Luật Của Trò Chơi Tình Ái

NGÀY 12



Nhiệm vụ 1: Chia sẻ về anh

Hãy viết ra 8 phẩm chất mà anh muốn ai đó hình dung về mình. Đó có thể là nét cá tính, óc hài hước, sự đáng tin cậy, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật hoặc bất cứ điều gì khiến anh trở nên nổi bật.

1………………………………………………..5………………………………………………..

2………………………………………………..6………………………………………………..

3………………………………………………..7………………………………………………..

4………………………………………………..8………………………………………………..

Nhiệm vụ 2: Tìm ra câu chuyện của mình

Giờ anh đã biết mình muốn truyền tải điều gì. Nhưng làm thế nào để truyền tải nó?

Chào mừng anh đến với ngày kể chuyện.

Phần lớn phụ nữ nói với cánh mày râu rằng học cách lắng nghe rất quan trọng, nhưng trong giai đoạn tiếp xúc đầu tiên, học cách nói chuyện còn quan trọng hơn. Đây là nguyên nhân vì sao anh phải bỏ ra cả buổi tối để nói chuyện với ai đó.

Phương tiện cho anh làm việc này chính là quá khứ của anh. Thay vì kể lể với nàng những phẩm chất tốt đẹp và nhược điểm dễ thương của mình, anh hãy kể một câu chuyện. Chúng sẽ ngăn anh khỏi rơi vào thế tấn công bất ngờ (một cách bất đắc dĩ) một cô gái mà anh vừa mới gặp với những câu hỏi chung chung thường thấy như nàng đến từ đâu, đang làm công việc gì… Và chúng cho anh cơ hội không chỉ hấp dẫn một nhóm người mà còn truyền cảm hứng để họ chia sẻ câu chuyện của chính mình.

Nhiệm vụ của anh hôm nay sẽ là nghĩ ra và kể một câu chuyện hoàn hảo.

Anh có đủ may mắn để thành người kể chuyện xuất sắc – có thể chiếm được cảm tình trong vô số bữa tiệc với câu chuyện có lần anh đã đột nhập vào một hiệu thuốc ở Cairo lúc 3 giờ sáng để lấy mấy viên thuốc giảm đau cho bạn gái. 

Hoặc có lẽ anh thiếu mồm mép, không đủ khả năng nghĩ ra một câu chuyện ngay tức thì hoặc lôi kéo sự chú ý của người nào đó đủ lâu để chia sẻ. Tôi đã từng nghe hàng trăm người đàn ông kêu ca rằng cuộc sống của họ không thú vị và họ không có gì để kể. Đây chỉ là một niềm tin giới hạn khả năng của chúng ta. Những chuyện như thị trấn anh sống lớn hay nhỏ, anh đi du lịch ít ỏi thế nào, gia đình anh bình thường ra sao, hay anh bao nhiêu tuổi chẳng thành vấn đề. Anh vẫn luôn có những câu chuyện thú vị của riêng mình. Vấn đề là anh phải tìm ra chúng.

Thế nên, hãy nghĩ về những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời anh, chúng có thể là những trải nghiệm sâu sắc định hình nên con người anh, hoặc chỉ là những chuyện vụn vặt vui nhộn mà anh thích chia sẻ, có thể là:

• Chuyện mang tính châm biếm và xấu hổ: ví như khi anh có ý đề nghị đi xa hơn trong mối quan hệ với bạn gái, và câu hỏi lúng túng của anh sau đó.

• Chuyện đậm chất phiêu lưu và kích động: ví như khi anh đang lặn với bình khí nén thì bộ phận máy điều chỉnh hỏng và một bầy cá nhồng vây quanh anh.

• Chuyện khêu gợi và khó xử: ví như khi người phụ nữ có gia đình ngồi cạnh anh trên máy bay cố gắng làm tình cùng anh trong phòng rửa mặt.

• Chuyện ngờ nghệch và cảm động: ví như khi con chuột đồng của anh chết và anh nghĩ đơn giản rằng nó đang ngủ – trong vòng 7 ngày.

• Chuyện nhỏ nhặt và thi vị: như khi anh ăn một chiếc Hamburger và đột nhiên ngộ ra ý nghĩa của cuộc đời.

