Sa Mạc Nở Hoa

8.



Sáng hôm sau tôi nhận được điện thoại do mẹ em Dibs gọi tới. Bà yêu cầu cho bà đến gặp. Bà có vẻ như muốn biện bạch cho lời yêu cầu này. Tôi nhìn vào cuốn lịch của tôi và đề nghị mấy cái hẹn có thể gặp được. Bà có nhiều buổi để chọn. Bà ngập ngừng, yêu cầu tôi chỉ định. Tôi nói với bà là tôi sẽ có mặt ở Trung Tâm những lúc mà tôi đã nói, nên bà cứ việc tự do chỉ định lúc mà bà thích. Bà lại ngập ngừng. Rồi sau khi đã suy nghĩ kỹ bà quyết định.

“Tôi sẽ có mặt lúc mười giờ sáng nay” – bà nói – “Cám ơn cô, tôi rất cảm kích được cô tiếp”.

Tôi tự hỏi không biết điều gì xui khiến bà có quyết định gặp tôi. Hoặc giả bà có điều chi mãn nguyện hay bất mãn, hay lo phiền về Dibs chăng? Hoặc là chồng bà phản ứng bất lợi trước cuộc thăm viếng ngắn ngủi của ông tại Trung Tâm bữa ông tới đón em Dibs chăng? Không đầy một tiếng nữa bà sẽ có mặt tại Trung Tâm. Có lẽ lúc đó chúng ta sẽ biết thêm về hoàn cảnh đôi chút.

Khó lòng mà nói trước là một cuộc gặp gỡ như vậy sẽ xảy ra như thế nào. Lòng bà mẹ có thể đóng thành băng giá, và bà không có khả năng tìm hiểu vấn đề hơn trước đây. Rồi cũng có thể là vì bà đầy đau khổ, đầy thất bại và cảm thấy sự bất lực của cá nhân mình, quá thất vọng nên tìm dịp để chia sẻ phần nào với người khác. Điều tối quan trọng là phải hạn chế hết sức sự đe dọa đối với bà và phải nỗ lực truyền sang cho bà cảm giác được an toàn, tin cậy trong cuộc hội ngộ này. Có một điều tôi biết chắc đây sẽ là một cuộc hội ngộ vô cùng khó khăn và mệt mỏi về tình cảm đối với bà mẹ này.

Tôi có bổn phận tỏ cho bà biết một cách hữu hiệu nhất – Chủ yếu bằng thái độ và triết lý riêng của tôi rằng thế giới riêng tư của bà là của bà và bà là người sẽ quyết định xem bà có muốn mở cửa và chia sẻ một phần nào đó với chúng tôi chăng. Và nếu bà quyết định như vậy, tôi sẽ không hối hả chạy trước bà về phương diện tâm lý, không được soi mói bất kỳ điều gì mà bà không tự nguyện cho với lòng tin tưởng ở khả năng chia sẻ thế giới nội tâm của mình với một người khác. Và nếu bà không có ý định mở cánh cửa này ra thì chắc chắn là tôi cũng không có ý gõ cửa ấy, chứ đừng nói tới việc cưỡng bức mở ra bằng sự thăm dò có hậu ý. Thật là hấp dẫn nếu được nghe những điều bà có thể kể về Dibs và về chính bà, nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để bà kinh nghiệm được mình là một người có phẩm giá được tôn trọng và thừa nhận là một cá nhân có quyền sở hữu tuyệt đối với đời sống riêng của mình.

Bà mau mắn đến Trung Tâm. Tôi mời bà vào văn phòng ngay. Trước đó bà cho biết là bà rất sợ phải ngồi đợi tại phòng tiếp nhận.

Bà ngồi xuống ghế cạnh bàn làm việc của tôi, đối diện với tôi. Bà rất xanh xao. Hai tay nắm chặt vào nhau. Mắt đảo quanh, liếc nhìn tôi rồi vội nhìn đi chỗ khác – giống như Dibs đã từng làm khi em gặp tôi lần đầu trong phòng chơi.

Tôi đưa thuốc cho bà.

