ một cái khóa trên cửa – Bây giờ có cả cái khóa nữa.
— Cái khóa khóa chặt bằng chìa khóa. Và những bức tường cao và chắc. Và cái cửa. Cái cửa khóa.
— Cô thấy rồi.
Căn nhà lung lay đôi chút khi Dibs mó vô. Em xem lại. Em tháo một bức vách ra và kê thử dưới một góc nhà để cho nó vững chắc. Sau khi ráng kê tấm vách dưới hai góc, em đẩy tấm đó sang góc thứ ba, thế là căn nhà hết lung lay.
“Đó” – em nói – “Không lung lay nữa. Bây giờ hết lúc lắc, hết lung lay”. Nó nâng cái phần mái có gắn bản lề và lấy ra một số đồ đạc. Tấm vách tuột khỏi vị trí, căn nhà lại bắt đầu lung lay. Dibs lùi lại và nhìn căn nhà.
— Cô A, lắp bánh xe vô thì nó không lung lay, lúc lắc nữa.
— Em nghĩ như thế là giải quyết được vấn đề ư?
— Có chứ. Giải quyết được chứ.
Rõ ràng là Dibs có nhiều từ trong số ngữ vựng em không dùng đến. Em có thể quan sát và xác định các vấn đề. Em có thể giải quyết những vấn đề này. Tại sao em lại vẽ chiếc khóa trên cửa nhà búp bê? Những cửa khóa hẳn đã đóng một vai trò lớn trong cuộc đời em, và chắc chắn là in dấu ấn trên đời em.
Em đi tới chỗ thùng cát và leo vào trong. Em nhặt lên mấy tên lính chì rải rác trong cát. Em xem lại từng tên lính khi nhặt chúng lên.
— Dibs được mấy tên lính giống như thế này hồi lễ Noel – em nói và chìa cho tôi thấy.
— Hồi Noel em được mấy tên lính như thế này à? – Tôi hỏi lại.
— Vâng. Giống hệt những tên này. À, không giống hẳn. Nhưng cùng loại. Chúng cầm súng trong tay. Súng ở đúng chỗ này. Chúng bắn. Súng, súng thật, bắn. Tên này mang súng trên vai. Tên này cầm trong thế bắn. Xem này. Bốn tên này giống nhau quá. Và đây thêm bốn tên nữa. Đây là ba tên chĩa mũi súng theo hướng kia. Và đây là một tên như thế này. Bốn với bốn là tám. Cộng thêm ba và thêm một nữa là mười hai.
— Phải rồi – tôi nói, nhìn theo cách em tập họp lính – Em biết cộng những nhóm lính này và được đáp số đúng.
— Vâng ạ – Dibs nói. Rồi ngập ngừng em nói thêm – Em …em …em biết.
— Phải rồi, em biết, Dibs ạ – tôi nói.
— Hai người này cầm cờ – em nói và chỉ vào hai hình khác. Em xếp chúng thành hàng dài bên cạnh thùng cát – Tất cả đều có súng. Chúng đang bắn súng. Nhưng lưng chúng quay về phía này.
— Em có ý nói là tất cả chúng đều bắn theo cùng một hướng à? – Tôi hỏi, chỉ tay bâng quơ về phía những người lính.
Dibs nhìn tôi, em nhìn xuống những tên lính. Em cúi đầu.
— Chúng không bắn cô đâu – em nói giọng cộc cằn.
— Cô biết. Chúng không bắn cô.
— Đúng vậy.
Em chọn ba tên lính, và xếp chúng thành hàng. Cẩn thận em ấn sâu từng tên xuống cát. Tên lính thứ ba không lún đủ sâu nên em không mãn nguyện. Em kéo tên này và nhận thật sâu xuống, vốc một vốc cát rắc lên trên những tên lính bị chôn vùi.
— Nó mất rồi! – Dibs tuyên bố.
— Em thủ tiêu nó phải không?
— Đúng. Em xúc cát vào một cái xô và đổ xô cát lên trên những tên lính bị chôn vùi.
Tiếng chuông của ngôi thánh đường bên kia bãi đậu xe bắt đầu vang lên, rồi điểm giờ. Dibs ngừng chơi.
— Nghe, nghe – em nói – Một, hai, ba, bốn. Bốn giờ rồi.
— Đúng bốn giờ rồi. Sắp đến giờ em về rồi.
Em không thèm biết đến lời nhắc nhở của tôi. Em bước ra khỏi thùng cát và chạy vội ra chỗ bàn. Em nhìn vào những bình đựng sơn.
— Cái này là cái gì?
