Bài Giảng Cuối Cùng

7. Không vào được Liên đoàn Bóng Quốc gia



Tôi yêu thích môn bóng bầu dục. Nhất là việc chặn cản bóng. Tôi bắt đầu chơi từ năm chín tuổi, và trái bóng đã rèn luyện tôi, đã giúp hình thành con người tôi như ngày nay. Mặc dù không vào được Liên đoàn Bóng Quốc gia, nhưng đôi khi tôi nghĩ, tôi đã đạt được nhiều thứ hơn qua việc theo đuổi ước mơ này, mà không đạt được nó, so với việc theo đuổi và đạt được nhiều ước mơ khác.

Sự gắn bó với môn bóng khởi nguồn khi cha tôi lôi kéo, thậm chí bắt ép và hò hét để tôi tham gia một đội bóng. Lúc đầu tôi hoàn toàn không muốn làm việc đó. Tôi yếu đuối, nhút nhát và là đứa nhỏ nhất trong đám trẻ. Nỗi lo lắng đã trở thành sự sợ hãi khi tôi gặp huấn luyện viên Jim Graham. Ông to lớn, cao hơn mét chín, vĩ đại như một bức tường. Ông từng chơi ở vị trí hậu vệ lót của đội Penn State[12] và là người vô cùng bảo thủ. Và xin nhấn mạnh rằng, ông thật sự bảo thủ, ví dụ ông coi việc ném bóng về hướng vạch cuối của đối phương là một lối chơi mánh khóe.

[12] Penn State (Tên đầy đủ là The Pennsylvania State University): Trường đại học công ở bang Pennysylvania, có chương trình đào tạo trên 160 chuyên ngành và quản lý khoản kinh phí 1,6 tỷ đô la Mỹ.

Ngày tập đầu tiên, chúng tôi đều hãi tới chết. Thêm nữa, ông không mang bóng theo. Một cậu bé rốt cuộc đã thay mặt chúng tôi hỏi: “Xin lỗi ông, sao không có bóng?”

Và ông đã trả lời: “Chúng ta đâu cần bóng.”

Tất cả chúng tôi đều im lặng, suy nghĩ về điều đó.

“Có bao nhiêu cầu thủ trên sân bóng?” – ông hỏi chúng tôi.

“Mười một người mỗi đội.” – chúng tôi trả lời. – “Như vậy tổng cộng là hai mươi hai.”

“Và bao nhiêu người chạm bóng tại một thời điểm?”

“Một người trong số đó.”

“Đúng!” – ông nói. – “Vậy chúng ta sẽ tập những gì hai mươi mốt người kia cần 1àm.”

Nền tảng. Đó là phần thưởng lớn nhất mà huấn luyện viên Graham đã ban phát cho chúng tôi. Nền tảng, nền tảng, nền tảng. Là một giáo sư đại học, tôi thấy đây là bài học mà rất nhiều sinh viên đã lờ đi, và chính họ luôn luôn là những người phải chịu thiệt hại. Bạn phải trau dồi nền tảng trước nhất, bởi nếu không, bạn sẽ không làm nổi bất kỳ một thứ cao siêu nào khác.

Huấn luyện viên Graham rất khắt khe với tôi. Tôi còn nhớ về một bài tập. “Em làm sai hoàn toàn rồi, Pausch. Quay trở lại! Làm lại!” và tôi cố làm động tác mà ông muốn. Nhưng vẫn không đủ. “Pausch! Sau giờ tập, em bị phạt hít đất.”

Khi giải tán, một trợ lý huấn luyện viên bước đến chỗ tôi. “Huấn luyện viên Graham “hành” em khá dữ đúng không?” – ông hỏi.

Tôi gần như không còn sức để thốt lên tiếng “vâng.”

“Ðó là một điều tốt.” – viên trợ lý nói. – “Khi em làm sai mà không còn ai nói với em một điều nào nữa, thì có nghĩa là họ đã bỏ em.”

Bài học này đã lưu lại trong tôi suốt cuộc đời. Khi bạn thấy bạn làm điều gì đó xấu xa mà không ai thèm nói với bạn nữa, thì đó chắc chắn là chỗ không tốt cho bạn. Có thể bạn không muốn nghe, nhưng những lời phê bình thường cho bạn biết mọi người vẫn còn yêu mến bạn, quan tâm tới bạn và muốn giúp bạn tiến bộ.

Ngày nay, chúng ta nói rất nhiều về việc tạo cho trẻ em lòng tự trọng. Nhưng, đó không phải là thứ có thể ban phát, mà là thứ phải tự rèn luyện và phát triển. Huấn luyện viên Graham không chiều chuộng chúng tôi. Lòng tự trọng? Ông biết chỉ có một cách để dạy trẻ tự phát triển phẩm chất này: Hãy đưa cho các em môt việc mà các em không làm nổi ngay, các em sẽ phải phấn đấu cật lực cho tới khi làm được việc đó và liên tục lặp lại quy trình này.

Khi huấn luyện viên Graham bắt đầu chú ý đến tôi, tôi là một đứa trẻ nhút nhát, không có kỹ năng gì, thể chất yếu đuối và không cân bằng. Nhưng ông đã giúp tôi nhận thức được rằng, nếu cố gắng rèn luyện, thì những điều tôi chưa làm được ngày hôm nay, tôi sẽ làm được vào ngày mai. Bây giờ, dù đã bốn mươi bảy tuổi, tôi vẫn tự hào có thể làm được động tác đứng ba điểm không kém gì một cầu thủ tiền vệ hạng quốc gia.