— Không, cám ơn – bà nói. Bà đưa tay chỉ vào bao thuốc.
— Tôi không hút thuốc. Nhưng nếu cô muốn hút, xin cứ tự nhiên.

— Tôi không hút thuốc, thưa bà.

Tôi cất gói thuốc vào ngăn bàn cốt để làm bớt căng thẳng những phút đầu hơn là vì mục đích nào khác. Tôi chậm rãi làm việc ấy, rồi tôi nhìn bà. Trong mắt bà có biểu lộ lo âu và hoảng hốt. Điều quan trọng là không được dồn bà vào việc phải bàn luận về những vấn đề của bà, quan trọng là đừng có dẫn đạo bằng cách đặt câu hỏi, quan trọng là đừng biến đổi gặp gỡ thành dịp nói chuyện tào lao. Nếu bà muốn làm bất kỳ điều gì thì vấn đề lại khác hẳn, còn tôi mà làm tức là phá hoại mục tiêu của buổi phỏng vấn. Bà yêu cầu có cuộc gặp gỡ. Bà có lý do để làm việc này. Nếu tôi mời bà đến gặp, thì tôi có trách nhiệm khởi đầu câu chuyện.

— Tôi không biết bắt đầu từ đâu – bà nói.

— Tôi biết. Đôi khi rất khó bắt đầu.

Bà mỉm cười, nhưng là nụ cười không vui.

— Nhiều điều phải nói – bà nói – Và nhiều điều không nói được.

— Thường thường là như thế!

— Có nhiều điều tốt hơn đừng nói tới – Bà nhìn thẳng vào mặt tôi và nói.

— Nhiều khi sự thật là như vậy bà ạ.

— Nhưng nhiều điều không nói ra có thể trở thành gánh quá nặng, thưa cô.

— Phải, điều này cũng có thể xảy ra.

Bà ngồi đó nhìn qua cửa sổ yên lặng một hồi lâu. Bà bắt đầu bớt căng thẳng.

— Từ khung cửa sổ này nhìn ra cảnh đẹp lắm – bà nhận xét. Ngôi nhà thờ kia đẹp quá. Trông vừa to lớn, chững chạc và thanh bình.

— Quả là như thế!

Bà nhìn xuống đôi tay đan chặt. Bà nhìn lên bắt gặp mắt tôi. Đôi mắt ngấn lệ.

— Tôi lo lắng về cháu Dibs quá – bà nói – Lo quá về cháu.

Tôi không lường trước là bà nói câu này. Tôi ráng ra vẻ thản nhiên thừa nhận lời bà nói.

— Lo lắng về em – tôi hỏi. Vào lúc này không nên nói gì hơn. Tôi không hỏi bà vì sao.

— Vâng – bà nói – Lo lắng quá. Gần đây cháu có vẻ khổ sở lắm. Cháu đứng quanh quẩn, nhìn tôi, luôn luôn nín lặng. Bây giờ cháu ra khỏi phòng thường hơn. Nhưng cháu chỉ đứng quanh quẩn, bên lề mọi việc như một bóng ma. Và khi nào tôi nói chuyện với cháu, cháu chạy mấ. Một lúc sau cháu trở lại và nhìn tôi với ánh mắt buồn thảm.

Đây thật là một nhận xét đầy ý nghĩa. Bây giờ Dibs ra khỏi phòng thường hơn. Và theo báo cáo của bà, gần đây, em ra vẻ khổ sở hơn, lẽ dĩ nhiên cũng có thể là bà ý thức về nỗi khổ của em hơn trước đây. Cũng có thể là Dibs công khai để lộ tình cảm của mình trong gia đình nhiều hơn. Và phải yên lặng, khi em có khả năng sử dụng ngôn ngữ như thế cho thấy là em có một nội lực và sự tự chế kinh khủng.

