Anna Karenina (Tập 2)

Phần 6 – Chương 13



30

Xviajxki khoác tay Levin kéo về phía nhóm bạn. Lần này, chàng không thể tránh Được Vronxki. Anh ta đứng với Xtepan Arcaditr cùng Xergei Ivanovitr và nhìn đúng về phía Levin.

– Rất hân hạnh. Hình như tôi đã được may mắn gặp ngài… ở nhà quận công phu nhân Trerbaxcaia thì phải, – chàng nói và bắt tay Levin.

– Vâng, tôi rất nhớ cuộc gặp gỡ của chúng ta, – Levin nói. Chàng bỗng đỏ mặt và lập tức quay sang nói chuyện với ông anh.

Vronxki khẽ mỉm cười và tiếp tục câu chuyện với Xviajxki; rõ ràng chàng chẳng muốn bắt chuyện với Levin chút nào; nhưng Levin trong khi nói chuyện với anh trai, chốc chốc lại liếc nhìn Vronxki, tự hỏi xem nên nói gì để sửa chữa lại thái độ bất lịch sự của mình.

– Tình hình tiến triển đến đâu rồi? – chàng quay lại Xviajxki và Vronxki, hỏi.

– Vẫn chuyện Xnietcov thôi, phải làm sao để ông ta hoặc rút lui hoặc ra tranh cử, – Xviajxki đáp.

– Vậy ông ta có ra tranh cử không?

– Nói cho đúng thì chẳng ra không mà cũng chẳng ra có, – Vronxki đáp.

– Nếu ông ta rút lui thì ai sẽ ra ứng cử thay? – Levin hỏi và thỉnh thoảng lại liếc nhìn Vronxki.

– Ai muốn thì cứ việc, – Xviajxki nói.

– Anh chăng? – Levin hỏi.

– Nhất định không phải tôi rồi, – Xviajxki bối rối nói và e ngại nhìn ông chanh chua đang đứng cạnh Xergei Ivanovitr.

– Vậy thì ai? Neviedovxki chăng? – Levin nói, cảm thấy bối rối. Nhưng nói thế lại càng hỏng. Vì cả Neviedovxki và Xviajxki, cả đều là ứng cử viên.

– Không khi nào! – ông chanh chua trả lời. Đó chính là Neviedovxki. Xviajxki giới thiệu ông ta với Levin.

– Hình như cả anh cũng bị chuyện này kích thích phải không? – Xtepan Arcaditr vừa nói, vừa nháy mắt với Vronxki. – Việc này cũng giống như đua ngựa. Có thể đánh cá được đấy.

– Phải, thật là lôi cuốn, – Vronxki nói. – Khi đã bắt đầu muốn đi đến cùng. Đấu tranh mà! – chàng cau mày nói và đôi lưỡng quyền rắn rỏi hóp lại.

– Xviajxki thật là nhà chiến thuật cừ khôi! Với ông ta, mọi sự đều rõ ràng.

– À phải! – Vronxki nói, vẻ lơ đãng. Im lặng một lúc, trong khi đó Vronxki – dù sao cũng phải chú mục vào một cái gì – ngắm Levin, từ chân, đồng phục, lên đến mặt và nhận thấy đôi mắt buồn bã của Levin đăm đăm nhìn mình, chàng nói cho có chuyện:

– Làm sao ông ở nông thôn suốt năm mà không làm thẩm phán hòa giải? Tôi không thấy ông mang đồng phục thẩm phán hòa giải.

– Vì tôi cho tòa án hòa giải là một tổ chức ngu xuẩn, – Levin trả lời, vẻ u ám, từ nãy chàng vẫn chờ dịp nói chuyện với Vronxki đẻ làm dịu bớt sự thô kệch lúc đầu của mình.

– Trái lại, tôi không tin là thế, – Vronxki nói với một vẻ ngạc nhiên bình thản.

– Đó là một thứ trò chơi, – Levin ngắt lời chàng. – Chúng ta không cần đến thẩm phán hòa giải. Trong suốt tám năm, tôi không gặp vụ tố tụng nào. Và khi gặp thì việc xét xử lại trái với lương tri. Thẩm phán hòa giải ở cách ấp của tôi bốn mươi dặm. Vì một việc chỉ đáng hai rúp mà phải cử người thay quyền mình tốn mười lăm rúp. – Và chàng kể chuyện một nông dân đánh cắp bột ở nhà người xay bột và khi bị chửi là đồ ăn trộm, anh ta bèn đệ đơn kiện người kia là vu cáo. Toàn bộ câu chuyện thật ngớ ngẩn, không đúng chỗ và trong khi nói, chính bản thân Levin cũng thấy thế.

