Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào
CHƯƠNG 5: CÓ PHÚC CÙNG HƯỞNG
Những quy luật kinh tế giống nhau sẽ vận hành trong các xã hội, từ xã hội kinh tế đơn giản đến những xã hội phức tạp hơn…
Hãy nhớ lại rằng ban đầu việc Able sẵn sàng hy sinh tiêu dùng cá nhân để tạo ra tư liệu sản xuất đã làm lợi cho các cư dân khác của hòn đảo. Do chương trình cho vay khôn ngoan của Able, những người khác làm ra những chiếc vợt bắt cá, sau đó tận dụng sự gia tăng năng suất để tài trợ cho việc làm ra những bộ lưới bắt cá hiệu quả vượt trội hơn nữa. Ngoài việc nâng cao chế độ ăn uống, tạo điều kiện cho mọi người có những bộ cánh hấp dẫn hơn, giao thông dễ dàng hơn, năng suất gia tăng còn đem lại cho cư dân đảo nhiều thời gian giải trí hơn, cùng với thú lướt ván ngày càng phát triển!
Những đồn đại về sự xa hoa chưa từng có nói trên mau chóng lan tới những hòn đảo lân cận, nơi mà người ta vẫn chỉ dùng tay bắt cá và đương nhiên là chẳng ai có thời gian đâu mà vui chơi giải trí. Thế là hàng đoàn dân nhập cư kéo đến, với hy vọng đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại hòn đảo này, năng suất cao hơn nghĩa là nó có thể nuôi sống một lượng dân cư đông hơn, điều này lại dẫn tới sự đa dạng nhiều hơn về mặt kinh tế. Một số dân nhập cư đi làm công cho những người chủ của bộ lưới bắt cá, một số khác vay cá để có thời gian khai phá đất đai để trồng trọt trên đảo, hướng tới một “thực đơn” cân bằng hơn cho mọi người, không chỉ ăn toàn cá như trước đây! Những người còn lại cũng đi vay để làm những nghề khác.
Chẳng mấy chốc, nền kinh tế đa dạng của hòn đảo bao gồm cả những người xây lều, người làm xuồng, làm xe đẩy, mọi nghề mà bạn có thể nghĩ ra!
Xã hội lúc này chế tạo ra thức ăn và công cụ dồi dào đến mức một số người không cần phải làm ra của cải vật chất gì hết, mà vẫn có thể tồn tại. Kết quả là một khu vực dịch vụ (service sector) ra đời.
Chẳng hạn, để làm cho cá ăn ngon hơn, một số cư dân đảo sáng tạo ra hệ thống đặc biệt để chế biến cá, thường là ướp gia vị và sau đó đem nướng. Khả năng của những đầu bếp này được đánh giá cao đến mức những người đánh cá và thợ dựng lều khá giả sẵn sàng trả cho họ một ít cá để có được món cá ngon lành từ kỹ năng “nấu nướng” của những đầu bếp này!
Những nghề dịch vụ khác chẳng mấy chốc cũng hình thành.
Sự cám dỗ và lợi ích xã hội của môn lướt ván được đánh giá cao đến mức con cháu của Charlie mở một ngôi trường dạy lướt ván.
Khi xã hội phát triển và nhiều nghề nghiệp, nhiều dịch vụ được cung cấp, người ta cần một phương tiện trao đổi, để có thể thanh toán cho những người như thợ làm lều, đầu bếp, hay thầy dạy lướt ván.
Cho đến thời điểm đó, hòn đảo vẫn áp dụng phương thức hàng đổi hàng (barter), theo đó người ta trao đổi một hàng hóa hay dịch vụ lấy một hàng hóa / dịch vụ khác. Nhưng quy trình này phiền toái và kém hiệu quả. Một người làm ra những ngọn giáo có thể cần một người đầu bếp, nhưng lúc đó chưa chắc anh đầu bếp lại cần mua giáo của anh kia! Mà ngay cả khi nhu cầu của họ khớp nhau, một ngọn giáo sẽ tương đương với mấy bữa ăn?
