Bài Giảng Cuối Cùng

24. Một kẻ xuẩn ngốc thức tỉnh



Một câu nói dập khuôn được chấp nhận trong giáo dục là: mục tiêu số một của các giảng viên là giúp sinh viên học cách học như thế nào.

Tất nhiên, tôi luôn nhìn nhận giá trị của điều đó.

Nhưng trong thâm tâm tôi, mục tiêu số một tốt hơn là: giúp sinh viên học cách tự đánh giá bản thân như thế nào.

Họ có nhận biết được năng lực thật của họ không? Họ có ý thức được những khiếm khuyết của họ không? Họ có thực tế trong cách người khác nhìn nhận họ không?

Cuối cùng, các nhà sư phạm sẽ phục vụ sinh viên tốt nhất bằng cách giúp họ biết tự phản chiếu. Cách duy nhất để mỗi người có thể tiến bộ – như huấn luyên viên Graham đã dạy tôi – là phát triển được khả năng thật sự để tự đánh giá mình. Nếu không làm được điều đó một cách đúng đắn, làm sao có thể nói chúng ta đang tốt lên hay xấu đi?

Một số người theo trường phái cổ điển phàn nàn rằng họ cảm thấy tất cả những gì mà giáo dục đại học ngày nay quan tâm là: phục vụ khách hàng. Sinh viên và cha mẹ của họ nghĩ rằng họ trả nhiều tiền cho một sản phẩm, và do vậy họ muốn sản phẩm đó phải có giá trị theo cách đo đếm được. Điều đó giống như họ bước vào một cửa hàng bách hóa, và thay vì mua năm chiếc quần bò hàng hiệu, họ mua một khóa học năm môn.

Tôi không hoàn toàn phủ định mô hình phục vụ khách hàng, nhưng nghĩ điều quan trọng là phải dùng ẩn dụ thương mại này một cách đúng đắn. Đây không phải là bán lẻ. Thay vào đó, tôi so sánh học phí đại học như tiền thù lao cho người hướng dẫn tập cá nhân ở một câu lạc bộ thể thao. Các giáo sư chúng tôi đóng vai trò người hướng dẫn, cho sinh viên tiếp cận tới các thiết bị (sách, phòng thí nghiệm, kinh nghiệm của chúng tôi). Và sau đó, công việc của chúng tôi là đòi hỏi. Chúng tôi phải đảm bảo để sinh viên tự luyện tập. Chúng tôi cần khen ngợi họ khi họ xứng đáng và phải thẳng thắn nhắc họ khi họ cần làm việc cố gắng hơn.

Quan trọng nhất là chúng tôi phải cho họ biết cần tự đánh giá thế nào về tiến bộ của họ. Điều tuyệt vời khi luyện tâp trong phòng thể thao là nếu cố gắng cố gắng, bạn sẽ có kết quả rất rõ ràng. Điều này cũng đúng đối với giáo dục đại học. Công việc của một giáo sư là dạy cho sinh viên cách xem xét tâm thức họ phát triển như thế nào, giống như cách họ có thể thấy cơ bắp của họ phát triển ra sao bằng cách nhìn vào một tấm gương.

Nhằm đạt được điều đó, tôi đã cố gắng đưa ra cách thức để mọi người có thể lắng nghe phản hồi. Tôi đã liên tục giúp sinh viên phát triển vòng phản hồi của chính họ. Việc này không hẳn dễ đàng. Để mọi người vui vẻ đón nhận phản hồi là việc khó nhất mà tôi phải làm, với tư cách của một nhà giáo. (Nó cũng không dễ trong cuộc sống cá nhân của tôi.) Tôi rất buồn vì có quá nhiều cha mẹ và giảng viên đã đầu hàng việc này. Khi nói về xây dựng lòng tự trọng, họ thường dùng lời tâng bốc rỗng tuếch thay vì phát triển tính cách một cách trung thực. Tôi đã nghe rất nhiều người nói về vòng xoáy ốc thụt lùi trong hệ thống giáo dục của chúng ta, và tôi nghĩ một nguyên nhân mấu chốt là do có quá nhiều sải bước và có quá ít phản hồi thực sự.

Khi tôi dạy lớp “Xây dựng các thế giới ảo” ở Carnegie Mellon, chúng tôi đã tiến hành làm phản hồi ngang, hai tuần một lần. Đó là một lớp học hoàn toàn hợp tác, sinh viên làm việc trong các nhóm bốn người, trên các để án thực tế ảo máy tính. Họ phụ thuộc lẫn nhau và điểm của họ phản ánh điều đó.

