Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG 2: CHIA SẺ CỦA CẢI



Dường như Able – nhà kinh doanh, một người dám chấp nhận rủi ro để thực hiện một ý tưởng kinh doanh hay tạo ra lợi ích – sẽ có một tương lai tươi sáng. Nhưng những cư dân còn lại của hòn đảo thì sao? Phải chăng chúng ta vừa tạo ra một hệ thống đẳng cấp, bao gồm những người có của và những kẻ chẳng có gì? Liệu Baker và Charlie có phải chịu thiệt thòi vì thành công của Able hay không? Có lẽ là không. Dù bản thân Able chưa bao giờ có ý định làm lợi cho người khác, chính tư liệu sản xuất của anh ta đã giúp ích cho mọi người xung quanh. Chúng ta hãy cùng xem việc này đã xảy ra như thế nào.

Sau khi chứng kiến Able bắt cá một cách dễ dàng, hai ông bạn Baker và Charlie quyết định đề nghị Able chia sẻ dụng cụ bắt cá mới mẻ này.

Charlie lên tiếng trước “Nè, Able! Cách một ngày anh mới dùng cây vợt một lần, đúng không? Vậy trong ngày mà anh không bắt cá, anh có thể cho tôi mượn cây vợt được không?”.

“Thôi mà, chia sẻ cho anh em với nha, bồ!”, Baker thêm vào.

Nhưng Able đâu có phải là gã khờ. Anh ta nhớ lại sự hy sinh của bản thân, những lời chế nhạo của bạn bè, và anh ta cũng nghĩ đến những rủi ro nữa. “Cho họ mượn, lỡ họ làm hỏng vợt, hay… không thèm trả lại thì sao? Khi đó mình coi như mất trắng, lại trở về vạch xuất phát!”.

Với tất cả những suy tính đó, Able từ chối: “Xin lỗi các bồ, không được đâu. Tôi tự làm cây vợt bắt cá, thì các bồ cũng có thể làm được. ít ra thì các bồ cũng biết trước là nó có thể dùng để bắt cá được!”.

Mặc dù Charlie thấy rõ hiệu quả của việc dùng vợt bắt cá, anh ta vẫn cứ lo lắng về việc phải tự mình làm ra một dụng cụ như vậy. Anh ta trả lời Able: “Làm sao tôi biết cách làm cho đúng? Tôi chưa từng làm điều đó bao giờ, hơn nữa tôi chịu đói rất kém. Mỗi khi đói là tôi lại run hết cả người. Có khi chưa làm xong cây vợt bắt cá thì tôi đã chết đói mất tiêu rồi”.

Baker bèn đưa ra một đề nghị khác: “Được rồi, anh bạn keo kiệt! Tụi này hiểu là bạn sẽ không làm ơn làm phước gì cho tụi này rồi. Hay là làm như vầy đi: Bạn cho tụi này vay một ít cá trong số cá dư ra của bạn, trong thời gian tụi này làm vợt bắt cá. Như vậy sẽ không ai chết đói, và sau này khi đã có vợt, tụi này sẽ bắt được nhiều cá hơn và trả lại cho bạn tất / cả số cá đã vay, được không?”.

Ý kiến này hấp dẫn hơn, nhưng Able vẫn hoài nghi. “Cho vay cá, tôi chẳng được ai đảm bảo rằng các anh sẽ không nằm ườn ra trên bờ biển và chẳng làm gì cả. Hoặc ngay cả khi các anh làm ra cây vợt bắt cá của mình, chắc gì nó đã dùng được. Trong cả hai trường hợp, các anh sẽ chẳng bao giờ có thể trả lại cá cho tôi, và như thế tôi sẽ mất đi khoản tiết kiệm cá của mình mà chẳng được gì sất. Các anh phải đưa ra đề nghị nào tốt hơn kìa!”.
Charlie và Baker thừa nhận Able có lý. Họ đã đòi hỏi bạn mình chịu một rủi ro mà chẳng được lợi ích cá nhân gì để bù lại cả. Nhưng viễn cảnh có thêm nhiều cá quả thật là quá hấp dẫn và đáng thèm muốn. Chẳng bao lâu sau, hai người nghĩ ra một cách để lôi kéo Able thử một cơ hội khác.

