Anna Karenina (Tập 2)
Phần 6 – Chương 12
27
Cuộc bầu cử đại biểu tỉnh được quy định vào ngày thứ sáu. Tất cả các phòng đều đông đủ những nhà quý tộc mặc đồng phục nhiều màu nhiều vẻ. Nhiều người mãi hôm đó mới đến. Bạn bè từ lâu xa nhau, người từ Crưm đến, người ở Peterburg, kẻ ở nước ngoài về, bây giờ lại gặp mặt. Gần bàn thống đốc, dưới ảnh đức hoàng đế, những cuộc tranh luận diễn ra rôm rả. Các nhà quý tộc, trong phòng họp lớn cũng như phòng nhỏ, tụ tập thành phe cánh và những cái nhìn hằn học, nghi ngờ, phút im bặt đột ngột khi một địch thủ đến gần, tiếng xì xào trong góc và tận ngoài hành lang, tất cả chứng tỏ mỗi phe đều có những bí mật riêng. Bề ngoài, các nhà quý tộc chia làm hai loại rõ ràng: loại cũ và loại mới. Những vị kì cựu phần nhiều mặc đồng phục kị binh, hải quân hay lục quân. Đồng phục của các nhà quý tộc cũ cắt theo kiểu cổ, bồng vai thắt đáy, thân ngắn và chật như thể người mặc đã lớn lên trong đó. Những vị trẻ thì mặc đồng phục không, cái cúc, thân áo chùng, vai rộng với gi lê trắng hoặc cổ áo đen thêu lá nguyệt quế tượng trưng Bộ Tư pháp. Một số người trẻ mặc triều phục điểm cho phòng họp thêm vui mắt. Nhưng sự phân chia già trẻ không trùng với sự phân chia phe phái. Theo Levin nhận xét, một số người lớp trẻ thuộc về phái già; ngược lại, vài nhà quý tộc rất cao tuổi đang thì thầm với Xviajxki rõ ràng là những vai chủ động hăng hái của phái mới. Levin đang ở phòng nhỏ, cạnh một nhóm bạn thân; tại đây, người ta hút thuốc và ăn đồ nguội. Chàng lắng nghe mọi người nói và đem hết tâm trí ráng sức hiểu xem đó là vấn đề gì, nhưng vô hiệu. Xergei Ivanovitr là trung tâm, những người khác tụ tập quanh. Lúc đó, ông đang nghe Xviajxki và Khliuxtov, đại biểu một quận thuộc khác thuộc phe họ. Khliuxtov không đồng ý nhân danh quận mình yêu cầu Xnietcov ra ứng cử; Xviajxki đang tìm cách thuyết phục ông làm thế và Xergei Ivanovitr tán thành kế hoạch đó. Levin không hiểu tại sao phe đối lập lại yêu cầu vị đại biểu họ toan loại trừ đệ đơn ứng cử. Xtepan Arcaditr vừa uống một cốc rượu và ăn vài món đồ nguội, lại gần họ trong bộ đồng phục thị thần và lau miệng bằng khăn tay vải mịn, xức nước hoa.
– Chúng ta đang chiếm lĩnh vị trí, Xergei Ivanovitr ạ! – ông vừa nói, vừa vuốt râu má. Và sau khi lắng nghe câu chuyện, ông ủng hộ Xviajxki.
– Chỉ cần một quận thôi, còn quận Xviajxki thuộc phe đối lập quá lộ liễu rồi, – ông nói.
Trừ Levin, mọi người đều hiểu.
– Thế nào, Coxtia, cả chú nữa, hình như chú cũng bén mùi rồi đấy à? – ông quay lại Levin nói thêm và khoác tay chàng. Nếu Levin bén mùi thì hẳn chàng đã hài lòng, nhưng chàng không tài nào hiểu đó là chuyện gì và sau khi lảng ra vài bước, chàng bèn phát biểu thắc mắc với Xtepan Arcaditr.
– O, sanct simplicitas(26)! – Xtepan Arcaditr nói, rồi bằng vài câu, ông giảng cho Levin vỡ lẽ.