— Tôi cảm thấy hết sức khổ tâm khi cháu làm như thế – bà nói thêm, sau một lúc – Làm như cháu đang xin một điều gì tôi không thể cho được. Cháu là một đứa trẻ rất khó hiểu. Tôi đã cố gắng. Thực sự , tôi đã cố gắng, nhưng tôi đã thất bại. Ngay từ đầu, khi cháu còn là một đứa hài nhi, tôi đã không hiểu cháu. Thực tình tôi không biết một đứa nhỏ nào trước cháu Dibs. Tôi không hề có một chút kinh nghiệm thực tế nào về trẻ em hay trẻ thơ. Tôi không có một ý niệm nhỏ nào về phương diện tâm lý của chúng. Về sinh lý, vật lý và y khoa thì tôi biết chúng rành lắm. Nhưng tôi không sao hiểu được Dibs. Cháu là một sự ray rứt tâm can – một sự nản lòng ngay từ khi mới sanh. Chúng tôi không dự định sinh cháu. Sự thụ thai là một tai nạn. Cháu làm đảo lộn hết kế hoạch của chúng tôi. Tôi cũng có nghề nghiệp riêng. Chồng tôi hãnh diện về những thành quả của tôi. Nhà tôi và tôi rất hạnh phúc khi sinh Dibs. Và khi mới sinh ra thì thấy cháu khác hẳn. To con và xấu xí. Một khối không phản ứng gì cả. Thực vậy, nó đã hất hủi tôi từ khi mới sinh. Nó cứng đơ và la hét mỗi lần tôi bế cháu lên! – Nước mắt chảy ròng ròng xuống mặt, bà vừa nói vừa lau nước mắt bằng giấy lau, nức nở kể chuyện mình. Tôi bắt đầu nói, nhưng bà bảo tôi im lặng.

“Xin đừng nói gì cả – bà năn nỉ – Tôi phải nói ra, ít nhất một lần. Tôi đã phải chịu đựng lâu quá rồi. Nó như tảng đá nặng để giữa tim tôi. Cô muốn nghĩ về tôi thế nào cũng được, nhưng xin để tôi nói cho cô nghe. Tôi không định làm thế này đâu. Khi tôi gọi dây nói cho cô, và xin gặp cô, tôi có ý định hỏi cô về cháu Dibs. Hôm qua ba cháu giận lắm. Anh nghĩ rằng sự trị liệu tệ hại hơn. Nhưng có câu chuyện tôi cần nói với cô. Tôi đã giấu kín trong lòng từ lâu lắm rồi.

“Sự thai nghén của tôi thật vất vả. Tôi đau yếu suốt thời gian. Và ông chồng tôi thù ghét sự thai nghén của tôi. Ông nghĩ là tôi đã có thể ngừa được. Ồ tôi không phiền trách ông. Chính tôi cũng hận chuyện này. Chúng tôi không thể làm việc gì chúng tôi đã từng cùng làm, không thể đi đâu được. Chồng tôi càng ngày càng xa lánh tôi, ông vùi đầu vào công việc riêng của ông. Ông là một nhà khoa học như cô biết đó. Một người xuất sắc! Nhưng xa cách. Và cực kỳ bén nhạy. Và điều này có thể khiến cô ngạc nhiên. Tôi không nói ngay cả chuyện này nữa. Tôi cũng không khi nào đề cập tới chuyện này ở trường. “Một lần nữa lại có nụ cười đau khổ và không vui trên đôi môi bà.

“Trước khi tôi có thai, tôi là một nhà phẫu thuật. Tôi ham mê công việc. Tôi đã tỏ ra có triển vọng thành công như một nhà phẫu thuật. Tôi đã hoàn thành hai cuộc giải phẫu tim phức tạp. Nhà tôi hãnh diện về tôi. Tất cả bạn hữu chúng tôi đều là những ông, những bà rất lỗi lạc, rất thành công và nổi tiếng. Và rồi Dibs sinh ra để phá hủy những kế hoạch và cuộc đời chúng tôi. Tôi cảm thấy là mình đã thất bại não nề. Tôi quyết định thôi việc. Một số đồng nghiệp thân thiết của tôi không hiểu thái độ và sự quyết định của tôi. Tôi không nói cho họ nghe về Dibs. Chẳng bao lâu rõ ràng Dibs không phải là đứa trẻ bình thường. Có con đã đủ khó, có đứa con thiểu năng quả là điều chúng tôi không hiểu nỗi. Chúng tôi mắc cỡ. Chúng tôi nhục nhã. Chưa bao giờ có chuyện như vậy ở bên nào trong hai gia đình chúng tôi. Chồng tôi, nổi danh khắp nước về sự lỗi lạc của anh ấy. Và thành tích của cá nhân tôi cũng luôn luôn xuất sắc. Tất cả những giá trị của chúng tôi đều nghiêng hẳn theo chiều hướng trí tuệ về thành quả trí thức tốt đẹp, rõ ràng và đáng kể?