– Thật là độc đáo! – Xtepan Arcaditr nói với nụ cười ngọt như mía lùi tươi tắn nhất của ông. Ta đi chăng? Hình như đang tiến hành đầu phiếu đấy.

Và họ chia tay.

– Tôi thật không hiểu, – Xergei Ivanovitr nói, ông đã để ý tới lời lẽ vụng dại của em trai, – tôi không hiểu sao chú lại mất ý thức chính trị đến mức ấy. Đó là thiếu sót chung của người Nga chúng ta. Ông đại biểu quý tộc là kẻ địch, thì chú lại đánh bạn mày tao chi tớ và yêu cầu ông ấy đệ đơn ứng cử. Còn bá tước Vronxki… chẳng phải tôi muốn kết thân với anh ta đâu, tôi đã từ chối lời anh ta mời dự tiệc, nhưng anh ta đứng về phe mình, tại sao lại biến anh ta thành thù địch? Tiếp đó, chú lại hỏi Neviedovxki có ra tranh cử không. Ai lại làm thế bao giờ.

– Chao! Tôi chẳng hiểu gì cả! Toàn chuyện tầm phơ hết, – Levin cau có trả lời.

– Chú nói đó là chuyện tầm phơ, nhưng khi dính vào là chú làm rối tinh lên. – Levin lặng thinh và họ cùng sang phòng họp lớn. Vị đại biểu quý tộc tỉnh vẫn quyết định tái cử tuy cảm thấy người ta đang âm mưu chơi ông một vố và không phải tất cả đều tán thành đề cử ông. Yên lặng trong phòng họp và viên thư kí cất giọng to tát, rành rọt thông báo đại uý cận vệ Mikhain Xtepanovitr Xnietcov ra ứng cử đại biểu quý tộc tỉnh. Các đại biểu quận rời bàn mình để lên ngồi vào bàn danh dự có đĩa đựng phiếu và cuộc bầu cử bắt đầu.

– Bên phải! – Xtepan Arcaditr thì thầm nhắc Levin khi họ tới gần bàn. Nhưng Levin quên khuấy những điều giảng giải, và e rằng Xtepan Arcaditr đã nhắc lầm. Xnietcov há chẳng phải là địch thủ sao? Khi tiến đến hòm phiếu, chàng cầm phiếu trong tay phải, nhưng lại tự nhủ mình nhầm và đến phút cuối, chuyển nó sang tay trái. Một người lão luyện đứng cạnh hòm phiếu, chỉ cần thấy khuỷu tay cử động là đủ đoán được phiếu bỏ sang bên nào, y cau mày, vẻ không bằng lòng. Lần này, thậm chí y không cần đến sự tinh tường đó cũng vẫn thấy. Tất cả im lặng và người ta nghe thấy tiếng kiểm phiếu. Tiếp đó, một giọng lẻ loi tuyên bố số phiếu thuận và phiếu chống. Vị đại biểu được bầu với đại đa số phiếu. Có tiếng ồn ào, mọi người bổ về phía cử ra vào. Xnietcov bước vào và lớp quý tộc xúm quanh chúc mừng ông.

– Vậy bây giờ là xong phải không? – Levin hỏi Xergei Ivanovitr.

– Đó mới chỉ là bắt đầu, – Xviajxki mỉm cười trả lời thay Xergei Ivanovitr. – Người thế chân đại biểu có thể được một số phiếu lớn hơn nữa kia.

