Vươn đến sự hoàn thiện
CHƯƠNG 5 – NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA MỘT HÌNH ẢNH TỰ THÂN YẾU KÉM
Hình ảnh tự thân yếu kém biểu hiện rõ nhất qua cách phản ứng của một người trước một lời phê bình hay một câu chế giễu. Đa phần chúng ta thường “quên đùa” và “quá mẫn cảm” trước những lời nói đùa của người khác.
Người có hình ảnh tự thân yếu kém thường hay chỉ trích và ghen tuông thái quá. Họ bực bội, khó chịu trước thành công và hạnh phúc của người khác. Họ ghen tuông rất vô cớ vì không tin rằng vợ hoặc chồng họ yêu thương họ nhiều hơn một đối tượng thứ ba nào đó. Và thật nực cười là họ lại biện hộ cho hành động ghen tuông đó rằng do họ quá yêu thương vợ hoặc chồng của họ.
Trong những lúc nhàn rỗi hay khi chỉ có một mình, họ cảm thấy bứt rứt, họ thường đi tới đi lui hoặc làm một công việc vô nghĩa nào đó, cũng có thể họ mở ti-vi hay ra-đi-ô bất kể họ có xem hay không.
Khi tinh thần bị suy sụp, người có hình ảnh tự thân yếu kém dễ dàng bỏ cuộc. Họ nhìn cuộc sống bằng thái độ bất cần chỉ vì cho rằng mình không đẹp, không tài giỏi và không xứng đáng. Sau đó họ lại tìm mọi cách chống chế cho sự thua thiệt của mình bằng cách rêu rao, chỉ trích người khác, đôi khi đến độ thù hằn. Những người sống thiếu tự tin thường ăn vận xuềnh xoàng, nhếch nhác, thiếu đứng đắn, thậm chí còn nghiện ngập rượu chè và ăn nói thô tục. Ngạc nhiên nhất là những người này thường thích lên mặt dạy đời đối với những ai không có cùng quan điểm với mình.
Tuy nhiên, những người có đặc điểm và tính cách ngược hẳn với họ không hẳn là có hình ảnh tự thân tốt hơn họ. Những người rất chú trọng đến các yếu tố vật chất như cố sắm một chiếc xe hơi bóng lộn, vung tiền qua cửa sổ, luôn sành điệu và rất thời trang… cũng có thể là người có hình ảnh tự thân yếu kém. Họ ra sức kiếm tìm và gây dựng thêm các mối quan hệ mới để được nhiều người thừa nhận hơn. Thật đáng tiếc là họ thường gặp những người bạn giả dối, chỉ biết lợi dụng và dựa dẫm để rồi sau đó nhiễm cả thói hư tật xấu của nhóm người này.
Ta nghĩ về mình như thế nào thì sẽ hành động như vậy.
Đó là lý do vì sao nhiều người làm những chuyện thật nực cười và liều lĩnh một cách không cần thiết khi mơ ước của họ gần như trở thành hiện thực. Chẳng hạn như các vận động viên khổ công tập luyện suốt bao năm dài để tham dự Olympic lại để “xảy ra sự cố” trong thời gian “chạy nước rút” của cuộc thi. Họ không biết quý trọng, bảo vệ thân thể của mình và để xảy ra chấn thương, hay thậm chí sử dụng doping trong khi bản thân họ hoàn toàn có khả năng chiến thắng. Họ không cảm nhận được rằng mình xứng đáng đoạt giải vô địch, do đó không mấy chú trọng đến những điều kiện tối quan trọng cần phải tuân thủ. Một nhân viên đang mong được thăng chức lại cãi nhau kịch liệt với vợ hay với đồng nghiệp, khiến tâm trạng anh ta bất ổn và không màng đến cơ hội thăng chức nữa. Một tên trộm đang trong thời gian hưởng án treo lại “ngựa quen đường cũ” và bị đưa vào tù. Thế là anh ta cho rằng xã hội này cũng chẳng tốt lành gì và không muốn nhận anh ta quay lại với đời. Dĩ nhiên hành động vi phạm lần thứ hai này chứng tỏ anh ta không công nhận mình là một công dân lương thiện.
