Vươn đến sự hoàn thiện

CHƯƠNG 14 – THẾ NÀO LÀ MỘT THÁI ĐỘ SỐNG ĐÚNG ĐẮN?



Hẳn không ai trong chúng ta lại không muốn trở nên giàu có, vui vẻ, khỏe mạnh, làm việc hiệu quả và có được nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn với đối tác, đồng nghiệp, gia đình, bè bạn và hàng xóm láng giềng, cũng như đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Và, điều ngạc nhiên là hầu như tất cả mọi người, từ quan chức chính phủ, bác sĩ, kỹ sư cho đến người lao động bình thường nhất đều công nhận rằng thái độ sống đúng đắn chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

Thế nhưng trên thực tế chưa có trường lớp nào giảng dạy về tầm quan trọng của thái độ sống. Đến 90% khối lượng kiến thức chúng ta học được từ trường lớp tập trung vào việc trau dồi các kỹ năng chuyên môn và chỉ có 10% còn lại đề cập đến những yếu tố có liên quan đến thái độ sống. Tuy nhiên trong tỷ lệ 10% ít ỏi đó, hầu hết đều nói về các sự kiện thể thao và tác động lớn lao của việc động viên, khích lệ tinh thần đối với các vận động viên.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học, kích thước vùng tư duy của não bộ chỉ bằng 10% kích thước của vùng xúc cảm và 85% nguyên do đưa đến thành công hay những tiến bộ vượt bậc đều bắt nguồn từ thái độ sống và chỉ có 15% là nhờ vào yếu tố chuyên môn. Những dẫn chứng trên đây cho thấy rằng chúng ta đang đầu tư 90% thời gian và tiền của để phát triển một nhân tố chỉ góp phần đem lại 15% thành quả sau cùng và chỉ dành ra 10% cho nhân tố quyết định đến 85% thành công.

Thái độ sống bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau và trong phần này, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố lạc quan. Một người lạc quan sẽ cho rằng mình may mắn có cơ hội được cảm nhận mặt đất trên đôi chân trần khi đôi giày của anh ta bị mòn vẹt. Robert Schuller chỉ ra những điểm khác biệt giữa người lạc quan và kẻ bi quan như sau:

NGƯỜI LẠC QUAN KẺ BI QUAN
* Nói “Khi đã tin thì tôi có thể nhìn thấy trong trí tưởng tượng của mình”.* Luôn ở thế chủ động.* Khi nhìn vào nửa ly nước, họ cho rằng ly nước đã đầy được một nửa. * Nói “Chỉ khi nào nhìn thấy thì tôi mới tin”.* Luôn ở thế bị động.* Khi nhìn vào nửa ly nước, họ cho rằng ly nước đã bị vơi đi một nửa.

Đối với cùng hình ảnh “nửa ly nước” nhưng lại có hai suy nghĩ khác nhau như vậy là do người lạc quan biết rằng mình đang đổ nước vào trong ly và chắc hẳn ly nước sẽ đầy. Còn người bi quan cho rằng ly nước bị vơi đi bởi vì họ chính là người đã lấy nước ra khỏi ly. Kiểu tư duy này cũng thường xuyên xuất hiện ở những người chỉ biết bòn rút của xã hội mà không hề đoái hoài đến chuyện đóng góp cho cộng đồng.

Họ tin và chấp nhận sự sắp đặt của số phận. Trong khi đó, người lạc quan luôn nỗ lực hết mình và lúc nào cũng tỏ ra tự tin bởi anh ta biết rằng mình đang tiến gần đến giải pháp cho vấn đề.

Thực tế đã chứng minh rằng thành công và thất bại, giữa “được” và “mất”, giữa hạnh phúc và đau buồn chỉ cách nhau một khoảng cách rất mong manh nhưng thành quả sau cùng lại rất khác biệt. Có thể chuyến hành trình mà bạn sẽ trải qua chẳng còn thú vị nữa, thành quả mà bạn sắp sửa có được chẳng còn ý nghĩa và có giá trị bảo chứng cho thành công nữa. Kiến thức và tầm nhìn của một học sinh học chỉ để có được điểm tốt hoàn toàn khác hẳn một học sinh học để có được sự hiểu biết thật sự. Con đường thăng tiến của một người bán hàng biết xây dựng uy tín cho sự nghiệp của mình rất khác với một người luôn tìm mọi cách để bán được hàng mà thôi. Một người góp sức vì sự phát triển của công ty không chỉ nhận được mức lương cao hơn một người chỉ làm việc tương xứng với mức lương được trả mà còn cảm thấy hài lòng về bản thân và được các đồng nghiệp tôn trọng.

