Anna Karenina (Tập 2)

Phần 5 – Chương 08



19

“Người đã vạch cho trẻ nhỏ biết những điều Người giấu các nhà hiền triết và các bậc trí nhân”, Levin thầm nghĩ khi trò chuyện với vợ tối đó. Sở dĩ Levin nghĩ tới câu đó trong kinh Phúc âm, không phải vì chàng tự cho mình là hiền triết. Chàng không tự cho mình là hiền triết, nhưng không thể không biết mình thông minh hơn vợ và Agafia Mikhailovna, mặt khác, chàng cũng hiểu khi nghĩ đến cái chết, chàng đã nghĩ với tất cả sức lực tâm hồn. Chàng lại biết, vì đã đọc những suy nghĩ của họ về vấn đề đó, rất nhiều vĩ nhân cũng từng nghĩ đến cái chết nhưng không khám phá được lấy một phần trăm những điều vợ chàng và Agafia Mikhailovna hiểu về nó. Agafia Mikhailovna và Catia – như ông anh Nicolai thường gọi và Levin bây giờ cũng thích gọi thế – hai người đàn bà rất khác nhau lại hoàn toàn giống nhau về phương diện này. Không chút nghi ngờ, họ hiểu thế nào là sự sống và thế nào là cái chết, và mặc dầu không trả lời được những vấn đề đặt ra với Levin và cũng không hiểu nổi những vấn đề ấy, họ vẫn không hề ngờ vực ý nghĩa của hiện tượng đó và cùng chung một quan điểm với hàng triệu người khác. Họ tỏ ra hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa cái chết: không một phút do dự, họ biết cách cư xử với kẻ hấp hối và không hề ghê sợ. Levin và rất nhiều người khác, mặc dầu có khả năng suy nghĩ khá nhiều về cái chết, rõ ràng vẫn không hiểu tại sao mình lại sợ cái chết và hoàn toàn không biết làm gì khi có người hấp hối. Nếu lúc này Levin ở một mình với ông anh Nicolai, hẳn chàng sẽ khiếp sợ ngắm ông ta, sẽ chờ đợi với một nỗi khiếp sợ còn lớn hơn thế nữa và không biết làm gì khác. Hơn nữa, chàng cũng không biết nói gì, xử sự thế nào, đi đứng ra sao. Nói chuyện bâng quơ thì xấu hổ; nói đến cái chết, đến chuyện buồn, thì không nên. Im lặng cũng không được. “Nếu mình nhìn anh ấy, anh ấy sẽ tưởng mình nghiên cứu anh ấy, mình sợ hãi; nếu không nhìn, anh ấy lại tưởng mình nghĩ tới việc khác; nếu đi rón rén trên đầu ngón chân, anh ấy sẽ bực tức, mà đi lại ầm ĩ thì không dám”. Kitti rõ ràng không nghĩ và cũng không có thời giờ nghĩ tới bản thân nàng; nàng nghĩ tới người ốm vì biết những điều cần làm và thu xếp rất chu tất. Nàng kể cho ông nghe chuyện mình, chuyện đám cưới, nàng mỉm cười, đầy vẻ thương xót, hết sức săn sóc ông, kể cho ông nghe những trường hợp khỏi bệnh, và mọi việc đều trôi chảy; như thế, tức là nàng có biết. Và những hoạt động của nàng, cũng như của Agafia Mikhailovna, không phải là bản năng, thú vật, không suy xét, vì ngoài những săn sóc về thể xác, làm dịu đau đớn, cả Agafia Mikhailovna lẫn Kitti đều đòi hỏi phải mang lại cho kẻ hấp hối một cái gì còn quan trọng hơn cả sự săn sóc và không liên quan gì với đời sống thể xác. Agafia Mikhailovna khi nhắc tới một ông già vừa mới chết có nói: “Đội ơn Chúa, ông lão đã chịu lễ ban thánh thể, được làm phép rửa tội, cầu Chúa cho mỗi người đều được chết như thế!”. Catia cũng vậy, ngoài mọi lo lắng về quần áo, thuốc men, bông băng, ngay từ hôm đầu đã thuyết phục được người ốm về sự cần thiết phải chịu lễ ban thánh thể và chịu phép lâm chung rửa tội. Buổi tối, khi Levin quay về buồng riêng, chàng cứ ngồi yên, đầu cúi gằm, không biết làm gì. Chàng không thể ăn tối, sửa soạn chỗ ngủ, suy nghĩ về những việc sẽ phải làm, chàng cũng không dám nói chuyện với vợ: chàng cảm thấy ân hận. Kitti trái lại, càng hoạt bát hơn ngày thường. Nàng sai dọn ăn tối, tự mình tháo hành lí, giúp việc trải giường và không quên rắc bột sát trùng lên giường. ở nàng toát ra cái sôi nổi, cái khả năng nhận xét nhanh nhạy thường thấy ở những trang nam nhi trước khi xung trận, trước cuộc đấu tranh, trong nguy hiểm hoặc vào những phút quyết định đời mình, những phút mà người đàn ông dứt khoát trổ hết tài trí và tỏ rằng quá khứ không uổng phí vô ích mà chỉ là chuẩn bị cho giây phút hiện tại. Chưa đến nửa đêm mà mọi cái đã đâu vào đấy; đồ đạc bày biện theo sở thích riêng và gian buồng trở nên giống căn nhà họ: giường đã trải xong, bàn chải, lược gương bày trên bàn, khăn mặt treo lên.

