Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG I: MỘT Ý TƯỞNG RA ĐỜI



Ngày xửa ngày xưa, có ba người đàn ông sống trên một hòn đảo nhỏ. Tên họ lần lượt là Able, Baker và Charlie. Hòn đảo này chẳng thể coi là một thiên đường nhiệt đới như người ta thường nói, mà chỉ là một vùng đất khắc nghiệt, không hề có tiện nghi nào cả. Đặc biệt, thức ăn cực kỳ hạn chế: chỉ có một loại thức ăn duy nhất là cá mà thôi!

Thật may mắn là xung quanh đảo có rất nhiều cá, hơn nữa chúng chỉ thuộc một loài đồng nhất một cách lạ kỳ, con nào cũng như con nào. Mỗi con cá ở đây vừa đủ lớn để một người có thể dùng trong một ngày. Tuy nhiên, hòn đảo này là một nơi quá cách biệt, nơi đây không hề có bất kỳ kỹ thuật đánh bắt cá hiện đại nào của con người từng xuất hiện. Cách bắt cá duy nhất mà ba chàng trai của chúng ta có thể làm là nhảy ùm xuống biển và cố dùng tay chụp lấy những con cá trơn tuột này.

Với kỹ thuật thô sơ đó, mỗi người trong bọn họ chỉ bắt được một con cá trong một ngày, tức là vừa đủ để sống qua ngày kế tiếp. Hoạt động này chính là toàn bộ nền kinh tế của hòn đảo. Một ngày của cư dân trên đảo bao gồm việc thức dậy, bắt cá, ăn và… đi ngủ. Một cuộc sống chẳng có gì phong phú, nhưng dù sao có còn hơn không! Và như thế, trong cái xã hội đảo quốc siêu đơn giản và hoàn toàn dựa trên món

Không có tiết kiệm!

Không có tín dụng!

Không có đầu tư!

Mọi thứ sản xuất ra đều được tiêu thụ trọn vẹn! Chẳng có khoản tiết kiệm hay dự phòng nào cho những lúc khó khăn, và cũng chẳng có khoản dư dả nào để cho vay.

Tuy các cư dân trên đảo sống trong một xã hội nguyên sơ như vậy, họ không hề ngu ngốc hay thiếu tham vọng. Như tất cả mọi người trên đời, ba chàng trai Able, Baker và Charlie cũng muốn nâng cao mức độ cuộc sống của mình. Nhưng để làm được điều này, họ phải có khả năng bắt được nhiều hơn một con cá hàng ngày – mức tối thiểu để họ tồn tại. Không may là do bị hạn chế chỉ với đôi tay không, mà lũ cá lại hết sức nhanh lẹ, ba người này chỉ có thể kiếm vừa đủ thức ăn để sống mà thôi.

Một đêm nọ, ngước lên bầu trời đầy sao, chàng Able bắt đầu trầm tư về ý nghĩa cuộc đời: “Không lẽ tất cả chỉ có thế thôi sao? Cuộc đời này phải có gì hơn thế chứ!”.

Able muốn làm một việc gì đó ngoài việc cả đời chỉ dùng tay bắt cá. Anh ta muốn có những bộ quần áo đẹp hơn, thời trang hơn bằng lá cọ để khoác lên người. Anh ta muốn có chỗ ở tốt hơn để tránh những cơn gió mùa, và cuối cùng anh ta còn mơ có ngày sẽ đạo diễn một bộ phim dài nữa kìa! Nhưng nếu cả ngày chỉ hì hục bắt cá kiếm ăn, làm sao những ước mơ đó có thể trở thành hiện thực?

Able bắt đầu suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ… Rồi bất chợt, một ý tưởng về một dụng cụ bắt cá lóe lên trong đầu anh ta. Đây sẽ là một dụng cụ nối dài cánh tay của con người, đồng thời hạn chế tối đa khả năng đào thoát của các chú cá một khi đã bị chụp trúng. Với dụng cụ tinh vi này, có thể bắt được nhiều cá hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn. Và với khoảng thời gian tiết kiệm được theo cách này, anh ta có thể bắt đầu may quần áo đẹp, làm nhà và hoàn tất kịch bản bộ phim mà mình mơ ước.

Khi hình dáng dụng cụ này bắt đầu hiện ra trong đầu, Able chợt thấy lòng rộn rã. Và anh ta bất chợt hình dung ra một tương lai vui vẻ, thoát khỏi công việc bắt cá bằng tay không vất vả hàng ngày…

Able quyết định gọi dụng cụ vừa phát minh ra là cây vợt bắt cá, và bắt đầu tìm vật liệu để chế tạo cây vợt này.

Ngày hôm sau, Baker và Charlie thấy Able không đi bắt cá như thường lệ. Thay vào đó, người bạn của họ đứng trên bờ cát và dùng vỏ cây cọ bện thành những sợi dây. Baker la lên “Ê bồ, làm gì đó? Bộ tính ăn chay hay sao mà không đi bắt cá? Cứ ngồi làm mấy cái đó là đói bụng đó nha”.