(26) Tiếng La tinh: Ôi sự ngây thơ thần thánh! Người ta cho rằng nhà cách mạng Tiệp Khắc Ian Huýt (1369-1415) đã thốt ra câu này khi thấy một bà già góp một thanh gỗ vào đống củi, nơi bọn cầm quyền thiêu sống ông.
Nếu tất cả các quận đều yêu cầu Xnietcov ra ứng cử như các kì trước, người ta sẽ bỏ phiếu tán thành bầu ông ta hết. Cần phải tránh điều đó. Lần này, tám quận đồng ý yêu cầu ông ta: nếu hai quận trong số đó từ chối, Xnietcov có thể rút đơn ứng cử. Và bấy giờ phái cũ sẽ chọn lựa ngay trong phe họ một đại biểu khác và tất cả kế hoạch sẽ sụp đổ. Còn như nếu chỉ có quận Xviajxki không đề cử, thì Xnietcov vẫn cứ ra tranh cử. Ta sẽ chuyển một phần số phiếu cho ông ta: phe đối lập bị lạc hướng, bấy giờ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đối phương, khi người này ra tranh cử. Levin chỉ hiểu một nửa và định hỏi thêm vài câu nữa thì đột nhiên mọi người bỗng nhao nhao lên cùng một lúc và đi về phía phòng họp lớn.
– Có chuyện gì đấy? Cái gì! Ai vậy? – Thẩm tra quyền bầu cử ư? Thẩm tra ai vậy? – Phải, họ gạt bỏ. – Nhưng không mà. – Họ không chịu thừa nhận Flerov. – Tại sao, vì đã từng ra chốn tụng đìnhư? – Cứ cái kiểu ấy thì họ sẽ không thừa nhận ai hết. – Thật hèn hạ. – Đó là chuyện pháp luật!
Levin nghe thấy những tiếng xôn xao từ khắp phía, và sợ bỏ qua sự kiện bất thường kia, chàng hòa mình vào đám người đang hối hả đi về phòng lớn. Bị xô đẩy, chàng trôi về phía bàn danh dự; quanh đó, vị đại biểu quý tộc, Xviajxki và nhiều nhân vật khác đang tranh luận.
28
Levin đứng ở khá xa. Cạnh chàng, một nhà quý tộc thở khò khè và một vị khác đi giày cao cổ kêu ken két, khiến chàng không nghe được rõ. Chàng chỉ thoáng thấy giọng nói khẽ khàng của vị đại biểu quý tộc rồi tiếng the thé của ông chanh chua, rồi giọng Xviajxki. Theo chàng hiểu thì họ đang tranh luận về ý nghĩa của một số điều khoản luật pháp và của những tiếng: “bị thẩm vấn”. Đám đông rẽ ra cho cho Xergei Ivanovitr đi qua. Ông này sau nghe xong tràng thuyết lí của ông chanh chua, bèn gợi ý nên giở lại văn bản sắc luật cho chắc chắn và yêu cầu thư kí tìm lại điều luật đó. Luật ghi là trong trường hợp ý kiến bất đồng, cần bỏ phiếu. Xergei Ivanovitr đọc bản sắc luật rồi đi vào giải thích ý nghĩa, nhưng lúc đó, một điền chủ bèn ngắt lời ông: đó là một người to béo và cao lớn, lưng hơi gù, ria mép nhuộm, mặc đồng phục thắt đáy có cổ áo đỡ lấy gáy. Ông ta lại gần, gõ chiếc nhẫn lên bàn, và dõng dạc nói lớn:
– Bỏ phiếu! Bỏ phiếu! Không tranh luận nữa!
Một vài giọng nói đột nhiên cất lên và nhà quý tộc đeo nhẫn càng bực già, quát tháo dữ hơn. Nhưng không ai rõ ông nói gì.
Ông ta cũng đề nghị làm như Xergei Ivanovitr, nhưng rõ ràng ghét ông này cùng tất cả phe phái; tình cảm đó truyền sang phe đối lập và cũng gây phẫn nộ như thế, tuy biểu lộ dưới hình thái lịch sự hơn. Người ta la hét; có một phút lộn xộn đến nỗi vị đại biểu quý tộc phải yêu cầu im lặng.
– Bỏ phiếu! Bỏ phiếu! Tất cả các vị quý tộc sẽ hiểu tôi.