Levin hoàn toàn quên bẵng cái thủ đoạn ấy. Lúc đó, chàng chỉ nhớ trong việc này có một sự gian giảo, nhưng chàng chán ngấy không muốn nhớ ra nó là thế nào nữa. Chàng chợt buồn và muốn giải thoát khỏi đám đông này. Thấy không ai để ý đến mình và cảm thấy mình là thừa, chàng bèn lẻn sang phòng nhỏ, nơi có quán ăn, và nhẹ hẳn người khi gặp lại cánh hầu bàn. Lão hầu bàn già mời chàng dùng một món ăn và chàng nhận lời. Sau khi ăn một đĩa sườn xào đậu và chuyện gẫu với lão hầu bàn về các chủ cũ của lão, Levin đi lên tầng trên: chàng không muốn trở lại phòng họp lớn vì ở đó chàng thấy rất khó chịu. Trên này, đông đủ các bà mặc quần áo sang trọng đang cúi mình trên bao lơn, không muốn để lọt lời phát biểu nào ở dưới. Ngồi cùng với các bà, có những luật sư ăn mặc tề chỉnh, giáo sư trung học đeo mục kỉnh và sĩ quan. Chỗ nào cũng bàn chuyện bầu cử: nào là ngài đại biểu đã kiệt sức, nào là các cuộc tranh luận thật rôm rả; Levin thấy một nhóm đang ca ngợi ông anh mình. Một bà nói với một viên luật sư:

– Tôi rất sung sướng được nghe Coznưsev nói! Thật bõ công bỏ bữa chiều! Tuyệt! Đâu ra đấy, rành rọt và dễ hiểu! ở tòa án của ông, chả ai nói được như vậy. Chỉ có Maiden, nhưng ông ta còn lâu mới hùng biện được như thế.

Levin kiếm được một chỗ trống gần bao lơn, cúi xuống nhìn và nghe.

Tất cả các nhà quý tộc, tập hợp theo huyện, ngồi sau những dóng ngang. ở giữa phòng, một người mặc đồng phục cố cất cao cái giọng yếu ớt lên tuyên bố:

– Phó thuyền trưởng Evgheni Ivanovitr Apukhtin được đề cử giữ trách nhiệm đại biểu quý tộc của tỉnh. – Trong phòng im phăng phắc, rồi có tiếng một ông già lí nhí nói:

– Rút lui!

– Quan cố vấn triều đình Piot’r Petrovic Bon được đề cử… – một người khác lên tiếng.

– Rút lui! – một giọng trẻ, the thé gào lên. Lại giới thiệu và lại: “Rút lui!”. Cứ thế kéo dài đến gần tiếng đồng hồ. Levin tì khuỷu tay vào bao lơn, nhìn và nghe. Mới đầu, chàng ngạc nhiên và cố tìm hiểu điều đó nghĩa là thế nào; khi tin chắc không tài nào hiểu nổi, chàng phát chán. Rồi nhớ lại vẻ khích động và phẫn nộ nhìn thấy trên tất cả các bộ mặt lúc nãy, chàng đâm ra buồn bã: chàng quyết định ra về và bắt đầu đi xuống. Trên sàn gác, chàng gặp một học sinh đang đi bách bộ, vẻ rầu rầu và mắt thâm quầng. Trong cầu thang, chàng gặp một bà đi giày cao gót đang thoăn thoắt leo lên và một viên kiểm sự thay biện lí xun xoe bên cạnh.

– Tôi đã thưa với bà là chúng ta sẽ đến kịp mà, – viên kiểm sự nói, khi Levin né mình cho bà kia đi qua.

Levin ra đến phòng ngoài, vừa rút vé gửi áo mũ ra thì viên thư kí đuổi kịp.

– Thưa ngài Conxtantin Dimitrievic, mọi người đang bỏ phiếu. Neviedovxki lúc nãy từ chối kiên quyết thế, giờ lại xin ứng cử. – Levin lại gần cửa phòng họp lớn: cửa đóng. Viên thư kí gõ cửa: cửa mở và hai điền chủ mặt đỏ tía tai nhào ra, xô bắn cả Levin.

– Tôi không chịu được nữa! – một vị nói. Tiếp theo là bộ mặt vị đại biểu quý tộc ló ra sau cánh cửa. Bộ mặt mệt rũ, lo lắng ấy nom thật dễ sợ.

– Tôi đã bảo anh là không để ai ra mà! – ông quát người gác cửa.

– Nhưng thưa quan lớn, có người vào ạ.

– Lạy Chúa! – ngài đại biểu thở dài đánh thượt và chân kéo rệt, đầu cúi gằm, quay lại gần chiếc bàn giữa phòng họp.

