Sa Mạc Nở Hoa
7.
Chiều thứ năm tuần sau khi Dibs tới Trung Tâm Hướng Dẫn Trẻ Em, em chào tôi với một nụ cười vồn vã, em lăng xăng đi trước tôi tới phòng chơi. Em vô phòng, đi ngay tới căn nhà búp bê.
— Khác rồi – em nói – Mọi sự đã thay đổi rồi.
— Có lẽ đã có em nào đó chơi với những đồ này.
— Vâng – Dibs đáp. Em quay phắt đi và kiểm tra thùng cát – cả mấy con thú nữa. Không còn giống như em sắp xếp lần trước nữa.
— Có lẽ em cũng có em nào chơi đó – tôi góp ý.
— Trông hình như vậy – Dibs nói. Em đứng lại ở giữa phòng lắng nghe – Cô có nghe tiếng máy chữ không? Có người đang đánh máy chữ. Viết thư bằng máy chữ.
— Có, cô có nghe.
Dibs thường lấy những đồ vật làm đầu câu chuyện như lá chắn để tự vệ khi có điều bất bình. Em bất mãn vì đồ chơi không để đúng như khi em ra về. Em có yêu cầu là đừng có dọn đi khi em ra về lần trước , nhưng tôi đã không hứa hẹn, không giải thích gì cả. Điều này tôi cố tình tránh bởi vì với Dibs cũng như với những trẻ khác các em cần học hỏi qua kinh nghiệm là không có vật gì trên thế giới là bất biến và có thể kiểm soát được. Bây giờ em đã gặp bằng chứng cụ thể của thế giới biến đổi của em và cần phải tác động lên những phản ứng của em trước sự kiện đó, không phải bằng sự vỗ về, không phải bằng những lời giải thích dài dòng, nhưng sử dụng kinh nghiệm mà em có thể có, vào lúc này để gia tăng khả năng đối phó với thế giới luôn luôn thay đổi.
Em lại chổ thùng cát, nhìn mặt cát bằng và những hình tượng nằm ngổn ngang trong đó. “Con vịt con của em đâu?” – Em hỏi.
— Em đang băn khoăn là không biết con vịt con em đặt trên đỉnh đống cát ra sao à?
Em quay phắt lại, nhìn thẳng mặt tôi, “phải”, em giận dữ nói. “Con vịt con của em đâu rồi?”
“Em nói là em muốn để nó lại đó và người nào đó đã chuyển nó đi” – tôi đáp, cố gắng tóm tắt lại hoàn cảnh, trì hoãn phản ứng của em bằng những lời ứng đối của tôi, để em có thể nhận định chính xác hơn những tư tưởng và tình cảm của em.
Em lại sát bên tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi. “Đúng vậy” – em nói giọng quyết liệt. “Sao vậy?”
— Em ngạc nhiên là tại sao cô không canh chừng để mọi vật ở nguyên chỗ như em đã để?
— Vâng. Tại sao vậy?
— Tại sao em nghĩ là cô để điều này xảy ra?
— Em không biết. Em tức lắm. Đúng ra cô phải làm chuyện ấy!
— Tại sao cô phải làm việc đó nhỉ? Thế cô có hứa với em là cô sẽ làm việc ấy không?
Em nhìn xuống sàn. “Không” – em đáp, giọng em hạ thấp thì thào.
— Nhưng em muốn cô làm việc ấy dùm em.
— Những em khác vô đây và chơi với những đồ này. Có lẽ một em nào đó bỏ con vịt của em đi.
— Và trái núi của em. Con vịt con của em đứng trên đỉnh núi.
— Cô biết. Và bây giờ núi cát của em cũng không còn ở đây phải không?
— Mất tiêu rồi!
— Và vì thế em giận, em thất vọng phải không?
Dibs gật đầu đồng ý. Em nhìn tôi. Tôi nhìn lại em. Những gì tối hậu giúp ích cho Dibs nhiều nhất không phải là đống cát, không phải là con vịt nhỏ bằng chất dẻo, mà là cảm giác an toàn và thích đáng mà chúng tượng trưng trong sự tạo tác mà em thực hiện trong tuần qua. Bây giờ đứng trước sự biến mất của những biểu tượng cụ thể, tôi hy vọng em có thể cảm thấy trong nội tâm lòng tin tưởng và sự thích nghi trong khi em đối phó với sự thất vọng và khám phá ra rằng những đồ vật bên ngoài chúng ta biến đổi. Nhiều khi chúng ta ít có khả năng kiểm soát những yếu tố này, nhưng nếu chúng ta học được cách sử dụng những năng lực nội tâm của chúng ta cảm thấy an toàn.