TƯ DUY TÍCH CỰC

Tư duy tích cực là hình thái phổ biến nhất của thái độ sống đúng đắn. Lối suy nghĩ này giúp chúng ta cảm thấy rằng mọi việc vẫn rất khả quan dù rằng chúng ta đang đứng trước những bế tắc tưởng chừng không lối thoát. Trong số những người chúng tôi quen biết có một cặp vợ chồng hiếm muộn. Mọi cánh cửa cơ hội đều đã đóng lại và họ quyết định nhận một đứa bé làm con nuôi. Vậy mà một thời gian sau, họ vui mừng chào đón thành viên thứ tư của gia đình – đứa con ruột của họ. Sau khi nhận con nuôi, bạn bè và những người thân đến thăm hỏi, chúc mừng “gia đình” của họ. Không khí vui vẻ, đầm ấm đã giúp cởi bỏ mọi gánh nặng tâm lý đeo bám tâm trí họ bấy lâu, và phần thưởng cho sự giải tỏa đó chính là sự ra đời đứa con ruột của hai người.

Tâm trí chỉ thực hiện theo những gì suy nghĩ chúng ta sai khiến. Chính vì hai vợ chồng nọ liên tục bị áp đặt bởi những lời nhận định rằng “Mình không thể sinh em bé” nên họ không thể sinh em bé được. Chỉ đến khi nhận được lời chúc mừng, thăm hỏi của bạn bè và những người thân họ mới thay đổi suy nghĩ và tự hỏi “Nếu có một đứa con thực sự thì mình sẽ rất hạnh phúc”. Và họ đã được toại nguyện.

Trong một lần thuyết trình ở Michigan, khi tình cờ bắt chuyện với một người đàn ông, tôi có cảm giác như mình đã khơi dậy những vấn đề khiến ông phải đau đầu. Như bị chạm vào vết thương đang nhức nhối, ông ấy tâm sự rằng công nhân hãng General Motors đang tổ chức đình công, tình trạng lạm phát nghiêm trọng khiến mọi hoạt động mua bán bị ngưng trệ. Đã mấy tháng nay, ông không ký được một hợp đồng nào với khách hàng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, có lẽ ông sẽ bị vỡ nợ do không có khả năng tiếp tục trả góp căn hộ mà ông đã mua năm trước. Gương mặt ông trông rất thiểu não, tôi không biết phải làm gì để cảm xúc của ông vơi bớt phần nào. Lúc đó, một người phụ nữ đến bắt tay tôi, tôi lịch sự hỏi thăm “Công việc của cô thế nào?”. Bạn biết không, tôi không tin vào tai mình khi nghe: “Ông biết không, công nhân hãng General Motors đang tổ chức đình công…”.

Tôi thầm nghĩ: “Ôi, trời ơi! Lại thêm một người nữa sao?”. Chợt cô ấy bật cười và nói tiếp: “Kinh doanh ngày nay thật là thú vị. Lâu lắm rồi mọi người mới có nhiều thời gian để mua sắm và đáp ứng những nhu cầu của riêng mình. Họ có thể tìm hiểu thật cặn kẽ, săm soi từng chi tiết của ngôi nhà mơ ước… Quan trọng nhất, họ hiểu rằng đây là thời điểm giá nhà đất giảm nhiều nhất và họ cần phải chớp lấy thời cơ này. Đây chính là thời của nghề kinh doanh bất động sản”.

Đối với cùng một sự kiện “đình công”, nhưng cách nhìn khác nhau khiến một người sắp sửa bị phá sản còn một người lại tìm thấy nhiều cơ hội cho mình. Đó chính là sức mạnh của thái độ và thái độ của bạn sẽ quyết định tất cả!

