Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG 3: NHỮNG CÁCH THỨC SỬ DỤNG TÍN DỤNG



Việc sử dụng tín dụng là ví dụ hoàn hảo về việc tự do kinh tế đã làm lợi cho tất cả mọi người như thế nào. Miễn là bên cho vay và bên đi vay tự do thỏa thuận các điều kiện của họ, kết quả chung sẽ là thành công. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong những phần sau, thị trường cho vay có thể bị làm méo mó bởi các lực lượng bên ngoài. Khi đó, những tai nạn sẽ đến!

Chúng ta hãy cùng tiếp tục câu chuyện trong các chương trước. Able đã quyết định cho hai anh bạn Baker và Charlie vay cá để họ có thức ăn trong thời gian tự làm ra vợt bắt cá. Những khoản cho vay kinh doanh (business loans) kiểu này là cách sử dụng tốt nhất cho khoản tiết kiệm, bởi chúng có xu hướng làm mở rộng sản xuất.

Tất nhiên, chỉ riêng hành động cho vay tiền – hay cho vay cá, như trong ví dụ – để khởi sự một doanh nghiệp hay một phương án kinh doanh, hoàn toàn không đảm bảo được rằng vụ kinh doanh đó sẽ thành công. Người đi vay có thể không triển khai trọn vẹn được kế hoạch ban đầu của mình.

Đó chính là điều có thể xảy ra nếu Baker và Charlie không làm được những cây vợt bắt cá hiệu quả.

Trong những trường hợp khác, phương án kinh doanh có thể thất bại nếu ý tưởng ban đầu chẳng đem lại hứa hẹn gì. Chẳng hạn, thay vì hỏi vay Able cá để có thời gian làm vợt, hai anh Baker và Charlie lại hỏi vay cá để ăn trong thời gian suy nghĩ hoàn thiện một kỹ thuật… thôi miên cá hàng loạt!!!!

Nếu lũ cá không bị thôi miên theo cách này, khoản vay ban đầu sẽ trở nên vô ích, cả với bên đi vay (Baker và Charlie) lẫn bên cho vay (Able).

Kết luận ở đây là: các khoản cho vay kinh doanh nếu thất bại sẽ làm lãng phí kho tiết kiệm của xã hội nói chung, và làm giảm năng lực sản xuất. Theo đó, bên cho vay sẽ khó lòng thu hồi vốn gốc, chứ đừng nói gì đến tiền lãi vay.

Nhưng những kế hoạch kinh doanh thành công sẽ bù đắp lại cho những kế hoạch hay phương án kinh doanh thất bại!

Điều quan trọng là cần hiểu rằng: các khoản cho vay kinh doanh không phải là lựa chọn duy nhất đối với khoản tiết kiệm của xã hội. Ngoài ra, Able còn có thể thực hiện các loại cho vay khác: cho vay tiêu dùng và cho vay khẩn cấp.

Cho vay tiêu dùng (consumption loans)

Giả sử rằng thay vì cho Baker và Charlie vay cá để làm vợt bắt cá, Able nhượng bộ đòi hỏi của hai người bạn về việc cho họ vay cá để họ có thể… nghỉ ngơi.

“Nè, vua cá”, Baker cằn nhằn “Có lẽ anh nên giải lao chút xíu, đừng đếm cá nữa và cho tôi và bồ tèo Charlie vay vài ba con cá đi. Tụi này cũng đáng được hưởng thụ cuộc sống chứ, đâu phải chỉ có anh. Hơn nữa, vài ngày sau là tụi này hoàn trả đầy đủ mà”.

Able trả lời “Tin tôi đi, tôi biết đi bắt cá nhiều lúc rất chán. Nhưng nếu cho vay một con cá, tôi vẫn đòi các anh trả lại hai con, để bù lại cho rủi ro mà tôi phải chịu”.

“Đừng lo, vua cá!”, Charlie đáp lại ngay. “Sau khi nghỉ mát về, tụi này sẽ hoàn toàn sung sức và đánh bắt cá tốt hơn, để trả đủ cho bồ cả vốn lẫn lời”.

Nhưng làm sao mà hai chàng lười kia có thể trả cả gốc và lãi của khoản “vay đi nghỉ mát” này được, nếu họ không nâng cao năng lực sản xuất của mình? Nghỉ chơi vài ngày xong, với đôi tay không họ cũng vẫn chỉ bắt được một con cá một ngày mà thôi. Khi đó, để trả nợ vay cho Able như đã hứa, họ phải cắt giảm lượng tiêu thụ cá hàng ngày, tức là ăn ít hơn một con cá một ngày. Nói cách khác, mức sống của họ phải giảm đi để trả nợ nần!