Levin thấy không thể ăn, ngủ, thậm chí cả trò chuyện nữa và cảm thấy mỗi cử chỉ của mình đều thất thố. Còn nàng thì vẫn xếp bàn chải, nhưng mọi việc nàng làm đều không có chút gì là chướng cả.

Tuy nhiên, cả hai đều không ăn gì và khuya rồi vẫn chưa chợp mắt, thậm chí cũng không định đi nằm nữa.

– Em rất hài lòng đã thuyết phục được anh ấy đồng ý chịu lễ rửa tội ngày mai, – nàng nói, và mình khoác áo choàng ngồi xuống trước tấm gương dùng khi đi đường, chải mái tóc mềm và thơm bằng chiếc lược xinh xắn. – Em chưa bao giờ được xem làm lễ rửa tội, nhưng mẹ nói người ta còn cầu kinh để chữa bệnh nữa.

– Chắc em không tin anh ấy có thể khỏi được chứ, – Levin nói, mắt nhìn đường ngôi hẹp đằng sau mái đầu tròn nhỏ luôn luôn biến mất mỗi lần nàng đưa lược chải về đằng trước.

– Em đã hỏi bác sĩ: ông ta bảo anh ấy không sống nổi quá ba ngày nữa đâu. Nhưng chắc gì họ biết đích xác? Dù sao em cũng rất hài lòng đã thuyết phục được anh ấy, – nàng nói, khẽ liếc nhìn chàng qua mớ tóc. – Mọi việc đều có thể xảy ra, – nàng nói thêm với cái vẻ đặc biệt, hơi láu lỉnh thường thấy trên mặt nàng mỗi khi bàn đến tôn giáo. Kể từ sau lần giãi bày tâm sự hồi sắp cưới, cả hai đều không bao giờ nhắc đến vấn đề đó nữa, nhưng nàng vẫn làm tròn công việc bổn đạo với lòng tin bình thản là đã làm tròn phận sự. Mặc dầu chàng đã nói rõ quan niệm ngược lại của mình, nàng vẫn đinh ninh rằng nếu chàng không ngoan đạo hơn thì cũng bằng mình và tất cả những lời chàng nói về việc đó chỉ là một cách bông lơn của đàn ông, như khi chàng nói về tấm thêu kiểu Anh. “Những người đứng đắn thì mạng lại những lỗ rách, còn em, em lại mua vui bằng cách khoét nó ra” v.v…