“Con rể gia đình chúng tôi, cả hai chúng tôi đều lớn lên trong những gia đình mà đức tính ấy được trọng vọng hơn những đức tính khác. Và rồi tới Dibs! Kỳ quái quá chừng. Không nói. Không chơi. Chậm biết đi. Tấn công người ta như một con hoang thú nhỏ. Chúng tôi mắc cỡ hết sức. Chúng tôi không muốn một người bạn nào biết về cháu. Về phương diện xã hội chúng tôi càng ngày càng xa cách bạn bè, bởi vì nếu chúng tôi trực tiếp giao thiệp với họ, đương nhiên là họ muốn xem em bé. Và chúng tôi không muốn một ai nhìn thấy cháu. Chúng tôi mắc cỡ lắm. Và tôi mất hết tự tin. Tôi không thể tiếp tục công tác. Tôi biết rằng tôi không còn thực hiện được một cuộc giải phẫu nào nữa.

“Không có chỗ nào để có thể gởi cháu đi. Chúng tôi cố gắng giải quyết vấn đề tốt đẹp nhất theo khả năng của mình. Tôi đưa cháu tới một bác sĩ thần kinh này không thấy Dibs có tì trục trặc về cơ thể. Rồi cách đây hơn một năm chúng tôi lại đưa cháu tới một bác sĩ tâm thần không ở miền này. Chúng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ để cháu lại đây để cháu được chẩn đoán về tâm thần và tâm lý. Tôi cảm thấy là Dibs bị tâm thần phân liệt. Hay tự kỷ, nếu không phải là thiểu năng. Tôi cảm thấy là những triệu chứng của cháu cho thấy cháu bị tổn thương não. Bác sĩ tâm thần này nhất định đòi gặp nhà tôi và tôi, trong mấy buổi phỏng vấn. Đây là lần duy nhất tôi tiết lộ danh tính thật của chúng tôi, với một y sĩ mà chúng tôi đến thỉnh ý về trường hợp cháu Dibs. Kinh nghiệm thật ê chề. Nhà tâm thần phỏng vấn chúng tôi. Khi chúng tôi cảm thấy họ đi xa hơn nhu cầu nghề nghiệp trong những câu hỏi đặt ra thì những nhà xã hội học lại nói là chúng tôi có tình thù hận và chống đối. Họ có vẻ lấy làm thú vị một cách tàn nhẫn được hành hạ chúng tôi không cần kiêng nể”.

“Bác sĩ tâm thần nói với chúng tôi rằng với trình độ của chúng tôi, ông không cần giấu giếm. Ông nói rằng Dibs không bị thiểu năng, không bị tâm thần , không bị tổn thương não hệ, nhưng là đứa trẻ bị hất hủi nhất, bị thiếu thốn về tình cảm nhiều nhất mà ông chưa từng thấy. Ông nói nhà tôi và tôi là những người cần được trị liệu. Ông đề nghị trị liệu cho cả hai chúng tôi. Đó là thứ kinh nghiệm choáng váng nhất mà chúng tôi phải chịu. Ai cũng thấy rằng nhà tôi và tôi rất quân bình. Chúng tôi không bao giờ có khuynh hướng giao tế rộng, nhưng một số ít bạn và đồng nghiệp mà chúng tôi giao thiệp kính trọng chúng tôi, tôn trọng ý muốn có cuộc đời riêng theo ý chúng tôi. Chúng tôi không khi nào có những vấn đề cá nhân mà chúng tôi không tự giải quyết được.

“Chúng tôi đưa cháu Dibs về và cố gắng hết sức để ổn định. Nhưng vợ chồn tôi gần đi tới chỗ thôi nhau.

