THEO DẤU CHÂN VOI

Quyển II- Hình bóng quá khứ- Ông Goby tường trình



Ông Goby ngồi đối diện với Hercule Poirot và rút các giấy tờ từ cặp tài liệu của ông.
– Nào – Nhà thám tử hỏi – Ông có cái gì đặc biệt cho tôi không?
– Tôi đã thu thập được một số chi tiết.
Ông Groby nổi tiếng trong toàn Luân Đôn. Người ta tự hỏi rằng bằng các điều huyền diệu, ông ấy tập hợp được tất cả thông tin. Ông cúi nhìn những tờ giấy nhỏ của ông:
“Bà Burton-Cox, đầu tiên kết hôn với ông Cécil Aldbury, sản xuất các khuy cúc bán sỉ. Ông chồng chết trong một tai nạn ô-tô bốn năm sau ngày thành hôn. Đứa bé duy nhất sinh ra từ sự chung sống của họ chết ít lâu sau. Tài sản của ông Aldbury thuộc về vợ ông. Nhưng của cải đó rất ít, không quan trọng bằng điều mà người ta không ngờ tới: công ty đã suy sụp từ nhiều năm. Ông Aldbury để lại một món tiền đáng kể cho cô Kathleen Fenn nào đấy, người mà ông có quan hệ rất khăng khít và vợ ông không biết. Khoảng ba năm sau, bà Aldbury nuôi đứa con của Kalhleen Fenn, cô này thề rằng, nó là đứa con của người quá cố, ông Aldbury. Điều này hình như không có bằng chứng, vì cô Fenn có khá nhiều quan hệ với các vị hào hiệp cũng như các vị giàu có. Dù thế nào đi nữa, đứa trẻ đã được nhận làm con nuôi. Và ít lâu sau, bà Aldbury tái giá với thiếu tá Burton-Cox.
Cô Kathleen lao mình vào ngành sân khấu, sau đó trở thành một ca sĩ có tiếng và bắt đầu kiếm được nhiều tiền. Cho nên cô viết thư cho bà Burton-Cox để xin lại đứa trẻ. Bà Burton-Cox từ chối không trả lại – Hiện nay bà sống rất đầy đủ với tài sản mà người chồng thứ hai của bà bị giết ở Malaysia để lại.
Chi tiết cuối cùng. Cô Kathleen Fenn, chết cách đây mười tám tháng đã di chúc lại rằng toàn bộ gia tài của cô rất lớn, người ta nói thế – phải dành cho Desmond, đứa con đẻ của cô, bây giờ được biết dưới tên là Desmond Burton-Cox”.
– Rất hào phóng – Poirot bình luận – Cô ấy chết vì bệnh gì?
– Theo những tin tức của tôi, có lẽ cô ấy bị mắc bệnh máu trắng.
– Chàng trai trẻ tuổi ấy đã được quyền nhận gia tài của người mẹ anh ta chưa?
– Tài sản đó hiện nay được giao cho một người khác quản lý cho đến khi chàng trai trẻ đủ hai mươi lăm tuổi.
– Và anh ta sẽ được tự do sử dụng, về phía anh ta, anh ta có thảo một di chúc không?
– Điều đó, tôi chưa biết – Ông Goby trả lời – nhưng tôi có cách biết. Khi nào tôi có được tin tức, tôi sẽ báo cho ông bằng điện thoại.
Ông Goby ra về được gần nửa tiếng thì chuông điện thoại vang lên. Hercule Poirot đang ghi chép. Thỉnh thoảng, ông nhíu đôi lông mày, vê vê bộ ria mép, gạch xóa một vài từ rồi lại tiếp tục viết. Ông với tay cầm lấy ống nghe.
– Cám ơn ông nói, đây thật là một công việc nhanh chóng, và tôi rất biết ơn ông. Tôi tự hỏi ông làm thế nào mà tìm ra tất cả điều đó. Vâng, điều đó làm sáng tỏ tình hình. Cái đó giải thích một điều nào đấy mà trước kia không có… Vâng, vâng, tôi nghe… ông có chắc chắn về sự việc… Anh ấy biết rằng anh ta là con nuôi, nhưng không ai nói cho anh biết ai là mẹ đẻ. Vâng, tôi hiểu… Rất tốt. Ông cũng làm sáng tỏ điểm thứ hai phải không… Cám ơn.
Poirot đặt ống nghe xuống cái kệ và lại viết. Một vài phút sau, chuông điện thoại lại reo lên.
– Tôi vừa ở Cheltenham về. – Một giọng nói mà nhà thám tử nhận ra ngay.
– Bà có gặp bà Roselyne không?
– Có. Một phụ nữ thú vị. Và, ông có lý, đấy là một con voi khác nữa.
– Có nghĩa là?
– Bà ấy nhớ rất rõ về Molly Ravenseroft.
– Cả các bộ tóc giả nữa?
– Phải.
Nhà tiểu thuyết trình bày ngắn gọn về điều mà người chủ phòng cắt tóc nói cho bà biết.