Còn rất nhiều ví dụ khác nữa về những hành động ngớ ngẩn do hình ảnh tự thân yếu kém gây ra. Những người này có lúc cảm thấy ân hận, nhưng lại luôn tự bào chữa cho hành động của mình với hết lý do này đến lý do khác. Chẳng mấy khi họ hoàn thành trọn vẹn một điều gì – cho dù đó là đọc một quyển sách nhỏ, sơn sửa lại tường rào, sắp xếp lại nhà cửa hay tham dự một khóa học… Họ đưa ra đủ mọi lý lẽ như: Tôi cũng muốn học thêm và có bằng cấp này nọ lắm chứ, nhưng phải mất đến sáu năm, lúc đó tôi già mất rồi còn gì, v.v.
May thay bạn không thuộc kiểu người đó. Cũng có thể trước đây bạn như vậy, nhưng bây giờ bạn đã khác. Việc chọn đọc cuốn sách này đồng nghĩa với việc bạn quyết tâm cải thiện hình ảnh tự thân của mình. Chỉ riêng việc đọc đến Chương 5 này thôi đã chứng tỏ rằng bạn thực sự muốn thay đổi vì với bạn, phía trước là thành công.
HÌNH ẢNH TỰ THÂN TÍCH CỰC = NGƯỜI BÁN HÀNG GIỎI
HÌNH ẢNH TỰ THÂN YẾU KÉM = NGƯỜI BÁN HÀNG TỒI
Trong lĩnh vực kinh doanh – tiếp thị, hình ảnh tự thân yếu kém biểu hiện chủ yếu qua ba hình thức sau:
1- Người bán hàng không còn chăm chỉ làm việc. Lý do là khi bị khách hàng từ chối, anh ta sẽ trách móc bản thân mình và suy diễn rằng khách hàng không ưa gì mình. Điều này khiến anh ta bất mãn, thất vọng và muốn xa rời công việc một thời gian bằng cách đến quán cà phê để gặm nhấm nỗi buồn hoặc gặp bạn bè để tạm quên nỗi tủi nhục đó. Ngược lại, người bán hàng có hình ảnh tự thân tích cực có cách phản ứng khác. Với anh ta, lời từ chối của khách hàng là dành cho công việc, chứ không phải cho bản thân anh ta. Anh ta hiểu rằng hiện tại khách hàng đó đang gặp khó khăn và chưa thể hợp tác được, rồi anh nhanh chóng tìm đến khách hàng khác.
2- Người bán hàng có hình ảnh tự thân yếu kém thường tỏ ra do dự khi đưa ra lời mời người khác mua hàng. Họ không ngớt nói về điều này, điều nọ nhưng lại không đưa ra một đề xuất nào nhằm thúc đẩy hành động mua hàng của khách hàng. Xin bạn hãy nhớ rằng, khi chào bán một món hàng nào, người bán hàng có thể gặp phải tình huống xấu nhất là không bán được hàng. Do vậy cái tôi buộc người bán hàng né tránh đi đến việc kết thúc thương vụ để không phải đối diện với tình huống xấu nhất đó – nếu có. Thế là anh ta cứ dông dài với hy vọng rằng khách hàng chủ động thực hiện quyết định mua hàng mà không phải lo sợ cái tôi kia bị tổn thương.
Còn khi người bán hàng có hình ảnh tự thân tích cực đến gặp khách hàng, họ dự đoán rằng mình có thể bị từ chối và cũng biết rất rõ rằng nếu điều đó không xảy ra thì chắc chắn mình sẽ bán được hàng. Vì biết quý trọng bản thân nên anh ta không cho phép mình bán hàng kém chất lượng. Anh tin rằng mình đang phục vụ khách hàng rất tốt, nên anh tự tin đưa ra lời mời mua hàng cùng với những lý lẽ tốt nhất để thuyết phục khách hàng.
3- Người bán hàng có hình ảnh tự thân yếu kém thường không có kỹ năng quản lý tốt, do vậy họ khó trở thành một nhà quản lý giỏi. Điều này xuất phát từ tâm lý sợ bị phản đối, sợ không được tán thành. Họ thường có xu hướng: a) Trở thành một người quản lý a dua, lúc nào cũng luôn miệng nói rằng họ ủng hộ các nhân viên của mình.
b) Do tâm lý sợ bị chống đối nên họ thường nhượng bộ mỗi khi xảy ra tranh luận. Đây là điều mà các nhà quản lý giỏi không bao giờ làm. Nếu không, họ lại tỏ thái độ ngạo mạn và điều này thường khiến những người có thâm niên bất bình.
c) Quan tâm đến mối quan hệ với các cấp quản lý một cách thái quá, khiến họ trở nên lệ thuộc, khúm núm, lúc nào cũng cần đến sự tư vấn của người khác. d) Ra vẻ ta đây, không tìm kiếm hay tiếp nhận bất kỳ ý kiến đóng góp nào.