Em ngồi trên thùng cát, lặng lẽ nhìn những hình tượng rải rác. Rồi em bắt đầu nhặt lên những hình tượng và phân chia thành những loại giống nhau. Em đưa tay lấy cây viết chì của tôi, dùng viết chì ấy em thọc thử vào một cái lỗ của cái đế để thú vật. Em làm gãy đầu cây bút chì.
“Ồ, nhìn này” – em thản nhiên nói – “Đầu cây bút chì gãy”. Em đưa cây bút chì cho tôi. Tại sao em lại làm việc này?
Tôi đỡ lấy cây bút chì. “Cô phải ra ngoài kia chuốt viết chì, Dibs” – tôi nói – “Chỉ một phút cô sẽ quay lại, em cứ ở trong này”. Tôi để em lại.
Phòng chơi này, chúng tôi thường sử dụng như một trong những phương tiện của công trình nghiên cứu tác phong trẻ em và cho chương trình huấn luyện nghề nghiệp. Nó gồm có, dọc theo một bên, một tấm giống như một tấm gương lớn. Thực ra đó là một tấm kiếng nhìn được từ một bên. Đối với người ở trong phòng , nó được dùng làm gương. Sau tấm kiếng đó, trong một phòng tối, có một hay nhiều quan sát viên được tuyển chọn kỹ lưỡng và huấn luyện đặc biệt, họ điều khiển máy thu băng và ghi lại những thay đổi của hành vi theo thời gian. Về sau những cuộn băng được chép lại và bổ sung, bao gồm luôn cả tác phong của đôi bên, đứa trẻ và nhà trị liệu với hạn thời gian ghi chú kỹ lưỡng ở khoảng cách dọc theo những phần báo cáo. Chúng tôi dùng tài liệu đó làm dữ kiện nghiên cứu, để bàn luận trong những cuộc hội thảo cấp cao như là một phần của chương trình huấn nghiệp. Tất cả những danh tính và chi tiết qua đó có thể nhận ra đương sự, được đổi hết trước khi tài liệu này được sử dụng, nhờ vậy không ai có thể nhận ra những người trong cuộc. Trong việc làm của chúng tôi, có sự giống nhau rất nhiều về căn bản giữa những vấn đề thuộc tâm lý của những người liên hệ, đến nỗi, ngay cả khi người ta có thể cảm thấy dễ nhận ra, trong thực tế, vẫn không thể làm được.
Khi tôi ra khỏi phòng để gọt bút chì, những người quan sát sau tấm gương tiếp tục ghi chú.
Dibs cầm xẻng lên và đào cát. Em vừa đào cát vừa nói một mình. “Được rồi, cát” – em nói – “Mày nghĩ là bây giờ mày có thể ở lại đây và không bị làm đảo lộn nữa à? Cả những con vật và những thằng người nữa ư? Tao sẽ chỉ cho mày thấy một vài đồ vật. Tao đào mày lên. Tao sẽ tìm thấy mày. Tao sẽ tìm thấy cái thằng người mà tao chôn. Tao sẽ đào, đào mãi cho tới khi tao tìm thấy”, em vội đào xuống cát. Sau cùng, em lôi lên được một tên lính. “Thế là mi đây rồi” – em nói – “Ta bắt được mi rồi, hỡi tên lính, đứng thẳng đơ. Mi như một thanh sắt cọc hàng rào. Ta đặt mi ở đây,chúi đầu xuống. Ta nhận mi vào cát”.
Em nhận đầu tên lính sâu vào cát cho tới khi chôn kín nó đi. Em chà tay vào nhau phủi cát. Em mỉm cười. Em cười thành tiếng. Rồi giọng nói em chuyển sang vui vẻ. “ Bỏ nón áo ra, Dibs. Trong này lạnh lắm”.
Tôi trở lại với cây bút chì gọt nhọn. Dibs nhìn tôi.