• Nguy hiểm và quả cảm: như khi anh cứu một cô gái khỏi gã nào đó đang hăm dọa đánh nàng nhừ tử bên ngoài một câu lạc bộ ở Rio.

• Hiện tại và khó hiểu: về một điều gì đó vừa xảy ra chỉ một phút trước, chẳng hạn một cô gái không biết đi đâu và nhờ anh dẫn nàng đến nhà chị gái mình.

• Bất kỳ hướng nào anh muốn kể miễn là chúng không gợi lên những cảm xúc tiêu cực ở người nghe hoặc ám chỉ xa xôi đến những nét không đáng hoan nghênh về chính anh như là: tư tưởng bi quan yếm thế, tính keo kiệt, bất hạnh, định kiến, sự giận dữ hoặc đồi bại.

Và bây giờ, hãy suy nghĩ về thời thơ ấu của anh, gia đình, trường học, công việc, du lịch, giải trí… và những kinh nghiệm hẹn hò từ ký ức xa nhất cho đến cuộc hẹn tối hôm trước. Từ những điều trên, tìm ra tám câu chuyện của bản thân. Sau đó đặt cho chúng những cái tên gợi tò mò (ví dụ: “Chiếc Hamburger ma thuật”, “Câu chuyện Chú chuột đồng ngủ say”) và viết chúng xuống dưới đây:

1…………………………………………………………………………………………………………………….. 

2…………………………………………………………………………………………………………………….. 

3…………………………………………………………………………………………………………………….. 

4…………………………………………………………………………………………………………………….. 

5…………………………………………………………………………………………………………………….. 

6…………………………………………………………………………………………………………………….. 

7…………………………………………………………………………………………………………………….. 

8…………………………………………………………………………………………………………………….. 

Nếu anh gặp rắc rối với 8 câu chuyện trên đây, hãy nghĩ lại cuộc giao tiếp gần đây giữa anh với anh bè và gia đình. Thử nhớ lại bất kỳ câu chuyện nào đó anh đã kể có thể khơi gợi sự háo hức, tò mò và vui vẻ.

Nếu anh vẫn còn băn khoăn, hãy tưởng tượng rằng anh đang tình cờ dựng một bộ phim về chính mình cho vài đạo diễn phim. 

Nếu vẫn bị luống cuống, hãy gọi cho bố mẹ, anh chị em, hoặc bạn bè, và nhờ họ kể lại một vài kỷ niệm đáng nhớ về anh.

Nhiệm vụ 3: Lựa chọn câu chuyện

Nhiệm vụ tiếp theo của anh là kiểm lại những phẩm chất mà anh đã liệt kê ở Nhiệm vụ 1. Sau đó điểm lại toàn bộ những câu chuyện mà anh đã chọn ở Nhiệm vụ 2. Lưu ý rằng không nên khoe khoang hoặc đi quá đà, mà nên phô bày được cả những ưu điểm và nhược điểm của anh như thật thà, khiêm tốn, hài hước và lối nói có duyên.

Từ những câu chuyện anh đã đánh dấu, chọn ra hai truyện mà anh thấy thuyết phục và thú vị nhất. Liệt kê hai câu chuyện hay nhất của anh xuống dưới đây:

1…………………………………………………………………………………………………………………….. 

2…………………………………………………………………………………………………………………….. 

Đây là những câu chuyện đinh mà anh sẽ kể trong ngày hôm nay.

Nhiệm vụ 4: Soạn câu chuyện

Lấy một tờ giấy, hoặc mở một file mới trên máy tính của anh.

Viết ra hai câu chuyện một cách trọn vẹn. Dù dài như thế nào đi nữa, anh không được nói dối, vì nó có thể ám ảnh anh. Dưới đây là một vài mẹo:

• Mở đầu ấn tượng: Câu chuyện của anh cần tạo một ấn tượng đầu tiên tốt đẹp và cách tốt nhất để bảo đảm điều đó là một câu ngắn, chắc chắn, rõ ràng, mạch lạc. Đây có thể là lời tóm tắt tiếp nối cuộc nói chuyện một cách tự nhiên: “Ồ, giống như khi tôi bị ép phải ăn mỡ cá mập ôi ở Iceland vậy…” Nó có thể ở dạng câu hỏi để lôi kéo sự tham gia của người nghe: “Em đã bao giờ ăn mỡ cá mập chưa?” hay có thể chỉ là một “cái bẫy” gợi sự tò mò: “Chuyện khủng khiếp nhất xảy ra với tôi khi tôi ở Iceland”.

