Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

LỜI BẠT



Kết cục buồn thảm của hòn đảo Usonia trong câu chuyện mà chúng tôi vừa kể không nhất thiết phải là số phận của một hòn đảo lớn hơn rất nhiều – Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Không may là nếu các nhà lãnh đạo Mỹ càng tiếp tục theo đuổi những chính sách tương tự với những gì đã gây ra khủng hoảng tài chính, thì khả năng kết cục đó diễn ra lại càng cao!

Tuy ý tưởng dùng sự can thiệp và kích thích của Chính phủ như là liều thuốc giải độc trước những thất bại của chủ nghĩa tư bản thị trường là do Keynes khai sinh và Tổng thống Roosevelt tiếp tục phát triển, song phải đến thời kỳ của các ngài Alan Greenspan, George Bush, Ben Bernanke và Barack Obama thì ý tưởng đó mới thực sự đi vào cuộc sống. Trước năm 2002, chúng ta chưa bao giờ có thâm hụt ngân sách liên bang ở mức kinh khủng như hiện nay (vượt mức 1.500 tỷ USD mỗi năm), cũng như chưa bao giờ chứng kiến lãi suất thấp kỷ lục và thị trường tín dụng bị làm méo mó như hiện nay.

Những lỗi lầm về chính sách là hết sức cơ bản, thế mà chúng ta vẫn tiếp tục mắc phải.

Năm 2002, sau vụ khủng hoảng đầu tư vào các công ty công nghệ cao (bong bóng “dot-com”), với hàng tỷ dollar đổ vào những công ty sau đó hoàn toàn vô vọng, nền kinh tế bước vào giai đoạn lẽ ra phải là đợt suy thoái kéo dài hơn dự đoán. Nhưng tân Tổng thống George Bush không muốn nền kinh tế ảm đạm vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc tái đắc cử của chính ông ta. Thế là ngài Tổng thống và các nhà tư vấn của ông ta bốc lại thang thuốc cũ của Keynes, Với những khoản chi tiêu của Chính phủ và việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ cao chưa từng thấy qua nhiều thế hệ.

Kết quả, giai đoạn 2002-2003 là giai đoạn suy thoái ngắn kỷ lục, tuy nhiên cái lợi trước mắt đó kéo theo cái giá phải trả về lâu dài là rất nặng nề. Nước Mỹ kết thúc đợt suy thoái nói trên với sự mất cân bằng lớn hơn rất nhiều so với trước đó. Điều này lẽ ra không được phép xảy ra.

Thay vì thúc đẩy tăng trưởng thực, chúng ta lại thúc đẩy một bong bóng tài sản khác (lần này là bong bóng nhà đất) để tạm thời vượt qua đợt suy thoái do bong bóng công nghệ đã vỡ tung gây ra. Giá nhà đất tăng cao đem lại nhiều lợi ích khiến người ta lầm tưởng là sức mạnh kinh tế, song thực sự đó chỉ là những ảo ảnh mà thôi.

Thảm họa thật sự xảy đến sáu năm sau đó, khi bong bóng vỡ tiếp một lần nữa, mà chúng ta vẫn không học được gì từ những bài học quá khứ. Trong việc chẩn bệnh và kê đơn cho đợt suy thoái 2008, các nhà kinh tế và các nhà chính trị vẫn tiếp tục lầm đường lạc lối một cách cực kỳ nguy hiểm.

Trong những tháng sau khi nền tài chính thế giới nổ tung, có một sự nhất trí cao rằng việc thiếu các quy định quản lý phù hợp là nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Vai trò của Chính phủ và nhất là của Fed (Hệ thống Dự trữ Liên bang) hầu như không được tính đến khi tìm hiểu nguyên nhân khủng hoảng. Chính vì lẽ đó, chúng ta tăng cường thực hiện những thứ thực ra không cần làm (chi tiêu và siết chặt việc điều tiết, quản lý của Nhà nước), trong khi không thực hiện đủ những việc thực sự cần thiết (tiết kiệm và tự do kinh doanh).