— Trong này lạnh lắm – em nói – Có bỏ áo em ra không?
— Phải, trong này lạnh lắm. Có lẽ bữa nay em cứ để áo thì hơn.
— Cô vặn hơi nóng lên đi. Em đi lại chỗ lò sưởi điện và sờ tay vào.
— Lò sưởi lạnh.
— Phải, cô biết điều đó.
— Em mở nút nhé. Em bật nút lò sưởi.
— Em có nghĩ là làm sao cho trong này ấm không?
— Có, nếu có lửa ở dưới hầm.
— Lửa ở dưới hầm?
— Trong lò. Trong lò để dưới hầm.
— Ồ, lò bữa nay hử, người ta đang sửa dưới đó.
— Hư cái gì?
— Cô không biết.
— Cô có thể tìm ra, cô biết mà – em nói, sau một hồi nghĩ ngợi.
— Cô làm sao biết được?
— Cô có thể xuống dưới hầm đứng lởn vởn quanh xem người ta làm và nghe người ta nói.
— Đúng, điều đó cô có thể làm được.
— Tại sao cô không làm như vậy?
— Nói thiệt với em, Dibs, cô không nghĩ đến việc ấy.
— Cô có thể học được nhiều điều hay bằng cách đó.
“Cô tin chắc vậy” – tôi nói với em. Và tôi tin chắc rằng Dibs đã học được rất nhiều điều theo thể thức đó, đứng xớ rớ, xa xa, gần chỗ có việc, vừa đủ để xem người ta làm việc và nghe người ta nói.
— Lò sưởi đã bắt đầu hư thứ năm vừa rồi.
— Có thể là đúng – Tôi đồng ý.
— Nhưng tại sao lại khác, nếu không phải là như thế? Tại sao lại khác?
— Cô không biết, cô chưa bao giờ nghiên cứu về những trục trặc của lò sưởi. Cô không biết nhiều về những điều này.
Dibs cười.
— Cô chỉ nhận ra khi trời lạnh.
— Đúng vậy – tôi nhận – khi mà nó còn sưởi ấm thích đáng thì cô cho là đương nhiên còn tốt. Khi nó không còn sưởi ấm nữa tức là nó đòi hỏi phải được sửa chữa.
— Vâng, khi đó cô thấy là nó bị hư.
Em kéo chiếc ghế đến cái tủ tam giác ở một góc phòng chơi. Một khung vuông rộng được đục ra trên tấm cửa này và có che màn. Đây là sân khấu múa rối. Em leo lên ghế, vén màn lên nhìn vào bên trong. “Trống trơn” – em nói.
Em kéo ghế ra chỗ lavabô,leo lên và nhìn vào những ngăn bên trên lavabô, em lại nói: “Trống trơn”.
— Chẳng có gì ở trên ngăn cao ấy đâu – tôi nói.
Nhưng em kiểm soát tất cả. Rồi em lôi chiếc ghế ra xa, mở cánh cửa ngăn cách lavabô, mở nước. Em lột núm vú khỏi chai, trong khi vòi chảy mạnh. Em đổ đầy chai nước, đổ nước vào lavabô, giữ núm vú lại. Em để núm vú trên mặt bàn, đóng vòi nước lại, cầm cây súng lên, nhồi cát vào súng. Em bóp cò và ráng bắn cát ra, nhưng không được. Cát từ súng chảy ra và vung vãi trên mặt sàn. Em ngồi xuống thành thùng cát, lại nhồi cát, lại nhồi cát vào súng, bóp cò.
— Làm thế này không được – em nói.
— Cô cũng thấy không được.
Em ngồi xuống đối diện với tôi. Em bắt đầu nhặt những con vật rải rác, vừa làm vừa nói: “Con gà trống gáy cúc cu. Con gà trống gáy trong khi gà mái đẻ trứng. Hai con vịt đang lội. Coi nè! Chúng có ao riêng của chúng, cái ao nhỏ riêng của chúng. Con vịt kêu “cạp – cạp”, con vịt lớn kêu “cạp – cạp”. Và chúng cùng nhau bơi lội chung quanh cái nhỏ an toàn của chúng. Và có hai con thỏ. Hai con chó. Hai con bò cái. Hai con ngựa. Hai con mèo. Mỗi thứ có hai con. Ở đây không có con nào lẻ loi cả!”