Ngược lại, người có hình ảnh tự thân tích cực gặp nhiều thuận lợi hơn. Họ ít khi hứa hẹn điều gì, nhưng đã hứa thì bao giờ họ cũng thực hiện bằng được. Họ không cố tình tạo ra hay né tránh những xung đột và luôn cương quyết trong các quyết định của mình. Họ hiểu mình được thăng chức là vì ban giám đốc tín nhiệm khả năng điều hành và sự tháo vát của mình. Họ phân biệt rất rõ sự tự tin và niềm kiêu hãnh. Đáng chú ý hơn nữa là họ có thể cứng rắn trong các nguyên tắc nhưng linh động trong công việc. Họ hiểu rằng bảo thủ hay tự cao tự đại là một cái bẫy nguy hiểm nên họ biết nhìn nhận và tin tưởng ý kiến tập thể cũng như các cố vấn chuyên môn. Những khi quyết định sai, họ không làm “rối tung” mọi chuyện vì họ biết trong nhiều trường hợp, quyết định tồi tệ nhất là không đưa ra quyết định nào cả, nên họ chấp nhận sự thật là có những lúc họ quyết định sai. Họ tự tin nên hành động rất kiên quyết, không hề sợ hãi dù có bị thất bại, bị xúc phạm, thách thức, hay phải nhờ người khác trợ giúp.
HÌNH ẢNH TỰ THÂN TÍCH CỰC GIÚP BẠN TRỞ THÀNH BẬC CHA MẸ TỐT HƠN, THÀNH NGƯỜI TRUNG THỰC HƠN
Trong môi trường kinh doanh, một hình ảnh tự thân yếu kém biểu hiện qua những lời hứa suông. Người bán hàng có hình ảnh tự thân yếu kém luôn ca ngợi quá mức chất lượng sản phẩm mà mình đang chào bán. Họ hứa hẹn nhiều điều nhưng lại không giao hàng đúng hẹn hay không tích cực hỗ trợ sau bán hàng. Họ cho rằng làm như thế sẽ giúp họ bán hàng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính vì lừa dối khách hàng nên sau khi giao hàng xong, họ không dám hay né tránh liên lạc lại với khách hàng. Do không được phục vụ tốt nên khách hàng cảm thấy không hài lòng khi sử dụng sản phẩm đã mua và không mấy thiện cảm với người bán hàng mà mình đã tiếp xúc. Khách hàng sẽ góp ý trực tiếp với người bán hàng và điều này càng làm họ mất tự tin hơn.
Một nhân viên có hình ảnh tự thân yếu kém sẽ không chú trọng đến quyền lợi của bản thân và không trông mong sẽ được nhận mức lương cao hơn dù rằng anh ta biết rất rõ công việc mà mình đang làm xứng đáng được như vậy. Rắc rối ở đây chính là khi không được công nhận và tưởng thưởng xứng đáng, anh ta sẽ cảm thấy khó chịu và bức bối. Cảm giác đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc và giảm thiểu những cơ hội được khen thưởng hay thăng tiến về sau. Trong gia đình, cha mẹ có hình ảnh tự thân yếu kém sẽ ngần ngại khi muốn trách phạt con cái và thường phân bua rằng vì họ quá yêu con nên không nỡ trách mắng chúng. Kỳ thực, họ sợ con cái lảng tránh và đánh giá thấp họ. Thế rồi càng lúc họ càng dễ mất bình tĩnh và không được con cái kính trọng như trước vì chúng không thấy được tấm gương của cha mẹ và cảm thấy mình không được cha mẹ bảo bọc, chở che. Đây chính là khởi nguồn cho thái độ xem thường uy quyền và hành động chống đối ở con cái. Nổi loạn, quậy phá, suy cho cùng là một trong những biểu hiện của hình ảnh tự thân yếu kém và trở thành vũ khí của trẻ vị thành niên. Những vụ nổi loạn như thế chiếm đến 45% trong tổng số những vụ án nghiêm trọng tại Mỹ vào năm 1974.