Những nhà lãnh đạo phố Wall cũng hết sức vô trách nhiệm. Trong những năm kinh tế phát triển tốt, các ngân hàng lớn thu được những khoản lợi nhuận kếch sù. Khi khủng hoảng diễn ra, lẽ ra họ phải trả giá nhiều hơn những gì họ đang gánh chịu. Nhưng các ngân hàng đã tận dụng bàn tay điều tiết méo mó của Chính phủ. Một cách phi lý trí, những nhà lãnh đạo của chúng ta tiếp tục khuyến khích mua nhà, chi tiêu và tín dụng, trong khi không khuyến khích tiết kiệm. Tất cả những điều đó làm xói mòn thị trường.

Các chính sách của Fed (Hệ thống Dự trữ Liên bang), Cơ quan quản lý Nhà đất Liên bang, rồi Fannie Mae và Freddie Mac (thực chất cũng là những tổ chức của Chính phủ) đã tạo ra những lợi thế cho việc kinh doanh nhà đất, đồng thời loại bỏ mọi rào cản với việc cho vay / đi vay. Kết quả là chúng ta có bong bóng tín dụng và nhà đất – một bong bóng chỉ có thể phình to, cho đến khi nào… không thể phình to hơn mà thôi!

Lãi suất thấp một cách giả tạo khiến nền kinh tế có vẻ khỏe mạnh hơn, tạo điều kiện cho các khoản cho vay mua nhà thế chấp Với lãi suất điều chỉnh theo thời gian và các khoản cho vay với lãi suất đầy vẻ mời mọc bùng nổ, khiến giá nhà dù cao vô lý mà trông vẫn có vẻ chấp nhận được. Chính ngài Chủ tịch Fed – Alan Greenspan – cũng khuyến khích người dân tham gia mua nhà. Các cơ quan Chính phủ và những định chế được Chính phủ bảo trợ làm vấn đề trầm trọng hơn bằng việc bảo lãnh các khoản cho vay thế chấp với lãi suất có thể điều chỉnh (Adjustable-rate mortgage, hay ARM) mà chỉ căn cứ vào khả năng trả nợ của người vay ở mức lãi suất chào mời ban đầu (teaser rate: lãi suất ban đầu, thường thấp để mời chào người ta vay nhiều hơn

– ND). Không có những bảo lãnh này thì rất nhiều khoản vay thế chấp sẽ không bao giờ trở thành hiện thực!

Cũng giống như giá cả trên thị trường tự do được quyết định bởi cung và cầu, thị trường tài chính và bất động sản được quyết định bởi hai yếu tố đối lập nhau là lòng tham và nỗi sợ. Nhưng Chính phủ đã làm mọi cách để gạt bỏ hoàn toàn nỗi sợ của các thành viên thị trường!

Đầu năm 2008, khi những yếu tố thị trường làm xẹp hai bong bóng tài chính và nhà đất, thì Chính phủ lại bước vào để thổi phồng chúng lên một lần nữa. Đầu tiên là việc giải cứu Bear Stearns và AIG, sau đó là những bảo lãnh dành cho các định chế phố Wall như Bank of America và Goldman Sachs. Tiếp đến là chương trình mua lại những tài sản có vấn đề (TARP: Troubled Asset Relief Program) với ngân sách 700 tỷ USD của Bộ Tài chính Mỹ để mua lại các tài sản thế chấp mà lúc đó chẳng có ai trong khu vực tư nhân dám đụng vào! Rồi Chính phủ giải cứu tổ chức cho vay học tập Sallie Mae và thực tế đã quản lý toàn bộ thị trường cho vay học tập này. Các cuộc giải cứu các đại gia xe hơi ở Detroit diễn ra sau đó.

Các ngân hàng và doanh nghiệp lẽ ra đã phá sản nay lại được Chính phủ chống lưng để tiếp tục hoạt động. Nguồn vốn và lao động lẽ ra được thị trường huy động vào những mục đích khác có lợi hơn, thì nay lại được trao vào tay những hoạt động không thực sự cần thiết.