Em quỳ gối xuống trên gờ thùng cát để xem xét căn nhà nhỏ. Em xoay ngược căn nhà lại. “Không có ai sống trong căn nhà này – em nói – “Chỉ có con mèo và con thỏ. Chỉ có một con mèo và một con thỏ. Marshmallow là tên con thỏ của chúng em ở trường” – em nói thêm, liếc nhìn tôi. “Chúng em nhốt nó ở một cái lồng lớn để trong góc và đôi khi chúng em thả nó ra cho nó chạy nhảy vòng quanh, rồi nó lại ngồi, lại suy nghĩ”.
— Con mèo và con thỏ sống với nhau trong căn nhà này à? – Tôi hỏi – Và Marshmallow là tên con thỏ à?
— Tên con thỏ ở trường – Dibs ngừng lại để nói – Không phải con thỏ sống trong căn nhà với con mèo. Nhưng chúng em có một con thỏ ở trường và đó là con thỏ tên Marshmallow. Nó lớn lắm, lông trắng – nó giống như con thỏ đồ chơi này. Vì thế em nhớ tới con thỏ ở trường.
— Ồ, cô hiểu rồi. Con thỏ cưng ở trường.
— Con thỏ nhốt trong lồng – Dibs đính chính – Nhưng đôi khi chúng em thả ra. Và đôi khi, không có ai coi chừng, em thả nó ra.
Đây là lần đầu tiên Dibs nói về trường. Tôi không hiểu lúc này ở trường em ra sao. Không biết tác phong của em hiện nay có còn như bữa tôi đến hay không?
Khi mẹ của Dibs đồng ý thử trị liệu bằng đồ chơi, tôi có thông báo cho trường. Tôi nói và khi với bà hiệu trưởng là tôi sẽ làm việc với Dibs nếu và khi mẹ em đưa em đến Trung Tâm. Tôi đã thẳng thắn nói là tôi không biết liệu em có đáp ứng lại những buổi trị liệu bằng đồ chơi hay không – liệu những buổi này có ích lợi gì không. Chúng tôi dặn lại nhà trường là nếu và khi nào họ thấy cần hội ý hay có những nhận xét, những báo cáo hoặc những vấn đề phải trao đổi thì xin gọi dây nói cho tôi. Tôi không thông báo cho trường biết là mẹ em đã đưa em lại. Theo ý tôi, cha mẹ đứa trẻ là những người sẽ bàn luận về những buổi hẹn trị liệu cho em. Không thể báo cáo với bất kỳ người nào hay cơ quan nào không có sự đồng ý viết ra và thừa nhận của cha mẹ.
Tôi chú ý đến lời nhận xét của Dibs về con thỏ ở trường. Điều này chứng tỏ rằng Dibs, mặc dù không phải là một thành viên hoạt động và tham dự của nhóm, nhưng có quan sát học hỏi, suy nghĩ và rút ra những kết luận trong lúc em mon men bên lề những hoạt động. Thật là hay nếu biết em đang làm gì ở trường và ở nhà. Có lẽ cũng hay cho những người khác khi họ biết là Dibs đang làm gì trong phòng chơi. Nhưng điều này không làm thay đổi những thể lệ mà tôi đang tuân hành, bởi vì tôi đang quan tâm tới sự nhận thức của em về thế giới của em, những liên hệ, những tình cảm, những quan điểm đang phát triển, những kết luận, những suy đoán lý luận của em. Tôi có thể cảm thấy những nguyên nhân nào đã thôi thúc em có hành động đó.
Em dựng một hàng rào bằng các – tông quanh những con thú. “Em trổ một cái cửa trên hàng rào” – em tuyên bố – Cắt hàng rào, bẻ cong một phần trên hàng rào để làm một cửa ngỏ. “Thế này để những con vật muốn ra lúc nào là ra được liền”.
“Ra vậy đó” – tôi bình luận.
Em nhặt những mảnh các – tông hình thù kỳ quái đã đục ra để xác định hàng rào. Em tỉ mỉ xem xét những mảnh này. “Cái này là …cái này là …” Em đang cố gắng xác định hình thù, “À” – em tuyên bố – “Đây là mảnh vô giá trị. Sự vô giá trị giống thế này”. Em đưa mảnh giấy cho tôi xem. Đây là một suy luận thú vị – khá thích đáng.
