Luật Của Trò Chơi Tình Ái

NGÀY 6



Nhiệm vụ 1: Đoạt lấy AA

Hồi hộp là một căn bệnh tai quái, thường xuất hiện khi người đàn ông chạm trán một người phụ nữ hấp dẫn. Triệu chứng thường thấy: lòng bàn tay đổ mồ hôi, nhịp tim tăng, hơi thở dốc, và nuốt khan. Nói theo tâm lý học thì nghĩa là chưa đến gần đã sợ bị từ chối. 

Hãy lật đến phần Chỉ dẫn Ngày 6 để nhận được lời khuyên hữu ích từ ngài Don Diego Garcia – một chuyên gia lão luyện trong làng đào tạo kỹ năng sống. 

Nhiệm vụ 2: Nếu anh không thể nói ra điều gì hay ho…

Thì chí ít anh cũng đã tắm gội, gột rửa, và hoàn toàn thoải mái khi ra khỏi nhà. Nhiệm vụ của anh là: Hãy tặng lời khen cho bốn phụ nữ bất kỳ. Hai trong số họ có thể là người quen của anh – bạn bè, đồng nghiệp, hay chính mẹ anh. Nhưng hai người còn lại nhất định phải là người lạ.

Hãy tránh khen những câu như “Cô đẹp quá.” Và tránh nói những gì liên quan đến vấn đề giới tính, đại loại như “Em thật nóng bỏng.” Thay vào đó, hãy tập trung vào những điểm nổi bật như móng tay, đôi giày, túi xách, hoặc dáng điệu. Sau khi bỏ thời gian để sát hạch bản thân mình một cách nghiêm túc, anh sẽ nhìn thấy những tiểu tiết dễ dàng và biết trân trọng chúng hơn. 

Nhiệm vụ 3: Luật 8 tiếng

Ngủ một giấc thật sâu, vì ngày mai sẽ là một trong những ngày quyết định trong Thử thách Lối sống của anh. 

CHỈ DẪN NGÀY 6 

Tiêu hủy sự hồi hộp 

– DON DIEGO GARCIA –

Chúng ta có hàng triệu từ ngữ khôn ngoan từ các nhà thông thái để khởi tạo và phát triển một chuyện tình, nhưng trên tất thảy, tôi có thể gom lại trong 7 từ: Anh không thể thắng nếu không chơi. 

Đây là lời đúc kết của mọi lời đúc kết. Nếu anh tiếp tục ẩn cư trong hang tầm đạo, anh sẽ không bao giờ hình thành thêm một mối quan hệ mới nào. Anh phải ra khỏi nhà và giao thiệp với những người mới. 

Hồi hộp là cái tên dành cho con quỷ nội tại đã giữ chân đàn ông đến với những người hấp dẫn dù không có rào cản vật lý nào. Trước khi chúng ta thực hiện chuyển đổi từ hồi hộp sang phấn khích, hãy cùng thảo luận về hai khái niệm cốt yếu: tư tưởng tự do và tư tưởng gò bó. 

Tư tưởng gò bó

Từ khi chúng ta được sinh ra, tự nhiên đã đặt sẵn trong chúng ta hai nỗi sợ thuộc về bản năng để giữ chúng ta an toàn, đó là: sợ độ cao và sợ tiếng ồn. 

Sợ có tiết chế là một điều tốt. Nó bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hại. Ví dụ, sợ độ cao giúp ta tránh việc ngã xuống từ vách đá; sợ tiếng ồn tạo khả năng phản xạ nhanh với những cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, đa số nỗi sợ và những hạn chế mà con người có không phải do tự nhiên mà do sự giáo dục. Chúng ta tự đặt ra giới hạn cho chính mình sau những trải nghiệm từ thời niên thiếu và ảnh hưởng từ người khác. 

Tư tưởng tự do

Về mặt sinh học, nó biểu hiện bằng việc: đói muốn ăn, khát muốn uống, và nhu cầu sinh đẻ. Về mặt xã hội, nhất là thời hiện đại, thì đó là xu hướng tiến tới quyền lực thông qua sự nghiệp, thích tham gia các trò chơi và tham gia các hoạt động thuộc về tôn giáo. 

Khi tư tưởng gò bó và tự do ở trạng thái cân bằng, mọi thứ đều ổn. Chúng ta sống hòa hợp với tự nhiên, giải quyết các vấn đề một cách hữu hiệu. Nhưng khi hai điều đó mất cân bằng, tất cả tai ương sẽ trỗi dậy. 

Nhận dạng tư tưởng gò bó

Phần lớn niềm tin hạn chế từng ở dạng thìa thức ăn anh nhận được từ bố mẹ, thầy cô, người giám hộ, thầy tu, bạn bè hoặc bất kỳ ai anh ngưỡng mộ lúc anh ở độ tuổi vị thành niên. 