Có thể bây giờ, một người như huấn luyện viên Graham sẽ bị gạt bỏ khỏi liên đoàn thể thao thanh thiếu niên, vì ông quá nghiêm khắc và các bậc cha mẹ sẽ phản đối.

Tôi nhớ có một trận, đội chúng tôi chơi quá dở. Lúc nghỉ giữa giờ, vì vội vã muốn uống nước, chúng tôi đã cùng lao tới và gần như đánh đổ xô nước. Huấn luyện viên Graham tức giận: “Từ lúc trận đấu bắt đầu sao bây giờ mới thấy mọi người chuyển động!” Chúng tôi đều mới mười một tuổi, chỉ biết đứng sững đó, sợ ông sẽ túm từng đứa, bẻ vụn bằng đôi bàn tay hộ pháp của ông. “Nước?” – ông hét. – “Mọi người muốn uống nước?” Ông nhấc bổng cái xô và đổ hết nước xuống đất.

Chúng tôi đứng nhìn ông bỏ đi, rồi nghe ông thì thầm với một trợ lý: “Có thể đưa nước cho tuyến phòng ngự đầu. Mấy cậu đó chơi được.”

Cần phải nói rõ một điều ở đây là huấn luyện viên Graham không bao giờ để bất kỳ đứa trẻ nào gặp nguy hiểm. Một lý do khiến ông vô cùng nghiêm khắc, rèn luyện kỷ luật sắt đó là vì ông biết như thế sẽ giúp giảm khả năng chấn thương. Tuy nhiên, ngày thi đấu đó trời se lạnh, chúng tôi lại đều đã được uống nước trong hiệp đầu, việc ào tới xô nước chỉ chứng tỏ chúng tôi là một lũ nhóc hiếu động hơn là khát nước.

Kể cả là như vậy, nếu việc tương tự xảy ra vào thời buổi ngày nay, chắc các bậc phụ huynh đứng bên sân đã rút điện thoại di động gọi cho ủy viên liên đoàn bóng, hoặc thậm chí gọi cho luật sư của họ.

Thật đáng buồn là bây giờ nhiều đứa trẻ quá được nuông chiều. Tôi nhớ lại cái cảm giác của mình suốt giờ nghỉ giải lao hôm ấy. Phải, tôi khát. Nhưng hơn thế, tôi cảm thấy hổ thẹn. Tất cả chúng tôi đã làm cho huấn luyện viên Graham thất vọng, và ông đã thể hiện sự thất vọng đó theo một cách khiến chúng tôi không bao giờ quên được. Ông đã đúng. Chúng tôi đã tỏ ra “nhiệt tình” với xô nước hơn là với trận đấu bóng. Và việc bị ông sỉ nhục đã có ý nghĩa đối với chúng tôi. Khi trở lại sân trong hiệp hai, chúng tôi đã thi đấu hết sức cố gắng.

Tuy không gặp lại huấn luyện viên Graham kể từ khi tôi còn là đứa trẻ mười mấy tuổi, nhưng hình ảnh của ông luôn hiện lên trong trí nhớ của tôi, nhắc nhở tôi phải làm việc cố gắng hơn mỗi khi tôi định đầu hàng, nhắc nhở tôi phải phấn đấu để hoàn thiện mình hơn. Ông đã dạy tôi một bài học quý giá cho suốt cả cuộc đời.

Khi cho con cái tham gia các môn thể thao – bơi lội, bóng đá, bóng bầu dục, v.v… – phần đông chúng ta không vì muốn chúng học được những thứ phức tạp của môn thể thao đó.

Ðiều chúng ta thực sự muốn chúng học được còn quan trọng hơn nhiều: đó là tinh thần đồng đội, tính kiên trì, tinh thần thể thao, giá trị của sự nỗ lực và khả năng đối phó với nghịch cảnh. Cái gián tiếp học được như vậy, chúng ta gọi là “giả đầu”.

Có hai loại giả đầu. Loại thứ nhất đơn giản dễ thấy. Trên sân bóng, cầu thủ nghiêng đầu về một hướng, làm cho bạn tưởng anh ta sẽ chạy về hướng ấy. Song, sau đó anh ta chạy theo hướng ngược lại. Ðiều đó giống như một nhà ảo thuật dùng kỹ thuật đánh lạc hướng. Huấn luyện viên Graham thường nhắc chúng tôi phải quan sát thắt lưng của đối phương. “Bụng anh ta chuyển tới hướng nào, thì anh ta cũng sẽ chuyển tới hướng đó.” – ông nói.

Loại giả đầu thứ hai quan trọng hơn nhiều – đó là dạy bạn điều mà bạn không hình dung là mình đang học, cho tới khi bạn dần học được điều đó. Nếu bạn là một chuyên gia về giả đầu, mục tiêu giấu kín của bạn sẽ là để cho mọi người học điều bạn muốn họ học.

Loại học giả đầu như vậy vô cùng thiết yếu, và huấn luyện viên Graham là một bậc thầy trong lĩnh vực này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.