Bài Giảng Cuối Cùng

2. Cuộc đời của tôi trong chiếc máy tính



Có thể sắp xếp lại chính xác các ước mơ tuổi thơ của mình như thế nào? Làm sao để mọi người có thể liên kết được với những ước mơ tuổi thơ của họ? Là một nhà khoa học, trước đây tôi đã không mấy để ý tới những câu hỏi như vậy.

Bốn ngày liền, tôi ngồi bên máy tính trong ngôi nhà mới ở Virginia, quét ảnh để chuẩn bị bài thuyết trình bằng PowerPoint. Tôi quen tư duy trực quan, nên bài thuyết trình sẽ không cần văn bản. Tôi thu thập 300 ảnh của gia đình, sinh viên và đồng nghiệp, cùng những ảnh đặc sắc có thể minh họa cho những mơ ước tuổi thơ. Tôi ghi vài lời lên mỗi tấm ảnh để khi đứng trên bục giảng, chúng sẽ nhắc tôi cần nói những gì.

Trong khi chuẩn bị bài, cứ chín mươi phút tôi lại đứng dậy chơi với các con. Jai thấy sự cố gắng của tôi, nhưng vẫn nghĩ tôi đã dành quá nhiều thời gian cho bài giảng, nhất là lại vào lúc chúng tôi vừa chuyển tới ngôi nhà mới. Cô muốn tôi phải sắp xếp những thùng đồ còn chất ngổn ngang quanh nhà.

Lúc đầu Jai không định dự buổi thuyết trình. Cô thấy cần ở lại Virginia với các con và giải quyết hàng mớ thứ phát sinh do việc chuyển nhà. Còn tôi thì vẫn kiên trì nhắc: “Anh muốn em có mặt.” Sự thực là tôi hết sức cần cô ở đó. Cuối cùng cô đồng ý sẽ bay tới Pittsburgh vào sáng ngày tôi thuyết trình.

Tôi phải tới Pittsburgh trước một ngày, do vậy, lúc 1 giờ 30 chiều ngày 17 tháng 9, ngày Jai tròn bốn mươi mốt tuổi, tôi hôn tạm biệt vợ và các con rồi lái xe ra sân bay. Chúng tôi đã kỷ niệm sinh nhật Jai ngày hôm trước với bữa liên hoan nhỏ ở nhà anh trai cô. Dù vậy, chuyến đi của tôi vẫn là một nhắc nhở không vui với Jai rằng cô sẽ không có tôi cho sinh nhật này và tất cả các sinh nhật kế tiếp.

Tới Pittsburgh, tôi được Steve Seabolt đón tại sân bay. Anh là bạn tôi, vừa từ San Francisco bay đến. chúng tôi thân nhau từ mấy năm nay, khi tôi làm việc trong thời gian nghỉ sabbatical[5] tại Electronic Art, một hãng làm các trò chơi video, nơi anh làm giám đốc, chúng tôi đã trở nên thân thiết như anh em.

[5] Sabbatical: Kỳ nghỉ tách khỏi công việc. Nguyên lý sabbatical có nguồn gốc ở nhiều đoạn trong Kinh thánh với điều răn cứ bảy năm một lần phải ngừng làm việc đồng áng. Ngày nay, người ta thường lấy sabbatical để hoàn tất một mục tiêu, như viết một cuốn sách, hoặc đi nghiên cứu ở một nơi khác. Trong giới hàn lâm, sabbatical thường có sau sáu năm làm việc liên tục, và thường kéo dài nửa năm với toàn bộ lương, hoặc một năm với nửa lương.

Steve và tôi ôm chào nhau, thuê một chiếc xe, vừa lái vừa kể những chuyện vui. Steve nói anh vừa đến nha sĩ còn tôi thì khoác lác rằng sẽ không bao giờ cần tới bác sĩ nha khoa nữa.

Chúng tôi dừng lại ở một quán ăn nhỏ. Tôi đặt máy tính lên bàn, lướt nhanh qua các hình ảnh của bài thuyết trình, nay đã được cắt xuống còn 280. “Vẫn còn dài quá.” – Steve nói. – “Mọi người sẽ chết mất khi cậu kết thúc bài giảng.”