– Cái đó khớp với vụ việc, đúng với điều mà ông Garroway chỉ cho tôi. Một bộ tóc giả có vòng xoắn ngắn, cái thứ hai dùng cho buổi tối và hai bộ kia thì bình thường hơn..
– Vậy tôi không bảo cho ông được điều gì ngoài các điều ông đã biết, nếu tôi hiểu như thế.
– Ồ nhưng mà có! Bà Roselyne nói chính xác là phu nhân Ravenscrofl muốn có hai bộ tóc giả nữa ngoài những bộ đã có? Và điều đó, ba đến sáu tuần lễ trước khi xảy ra thảm kịch. Thật là thú vị, bà có thấy không?
– Đó là điều tất nhiên. Ông biết không, thường các bà làm hỏng các bộ tóc giả của họ. Và nếu các bộ tóc đó không thể sửa được, thì phải thay chúng. Tôi không thấy trong tất cả cái đó, điều gì có thể làm ông rối trí?
– Làm tôi rối trí không phải là từ ngữ chính xác. Nhưng mà điểm thú vị nhất là điều bà vừa nói thêm lúc nãy. Đó là một người Pháp đã mang các bộ tóc đến để tạo lại phải không?
– Phải. Một hầu gái đấy, tôi nghĩ thế. Phu nhân Ravenscroft vừa bị bệnh, và bà không thể tự đến để đặt làm được. Cho nên, phu nhân đã bảo hầu gái của mình đến.
– Tôi hoàn toàn nắm được vấn đề. Bà có ngẫu nhiên biết tên cô gái trẻ ấy không?
– Không. Bà Roselyne không nêu tên, nhưng tôi nghĩ…bà ấy không biết. Phu nhân Ravenscroft hẹn giờ gặp thiếu nữ trẻ đó – hay là người thiếu phụ – chỉ biết mang bộ tóc giả đến để cho biết kích thước, loại tóc và cho biết những tiêu chí cần thiết.
– Vậy thì – Poirot nói – cái đó đã chỉ rõ cho tôi điều mà bây giờ tôi phải làm.
– Ông đã biết một điều gì chăng? Bà Oliver hỏi với giọng vẻ ngạc nhiên.
– Bà đúng là người theo chủ nghĩa hoài nghi, bà bạn thân mến của tôi! Bà luôn nghĩ rằng tôi không làm gì khác ngoài việc ngồi nghỉ trong ghế bành của tôi.
– Tôi tin rằng ông ngồi trong ghế của ông để suy nghĩ nhưng tôi không phải không thấy rằng ông thường đi ra ngoài… để hành động.
– Tuy nhiên, trong một tương lai rất gần – Nhà thám tử bình tĩnh trả lời – tôi sắp đi ra ngoài và hành động. Có thể rằng tôi sang cả bên kia biển Manche.
– Ồ! Ông có muốn tôi cùng đi không?
– Không, cám ơn. Tôi nghĩ rằng, lần này tốt hơn là tôi đi một mình
– Ông nói nghiêm chỉnh đấy chứ? Thực ông sang châu lục?
– Tất nhiên – Và chắc bà sẽ bằng lòng, bà Oliver thân mến, vì tôi sẽ hành động.
Sau khi treo ống nghe, Poirot lại quay số khác để nói chuyện với thanh tra Garroway.
– Hercule Poirot đây – Ông nói – tôi có làm phiền ông nhiều lắm không? Bây giờ ông có bận không?
– Không bận một chút nào. Tòi đang tỉa mấy cây hoa hồng, thế thôi.
– Có một chi tiết nhỏ tôi muốn hỏi ông. Một việc rất nhỏ thôi.
– Về vụ việc tự tử của chúng ta?
– Đúng về việc đó. Tôi biết rằng trong nhà có một con chó, và ông nói rằng nó thường theo ngài Alistair và phu nhân Ravenscroft trong các cuộc dạo chơi của họ.
– Điều ấy đúng. Hình như tôi nhớ rằng bà giúp việc gia đình đã nói chính xác, khi có cuộc điều tra, rằng người chủ của bà có dắt theo con chó như thường lệ.
– Lúc khám nghiệm các tử thi, thầy thuốc có thấy những vết chó cắn không? – Không cần thiết phải mới lắm.
– Thật kỳ lạ là ông hỏi tôi điều đó. Tôi thú thật rằng tôi có thể quên nếu ông không hỏi đến. Trên chân của phu nhân Ravenscroft có những vết sẹo nhỏ do chó cắn. Và tôi nhớ bà giúp việc khai là con vật nhảy xổ vào bà chủ nó, hai hoặc ba lần, và đã cắn bà ta. Nhưng chỉ là những vết cắn không nghiêm trọng, một trong số vết cắn tương đối mới – một hay hai tuần lễ, theo lời người đầy tớ đó.
– Tôi muốn biết con chó đó – Poirot nói vẻ suy nghĩ – Nó rất thông minh.
Rồi, sau khi cám ơn viên thanh tra và treo ông nghe điện thoại, nhà thám tử nói thầm:
– Thông minh hơn cảnh sát!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.