• Kết thúc hay: Dù thế nào đi nữa, hãy chắc chắn rằng câu kết của anh khiến cho người nghe cười to, hào hứng, kích động, ngưỡng mộ, hoài nghi, hay bất cứ tình cảm mạnh mẽ và tích cực nào. Anh có lẽ cũng muốn thêm một câu hỏi ở phần kết, để khơi gợi câu trả lời hoặc những câu chuyện tương tự từ người nghe chuyện.

• Thêm tình tiết: Tình trạng hồi hộp xuất hiện khi người nghe đoán được điều gì đó sẽ xảy ra nhưng lại không rõ cụ thể thế nào. Hãy chắc chắn rằng thính giả của anh đang tròn mắt với những tình tiết mới lạ mà anh thêm vào.

• Chứa đựng những chi tiết sinh động: Hãy hồi tưởng lại những trải nghiệm của anh. Nhắm mắt lại nếu cần. Hãy ghi nhớ cảnh tượng, âm thanh, mùi vị và cảm giác. Càng giàu chi tiết càng cuốn hút người nghe.

• Thêm sự hài hước: Hãy quan sát các diễn viên tấu hài, trong tình huống kịch tính, họ thường chen vào vài câu bông đùa cốt để gây cười thêm. Tìm những chỗ mà anh có thể thêm vào sự hài hước. Những cáh  hữu hiệu là: chế nhạo mình hay cách cư xử của con người; phóng đại điều tức cười; nhắc lại lời đùa trước; nói điều gì đó đối lập với mong đợi của người nghe…

• Thêm ý nghĩa: Khi anh minh họa những đặc điểm của mình, có một cách thích hợp và một cách không thíchhợp. Cách không thích hợp là anh chỉ nói vẻn vẹn trong một câu, kiểu như: “Tôi đã mua một cái xe mới.” Cách thích hợp là trình bày câu chuyện như một chi tiết bình thường trong một bức tranh tổng thể: “À, tôi đang lái xe về nhà, và phải mở cửa sổ xe vì mùi xe mới làm tôi ngột ngạt quá.”

• Cắt bỏ chi tiết thừa: Khi anh hoàn thành, hãy đọc lại câu chuyện. Cần chắc chắn nó dễ theo dõi và không có những chi tiết thừa. Cứ mạnh tay bỏ tất cả những gì không có ý nghĩa với câu chuyện. Anh cũng nên kể câu chuyện với một vài người và chú ý nhịp độ kể.

• Cắt bỏ: Hãy chắc rằng nội dung của câu chuyện là để giải trí, vui cười, hoặc thu hút người khác, không phải để “quảng cáo” cho anh hay tài năng của anh. Cách tốt nhất để sửa bỏ sự toan tính chính đáng đó là tìm trong mỗi ví dụ xem có từ “Tôi” hay không, rồi xem liệu anh có thể bỏ đi chỗ nào mà không làm giảm giá trị câu chuyện.

• Kiểm tra lại độ dài. Câu chuyện nên kể trong khoảng 30 giây đến 2 phút (khoảng 75 đến 300 từ). Nếu ngắn quá, hãy thêm tình tiết hoặc chi tiết gây cười. Nếu dài quá, hãy bỏ những chi tiết thừa. 

Một khi anh đã có đủ những câu chuyện được viết ra, hãy chắt lọc để có các sự kiện làm sườn và tạo ra điểm nhấn cho mỗi câu chuyện. Ví như nếu anh đang kể về bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao thì những điểm cốt lõi là: Một chàng trai sống cùng với cô chú; anh mua hai droid, khám phá thông điệp bí mật, v.v… Câu chuyện của anh chỉ nên có từ ba đến sáu điểm cốt yếu.

