Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG 8: NỀN CỘNG HÒA RA ĐỜI



Thoạt tiên, đảo quốc của chúng ta không hề có Chính phủ, ít ra là vì khẩu phần trên đảo lúc ấy chỉ có cá mà thôi 7! Able, Baker và Charlie là bạn bè lâu năm và khi ấy họ có thể tự giải quyết các mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng. Nhưng khi các xã hội giản đơn nay trở nên phức tạp, rõ ràng sẽ xuất hiện nhu cầu cần có một dạng quyền lực tập trung nào đó.

Khi cư dân trên đảo gia tăng, những sự hiểu lầm và mâu thuẫn cũng tăng theo. Khi lời nói không giải quyết được mâu thuẫn, những ngọn giáo sẽ làm nhiệm vụ của chúng.

Vào thời kỳ sơ khai ấy, do chưa có một bộ máy bảo vệ lẫn nhau, thường có những băng trộm cá hoành hành, gây rất nhiều phiền toái cho dân đảo.

Tệ hơn, thỉnh thoảng những người từ đảo Bongobia lại kéo sang xâm chiếm. Dân Bongobia không chỉ giỏi đánh trống, mà còn là những chiến binh hung hãn, nên khi họ kéo đến cướp phá, số cá tiết kiệm trên đảo thường bị vét sạch.

Hiển nhiên là cư dân đảo cần đoàn kết lại để bảo vệ lẫn nhau, duy trì an ninh. Họ cần có sự lãnh đạo. Nhưng trao quyền luôn hàm chứa rủi ro, vì quyền lực hầu như luôn luôn bị lạm dụng.

Sau những thử nghiệm với chế độ tù trưởng, dân đảo quyết định lập ra một Chính phủ chịu trách nhiệm trước toàn dân, đồng thời bị hạn chế trong quyền lấy đi những tự do kinh tế vốn đã làm nên sự thịnh vượng ban đầu ở đảo. Người ta quyết định rằng dân đảo sẽ bầu ra 12 Nghị sĩ, trong đó có một Chủ tịch Nghị viện với thẩm quyền hành pháp.

Để bảo vệ hòn đảo chống lại sự xâm lăng từ bên ngoài, Nghị viện thành lập và giám sát một lực lượng hải quân, gồm một đoàn chiến thuyền với gươm giáo sẵn sàng.
Để ổn định xã hội, bảo đảm cho mọi thành viên các quyền sống, tự do và sở hữu, Nghị viện cũng thành lập hệ thống tòa án để giải quyết các tranh chấp, cùng một bộ máy cảnh sát để thi hành các phán quyết của tòa án.

Và để xúc tiến thương mại, Nghị viện cũng xây dựng và quản lý một hệ thống hải đăng trên đảo, giúp việc giao thông trên biển thuận lợi và an toàn hơn, tàu bè không bị va vào những bờ đá lởm chởm sắc nhọn của hòn đảo này.

Cuối cùng, để có thể duy trì hoạt động của bộ máy khiêm tốn nói trên, dân đảo đồng ý đóng một khoản thuế hàng năm, tất nhiên là đóng thuế bằng cá. Cá đóng thuế này được chuyển vào một tài khoản riêng của Chính phủ, cũng mở tại ngân hàng trên đảo. Nghị viện sẽ sử dụng tài khoản, hay số cá này để chi tiêu cho công việc của họ.

Do cư dân trên đảo vốn là những người hết sức độc lập, nhiều người sau đó lo ngại về việc đặt quá nhiều quyền hành vào tay một số quá ít cá nhân.

Để đảm bảo rằng các Nghị sĩ không quản lý và sử dụng tiền thuế một cách cẩu thả, người ta soạn ra một hiến pháp nêu rõ những quyền được giao cho Nghị viện. Những quyền không được đề cập trong Hiến pháp là giao cho Nghị viện thì vẫn thuộc về nhân dân. Khi có tranh cãi về việc Nghị viện được hay không được phép làm gì, một Tòa án tối cao được thành lập để thi hành Hiến pháp, thực hiện cơ chế kiểm tra những tham vọng quyền lực của các Nghị sĩ.

Sau khi Hiến pháp đã được biểu quyết và thông qua, đảo quốc của chúng ta trở thành nước Cộng hòa Usonia 8.