“Chúng tôi không khi nào nói chuyện này với ai cả. Không nói với gia đình hai bên. Không nói với nhà trường. Nhưng nhà tôi càng ngày càng xa cách. Dorothy sinh sau Dibs một năm. Tôi nghĩ thêm một cháu nữa có thể có lợi cho cháu. Nhưng các cháu không thuận nhau, tuy Dorothy bao giờ cũng là đứa trẻ tuyệt vời. Cháu là bằng chứng chắc chắn không phải lỗi tại chúng tôi. Rồi Dibs đi học ở trường tư nơi cô gặp cháu lần đầu.

“Tôi nói thiệt với cô không ai tưởng tượng nổi tấn thảm kịch ghê gớm và sự khắc khoải vì có một đứa con mang thương tật tâm thần! Người duy nhất mà cháu thân thiện là bà cháu. Bà cụ có mặt bên chúng tôi trong tháng đầu khi cháu mới sinh và mỗi tháng tới thăm chúng tôi một lần trong ba năm liền, cho tới khi cụ dọn nhà về Florida. Sau đó, mỗi năm hai lần bà đến chơi và mỗi lần bà ở chơi chừng một tháng. Dibs lúc nào cũng nhớ bà, bao giờ cũng quấn quýt lấy bà khi bà đến, và nhớ bà kinh khủng bà về. Và hầu như cháu tính từng ngày cho tới khi bà trở lại.

“Tôi đã làm bất kỳ việc gì có thể làm cho cháu, Dibs. Chúng tôi cung cấp cho cháu bất kỳ thứ gì có thể mua được bằng tiền, hy vọng giúp cháu được phần nào. Đồ chơi. Âm nhạc. Các trò chơi. Sách. Phòng chơi của cháu đầy ắp mọi thứ mà chúng tôi nghĩ là có thể giải trí, giáo dục và làm vui cho cháu. Và có nhiều khi cháu tỏ ra sung sướng trong phòng riêng ở nhà. Khi chỉ có một mình, cháu có vẻ sung sướng hơn. Vì thế chúng tôi gởi Dorothy vào trường nội trú gần đây. Cháu về nhà cuối tuần và những dịp nghỉ. Tôi nghĩ là Dibs vui hơn khi Dorothy vắng nhà. Ở trường Dorothy cũng vui vẻ hơn. Anh em chúng không thuận thảo. Dibs đánh đập em một cách tàn nhẫn khi nó lại gần hay vào phòng riêng của cháu.

“Gần đây, cháu có vẻ khổ sợ lắm. Và dường như cháu có thay đổi. Rồi, bữa qua, khi nhà tôi đưa cháu về, cháu có vẻ buồn. Cả hai đều buồn giận. Anh nói Dibs nói lảm nhảm như một thằng khùng! Dibs đi ngang qua phòng, nắm lấy một cái ghế và quăng đi, lấy tay gạt đổ mấy món đồ văng khỏi bàn nhỏ, la nhà tôi “Tôi ghét ông! Tôi ghét ông!” chạy lại phía ông đá túi bụi. Nhà tôi nắm lấy Dibs và sau một hồi giằng co bế bổng cháu lên phòng riêng của nó, và khóa cửa nhốt nó trong đó. Khi nhà tôi từ trên lầu xuống, ông gặp tôi đang khóc, tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi biết anh vốn ghét nước mắt. Nhưng tôi không cầm lòng được. Tôi nói với anh, “Bây giờ thì thằng Dibs không còn lảm nhảm như thằng khùng: Nói nói là nó ghét anh!” Bây giờ nhà tôi ngồi xuống ghế và òa khóc. Thật là khủng khiếp. Trước đây tôi chưa hề thấy một người đàn ông nào khóc cả. Tôi không nghĩ là có thể có cái gì trên đời khiến cho nhà tôi rơi lệ nổi. Tôi phát sợ và bỗng hoảng hồn bởi vì thấy anh cũng sợ hãi chẳng kém gì tôi. Tôi nghĩ là chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Bỗng nhiên chúng tôi biến thành hai kẻ cô đơn, khốn khổ, hoảng sợ với những bức tường phòng vệ sụp đổ và bỏ ngõ. Thật là khủng khiếp – nhưng thật cũng ấm lòng vì thấy mình vẫn còn tình người, có thể thất bại và nhận rằng mình đã thất bại! Sau cùng chúng tôi cùng bình tâm lại và anh nói rằng có lẽ vợ chồng chúng tôi lầm lẫn về Dibs”