Dù anh đang tập kể câu chuyện trọn vẹn về mình, tất cả những gì anh cần chỉ là ghi nhớ những điểm chính yếu. Theo cách này, câu chuyện của anh sẽ không có mấy tính chất như đọc thuộc lòng câu chuyện đã chuẩn bị sẵn, và anh sẽ thoải mái mở rộng hay thu hẹp câu chuyện một cách linh hoạt, tùy theo độ say mê của người lắng nghe.

Nhiệm vụ 5: Kể chuyện

Tôi có một lý thuyết về ngôn từ. Có hàng nghìn cách hiểu khi nói: “Thêm muối!” Nó có thể có nghĩa là: “Tôi xin thêm chút muối được chứ?” hoặc: “Anh yêu em.” Nó cũng có thể ngụ ý rằng: “Tôi rất bực mình về cô.” Và còn vô vàn ý nghĩa nữa. Từ ngữ chỉ là những tép pháo nhỏ nhưng sức bộc phá của nó thì thật khủng khiếp.

– CHRISTOPHER WALKEN –

Đã đến lúc làm chủ câu chuyện của anh.

Cách tốt nhất để làm say mê người nghe là anh cần phải nồng nhiệt. Hãy nhiệt tình với cuộc sống của mình, sôi nổi với những trải nghiệm đã qua, và tin tưởng vào mỗi lời anh nói. Mỗi lần kể lại câu chuyện, nên giống như lần đầu anh kể – với tất cả sự ngượng ngập hoặc hào hứng hay băn khoăn mà anh cảm thấy khi lần đầu tiên làm điều đó.

Hãy ôn lại những bài tập về phát âm ở Ngày thứ 3, sau đó thu hai câu chuyện vào máy ghi âm của anh. Đảm bảo là anh phải nói to, chậm rãi, rõ ràng, và truyền cảm. Để tăng thêm sự chú ý của người nghe, hãy nhấn mạnh những từ quan trọng và thi thoảng tạo khoảng dừng để gây ra cảm giác phải chờ đợi hoặc nhận ra ngụ ý hài hước. Trải nghiệm với việc nhấn mạnh những từ khác nhau và ngừng nghỉ ở những chỗ không được đoán trước sẽ làm thay đổi nhịp điệu câu chuyện.

Khi đã cảm thấy thoải mái với việc kể chuyện, tìm một đoạn nào đó ở quãng giữa để tạo cho người nghe có cơ hội tham gia cùng mình. Điều này sẽ có tác dụng giữ được sự chú ý của họ. Phần lớn những điểm đó sẽ như một câu hỏi ngỏ dành cho người nghe rằng liệu họ đã bao giờ trải qua những điều như anh chưa, nêu ra quan điểm của họ, hoặc có thể liên hệ những việc của anh với một thực tế nào đó.

Ví dụ, nếu anh đang kể một câu chuyện đã diễn ra ở cửa hàng pizza Chuck E. Cheese, điểm lý thú mà anh muốn đưa ra để được phản hồi có thể chỉ đơn giản là: “Đã bao giờ em ở đó chưa? Em biết anh đang nói về gì mà?” Nếu câu chuyện diễn ra ở sân bay, anh có thể hỏi là: “Thật đúng như trong phim, Hanks trong vai một gã đang mắc kẹt ở sân bay. Phim gì nhỉ”

Nếu anh muốn nâng trình độ của mình lên mức cao hơn, hãy tập dừng ngẫu nhiên ở điểm kịch tính nhất của câu chuyện để gây sự hồi hộp. Anh có thể chậm rãi uống từng hớp đồ uống, ngâm một miếng bạc hà trong miệng, hoặc nếu có thói quen hút  thuốc, hãy châm một điếu.

Sau khi đã có một bản thu thành công, hãy quay trở lại với cuốn sổ tay hay file trong máy tính mà anh đã viết câu chuyện đầu tiên và sửa lại. Thêm vào bất kỳ điểm quan trọng hay tạm ngừng nào có tác dụng tạo sự tương tác hoặc những điểm bổ sung mới khác mà anh có thêm trong quá trình làm việc với bản ghi âm của mình.

Nhiệm vụ 6: Trình diễn câu chuyện

Anh đã đến được bước cuối cùng trong việc chuẩn bị một câu chuyện.

Đứng trước gương hoặc đặt máy quay để tự ghi hình mình, rồi xem lại mình kể chuyện.