– Phải, cái chị Maria Nicolaievna, chị ta không biết cách thu xếp những loại việc đó, – Levin nói. – Còn… anh phải thú nhận là anh rất hài lòng về việc em đã cùng đến đây. Em trong trắng đến nỗi… – chàng cầm tay nàng nhưng không hôn (hẳn chàng thấy hôn tay khi có người sắp chết kề bên là bất tiện) nắm chặt lấy và nhìn vào đôi mắt sáng long lanh của nàng với một vẻ phạm lỗi.

– Nếu chỉ có mình anh đến thì thật kinh khủng quá! – nàng nói và giơ hai cánh tay lên che đôi má đỏ bừng, vì vui sướng, cuốn tròn bím tóc trên gáy và lấy trâm cài lại. – Phải, – nàng nói tiếp, – chị ấy không biết… còn em, may quá, em đã học được rất nhiều ở Xoden.

– Ở đó có người ốm nặng như thế này không?

– Còn nặng hơn nữa kia.

– Điều kinh khủng nhất là anh không thể không nhớ lại hình ảnh anh ấy hồi còn trẻ… Em không thể tin trước kia anh ấy là một thanh niên đáng yêu như thế nào… nhưng hồi đó, anh chưa hiểu rõ anh ấy.

– Có chứ, em tin, rất tin thế. Đáng lẽ chúng mình thân với anh ấy từ trước mới phải, – nàng nói và bỗng lo sợ vì những lời thốt ra; nàng quay lại chồng và rưng rưng nước mắt.

– Phải, lẽ ra nên thế từ trước mới đúng, – chàng buồn rầu nói. – Anh ấy chính thuộc loại người mà ta nói là sinh ra không hợp thời thế này.

– Chúng ta còn phải vất vả nhiều ngày nữa đấy, đi ngủ thôi, – Kitti nói, sau khi xem giờ ở chiếc đồng hồ nhỏ xíu.

Hôm sau, bệnh nhân chịu lễ ban thánh thể và chịu phép lâm chung rửa tội. Trong buổi lễ, Nicolai Levin đã sôi nổi cầu nguyện. Đôi mắt ông mở to chăm chú nhìn bức tượng thánh đặt trên bàn đánh bài phủ tấm khăn nhuộm màu, lộ rõ một niềm hi vọng thiết tha đến nỗi Levin phát hoảng. Chàng biết những lời cầu nguyện những hi vọng đó sẽ càng làm nặng nề thêm việc xa lìa cuộc sống mà ông xiết bao yêu quý. Levin hiểu rõ anh trai và quá trình tư tưởng của ông; chàng biết việc ông không tin đạo tuyệt nhiên không xuất phát từ chỗ ông cho rằng sống không tín ngưỡng vẫn dễ dàng hơn, mà do những giải thích theo khoa học đương thời về những hiện tượng trên thế gian, từng bước một, đã đánh bạt tín ngưỡng của ông, cho nên chàng hiểu sự khôi phục tín ngưỡng hiện nay của anh hoàn toàn không phải là kết quả bình thường của vận động trí tuệ mà là một nhượng bộ tạm thời, vụ lợi, với hi vọng phi lí là sẽ khỏi bệnh. Levin cũng biết Kitti đã củng cố hi vọng đó bằng những chuyện khỏi bệnh thần kì. Chàng biết mọi việc đó, và rất đỗi khổ tâm khi trông thấy cái nhìn cầu khẩn, tràn đầy hi vọng cùng bàn tay gầy đét khó nhọc giơ lên vầng trán xương xẩu để làm dấu thánh giá, đôi vai xo ro, bộ ngực lép kẹp thở khò khè đã đến lúc không đủ sức chứa cuộc sống mà người bệnh cầu xin. Trong khi làm lễ, Levin đã làm cái mà chàng, vốn không tin đạo, từng làm hàng nghìn lần rồi. Chàng nói với Chúa: “Nếu quả Người có thực, hãy làm cho người này khỏi bệnh, và thế là Người đã cứu cả hai chúng tôi”. Sau lễ rửa tội, người bệnh bỗng nhiên cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều. Cả một giờ sau đó, ông không ho lần nào; ông mỉm cười, vừa hôn tay Kitti, vừa rơm rớm nước mắt cảm ơn nàng, và cho biết ông thấy dễ chịu, không đau chỗ nào nữa, thấy trở lại khỏe mạnh và thèm ăn. Ông còn ngồi nhổm dậy một mình khi xúp mang tới và đòi ăn thịt băm viên. Tuy hết mọi hi vọng, và mặc dầu chỉ nhìn vẻ mặt người ốm cũng biết chắc không thể khỏi được, Levin và cả Kitti đều sống giờ phút đó với tâm trạng phấn khởi sung sướng, xen lẫn nỗi lo bị nhầm lẫn.