– Chúng ta đổ máu… – Lòng tin cậy của đức vua… – Đừng nghe ông đại biểu, ông ta không ra lệnh cho chúng ta được. – Đó không phải là vấn đề… – bỏ phiếu kín… – Thật đê tiện! – Từ khắp phía, vang lên tiếng gào thét giận dữ điên cuồng, những cái nhìn và những bộ mặt càng giận dữ, điên cuồng hơn. Levin hoàn toàn không hiểu sự tình ra sao và ngạc nhiên thấy vấn đề xét xem có nên bỏ phiếu quyết nghị trường hợp Flerov hay không lại gây phẫn nộ đến thế. Chàng quên mất cái đòi hỏi phải hạ bệ vị đại biểu của tỉnh vì lợi ích chung, theo phép tam đoạn luận mà sau đó Xergei Ivanovitr giảng giải cho chàng: muốn đánh bại ông ta cần có đa số phiếu, muốn giành đa số, phải đồng ý cho Flerov có quyền bỏ phiếu; muốn chuẩn nhận Flerov, cần biết cách giải thích điều luật.
– Thế cho nên chỉ cần một phiếu là có thể chuyển đa số về bên nào. Cần phải nghiêm túc và có tinh thần kiên trì nếu ta muốn làm việc vì lợi ích công cộng, – Xergei Ivanovitr kết luận. Nhưng Levin quên mất điều đó, chàng thấy khổ tâm khi thấy những người trung thực chàng hằng kính trọng, rơi vào tình trạng điên cuồng và phẫn khích như thế. Để thoát khỏi cảm giác khó chịu đó, chàng không đợi cuộc tranh luận kết thúc mà đi thẳng sang phòng nhỏ, ở đó chỉ có bọn bồi. Thấy họ lau chùi bát đĩa, cốc, tách với vẻ mặt thư thái, Levin đột nhiên nhẹ hẳn người như vừa ra khỏi một căn phòng xú uế đến nơi thoáng đãng. Chàng đi đi lại lại vui thích nhìn họ. Chàng rất khoái một người hầu để râu má hoa râm bất chấp bọn trẻ trêu chọc, vẫn điềm tĩnh dạy họ gấp khăn ăn, Levin định bắt chuyện với bác ta thì viên thư kí phòng bảo trợ – một ông già bé nhỏ có cái đặc biệt là biết tên tục và tên bố của tất cả các nhà quý tộc trong tỉnh – đến làm chàng lãng đi mất.
– Xin lỗi, ngài Conxtantin Dimitrievitr, – lão nói, – lệnh huynh đang tìm. Sắp bỏ phiếu rồi.
Levin trở lại phòng họp lớn, nhận một tấm phiếu trắng và theo sau ông anh Xergei Ivanovitr, tiến lại gần bàn, cạnh đó Xviajxki đang đứng, vẻ giễu cợt và quan trọng, hít hít bộ râu thu gọn trong bàn tay. Xergei Ivanovitr cho tay vào hòm phiếu, đặt phiếu và dịch ra một chút cho Levin qua. Đến lượt Levin lại gần, nhưng quên tịt không biết làm thế nào. Chàng hoang mang, quay về phía Xergei Ivanovitr, hỏi: “Bỏ vào đâu?” Chàng hi vọng không ai nghe thấy vì chàng hỏi khẽ và xung quanh mọi người đều đang nói chuyện. Nhưng những người đang nói bỗng im bặt và câu hỏi không hợp thời lọt vào tai họ. Xergei Ivanovitr cau mày.
– Đây là vấn đề lập trường, – ông nghiêm nghị nói.
Một vài người mỉm cười. Levin đỏ mặt, vội lùa bàn tay phải cầm phiếu xuống dưới tấm dạ và đặt phiếu sang phải. Làm xong, chàng chợt nhớ là phải giấu cả tay trái nữa và vội luồn tay trái xuống dưới tấm dạ, nhưng chậm quá rồi. Mỗi lúc một thêm bối rối, chàng hấp tấp rút lui xuống hàng cuối.
