Anna Karenina (Tập 2)

Phần 5 – Chương 10



23

Nữ bá tước Lidia Ivanovna, khi còn là một thiếu nữ rất bồng bột, đã kết hôn quá sớm với một người tuy tốt bụng nhưng là tay ăn chơi nổi tiếng, rất giàu, rất trụy lạc. Một tháng sau khi cưới, ông ta bỏ bà và chỉ nhạo báng và thậm chí hằn học đáp lại những biểu hiện yêu thương bồng bột của bà, điều mà những người vốn biết tấm lòng tốt của bá tước và không thấy thói xấu nào ở nàng Lidia nhiệt tình, đều không sao giải thích nổi. Từ hồi đó, tuy không li dị, họ sống mỗi người mỗi nơi, và khi chồng gặp vợ, trước sau như một, ông vẫn nói với bà bằng vẻ nhạo báng mỉa mai mà người ta không rõ nguyên nhân vì đâu. Nữ bá tước Lidia Ivanovna từ lâu không yêu chồng nữa, nhưng từ dạo ấy, bao giờ bà cũng phải lòng một người nào đó. Bà phải lòng nhiều người một lúc, cả đàn ông lẫn đàn bà; bà phải lòng hầu hết những người có vẻ xuất chúng về mặt này hoặc mặt khác: tất cả những ông hoàng, bà chúa có quan hệ với hoàng tộc, một đại chủ giáo, một tổng chủ giáo, một linh mục, một kí giả, ba người thuộc phái yêu văn hóa “Xlav”(7), Comixarov(8), một bộ trưởng, một thầy thuốc, một nhà truyền giáo người Anh và Carenin. Tất cả những mối tình đó, khi lạt lẽo, khi mãnh liệt, vẫn không cản trở bà giữ được những mối giao thiệp rộng rãi và phức tạp nhất ở trong triều và ngoài xã hội thượng lưu. Nhưng từ khi che chở cho Carenin sau nỗi bất hạnh đến với ông và từ khi dành công sức chăm nom gia đình Carenin, lo lắng cho sự an lạc của ông, bà cảm thấy tất cả những mối tình khác chỉ là giả dối và bà chỉ thực sự yêu có mình Carenin thôi. Bà thấy mối tình hiện nay dành cho ông hình như mãnh liệt hơn tất cả những mối tình bà đã trải qua xưa kia. Khi phân tích và so sánh tình yêu này với những mối tình trước đây, bà thấy rõ bà ắt không yêu Kômixarôp nếu ông ta không cứu thoát tính mệnh Nga hoàng, bà ắt không yêu Rixtic Kujixki nếu không có chủ nghĩa yêu văn hóa Xlav, nhưng bà yêu Carenin là vì bản thân ông, vì tâm hồn cao thượng không được ai hiểu đúng đắn, vì tiếng nói nhỏ nhẹ làm bà thích thú, vì cách uốn giọng kéo dài, cái nhìn mệt mỏi, tính tình và bàn tay dịu dàng trắng muốt nổi gân của ông. Không những bà vui thích khi gặp ông, mà còn tìm đọc trên nét mặt ấn tượng bà gây ra cho ông. Bà muốn làm ông vui lòng không phải chỉ bằng câu chuyện, mà bằng tất cả con người bà. Vì ông, bà ăn mặc chải chuốt hơn bao giờ hết. Bà mơ tưởng tới điều có thể xảy ra nếu bà chưa kết hôn và nếu ông còn tự do. Bà đỏ mặt xúc động khi ông bước vào căn phòng có mặt bà, bà không nén được một nụ cười vui sướng khi ông nói đôi câu trìu mến với bà. Mấy hôm nay, nữ bá tước Lidia Ivanovna rất bồn chồn: bà được biết Anna và Vronxki đang ở Peterburg. Phải tránh không để cho Alecxei Alecxandrovitr gặp mặt nàng; thậm chí, phải làm sao cho ông không biết người đàn bà ghê gớm đó hiện đang ở cùng thành phố và bất cứ lúc nào ông cũng có thể chạm trán với nàng. Qua bè bạn thân thuộc, Lidia Ivanovna điều tra được những dự định của bọn “người xấu xa” đó – bà vẫn gọi Anna và Vronxki như vậy, – và bà gắng điều khiển nhất cử nhất động của ông bạn thân sao cho Carenin không thể gặp họ. Viên phó quan trẻ tuổi, bạn Vronxki, người nhận cung cấp tin tức cho bà, với hi vọng kiếm chác được chút đặc ân, vừa báo là họ đã thu xếp xong công việc và ngày mai sẽ ra đi. Lidia Ivanovna bắt đầu yên tâm, nhưng sáng hôm sau, có người mang đến cho bà một bức thư khiến bà kinh hãi khi nhận ra nét chữ. Đó là nét chữ Anna Carenina. Phong bì làm bằng thứ giấy như vỏ cây: trên tờ giấy dài màu vàng, có một mẫu hoa tự lớn và mùi nước hoa thơm ngát tỏa ra.