Lẽ ra hầu hết các vụ án đó đã có thể ngăn chặn từ xa nếu phụ huynh và thầy cô giáo quan tâm hơn đến con em, học sinh của họ, quan tâm đến cái tôi của các em, nhất là những em ở lứa tuổi vị thành niên. Ở tuổi này, các em luôn muốn chứng tỏ mình, muốn được nhiều người quan tâm, yêu thương, chia sẻ, thấu hiểu. Một học sinh thường vào lớp trễ, hay bỏ quên sách vở, thích nói chuyện trong giờ học, hay hỏi những câu “ngớ ngẩn”… thực ra là đang cố gắng làm cho mọi người chú ý đến sự hiện diện của mình.
HÈN NHÁT – NHU NHƯỢC – PHÓNG ĐÃNG CŨNG LÀ BIỂU HIỆN CỦA MỘT HÌNH ẢNH TỰ THÂN YẾU KÉM
Bây giờ chúng ta thử đặt những biểu hiện của một hình ảnh tự thân yếu kém vào những ngành nghề và lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Một học sinh trung học có hình ảnh tự thân yếu kém có xu hướng nghĩ rằng mình phải tìm một người khác phái để kết bạn yêu đương. Cậu ấy/cô ấy sẽ chọn những bộ quần áo bắt mắt, “không giống ai” và thật gợi cảm để “câu” đối tượng. Kết quả là các em có thể “câu” được đủ loại con mồi, từ “nhái bén” cho đến “rắn độc”. Các em không biết rằng bất kỳ mối quan hệ nào xây dựng trên sự hấp dẫn giới tính đều có tuổi thọ rất ngắn ngủi. Rằng, những “con mồi” sẽ nhanh chóng bỏ họ và “cắn câu” những kẻ khác có “mồi” ngon hơn “mồi” của họ. Một người trẻ có hình ảnh tự thân tốt đẹp sẽ không để mình rơi vào chiếc bẫy quan hệ tình dục quá sớm hoặc có những mối quan hệ tình dục đồng tính bệnh hoạn. Họ có đủ khôn ngoan và tự trọng để không bị lợi dụng hay gục ngã trước những lời dụ dỗ thường thấy như: “Hãy thể hiện tình yêu đi!”, “Mọi người đều làm thế”. Họ hiểu rõ sự khác biệt giữa hạnh phúc và khoái lạc nên không bao giờ bán rẻ tư cách đạo đức của mình để lấy một vài phút vui thú thấp hèn. Người có hình ảnh tự thân yếu kém khi trưởng thành thường có khuynh hướng chỉ nói những điều người đối diện muốn nghe. Anh ta/cô ta không bao giờ dám than phiền ai. Thậm chí họ còn để mặc người khác chiếm chỗ đậu xe và đứng xen vào hàng ngay trước mặt mình mà không hề có phản ứng gì. Họ không dám phản đối cấp trên, cũng chẳng dám lên tiếng khi bị người khác chiếm mất công trạng. Xin bạn đừng hiểu lầm ở điểm này. Nếu bạn có đủ bản lĩnh để xử sự như vậy thì bạn thật đáng nể phục. Nếu bạn xem đó là những chuyện vặt vãnh không đáng chấp thì bạn quả là thánh nhân. Nhưng nếu bạn làm như vậy để được thừa nhận thì bạn sẽ có mọi thứ, ngoại trừ… sự thừa nhận. Lý do thật đơn giản: đó là vì bạn không thể hiện con người thực của mình mà chỉ phô bày một cái tôi giả tạo mà thôi. Con người, kể cả những người giả tạo nhất, đều không thích đồ giả!
Vì vậy, tôi có thể nói rằng một hình ảnh tự thân yếu kém sẽ gây hại cho bạn trong mọi mặt của cuộc sống và nghề nghiệp. Tuy nhiên, bạn cũng chớ vội phiền muộn hay giận dữ nếu nhận ra rằng hình ảnh tự thân của mình chưa được như ý. Bởi vì, tôi sẽ chỉ ra cho bạn một số bước để sửa đổi và cải thiện hình ảnh tự thân của bạn trong chương tiếp theo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.