Người phục vụ, một cô gái tóc vàng độ tuổi ba mươi đang mang thai, tới bàn đúng lúc bức ảnh chụp các con tôi ở trên màn hình. “Các cháu bé thật xinh” – cô nói, và hỏi tên các con tôi. Tôi bảo: “Đây là Dylan, Logan, Chloe,…” Cô nói con gái cô cũng tên Chloe, và cả hai chúng tôi cùng cười vì sự trùng lặp đó. Steve và tôi tiếp tục xem các hình trên PowerPoint.

Khi cô gái mang thức ăn tới, tôi chúc mừng cô sắp có con. “Chắc chắn là cô rất vui mừng.” – tôi nói.

“Không hẳn như vậy.” – cô đáp. – “Ðó chỉ là một sự ngẫu nhiên.”

Khi cô buớc đi, tôi ngạc nhiên về sự thẳng thắn của cô. Lời nói ngẫu hứng của cô nhắc nhở tôi về những nhân tố ngẫu nhiên tham gia vào cả sự sinh ra trong cuộc sống… và sự ra đi vào cõi chết. Ðây là người đàn bà, có một đứa con qua một sự ngẫu nhiên, mà chắc chắn cô sẽ yêu thương nó. Còn với tôi, qua sự ngẫu nhiên của căn bệnh ung thư, tôi sẽ phải bỏ lại ba đứa con lớn lên thiếu vắng tình thương yêu của cha.

Một tiếng sau, một mình trong phòng khách sạn, với những ý nghĩ về các con vẫn mông lung trong đầu, tôi tiếp tục cắt bớt và sắp xếp lại các hình cho bài giảng. Kết nối internet trong phòng không được tốt đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm tư liệu trên mạng. Thêm nữa, tôi bắt đầu thấy phản ứng phụ của đợt hóa trị liệu từ mấy ngày trước. Tôi bị chuột rút, buồn nôn và đau bụng.

Làm việc tới nửa đêm, tôi thiếp đi, rồi hốt hoảng tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng. Một phần trong tôi đã hoài nghi liệu bài nói chuyện có được suôn sẻ. Tôi nghĩ: “Đó là hậu quả của tham vọng muốn nói về cả cuộc đời của mình chỉ trong một tiếng đồng hồ!”

Tôi vẫn loay hoay, cân nhắc, sắp xếp lại các hình. Tới 11 giờ, tôi thấy mọi thứ sáng sủa, mạch lạc hơn. Tất cả rồi sẽ ổn. Tôi đi tắm và mặc đồ. Cuối buổi sáng, Jai từ sân bay tới, rồi cũng ăn trưa với Steve và tôi. Chúng tôi có một cuộc trao đổi nghiêm túc, Steve hứa sẽ giúp quan tâm tới Jai và các con tôi.

1 giờ 30 chiều, một phòng máy tính, nơi tôi từng làm việc một thời gian dài, được dành để vinh danh tôi; tôi chứng kiến lễ kéo rèm trương tên tôi trên cửa. 2 giờ 15, ngồi trong phòng làm việc, tôi lại cảm thấy thật kinh khủng – hoàn toàn mệt mỏi và kiệt quệ, tưởng lúc lên bục giảng, chắc sẽ phải đóng bộ tã dành cho người lớn mà tôi đã cẩn thận mang theo.

Steve bảo tội cần nghỉ một chút trên ghế đi-văng và tôi đã nằm xuống, nhưng vẫn đặt máy tính trên bụng để xem lại bài thuyết trình. Tôi cắt thêm sáu mươi hình nữa. Lúc 3 giờ 30, một vài người đã bắt đầu xếp hàng đợi vào nghe tôi nói. 4 giờ, đứng dậy khỏi ghế, tôi thu mấy thứ đồ, rảo bước qua khuôn viên đại học để tới giảng đường. Còn gần một giờ nữa, tôi sẽ phải lên bục giảng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.