(7) Phái yêu văn hóa Xlavơ là một khuynh hướng tư tưởng xã hội Nga, theo chủ nghĩa dân tộc, thể hiện quyền lợi của tầng lớp quý tộc chủ nô gia trưởng.

(8) Comissarov: người đã cứu Nga hoàng Alecxandr II khi bị ám sát.

– Ai mang cái này lại thế?

– Một người ở khách sạn. Hồi lâu, nữ bá tước Lidia Ivanovna không ngồi xuống nổi để đọc thư. Sự xúc động làm bà lên cơn hen (bà vốn dễ lên cơn). Khi trấn tĩnh lại, bà đọc bức thư sau đây, viết bằng tiếng Pháp:

“Thưa bá tước phu nhân, những tình cảm Cơ đốc giáo tràn ngập tâm hồn bà cho phép tôi mạnh dạn viết thư cho bà, mặc dầu biết thế là không thể dung thứ được. Tôi đau khổ vì phải xa cách con trai tôi. Tôi xin bà cho phép tôi được gặp nó một lần trước khi ra đi. Xin bà tha lỗi cho tôi đã làm bà lại nhớ đến sự tồn tại của tôi. Sở dĩ tôi viết thư cho bà mà không viết cho Alecxei Alecxandrovitr, đó chỉ là vì tôi không muốn làm cho con người độ lượng đó lại đau khổ vì phải nhớ đến tôi. Biết rõ tình bạn của bà đối với ông ấy, tôi tin chắc bà sẽ hiểu. Xin bà cho biết, bà sẽ cho người đưa Xergei đến chỗ tôi hay tôi phải đến nhà vào một giờ hẹn nhất định, hay sẽ cho nhắn tôi đến đâu vào lúc nào để gặp cháu ở ngoài nhà? Tôi nghĩ bà sẽ không từ chối vì tôi biết rõ tấm lòng đại lượng của người quyết định việc này. Bà không thể tưởng tượng hết nỗi khao khát của tôi muốn được gặp con và do đó, cũng không hình dung hết lòng biết ơn của tôi đối với sự giúp đỡ mà hẳn bà sẽ vui lòng ban cho.”

Mọi cái trong thư đều làm nữ bá tước Lidia Ivanovna tức giận; cả nội dung lẫn việc nhắc đến lòng đại lượng và nhất là cái giọng mà bà cho là phóng túng.

– Bảo họ là không có thư trả lời đâu, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói, và lập tức mở tập giấy thấm, viết thư báo cho Alecxei Alecxandrovitr biết bà mong gặp ông hồi một giờ tại triều đình vào buổi chầu chúc tụng. “Tôi cần nói chuyện với ông về một việc đáng buồn và quan trọng. Ta sẽ hẹn chỗ gặp sau. Tốt nhất là ở nhà tôi, tôi sẽ sai pha trà cho ông. Việc cần đấy. Chúa bắt ta đau khổ, nhưng Người cũng cho ta sức chịu đựng, bà viết thêm để chuẩn bị tinh thần cho ông.”