Em nhặt lên mấy lính chì. “Người này có cây súng” – em nói – “Người này cưỡi ngựa. Đây thêm một số chiến sĩ”. Em đặt những tên lính thành hàng thẳng trên thành ngoài của thành cát. “Những tên này, em xếp vào hộp”. Em làm đúng như vậy. “Cái xe vận tải một lần nữa chạy thành vệt chung quanh nhà. Con thỏ và con mèo đang nhìn qua cửa sổ, nhìn và theo dõi”.
Em ngồi đó, chắp hai tay vào nhau để trên đầu gối và yên lặng nhìn tôi mấy phút. Vẻ mặt trông cỏ vẻ nghiêm trọng, nhưng đôi mắt long lên với những ý nghĩ. Em nghiêng về phía tôi và nói: “Hôm nay không phải là ngày Quốc Khánh”. Phải tới mồng bốn tháng bảy cơ. Vào ngày thứ năm. Phải bốn tháng hai tuần nữa và vào ngày thứ năm sẽ đến gặp cô A. Em nhìn lên cuốn lịch để xem. “Thứ hai là mồng một tháng bảy, thứ tư là mồng hai tháng bảy. Thứ tư là mồng ba tháng bảy, thứ tư là gần ngày Quốc Khánh, nhưng chưa hẳn, rồi đến ngày mồng bốn tháng bảy là ngày Quốc Khánh, và vào ngày thứ năm em lại đây!” Em với lấy con thỏ. “Thứ tư, mồng ba tháng bảy sẽ là một ngày dài – buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Rồi sáng hôm sau, ngày Quốc Khánh, mồng bốn tháng bảy, thứ năm, và em sẽ có mặt ở đấy”.
— Em hăm đến đây lắm – tôi nói.
— Ồ, em ham lắm. Em ham! – Dibs mỉm cười. Rồi em lại lập nghiêm ngay và nói tiếp: – Ngày Quốc Khánh là ngày của lính và lính thủy. Trống đánh thùng thùng. Và cờ bay phấp phới.
Em hát một hành khúc. Em đào vào cát. Em đổ cát đầy xe vận tải. Em đẩy xe chạy nhanh. “Đó là một ngày vui. Ngày Quốc Khánh! Và họ đều lảo đảo vì vui. Những người lính này đang giải tỏa tự do và mở tung mọi cửa!”
Vẻ đẹp và sức mạnh ngôn ngữ của đứa trẻ này thật là đáng nể, và cần phải nghĩ rằng em đã phát triển phong phú mặc dầu bị dồn vào thế bị chèn ép do sự lo lắng, cô đơn và sợ hãi tạo nên. Bây giờ em đã lách qua sự sợ hãi và trở thành mạnh dạn với những điều chắc chắn mà em đã khám phá được. Em đang chuyển sự sợ hãi, giận dữ và lo âu sang hy vọng, tin tưởng và vui vẻ. Sự buồn phiền và mặc cảm thất bại của em đang tan dần.
— Em cũng cảm thấy có sự vui vẻ phải không Dibs? – Sau một phút yên lặng tôi hỏi.
Đây là sự hân hoan mà em không muốn để mất. Em vui vẻ bước vào phòng này.
Tôi nhìn em đang ngồi trên mép thùng cát, rạng rỡ ý thức bình an mà em đang cảm thấy vào lúc này. Trông em thật nhỏ bé, nhưng tràn đầy hy vọng, can đảm và tin tưởng đến nỗi tôi có thể cảm thấy sức mạnh của nhân phẩm và sự vững vàng của em.
— Em vui vẻ bước vào phòng này – em nhắc lại – Em buồn rầu khi ra về.
— Thế hả? Có sự vui vẻ nào ra về với em không?
Dibs vùi ba tên lính vào cát. “Thế này là chúng khổ lắm” – em nói – “Chúng không thở được” – em giải thích – “Dibs đào chúng lên” – em tự ra lệnh cho mình – “Điều trước nhất mày phải biết là sắp tới giờ về rồi . Mày muốn để chúng bị chôn thế này à?” – Em tự hỏi.
