Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào
CHƯƠNG 13: ĐÓNG CỬA SỔ CÁ
Cuối cùng, sau khi những tờ tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá tiếp tục bay ra ngoài lãnh thổ Usonia và chất đầy trên các hòn đảo khác ngoài đại dương, một số người nắm giữ loại tiền này bắt đầu nghi ngờ khả năng Usonia có thể quy đổi tiền giấy lấy cá thật.
Chuck DeBongo, nhà lãnh đạo đầy cuốn hút của đảo Bongoia, giành được sự ủng hộ nồng nhiệt tại đây qua việc thách thức quyền lực và sự cao ngạo của Usonia. Tin rằng việc chấp nhận những tờ giấy bạc của Ngân hàng Dự trữ Cá sẽ làm tăng quyền lực kinh tế của Usonia một cách không cần thiết, ông ta liên tục cử các chuyên gia tài chính của Bongobia đến cửa sổ cá (fish window) – nơi đổi tiền lấy cá của ngân hàng tại Usonia – để đòi cá thật mang về nhà.
Khi việc rút các khoản ký gửi như trên bắt đầu ảnh hưởng đến kho dự trữ cá, các kỹ thuật viên của Usonia lại bắt đầu có việc để làm. Khi họ thao tác trên những chú cá tội nghiệp, cá chính thức giờ đây lại một lần nữa bị nhỏ đi, khiến tình trạng lạm phát cá lại tăng trở lại.
Hậu quả là nền kinh tế Usonia một lần nữa lâm vào suy thoái.
Chủ tịch Nghị viện mới, Ngài Slippery Dickson, được các chuyên gia kinh tế cho biết rằng nếu những hòn đảo khác cũng theo gương người Bongoia, kéo đến đổi tiền giấy lấy cá thật mang về thì ngân hàng sẽ rỗng túi và giá trị của đồng tiền theo đó cũng đi tong! Barnacle và các nghị sĩ bắt đầu lo lắng.
Không đủ can đảm để báo tình hình với công dân Usonia, Slippie (nickname của Ngài Dickson) quyết định đẩy phần thiệt hại về phía người nước ngoài, ông ta đi một nước cờ liều lĩnh: đóng cửa sổ cá đối với những người ký gửi cá thuộc nước ngoài. Từ nay trở đi, giá trị của tiền giấy (do Ngân hàng Dự trữ Cá phát hành) trên thị trường quốc tế sẽ được quyết định bởi những người có nhu cầu, chứ không phải vì việc tiền giấy có thể quy đổi ra cá thật. Trên thực tế, giá trị của tiền giấy sẽ dựa vào vị thế của Usonia như là một cường quốc kinh tế và quân sự.
Việc xóa bỏ “bản vị cá” 20 khiến nhiều hòn đảo cạnh Usonia mất niềm tin vào đồng tiền giấy. Chẳng ai ngạc nhiên khi giá trị của nó đi xuống khá nhiều. Nhưng vì tiền Usonia vẫn là đồng tiền phổ biến nhất trên đại dương, đà đi xuống đó cuối cùng cũng dừng lại. Rất may cho Nghị viện Usonia là quyết định đóng cửa sổ cá với người nước ngoài đã giúp họ vượt qua khủng hoảng tiền tệ mà không phải thay đổi thể chế – đây có lẽ là mối quan tâm duy nhất của các nghị sĩ! Ngài Slippie thở phào nhẹ nhõm.
Chuck DeBongo nổi giận và tuôn ra hàng tràng diễn văn đầy đe dọa, nhưng nỗ lực của ông ta hầu như không có mấy ý nghĩa, bởi quyền lực của Usonia là khó ai phủ nhận được.
Thật không may, sau đó chính Slippie cũng bị hạ bệ vì vụ xì căng đan Watersnake (Rắn Nước), khi Ngài Chủ tịch nghị viện này bị phát hiện ăn cắp một thùng lớn chứa đầy loài bò sát này!
