Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG 10: CHÚ CÁ TEO LẠI



Thế là hàng năm Chính phủ đều in ra số tiền giấy nhiều hơn lượng cá mà ngân hàng đang có để đem ra đổi cho người cầm tiền khi họ yêu cầu. Khi lượng tiết kiệm gửi vào ngân hàng giảm đi, các kỹ thuật viên về cá thực hiện phần việc của mình 16. Toàn bộ quá trình này thực sự độc hại. Bất chấp tính khẩn thiết của việc cần phải vãn hồi trật tự và quay trở lại với con đường phát triển bền vững, sự thực là các nghị sĩ không thể nào làm khác được.

Một số dự án do Chính phủ tài trợ có làm lợi cho một số người. Hải quân có thêm nhiều chiến thuyền lớn, ngăn chặn dân Bongoia qua đánh phá. Một hệ thống đường bộ dành cho xe thồ cũng khiến giao thông thuận lợi hơn. Trong khi đó, lợi ích của những dự án gây nhiều tranh cãi như dự án Đá Sạch (thuê người lau chùi các tảng đá dọc bờ biển sao cho sạch sẽ, sáng bóng!) thì rất khó lượng hóa. Tuy nhiên, việc hòn đảo có thật sự cần những hòn đá bóng loáng này hay không vẫn chẳng làm giảm đi sự ủng hộ dành cho dự án này, đặc biệt là từ những ai kiếm được việc làm tại đây.

Đồng thời, cơ quan mới thành lập là Bộ Ngư nghiệp bắt đầu xúc tiến công việc. Bộ này đưa ra gói lương bổng hấp dẫn nên dễ dàng tuyển dụng được người lao động. Những người có được việc làm ổn định tại đây đương nhiên rất vui lòng ủng hộ khi bầu cử cho những ông nghị hảo tâm của họ.

Nhưng dưới bề mặt dường như an bình ấy, có những vấn đề thật sự đang âm ỉ…

Do không có động cơ cá nhân trong việc chấp nhận rủi ro và kiếm lời, Bộ Ngư nghiệp không thể trở thành hình mẫu về hiệu quả đánh bắt cá trên đảo.

Tỷ lệ tăng trưởng sản lượng cá đánh bắt được không cao bằng tốc độ cung tiền mà Nghị viện đã đưa vào lưu thông.

Chẳng mấy chốc số giấy bạc phát hành đã trở nên quá nhiều, khiến các kỹ thuật viên phải tăng tỷ lệ quy đổi: từ 9/10 biến thành 4/5, tức là một con cá chính thức nay nhỏ hơn 20% so với cá thật.

Rồi sau đó, khi vẫn là chưa đủ, tỷ lệ quy đổi tiếp tục giảm xuống còn 2/3, và cuối cùng là 1/2.

Khi những con cá chính thức ngày một nhỏ đi, dân đảo rõ ràng không thể sống chỉ với 1 con cá hàng ngày. Đa số mọi người phải ăn 2 con cá một ngày mới đủ no.

Do cá được dùng như tiền, nên giá cả của mọi thứ phải tăng theo để tương ứng với giá trị dinh dưỡng đang giảm đi của cá. Thế là vấn đề khó chịu về “lạm phát cá 17″ ra đời. Hiệu quả sản xuất trước kia là cái làm giá cả giảm đi, còn lạm phát do Chính phủ tạo ra ngày nay lại làm giá cả tăng lên!

Điều lạ lùng là không ai đồng ý với nhau về nguyên nhân giá cả leo thang. Ally Greenfin bèn đưa ra một lý thuyết cần thiết.

“Lạm phát cá”, ông ta tuyên bố, “là do một hiện tượng được gọi là sức đẩy chi phí – giá cả – cá”, ông ta cho rằng tỷ lệ việc làm cao (một phần bởi những công việc do những dự án của Chính phủ tạo ra) cùng với một nền kinh tế mạnh mẽ sẽ tạo ra nhu cầu lớn hơn về cá, khiến giá cả gia tăng.

Để chứng minh cho sự thịnh vượng, Greenfin lưu ý rằng đa số dân đảo ngày nay đang ăn số cá nhiều gấp đôi so với cha mẹ của họ trước đây!