Nữ bá tước Lidia Ivanovna thường xuyên mỗi ngày viết hai ba bức thư cho Alecxei Alecxandrovitr. Bà thích cách liên lạc đó, nó khiến cho quan hệ riêng tư của họ có cái vẻ phong nhã và bí ẩn vốn đang thiếu.

24

Buổi lễ chầu đã tan. Những người ra về bàn tán về những tin tức cuối cùng trong ngày: khen thưởng và thuyên chuyển.

– Thế nhỡ nữ bá tước Maria Borixovna được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ chiến tranh và quận chúa Vatkôpxkaia làm tham mưu trưởng thì sao? – một ông già thấp bé mặc triều phục thêu nói với một nữ quan cao lớn và xinh đẹp đang hỏi ông về những bổ nhiệm mới đây.

– Còn tôi thì làm sĩ quan phụ cận, – nữ quan mỉm cười trả lời.

– Cô ấy à, cô đã là bộ trưởng bộ Lễ… với Carenin làm thứ trưởng. – Chào hoàng thân! – ông già thấp bé nói và bắt tay một nhân vật đang đến gần.

– Ông nói gì về Carenin thế? – hoàng thân hỏi.

– Ông ta và Putiatov đều được thưởng huân chương Alecxandr Nevxki.

– Tôi tưởng ông ta được thưởng từ trước rồi.

– Không, ông hãy nhìn ông ta xem, – ông già thấp bé nói, cầm mũ thêu chỉ Carenin đang đứng trong khung cửa nói chuyện với một ủy viên có thế lực trong Hội đồng Quốc gia: ông ta đeo chéo trên bộ triều phục một dải băng đỏ mới tinh. – Sung sướng và mãn nguyện như một đồng xu mới toanh, – ông già nói thêm rồi ngừng lại để bắt tay một quan thị vệ vóc người lực lưỡng.

– Không, ông ta già đi chứ, – viên thị vệ nói.

– Lo buồn đấy thôi. Ông ta chỉ suốt ngày dự thảo kế hoạch. Ngay bây giờ, ông ta cũng sẽ không buông tha người tiếp chuyện bất hạnh kia trước khi trình bày hết từng điểm một.

– Ông ta không già đi đâu, có người đang mê ông ta đấy. Tôi nghĩ bây giờ nữ bá tước Lidia Ivanovna chắc đang ghen với vợ ông ta.

– Ồ! Tôi xin ông, đừng nói xấu nữ bá tước Lidia Ivanovna.

– Phải lòng Carenina có gì mà xấu kia chứ?

– Có rênina hiện ở đây không?

– Không phải ở ngay tại triều đình này, nhưng ở Peterburg. Hôm qua, tôi gặp bà ta đi cùng Alecxei Vronxki, tay khoác tay ở đường Morxkaia.