Lường trước được những điều này, Able giải thích lý lẽ cho hai người bạn: “Này, sao các anh lại muốn vay trước, rồi có lúc phải nhịn ăn nhịn uống để trả nợ? Sao không ráng nhịn một ngày, ngồi đan vợt, để mai mốt có dụng cụ bắt cá, và khi đó có thể nghỉ ngơi bất cứ khi nào các anh muốn?”.

Nhưng Baker và Charlie không nghe. “Dẹp cái trò đạo đức ấy đi. Cứ cho tụi này vay là được!”.

Able đành phải từ chối không cho vay. Một giao dịch như vậy sẽ đặt khoản tiết kiệm của anh ta vào những rủi ro không cần thiết, hơn nữa, nó cũng có nghĩa là không còn vốn để cho. vay những khoản có lợi ích hơn. Từ chối cho vay, Able bị bạn bè chê bai, nhưng thực ra anh ta đã giúp ngăn chặn những khó khăn trong tương lai của họ. Trong thực tế, các khoản cho vay tiêu dùng không làm cải thiện năng lực sản xuất một cách căn bản đều sẽ trở thành gánh nặng cho cả hai bên cho vay và đi vay.

KIỂM TRA THỰC TẾ

Bất cứ khi nào một lực lượng bên ngoài (ví dụ: Chính phủ) khuyến khích hay yêu cầu những người có khoản tiết kiệm phải cho vay vì những lý do không liên quan gì tới khả năng hoàn trả, thì khi đó khả năng thất thoát vốn cho vay là hầu như không thể tránh khỏi. Những lệch lạc như vậy trên thị trường tín dụng sẽ làm hoang phí khoản tiết kiệm của xã hội nói chung.

Trong nỗ lực làm những điều đúng đắn, các Chính phủ mong muốn gây ảnh hưởng đến cách thức cấp tín dụng từ các khoản tiết kiệm. Họ thông qua những luật lệ khiến cho một số hình thức cho vay trở nên hấp dẫn hơn so với các hình thức khác. Nhưng vấn đề là Chính phủ đâu có nguồn tiết kiệm, nguồn đó nằm ở trong các cá nhân! Nếu do những khích lệ của Chính phủ mà các khoản cho vay được cấp cho những cá nhân / doanh nghiệp sau này không trả được nợ (chuyện này vẫn thường xảy ra!), thì thiệt hại sẽ rơi xuống đầu những cá nhân đã tiêu dùng dưới mức trước đó để hình thành nên những khoản tiết kiệm nói trên.

Thực sự thì Able sẽ hiếm khi cho vay ngay nếu anh ta bị buộc phải cho vay những khoản mà chính anh ta cũng cảm thấy là quá rủi ro, chẳng hạn như trường hợp “thôi miên cá” đã nêu. Kết quả khi đó sẽ là: Able sẽ quyết định không làm việc chăm chỉ hay hy sinh các thú vui của bán thân quá nhiều để tiết kiệm như trước đây!

Cho vay khẩn cấp (emergency loans)

Hóa ra việc Able từ chối cho Baker và Charlie vay để đi nghỉ mát (cho vay tiêu dùng) lại là một điều cực kỳ may mắn. Vì chỉ một tuần sau đó, cả hai anh Baker và Charlie đều lăn ra ốm vì dịch đậu mùa Pokalani, khiến họ không thể đi bắt cá trong suốt một tuần.

Lúc này, trong tình trạng khẩn cấp, Able ở vào vị thế buộc phải cấp một khoản cho vay tiêu dùng từ khoản cá tiết kiệm trước đó của mình, để hai anh bạn quý có cái ăn trong khi ốm đau, để họ bình phục mà còn đi làm trở lại. Mặc dù hiểu rằng rủi ro bị xù nợ là cao, nhưng Able cũng thấy rõ rủi ro của việc không cho vay còn cao hơn nhiều. Khác với cho vay tiêu dùng thông thường, nếu khoản cho vay khẩn cấp không được thực hiện, Baker và Charlie có thể sẽ chết và hòn đảo sẽ mất đi một phần năng lực sản xuất của nó.

KIỂM TRA THỰC TẾ

LIỆU ABLE CÓ THẾ MỞ RỘNG TÍN DỤNG HAY KHÔNG?