Bỏ lại sau lưng cuộc khủng tiền tệ, lạm phát cá che giấu, địa vị của tiền được duy trì bất việc đóng cửa sổ cá, kinh tế Usonia ổn định lại. Vài năm sau đó, con đường đi tới thịnh vượng lại mở ra với việc bầu Roughy Redfish vào vị trí Chủ tịch nghị viện.
Roughy thành công trong việc giảm thuế, gỡ bỏ một số quy định, luật lệ phiền phức cũng như những hàng rào cản trở mậu dịch tự do với những hòn đảo khác. Tuy nhiên, ông ta thất bại trong cam kết giảm chi tiêu của Chính phủ. Bất chấp môi trường kinh doanh thuận lợi mà nghị viện đã tạo nên, thâm hụt ngân sách – chênh lệch giữa chi tiêu của Nghị viện và số tiền thuế thu được – vẫn tiếp tục gia tăng. Thực sự thì dưới nhiệm kỳ của Roughy, thâm hụt ngân sách phình to một cách cực kỳ nguy hiểm.
May mắn là cá tươi từ nước ngoài vẫn đổ vào ngân hàng. Số tiền giấy dùng để thanh toán cho lượng cá này được chuyển ra nước ngoài và không bao giờ được quy đổi lấy cá thật. Với một cơ chế thuận tiện như vậy, Usonia thẳng tiến vào một kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng có.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Từ xa xưa, loài người đã sử dụng nhiều vật khác nhau làm tiền tệ, từ muối, vỏ sò, đến ngọc trai, hay gia cầm v.v… Qua thời gian, các kim loại, đặc biệt là vàng và bạc, nổi lên thành những dạng tiền tệ phổ biến nhất. Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà có. Các kim loại quý có đầy đủ những phẩm chất khiến tiền tệ trở nên có giá trị và hữu ích: khan hiếm, được mọi người thèm muốn, đồng nhất, bền, dễ dát mỏng. Ngay cả nếu con người không muốn dùng kim loại làm tiền thì chúng vẫn có giá trị do những công dụng khác, cũng như tính khan hiếm của chúng.
Ngược lại, tiền giấy chỉ có giá trị khi con người đồng ý nhận chúng khi trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ. Điều này khiến giá trị của tiền giấy là hoàn toàn mang tính chủ quan. Vì tiền giấy có thể được in ra bao nhiêu tùy ý và không có giá trị nội tại, chúng có thể mất giá khi có đủ số người mất lòng tin vào chúng.
Mặc dù các nhà kinh tế cứ làm ra vẻ hiểu biết mọi chuyện, thực tế là loài người chưa hề có tiền lệ nào trong việc hoạt động kinh tế toàn cầu dựa trên chế độ tiền giấy không quy đổi (chẳng hạn quy đổi ra vàng – ND).
Lịch sử cho chúng ta thấy nhiều trường hợp trong đó các Chính phủ do tuyệt vọng về tài chính đã in thêm tiền, dẫn tới những đồng tiền mất giá hoàn toàn. Những trường hợp đó đều có kết cục thảm hại, nhất là đối với người dân ở nước đó.
Lý do là vì một quốc gia không thể duy trì một đồng tiền vô giá trị trong khi quốc gia bên cạnh vẫn tiếp tục phát hành những đồng tiền thật, có giá trị. Đương nhiên, những người nước ngoài sẽ từ chối lấy đồng tiền mất giá, và cuối cùng một thị trường chợ đen cho đồng tiền thật sẽ nảy sinh ngay trong lòng quốc gia đó.
Nhưng ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới kiểu “nhìn qua gương soi 21”, nơi suốt 40 năm nay không có quốc gia nào phát hành tiền thật cả. Đây là một thử nghiệm có quy mô chưa từng có về mặt tiền tệ. Hiện chưa ai biết được thử nghiệm này sẽ kết thúc như thế nào, vào lúc nào. Nhưng chắc chắn là sẽ đến lúc đó!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.