– Anh ấy có khá hơn không? – Có, khá hơn nhiều lắm. – Thật kì lạ! – Chẳng có gì kì lạ hết! Quả là anh ấy có khỏe hơn thật, họ thì thầm và mỉm cười với nhau. ảo tưởng đó không kéo dài được bao lâu. Người bệnh ngủ yên giấc, nhưng nửa giờ sau, cơn ho đánh thức ông dậy. Và đột nhiên, mọi hi vọng biến mất ở bàn thân ông ta cũng như ở mọi người xung quanh. Thực tế cơn bệnh đã phá tan mọi hi vọng.

Không buồn đả động tới điều trước đây nửa giờ ông còn tin tưởng, dường như chỉ nhớ tới cũng đủ hổ thẹn, ông đòi hít thuốc i ốt. Levin đưa cho ông chiếc lọ con bọc một mảnh giấy châm thủng lỗ chỗ. Ông vẫn nhìn chàng bằng cặp mắt hi vọng mãnh liệt như khi chịu lễ lâm chung rửa tội, tựa hồ đang chờ đợi sự chứng thực cho lời nói thầy thuốc bảo đảm việc hít thuốc i ốt sẽ đưa đến hiệu quả thần kì.

– Kitti có đấy không? – ông hỏi, giọng khàn khàn, liếc nhìn chung quanh, trong khi Levin miễn cưỡng nhắc lại cho ông nghe những lời thầy thuốc. – Không à, nếu thế tôi có thể nói được… chính vì thím ấy mà tôi đóng kịch đó thôi. Thím ấy tốt quá, nhưng còn tôi với chú, ta không thể hi vọng hão được. Tôi chỉ tin có cái này thôi, – ông nói, nắm chặt chiếc lọ trong bàn tay xương xẩu, và hối hả hít thuốc.

Đến tám giờ tối, Levin đang cùng vợ ngồi uống trà ở buồng riêng thì Maria Nicolaievna thở hổn hển chạy bổ vào.

– Anh ấy đang hấp hối! – bà ta lắp bắp nói. – Tôi e chết đến nơi mất. – Cả hai người chạy đến buồng ông ta. Ông ngồi trên giường tì một bên khuỷu tay, lưng gù xuống, đầu cúi gằm.

– Anh thấy thế nào? – Levin thì thầm hỏi sau một lát im lặng.

– Tôi thấy tôi đang đi đây, – Nicolai nói, gắng gượng nhưng rành rọt lạ thường, chậm rãi lẩy từng chữ ra khỏi lồng ngực. Ông không ngửng đầu mà chỉ ngước mắt nhìn lên nhưng không tới nổi mặt em trai. – Catia, thím ra đi! – ông lại nói thêm.

Levin đứng phắt dậy, và giọng nghiêm nghị, khẽ bảo vợ đi ra.