 Bí quyết thành công là ở sự diễn cảm, hào hứng đầy lôi cuốn, cách đưa mắt, cử động của đôi tay, ngôn ngữ cơ thể, và tất cả năng lực dồn vào kể câu chuyện một cách nhiệt tình.

Hãy thử nghiệm cách nhấn mạnh suy nghĩ và cảm xúc khác nhau bằng những chuyển động riêng. Cố gắng thay đổi cử chỉ, điệu bộ, tông giọng khi anh trích dẫn lời của người khác. Cảm nhận từng động tác của cánh tay khi anh nói.

Tuy nhiên, cẩn thận, đừng lạm dụng những điều đó. Cử chỉ càng tinh tế thì càng tạo được sự tin cậy. Đừng ba hoa quá mức, hãy chắc rằng ai trong nhóm cũng chú ý và thích thú câu chuyện của anh; đồng thời anh cần tạo cảm giác thoải mái để họ đóng góp vào câu chuyện khi họ muốn. Cũng đừng liến thoắng kể những chuyện không liên quan. Nó có thể đẩy anh từ một chuyên gia giao tiếp thành kẻ khủng bố bằng lời nói. 

Yếu tố cuối cùng trong màn trình diễn mà anh không thể luyện tập trước gương là sự bất định. Bất kỳ người nào từng đứng trên sân khấu đều sẽ nói với anh, anh chuẩn bị bao nhiêu chẳng quan trọng, mọi thứ sẽ thay đổi khi đèn sân khấu sáng lên và chiếu vào anh.

Thế nên, khi nói chuyện với một nhóm người, chớ lo lắng về việc phải có cử chỉ, điệu bộ và giọng điệu thích hợp, chỉ cần đảm bảo anh đã thâu tóm được những điểm lý thú. Và nếu người ta hỏi anh, ngắt lời anh, hoặc đột nhiên bắt đầu nói những câu chuyện liên quan đến họ, anh cũng không cần bối rối. Việc họ chú ý đến câu chuyện của anh đã là một điều thành công.

Nếu cuộc trò chuyện bị chuyển hướng, đừng nhất quyết phải kể cho xong câu chuyện trừ khi người nghe muốn biết điều gì xảy ra tiếp theo. Anh phải luôn dự phòng đoạn kết để lấp đầy khoảng thời gian lúc câu chuyện tạm lắng. Đừng quên rằng mục đích của câu chuyện không phải là đi đến hồi kết thúc mà hơn thế còn để phô bày cá tính và sự quyến rũ của anh.

Nhiệm vụ 7: Chia sẻ câu chuyện

Ngày hôm nay hãy dùng hai câu chuyện có sự tương tác với nhau ít nhất hai lần cuộc giao tiếp. Anh không phải kể cả hai câu chuyện cho cùng một người; chỉ cần chắc rằng mỗi câu chuyện anh kể ít nhất hai lần trong suốt buổi luyện hôm nay.

Không quan trọng anh kể chúng với người phụ nữ anh mê, đồng nghiệp, bạn bè, cha mẹ, một người lạ, anh chị em, hoặc người bán hàng qua điện thoại, cốt là anh có kể chúng ra.

Hãy thoải mái ứng biến. Khi kể chuyện, anh có thể thêm những chi tiết mới, những câu bông đùa, và những điểm liên quan đến nhau. Sau mỗi lần kể thành công, hãy trở lại với file chuyện kể anh viết lại trước đây và đánh dấu vào bất kỳ điều gì anh muốn thêm vào, sửa đổi, hay xóa bỏ để câu chuyện hoàn thiện hơn.

Nếu câu chuyện không gây được sự chú ý của người nghe, hãy thay thế nó bằng một câu chuyện khác đã có trong danh sách. Nếu câu chuyện mới của anh không có tác dụng, hãy đề nghị người nào đó đang trò chuyện với anh kể các sự kiện xảy ra với họ. Nếu những câu chuyện anh kể nhận được phản hồi tốt, hãy gia công thành một câu chuyện mới.

Và nhớ chúc mừng chính mình. Kể một câu chuyện là một trong những nghệ thuật cổ xưa nhất của văn minh nhân loại, và giờ đây anh chính thức trở thành một phần của truyền thống đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.