Khi người tiêu dùng dừng chi tiêu (điều này hoàn toàn hợp logic!) sau khi bong bóng nhà đất vỡ, thì Chính phủ lại nhảy vào với gói kích thích khổng lồ lên tới 700 tỷ USD nhằm duy trì mức chi tiêu như trước. Khoản chi tiêu này, thực chất là được Chính phủ vay mượn từ các thế hệ con cháu trong tương lai, đã ngăn người dân không phải chịu đựng những khó khăn của việc “có tới đâu tiêu xài tới đó”.

Bằng việc ngăn cản các lực lượng thị trường ghìm cương cơn sốt chi tiêu, thanh lý các khoản đầu tư kém, nâng cao nguồn tiết kiệm trở lại, tài trợ cho việc đầu tư vào tư liệu sản xuất và thúc đẩy dịch chuyển lao động từ khu vực dịch vụ sang khu vực sản xuất, Chính phủ đã cưỡng lại những liệu pháp trị bệnh, đồng thời làm căn bệnh trầm kha hơn. Trong quá trình này, chúng ta đã chuyển hóa hầu như mọi loại nợ nần thành nợ công (nợ của Chính phủ) và gây ra một bong bóng khác – bong bóng Trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Thật không may là bong bóng này đe dọa sẽ làm lu mờ mọi loại bong bóng tài sản trước đây. Khi bong bóng này cuối cùng nổ tung, sẽ làm giá tiêu dùng và lãi suất tăng vọt, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần so với các bong bóng công nghệ cao và bong bóng nhà đất cộng lại.

Nhưng chúng ta vẫn còn thời gian để dừng đoàn tàu lại trước khi nó trật bánh khỏi đường ray và lao đầu xuống vực. Chúng ta cần có những nhà lãnh đạo dám dũng cảm trung thực với cử tri. Chúng ta cần những cử tri dám chấp nhận đương đầu với thực tế khó khăn của quá trình phục hồi và làm mới lại nền kinh tế.

Trong nhiều năm, người Mỹ chúng ta đã vung tay quá trán, chi tiêu vô tội vạ. Nay chúng ta phải nỗ lực để chi tiêu cho vừa phải, trong phạm vi những gì mình làm ra mà thôi. Nếu làm được điều này, đồng thời để thị trường tự do vận hành mà không bị ngăn trở, chúng ta có thể tái cân bằng nền kinh tế và bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, tăng trưởng thực sự.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn tiếp tục đặt niềm tin mù quáng vào nợ nần, vào cỗ máy in tiền và những giải pháp không đau đớn của Chính phủ, thì tất cả chúng ta rồi sẽ đến lúc phải… bắt cá bằng tay không trở lại.

LỜI CẢM ƠN

Y tưởng trung tâm của câu chuyện ngụ ngôn trong cuốn sách này được lấy từ tác phẩm How an Economy Grows and Why It Doesn’t của Irwin A.Schiff, xuất bản năm 1985. Tác giả cuốn sách đó đã để lại ý tưởng nói trên cho chúng tôi, những hậu duệ của ông.

Các tác giả cảm ơn sự đóng góp của Brendan Leach trong việc minh họa nhanh chóng và sáng tạo cho cuốn sách, ông đã làm phong phú thêm về mặt hình ảnh cho khía cạnh hài hước của cuốn sách.

Chúng tôi cảm ơn các nhân viên của John Wiley & Sons, nhất là Kelly O’Connor, đã giúp biên tập cuốn sách thành một câu chuyện nhất quán, trôi chảy và vui tươi. Chúng tôi cảm ơn Mike Finger (công ty Euro Pacific Capital) về những phản hồi của ông về mặt triết lý cũng như mỹ thuật. Sau cùng, chúng tôi cảm ơn tất cả những độc giả đã hỗ trợ bằng cách gửi thư và trao đổi với cha chúng tôi, Irwin, trong nhiều năm qua. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với ông.

VỀ CÁC TÁC GIẢ

Peter D.Schiff là một tác giả ăn khách, với các tác phẩm được nhiều người biết tới như Crash Proof và The Little Book of Bull Moves in Bear Markets, cả hai đều được John Wiley & Sons xuất bản. Ông là một chuyên gia dự báo nhiều kinh nghiệm ở Phố Wall, được biết tới như là người dự đoán chính xác cuộc Đại Khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm 1996 ông bắt đầu sự nghiệp tại Shearson Lehman, sau đó tham gia Euro Pacific Capital – một công ty kinh doanh và môi giới chứng khoán chuyên về thị trường và chứng khoán nước ngoài, nơi ông trở thành Tổng Giám đốc vào năm 2000.