– Tôi sắp đi thôi, – ông nhắc lại.

– Tại sao anh lại tin như vậy? – Levin nói cho có chuyện.

– Vì tôi sắp đi đây, – ông nhắc lại như ưa thích câu đó. – Thế là hết. – Maria Nicolaievna đến gần.

– Mình nằm xuống dễ chịu hơn, – bà ta nói.

– Tôi cũng sắp sửa nằm thôi, – ông nói, giọng dịu dàng, rồi lại nói thêm, vẻ nhạo báng, tức giận, – sắp chết thôi. Nhưng cho tôi nằm xuống cũng được, tùy các người.

Levin đặt anh nằm ngửa, ngồi xuống cạnh và nín thở, ngắm nghía khuôn mặt ông ta. Kẻ hấp hối nhằm mắt lại, những thớ thịt ở trán đôi lúc lại động đậy như đang căng hết trí não suy nghĩ sâu xa. Levin bất giác cũng nghĩ tới điều đang diễn biến trong ông lúc này, nhưng mặc dầu đã gắng hết sức theo dõi, chàng chỉ cần nhìn vẻ mặt bình thản và nghiêm nghị cùng những thớ thịt đang giần giật trên đôi lông mày kẻ hấp hối, cũng đủ biết ông ta đã khám phá mỗi lúc một rõ ràng cái điều còn mờ mịt đối với Levin.

– Phải, phải, ra thế đấy, – người hấp hối thong thả nói dóng một. – Khoan đã, – ông ta lại nín lặng. – Thế đấy, – ông đột nhiên nói, giọng quả quyết như thể mọi đều đã giải quyết xong. – Ôi! Lạy Chúa tôi! – ông kêu lên và thở dài đánh thượt.

Maria Nicolaievna sờ chân ông.

– Người anh ấy đang lạnh dần, – bà thầm thì nói. Người ốm nằm thẳng, bất động trong một lúc Levin tưởng như bất tận. Nhưng ông ta vẫn sống và thở từng hơi đứt đoạn. Levin mệt nhoài vì đầu óc căng thẳng. Mặc dầu căng thẳng thế, nhưng chàng vẫn không hiểu nổi cái gì. Chàng cảm thấy kẻ hấp hối từ lâu đã vượt lên bỏ chàng rớt lại sau. Chàng không thể nghĩ tới vấn đề cái chết được nữa, nhưng bất giác tự hỏi lát nữa mình sẽ phải làm gì: vuốt mắt, mặc quần áo cho anh, và đặt mua quan tài. Và lạ thay, chàng cảm thấy hoàn toàn dửng dưng và không hề buồn phiền vì sự tổn thất sắp phải chịu đựng, nhất là cũng không thấy thương xót anh. Nếu giờ đây chàng có một tình cảm nào đó với anh, thì chính lại là ghen với kẻ hấp hối đã đạt tới chỗ biết chắc chắn cái điều chàng không thể hoài vọng tới.

Chàng còn ngồi lại hồi lâu cạnh anh, chờ phút tắt thở có thể tới bất cứ lúc nào. Nhưng phút tắt thở vẫn không đến. Cánh cửa mở ra và Kitti bước vào. Levin đứng dậy ngăn nàng. Nhưng khi đứng dậy, chàng nghe thấy kẻ hấp hối cựa quậy.

– Chú đừng đi, – Nicolai nói và chìa tay ra. Levin cầm lấy bàn tay đó và bằng một cử chỉ bực bội, ra hiệu cho vợ đi ra.