Đúng như dự tính, Neviedovxki đã thắng phiếu. Ông ta trở thành đại biểu quý tộc của tỉnh. Người thì vui vẻ, hài lòng, sung sướng, kẻ thì bất mãn và buồn rầu. Xnietcov tuyệt vọng ra mặt không giấu nổi. Khi Neviedovxki rời phòng họp, đám đông phấn khởi quây lấy và đi theo ông, như đã đi theo viên thống đốc ngày đầu tiên, khi ông ta khai mạc khóa họp và như đã đi theo Xnietcov khi ông trúng cử.

31

Hôm đó, vị đại biểu vừa đắc cử và số lớn người thuộc phe chiến thắng dự tiệc ở nhà Vronxki.

Vronxki đến dự bầu cử một phần vì ở nông thôn đang lúc buồn chán và muốn khẳng định sự độc lập của mình với Anna, một phần là để tạ ơn Xviajxki đã vận động cho chàng trong kì bầu hội đồng tự trị địa phương, bằng cách ủng hộ ông ta trong cuộc tuyển cử này và nhất là để làm tròn thật chu đáo tất cả những bổn phận xuất sinh từ địa vị điền chủ quý tộc chàng đã tự chọn cho mình. Nhưng chàng hoàn toàn không ngờ công việc bầu cử lại làm chàng bận tâm và thích thú đến thế, và cũng không ngờ mình đã sắm vai xuất sắc đến thế. Là một nhân vật hoàn toàn mới trong môi trường này, chàng đã thu được thắng lợi rõ rệt và không lầm khi nghĩ rằng mình đã có uy tín trong giới quý tộc. Uy tín đó là nhờ ở tài sản, tên tuổi chàng, ở ngôi nhà đẹp đẽ ngoài thành phố chàng mua lại của Sirkôp, một người bạn cũ, một nhà tài chính từng lập ở Casin một ngân hàng phồn thịnh; nhờ ở tay đầu bếp cừ khôi Vronxki đưa từ nông thôn ra; nhờ ở tình thân giữa chàng với quan thống đốc, một người bạn và hơn thế nữa, một người được chàng che chở; và nhất là nhờ ở phong cách giản dị với mọi người, chẳng mấy chốc đã xóa bỏ cái giai thoại về tính kiêu kì người ta gán cho chàng. Bản thân chàng cảm thấy rằng, trừ cái anh chàng ngây ngô đã kết duyên cùng Kitti Trerbaxcaia, cái anh chàng vì chuyện nhỏ mọn mà sinh sự điên cuồng tuôn ra những điều dở hơi chẳng ăn nhập vào đâu, còn tất cả mọi người chàng đã làm quen, giờ đây đều thuộc phe cánh chàng cả. Chàng thấy rõ – và những người khác cũng cảm thấy như chàng – là chàng đã đóng góp rất nhiều vào thắng lợi của Neviedovxki. Và giờ đây, ăn mừng Neviedovxki trúng cử ngay trong nhà mình, chàng có một cảm giác đắc thắng khoan khoái đối với vị đắc cử kia. Việc bầu cử hấp dẫn Vronxki đến nỗi chàng tự nhủ là ba năm nữa, nếu đã thành gia thất thì chính chàng sẽ ra tranh cử. Cũng như ngày xưa, sau khi nhờ tên giô-kê mà được giải, chàng bỗng muốn đích thân ra chạy đua. Lúc này, người ta đang ăn mừng thắng lợi của tên giô-kê. Vronxki ngồi ở nghế chủ tọa: bên phải chàng, là viên thống đốc trẻ tuổi một tướng tuỳ tùng nhà vua. Đối với mọi người, đó là quan đầu tỉnh: ông đã long trọng đọc diễn văn khai mạc bầu cử, ai nấy đều cung kính, qụy lụy trước ông ta