Để thay thế hệ thống thương lượng lộn xộn này, hòn đảo của chúng ta cần một thứ gì đó có thể được tất cả mọi người chấp nhận và dùng để trao đổi lấy bất cứ thứ gì. Nói cách khác, cư dân đảo cần có Tiền!
Thoạt tiên, do mọi cư dân đảo đều ăn cá, người ta quyết định rằng cá sẽ được dùng làm tiền tệ. Nói ngắn gọn, mọi mức giá cả và thù lao, lương bổng đều tính bằng cá. Và do mức sống tối thiểu hàng ngày vẫn được coi là một con cá / ngày, một con cá có một giá trị mà tất cả mọi người đều có thể tham chiếu. Cơ cấu giá cả của hòn đảo, do vậy, liên quan tới giá trị thực hay giá trị nội tại của cá – tiền tệ.
Hiệu suất và giảm phát
Một nền kinh tế với người lao động chuyên môn hóa trong từng nghề hay dịch vụ cụ thể luôn hiệu quả hơn một nền kinh tế với các thành viên cùng làm một việc. Chuyên môn hóa làm tăng sản xuất, từ đó tăng mức sống.
Giả sử một cư dân trên đảo trung bình mất 5 ngày để làm ra một chiếc xuồng. Với vợt bắt cá, một người có thể bắt 2 con cá hàng ngày. Như vậy, để làm ra một chiếc xuồng anh ta phải hy sinh thu nhập của 5 ngày, tương đương 10 con cá. Tuy nhiên, trên đảo có một anh chàng tên Duffy, khéo léo hơn trong việc đốn cây, cưa đục gỗ v.v…, anh này có thể làm xong chiếc xuồng chỉ trong vòng 4 ngày.
Thế là, thay vì đi đánh cá hàng ngày như những người khác, Duffy quyết định chỉ làm xuồng mà thôi. Vì bản thân chỉ phải hy sinh, hay trì hoãn khoản thu nhập tương đương 8 con cá để làm 1 chiếc xuồng, Duffy có thể kiếm lời nếu tính phí là 9 con cá cho một chiếc xuồng mà anh ta làm ra. Theo đó, thu nhập của Duffy đã tăng lên do chuyên môn hóa!
Với lợi thế vừa nêu của Duffy, các cư dân khác trên đảo nên mua xuồng từ anh ta. Nếu tự làm, họ phải hy sinh một khoản thu nhập là 10 con cá. Nếu mua xuồng, tức là trả 9 con cá cho một chuyên gia đóng xuồng, họ đã tiết kiệm được 1 con!
Nhưng ngay cả nếu 9 con cá là một mức giá phải chăng, thì liệu những ai có thể trả được mức giá này để mua xuồng? Có lẽ chi là những đại gia giàu có nhất đảo mà thôi. Những người chưa đạt được mức tiết kiệm tích lũy cần thiết này sẽ phải tiếp tục bơi ngoài biển cho đến khi tiết kiệm đủ số!
Rồi đó, sau nhiều năm dùng vỏ sò và đá để gọt, đục các khúc cây để làm xuồng, một ngày nọ Duffy đã sử dụng khoản tiết kiệm tích lũy của bản thân để làm ra các công cụ chuyên dụng trong việc chế tạo xuồng. Và cũng giống như Able ngày xưa, Duffy đã tiêu dùng dưới mức để có thể tạo ra tư liệu sản xuất, hay công cụ.
Với thiết bị tốt hơn, Duffy giảm thời gian làm một chiếc xuồng xuống chỉ còn 2 ngày mà thôi. Hiệu suất tăng lên khiến điểm hòa vốn của anh ta giờ chỉ là 4 con cá (tương đương 2 ngày làm việc) thay vì 8 con cá như trước kia. Bằng cách hạ giá bán từ 9 con cá / 1 chiếc xuồng xuống còn 6 con cá/ 1 chiếc xuồng, Duffy kiếm lời nhiều hơn (lợi nhuận là 2 con cá trên mỗi chiếc xuồng bán được, so với mức 1 con trước kia). Hơn thế, sản lượng của anh ta cũng tăng gấp đôi!