Họ suy nghĩ, nghiền ngẫm những con số, và cuối cùng một ý tưởng tài chính đã ra đời!

Baker tiến đến Able và đề nghị: “Chúng mình hãy thỏa thuận thế này nhé: Cứ một con cá bạn cho tụi này vay, tụi này sẽ trả lại hai con. Đó là lợi nhuận với tỷ lệ 100%.

Trên hoang đảo này, liệu bạn có thể kiếm đâu ra một khoản lời như thế?”.

Able bị thuyết phục. “Đề nghị này làm tôi quan tâm rồi đấy”, anh ta nói nghiêm túc.

Able thầm nghĩ về món hời sắp tới: “Nếu mình cho bọn kia vay hai con cá, mình sẽ lấy về được bốn con. Thế là không phải làm gì mà tự nhiên có thêm hai con cá nữa. Chà chà, mình sẽ thành vua cá xứ đảo này”.

Nói một cách hình ảnh, chúng ta có thể thấy chính vào thời điểm này Able đã “vượt vũ môn”. Còn nếu đây là một bộ phim của Hollywood, từ lúc này Able đã bắt đầu vểnh râu như một đại gia, kiếm tiền trên lưng người khác, giành được lợi nhuận từ lao động của họ.

Tuy nhiên, hình ảnh đó chưa hẳn đã chính xác. Ngay cả khi ý định của Able chỉ là làm đầy thùng cá của bản thân, sự tham lam ích kỷ đó (chúng tôi không tìm ra từ nào có vẻ “nhẹ nhàng” hơn từ này!) vẫn tạo ra một lợi ích vốn không thể tồn tại nếu anh ta… không tham lam.

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là Able hoàn toàn không nhất thiết phải cho vay cá. Anh ta có một loạt lựa chọn sau đây:

1. Cứ giữ lấy số cá dư thừa của mình để mai mốt lấy ra ăn. Đây đương nhiên là lựa chọn an toàn nhất. Anh ta chắc chắn sẽ không mất mát gì, nhưng đồng thời khoản tiết kiệm (cá) cũng chẳng thể tăng thêm.

2. Chiều chuộng bản thân bằng cách… chén luôn số cá còn dư.

3. Thành lập một công ty cho thuê vợt đánh cá. Tính toán của anh ta là: nếu ăn một con cá dự trữ / một ngày trong vòng hai ngày, anh ta có thể đan thêm hai cái vợt nữa. Kế đến, sẽ cho Baker và Charlie thuê hai cây vợt này, với giá thuê là… nửa con cá / ngày. Như thế, với hai người thuê vợt, mỗi người trả nửa con cá hàng ngày, thì Able sẽ đủ cá ăn mà khỏi phải tự mình đi bắt cá nữa. Bravo! về hưu sớm và nghỉ ngơi được rồi!

Vẫn trong kịch bản này, một khi đã thuê được vợt, Baker và Charlie sẽ bắt được hai con cá mỗi ngày. Sau khi trả cho Able nửa con cá (phí thuê vợt!), mỗi người sẽ còn lại 1,5 con, tức là nhiều hơn nửa con mỗi ngày so với trước khi đi thuê vợt. Rõ ràng đây là một giải pháp khiến tất cả đều có lợi.

Mặc dù nghe có vẻ hấp dẫn, song Able vẫn nhận thấy một số khiếm khuyết trong logic của mình. Baker và Charlie có thể thuê vợt trong hai ngày, rồi khi đã có dư cá (khoản tiết kiệm), họ sẽ ngồi nhà và tự làm vợt cho mình. Như thế, theo kịch bản này thì Able chi có thể ngồi chơi xơi… cá vỏn vẹn có hai ngày mà thôi. Và đó là một rủi ro thực sự!