như Vronxki đã thấy; nhưng đối với Vronxki, đó chỉ là anh chàng Maxlov Catca (biệt hiệu của ông hồi ở trường Hoàng tộc thiếu sinh quân) cứ thấy mặt chàng là lúng túng đến nỗi Vronxki phải cố làm cho anh ta được thoải mái. Bên trái chàng là Neviedovxki với bộ mặt trẻ măng, mỉa mai và lạnh như tiền. Thái độ Vronxki đối với ông ta giản dị và kính trọng. Xviajxki vui vẻ cam chịu thất bại. Thậm chí ông cũng chẳng coi đó là thất bại nữa kia, như chính miệng ông nói khi nâng cốc chúc mừng Neviedovxki: không gì sung sướng hơn là có vị đại biểu thuộc khuynh hướng mới mà giới quý tộc cần phải theo. Cho nên – ông nói – tất cả những người trung thực đều vui sướng chào mừng thắng lợi hôm nay. Xtepan Arcaditr vui thích được tiêu thì giờ một cách thú vị và được thấy mọi người đều thỏa mãn. Trong bữa tiệc ngon lành, người ta ôn lại tỉ mỉ từng giai đoạn bầu cử. Xviajxki hài hước nhại lại bài diễn từ sướt mướt của vị đại biểu quý tộc và quay về phía Neviedovxki nhận xét rằng quan lớn sắp phải chọn những lí lẽ phức tạp hơn những giọt nước mắt để biện hộ cho việc kiểm tra ngân sách. Một vị khách bông phèng kể là ngài đại biểu đã cho gọi một loạt người hầu mặc quần chẽn để phục vụ vũ hội và giờ sắp phải cho về, trừ phi vị đại biểu mới cũng muốn tổ chức vũ hội. Người ta luôn miệng thưa: “Ngài đại biểu của chúng tôi” hoặc “quan lớn” khi nói với Neviedovxki. Dùng danh hiệu ấy, người ta cảm thấy thích thú y như khi gọi một cô dâu mới là Phu nhân vậy. Neviedovxki không những tỏ vẻ thờ ơ mà còn ra điều coi khinh cách gọi đó; tuy nhiên rõ ràng ông đang sung sướng và cố nén không để bột phát ra niềm vui có thể thành lạc điệu trong cái giới tân tiến và tự do bao gồm tất cả bọn họ. Trong bữa tiệc, người ta đánh nhiều điện tín cho những người quan tâm đến tiến triển của cuộc bầu cử. Xviajxki phởn trí gửi cho Daria Alecxandrovna bức điện tín sau đây: “Neviedovxki trúng cử trội hai mươi phiếu. Chúc mừng. Truyền tin đi”. Ông đọc to bức điện và thêm vào: “Phải làm mọi người vui thích”. Còn Doli, khi nhận được điện, chỉ thở dài nghĩ đến số tiền một rúp tiêu phí, và đoán chắc nó được đánh đi vào cuối bữa tiệc. Bà biết một trong những nhược điểm của Xtiva là thích đánh điện tín vào cuối bữa tiệc. Phù hợp với bữa ăn bổ béo và các loại rượu vang nhập từ nước ngoài vào, tất cả đều sang trọng, giản dị và vui vẻ. Khoảng hai mươi tân khách đã được Xviajxki chọn trong số những nhân vật mới, trí tuệ nhất và cao sang nhất của phái tự do. Người ta nâng cốc nửa thật nửa bỡn cợt chúc mừng cả vị đại biểu mới, cả quan thống đốc, cả ông chủ nhà băng, cả “vị chủ nhân đáng yêu của chúng ta”, Vronxki rất vui thích. Chàng cứ ngỡ không bao giờ tìm thấy phong thái như vậy ở tỉnh lẻ.