— Còn năm phút nữa là tới giờ về – tôi nói – Em muốn để chúng bị chôn à?
Em nhanh nhẹn nhảy ra khỏi thùng cát. “Em sẽ chơi với lũ lính trên sàn ngoài này” – em nói – “Em sẽ xếp chúng thành hàng có trật tự” – em sà xuống và sắp xếp lại những tên lính. Em thò tay vào thùng cát đào những tên lính bị chôn vùi lên. Em cẩn thận nhìn chúng. Em cầm một tên đưa tôi xem. “Đây là
Ba” – em nói, nhận diện tên lính.
— Ồ, đây là ba à? – Tôi thản nhiên hỏi.
“Vâng” – em đáp. Em dựng tên lính ấy trước mặt em, nắm tay lại, đấm nó té nhào, dựng nó đứng lên, đấm nó té bằng nắm đấm. Em lặp lại việc làm này nhiều lần. Rồi em nhìn tôi hỏi “Còn bốn phút nữa phải không?”.
“Đúng” – tôi đáp, mắt liếc đồng hồ: “Còn bốn phút nữa”.
— Rồi tới giờ về – Dibs nói. —Ừ hứ – tôi ầm ừ.
Em lại chơi với tên lính “cha”, dựng nó đứng lên đấm nó té nhào. Em lại nhìn tôi, “còn ba phút nữa?”
“Đúng” – tôi đáp rồi nói thêm – “Rồi tới giờ về”. Tôi nói điều đó cốt ý xem em có thể trả lời ra sao hơn là để em chú ý đến sự kiện em đã biết rồi.
— Đúng vậy – Dibs đáp – Dù em không muốn về thì vẫn tới giờ về.
— Đúng vậy, Dibs, dù em không muốn về vẫn tới giờ phải về.
“Đúng vậy” – Dibs nói. Em thở dài. Em ngồi đó yên lặng một phút. Hình như em có một ý niệm rất đúng về thời gian. Còn hai phút nữa?” – Em hỏi
— Phải.
— Thứ năm tới em trở lại – em khẳng định.
— Phải, em sẽ trở lại – Tôi đồng tình.
— Ngày mai là ngày sinh của ông Hoa Thịnh Đốn. Mai là thứ sáu. Thứ bảy không có gì. Chúa Nhật là hai mươi bốn, là sáng thứ hai em đi học lại. Mắt em sáng lên sung sướng.
Mặc dù cái tác phong bên ngoài ở trường không cho thấy trường học có ý nghĩa nhiều đối với em. Mặc dù các cô giáo có thể bối rối, thất vọng và có cảm tưởng thất bại đối với em , họ đã làm hết bổn phận đối với Dibs. Em biết điều gì đang diễn ra tại đó. Hạnh phúc có lẽ là bài hát các em học được ở trường. Marshmallow là con vật cưng hơn bị nhốt. Marshmallow là một phần kinh nghiệm ở trường. Tôi nghĩ tới buổi họp ở trường. Tôi nhớ lại buổi trình diễn độc thoại của cô Jane về những nguyên lý sức hút nam châm. Giáo viên không bao giờ nên nản lòng. Chúng ta không khi nào biết là trẻ tiếp thu được bao nhiêu điều chúng ta trình bày, mỗi đứa theo một cách, để dùng làm kinh nghiệm giúp chúng đối phó với thế giới của chúng.
— Vào ngày thứ hai chúng em nhận được tờ báo TIN TỨC TIỂU HỌC –
Dibs nói – Báo có bìa màu vàng tươi, màu xanh da trời và màu trắng. Mười ba trang. Rồi đến thứ ba, thứ tư và thứ năm. Và ngày thứ năm em trở lại đây.
— Em có ý niệm khá rõ về những gì diễn ra tuần tới. Ngày sinh ông Hoa Thịnh Đốn, tờ báo học đường, tất cả những ngày trong tuần, rồi lại trở về đây – Tôi bình luận.
— Vâng – Dibs nói.
— Và em có thể đọc giỏi hơn tuổi thật của em nhiều – tôi nghĩ. Và em hiểu những điều em đọc. Nhưng tôi không đá động đến khả năng đọc của em. Em coi việc đó là điều đương nhiên. Tôi cũng vậy. Mặc dù hiển nhiên em đọc giỏi, điều đó tự nó không đủ để em phát triển toàn diện.