Cũng có khi do nội sinh, nhưng quan trọng hơn là anh cần tìm hiểu kết cấu của nó. Một tư tưởng gò bó tự hướng nó theo đường xoắn ốc đi xuống. 

Bước đầu tiên trên tất cả hành trình khám phá là phải chấp nhận vấn đề. Bước thứ hai để vượt qua sự hồi hộp từ gốc rễ là lôi nó ra ngoài màn đêm của sự vô thức, đặt dưới ánh sáng của nhận thức cảm quan. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu tháo gỡ và xem cách nó vận hành được. 

Tư tưởng bị bó hẹp gây cản trở âm thanh, hình ảnh hay những cảm nhận vật lý khi ta tiếp cận người lạ. 

Âm thanh của tư tưởng gò bó: 

– Tự vấn: “Anh sẽ không biết nói gì đâu,” hoặc “Có nhớ lần ngớ ngẩn trước không?”

– Những nghi ngại suy diễn khác: “Chắc nàng có bạn trai rồi”, “Nàng sẽ không hào hứng với mình” hay “Nàng đang bận, mình chỉ làm phiền thôi.”

– Nghi ngại về môi trường: “Mọi người sẽ cười vào mặt mình,” hay “Quanh đây quá ầm ĩ để nàng nghe thấy mình.” 

– Tìm lý do: “Dù gì cũng chẳng có kết quả đâu”; “Bây giờ mình không thích,” hay “Còn đang vui vẻ với các anh em.” 

– Kết luận bừa bãi: “Cô này không đủ hấp dẫn,” hay “Trông hơi nông cạn so với mình.” 

Hình ảnh của một tư tưởng bó hẹp bao gồm sự tránh mặt, hay chế giễu, bắt nạt, buồn, cô đơn, săm soi và thích phán xét; nản chí, tự kỷ và thấy quá nhiều đàn ông sang trọng và thành công trong phòng. 

Tư tưởng bó hẹp thường tự diễn tả nó qua các cảm giác vật lý. Khi một vật thể có khả năng “đe dọa” nằm trong vùng quét sóng radar của anh, anh sẽ có một phản ứng tức thời (còn gọi là phản ứng cấp tính Đánh hay Chạy) giải phóng adrenaline. Loại hormone này sẽ làm tăng nhịp thở và nhịp tim, làm co mạch máu, căng cơ, giãn đồng tử, tăng lượng đường trong máu và suy giảm hệ miễn dịch. 

Đánh thức tâm tưởng tự do

Để xóa đi cảm giác hồi hộp, hãy thuyết phục bản thân một cách logic rằng những cuộc hội thoại tâm tưởng như trên là sai lầm và càng khiến bản thân tồi tệ hơn. Ngày đầu tiên đọc nhiệm vụ, anh đã thấy một vài minh chứng của tư tưởng hạn hẹp rồi. Có những cách phản ứng thuộc về lý trí mà tư tưởng tự do sử dụng khi tư tưởng gò bó gầm lên một cách tệ hại. 

Lấy ví dụ thế này, nếu tư tưởng gò bó nói với anh rằng: “Nàng chẳng nghe bạn đâu,” tư tưởng tự do sẽ phản bác là: “Nếu nàng không nghe mình lần đầu tiên, mình sẽ cười và lịch sự lặp lại rành rọt hơn.” 

Nếu tư tưởng hạn hẹp nói rằng anh sẽ lo lắng, tư tưởng tự do sẽ nói: “Mình sẽ có một ít căng thẳng rất tự nhiên trong trường hợp này, nhưng căng thẳng vẫn chỉ là căng thẳng. Điều đó không có nghĩa là mình không thể vượt qua. Trước đây, bối rối đã cho mình năng lượng để thực hiện hết khả năng và hài lòng với bản thân. Nào, tiến lên!”

Hãy dành chút thời gian để viết lại những gì tư tưởng gò bó lên tiếng. Sau đó viết lại những gì tư tưởng tự do phản hồi khiến anh tăng sức mạnh. Dùng từ “bạn” trong những câu của tư tưởng gò bó và “tôi, mình” trong những câu của tư tưởng tự do. Điều này sẽ giúp anh tách những ý nghĩ hạn chế kia ra và đến gần hơn với tư tưởng thoải mái. 

Tất cả phụ thuộc vào anh trong việc đưa suy nghĩ tích cực vào tư tưởng tự do hàng ngày, mang đến năng lượng để vượt qua, gìn giữ và thành công. Muốn được như thế, hãy chọn 3 câu nói hoặc lời khẳng định phù hợp để anh bắt đầu thay đổi nỗi sợ cố hữu, dù mới được viết ra hay liệt kê trong sách này. Hãy viết mỗi câu trên một mẩu giấy. Sau đó đọc thật lớn như lời tuyên thệ vào sáng sớm hoặc khi đi ngủ, để chúng chạy qua chạy lại trong đầu anh cả ngày. Khi anh thấy có dấu hiệu tốt, hãy đổi sang một nhóm câu khẳng định khác nếu cần. 