Khi đối diện khả năng suy giảm kinh tế, các chính trị gia và giới ngân hàng thường thảo luận về sự cần thiết phải “mở rộng tín dụng” bằng cách tăng lượng tiền sẵn sàng để cho vay. Nhưng liệu việc này có thể thực hiện bằng mệnh lệnh hay không? Xét trong hòn đảo của chúng ta, làm sao Able có thể cho vay nhiều cá hơn so với số cá mà anh ta để dành trước đó? Nói cách khác, tổng cung tín dụng của hòn đảo bị hạn chế bởi tổng cung của tiết kiệm.

Cần lưu ý rằng nếu trước đó Able đã sử dụng khoản tiết kiệm để cho vay tiêu dùng không hiệu quả, thì giờ đây anh ta sẽ không còn khả năng cho vay khẩn cấp nữa.

Thực sự mà nói, các khoản tiết kiệm có thể xem là một vấn đề sống còn của xã hội. Thật không may là người ta chấp nhận một cách rộng rãi rằng: để thúc đẩy các hoạt động mà các chính trị gia và lý thuyết gia xã hội cho là có lợi, Chính phủ thường tìm cách gây ảnh hưởng lên việc phân bổ nguồn tiết kiệm. Điều này được thực hiện qua một loạt bảo lãnh cho vay của Chính phủ, các khoản hoàn lại thuế đã đóng hay phạt thuế do không khai hay đóng thuế đúng hạn với cá nhân và tổ chức.

Với những biện pháp có chủ đích đó của Chính phủ, kết quả sẽ là việc cá nhân / doanh nghiệp sẵn sàng đi vay nhiều hơn, còn các ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay nhiều hơn với một số loại hình cho vay nhất định. Nhiều nguồn lực của xã hội sẽ hướng về hoạt động tín dụng được cổ súy đó, chẳng hạn như cho vay xây nhà, học tập ở bậc đại học, hay chế tạo tấm thu năng lượng mặt trời v.v…

Ý tưởng trung tâm của động lực này là quan niệm cho rằng so với những người có khoản tiết kiệm thì các nhà hoạch định kế hoạch của Chính phủ hiểu đúng và rõ hơn về những gì là tốt cho xã hội nói chung. Tuy nhiên, không có gì chứng minh là quan niệm này đúng cả. Thực sự thì lịch sử có đầy rẫy các ví dụ về những kế hoạch to lớn xuất phát từ những trung tâm nghiên cứu của các Chính phủ, sau đó thất bại thảm hại so với những hứa hẹn ban đầu.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là việc “nhét” Chính phủ vào giữa người có khoản tiết kiệm và người đi vay sẽ tách biệt nguyên nhân và kết quả của hành động cho vay, từ đó dẫn tới việc phân bổ kém hiệu quả các nguồn tiết kiệm.

Các nhà cho vay tư nhân thường chỉ quan tâm đến kết quả tài chính của một khoản cho vay, hơn là biểu tượng chính trị của hành động đằng sau nó. Các doanh nghiệp gắn bó với những mô hình kinh doanh thành công, được điều hành bởi những người chủ giàu thành tích kinh doanh sẽ có khả năng trả nợ tốt hơn. Do đó, những doanh nghiệp hay phương án kinh doanh như vậy sẽ thu hút các bên cho vay nhiều hơn. Tương tự lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin tạo ra những loài mạnh mẽ, khỏe khoắn hơn, các nguyên tắc cho vay này có xu hướng tạo ra những công ty khỏe khoắn hơn, và một nền kinh tế mạnh mẽ hơn.

Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu kết quả tài chính của khoản cho vay chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Các khoản cho vay cấp cho những tổ chức hay cá nhân không thành công trong việc tạo ra một sự đổi mới, cách tân cần thiết, hay mở rộng năng lực sản xuất sẽ làm suy yếu nền kinh tế nói chung, thông qua việc làm phung phí các khoản tiết kiệm.

Tuy nhiên, như chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong những phần sau, việc liên tục tăng lượng cung tiền (căn cứ trên khả năng vay nợ dường như vô hạn của Chính phủ) đã che giấu Sự thật rằng tín dụng thực bị hạn chế bởi nguồn cung hữu hạn của tiết kiệm.

Ngày nay người ta giả định rằng cách duy nhất cần thiết để làm cho thị trường tín dụng vận hành tốt là những người sẵn lòng đi vay (sẵn lòng vay và sẵn lòng hoàn trả vốn gốc và lãi đúng hạn – ND). Nhưng cũng giống như bất kỳ nguồn lực nào khác, các khoản tiết kiệm phải được tích lũy trước khi cho vay ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.