Bà nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi và hoảng hốt. “Cô làm ơn nói cho tôi biết” – bà nói – “cô có nghĩ là Dibs bị thương tật tâm thần không?”.

“Không” – Tôi đáp, trả lời câu hỏi của bà và không nói gì thêm ngoài điều bà muốn biết. “Tôi không nghĩ là Dibs bị thương tật tâm thần”.

Yên lặng một hồi lâu. Bà thở dài não nuột.

— Cô có …Cô có nghĩ là cháu sẽ mạnh giỏi và cháu sẽ học được cách hành động như những đứa trẻ khác không?

— Tôi nghĩ vậy. Nhưng điều quan trọng hơn là tôi nghĩ rằng bà có khả năng trả lời câu hỏi này một cách chính xác hơn tôi, bởi vì bà sống ở cùng nhà với em, bà trò chuyện với em, bà chơi với em, bà quan sát em. Tôi nghĩ là bà có thể trả lời từ bây giờ.

Bà gật đầu nhè nhẹ. “Vâng” – bà nói, và giọng bà hạ thấp thành tiếng thì thào.

— Tôi đã bắt được nhiều điều về Dibs cho thấy là cháu có một số khả năng. Nhưng cháu có vẻ rất khổ sở khi cháu để lộ ra nhiều hơn trong gia đình. Cháu không còn có những cơn giận hờn nữa. Ở nhà cũng không, mà ở trường cũng không. Cái trận hồi hôm không phải là cơn giận hờn nữa. Đó là sự phản kháng chống lại sự lăng nhục trong câu nói của ba cháu. Cháu không còn lúc nào mút tay nữa. Ở nhà cháu hay nói hơn. Nhưng chỉ nói cho mình cháu nghe thôi – chứ không nói với chúng tôi. Cháu đang thay đổi. Cháu đang cải thiện. Tôi cầu trời cho cháu may lành mạnh.

— Tôi cũng hy vọng như vậy – tôi đáp. Cả hai chúng tôi đều yên lặng. Sau cùng bà lấy hộp phấn trong xách tay xoa lên mặt. “ Tôi không nhớ đã có bao giờ khóc như thế này” – bà nói. Bà chỉ tay vào hộp đựng giấy mềm. “Cô có vẻ quen với hiện tượng này rồi nhỉ; có lẽ tôi không phải là người độc nhất khóc vùi trên vai cô”.

— Không. Bà nhiều đồng bạn lắm.

Bà mỉm cười. Bà bà Dibs có nhiều điệu bộ giống nhau lắm.

— Tôi không biết nói gì để cảm ơn cô. Không ngờ đã hết cả tiếng đồng hồ rồi. Chuông reo rồi đó. Mười một giờ rồi.

Tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu vào lúc này bà nói bà là bà không muốn về! “Trong phòng này nhiều khi thời giờ đi rất nhanh” – tôi nói.

“Vâng” – Bà đứng dậy, mặc áo. “Cám ơn cô về đủ mọi điều” – Bà nói rồi ra về.

Biết kể bao nhiêu lần chúng tôi, nghe thứ tâm tư này (và chuyện xảy ra bất thường), sự phức tạp của nguyên do tâm lý con người và của tác phong vẫn được chứng minh hoài. Không có một thứ kinh nghiệm hay tình cảm duy nhất nào tác động trên những mô thức phản ứng. Luôn luôn có sự chồng chất những kinh nghiệm trà trộn với những xúc động, những mục tiêu, những giá trị riêng tư thúc đẩy một người và định đoạt phản ứng của y. Điều bà nói giáo đầu cho câu chuyện của bà là gì? “Có nhiều điều phải nói. Và cũng có nhiều điều không nói được! Nhiều điều đừng nói thì tốt hơn. Nhưng nhiều điều không nói ra có thể trở thành gánh nặng”.