Điều chỉnh hệ giác quan cảm nhận 

Hệ giác quan cảm nhận là một phương tiện trung gian nơi các giác quan của chúng ta ghi nhận và xử lý thông tin. Ví dụ, thính giác bao gồm âm thanh, độ cao, nhịp độ, và âm sắc. 

Để giúp giảm thiểu các hội thoại tiêu cực, anh nên thử điều chỉnh hệ giác quan cảm nhận của mình. Hãy điều chỉnh âm thanh của tư tưởng gò bó theo kiểu lắp bắp và lí nhí hay tương tự như âm thanh của bất kỳ ai anh không ưa. Cùng lúc đó, hãy để tư tưởng tự do có giọng khỏe, trầm, bình tĩnh và gần gũi. Nghĩ đến việc biến nó thành âm thanh từ người anh mến phục: một cố vấn, một diễn viên, hay một người-tuyệt-nhất-trong-tương-lai. 

Nếu bài tập này ngay từ khi lướt qua có vẻ vô vị thì tư tưởng bó hẹp của anh lại lên tiếng rồi đó. Quá trình này chính xác là cách một người huấn luyện chỉ dẫn những vận động viên hàng đầu đoạt ngôi vô địch. Đây cũng là cách người ta điều trị và làm giảm bệnh sợ hãi. 

Giờ hãy đặt những bức hình tưởng tượng dưới cùng góc độ quan sát. Đầu tiên, làm nổi hình ảnh thất bại trong tâm trí hạn hẹp so với hình ảnh thành công của tư tưởng tự do. Sau đó thay đổi bức hình từ việc bị lạnh nhạt sang được yêu mến; thay đổi bức hình của việc bị từ chối sang khung hình tươi sáng và rực rỡ của ngày cô gái xinh đẹp đặt số điện thoại vào lòng bàn tay anh. 

Bất kể khi nào tâm tưởng hạn hẹp nhảy ra, anh hãy lập tức thay đổi nó bằng hình ảnh tươi sáng, khoáng đạt, sắc nét, rực rỡ của sự thành công. Kèm theo đó là hình ảnh chính anh nhận thấy trong đôi mắt mình. 

Sẽ hoàn hảo nhất nếu anh thực hiện những bài tập này trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy vì lúc đó tiềm thức của anh sẵn sàng chào đón sự thay đổi. Bằng việc lặp lại những bài tập này thường xuyên nhất có thể, anh sẽ rút ra những hình ảnh tiêu cực cần lập tức xử lý của tư tưởng bó hẹp trước khi tiếp cận ai đó. 

Tiến tới thành công 

Một trong những vấn đề nổi cộm khi đàn ông tiếp cận phụ nữ là quan trọng hóa việc tiếp cận phụ nữ, quá tập trung vào một số chi tiết, dù chỉ là việc trao đổi số điện thoại, hẹn hò, lên giường, hay khởi đầu của một chuyện tình lãng mạn. 

Thực hiện bài tập trên một cách hợp lý theo kế hoạch là có thể giảm đáng kể những lo âu của anh. Đó là lý do tại sao cuộc Thử thách chỉ đưa ra một đề nghị nhỏ để anh có thể dễ dàng thực hiện. 

Loại từ “Thất bại” ra khỏi từ điển của anh 

Với mỗi người, từ “thất bại” có những ý nghĩa khác nhau. Phần lớn chúng ta coi thất bại là việc bị chối bỏ. Còn tôi, thất bại có nghĩa là từ bỏ, hoặc không bao giờ thực hiện. 

Sự loại bỏ là từ bị người ta lạm dụng và làm méo mó. Theo từ điển định nghĩa, sự loại bỏ là “từ chối”. Theo đó, khi anh mời cô gái một thanh kẹo cao su, và nàng nói : “Dạ không, cảm ơn anh,” nghĩa là anh đang bị “từ chối”. Vậy còn gì phải day dứt nữa không? Tôi đoán là không. 

Nếu anh mời ai đó tới một sự kiện tập thể, và cô gái trả lời: “Tôi không đi, cảm ơn anh,” thì câu chuyện không có gì thay đổi. Nhưng với một số người, điều này có ý nghĩa khác, và đây là lý do tại sao: Khi thanh kẹo bị từ chối, ta nghĩ chắc họ không muốn ăn kẹo. Nhưng khi chuyện mở rộng thành lời mời, ta sẽ nghĩ nàng không muốn ta. 