– Ông ta là người không có… – quan thị vệ định nói, nhưng nín bặt, tránh sang bên nhường bước và chào một người trong hoàng tộc đi qua. Trong khi mọi người bàn tán, chỉ trích và chế giễu Alecxei Alecxandrovitr như vậy, ông ta đang chắn đường vị ủy viên Hội đồng Quốc gia và không bỏ lỡ một giây, thao thao bất tuyệt trình bày cho vị đó nghe từng điểm trong kế hoạch tài chính của ông. Đang lúc vợ sắp bỏ, Alecxei Alecxandrovitr đã gặp phải một sự kiện đặc biệt đau buồn cho một viên chức: bước đường thăng quan tiến chức của ông bị đứt đoạn. Mọi người đều thấy rõ việc đó, nhưng bản thân Carenin vẫn chưa biết con đường công danh sự nghiệp của mình đã đến lúc tận cùng. Vì vấp phải Xtremov chăng, vì không may hoặc chỉ đơn giản vì ông đã đạt tới giới hạn quy định chăng? Dù sao mọi người đều thấy rõ ràng năm đó, bước hoạn lộ của ông đã chấm dứt. Ông vẫn giữ một cương vị quan trọng, là ủy viên của nhiều tiểu ban và uỷ hội, nhưng ông đã hết thời và người ta không còn chờ đợi gì ở ông nữa. Dù ông muốn nói gì, muốn đề nghị gì, điều đó cũng bị coi là đã biết tỏng và lỗi thời. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr không thấy cái đó; trái lại, giờ đây khi đã bị loại không được trực tiếp tham gia chính phủ, ông càng nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết những khuyết điểm và sai lầm của kẻ khác và tự đặt cho mình bổn phận phải chỉ ra những biện pháp sửa chữa. Ít lâu sau khi Anna bỏ đi, ông bắt đầu viết về những tòa án mới, đó là bài thứ nhất trong một loạt vô số luận văn hoàn toàn vô ích mà người ta giao cho ông thảo về mọi ngành của chính phủ. Alecxei Alecxandrovitr không những không nhận thấy sự thất thế đó, không lấy thế làm bực tức, mà hơn bao giờ hết, ông còn mãn nguyện về hoạt động của mình. “Kẻ nào có vợ thì nghĩ tới lạc thú cõi trần, kẻ nào không vợ thì lo lắng làm vui lòng Chúa”, thánh tông đồ Pôn đã nói. Alecxei Alecxandrovitr từ nay bất cứ dịp nào cũng chỉ viện đến Thánh Kinh, luôn thầm nhắc câu đó. Ông thấy hình như từ khi vợ bỏ, ông phụng sự Chúa tốt hơn xưa bằng những kế hoạch đúng đắn của mình. Sự sốt ruột ra mặt của vị ủy viên Hội đồng Quốc gia đã muốn cáo từ, không hề làm Alecxei Alecxandrovitr nao núng. Mãi đến lúc người tiếp chuyện lợi dụng một vị trong hoàng tộc đi ngang qua để đi thoát, ông mới ngừng trình bày. Còn lại một mình, Alecxei Alecxandrovitr cúi đầu, tập trung suy nghĩ rồi lơ đãng nhìn xung quanh và đi ra cửa, ông hi vọng gặp nữ bá tước Lidia Ivanovna ở đó. “Sao mà họ đều lực lưỡng và khỏe mạnh đến thế”. Alecxei Alecxandrovitr thầm nghĩ nhìn thấy viên quan thị vệ hùng dũng có bộ ria chải mượt sức nước hoa và chiếc gáy đỏ ửng của vị hoàng thân gọn ghẽ trong bộ triều phục, lúc ông đi qua chỗ họ. “Không phải vô cớ mà người ta nói tất cả ở cõi đời này đều dối trá”, ông thầm nghĩ, một lần nữa liếc nhìn đôi bắp chân quan thị vệ.

Alecxei Alecxandrovitr thong thả bước đi, nghiêng mình chào một cách trịnh trọng và mệt mỏi trước các quý quan đang bàn tán về ông, rồi nhìn ra cửa, đưa mắt tìm nữ bá tước Lidia Ivanovna.

– Ồ! Alecxei Alecxandrovitr! – ông già thấp bé nói với một ánh nham hiểm trong khóe mắt, khi Carenin đi tới và lạnh lùng chào ông ta. – Tôi vẫn chưa chúc mừng ngài, – ông già chỉ dải băng mới nhận.

– Cảm ơn ngài, – Alecxei Alecxandrovitr nói. – Trời đẹp quá, – ông nói thêm, quen miệng nhấn mạnh vào chữ “đẹp”.

Ông biết họ đang chế giễu mình, nhưng ông không chờ ở họ cái gì khác ngoài sự thù địch: ông quen rồi.