Chàng ngồi như thế nửa giờ, một giờ, lại thêm một giờ nữa, vẫn nắm tay kẻ hấp hối trong tay mình. Giờ đây, chàng không nghĩ tới cái chết nữa. Chàng tự hỏi xem Kitti ở phòng bên hiện làm gì, liệu ông thầy thuốc có nhà riêng không. Chàng đói và buồn ngủ. Chàng thận trọng gỡ tay ra và khẽ sờ đôi chân anh. Đôi chân giá lạnh nhưng người ốm còn thở. Levin đã định rón rén đi ra, nhưng người ốm lại bắt đầu cựa quậy và nhắc lại: “Chú đừng đi”. Trời đã sáng; bệnh tình người ốm vấn nguyên như cũ, Levin không nhìn kẻ hấp hối, khe khẽ rút tay ra, trở về buồng mình và nằm ngủ. Khi tỉnh dậy, đáng lẽ nghe tin anh đã chết như chờ đợi, chàng được biết người ốm trở lại tình trạng như trước. Ông ta lại ngồi dậy, ho, ăn uống, nói chuyện, không nhắc đến chuyện chết nữa và lại hi vọng khỏi bệnh. Ông còn khó tính và cau có hơn trước. Cả em trai, cả Kitti, không ai làm ông nguôi được. Ông cáu với mọi người, nói bậy bạ với bất cứ ai ở bên cạnh, oán trách họ về những đau đớn của mình và đòi mời một danh y ở Moxcva về. Mỗi lần họ hỏi ông thấy thế nào, ông đều trả lời trước sau như một, với vẻ trách móc và hờn giận: “Tôi đau không thể chịu được”. Người ốm mỗi lúc một đau đớn hơn, nhất là ở các vết lở loét, không đóng sẹo được nữa, ông càng cáu gắt hơn với mọi người chung quanh, trách móc họ đủ thứ và đặc biệt về việc không mời bác sĩ ở Moxcva về cho ông. Kitti gắng tìm mọi cách săn sóc, an ủi ông, nhưng tất cả đều vô ích và Levin thấy nàng đã kiệt lực cả về thể xác lẫn tinh thần, tuy không chịu nói ra. Tan biến rồi cảm giác về cái chết do lời vĩnh biệt cuộc đời của người ốm gợi lên cho mỗi người trong đêm ông ta gọi em trai đến. Mọi người đều biết ông chết đến nơi, ông đã chết nửa phần rồi. Mọi người chỉ còn một mong ước duy nhất: là ông chết hẳn đi cho, càng sớm càng hay. Họ giấu kín tình cảm đó, rót thuốc cho ông uống, đi tìm mua thêm thuốc khác, cho mời thầy thuốc lại, lừa dối ông ta, tự lừa dối mình và lừa dối lẫn nhau. Tất cả chỉ là dối trá, một sự dối trá láo xược, đê tiện, ô nhục. Do bản tính và cũng vì chàng yêu quý kẻ hấp hối hơn mọi người khác, Levin càng đặc biệt khổ tâm vì sự dối trá đó. Từ lâu, trong thâm tâm, Levin vẫn muốn hòa giải các ông anh với nhau, dù là trước khi Nicolai chết. Chàng đã viết thư cho Xergei Ivanovitr và đọc thư trả lời của ông ta cho người ốm nghe. Xergei Ivanovitr viết thư nói ông không đến được nhưng ngỏ ý xin lỗi ông em bằng những lời lẽ cảm động.

Người ốm không nói gì cả.

– Tôi nên viết cho anh ấy thế nào? – Levin nói. – Tôi chắc anh không giận anh ấy chứ?

– Không, không giận gì cả! – Nicolai cáu kỉnh trả lời. – Viết thư bảo anh ấy mời thầy thuốc đến cho tôi.