NHIỆT HUYẾT

Thái độ tích cực sẽ đem lại những kết quả tích cực vì thái độ có tính lan truyền. Một hình thái khác của thái độ chính là nhiệt tình. Elbert Hubbard từng nói: “Không có gì trở nên vĩ đại nếu thiếu vắng sự nhiệt tình”. Sự khác biệt giữa một diễn giả giỏi và diễn giả vĩ đại, giữa một người mẹ giỏi và một người mẹ vĩ đại, giữa người bán hàng giỏi và người bán hàng vĩ đại là do ở sự nhiệt tình của họ.

Nếu bạn làm việc với niềm tin tuyệt đối vào định hướng của công ty và vào chất lượng sản phẩm của công ty thì chắc hẳn trong bạn sẽ xuất hiện một nhiệt huyết thật sự, chứ không chỉ là sự miễn cưỡng bề ngoài.

Sự nhiệt tình đích thực không phải là một chiếc áo mà bạn có thể “khoác vào” hay “cởi ra” một cách tùy thích để gây ấn tượng hay tạo ảnh hưởng. Bạn nhiệt tình hay không tùy thuộc vào cách sống của bạn. Thái độ huênh hoang, ra vẻ chẳng hề cho thấy bạn đang rất nhiệt tình mà chính ở những người điềm tĩnh, ít lời lại có nhiều hành động toát lên sự say mê.

LUÔN TIẾP THU CÁI MỚI

Khi còn giảng dạy ở Trung tâm Dale Carnegie tại New York, tôi vinh dự được tiếp xúc một nhân vật nổi tiếng tên là Ed Green. Giới kinh doanh thường gọi ông là người bán hàng số một. Thu nhập hàng năm của ông đạt trên 75.000 đô la! Trong một lần trò chuyện, tôi tò mò hỏi nguyên do vì sao ông tham dự một lớp học mà tổng thu nhập của cả ba giảng viên gộp lại chưa bằng một nửa thu nhập của ông. Ed chỉ cười và đáp: “Zig ạ, để tôi kể cho anh nghe câu chuyện này nhé! Khi tôi còn nhỏ, có một lần tôi được cha dẫn đi thăm vườn. Anh biết không, cha tôi là nhà làm vườn giỏi nhất vùng đấy! Sau khi thăm vườn xong, ông hỏi tôi học được những gì. Tôi bẽn lẽn đáp:

– Điều duy nhất con nhìn thấy là cha đã bỏ ra rất nhiều công sức cho mảnh vườn này.

Cha tôi bực tức bảo:

– Cha cứ tưởng con sẽ học được rằng khi trái còn xanh nghĩa là trái còn lớn. Và khi nào trái đã chín thì chúng cũng bắt đầu thối rữa.”

Rồi Ed kết luận:

– Tôi không bao giờ quên câu nói đó, Zig ạ. Sở dĩ tôi đến đây học là vì tôi mong được học hỏi thêm. Và kiến thức ở đây giúp tôi thực hiện thành công một thương vụ mà tôi đã theo đuổi suốt hai năm nay. Số tiền mà tôi nhận được từ thương vụ đó đủ trả học phí cho tất cả những khóa học mà tôi muốn tham gia trong suốt cuộc đời mình.

Trong cuộc sống, mong bạn luôn giữ được tinh thần ham học hỏi và thường xuyên trau dồi để bản thân mỗi ngày một trưởng thành hơn.

CHO LÀ NHẬN

Giám đốc một công ty nọ không bằng lòng với tinh thần làm việc của các nhân viên trong công ty nên triệu tập một buổi họp và bảo:

– Phải thay đổi, các bạn ạ! Trong chúng ta, có một số đi trễ về sớm, một số khác thì lơ là nhiệm vụ. Tôi đề nghị chúng ta cùng cải tổ. Từ nay, tôi sẽ đi sớm về trễ, chu toàn bổn phận để làm gương cho các bạn. Nếu mỗi người đều nỗ lực và nghiêm chỉnh chu toàn bổn phận, tôi tin là công ty chúng ta sẽ phát triển vững mạnh.