Bữa tiệc càng về cuối càng vui. Vị thống đốc mời Vronxki đến dự một cuộc hòa nhạc lấy tiền giúp những “người Xlav anh em” do vợ ông tổ chức, bà rất muốn làm quen với bá tước.

– Sẽ có khiêu vũ và ở đó anh sẽ gặp hoa khôi của chúng tôi. Mọi sự sẽ hoàn mĩ.

– Không hợp với tôi, – Vronxki đáp lại bằng cái thành ngữ mình ưa thích, nhưng chàng mỉm cười và hứa sẽ đến.

Đúng trước khi đứng dậy khỏi bàn ăn, lúc mọi người đã châm xì gà, tên hầu phòng của Vronxki lại gần chàng với một lá thư đặt trên khay.

– Thư gửi tay từ Vozdvijenxcoie, – gã nói với một vẻ đầy ý nghĩa.

– Thật kì lạ, hắn giống viên kiểm sự Xventitxki quá, – một vị khách chỉ tên hầu phòng, nói bằng tiếng Pháp.

Vronxki vừa đọc thư, vừa cau mày. Bức thư do Anna gửi đến. Chưa đọc, chàng đã biết trước nội dung. Dự tính cuộc bầu cử sẽ kết thúc trong vòng năm ngày, chàng đã hứa thứ sáu sẽ trở về. Hôm nay là thứ bảy và chàng biết bức thư sẽ trách móc chàng không về đúng hẹn. Bức thư chàng gửi chiều qua chắc chưa tới nơi. Nội dung thư quả đúng như chàng đoán, nhưng hình thức thì thật bất ngờ. Nó làm chàng đặc biệt khó chịu. “Anni ốm nặng lắm, bác sĩ nói có thể là bị viêm. Vì chỉ có một mình, em đâm hoang mang. Quận chúa Vacvara làm vướng víu nhiều hơn là giúp đỡ em. Em đợi mình hôm kia, hôm qua và bây giờ em phái người đi xem mình đang ở đâu, mình ra sao rồi. Em định đến gặp mình, nhưng sau lại thôi vì biết làm thế chỉ khiến mình khó chịu. Mình hãy trả lời đôi câu cho em biết đường mà lần.”

Con bé ốm mà cô ta định đi! Con mắc bệnh mà cô ta lại giở cái giọng hằn học này!

Sự tương phản giữa niềm vui hồn nhiên của cuộc bầu cử với mối tình nặng trĩu và buồn thảm mà chàng phải quay về, khiến Vronxki sửng sốt. Nhưng dù sao cũng phải đi và chàng đành đáp chuyên tàu đêm đầu tiên.

32

Trước khi Vronxki đi dự cuộc bầu cử, Anna nghĩ những cuộc cãi vã cứ tái diễn giữa hai người mỗi lần chàng đi khỏi nhà, chỉ khiến Vronxki trở nên lạnh nhạt chứ không gắn bó được chàng với mình, nên đã quyết định cố hết sức tự chủ để bình tĩnh chịu đựng cuộc chia tay. Nhưng con mắt lạnh lùng và nghiêm nghị đăm đăm nhìn nàng khi chàng báo tin lên đường, đã làm nàng phật ý, thành thử lúc chàng chưa đi, nàng đã mất bình tĩnh rồi. Ngồi một mình, suy nghĩ về cái nhìn nói lên quyền được tự do ấy, như mọi lần nàng lại đi đến chỗ phải thú nhận là mình đã xuống giá. “Chàng có quyền đi bất cứ lúc nào và nơi nào chàng muốn. Không những có quyền đi mà còn có quyền bỏ mình nữa. Chàng có đủ mọi quyền, còn mình chẳng có quyền gì cả. Nhưng dù biết vậy, chàng cũng không nên đối xử như thế. Vả chăng, chàng đã làm gì kia chứ?… Chàng đã nhìn mình với một vẻ lạnh lùng và nghiêm nghị. Thật là mơ hồ, không cụ thể, tuy nhiên trước kia điều đó có xảy ra bao giờ đâu và cái nhìn đó nói lên rất nhiều, nàng nghĩ thầm. Nó chứng tỏ chàng bắt đầu lạnh nhạt với mình.” Và mặc dầu đinh ninh rằng chàng bắt đầu lạnh nhạt với mình, nàng vẫn không thể làm gì, không thể thay đổi thái độ đối với chàng. Cũng như trước kia, nàng chỉ có thể giữ chàng bằng tình yêu và duyên sắc của mình thôi. Và cũng như trước kia, chỉ có cách bận bịu suốt ngày rồi đến đêm uống mooc phin, nàng mới có thể dẹp được những ý nghĩ kinh khủng về những gì sẽ xảy tới nếu một ngày kia chàng không yêu nàng nữa. Thật ra cũng còn một cách: không phải là giữ chàng (nàng chỉ ao ước được chàng yêu), mà là nhích lại gần chàng, tạo một tình thế khiến chàng không thể bỏ mình được. Cách đó là li dị với Carenin và kết hôn với chàng. Nàng bắt đầu ao ước giải pháp đó và định bụng hễ Vronxki hoặc Xtiva bàn lại việc này là nàng ưng thuận ngay.

Nàng đã sống một mình trong tâm trạng đó suốt năm ngày chàng vắng nhà.