4. Cho Baker và Charlie vay hai con cá, và tính lãi suất 100%. Như thế, nếu họ trả đủ cả vốn lẫn lời, Able sẽ nhận lại bốn con cá. Tất nhiên, vẫn có rủi ro bị… xù nợ!

Giờ phải quyết định… quyết định… quyết định ra sao đây, Able?

Tóm lại, chàng Able của chúng ta (cũng như cả xã hội) có năm cách xử lý các khoản tiết kiệm của mình, như sau:

1. Tiếp tục tiết kiệm.

2. Tiêu dùng.

3. Cho người khác vay.

4. Đầu tư.

5. Kết hợp cả 4 cách nói trên.

Đương nhiên là quyết định sau cùng của Able sẽ tùy vào kỳ vọng về rủi ro và lợi ích của bản thân anh ta. Nhưng dù lựa chọn quyết định nào đi nữa, anh ta cũng đang làm lợi cho nền kinh tế của hòn đảo và không áp đặt gánh nặng nào cho những người bạn láng giềng của anh ta.

Và cuối cùng, Able chọn cách cho vay.

KIỂM TRA THỰC TẾ

Kết quả của việc Able có khả năng và sẵn lòng cho vay cá là Baker và Charlie giờ đây đã có vợt bắt cá, công cụ mà trước đây họ còn thiếu. Khi mọi người đều có vợt bắt cá, công suất bắt cá của hòn đảo tăng gấp đôi, từ 3 con/ngày lên 6 con/ngày! Nền kinh tế của chúng ta đã tăng gấp đôi về quy mô, và tương lai dường như sáng sủa hơn.

Nhưng điều này xảy ra không chỉ vì ba chàng trai trên đảo không hài lòng với mức sống hiện tại của họ. Sự đòi hỏi có một cuộc sống phong phú hơn, nói theo thuật ngữ kinh tế là “nhu cầu”, mới chỉ là điều kiện cần cho sự tăng trưởng kinh tế, chứ chưa đù để đảm bảo đạt được sự tăng trưởng đó.

Một cách tự nhiên, mọi người đều có nhu cầu ngày càng tăng. Dù đã có bao nhiêu của cải đi nữa, chúng ta vẫn muốn nhiều hơn, nói nôm na là “được voi, đòi tiên”! Cũng có thể là con người không đòi hỏi nhiều vật chất hơn, mà là nhiều thời gian hơn, nhiều niềm vui hơn, nhiều lựa chọn hơn. Tất cả những đòi hỏi đó đều cần nhiều tư liệu sản xuất hơn. Cả Able, Baker và Charlie đều có những nhu cầu về cá giống nhau suốt bao nhiêu năm qua. Sự khác biệt ở đây là cuối cùng họ đã có thể tăng năng suất bắt cá để đáp ứng những nhu cầu đó.

Do bắt được nhiều cá hơn, cư dân đảo nay đã có thể ăn nhiều hơn một con cá trong ngày. Nhưng nền kinh tế không tăng trưởng vì họ tiêu dùng nhiều hơn. Ngược lại, người ta tiêu dùng nhiều hơn vì kinh tế tăng trưởng. Khái niệm này hết sức đơn giản, nhưng các nhà kinh tế hiện đại có thể làm được nhiều điều đáng kinh ngạc từ một khái niệm đơn giản như thế.

Với một số người, dường như Able đã sử dụng lợi thế của bản thân để “bóc lột” những người hàng xóm đang gặp khó khăn. Đúng là sau này Able kiếm ra lợi nhuận mà không phải làm việc, nhưng điều đó không có nghĩa là anh ta tự nhiên có được nó mà không làm gì. Lợi nhuận thu được chính là sự đền bù cho rủi ro mà Able đã gánh chịu. Hơn nữa, việc Able kiếm ra lợi nhuận không hề ngăn cản bước tiến của những người khác.