— Đây là sơn bôi bằng tay.
— Sơn bôi bằng ngón tay. Bôi thế nào?
Tôi chỉ cho em cách dùng sơn bôi bằng ngón tay. “Trước hết, thấm nước tờ giấy. Rồi quệt một ít sơn lên tờ giấy đó. Rồi trải sơn ra bằng ngón tay hoặc bàn tay. Như thế này này. Và theo ý thích của em, Dibs”.
Em lắng nghe. Em theo dõi sự chỉ dẫn ngắn ngủi của tôi.
Em rón rén nhúng ngọn tay vào sơn đỏ. “ Rải ra cùng hết” – em nói. Nhưng em không thích mó vào sơn. Em xoay tay tròn, trên tờ giấy ấm. Em cầm lấy một que gỗ dẹp, nhúng vào sơn, bôi tròn trên giấy.
— Em nghĩ đây là sơn bôi bằng ngón tay. Vâng. Cô nói là sơn bôi bằng ngón tay. Bôi khắp nơi bằng ngón tay – Em lại nhúng ngón tay vào sơn – Ồ, lau đi.
Tôi đưa cho em chiếc khăn bằng giấy. Em lau sạch sơn.
— Em không thích sơn dính vô tay à?
— Sơn nhớp nhúa. Nhớp nhúa, lem luốc.
— Trải nó ra – em nói – Lấy sơn đỏ, Dibs, và trải ra. Lấy trên một ngón tay, hai ngón tay, ba ngón tay. Trước hết là đỏ. Rồi đến vàng. Rồi đến xanh da trời. Để theo thứ tự.
— Dường như em muốn thử phải không?
— Đây là tất cả những nhãn hiệu chỉ nó là màu gì – Dibs nói. Em ngước nhìn tôi và chỉ những cái nhãn trên các hủ.
— Phải. Đó là những lời chỉ dẫn.
— Ồ, những cây viết chì này lại khác – Dibs nói – Xí nghiệp bút chì Mỹ sản xuất những cái này. Và đây là sơn bôi bằng ngón tay hiệu Shaw. Những màu nước là của hãng Prang.
— Phải.
Em nhúng đầu các ngón tay vào sơn vàng rồi thong thả và cố tình bôi lên mỗi ngón tay. Rồi em lại lau đi bằng giấy lau. Sau đó em nhúng các ngón tay vào sơn màu xanh da trời. Em đặt bàn tay lên giấy rồi nghiêng ra phía trước rất chăm chú vào công việc đang làm. Em bôi sơn cẩn thận lên mỗi ngón tay.
— Đó – em hớn hở nói, xòe tay ra. – Nhìn xem.
— Lần này thì em làm được phải không?
— Cô nhìn xem. Ngón tay nào cũng dính đầy sơn màu xanh da trời. Ngón tay nào cũng xanh da trời. Bây giờ chúng xanh lá cây – em nói trong lúc đổi màu – Trước hết, em tô đỏ. Rồi tô vàng. Rồi tô xanh da trời. Rồi xanh lá cây. Rồi nâu. Em tô mỗi ngón tay! Em chùi đi. Chùi sạch mỗi màu và tô màu khác. Như vậy là sơn ngón tay! Ô, lạ thật, Dibs. Một thứ sơn kỳ cục! Ra đi!
Em lau sạch sơn ở các ngón tay và ném giấy lau vào sọt rác. Em lắc đầu bực bội.
— Sơn ngón tay. Em chẳng thấy thú vị gì. Để em vẽ một bức tranh.
— Em nghĩ là em thích vẽ tranh hơn à?
— Vâng. Bằng màu nước.
— Chỉ có năm phút thôi. Em có nghĩ rằng em sẽ xong một bức tranh trong năm phút không?
— Dibs sẽ vẽ – Em lấy hộp màu – Nước đâu?
Tôi trỏ lavabô. Em hứng nước đầy dĩa vẽ.
— Em sẽ đủ thời giờ vẽ bức tranh này. Rồi sẽ đến giờ về.
Đây là câu nói liều lĩnh. Em có thể sẽ kéo dài thời giờ vẽ bức tranh theo ý em, vì giới hạn thời giờ trở thành co giãn với câu nói của tôi. Bởi vì tôi định “năm phút nữa”, tôi nên giữ đúng giới hạn này, chứ đừng làm cho hoàn cảnh thêm phức tạp với một yếu tố khác nữa.