Khi nhìn thấy đôi vai vàng bủng của nữ bá tước Lidia Ivanovna lộ ra khỏi áo nịt và đôi mắt đẹp tư lự đang gọi ông, Alecxei Alecxandrovitr mỉm cười để lộ hàm răng trắng và bước đến gần. Lidia Ivanovna phải bận tâm rất nhiều về bộ cánh này cũng như tất cả những trang phục trong thời gian gần đây. Mục đích việc trang điểm này trái ngược với mục đích bà theo đuổi trước đây ba mươi năm. Dạo ấy, bà muốn trang sức càng nhiều càng tốt. Giờ đây, ngược lại, việc làm dáng đâm lạc điệu với tuổi tác và hình dáng nên bà chỉ còn một nỗi lo lắng duy nhất: giảm bớt sự tương phản giữa cách ăn mặc và vẻ người. Kể ra đối với Alecxei Alecxandrovitr, bà cũng đã đạt mục đích và ông thấy bà cũng dễ thương. Đối với ông, bà là hòn đảo duy nhất không những của thiện tâm mà còn của tình ái giữa cái biển thù địch và giễu cợt đang vây bọc ông. Khi đi qua trước một hàng rào những con mắt nhạo báng, ông bị cái nhìn đa tình của bà thu hút không sao cưỡng nổi như cái cây bị ánh sáng thu hút.

– Tôi xin chúc mừng ông, – bà nói và đưa mắt ra hiệu chỉ dải băng.

Cố nén một nụ cười mãn nguyện, ông nhún vai, nhắm mắt lại như muốn nói cái đó không làm ông vui thích chút nào. Nữ bá tước Lidia Ivanovna thừa biết, trái lại, đó là một trong những niềm vui lớn nhất của ông, nhưng không bao giờ ông chịu thừa nhận.

– Chú tiên đồng của chúng ta thế nào? – bà hỏi, ý muốn nói với Xergei.

– Tôi không thể nói là hoàn toàn hài lòng về nó, – Alecxei Alecxandrovitr nói, dướn lông mày lên và mở mắt ra. – Cả Xitnicov cũng không vừa ý về nó (Xitnicov là nhà giáo được ông giao phó việc dạy dỗ Xergei). Như tôi từng nói với bà, nó có phần hững hờ đối với những vấn đề thiết yếu đáng lẽ phải tác động đến tâm hồn mỗi người và mỗi đứa trẻ, – Alecxei Alecxandrovitr nói, bắt đầu trình bày ý kiến về vấn đề duy nhất làm ông quan tâm ngoài nghề nghiệp: việc giáo dục con trai. Khi Alecxei Alecxandrovitr, nhờ sự giúp đỡ của Liđia Ivanovna trở lại sinh hoạt và hoạt động bình thường, ông thấy cần phải lo đến việc giáo dục con trai. Vì trước đây chưa từng quan tâm đến việc này, ông bèn dành thời gian để nghiên cứu mặt lí luận của vấn đề. Sau khi đọc vài quyển sách bàn về nhân chủng học, về khoa sư phạm và giáo huấn, Alecxei Alecxandrovitr đích thân vạch ra một chương trình giáo dục và mời nhà sư phạm xuất sắc nhất ở Peterburg tới thực hiện chương trình đó. Ông luôn lo lắng tới vấn đề này.

– Phải, nhưng còn tâm hồn nó? Tôi thấy nó có tâm hồn của bố, và với tâm hồn như vậy, đứa trẻ không thể hư được, – Lidia Ivanovna sôi nổi nói.

– Có thể như vậy… Về phần tôi, tôi gắng làm tròn bổn phận và tôi chỉ có thể làm được thế.

– Mời ông lại đằng nhà tôi, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói tiếp sau một phút im lặng. – Chúng ta phải bàn một vấn đề đau lòng cho ông. Tôi sẵn sàng hi sinh tất cả để tránh cho ông một vài kỉ niệm nào đó, nhưng người khác lại không nghĩ thế. Tôi vừa nhận được thư cô ta. Cô ta đang ở đây, ở Peterburg.

Alecxei Alecxandrovitr giật mình khi nghe nhắc đến vợ, nhưng liền đó, bộ mặt ông lại đờ ra như xác chết, lộ rõ sự bất lực hoàn toàn trước việc này.

– Tôi vẫn chờ đợi điều đó, – ông nói.

Nữ bá tước Lidia Ivanovna nhìn ông bằng con mắt khâm phục và ứa nước mắt xúc động trước tâm hồn cao thượng đó.