Ba ngày thảm khốc qua đi như vậy; người ốm vẫn ở trong tình trạng cũ. Tất cả những ai đến gần ông giờ đây đều cầu mong cho ông chết đi: từ những bồi khách sạn, chủ tiệm, người thuê phòng, thầy thuốc cho đến Maria Nicolaievna, cả Levin lẫn Kitti. Chỉ mình người ốm là tỏ ra không muốn thế: trái lại, ông nổi giận vì người ta không mời thầy thuốc đến, ông vẫn tiếp tục uống thuốc và bàn về cuộc sống. Chỉ trong những giây phút hiếm hoi, khi thuốc phiện làm ông tạm quên chốc lát mọi đau đớn liên miên, vào lúc nửa thức nửa ngủ, thỉnh thoảng ông mới nói lên điều ông cảm thấy mãnh liệt hơn cả mọi người khác: “Ôi! giá mà có thể chết đi cho rảnh!” hoặc: “Bao giờ mới chết quách đi được hả?”. Cơn đau mỗi lúc trầm trọng, vẫn làm công việc của nó và chuẩn bị cho cái chết của ông. Không có kiểu nằm nào làm ông khỏi đau, không có giây phút nào ông tự lãng quên được, không một chỗ nào trong thân thể, không một cánh tay cẳng chân nào là không đau. Những kỉ niệm, ấn tượng, suy nghĩ cũng khiến ông ghê tởm như chính cơ thể mình. Nhìn thấy người khác, nghe họ nói chuyện, nhớ những kỉ niệm của bản thân, mọi cái đó chỉ còn là một cực hình. Những người xung quanh đều nhận thấy điều đó và trước mặt ông vô hình chung họ đã tự ngăn cấm mọi cử chỉ hồn nhiên, mọi trò chuyện, mọi biểu hiện nỗi mong muốn của mình. Tất cả đời ông hòa tan vào một cảm giác đau đớn, và niềm aoước được giải thoát khỏi cái đó. Một sự thay đổi rõ ràng đang diễn biến trong người ông, nó buộc ông phải nhìn cái chết như một người hoàn thành ước vọng của mình, như một niềm hạnh phúc. Xưa kia, mỗi dục vọng riêng rẽ, do đau đớn hoặc thiếu thốn gợi lên, như đói, khát, mệt nhọc, đều được thỏa mãn bởi một chức năng cơ thể, tạo cho ông khoái lạc, còn bây giờ, thiếu thốn và đau đớn đều không được thỏa mãn đầy đủ và mọi dự định đạt tới thỏa mãn đều gây ra những đau đớn mới. Cho nên, mọi ước muốn đều hòa ta vào ước muốn duy nhất: ước muốn được giải thoát khỏi mọi đau đớn và nguồn gốc cảu nó: thể xác. Ông không kiếm ra lời để diễn đạt ước muốn được giải thoát đó, cho nên ông không nói gì, nhưng theo thói quen, vẫn đòi hỏi thỏa mãn những dục vọng giờ đây không thể thực hiện được nữa. “Cho tôi nằm trở sang bên kia”, ông nói, nhưng ngay sau đó lại yêu cầu cho nằm lại như cũ. “Cho tôi ăn cháo – Cất cái món cháo này đi. Kể cho tôi nghe chuyện gì nào; tại sao các người không nói gì cả? “ Nhưng khi người ta bắt đầu nói, ông bèn nhắm mắt lại và nét mặt lộ vẻ mệt mỏi, thờ ơ và ghê tởm.

Ngày thứ mười sau hôm đến đây, Kitti lăn ra ốm. Nàng nhức đầu, buồn nôn, và phải nằm suốt buổi sáng. Bác sĩ nói là vì mệt nhọc, xúc động và dặn phải yên tĩnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sau bữa trưa, Kitti vẫn nhỏm dậy và theo thường lệ, đến phòng người ốm, mang theo cả đồ thêu thùa. Ông ta nghiêm khắc nhìn Kitti khi nàng bước vào và mỉm cười khinh bỉ khi nàng nói là mình bị mệt. Cả ngày đó, ông cứ luôn hỉ mũi và than vãn kêu rên.

– Anh thấy trong người ra sao? – nàng hỏi.

– Càng ngày càng tệ, tôi đau lắm, – ông nói với vẻ khó nhọc.

– Ở đâu?