Able giải thích “Tôi muốn chế tạo một dụng cụ có thể mở ra vô vàn cơ hội cho khả năng bắt cá. Khi làm xong, tôi sẽ tốn ít thời gian để bắt cá hơn, và sẽ chẳng bao giờ lo đói nữa”.

Charlie trợn tròn mắt và tự hỏi liệu bạn mình có bị điên hay không “Điên khùng, tôi nói với anh đó, điên khùng rồi…Nếu cái dụng cụ của anh không bắt cá được, đừng có đến xin cá của tôi đó. Tôi không điên nên tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho tính dở hơi của anh đâu!”.

Không nản chí, Able tiếp tục đan vợt!

Đến cuối ngày hôm đó, Able đã hoàn thành dụng cụ bắt cá của mình. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, anh ta đã tạo ra tư liệu sản xuất qua sự hy sinh (việc bắt cá trong ngày hôm đó – ND) của bản thân!

KIỂM TRA THỰC TẾ

Trong ví dụ đơn giản này, Able đã chứng minh một nguyên tắc kinh tế cơ bản có thể dẫn đến việc nâng cao mức sống, đó là giảm tiêu dùng (tiêu dùng dưới mức) và chấp nhận rủi ro!

Tiêu dùng dưới mức (underconsumption): Để có thời gian làm cây vợt, Able không thể đi bắt cá trong ngày hôm đó. Anh ta phải từ bỏ thu nhập – ở đây là những chú cá bắt được bằng tay – mà lẽ ra anh ta đã có thể có được và ăn được! Điều này không có nghĩa là Able không có nhu cầu về cá. Thực tế thì Able thích ăn cá và nếu ngày đó không có một con để ăn thì anh ta vẫn đói.

Nhu cầu về cá của Able so với hai người bạn của anh ta là không khác nhau. Tuy nhiên, anh ta đã chọn cách trì hoãn sự tiêu dùng để có thể tiêu dùng nhiều hơn trong tương lai.

Chấp nhận rủi ro (risk taking): Able cũng đã chấp nhận rủi ro vì anh ta hoàn toàn không biết trước liệu dụng cụ mà mình làm ra có hoạt động được hay không, hoặc dụng cụ đó có giúp anh ta bắt được đủ cá để bù cho sự hy sinh anh ta đã bỏ ra hay không. Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng anh ta kết thúc với một đám dây nhợ lằng nhằng và cái dạ dày trống trơn! Nếu ý tưởng thất bại, Able không thể trông mong sự giúp đỡ hay bù đắp nào từ các bạn, những người mà dù sao đi nữa cũng đã có thiện chí cảnh báo cho Able về nguy cơ của hành động điên rồ này.

Theo thuật ngữ kinh tế, tư liệu sản xuất là một công cụ được làm ra và sử dụng không vì chính bản thân nó, mà là để làm ra một thứ gì đó mà người ta mong muốn, ở đây, cái mà Able muốn không phải là cây vợt bắt cá, mà phải là lũ cá bắt được! Cây vợt có thể giúp anh ta bắt nhiều cá hơn, và do vậy nó sẽ là một tư liệu sản xuất, và có giá trị.

Đêm hôm đó, trong khi Baker và Charlie no nê lăn quay ra ngủ, thì chàng Able trằn trọc với cơn đói và hình ảnh những chú cá thơm ngon quay cuồng trong trí óc. Tuy nhiên, cơn đói phần nào bị đè nén bởi hy vọng rằng mình đã làm một điều đúng đắn, và một tương lai tươi sáng, đầy ắp cá đang chờ đợi!

Ngày hôm sau, Baker và Charlie xúm vào chế nhạo “phát minh” của Able.

Baker phán: “Nè, trông giống y chang một cái nón đẹp, nhỉ!”.

Charlie bồi thêm: “Đội nón này mà chơi tennis thì chắc là nóng bức lắm đây!”.

“Cứ cười cho đã đi”, Able phản pháo. “Để xem cuối cùng ai sẽ là người cười to nhất khi tôi bắt về được một đống cá!”.

Rồi đó, khi Able bước xuống nước và bắt đầu thử dùng cây vợt để chụp cá, thoạt tiên anh ta rất vất vả để điều khiển được dụng cụ mới này. Nhưng chỉ mấy phút sau, anh đã quen và gỡ ra một con cá từ cây vợt.

Baker và Charlie trố mắt nhìn và ngưng cười. Vài tiếng đồng hồ sau, khi Able bắt được con cá thứ hai, hai bạn của anh hoàn toàn chết sững! Nói gì thì nói, thường họ vẫn phải mất cả một ngày mới bắt được đúng một con cá!

Vậy đó, từ hành động đơn giản này, nền kinh tế đảo quốc của chúng ta đã thay đổi một cách cực kỳ sâu sắc. Able đã tăng năng suất của bản thân, và điều đó có lợi cho tất cả mọi người.