Năng suất tăng lên làm lợi không chỉ cho Duffy, mà còn cho mọi cư dân trên đảo. Có nhiều người hơn trước đủ tiền mua xuồng ở mức giá 6 con cá, do đó số lượng khách hàng của Duffy tăng vọt.
Kết quả của hiệu suất gia tăng – do tiết kiệm, cải tiến hay đầu tư – là giá xuồng giảm xuống, việc sở hữu một chiếc xuồng trở nên khả thi hơn cho nhiều người. Điều trước kia là thứ xa xỉ của nhà giàu nay trở thành một thứ ai ai cũng có!
KIỂM TRA THỰC TẾ
Như đã nói, giá giảm không ảnh hưởng xấu đến Duffy. Thực sự khi giá cả mọi thứ giảm do tăng trưởng năng suất ở những ngành nghề khác, số cá mà Duffy kiếm được có thể dùng để mua một số lượng hàng hóa nhiều hơn.
Cải tiến, đổi mới là một quy trình một chiều. Với quá trình này, hiệu suất sẽ liên tục gia tăng, trừ phi con người quên đi những gì họ đã biết! Và kết quả là giá cả có xu hướng giảm xuống theo thời gian.
Xu hướng giảm giá cũng khuyến khích hành vi tiết kiệm, khi người ta thấy rằng khoản tiết kiệm có thể dùng để mua được nhiều hàng hóa hơn trong tương lai. Nghe thì có vẻ kỳ cục, nhưng một con cá tiết kiệm chính là một con cá mà bạn kiếm được! Nguyên tắc này khuyến khích tiết kiệm, từ đó mở rộng số lượng vốn sẵn sàng để cho vay.
Việc làm
Khi xã hội diễn tiến phức tạp hơn, càng ngày càng có nhiều người quyết định làm việc cho người khác, bằng cách đánh đổi lao động để lấy tiền lương.
Giá trị của lao động luôn luôn được nhân lên do việc sử dụng tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất càng tốt thì lao động càng có giá trị. Ví dụ, chúng ta có thể đào một cái hố to hơn khi có máy ủi so với khi chỉ có xẻng, ngay cả nếu chúng ta làm việc như nhau trong hai trường hợp. Vì thế, lý tưởng nhất là hãy làm việc với tư liệu sản xuất tốt nhất mà bạn có.
Trong một xã hội tự do, mọi cá nhân tự quyết định sẽ dùng tư liệu sản xuất của ai để tối đa hóa giá trị lao động của họ. Trừ trường hợp ai đó cứ chọn lựa việc bắt cá bằng tay không (có thể vì những lý do biểu diễn!), mỗi người lao động đều tự do chọn lựa:
Tiêu dùng dưới mức để tự làm ra một cái lưới đánh cá cho riêng mình Vay cá để mua lưới
Làm việc cho ai đó đã có sẵn lưới đánh cá
Lựa chọn đầu tiên đòi hỏi hạn chế tiêu dùng. Lựa chọn thứ hai đi kèm với những rủi ro. Do vậy, đa số chọn phương án 3, tức là làm việc để nhận lương.
Ví dụ, anh chàng Finnigan mới tới đảo là một người rất to khoẻ. Tài năng đó sẽ bị bỏ phí nếu anh ta chỉ đi bắt cá, cho nên anh ta quyết định tập trung sức mình vào việc vận chuyển cá mà thôi. Chỉ dựa vào cơ bắp của mình, hàng ngày Finnigan, có thể giao 100 con cá từ bờ biển đến lều của mọi người. Với mức phí vận chuyển 2%, mỗi ngày Finnigan sẽ bỏ túi mỗi ngày 2 con cá.
Tuy nhiên, do trước đó đã vay để làm ra một chiếc xe chở cá, công ty Murray’s Cart thực sự cạnh tranh gay gắt với Finnigan. Tuy không khoẻ mạnh bằng Finnigan, với chiếc xe của mình Murray có thể giao tới 300 con cá một ngày! Căn cứ vào năng suất vượt trội, Murray chỉ tính phí vận chuyển là 1%, tức là kiếm được 3 con cá mỗi ngày. Tóm lại, nhờ vào tư liệu sản xuất mà anh ta có thể tính phí thấp hơn mà vẫn thu nhập cao hơn Finnigan. Không có tư liệu sản xuất, Finnigan rõ ràng ở vào thế bất lợi.