25

Khi Alecxei Alecxandrovitr bước vào tư thất lộng lẫy của Lidia Ivanovna, trang trí đầy chân dung và đồ sứ cổ, nữ chủ nhân vẫn chưa có mặt tại đó.

Bà đang thay quần áo.

Bộ đồ trà Trung Quốc và chiếc ấm đun bằng bạc đặt trên bàn tròn phủ khăn. Alecxei Alecxandrovitr lơ đãng nhìn những chân dung quen thuộc treo nhan nhản trong tư thất và ngồi xuống cạnh bàn, mở quyển Kinh Phúc âm đặt ở đó. Tiếng áo lụa sột soạt của nữ bá tước làm ông chuyển hướng chú ý.

– Thế! Bây giờ, ta có thể yên tĩnh được rồi, – nữ bá tước Lidia Ivanovna vừa nói vừa lướt qua giữa bàn và đi văng với một nụ cười xúc động, – ta sẽ vừa uống trà vừa nói chuyện một lát. – Sau vài câu mào đầu, nữ bá tước Lidia Ivanovna đỏ mặt lên thở hổn hển đưa cho Alecxei Alecxandrovitr bức thư vừa nhận được.

Đọc xong thư, ông nín lặng hồi lâu.

– Tôi thấy mình không có quyền từ chối cô ta việc này, – ông ngước mắt rụt rè nói.

– Ông bạn ơi, ông chẳng nhìn thấy sự xấu xa ở đâu cả!

– Trái lại, tôi nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi. Nhưng như thế liệu có đúng không khi mà…?

Bộ mặt ông lộ vẻ lưỡng lự và mong muốn một lời khuyên, một sự nâng đỡ, một chỉ dẫn đối với một vấn đề ông không hiểu gì cả.

– Không, – nữ bá tước Lidia Ivanovna ngắt lời ông. – Cái gì cũng có giới hạn. Tôi hiểu được sự vô luân vô đạo, – bà nói, không phải hoàn toàn thành thực, vì bà chẳng bao giờ hiểu nổi cái gì đẩy người đàn bà đến chỗ vi phạm quy tắc đạo đức, – nhưng tôi không hiểu nổi sự tàn ác, mà tàn ác đối với ai kia chứ? Đối với ông! Làm sao cô ta nỡ lưu lại ở thành phố này, nơi ông đang sống! À! Phải, ở vào tuổi nào, cũng có thể học cho sáng mắt ra được. Tôi đây, tôi đã học vỡ ra, hiểu được tâm hồn cao thượng của ông và sự đê tiện của cô ta.

– Ai lại cạn tàu ráo máng thế được? – Alecxei Alecxandrovitr nói, hài lòng ra mặt về vai trò của mình. – Tôi đã tha thứ tất cả, tôi không thể tước đoạt cái điều vốn là nhu cầu của trái tim cô ta: tình mẫu tử…

– Ông bạn ơi, nhưng đó có phải là tình mẫu tử không kia chứ? Nó có thành thực không? Cứ cho rằng trước đây ông đã tha thứ và nay ông vẫn còn tha thứ… Nhưng liệu ta có quyền làm ảnh hưởng đến tâm hồn chú tiên đồng đó không chứ? Nó đã tin là cô ta chết rồi. Nó cầu nguyện cho cô ta và cầu Chúa tha thứ mọi tội lỗi cho cô ta… như thế tốt hơn. Bây giờ, nó sẽ nghĩ thế nào?

– Tôi không nghĩ tới điều đó, – Alecxei Alecxandrovitr nói, rõ ràng tỏ vẻ đồng ý.

Nữ bá tước Lidia Ivanovna lấy hai tay che mặt và nín lặng. Bà cầu nguyện.

– Nếu ông hỏi ý kiến tôi, – bà nói sau khi cầu nguyện xong và không che mặt nữa, – tôi xin khuyên ông không nên làm như vậy. Ông tưởng tôi không thấy ông đau khổ, không thấy việc này đã khơi lại tất cả vết thương của ông hay sao? Nhưng cứ giả dụ ông vẫn quên mình như xưa nay vậy. Cái đó sẽ dẫn ông đến đâu? Đến những đau khổ mới, và đến những day dứt thực sự cho con ông. Nếu thực cô ta còn chút lòng nhân đạo, thì đừng nên mong muốn như vậy. Không, tôi không chút do dự khuyên ông đừng làm như vậy và nếu ông cho phép, tôi sẽ viết thư cho cô ta.