Nàng tiêu thì giờ bằng cách dạo chơi, chuyện trò với quận chúa Vacvara, đến thăm bệnh viện và nhất là đọc sách không ngừng, hết quyển này đến chuyển khác. Nhưng đến ngày thứ sáu, khi gã xà ích trở về một mình, nàng thấy không còn đủ sức cũng như không còn cách nào tránh nghĩ đến chàng, đến việc chàng đang làm ở nơi kia. Giữa lúc ấy thì con ốm. Anna tự cưỡng ép mình săn sóc nó, nhưng việc ấy cũng chẳng làm nàng khuây chút nào, hơn nữa bệnh con bé cũng không nặng gì. Dù cố gắng đến đâu, nàng vẫn không thể yêu con bé và cũng không thể làm ra bộ yêu nó được. Chiều đến, ngồi một mình, Anna băn khoăn về Vronxki đến nỗi đã định lên tỉnh; nhưng sau khi suy nghĩ, nàng viết bức thư đầy mâu thuẫn mà Vronxki đã nhận được, và không hề đọc lại, nàng cho người cầm tay mang đến tận nơi. Hôm sau nhận được thư Vronxki, nàng đâm ra ân hận về bức thư của mình. Nàng hãi hùng chờ đợi chàng sẽ lặp lại cái nhìn lạnh toát hôm ra đi, nhất là khi chàng biết con bé không ốm nặng. Nhưng dù sao, nàng cũng vẫn bằng lòng vì đã viết bức thư ấy. Anna giờ đây cũng vẫn phải tự thú rằng Vronxki đã chán mình, chàng tiếc rẻ phải từ bỏ tự do để trở lại bên nàng, tuy vậy nàng vẫn sung sướng thấy chàng về. Chàng cứ việc buồn chán, miễn là chàng ở đây bên nàng để nàng trông thấy chàng, biết rõ từng cử chỉ của chàng. Nàng ngồi trong phòng khách, dưới ngọn đèn, với một cuốn sách mới của Ten, vừa đọc vừa lắng nghe gió rít bên ngoài và từng giây từng phút đợi cỗ xe tới. Nhiều lần nàng tưởng nghe thấy tiếng bánh xe, nhưng đã lầm; cuối cùng, nàng nghe thấy không những tiếng bánh xe mà cả tiếng xà ích kêu rồi tiếng xe lăn khe khẽ phía dưới thềm nhà phủ thảm. Cả quận chúa Vacvara đang chơi sắp bài cũng xác nhận thế. Anna đỏ bừng mặt, đứng dậy, nhưng đáng lẽ đi xuống như hai lần trước, nàng lại đứng sững tại chỗ. Nàng bỗng thấy xấu hổ về sự trí trá của mình và nhất là lo ngay ngáy không biết thái độ chàng khi thấy nàng sẽ ra sao. Cảm giác bị xúc phạm biến mất; nàng chỉ còn sợ chàng không bằng lòng thôi. Nàng chợt nhớ là từ chiều hôm qua, con gái đã khỏe hoàn toàn. Thậm chí, nàng còn bực mình vì con bé đã bình phục vào lúc nàng gửi thư đi. Rồi nàng sực nghĩ chàng đã ở đây, toàn vẹn, vòng tay, cặp mắt. Nàng nghe thấy tiếng chàng nói. Và quên hết tất cả, nàng vui vẻ chạy bổ ra đón.

– Thế nào, Anna ra sao rồi? – chàng rụt rè từ dưới hỏi vọng lên và nhìn Anna đang chạy lại. Chàng ngồi trên ghế tựa cho gã hầu phòng cởi đôi ủng lót lông thú.

– Con đã khá hơn.

– Còn mình? – chàng lắc lư người nói. Nàng đưa cả hai tay nắm lấy tay chàng kéo về phía mình, mắt vẫn không rời chàng.

– Tốt, anh rất hài lòng, – chàng nói và lạnh lùng đưa mắt nhìn từ bộ tóc đến chiếc áo mà chàng biết nàng đã mặc để đón chàng.

Tất cả cái đó làm chàng vui thích, nhưng nỗi vui thích ấy đã nhàm rồi! Và cái vẻ khắc khổ lạnh lùng mà nàng xiết bao kinh sợ, bỗng in rõ trên mặt chàng.