Nhận ra rằng nếu kết hợp anh chàng to khỏe Finnigan với cái xe thì năng suất vận chuyển cá có thể lên tới 400 con một ngày, Murray chợt nhận ra cơ hội. Với mức phí vận chuyển 1%, Finnigan (và chiếc xe) có thể tạo ra thu nhập là 4 con cá / ngày cho công ty. Khi đó Murray sẽ trả lương cho Finnigan là 3 con cá / ngày, con cá thứ tư Murray sẽ giữ lại như là khoản lợi nhuận.
Về phía Finnigan, nếu nhận làm cho Murray, anh ta có thể tăng năng suất, giảm mức phí vận chuyển tính cho khách hàng, đồng thời có thu nhập cao hơn so với khi tự làm cho chính mình.
Với mức lợi nhuận 1 con cá một ngày như kể trên, Murray sẽ không phải đi làm (vận chuyển cá) nữa, mà dành thời gian vào việc chế tạo thêm xe chở cá, tuyển thêm nhân viên cho công ty. Cùng lúc đó, việc có nhiều xe chở cá sẽ giúp giảm mức chi phí vận chuyển cho toàn bộ cư dân trên đảo.
Hy vọng là sau này Finnigan sẽ dành dụm đủ tiền để làm ra chiếc xe chở cá cho riêng mình, từ đó cạnh tranh với ông chủ cũ Murray trong dịch vụ này. Để ngăn ngừa khả năng này, Murray phải trả cho Finnigan số lương nhiều hơn so với Finnigan có thể kiếm được khi tự làm cho mình, đủ để làm nản lòng ý muốn rời công ty của anh ta.
Nhưng hãy lưu ý: động cơ duy nhất cho mọi hành động của Murray là tiềm năng có lợi nhuận của anh ta. Anh ta chẳng hề chủ ý giúp Finnigan, mà chỉ vô tình thôi. Kết quả của tất cả những chuyện này là người lao động được trả lương cao hơn và chi phí giảm đi cho tất cả mọi người.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Trong kinh tế học ngày nay, không có chiến thắng nào lớn hơn về mặt tuyên truyền bằng việc bêu xấu một cách toàn diện hiện tượng giảm phát (và theo đó là sự chấp nhận đối với lạm phát). Theo những gì mà các nhà kinh tế và chính trị quan tâm, giảm phát – được định nghĩa là sự giảm giá nói chung của hàng hóa theo thời gian – đồng nghĩa với căn bệnh dịch hạch trong kinh tế! Ngay khi có dấu hiệu dù là nhỏ nhất về giảm phát, các Chính phủ sẽ thực thi các chính sách để đẩy giá lên.
Nhưng giá giảm thì có gì xấu đâu? Do đã quen sống với tình trạng giá cả gia tăng, nhiều người hẳn sẽ cảm thấy sốc khi biết rằng giá cả tại Mỹ đã liên tục giảm trong vòng gần 150 năm, từ cuối thế kỷ XVIII đến tận năm 1913! Mà trong thời gian ấy, nước Mỹ cũng trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế vào loại nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Nguyên nhân nằm ở chính những lý do mô tả trong chương này: hiệu suất gia tăng. Kết hợp với nguồn cung tiền ổn định (điều đã xảy ra ở Mỹ cho đến khi xuất hiện Hệ thống Dự trữ Liên bang), hiệu suất sẽ kéo giá cả đi xuống.
Năng suất tăng rất cao do cuộc cách mạng công nghiệp tạo điều kiện cho những người thuộc giai cấp lao động có thể mua được mọi loại hàng hóa, từ đồ nội thất đến quần áo may đo, hệ thống ống nước trong nhà, phương tiện vận chuyển bằng bánh xe v.v… những thứ trước đây chỉ nhà giàu mới có tiền mua được. Giảm phát có nghĩa là 100 USD tiết kiệm vào năm 1850 có thể dùng để mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn vào năm 1880. Điều đó không phải là tốt đẹp hay sao? Ngày nay, ông bà của chúng ta thường than rằng giá cả hồi này sao mắc thế, trong khi vào thời họ còn trẻ, ông bà của họ (tức ông cố, ông sơ v.v… của chúng ta) lại thường “than” rằng ngày xưa giá cả mắc hơn nhiều!