Ý kiến của ông thường xuyên được trích dẫn trên các ấn phẩm tài chính quan trọng như Wall Street Journal, Barron’s, Financial Times, New York Times, ông cũng tham gia các chương trình Rhu Squawk Box, Closing Bell, Fox News, và nhiều chương trình khác. Năm 2009, ông thông báo ra ứng cử vào Thượng nghị viện Mỹ tại tiểu bang Connecticut. Hiện ông sống tại Weston, CT với người vợ Martha và cậu con trai Spencer. Xem thêm thông tin về ông tại trang web chính thức www.peterschiffonline.com.

Andrew J.Schiff là Giám đốc Truyền thông của Euro Pacific Capital, từng đảm nhiệm vị trí người phát ngôn và người biên soạn của công ty này trong một thời gian dài. Là một chuyên gia về quan hệ truyền thông và truyền thông tài chính, Andrew từng diễn thuyết tại nhiều hội nghị quan trọng và trên truyền hình, nơi ông thể hiện quan điểm ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và hạn chế sự can thiệp của Chính phủ. Hiện ông sống ở Brooklyn, NY với người vợ Paxton và hai con là Ethan và Eliza. Thời gian rảnh rỗi của ông dành cho việc đọc sách lịch sử, tham quan các công trình kiến trúc và chơi madolin.

VỀ NGƯỜI MINH HỌA

Brendan Leach là nhà minh họa và viết ý tưởng truyện tranh tại New York. Tác phẩm của ông xuất hiện trên các báo chí như Time Out New York, Time Out New York Kids, The L magazine, SVA Visual Arts Journal, Paracinema Magazine, Smoke Journal, Rabid Rabbit, ông nhận bằng Thạc sỹ từ School of Visual Arts tại New York. Xem tác phẩm của ông tại www.iknowashortcut.com. Ông hiện sống ở Brooklyn, New York.

CHÚ THÍCH

1. Tức Financial Industry Regulatory Authority, là tổ chức tư nhân lớn nhất có chức năng điều tiết và quản lý các công ty môi giới chứng khoán tại Mỹ, hiện đang giám sát hơn 4.500 công ty chứng khoán – ND.

2. Tức là có hai bộ luật chi phối kinh tế học, một ở tầm vi mô và một ở tầm vĩ mô như đã nói ở trên – ND.

3. Để xem toàn bộ phần điều trần của Irwin, xin đọc phụ lục A của cuốn sách The biggest con: how the Government is fleecing you (Freedom Books, 1978)

4. Fed Funds Rate: Đây là lãi suất mà các tổ chức tín dụng (thường là các ngân hàng) cho nhau vay phần vốn dự trữ bắt buộc dư thừa (hoặc thiếu hụt tạm thời) đang nằm trong quỹ dự trữ liên bang theo yêu cầu đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (có thể gọi là lãi suất điều hòa vốn dự trữ qua đêm, hay lãi suất qua đêm liên ngân hàng).

5. Nhân vật nổi tiếng trong truyện ngắn Giáng Sinh yêu thương (A Christmas Carol) của Charles Dickens – ND.

6. Ở đây nói tới dự án xây cầu Gravina Island Bridge, thường được nhắc tới với cái tên “Cây cầu không tới đâu” (Bridge to Nowhere). Cây cầu này được người ta đề xuất xây dựng để nối liền thị trấn Ketchikan, Alaska với đảo Gravina, nơi chi có vỏn vẹn… 50 người dân! Dự toán lên tới gần 400 triệu USD! – ND

7. Ý nói khi đó mọi người lo kiếm ăn còn chưa xong, chẳng hơi sức đâu mà nghĩ đến những việc khác – ND.