Nhưng chỉ sau đó ít ngày, trong một bữa tiệc họp mặt với khách hàng, ông mải vui chuyện nên quên cả giờ giấc. Ông giật mình khi nhìn đồng hồ và vội vàng cáo lỗi: “Tôi phải có mặt tại văn phòng trong 10 phút nữa!”. Khi ông đang phóng nhanh về công ty, một cảnh sát chặn ông lại và viết giấy phạt. Ông rất hậm hực bởi trước giờ ông vẫn luôn tuân thủ luật lệ giao thông. Về đến văn phòng, để làm ngơ việc mình đến trễ, ông cho gọi trưởng phòng kinh doanh đến để hỏi xem vụ buôn bán với Armstrong đã kết thúc chưa. Vị trưởng phòng đáp:

– Thưa ông, họ từ chối rồi. Tôi cũng không biết nguyên do tại sao nữa.

Đang bực tức chuyện bị phạt ban nãy, ông giám đốc xẵng giọng:

– Kinh nghiệm làm việc 18 năm nay của anh đâu? Sao lại có thể để hỏng một vụ như thế được? Nhiệm vụ của anh là phải tìm cho ra một vụ khác, nếu không thì anh phải coi chừng cái ghế của anh đấy!

❀❀❀

Vị trưởng phòng kinh doanh cũng bức xúc không kém.

Anh ta lao ra khỏi phòng và rủa thầm trong bụng “Mình cật lực làm việc suốt 18 năm nay. Mọi quy chuẩn đều do mình lập ra, mọi khách hàng đều do mình tìm được. Không có mình, công ty đố mà trụ nổi! Vậy mà ông ta lại xài xể mình chỉ vì mất một vụ xoàng như vậy”.

Vẫn sôi sục tức giận, anh gọi cô thư ký:

– Cô đã đánh máy xong năm lá thư tôi đưa sáng nay chưa?

Cô thư ký thản nhiên đáp:

– Chưa ạ, vì ông bảo tôi phải quyết toán sổ sách của Hillard trước.

Bỗng nhiên anh ta quát to:

– Cô đừng có nhiều lời. Tôi đã bảo đó là thư gấp, cần gửi đi ngay, cô hiểu không? Nếu cô làm không kịp thì tôi sẽ tìm người khác. Cô đừng tưởng rằng hễ cứ làm được 7 năm ở đây là sẽ làm suốt đời đâu nhé!

❀❀❀

Cô thư ký bị mắng oan vùng vằng bước ra khỏi phòng và lầm bầm:

– Thế này là thế nào? Mình làm đầu tắt mặt tối suốt bảy năm trời nay mà công ty có trả thêm cho mình đồng nào đâu! Công việc của mình nhiều gấp ba, gấp bốn lần người khác. Không có mình công ty chắc phải đóng cửa sớm. Giờ đây ông ấy lại còn đe dọa sa thải mình chỉ vì một công việc cỏn con như thế!

Rồi cô bước thẳng đến chỗ cô nhân viên tiếp tân và bảo:

– Tôi có mấy cái thư cần nhờ cô đánh máy giùm. Tôi biết đây không phải là việc của cô, nhưng cô rảnh rang, lâu lâu mới nhận một cuộc điện thoại, vả lại, việc này cần gấp vì thư phải gửi đi ngay. Nếu cô không làm được thì cho tôi biết để tôi tìm người khác!

❀❀❀

Nhân viên tiếp tân nghe thế thì muốn nổi điên nhưng cố kìm lòng. Cô nghĩ: “Thật là quá đáng! Trong công ty này, mình là người vất vả nhất nhưng hưởng lương thấp nhất. Mình làm không hết việc còn họ thì chỉ uống cà phê tán gẫu và gọi điện thoại khắp nơi! Vậy mà hễ có việc gấp là lại trút lên đầu mình. Đã vậy còn dọa đuổi mình nữa chứ! Mình mà nghỉ chắc công ty này sẽ rối lên thôi! Có trả lương gấp đôi cũng chẳng ai thèm làm việc này!”.

Nhưng rồi cô cũng đánh máy xong và gửi thư đi nhưng trong bụng còn ấm ức lắm. Về đến nhà, cô đóng sập cửa lại rồi bước vào phòng.

Người đầu tiên cô nhìn thấy là cậu con trai 12 tuổi đang nằm trên sàn nhà xem ti-vi, chiếc quần bị rách một mảng to.