– Một trăm hai mươi sáu phiếu thuận! Chín mươi tám phiếu trống! – viên thư kí tuyên bố, không nhấn rõ những chữ “r”. Rồi có tiếng cười: trong hòm phiếu có một chiếc cúc và hai hạt dẻ. Flerov được chấp nhận và phe mới thắng thế. Nhưng phái cũ chưa chịu thua. Levin nghe thấy người ta yêu cầu Xnietcov ra tranh cử và trông thấy đám đông quý tộc xúm quanh ngài đại biểu đang nói. Chàng lại gần. Đáp lời các nhà quý tộc, Xnietcov nói ông không xứng đáng với lòng tin cậy và yêu mến của họ vì ông chỉ có ưu điểm duy nhất là tận tâm cống hiến mười hai năm của cuộc đời cho giới quý tộc. Ông nhắc lại nhiều lần: “Tôi đã phụng sự lòng tin và chân lí trong phạm vi sức lực tôi. Tôi kính trọng và cảm tạ các ngài”. Bỗng nhiên, ông dừng bặt, nghẹn ngào nước mắt và rời khỏi phòng. Những giọt nước mắt đó là do ông thấy bị đối xử bất công, do lòng yêu mến giới quý tộc, hay do lâm vào thế bí, cảm thấy kẻ thù vây bốn bề? Muốn thế nào đi nữa, nỗi xúc động của ông cũng truyền sang xung quanh. Phần lớn những người có mặt đều cảm động và Levin thấy trìu mến Xnietcov. Ra đến cửa, ngài đại biểu quý tộc va phải Levin.
– Xin lỗi, ông bỏ quá cho, – ông nói; khi nhận ra Levin, ông mỉm cười, rụt rè. Levin có cảm giác ông muốn nói điều gì nhưng xúc động không thốt nên lời. Vẻ mặt và bộ dạng cả con người ông trong bộ đồng phục đầy huân chương và chiếc quần trắng nẹp khi ông hối hả đi ra, khiến Levin nghĩ đến một con vật bị săn đuổi. Vẻ mặt ấy càng khiến Levin thương cảm vì mới hôm qua, chàng còn đến nhà ông hỏi về chuyện bảo trợ, và đã thấy ông trong tư thế đường bệ của một con người phúc hậu, một ông chủ gia đình. Một ngôi nhà rộng với những đồ đạc cổ; những lão bộc ăn mặc xuề xòa nhưng bộ điệu cung kính, rõ ràng là nông nô cũ không muốn đổi chủ; một đàn bà phúc hậu, mập mạp, đội mũ trùm đầu bằng ren và quàng khăn san kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, đang vồ vập âu yếm con bé cháu ngoại xinh xẻo; một cậu bé dáng dấp thanh nhã đi học về đang hôn bàn tay khỏe mạnh của bố; cốt cách oai vệ, vẻ hòa nhã của chủ nhân, tất cả đều gợi lòng tôn kính và cảm tính của Levin. Cho nên, bây giờ, ông già khiến chàng thương hại; chàng muốn nói với ông đôi lời thân ái.
– Tôi hi vọng ngài vẫn đứng đầu chúng tôi, – chàng bảo ông ta.
– Tôi không biết, – vị đại biểu nói, vừa quay lại, vẻ sợ hãi. Tôi già rồi, mệt rồi. Có nhiều người xứng đáng hơn, trẻ hơn. Để họ thay tôi. – Và vị đại biểu đi khuất qua một cửa ngách. Phút long trọng đến gần. Phải bắt tay vào bầu ngay thôi. Thủ lĩnh hai phái bấm đốt ngón tay tính số phiếu thuận và phiếu trống. Cuộc tranh chấp xung quanh Flerov đã khiến cho phe mới được thêm phiếu của ông này và tranh thủ thêm thời gian đưa về được ba nhà quý tộc mà phái cũ đã dùng mưu làm cho không tham dự bầu cử được. Hai đại biểu vốn thích ma men đã bị bọn tay sai của Xnietcov chuốc rượu say mềm còn vị thứ ba bị giấu mất bộ đồng phục. Được tin, phe mới đã đủ thì giờ cử người kiếm một bộ đồng phục, đồng thời cho xe ngựa chở một trong hai vị say rượu về, trong khi còn tranh luận.
– Tôi đưa về được một ông, phải vã nước vào mặt đấy, – vị đại biểu đi tìm nói với Xviajxki. – Nhưng không sao, được việc chán.