8. Usonia là thuật ngữ của kiến trúc sư người Mỹ Frank Lloyd Wright, nói về tầm nhìn tương lai cho phong cảnh kiến trúc và cả nội thất các công trình xây dựng ở vùng đất mới này, khác biệt hoàn toàn với các thiết kế kiến trúc và xây dựng trước đó trên thế giới, ở đây, “Cộng hòa Usonia” chính là cách nói ám chỉ đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – ND.

9. Tạm dịch là “Người cá xuất hiện”. Tác giả nhại theo tên vở kịch nổi tiếng The Iceman Cometh của tác giả Eugene O’Neill năm 1939 – ND.

10. Tác giả nhại theo tên gọi chính thức của đồng dollar Mỹ, tức là Federal Reserve Note – ND.

11. Ở đây nói tới những dự án đầu tư công mà Franky Deep đã hứa hẹn với cử tri khi ra ứng cử – ND.

12. Tư duy theo nhiệm kỳ – ND

13. Tác giả muốn nói tới Bảo hiểm tiền gửi Liên bang tại Mỹ, cũng viết tắt là FDIC (Federal Deposit Insurace Corporation) – ND.

14. Tác giả nhại theo tên Alan Greenspan, cựu chủ tịch Fed – ND.

15. Nhại theo tên của Hệ thống dự trữ Liên bang (Federal Reserve Bank) – ND.

16. Ý nói là chế ra những con cá giả như đã nói ở chương trước, ám chỉ việc in thêm tiền – ND.

17. Nguyên văn: fishflation, nói nhại theo inflation – ND

18. Nguyên văn là “one-half of a fish belly”, ở đây tác giả giễu nhại cách đưa ra những lý thuyết kinh tế rối rắm của những người như Cựu Chủ tịch Fed, ông Alan Greenspan, trong việc bào chữa cho tình trạng lạm phát kéo dài của nước Mỹ – ND.

19. Nguyên văn “Other islands could efficiently outsource consumption to Usonia” là một câu châm biếm của tác giả: trong khi Usonia thuê người dân đảo khác sản xuất giùm cho Usonia, thì các đảo khác có thể “thuê” người dân Usonia tiêu dùng giùm họ, vì dân Usonia là những người tiêu dùng hiệu quả nhất! – ND.

20. Nguyên văn là fish Standard, nhại theo gold Standard – bản vị vàng của đồng dollar Mỹ – ND.

21. “Through the looking glass”, tên một tác phẩm văn học của Lewis Caroll. Đây là phần tiếp theo của tác phẩm nổi tiếng Alice lạc vào xứ thần tiên – ND.

22. Xem lại chương 12 – ND.

23. Sushi Mae là từ tác giả ám chỉ Student Loan Marketing Association – SLMA (có nickname là Sallie Mae) – Hiệp hội kinh doanh giấy vay nợ của sinh viên. Đây là công ty kinh doanh những loại giấy vay nợ được giao dịch trong công chúng, bảo đảm cho các khoản nợ của sinh viên được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Hiệp hội này được thành lập theo một nghị định năm 1972 của Chính phủ Mỹ để nâng cao khả năng sử dụng các khoản tiền cho vay để học tập, cấp cho sinh viên các trường Cao đẳng và Đại học theo các chương trinh được chính phủ Liên bang bảo trợ.

24. Xem lại câu chuyện về quỹ đầu tư mạo hiểm này ở chương 6 – ND.

25. Nguyên văn là “hut fish extraction”, thực ra tác giả muốn nói tới cơ chế MEW tại Mỹ. MEW (mortgage equity withdrawal) là cơ chế gắn giá trị bất động sản với khả năng vay nợ: cụ thể hơn, mỗi hộ gia đình có quyền vay thêm tiền nếu giá trị ngôi nhà mà họ thế chấp tăng lên cao so với số tiền mà họ vay trước đó. Nói cách khác, người ta dẫn dụ những người muốn mua nhà – dù những người này ít có khả năng chi trả – vay tiền không những để mua nhà, mà còn để có tiền mặt chi tiêu vào việc khác, tất cả cơ chế đó dựa trên một tiền đề là giá nhà cửa chỉ có thể tiếp tục tăng cao – ND.

26. Khi giá lều tăng tức là giá trị tài sản thế chấp tăng, cho phép người đi vay vay được nhiều tiền hơn – ND.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.