– Anh rất bằng lòng. Còn mình, mình có khỏe không? – chàng nhắc lại, lấy khăn tay lau bộ râu bị ướt và hôn tay nàng.

“Không sao, nàng tự nhủ, mình chỉ cần chàng có mặt ở đây thôi; khi ở đây rồi, chàng không thể không yêu mình, chàng không dám thế.” Họ vui vẻ qua buổi tối cùng quận chúa Vacvara, bà này phàn nàn về việc Anna uống moóc phin trong khi Vronxki đi vắng.

– Biết làm thế nào? Cháu không tài nào ngủ được… Cứ nghĩ vẩn vơ, mắt chong chong. Khi anh ấy ở đây, cháu có uống bao giờ đâu. Phải, hầu như không bao giờ. – Chàng kể chuyện bầu cử và bằng những câu hỏi khéo léo, Anna đã lái Vronxki nhắc đến thành công của mình là điều chàng khoái nhất. Nàng kể mọi chuyện nhà mà chàng quan tâm. Nàng chỉ báo cho chàng biết những việc tốt lành. Nhưng đến đêm khuya, khi còn lại một mình với nhau, Anna thấy đã lại thu phục được chàng hoàn toàn, nên muốn xóa bỏ ấn tượng khó chịu do bức thư gây nên. Nàng nói:

– Có đúng là anh đã bực mình khi nhận được thư em và không tin lời em, phải không?

Vừa nói vậy, nàng đã hiểu, dù có sẵn lòng yêu thương nàng đến mấy, chàng cũng không tha thứ được.

– Phải, – chàng nói. – Bức thư của em thật kì lạ quá đỗi: Anni ốm mà em định đi.

– Tất cả đúng như vậy.

– Anh không ngờ vực gì.

– Có, anh có nghi ngờ. Em thấy anh đang bực mình.

– Hoàn toàn không mà. Có điều làm anh phật ý, là em không muốn thừa nhận có những bổn phận…

– Bổn phận phải đi nghe hòa nhạc…

– Thôi không nói chuyện ấy nữa, – chàng nói.

– Có chứ, tại sao lại không nói chuyện ấy?

– Anh chỉ muốn nói, ở đời, người ta có thể gặp những việc cần thiết phải chạy vạy. Chẳng hạn, anh sắp phải đi Moxcva vì chuyện nhà cửa… Chao, Anna, tại sao em dễ hờn giận đến thế? Em há chẳng biết anh không thể sống thiếu em hay sao?

– Nếu như vậy, – Anna nói, giọng đột nhiên khác hẳn, – có nghĩa là em là gánh nặng cho anh… Mà đúng thế, anh về một ngày, rồi anh lại đi, như thói thường của những…

– Anna, nói thế thật tàn nhẫn. Anh sẵn sàng hi sinh cả đời anh… – Nhưng nàng không nghe chàng.

– Nếu anh đi Moxcva, em cũng theo đi. Em sẽ không ở lại đây đâu. Hoặc là chúng mình phân li, hoặc là phải sống cùng nhau.

– Em thừa biết đó là mong ước duy nhất của anh. Nhưng muốn thế…

– Thì cần phải li dị? Em sẽ viết thư cho lão ta. Em thấy không thể sống thế này được nữa… Nhưng em sẽ đi Moxcva với anh.

– Thật cứ như em dọa anh ấy. Dù sao, anh cũng không mong muốn gì hơn là không phải xa em, – Vronxki mỉm cười nói.

Nhưng trong khi nói lời âu yếm đó, thì chính cái nhìn lạnh lùng, hằn học của con người bị hành tội đến phát cáu, lại long lên trong mắt chàng.

Nàng bắt gặp cái nhìn ấy và đoán được ý nghĩa của nó.

“Nếu quả như vậy thì thật bất hạnh!”, cái nhìn đó nói. Đó là một cảm giác thoáng qua, nhưng nàng không bao giờ quên được.

Anna viết thư cho chồng xin li dị và cuối tháng mười một, sau khi chia tay với quận chúa Vacvara có việc phải đi Peterburg, nàng đến ở Moxcva với Vronxki. Giờ đây, họ sống như vợ chồng, ngày này qua ngày khác đợi Alecxei Alecxandrovitr trả lời đồng ý li dị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.