– Không say quá, không đến nỗi té nhào chứ? – Xviajxki hất đầu hỏi.
– Không, tỉnh táo rồi. Miễn là đừng cho ông ta uống nữa. Nhưng tôi đã bảo người giữ rượu đừng để ai dọn cho ông ta thứ gì cả, bất cứ vì lí do gì.
29
Gian phòng hẹp, nơi hút thuốc và ăn đồ nguội, chật ních người. Không khí mỗi lúc một thêm sôi động và vẻ lo lắng lộ rõ trên mặt mọi người. Hồi hộp nhất là những vị đứng đầu hai phe hiện đã nắm được đích xác con số cử tri. Họ chuẩn bị lao vào cuộc chiến đấu sắp tới. Những người khác giống như binh lính trước hôm chiến đấu, tuy chuẩn bị đánh nhau nhưng vẫn kiếm trò tiêu khiển. Người ăn đứng, ăn ngồi ở bàn; kẻ đi đi lại lại hút thuốc và chuyện trò với bạn bè gặp lại sau thời gian xa cách. Levin không đói, cũng không nghiện thuốc; chàng không muốn đến nhập bọn với phe cánh mình, tức là Xergei Ivanovitr, Xtepan Arcaditr trong bộ đồng phục hoàng triều giám mã đang đứng giữa bọn họ nói chuyện sôi nổi. Hôm qua, Levin thấy anh ta rồi và thận trọng tránh vì không muốn gặp. Chàng lại gần cửa sổ và ngồi xuống, quan sát các nhóm và lắng nghe mọi người bàn tán xung quanh. Chàng buồn buồn khi thấy tất cả đều náo động, lo lắng; chỉ có một ông già bé nhỏ, rụng hết răng và nói lắp, mặc đồng phục hải quân là nhàn rỗi và thờ ơ như chàng.
– Đồ khốn khiếp! Tuy nhiên, tôi đã xạc cho hắn một mẻ, như hát hay vậy! Suốt ba năm trời mà không chuẩn bị xong! – một địa chủ quý tộc, người tầm thước, lưng gù, tóc bôi sáp rủ xuống cổ áo thêu đồng phục, vừa nói vừa nện gót đôi ủng mới rõ ràng diện để đi bầu cử. Ông ta giận dữ nhìn Levin và đột ngột quay đi.
– Phải, đúng vậy, thật là xấu xa, – người tiếp chuyện, thân hình thấp bé, trả lời, giọng nhỏ nhẻ.
Theo sau họ, là cả một đám đông vây quanh một vị tướng to béo.
Rõ ràng họ đang tìm một góc để nói chuyện cho kín đáo.
– Sao hắn dám nói là tôi sai đánh cắp quần của hắn! Tôi đoán hắn đã bán đi để uống rượu. Tôi thì nhổ toẹt vào hắn và cả cái tước hoàng thân của hắn ấy chứ lại. Nhưng hắn đừng có mà nói thế, đê tiện!
– Nhưng, tôi xin các vị! Họ dựa vào luật pháp đấy, – có tiếng người nói trong một nhóm khác; – phụ nữ phải được ghi trong danh sách quý tộc.
– Tôi bất cần luật pháp! Tôi cứ nói theo tâm linh. Không phải tự nhiên mà chúng ta là quý tộc. Xin hãy tin là thế.
– Bẩm quan lớn, mời ngài lại dùng sâm banh hảo hạng. Một nhóm khác theo sau một nhà quý tộc đang kêu inh ỏi: đó là một trong ba người bị chuốc rượu say.
– Xưa nay tôi vẫn khuyên Maria Xemionovna cho phát canh ruộng đất, vì bà ta chẳng biết đường nào mà lần, – một điền chủ ria lấm tấm bạc, mặc quân phục cựu đại tá Tổng tham mưu, dịu dáng nói. Đó là nhân vật Levin đã gặp ở nhà Xviajxki. Chàng nhận ra ngay ông ta. Nhà điền chủ cũng nhìn thấy Levin và họ chào nhau.
– Rất sung sướng được gặp lại ngài. Tất nhiên! Tôi nhớ rất rõ mà.
Năm ngoái, ta gặp nhau ở nhà Nicolai Ivanovitr.