— Còn một phút nữa, phải không cô?
— Phải. Còn một phút nữa.
Em nhặt cái bộ mặt mà em gọi là “Ba” lên thảy nó vào thùng cát. “Bữa nay ba đến đây rước em” – Dibs bảo tôi.
“Ô” – Tôi kêu, tai vểnh lên. Thế là Ba đã nổi lên đôi chút trong cái thế giới của Dibs.
“Vâng” – Dibs nói. Em nhìn tôi. Tôi nhìn em. Cuối cùng, Dibs đứng lên “Hết giờ rồi” – em nói, có tiếng thở dài não nề:
— Phải, hết giờ rồi, tôi nói theo.
— Em muốn vẽ.
— Em không có ý định về, dù em biết là tới giờ rồi sao?
Dibs liếc mắt nhìn tôi. Có một nụ cười thoáng trên mặt em. Em cúi xuống và chuyển từng tên lính em xếp trên mặt sàn đi. Em xếp chúng thành từng hàng thẳng , súng nhắm vào tôi. Em đi về phía cửa “Súng hữu dụng khi cần phải bắn” – em nói.
“Ra thế đó” – tôi đáp.
Em nhặt nón lên, đi dọc dãy hành lang. Tôi đi với em. Tôi muốn được biết mặt ông bố.
— Tạm biệt cô – Dibs nói, buông tay tôi ra.
— Tạm biệt em, thứ năm tới cô gặp lại em. Ông bố liếc mắt nhìn tôi.
— Chào cô – ông nói, giọng cứng cỏi. Ông ta có vẻ bực bội lắm.
— Chào ông.
— Con nói ba nghe nè – Dibs nói – Ba có biết hôm nay không phải ngày Quốc Khanh không?
— Lẹ lên, Dibs. Ba đang vội – ông bố hối thúc.
— Phải tới tháng bảy cơ – Dibs nói tiếp – Lễ vào ngày thứ năm, còn bốn tháng hai tuần nữa lận.
“Kìa, Dibs” – ông bố la, ngượng chín người vì câu chuyện của Dibs mà ông thấy là rất kỳ cục – nếu quả tình ông có lắng nghe.
— Lễ Quốc Khánh vào ngày thứ năm – Dibs lại ráng nói – Lễ vào ngày mồng bốn tháng bảy.
Ông bố lôi Dibs ra cửa. “Có câm cái họng lảm nhảm đi không?” – Ông nói, răng nghiến lại.
Dibs thở dài. Em gục đầu xuống. Em lặng lẽ theo cha.
Cô tiếp viên nhìn tôi. “Con lừa già!” – Cô nói – “Tại sao hắn không nhảy xuống sông chết cho rồi đi?”
“Phải đấy” – tôi đồng tình – “Tại sao hắn không làm như vậy nhỉ?”
Tôi trở lại phòng chơi để thu dọn chờ người thân chủ trẻ kế tiếp. Những quan sát viên vào tiếp tay. Một người trong bọn họ nói lại những lời Dibs đã nói khi tôi ra ngoài chuốt bút chì. Băng thâu đã được cuốn trở lại, chúng tôi nghe lại phần này. “Đứa trẻ kỳ lạ quá!” – Một người quan sát nhận định.
Thật là thấu đáo, tôi nghĩ. “Đứng thẳng đơ như thanh sắt cọc hàng rào!” Đó là điều Dibs đã nói ra. Tôi cảm thấy chính tôi muốn để ông bố bị chôn vùi trong cát một tuần lễ. Ông ta không chịu nghe con nói. Dibs muốn trò chuyện với ông, nhưng ông gạt em đi cho là nói lảm nhảm. Dibs phải có một nội lực ghê gớm mới bảo toàn được một nhân cách mạnh mẽ như vậy trước những cuộc tấn công như thế.
Đôi lúc khó có thể thừa nhận sự kiện là chính cha mẹ cũng có lý do để hành động như vậy – Có những lý do vướng mắc sâu bên dưới nhân cách của họ khiến họ không thể yêu thương, hiểu biết và hy sinh cho con cái được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.