Bất chấp những lợi ích hiển nhiên của việc giá cả giảm đi, chúng ta vẫn cứ sợ giảm phát. Người ta nói với chúng ta rằng nếu giá cả có xu hướng giảm, con người sẽ dừng mua sắm, công ty sẽ dừng chi tiêu, công nhân sẽ mất việc, và nói chung mọi người sẽ quay trở lại thời kỳ đen tối về kinh tế.
Nhưng sự thật là đã rất nhiều lần chúng ta chứng kiến việc giảm giá chẳng hề làm hại bất kỳ ngành công nghiệp nào. Hồi đầu thế kỷ XX, với việc liên tục giảm giá thành của xe hơi, ông chủ Henry Ford đã làm giàu nhanh chóng, công nhân của hãng Ford thì được trả lương cao nhất trong ngành. Câu chuyện tương tự cũng lặp lại gần đây với ngành công nghiệp máy tính: giá sản phẩm hạ liên tiếp, nhưng ngành này vẫn kiếm được cả đống tiền, và cuộc cách mạng máy tính vẫn tiếp diễn mạnh mẽ. Kết quả là hàng triệu người hàng năm sẽ chi tiêu ít hơn mà vẫn được hưởng lợi từ những điều kỳ diệu của kỹ thuật số.
Bất chấp những điều đó, đa số mọi người cho rằng giảm phát chỉ chấp nhận được nếu nó bị hạn chế trong phạm vi một ngành nào đó. Tại sao?
Các nhà kinh tế hiện đại đã giả định sai lầm rằng tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng, và khi có giảm phát thì người ta có xu hướng trì hoãn tiêu dùng, và ngay khi người ta chi tiêu thì giá thấp sẽ gây ra ảnh hưởng kinh tế ít hơn. Thật quá sức kỳ cục!
Như chúng tôi đã nói ở trên, tiêu dùng chẳng có ý nghĩa gì cả, cái quan trọng là sản xuất!
Mà cũng chẳng cần ai phải thuyết phục con người tiêu dùng. Nhu cầu của con người về cơ bản là vô tận, cho nên nếu người ta không thích một thứ gì đó thì hẳn là phải có lý do: hoặc là món hàng đó không tốt, hoặc là người ta không đủ tiền mua. Trong cả hai trường hợp, hành động tiết kiệm hay trì hoãn chi tiêu được thực hiện với một lý do hợp lý và có xu hướng làm lợi cho nền kinh tế nói chung.
Thực sự thì nếu người ta không tiêu dùng, cách tốt nhất để kích cầu là giảm giá xuống mức phải chăng hơn. Sam Walton, ông chủ của hệ thống WalMart, đã kiếm hàng tỷ USD từ khái niệm siêu đơn giản này.
Khi TV Plasma lần đầu xuất hiện, rất ít người Mỹ chịu mua. Ai cũng thích, song không nhiều người dám bỏ ra 10.000 USD để mang về nhà một cái TV loại này. Tuy nhiên, khi giá TV Plasma giảm, nhiều người lao vào mua và lợi nhuận của hãng sản xuất TV gia tăng, khi doanh số bù lại cho giá giảm.
Một nhà kinh tế thiên tài mới chứng minh được rằng người tiêu dùng bị thiệt hại khi giá cả đi xuống. Giá thực phẩm và năng lượng giảm thực sự tệ hại hay sao? Giáo dục và y tế với chi phí thấp hơn liệu có cần Chính phủ bảo vệ chúng ta khỏi bị nguy cơ gây ra do giá giảm không?
Bất chấp mọi lý do “bào chữa”, giảm phát vẫn là kẻ thù số một của kinh tế. Chẳng qua là vì lạm phát – cái đối nghịch với giảm phát – là người bạn thân nhất của mọi chính trị gia. Chúng ta sẽ bàn về điều này trong những chương sau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.