– Khắp mình.

– Hôm nay nữa là xong thôi, rồi chú thím xem, – Maria Nicolaievna nói. Tuy bà ta nói khẽ, Levin nhận thấy người ốm, vốn rất thính tai, vẫn có thể nghe thấy. Levin bảo là đừng nói nữa và quay lại nhìn người ốm. Nicolai đã nghe thấy, nhưng lời đó không tác động gì đến ông. Cái nhìn vẫn đăm đăm va đầy oán trách.

– Tại sao chị lại tin là như vậy? – Levin hỏi Maria Nicolaievna cùng đi theo chàng ra hành lang.

– Vì anh ấy đã bắt đầu tự vặt lông, – bà ta nói.

– Vặt thế nào?

– Thế này này, – bà vừa nói vừa kéo những nếp gấp ở áo dài ra.

Quả thế, Levin thấy suốt ngày hôm đó người ốm cứ nắm lấy mọi cái trên mình như muốn rứt tung ra.

Maria Nicolaievna đã tiên đoán đúng. Đến đêm, người ốm không đủ sức nhấc tay lên nữa: ông nhìn thẳng về đằng trước, vẫn với cái vẻ căng thẳng và tập trung. Ngay cả khi em trai và Kitti cúi xuống trước mặt cho ông trông thấy, ông vẫn giữ nguyên vẻ nhìn đó. Kitti đi mời linh mục đến cầu kinh siêu thoát. Trong khi linh mục đọc kinh, kẻ hấp hối không tỏ vẻ gì là còn sống cả; mắt ông nhắm lại. Levin, Kitti và Maria Nicolaievna đứng ở cạnh giường. Kinh chưa xong, kẻ hấp hối đã thẳng đờ người, hắt ra một tiếng thở dài và mở mắt. Cầu kinh xong, linh mục áp thánh giá lên vầng trán giá lạnh của kẻ hấp hối, thong thả bọc nó vào khăn lễ, và sau khi đợi vài phút không nói năng gì, ông khẽ sờ bàn tay to lớn giá lạnh và nhợt nhạt.

– Xong rồi, – linh mục nói và định đi, nhưng đột nhiên cặp ria mép ướt dính của kẻ hấp hối đụng đậy và những tiếng rành rọt từ đáy lồng ngực vẳng lên trong im lặng:

– Chưa xong hẳn đâu… Sắp sửa thôi.

Một phút sau, khuôn mặt ông sáng ngời một nụ cười hiện lên dưới hàng ria mép và hai người phụ nữ vội vàng bắt tay vào liệm thi hài.

Việc Levin nhìn thấy ông anh như vậy và việc kề sát bên cái chết lại đánh thức trong lòng chàng cái cảm giác ghê sợ trước sự bí ẩn của cái chết không tránh khỏi, nó xâm chiếm chàng từ cái tối mùa thu ông anh đến chơi nhà. Giờ đây, cảm giác đó còn mãnh liệt hơn trước; hơn bao giờ hết, chàng cảm thấy bất lực không sao hiểu nổi ý nghĩa cái chết và sự tất yếu của nó càng hiện ra khủng khiếp hơn trước mắt chàng, nhưng nhờ có vợ ở đó, cảm giác đó không còn làm chàng tuyệt vọng: mặc dầu cái chết là có thật, chàng vẫn thấy cần phải sống và yêu. Chàng cảm thấy tình yêu cứu thoát chàng khỏi tuyệt vọng và mối tình luôn luôn bị đe dọa ấy, do đó, càng trở nên mãnh liệt và trong trắng hơn. Sự bí ẩn chưa thể hiểu của cái chết vừa kịp diễn ra trước mắt thì một bí ẩn khác, cũng không sao hiểu được, nhưng là của cuộc sống và tình yêu, đã xuất hiện.

Thầy thuốc xác nhận những dự đoán về Kitti là đúng: nàng đã có mang.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.