Alecxei Alecxandrovitr đồng ý và nữ bá tước Lidia Ivanovna liền viết bức thư sau đây bằng tiếng Pháp: “Thưa bà. Hồi ức về bà có thể khiến con trai bà đặt ra những câu hỏi không thể giải đáp mà không gieo vào đầu óc đứa bé ý muốn lên án những cái lẽ ra phải là thiêng liêng với nó. Cho nên tôi xin bà hiểu cho sự từ chối của ông nhà với tinh thần từ thiện Cơ đốc giáo. Tôi cầu xin Đấng Chí Cao rủ lòng từ bi đối với bà.”

Bức thư đã đạt được cái mục đích thầm kín mà nữ bá tước Lidia Ivanovna vẫn tự giấu cả bản thân mình: nó làm cho Anna đau đớn tận đáy lòng. Về phía Alecxei Alecxandrovitr, sau khi ở nhà Lidia Ivannovna về, trong ngày hôm đó ông cũng không bắt tay làm công việc bình thường được và cũng không tìm lại được sự yên tĩnh tâm hồn của kẻ mộ đạo đã siêu thoát, như ông thường thấy trước đây. Nhớ đến người vợ tội lỗi, mà, theo lời nữ bá tước, ông đã cư xử với cô ta như bậc thánh nhân, lẽ ra ông không việc gì phải bối rối, nhưng vẫn thấy không yên tâm; ông đọc sách mà không hiểu gì, ông không thể gạt bỏ những kỉ niệm day dứt về quan hệ vợ chồng xưa kia, về những sai lầm mà giờ đây ông thấy hình như mình đã mắc phải. Nhớ lại cách tiếp nhận lời thú tội phụ bạc của vợ khi ở trường đua ngựa trở về (chỉ yêu cầu nàng giữ thể diện mà không thách Vronxki đấu súng), ông day dứt chẳng khác gì đang ăn năn hối hận. Ông cũng đau khổ khi nghĩ tới bức thư đã viết cho vợ, tới sự tha thứ chẳng ai cần đến, tới việc chăm sóc đứa trẻ không phải con ông: mọi cái đó làm ông bừng bừng hổ thẹn và hối tiếc. Và giờ đây, điểm lại tất cả quá khứ sống với vợ, hồi tưởng tới lời nói vụng về lúc đi cầu hôn sau thời gian dài do dự, ông cũng cảm thấy xấu hổ và hối hận như vậy. “Nhưng ta có lỗi gì kia chứ”, ông tự hỏi. Câu hỏi đó bao giờ cũng kéo theo một câu hỏi khác: “Tất cả những kẻ khác, những Vronxki, những Oblonxki… những quan thị vệ có bắp chân to béo, họ cảm nghĩ, yêu đương, kết hôn có khác ta không?”. Và ông nhớ tới cả loạt người khỏe mạnh, béo tốt và tự tin đó, bất kì lúc nào và ở đâu cũng thu hút sự chú ý của ông. Ông gạt bỏ ý nghĩ đó và cố tự thuyết phục rằng mình sống không phải vì cuộc đời phù du nơi hạ giới này, mà vì cuộc đời vĩnh viễn, rằng lòng yêu thương cùng sự yên tĩnh vẫn ngự trong tâm hồn ông. Nhưng một vài sai lầm, theo ông không đáng kể, mắc phải trong cuộc đời phù du và đáng khinh miệt này, lại dằn vặt ông đến nỗi tưởng như không hề có sự cứu độ linh hồn vĩnh cửu ông hằng tin tưởng. Sự cám dỗ đó không kéo dài và sau đó, tâm hồn Alecxei Alecxandrovitr trở lại bình tĩnh và lâng lâng, khiến ông có thể quên cái điều ông không muốn nhớ tới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.