– Công việc canh tác của ngài ra sao ạ? – Levin nói.
– Mỗi ngày một tệ, – ông kia mỉm cười trả lời, vẻ căm phẫn nhưng bình thản tựa hồ tin chắc đó là chuyện tất yếu không tránh được. – Còn ngài, làm sao ngài lại đến tỉnh chúng tôi vậy – ông hỏi. Ngài đến tham gia coup d’ Etat27 của chúng tôi ư? – ông đanh thép nói, nhưng phát âm sai chữ Pháp vừa dùng. – Tất cả nước Nga hẹn gặp nhau ở đây. Có cả thị thần, chỉ thiếu Bộ trưởng nữa thôi, – ông chỉ cái dáng bệ vệ của Xtepan Arcaditr vận đồng phục thị thần và quần trắng đang đi dạo cạnh vị tướng.
(27) Tiếng Pháp trong nguyên bản, nghĩa là đảo chính.
– Xin thú thật với ngài tôi chẳng hiểu gì mấy về ý nghĩa cuộc bầu cử này, – Levin nói. Vị điền chủ nhìn chàng.
– Nhưng có gì cần hiểu đâu. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó là một tổ chức lỗi thời chỉ kéo dài hoạt động do quán tính mà thôi. Ngài hãy nhìn xem những bộ đồng phục chúng nói một cách hùng hồn rằng: đây là một cuộc hội nghị thẩm phán hòa giải, uỷ viên thường trực v.v… chứ không phải hội nghị quý tộc.
– Vậy tại sao ngài lại đến? – Levin hỏi.
– Hoàn toàn chỉ do thói quen thôi. Hơn nữa, cần duy trì những mối liên hệ của mình. Quả tình, có thể nói đây là nghĩa vụ tinh thần. Và, thực ra, nó cũng dính dáng đến quyền lợi của tôi. Con rể của tôi muốn ra ửng cử làm uỷ viên thường trực: gia đình nó không có tài sản, cần phải nâng đỡ bọn nó. Và những ông này, tại sao họ lại đến đây? – ông vừa nói vừa chỉ ông chanh chua đã lên đăng đàn tranh luận.
– Đó là một thế hệ quý tộc mới.
– Gọi là mới thì còn khả dĩ. Nhưng không phải là quý tộc. Đó là những kẻ sở hữu tài sản, còn chúng tôi là chúa đất. Với danh nghĩa quý tộc, họ cắn xé lẫn nhau.
– Nhưng ngài vừa nói đây là một tổ chức lỗi thời mà.
– Phải, phải, nhưng dù sao, họ cũng phải kính nể chúng tôi hơn một chút chứ. Cho dù chỉ đối với Xnietcov… Có thể chúng tôi không đáng giá là bao, nhưng dòng dõi chúng tôi phải trải qua hàng ngàn năm mới có cội có cành được. Nếu ngài cần vạch vạt đất trồng hoa trước cửa nhà và nếu ở đó có một cây cổ thụ… dù nó già cỗi và cong queo, hẳn ngài cũng không vì vạt hoa mà đẵn ông tổ đó xuống, ngài sẽ vạch thế nào để dùng được cả cái cây. Vì chắc chắn nó không thể mọc lại được trong vòng một năm, – ông thận trọng hạ giọng và chuyển ngay sang chuyện khác. – Còn ngài, trại ấp của ngài thế nào ạ?
– Chẳng ăn thua mấy. Lợi tức không quá năm phần trăm.
– Vậy là công sức của ngài không được tính đến. Ngài cũng phải có một giá trị nào đó chứ, phải không? Tôi nói vậy là nói cho tôi đấy. Trước khi lui về với ruộng đất, mỗi tháng tôi lĩnh ba ngàn rúp tiền lương. Bây giờ, tôi làm việc nhiều hơn và cũng như ngài, tôi có được năm phần trăm, hơn nữa, chỉ được thế khi công việc trôi chảy. Công lao khó nhọc chẳng được kể vào đâu cả.
– Vậy tại sao ngài lại hăng hái thế, nếu bị lỗ vốn?