Greenfin cũng cảnh báo rằng nếu không có sự kích thích của quá trình lạm phát cá một cách thường xuyên, người dân sẽ mất đi sự thèm ăn, dừng nhu cầu về cá, khi đó nền kinh tế của đảo sẽ co lại. Ông ta cũng đưa ra lý thuyết là mức lạm phát cá khoảng 1,5 bụng cá hàng năm sẽ là tối ưu 18. Để kết luận, ông ta nói lạm phát cá là cần thiết để tăng trưởng kinh tế.

Franky hồ hởi: “Lập luận giỏi lắm, Ally. Với tài hùng biện, anh hoàn toàn có thể khiến một con cá nhảy ra khỏi thùng cá!”. Nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện vạch mặt chỉ tên Chính phủ, nguyên nhân thực sự của lạm phát.

Với một tấm séc trắng muốn ghi bao nhiêu thì ghi, Chính phủ tiếp tục phỉnh phờ dân chúng bằng việc phát hành càng lúc càng nhiều tiền giấy. Theo đó, những con cá chính thức tiếp tục teo lại về kích cỡ, giá trị ngày càng giảm. Đương nhiên giá cả và lương bổng vì thế phải tăng lên. Tuy trong một vài năm người ta có thể không chú ý tới lạm phát cá vì năng suất tăng lên, song có 2 điều chắc chắn: cá không bao giờ lớn trở lại, giá cả không bao giờ đi xuống!

Khi lạm phát cá trở nên nhanh hơn, người dân bắt đầu nhận ra rằng những con cá họ rút ra từ ngân hàng nhỏ hơn so với khi họ ký gửi trước đây. Vì thế, bất chấp tiền lãi nhận được, người ta bắt đầu tiết kiệm ít đi, một số người không tiết kiệm nữa. Thay vào đó, cá được tiêu dùng nhanh hơn do mọi người sợ rằng giá trị của chúng ngày càng giảm do giá cả gia tăng.

Gánh nặng thực sự của lạm phát cá rơi xuống đầu những người đã về hưu. Những người từng ký gửi cá tại ngân hàng khi họ còn làm việc nay nhận ra rằng để tồn tại, họ phải ăn 2-3 con cá mỗi ngày. Số cá tiết kiệm mà họ từng tính toán sẽ nuôi sống họ trong 20 năm, nay tan biến chỉ sau 4 hay 5 năm.

Do lạm phát làm giảm tiết kiệm, các khoản ký gửi tại ngân hàng cũng co lại. Kết quả là không còn nhiều nguồn vốn để tài trợ cho các dự án đầy hứa hẹn hay vực dậy những doanh nghiệp khó khăn. Trong tình hình đó, doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô, sa thải nhân công. Để chống lại ảnh hưởng của lạm phát, ngày càng có nhiều người tìm đến sự đầu tư rủi ro cao trong quỹ Manny Fund, với hy vọng có lợi nhuận cao để bù lại cho những mất mát kể trên.

Khi thất nghiệp cao tới mức báo động, người dân đòi hỏi Chính phủ phải làm một điều gì đó.

Nghị viện cố gắng đảm bảo việc làm bằng cách đưa ra những hạn chế chặt chẽ về lương, cũng như các điều kiện tuyển dụng và sa thải nhân viên. Những hạn chế này khiến kinh doanh càng khó khăn hơn, hạn chế khả năng phát triển của các doanh nghiệp.

Thời gian trôi qua, một nghị sĩ khác là Lindy B. lại nhìn ra một cơ hội thắng cử nữa, lần này là với chương trình Đại Xã hội. Lindy cam kết rằng nếu trúng cử ông ta không chỉ trang bị thêm những ngọn giáo lớn hơn cho hải quân mà còn vực dậy nền kinh tế bằng cách cấp trợ cấp thất nghiệp (bằng tiền) cho toàn bộ người lao động bị mất việc tạm thời.

Đối thủ của Lindy là Buddy Goldfish, ông này chẳng hứa hẹn gì ngoài sự quản lý thận trọng nguồn tiết kiệm của hòn đảo, bảo vệ tự do kinh tế của người dân. Quan trọng hơn, Buddy cho rằng hòn đảo không thể kham nổi chi phí của một chương trình hoang phí kiểu “giáo và cá” như những gì Lindy B. đề xuất.