Nhưng làm cách nào mà nàng có thể quyết định có muốn ta không? Nàng mới chỉ biết ta trong một thời gian ngắn. Trên thực tế, nàng lại là một người lạ. Nàng không biết ta tuyệt thế nào, càng không biết lối sống của gia đình ta, hay bạn bè ta. Tại sao chúng ta lại quyết định hộ nàng? Tại sao chúng ta lại gắn thêm quá nhiều cảm tính với một thứ mà chúng ta còn chưa biết? Anh nghĩ đúng rồi đó: tâm tưởng hạn hẹp. 

Thực hành phá vỡ và thiêu đốt chiến lược

Nếu sau khi đọc phần này, quanh anh vẫn lởn vởn nỗi ám ảnh của việc bị từ chối, hãy ra ngoài và thử dù bị từ chối thực sự. 

Micheal Jordan từng nói: “Tôi đã bỏ lỡ 9000 cơ hội trong sự nghiệp của mình. Tôi đã bỏ lỡ 300 trận đấu. 26 lần, tôi tin rằng mình sẽ thắng rồi lại để trượt cơ hội. Tôi đã thất bại vô số lần trong cuộc đời. Và đó là lý do tôi có được thành công như ngày hôm nay.”

Sau những lần bị từ chối, anh sẽ thấy điều đó không quá tệ, sự từ chối không liên quan gì đến cá nhân anh hết. Nó chỉ tương tự như cái búng nhẹ lên vai của ai đó. Anh biết nó xảy ra thế nào, vô hại và không gây phiền hà đến mình. Nó đơn giản chỉ là sự thiếu chín chắn và bối rối của người khác về chính họ. 

Có lần tôi chọn một sinh viên và tìm cách bị từ chối để giúp chàng trai vượt qua nỗi sợ của mình. Nhưng một chuyện thú vị đã xảy ra: mọi chuyện trái với mong đợi, và tôi không bị từ chối. Chuyện là thế này: 

Tôi: Chào anh, anh nói xấu chúng tôi được không? Chúng tôi phải bị bôi nhọ.

Các chàng trai: Sao cơ? Thế là sao? 

Tôi: À, giống như lúc nhóm các anh tụ tập, và anh đang có tâm trạng, anh dễ nổi nóng, không muốn nói chuyện và anh sẽ nói với mọi người là…

Các chàng trai: Chúng tôi đâu có thô lỗ vậy. Làm gì có chuyện đó!

Chúng tôi chuyện trò vui vẻ độ 45 phút, sau đó mọi người trao đổi thông tin liên lạc. Bài tập này đáng lẽ chứng minh việc bôi nhọ là một sự tổn thương vô hại, nhưng nó lại kết thúc bằng việc đưa ra một bài học: Anh có thể thoải mái nói mọi thứ khi tự tin, thoải mái, lạc quan. 

Hãy tự do biểu lộ điều đó với bản thân. Lần sau, khi anh gặp và muốn nói chuyện với ai đó, hãy nói điều đầu tiên anh nghĩ trong đầu. Miễn là lời góp ý hay câu hỏi của anh không quá thô lỗ và cục cằn, anh sẽ thấy  kinh ngạc vì mình không thể bị từ chối. 

Sau vài lần thử, anh sẽ nắm được các cách phản hồi của người khác. Sau đó là việc thay đổi thái độ không vì lý do gì nhưng để chuẩn bị có được mọi thứ. Hay như nhà thơ Samuel Hazo khẳng định: 

Khi ta muốn tất cả

Thì lại chẳng có gì 

Khi không trông mong gì

Dường như ta có cả. 

DỪNG LẠI!


ANH ĐÃ KHEN ĐƯỢC BỐN PHỤ NỮ CHƯA?

ANH ĐÃ MUA BỘ ĐỒ NÀO MỚI CHƯA?

ANH ĐÃ CÓ LỜI KHẲNG ĐỊNH NÀO CHƯA?

ANH ĐÃ TẬP BÀI TẬP GIỮ DÁNG, TÌM LỜI KHUYÊN PHIM ẢNH TỪ BA NGƯỜI LẠ CHƯA?

NẾU ANH NÓI CÓ CHO TẤT CẢ CÁC CÂU HỎI TRÊN, HÃY ĐẾN TRANG TIẾP THEO.

NẾU ANH CHƯA THỰC SỰ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ NÀO, MÀ CHỈ ĐỌC CHO BIẾT, ĐỪNG ĐỌC TIẾP TỚI TRANG CUỐI CHO TỚI KHI ANH TRẢ LỜI CÓ CHO TẤT CẢ CÂU HỎI TRÊN.

SÁCH BÀI TẬP MÀ CHỈ ĐỌC THÌ KHÔNG KHÁC NÀO TỚI PHÒNG TẬP THỂ HÌNH MÀ XEM TIVI.

ANH SẼ KHÔNG TIẾN BỘ NẾU KHÔNG THỰC HÀNH.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.