Do Able muốn kiếm lời từ khoản tiết kiệm của mình, Baker và Charlie có cơ hội làm những cây vợt bắt cá (tư liệu sản xuất) của họ mà không phải tiêu dùng dưới mức, hay hạn chế tiêu dùng. Nếu thành công, họ sẽ cải thiện được tương lai kinh tế của bản thân mà không phải trải qua những đêm nhịn đói. Ngoài ra họ có thể thu được những khoản lợi ngoài dự đoán nữa, chính xác hơn là dầu cá. Nếu họ thất bại và không trả được số cá đi vay lúc đầu, chính Able mới là người chịu thiệt.

Như vậy, về cơ bản, người cho vay chỉ có thể có lợi nếu người đi vay có lợi mà thôi.

Tất nhiên, có những người không thể thấy rõ những lợi ích song phương như vậy. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra khi Baker và Charlie ghen tỵ với của cải gia tăng của Able và đòi… chia phần? Hãy tưởng tượng một kịch bản khác như sau:

Baker bực bội càu nhàu:”Hãy nhìn thằng cha Able đang lên mặt với anh em mình kìa. Hắn thì chải chuốt trong bộ đồ lớn bằng lá cọ, còn anh em ta thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hì hục bắt mấy con cá trơn tuột này. Hắn ta có lòng thương người hay không chứ? Không lẽ không chia cho mình một hai con cá nhép để mình có thể nằm nghỉ một hai ngày được sao? Able có cả đống cá, làm sao nó biết được nếu mất một con cá?”.

Charlie đồng tình: “Đúng đó! Này, anh bạn mới phất, chia bớt chút đỉnh cho bạn bè đi chớ!”.

Hoặc một kịch bản khác nữa cũng có thể xảy ra:

Giả sử rằng Able cảm thấy ái ngại đôi chút khi bỗng dưng giàu có hơn các bạn, do đó bị lý lẽ của hai người kia thuyết phục và đem số cá dư ra cho họ mà không đòi hỏi điều gì. Thế thì khi đó Baker và Charlie sẽ làm gì với số cá dôi dư này?

Khi đó, do không phải chịu gánh nặng trả nợ, nhiều khả năng họ sẽ dùng “món quà” từ Able để kéo dài thời gian chơi bời giải trí. Thực ra mà nói, chẳng có gì sai nếu người ta vui chơi, bởi đó là mục đích của hầu hết các hoạt động của con người. Vấn đề là những ngày nghỉ của Baker và Charlie không làm gia tăng năng lực sản xuất (hay công suất bắt cá) của hòn đảo nói chung.

Đồng thời, tuy lựa chọn mang tính từ thiện nói trên có thể làm Able trở nên hào hiệp và được yêu mến hơn, nó không thể mang lại một sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như một khoản vay.

Kết luận sau cùng là: bất cứ điều gì dẫn tới việc gia tăng sản xuất (trong ví dụ này là việc bắt cá) cũng sẽ làm lợi cho hòn đảo. Càng bắt được nhiều cá, mọi người càng có khả năng ăn nhiều hơn, có thời gian làm những việc khác ngoài bắt cá, hay thậm chí được ngồi chơi, khỏi phải làm gì cả.

 

KIỂM TRA THỰC TẾ

Một số người tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Able trở nên tham lam, chỉ muốn ngày càng giàu hơn với số của cải mới kiếm được.

Điều đó có thật sự là một nguy cơ không? Nếu cách duy nhất để làm gia tăng khoản tiết kiệm (trong khi bản thân Able không phải lao động) là để người khác sử dụng / vay khoản tiết kiệm đó, thì đâu có lý do gì Able phải “găm hàng”? Bởi nếu làm như vậy, của cải của anh ta sẽ giữ nguyên, hay thậm chí giảm đi khi bản thân tiêu dùng.