– À đấy! Biết làm thế nào? Đó là thói quen, vả chăng tôi cảm thấy bắt buộc phải thế. Tôi sẽ nói kĩ hơn với ngài, – ông hứng lên nói thêm và tì khuỷu tay vào cửa sổ: – con trai tôi không thích cái nghiệp canh nông tí nào. Nó chỉ quan tâm đến khoa học. Thành thử sẽ không có ai nối nghiệp. Vì thế tôi vẫn tiếp tục. Tôi vừa cho trồng một vườn cây ăn quả.
– Phải, – Levin nói, – thế là hoàn toàn đúng. Tôi có cảm giác sẽ không thu lợi được gì ở đất đai, vậy mà tôi vẫn tiếp tục. Đó là một thứ bổn phận ta cảm thấy phải làm đối với ruộng đất.
– Này nhé, – vị điền chủ nói tiếp. – Tôi ở cạnh một thương gia. Y có đến thăm tôi và chúng tôi cùng đi một vòng quanh trại. Ngài có biết y nói thế nào không: “Thưa ngài Xtepan Vaxilievitr, trong trại của ngài, tất cả đều đâu vào đó, trừ có khu vườn này bị bỏ hoài”. Vậy mà, tôi vẫn chăm chút khu vườn cẩn thận. “Vào địa vị ngài, tôi sẽ chặt những cây bồ đề này vào lúc đang căng nhựa. Ngài có tới một ngàn cây như thế, mỗi cây, ngài có thể làm được hai cái xà ra trò. Và hiện nay, thứ đó đáng giá đấy. Vâng, nếu ở địa vị ngài, tôi sẽ dùng chúng làm gỗ dựng nhà”.
– Và bằng số tiền đó, y sẽ mua gia súc hoặc ruộng đất với giá rẻ mạt rồi phát canh cho nông dân chứ gì, – Levin mỉm cười nói nốt, chàng đã nhiều lần gặp thứ lí luận đó. Và y sẽ làm giàu, còn ngài và tôi, chúng ta chỉ cầu sao giữ được của cải và để lại cho con cháu.
– Tôi chắc ngài đã có gia đình? – vị điền chủ hỏi.
– Vâng, – Levin tự hào đáp. – Phải, trong chuyện này, có cái gì kì lạ, – Chàng nói tiếp. – Chúng ta sống không tính toán tựa hồ được bố trí đứng canh ngọn lửa thiêng, y hệt những nữ thần giữ của thời xưa vậy.
Vị điền chủ cười lặng lẽ dưới hàng ria bạc trắng.
– Cũng có một số người như ông bạn Nicolai Ivanôvich của chúng ta hoặc bá tước Vronxki, vừa mới về ở trại ấp đã muốn tiến hành canh tác quy mô; nhưng cho đến nay, cái đó chỉ dẫn đến chỗ ngốn hết vốn liếng thôi.
– Nhưng tại sao ta không làm như bọn lái buôn? Tại sao ta không đốn vườn làm xà nhà? – Levin nói, trở lại cái ý nghĩ đã làm chàng ngạc nhiên.
– Để bảo tồn ngọn lửa thiêng, như ngài nói. Vả chăng, đó không phải là công việc của nhà quý tộc. Phận sự của chúng ta không phải ở đây, trong cuộc bầu cử này, mà ở nơi kia, ở góc trời của chúng ta. Chúng ta có bản năng đẳng cấp về những gì nên làm và những gì không nên làm. Vả chăng nông dân cũng thế, thỉnh thoảng, tôi nhận xét thấy vậy: một nông dân tốt làm được bao nhiêu ruộng thì nhận rẽ bấy nhiêu. Thậm chí ruộng xấu, anh ta cũng cày. Không hề tính toán: thường thường là lỗ đứt đuôi.
– Cũng như chúng ta vậy, – Levin nói. – Tôi rất sung sướng được gặp ngài, – chàng nói thêm khi thấy Xviajxki lại gần.
– Từ buổi sơ kiến ở nhà ngài, đây là lần đầu chúng tôi gặp lại nhau, – vị điền chủ nói, – và chúng tôi thấy ở nhau nhiều điều tâm đắc lắm.
– Tôi đánh cuộc rằng các ngài đã nói xấu trật tự xã hội mới phải không? – Xviajxki mỉm cười nói.
– Có lẽ.
– Cần phải tâm sự cho nhẹ mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.