Lúc này, Able bắt đầu suy nghĩ về vận may bất ngờ của mình. “Vì chỉ dành một ngày ta đã có thể kiếm đủ cá để ăn trong hai ngày, cứ cách một ngày ta lại có thể nghỉ ngơi và làm chuyện khác, ngoài bắt cá! Chà, những khả năng này thật là vô tận!”.

KIỂM TRA THỰC TẾ

Với việc tăng gấp đôi năng suất, từ nay Able có thể kiếm được nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ của bản thân. Tăng trưởng năng suất sẽ kéo theo tất cả những lợi ích khác về kinh tế.

Trước khi Able liều lĩnh chấp nhận rủi ro để làm ra cây vợt bắt cá, hòn đảo của chúng ta không hề có cái gọi là “tiết kiệm”. Chính việc anh ta sẵn lòng thử thách bản thân và chịu đói bụng đi ngủ hôm đó đã đem lại tư liệu sản xuất (capital equipment) đầu tiên, chính nguồn tư liệu sản xuất này tạo ra tiết kiệm (để đơn giản, hãy giả định những chú cá ở đây không hề bị ươn). Chính việc sản xuất dôi dư này là huyết mạch của một nền kinh tế mạnh mẽ, khoẻ khoắn.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Trừ loài người, với mọi loài sinh vật khác thì hoạt động kinh tế chi đơn thuần là tồn tại qua ngày. Trong điều kiện cạnh tranh nguồn thức ăn hạn hẹp, sự khắc nghiệt của tự nhiên, sự đe dọa từ những loài thú săn mồi và bệnh tật, mà lại hầu như không có bất kỳ “phát minh, sáng kiến” gì, rõ ràng sự tồn tại, sống sót (cùng một ít thời gian dành cho việc sinh sản và duy trì nòi giống) chính là tất cả những gì mà các loài vật có thể có được. Con người cũng sẽ chịu tình cảnh tương tự (điều này thực sự đã xảy ra đối với loài người trong một quá khứ không xa xôi là bao!) nếu chúng ta không có hai thứ. Bộ óc lớn và đôi tay khéo léo. Sử dụng hai tài sản quý giá này, con người có thể làm ra những công cụ và máy móc, những thứ làm tăng rất nhiều khả năng giành được nhiều thứ hơn từ môi trường xung quanh.

Nhà kinh tế Thomas Woods thích thách đố các học trò của ông với một thí nghiệm tư duy đơn giản sau đây: Nếu tất cả máy móc và công cụ biến mất, thì chúng ta sẽ có một nền kinh tế như thế nào? Máy móc và công cụ ở đây là xe hơi, xe tải, máy cán thép, cuốc xẻng, xe đẩy, cưa, búa v.v… tất cả mọi thứ. Nếu chúng biến mất và con người phải săn bắn, hái lượm, trồng trọt và làm ra mọi thứ chúng ta cần bằng đôi bàn tay không của mình, thì sẽ ra sao?

Không còn nghi ngờ gì, khi đó cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn. Cứ tưởng tượng chỉ riêng việc ăn uống bằng tay và răng, không có muỗng nĩa gì hết, cũng đã khó khăn như thế nào rồi! Việc săn bắt các con thú lớn coi như… bỏ! Bọn thú nhỏ hơn, như thỏ chẳng hạn, thì chúng ta có thể khống chế được, nhưng trước tiên cũng phải tóm được chúng cái đã. Điều gì sẽ xảy ra khi phải trồng và hái rau bằng tay không, hay khi không có bao tải để đựng những thứ thu hoạch được để mang về nhà? Rồi hãy tưởng tượng làm sao chúng ta có thể làm ra quần áo và đồ dùng nếu không có nhà máy, thậm chí không có cả kéo và đinh?

Khi đó, dù con người có thông minh khôn khéo tới đâu đi nữa, cuộc sống của chúng ta cũng không thể khá hơn, ít nhất là về mặt kinh tế, so với cuộc sống của loài vượn và đười ươi!

Các công cụ thay đổi mọi thứ và tạo ra khả năng của một nền kinh tế. Những ngọn lao, cây giáo giúp chúng ta săn thú, cuốc xẻng giúp chúng ta trồng cây, lưới hay vợt giúp chúng ta bắt cá. Tất cả những dụng cụ đó đều nâng cao hiệu quả của lao động. Càng sản xuất ra nhiều thì con người càng tiêu thụ nhiều, và cuộc sống càng trở nên thịnh vượng sung túc hơn.

Định nghĩa đơn giản nhất về kinh tế học là nỗ lực tối đa hóa sự sẵn có để sử dụng của các nguồn lực bị giới hạn (mọi nguồn lực đều có giới hạn!) để đáp ứng càng nhiều nhu cầu của con người càng tốt. Công cụ, tư liệu sản xuất và sự cải tiến hay cách tân chính là những chìa khóa của phương trình cân bằng hai khái niệm này.

Nếu ghi nhớ điều này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cái gì làm kinh tế tăng trưởng: tìm ra những cách thức tốt hơn để sản xuất ra nhiều thứ mà con người muốn có hơn. Nguyên tắc này là bất biến, bất kể quy mô của nền kinh tế lớn đến đâu đi nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.