Như vậy, điều tốt nhất của chủ nghĩa tư bản tư nhân là ở chỗ nó buộc tất cả những ai vốn chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình phải làm sao để tăng mức sống của những người khác.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Của cải hay sự giàu có (wealth) là một thuật ngữ mang tính tương đối. Trong một xã hội nguyên thủy với rất ít hàng hóa vật chất ngày xưa, ngay cả người giàu nhất cũng không thể giàu có về mặt vật chất bằng với một người nghèo trong xã hội công nghiệp ngày nay được. Vào thời Trung Cổ, ngay cả những ông vua hùng mạnh nhất cũng thiếu những tiện nghi cơ bản mà hầu như mọi người Mỹ thông thường coi như đương nhiên, chẳng hạn hệ thống sưởi và ống nước trong nhà, rau xanh ngay trong mùa đông v.v… Và mặc dù Baker và Charlie coi việc chỉ phải đi bắt cá hai ngày một lần là đỉnh cao của sự xa hoa đáng mơ ước, có lẽ với chúng ta một cuộc sống như vậy chẳng có gì cao xa cả.

Nhưng sự thật là nhiều người cho rằng việc có nhiều mức độ giàu có là bất công. Lập luận cơ bản của họ là niềm tin rằng người giàu trở nên giàu có bằng cách chiếm đoạt của cải từ những người khác, từ đó hình thành người nghèo. Trong kinh tế học hiện đại, người ta đặt tên cho ý tưởng này là “lý thuyết lao động về giá trị”, theo đó lợi nhuận được tạo ra bằng cách trả lương cho người lao động ít hơn với những gì họ đáng được nhận. Theo quan điểm này, những nhà kinh doanh mạo hiểm như Able hay những tập đoàn lớn, chỉ có thể làm giàu nếu họ thành công bằng cách… làm nghèo người khác.

Ý tưởng này chỉ mang vẻ bề ngoài đạo đức và chẳng liên quan gì đến thực tế cả. Lý do mà người giàu trở nên giàu có (ít nhất là vào lúc đầu) là việc họ đã mang lại điều gì đó có giá trị cho người khác. Able cung cấp các khoản vay cá cho các bạn của anh ta, những người không tiết kiệm đủ. Nếu anh ta có kiếm được lợi nhuận, đó chẳng qua là vì dịch vụ mà anh ta cung cấp có đôi chút giá trị với những người khác.

Còn nếu Able là một “đại ca” trên đảo và ăn cướp phân nửa số cá mà hai người kia bắt được hàng ngày, chúng ta có thể suy luận rằng sự giàu có của Able bắt nguồn từ sự nghèo khó của những người bị Able bóc lột, áp chế. Tuy nhiên, hành động này (trong đó rõ ràng bao gồm việc bắt người khác hành động ngược với lợi ích của họ) xét trên tổng thể không hề làm tăng năng lực sản xuất của hòn đảo: Able chỉ đơn giản là ăn chặn những gì người khác làm ra, còn sản xuất của cả hòn đảo vẫn y nguyên. Nhiều khả năng là công suất tổng thể còn giảm đi nữa, khi những kể bị áp bức làm việc ít đi vì thấy rằng thành quả lao động của họ có thể bị đánh cắp.

Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta thấy đầy rẫy các ví dụ ở quy mô lớn về sự cưỡng ép này: chế độ nô lệ, chế độ nông nô và phong kiến v.v… Tuy người lao động phản ứng lại bằng bạo lực khi quyền lợi của họ bị từ chối, phản ứng của họ hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như họ là người hưởng lợi từ lao động của bản thân.

Thật không may là trong lịch sử toàn cầu, rất hiếm khi sự tự do kinh tế trên quy mô lớn diễn ra. Nhưng khi lợi ích cá nhân được cho phép phát triển, năng lực sản xuất sẽ mở rộng nhanh chóng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.