Tức mình, cô quát:

– Bao nhiêu lần mẹ bảo con khi đi học về thì phải thay quần áo ra. Mẹ đi làm về rất mệt, lại còn phải dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con nữa! Lên lầu ngay! Mẹ cấm con không được xem ti-vi trong vòng ba tuần tới.

❀❀❀

Cậu bé bị mẹ mắng, lồm cồm ngồi dậy và chậm chạp ra khỏi phòng, miệng làu bàu: “Sao mẹ lại mắng mình cơ chứ?

Sao mẹ không nghe mình giải thích? Mình đâu có muốn bị rách quần như vậy đâu”. Vừa lúc đó chú mèo cưng đi ngang qua, nũng nịu cọ mình vào chân cậu. Cậu bé trút nỗi bực tức lên chú mèo và vung chân đá nó một cái: “Cút ngay! Gặp mi chỉ toàn xui xẻo thôi!”.

❀❀❀

Thật ra chú mèo chỉ là cái đích cuối cùng gánh chịu sự bức bối của mọi người. Khi nghe câu chuyện trên, tôi nhủ thầm: “Nếu như ông giám đốc nọ đi thẳng từ bữa tiệc họp mặt khách hàng đến nhà cô nhân viên tiếp tân và đá con mèo một cú thì chắc chắn những người khác sẽ không bị vạ lây như vậy”. Và có khi nào bạn tự hỏi: “Mình đã phản ứng như thế nào trước những lời nói bông đùa, một nụ cười, một lời khen ngợi? Thái độ của bạn ra sao mỗi khi bán được một món hàng, khi nói chuyện với một người tử tế, vui vẻ và lịch thiệp?”. Tôi tin chắc bạn sẽ vui vẻ, lịch sự và mỉm cười đáp lễ. Tôi cam đoan bạn rất thích những điều này bởi chúng sẽ giúp bạn trở thành một người dễ mến. Có khi nào bạn băn khoăn: “Trước đây mình có “đá một con mèo” của ai chưa?

Mình tỏ thái độ như thế nào trước một hành động khiếm nhã, một lời nói châm chọc hay trước một cô tiếp viên chậm chạp, bất lịch sự? Mình phản ứng ra sao khi bị kẹt xe, khi gặp một ngày mưa gió, ảm đạm?”. Đừng để bản thân trở thành nạn nhân của những chuyện rắc rối không liên can gì tới mình. Hãy hiểu rằng những người đó đang muốn “đá một con mèo” của ai đó và bạn chỉ tình cờ có mặt lúc đó mà thôi.

TINH THẦN “KHÔNG GỤC NGÔ

Cavett Robert đúc kết rằng “Cú ngã không thể khiến ta thoái chí được. Chúng ta chỉ thất bại khi bản thân không muốn cố gắng thêm nữa. Nản lòng hay không tùy thuộc rất nhiều vào phản ứng của cảm xúc, chứ không phải là những biểu hiện bên ngoài. Hãy trầm tĩnh và hiểu rằng học hỏi từ những trải nghiệm của thất bại luôn có ích cho ta. Thất bại là chuyện rất bình thường và có thể xảy đến với bất kỳ ai, do vậy bạn không nên mãi than trách bản thân. Hãy nhớ rằng chúng ta không thể chết vì bị rơi xuống biển, mà chỉ chết nếu cứ ở mãi dưới đó. Để tìm lại suy nghĩ tích cực, đầu tiên bạn phải nhận biết rằng mình đã “bị ngã” và đây chỉ là một tình huống xảy đến chứ không phải là một tình trạng vĩnh viễn. Kế đến bạn hãy nhớ rằng người ta ít khi có thể tiếp tục tiến về phía trước trong tư thế “đang ngã”. Cuối cùng, hãy tự đặt ra cho bản thân thời hạn cần phải đứng lên và cam kết thực hiện.

Tôi xin nhấn mạnh một điều, thái độ – cũng như bệnh cảm cúm – có tính lây nhiễm. Nếu muốn xây dựng một thái độ sống đúng đắn, bạn hãy nói chuyện với những người có suy nghĩ tích cực, luôn học hỏi những điều mới mẻ, ở họ luôn toát ra sự say mê, hứng khởi và một tinh thần không bao giờ bỏ cuộc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.