Rất khôn ngoan, Chính phủ mới thành lập quyết định không sử dụng hết số cá thu thuế được. Họ dự trữ lại một phần, sẵn sàng trong trường hợp có một cơn bão tràn qua làm dân đảo không đi đánh cá được, hay phòng khi người Bongobia đến cướp phá…
Và mặc dù Chính phủ trả lương cho một số người nhất định, chẳng hạn những người gác đèn biển, cảnh sát, quan tòa, hải quân, mọi người đều hiểu rõ rằng những công việc này tồn tại là vì Chính phủ đánh thuế lên những người sản xuất trên đảo. Nếu những người đó không chịu lấy cá để nộp thuế, lẽ nhiên các công chức của chúng ta cùng chẳng có gì để bỏ vô miệng!

Đến lúc này thì mọi việc dường như ổn thoả. Nhưng luôn luôn có chuyện trục trặc gì đó sẽ xảy ra….

KIỂM TRA THỰC TẾ

Do dân đảo hiểu rằng chi tiêu của Chính phủ cũng giống như chi tiêu của người đóng thuế, họ tin rằng chỉ có ai đóng thuế mới có quyền quyết định cách chi tiêu (của Chính phủ – ND). Kết quả là quyền bầu cử được hạn chế, chỉ áp dụng với những ai có đóng thuế mà thôi.

Người ta cũng hiểu rằng thuế làm giảm lượng tiết kiệm và hạn chế nguồn cung cấp vốn để đầu tư. Nhưng đa số mọi người nhất trí rằng những lợi ích thương mại có được từ việc an ninh được tăng cường, giao thông trên biển an toàn hơn, việc hệ thống tòa án giải quyết hữu hiệu các tranh chấp và đảm bảo thực thi các hợp đồng v.v… sẽ bù đắp cho các khoản tiết kiệm bị đánh mất nói trên.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Thật đáng hổ thẹn là chẳng có mấy người Mỹ hiểu rằng đất nước này được hình thành dựa trên quan điểm hạn chế tối đa vai trò của Chính phủ. Chịu ảnh hưởng từ các lý thuyết triết học mang tính cải cách về tự do, lý trí và khoa học thịnh hành trong thế kỷ XVII và XVIII, những nhà lập quốc của chúng ta tìm cách xây dựng một kiểu quan hệ hoàn toàn mới giữa nhân dân và Chính phủ, theo đó quyền lực tối cao thuộc về cá nhân, những quyền của họ là bất khả xâm phạm.

Ngay sau chiến tranh giành độc lập, thay vì thành lập một Chính phủ quốc gia – điều mà nhiều người Mỹ không mong muốn – Hiến pháp Mỹ đã được ra đời như một cái chuồng được thiết kế hoàn hảo để ngăn cản “con thú” Chính phủ thoát ra ngoài và chạy lung tung! Không chỉ bảo vệ người dân trước Chính phủ, Hiến pháp còn bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số trước sự áp đặt của đa số.

Hiến pháp chủ định phân chia quyền lực thành các nhánh riêng biệt của Chính phủ liên bang để phân quyền thành nhiều tiểu bang, và quan trọng nhất là ngăn chặn chính quyền liên bang chiếm bất kỳ quyền nào mà Hiến pháp đã quyết định là sẽ giữ lại.

Kết quả là Hoa Kỳ trở thành một nước mà các cá nhân được đảm bảo về tự do và sở hữu cá nhân, không bị ngăn cản trong việc sử dụng tài sản của bản thân theo những cách tùy ý. Việc những quyền đó không được áp dụng cho tất cả các thành viên của quốc gia mới này không hề làm giảm đi tính chất táo bạo của ý tưởng nói trên. Đây là điều chưa từng được luật hóa tại bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Qua thời gian, dường như tầm nhìn này đang bị lu mờ. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhiều người tin rằng Chính phủ cần tập trung thêm quyền lực, còn người dân có thể có ít tự do hơn. Không may là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, xu hướng này lại được ủng hộ rất lớn.

Khi nỗ lực làm giảm đi những đau đớn của việc kinh tế suy thoái, chúng ta đã quên rằng tự do hàm chứa rủi ro. Nếu Chính phủ phải chữa trị mọi khó khăn, thì không ai thực sự có tự do nữa. Nếu chúng ta loại bỏ sự tự do để thất bại – có nghĩa là sự tự do được khai phá, mạo hiểm, trải nghiệm và thậm chí thất bại trong một lĩnh vực chưa từng có trước đây, hay chưa được cấp phép hay chưa được quy định theo luật pháp; thì chúng ta cũng đang loại bỏ sự tự do để đạt được thành công trong lĩnh vực này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.