Bà ý thức được những yếu tố đè nặng lên lương tâm bà. Có lẽ ý thức nhiều hơn về những điều bà muốn bỏ không nói đến, sự ý thức càng sâu sắc hơn vì lúc nào cũng phải canh chừng để bảo mật. Có lẽ bà và chồng bà trong đời đã sớm biết rằng sự thông minh sắc sảo của họ có thể dựng lên làm tấm che quanh họ và có thể cách ly họ khỏi những xúc động mà họ chưa khi nào học được cách tìm hiểu và sử dụng một cách xây dựng.

Dibs cũng học được điều này. Thấy gì cũng đọc, biểu lộ cái biệt tài này khi gặp những phản ứng xúc động không vui, tránh né sự trực tiếp đương đầu với một tình cảm. Đó là tác phong phòng vệ.

Ba mẹ em vẫn là nạn nhân của sự thiếu sáng suốt về chính họ và thiếu trưởng thành về tình cảm. Họ cảm thấy sâu sắc sự bất lực không liên hệ tình cảm được với Dibs. Và có lẽ cả với Dorothy nữa. Họ bì bõm lội trong vũng lầy tình cảm bất lực và bất an.

Khi bà hỏi tôi liệu tôi có nghĩ là Dibs bị khuyết tật tâm thần không, tôi đã có thể nói với bà một cách quả quyết rằng thực tình em không bị khuyết tật tâm thần, mà còn là đứa trẻ có trí thông minh thượng đẳng. Nhưng đánh giá như vậy vào lúc này có thể làm hỏng mục tiêu tốt nhất của nó. Tôi có thể làm gia tăng mặc cảm tội lỗi hiện ra trong sự đương đầu mà bà đã mô tả giữa Dibs và ba em và phản ứng của bà trước cảnh đó ngày hôm trước. Và nếu ba mẹ em chấp nhận sự đánh giá của tôi, họ có thể nhắm vào khả năng trí tuệ của Dibs làm trọng điểm cho sự phát triển của em. Em đã sử dụng triệt để trí thông minh của em. Chính sự thiếu thăng bằng trong sự phát triển toàn diện của em tạo nên khó khăn. Hay có lẽ, một cách hoàn toàn vô ý thức, họ chấp nhận Dibs là một đứa trẻ mang khuyết tật tâm thần, còn hơn thừa nhận nó là hiện thân sâu đậm của sự bất lực về xã hội và tình cảm của họ. Tất cả chỉ là phỏng đoán.

Về phần mẹ của em Dibs, tôi thấy bà không thể không ý thức được khả năng trí tuệ của con bà – ít nhất tới một mức độ nào đó. Qua kinh nghiệm bản thân của bà, chỉ riêng có thành tích trí tuệ mà thôi thì chưa phải là giải pháp toàn diện. Sự thất bại của bà không liên hệ được với con bà bằng tình thương, tôn trọng và hiểu biết, là do chính sự thiếu thốn tình cảm của bà. Ai có thể yêu thương, tôn trọng và hiểu biết người khác nếu chính bản thân họ không có những kinh nghiệm cơ bản ấy? Tôi thấy điều hữu ích cho bà hơn hết là bà đã học hỏi trong cuộc gặp gỡ này kinh nghiệm được tôn trọng và thông cảm, mặc dù sự thông cảm ấy chỉ là một quan niệm phổ quát chấp nhận sự kiện là bà có những lý do để làm những điều bà đã làm – rằng bà có khả năng thay đổi, rằng những sự thay đổi – của bà, của chồng bà và của Dibs – đều được khởi động bởi những kinh nghiệm chất chứa. Bà đã nói lại như thế nào nhỉ? “Hai kẻ cô đơn, khốn khổ, hoảng sợ với những bức tường phòng vệ và bỏ ngõ …ấm lòng vì thấy mình vẫn còn tình người, có thể thất bại và nhận rằng mình đã thất bại”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.