Bài Giảng Cuối Cùng

6. Ðạt trang thái không trọng lượng



Điều quan trọng là có những mơ ước cụ thể. Thời tôi còn học phổ thông, nhiều đứa trẻ thích được trở thành nhà du hành vũ trụ. Riêng tôi, từ nhỏ đã biết là NASA[10] sẽ không nhận mình. Tôi nghe nói là các nhà du hành vũ trụ không thể mang kính cận. Ðiều đó không sao. Tôi chẳng muốn thành nhà du hành vũ trụ lắm, chỉ muốn được ở trạng thái nổi bồng bềnh.

[10] NASA (The National Aeronautics and Space Administration): Cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, thành lập ngày 29 tháng 7 năm 1958. Chịu trách nhiệm thực thi chương trình thám hiểm không gian và nghiên cứu hệ thống ngành hàng không. NASA cũng có nhiệm vụ nghiên cứu dài hạn hệ thống hàng không quân sự và dân sự.

NASA có một chiếc máy bay giúp các nhà du hành vũ trụ thích nghi với trạng thái không trọng lượng. Mọi người gọi nó là “Sao chổi nôn” dù NASA đã đặt tên cho nó là “Kỳ quan vô trọng lượng”, như một cố gắng làm lạc hướng sự chú ý đến hậu quả khó chịu của thiết bị.

Dù máy bay được gọi với tên gì, thì đó vẫn là một thiết bị máy móc rất kỳ thú. Nó chuyển động theo hình cung Parabol, và tại đỉnh của mỗi cung, bạn có khoảng hai mươi lăm giây trải nghiệm cảm giác tương đương với không trọng lượng. Khi máy bay lao xuống, bạn có cảm giác như đang rơi tự do, nhưng lại bị kéo lại, bay vòng quanh.

Uớc mơ của tôi trở nên khả thi, khi NASA có chương trình cho sinh viên đại học đăng ký các đề tài nghiên cứu thí nghiệm trên chiếc máy bay này. Năm 2001, nhóm sinh viên trường Carnegie Mellon của tôi đã đăng ký đề án sử dụng thực tế ảo.[11]

[11] Virtual reality: công nghệ cho phép người sử dụng tuơng tác với một môi truờng được mô phỏng bởi máy tính. Phần lớn các môi truờng thực tế ảo chủ yếu là hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính hoặc qua kính hiển thị đặc biệt. Tuy nhiên, một vài mô phỏng cũng có thêm các loại giác quan khác như âm thanh hay xúc giác. Người sử dụng có thể giao tiếp với môi trường ảo thông qua thiết bị đầu vào như bàn phím và chuột, hoặc thiết bị nhiều mốt như găng tay điện.

Không trọng lượng là một hiện tượng đặc biệt, khó nhận thức được một cách thấu đáo, khi cả đời bạn sống trên trái đất. Ở trạng thái không trọng lượng, tai trong, bộ phận điểu khiển sự thăng bằng, sẽ không hoàn toàn đồng bộ với những gì mà mắt bạn nhìn thấy. Và kết quả là bạn buồn nôn. Liệu thực tế ảo có thể giúp khắc phục được điều này? Đó là câu hỏi trong đề án của chúng tôi, và đề án đã được chọn. Chúng tôi được mời tới Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston để bay thử.

Có lẽ tôi là người phấn khích hơn bất kỳ sinh viên nào của tôi. Nhưng ngay sau đó, tôi nhận được tin không vui: NASA tuyên bố rất rõ ràng rằng, trong mọi trường hợp, giáo viên không được bay cùng sinh viên.

Tôi vô cùng buồn chán, nhưng không vì thế mà chịu bó tay. Tôi sẽ phải tìm một con đường để đi quanh bức tường gạch này. Và tôi đã tìm ra một cách: vì luôn coi trọng việc quảng bá, NASA sẽ cho phép một nhà báo địa phương nơi sinh viên theo học đến tham gia bay cùng.

Tôi gọi điện cho một viên chức NASA để hỏi số máy fax: “Anh sẽ fax cái gì cho chúng tôi?” ông ta hỏi. Tôi giải thích: đơn từ chức cố vấn sinh viên và đơn xin làm nhà báo.

“Tôi sẽ tháp tùng sinh viên trong vai trò mới, là một thành viên của giới truyền thông.” – tôi nói. Và ông ta đáp: “Việc đó khá lộ liệu, anh có thấy thế không?”

“Chắc chắn rồi.” – tôi nói, và còn hứa sẽ đưa các thông tin về thí nghiệm của chúng tôi lên mục thời sự của các trang web, sẽ gửi phim về các hoạt động thực tế ảo của chúng tôi tới các nhà báo chính thống khác. Tôi biết mình có thể làm tốt điều này, và đó là thương lượng thắng – thắng cho cả đôi bên.

Ông ta đã cho tôi số fax. Ở đây có thêm một bài học: Hãy mang cái gì đó tới bàn thương lượng, bởi nó sẽ làm chọ bạn được đón tiếp nhiệt thành hơn.

Kinh nghiệm của tôi với trạng thái không trọng lượng là vô cùng kỳ diệu (và tôi không bị nôn). Tôi có bị ngã và bị va đập chút ít, bởi khi kết thúc giai đoạn hai mươi lăm giây, lúc trọng lực trở lại trong máy bay, bạn sẽ thật sự nặng gấp đôi trọng lượng của bạn. Bạn có thể rớt xuống khá mạnh. Bởi vậy chúng tôi luôn luôn được nhắc nhở: “Đặt chân xuống!” Chắc chắn là bạn không muốn ngã dập cổ rồi.

Tôi chỉ muốn trôi bồng bềnh…

Vậy là tôi đã lên được chiếc máy bay để trải nghiệm trạng thái không trọng lượng – gần bốn mươi năm sau khi ước mơ được trôi nổi bồng bềnh trở thành một trong những mục tiêu sống của tôi. Nó cũng chứng tỏ rằng, nếu tìm được một kẽ hở, bạn rất có thể tìm được một cách để lọt qua .


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.