Chẳng có gì lạ khi ông nghị Lindy thắng cử với ưu thế tuyệt đối!

Và thế là quá trình trên lại tiếp tục. Tiền giấy tiếp tục được in ra mỗi lúc một nhiều, còn đoàn thuyền đánh cá trở về với càng ngày càng ít hơn những con cá thực thụ.
Khi cá chính thức chỉ còn bằng một phần mười cá thật, ngay cả Ally Greenfin cũng hiểu là ông ta không thể làm hơn được nữa. Khi kho cá của ngân hàng chi còn là những đống xương cá, ông ta lao đến Nghị viện và đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Một trong những lý do khiến các nhà kinh tế rất thành công trong việc che giấu nguồn gốc của lạm phát là việc họ đã bỏ qua chính định nghĩa của thuật ngữ này. Hầu như tất cả mọi người tin rằng giá cả tăng là lạm phát. Do đó nếu giá không tăng, sẽ không có lạm phát.

Nhưng giá tăng chỉ là kết quả của lạm phát mà thôi. Lạm phát thực ra là sự gia tăng của lượng cung tiền.

Bất kỳ cuốn từ điển nào xuất bản trước năm 1990 đều định nghĩa lạm phát là một sự gia tăng của lượng cung tiền. Các ấn bản sau này đã thận trọng hơn khi định nghĩa lạm phát. Nhưng nếu hiểu đúng định nghĩa của lạm phát, bạn sẽ biết là giá cả có thể không tăng hay thậm chí giảm đi, mà lượng cung tiền vẫn tăng.

Trong thời kỳ suy thoái, người ta sẽ khôn ngoan dừng chi tiêu lại. Khi mọi người dừng chi tiêu, nhu cầu và giá cả đều giảm. Nhưng đôi khi những yếu tố này được bù lại bằng việc gia tăng cung tiền, làm giảm đi giá trị của tiền. Khi xảy ra lạm phát trong suy thoái, giá có thể tăng (nếu nhà máy in tiền của Chính phủ làm việc đủ nhanh!), có thể giữ nguyên hay thậm chí giảm ít hơn so với khi không có lạm phát.

Tuy nhiên, trong suy thoái giá cả cần phải giảm để tái cân bằng nền kinh tế. Suy thoái phải mang tính chất giảm phát. Giá cả giảm sẽ làm nhẹ bớt tác động của thất nghiệp. Các nhà kinh tế hiện đại, bằng cách nào đó, lại xem giá giảm là địa ngục dẫn tới việc tàn phá nhu cầu. Họ quên rằng khi giá cả giảm đủ sâu, người dân sẽ chi tiêu trở lại. Quá trình này giúp giải phóng lượng hàng hóa tồn kho không cần thiết, tạo điều kiện cho giá cả giảm xuống mức phù hợp với cung và cầu.

Bằng cách giữ giá cao một cách giả tạo, lạm phát sẽ ngăn cản quá trình vừa nêu. Các Chính phủ ngày nay rất linh hoạt trong việc chống lại suy thoái bằng cách in thêm tiền. Nếu họ đi quá xa, họ sẽ tạo ra tình trạng lạm phát và suy thoái cùng một lúc, dẫn đến một tình trạng gọi là “lạm phát đình đốn” (stagflation) đã nở rộ trong những năm 1970. Với việc cố tình lãng quên tình trạng này trong những năm 1970, các nhà kinh tế ngày nay khẳng định rằng lạm phát và thất nghiệp không thể cùng tồn tại. Họ lập luận rằng khi người ta mất việc làm, lượng cầu sẽ giảm; nhưng họ quên mất vế còn lại của đẳng thức. Khi thất nghiệp tăng, ít người làm việc hơn, hàng hóa sẽ được sản xuất ra ít hơn, làm giảm tổng cung. Khi hàng hóa khan hiếm, giá cả sẽ tăng. Đổ thêm tiền vào sẽ làm giá cả tiếp tục tăng thêm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.