Nhưng Dibs không đếm xỉa tới lời nói của tôi. “Màu cháy” – em nói. Em thấm nó bằng giấy lau. Nó sẽ khô. Sẽ có bức tranh. Dùng những nét vẽ nhanh và khéo léo, em bắt đầu bằng màu đỏ, em quệt trên giấy những vệt lúc đầu như những đốm màu có hình thù khác nhau, để rải rác trên mặt giấy, thêm vào mỗi màu những âm sắc liên tục như trên những bánh xe màu sắc. Khi em thêm màu, bức tranh nổi lên. Khi em vẽ xong, em có bức tranh có nhà, có cây, có bầu trời, có cỏ, có hoa, có mặt trời. Mọi màu đều được dùng đến. Trên bức tranh hoàn thành có những liên hệ, hình thái và ý nghĩa.
“Đây này …Đây này …” – Em nói lắp bắp và lần mò cây cọ, đầu gục xuống, bỗng ra vẻ vô cùng bẽn lẽn.
— Đây là nhà của cô A – em nói – Cô A, em tặng cô cái nhà này.
— Em muốn cho cô cái nhà này à? – Tôi vừa nói vừa chỉ bức tranh. Em gật đầu.
Mục đích của sự phản ứng này thay vì ngõ lời cám ơn và khen ngợi, là giữ cho sự thông cảm được mở rộng và trì hoãn sự tiến triển của quan hệ giữa chúng tôi, nếu em muốn, em có thể nói thêm về những suy nghĩ và tình cảm của em, chứ không bị đột ngột ngăn chận bởi sự đáp ứng và sự nhập cuộc của tôi.
Dibs cầm cây viết chì lên và tỉ mỉ vẽ chiếc khóa trên cửa. Em vẽ một bình hoa trên thành cửa sổ này. Đây là bức tranh ngộ nghĩnh về nghệ thuật sáng tạo và được thực hiện một cách rất độc đáo.
Em nhìn tôi. Đôi mắt xanh sáng ngời. Vẻ mặt tỏ ra buồn bã và em ngại. Em chỉ tay vào cửa ra vào trên bức tranh “Có khóa trên ấy” – em nói – “Khóa chặt bằng chìa khóa!” Có hầm tối”.
Tôi nhìn bức họa rồi nhìn em. “Cô thấy rồi. Ngôi nhà này cũng có khóa và hầm tối”.
Em nhìn ngôi nhà trừng trừng. Em sờ khóa trên cửa. Em nhìn tôi.
“Ngôi nhà này cho cô” – em nói. Em soắn ngón tay vào nhau. – “Căn nhà bây giờ của cô” – em nói thêm. Em hít thở thật sâu. Rồi với sự cố gắng lắm em nói: “Nhà này cũng có phòng đồ chơi”. Em chỉ tay vào khung cửa sổ vàng tươi và những bông hoa đỏ trong một chậu để ở cửa sổ.
— Ồ, phải rồi, cô thấy rồi. Đây là cửa sổ phòng đồ chơi, có phải không? Dibs gật đầu. “Đúng rồi”. Em bước ra chỗ lavabô đổ nước pha thuốc màu. Em mở vòi nước hết cỡ. Chuông nhà thờ bắt đầu vang lên lần nữa.
— Nghe cô nói đây, Dibs. Tới giờ rồi. Em có nghe chuông đánh không? Dibs không đếm xỉa tới lời nhắc nhở của tôi. “Màu nâu làm nước màu nâu. Màu thuốc vẽ vàng cam làm nước cam” – em nói.
“Phải, đúng rồi” – tôi đáp. Tôi biết em có nghe lời tôi nhắc về thời giờ.
Tôi không có ý định hành động như là tôi cho rằng em không nghe tôi nói.
— Đây là nước nóng. Nóng và nước L – Ạ – N – H, lạnh, nóng, lạnh. Mở. Tắt. Mở. Tắt.
— Em thấy nước nóng lạnh ngộ lắm à?
— Dạ phải.
— Nhưng cô nói với em như thế nào về thời giờ, Dibs?
Em xoăn hai tay lại với nhau và quay về phía tôi, trông thật khốn khổ. “Cô A biểu vẽ hình nhà rồi cô bỏ đi” – em nói, giọng khàn khàn. Tôi thấy ngôn ngữ của em trở thành lúng túng. Đây là một đứa trẻ rất có khả năng trí tuệ nhưng tài năng bị sự rối loạn tình cảm chi phối.
— Cô nói thế đó, Dibs – tôi bình tĩnh đáp – Em vẽ xong tranh rồi và bây giờ thì về.
— Em cần thêm có ở đây và vài bông hoa – em đột ngột nói.