Chúng tôi lấy tất cả các phản hồi ngang và đưa vào một trang tính. Tới cuối học kỳ, sau khi mỗi sinh viên đã làm năm đề án, mỗi đề án được làm với ba thành viên khác, mỗi người có mười lăm số liệu. Ðó là một cách thực dụng, có ý nghĩa thống kê để họ tự nhìn vào chính họ.

Tôi lập những biểu đồ cột nhiều màu, trong đó, mỗi sinh viên có thể thấy xếp hạng của mình về các chỉ số đo đơn giản như:

1. Những người cũng nhóm có nghĩ là anh ta làm việc tích cực không? Chính xác thì những người cùng nhóm nghĩ anh ta đã dành bao nhiêu giờ để làm việc cho đề án?

2. Ðóng góp của anh ta có tính sáng tạo như thế nào?

3. Những người cùng nhóm thấy dễ hay khó làm việc với anh ta? Anh ta có tinh thần đồng đội không?

Như tôi vẫn luôn chỉ rõ, đặc biệt là với điểm “3”, những gì mà người cùng nhóm nghĩ, thực chất là một đánh giá chính xác rằng làm việc với bạn dễ dàng như thế nào.

Những biểu đồ cột nhiều màu rất đặc thù. Tất cả sinh viên đều biết họ đứng ở đâu trong tương quan với bốn mươi chín sinh viên khác.

Các biểu đồ cột cùng các mẫu phản hồi khác, đặc biệt có bao gồm các đề nghị giúp làm tiến bộ, như: “Hãy để mọi người kết thúc câu của họ, khi họ đang nói.”

Hy vọng của tôi là, sẽ có nhiều sinh viên nhìn những thông tin này và nói, “Ôi trời, mình phải ghi nhận điều này.” Đó là những phản hồi khó có thể bỏ qua, nhưng một số ít người vẫn không hề quan tâm tới chúng.

Có một khóa giảng, tôi để sinh viên đánh giá từng người một theo cùng phuơng pháp, nhưng chỉ cho sinh viên biết họ thuộc nhóm một phần tư nào. Tôi nhớ cuộc nói chuyện với một sinh viên bị những người khác cho là đặc biệt khó chịu. Cậu ta thông minh, nhưng quá chủ quan ngộ nhận về mình, nên không mảy may biết mình được nhìn nhận ra sao. Cậu ta xem số liệu, thấy mình bị xếp ở nhóm một phần tư thấp nhất và không hề băn khoăn.

Cậu ta hình dung, nếu bị xếp vào nhóm 25% thấp nhất, thì cậu ta phải ở mức 24 hay 25% (chứ không phải thuộc 5% đáy). Do đó trong ý nghĩ, cậu ta thấy mình gần thuộc nhóm 25% cao hơn. Như vậy cậu ta xem mình “không xa mấy với nhóm 50%” có nghĩa là, bạn bè thấy cậu ta cũng không sao cả.

“Tôi rất mừng vì chúng ta có cuộc trao đổi này.” – tôi nói với cậu ta. – “Bởi tôi nghĩ điều quan trọng là tôi cho anh biết một số thông tin cụ thể. Anh không những chỉ thuộc nhóm 25% thấp nhất. Với năm mươi sinh viên trong lớp, bạn bè xếp anh hạng cuối cùng. Anh là người thứ năm mươi. Anh có vấn đề nghiêm trọng. Mọi người nói anh không hề biết lắng nghe và rất khó làm việc, trao đổi với anh. Ðiều đó không hề tốt.”

Cậu sinh viên bị sốc. Cậu ta có tất cả, mọi thứ đều tỏ ra rất hợp lý, và bây giờ thì tôi lại ngồi đây để đưa cho cậu ta những số liệu khá phũ phàng.

Và rồi tôi đã kể với cậu ta về chính tôi.

“Trước đây tôi cũng đã từng rất giống anh.” – tôi nói. – “Tôi đã từng bị phủ nhận. Nhưng tôi may

mắn có một giáo sư, ông đã chứng tỏ sự quan tâm tới tôi bằng cách nói thẳng sự thật cho tôi biết. Và đây là điều đặc biệt của tôi: tôi đã lắng nghe.”

Cặp mắt của cậu sinh viên mở rộng. “Tôi thú nhận điều đó.” – tôi nói. – “Tôi là một kẻ xuẩn ngốc được thức tỉnh. Và việc đó đã cho tôi thẩm quyền đạo đức để nói với anh rằng, anh cũng có thể trở thành một kẻ xuẩn ngốc thức tỉnh.”

Trong thời gian còn lại của học kỳ, cậu sinh viên này đã luôn tự kiểm soát mình. Cậu ta đã tiến bộ.

Tôi đã cho cậu ta một đặc ân, cũng giống như Andy van Dam đã cho tôi mấy năm trước đây.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.