— Không còn thời giờ để làm việc này đâu. Bữa nay hết giờ rồi.
Dibs ra chỗ có căn nhà búp bê.
— Em phải sửa nhà. Em phải đóng cửa lại.
— Em có thể nghĩ ra nhiều việc để làm để khỏi phải về, có phải không? Nhưng bây giờ hết giờ rồi Dibs, và em phải về nhà?
— Không. Đợi đã. Đợi đã – Dibs la to.
— Cô biết em không muốn về, Dibs. Nhưng bữa nay hết giờ rồi.
— Không về đâu – em khóc nức nở – Không về đâu. Không bao giờ!
— Em thấy khổ sở khi cô nói em phải về, phải không, Dibs! Nhưng tuần tới em lại đến. Thứ năm tuần tới.
Tôi lấy nón, áo, và đôi ủng. Dibs ngồi xuống chiếc ghế nhỏ gần bàn. Em nhìn tôi nước mắt rưng rưng, khi tôi đội nón cho em. Bỗng em tươi lên.
— Thứ sáu? Thứ sáu em lại hả?
— Thứ năm tuần tới em trở lại. Bởi vì thứ năm là ngày em đến phòng chơi.
Dibs đột ngột đứng lên.
— Không! – Em la lớn – Dibs không ra khỏi đây, Dibs không về nhà. Không bao giờ về!
— Cô biết em không muốn về, Dibs. Nhưng cô và em mỗi tuần chỉ có một giờ với nhau ở phòng chơi này thôi. Và khi hết giờ thì dù em cảm thấy thế nào, cô cảm thấy thế nào, hay ai đó cảm thấy thế nào chăng nữa, thì hết giờ cả hai cô cháu mình đều phải ra khỏi phòng này. Bây giờ tới giờ chúng ta ra về. Thực ra hơi trễ rồi.
— Không thể vẽ thêm bức tranh nữa à? – Dibs hỏi tôi, nước mắt chảy ròng ròng.
— Hôm nay không được.
— Vẽ tranh cho cô được không? Một bức tranh nữa cho cô, em vẽ cho cô nhé?
— Không. Bữa nay hết giờ rồi.
— Lẹ lên, Dibs. Xỏ tay vào áo đi. Nào ngồi xuống đây đi ủng vào. Em ngồi xuống miệng lải nhải:
— Không về đâu. Không muốn về. Không thích về.
— Cô biết em cảm thấy thế nào rồi.
Một đứa trẻ cảm thấy an lòng trước những giới hạn thực tế và bất dịch. Tôi hy vọng giúp em Dibs phân biệt giữa những tình cảm và những hành động của em. Tôi cũng hy vọng làm cho em hiểu rằng giờ này chỉ là một phần của cuộc sống của em thôi, rằng nó không thể và không nên lấn lướt những liên hệ và kinh nghiệm khác, và thời gian giữa những buổi hẹn hàng tuần cũng quan trọng. Giá trị của bất kỳ một kinh nghiệm trị liệu thành công nào, theo ý tôi, tùy thuộc ở sự thăng bằng giữa những gì cá nhân đưa vào những buổi trị liệu, và những gì y lấy từ đó ra. Nếu sự trị liệu trở thành ảnh hưởng trội nhất và kiểm soát cuộc sống hàng ngày của cá nhân, thì tôi rất hồ nghi về sự hữu hiệu của nó. Tôi muốn Dibs cảm thấy rằng em có nhiệm vụ phải mang theo em các khả năng đang tăng trưởng nơi em để lãnh nhận trách nhiệm về phần mình và nhờ vậy có được sự độc lập về tâm lý.
Trong lúc tôi mang ủng cho em, tôi ngước mắt nhìn em. Em với tay qua bàn và cầm lên cái bình bú sữa có chứa nước. Em nút bình như một đứa con nít nhỏ.
— Được rồi – tôi nói – Đi được rồi.
— Đậy nắp hũ sơn ngón tay, cô nhé?
— Được. Rồi cô đậy.
— Rửa cọ nhé?
— Được.
Dibs thở dài. Xem như em đã hết đường xoay trở.
Em đứng lên và đi ra cửa. Vừa ra khỏi cửa, em đột ngột đứng lại, kiểng chân và lật tấm bảng trên cửa, từ “Đừng làm rộn” sang “Phòng đồ chơi trị liệu”. Em vuốt vào cánh cửa. “Phòng chơi của chúng ta” – em nói. Em đi theo dãy hành lang đến phòng tiếp nhận và ra về không cự nự, làm bà mẹ ngạc nhiên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.