Anna Karenina (Tập 2)
Phần 7 – Chương 03
8
Ra khỏi bàn ăn, Levin cảm thấy cử động rất thoải mái, chàng cùng Gaghin đi qua mấy phòng lớn để tới phòng chơi bi a. Đến một phòng khách, chàng chạm trán bố vợ.
– Thế nào? Anh thấy cái đền thờ sự vô công rồi nghề này ra sao? – Lão quận công nói và khoác tay chàng. – Ta thử đi một vòng xem.
– Chính con cũng định thế. Thật đáng quan tâm.
– Ừ, nhưng ba, ba lại quan tâm theo một cách khác. Con trông những Lão già bé nhỏ kia, – ông vừa nói vừa chỉ một ông cụ lưng còng, môi thưỡn ra, chân đi ủng mềm, đang khó nhọc bước về phía họ. – Con tưởng họ lú lẫn từ lúc mới đẻ và con bật cười, nhưng ba, ba lại nghĩ một ngày kia ba cũng sẽ như họ thôi. Con có biết hoàng thân Tsêtsenxki không? – lão quận công hỏi, nhìn mặt bố vợ, Levin biết ông sắp kể cho chàng nghe một chuyện tức cười.
– Không ạ.
– Không à? Ông ta nổi tiếng lắm kia mà! Thôi được, không hề gì. Lúc nào ông ta cũng chơi bi a. Cách đây ba năm, ông ta chưa đến nỗi lú lẫn và làm ra vẻ ta đây anh hùng hảo hán. Chính lão thường cho kẻ khác là lẩm cẩm. Nhưng một hôm, lão đến, và người gác cổng nhà ta… con biết chứ, Vaxili ấy mà? Cái gã to béo ấy, một gã chúa hay bông phèng. Hoàng thân Tsêtxenki bèn hỏi gã: “Thế nào, Vaxili, có khách nào đấy? Có ai lẩm bẩm không?” Và gã đáp: “Ông là người thứ ba”. Phải, thế đó, con ạ! – Vừa chuyện gẫu vừa chào bè bạn gặp trên đường đi, Levin và lão quận công đi qua tất cả các phòng: phòng khách lớn có bàn đánh bài với những đấu thủ quen thuộc bắt đầu chơi; phòng khách nhỏ là nơi đánh cờ: Xergei Ivanovitr có mặt ở đấy, đang mải nói chuyện; phòng chơi bi a, ở một góc, gần đi văng, có một bọn vui vẻ đang uống sâm banh, trong đó có cả Gaghin; hai bố con còn ngó vào cả “phòng địa ngục”, các con bạc đang chen lấn nhau quanh một cái bàn, cả Yasvin cũng ngồi đó. Hết sức khẽ khàng, họ bước vào phòng đọc sách mờ tối, thấy dưới những đèn có chụp, là một thanh niên nét mặt đăm chiêu đang dở hết báo này sang tạp chí khác, và một vị tướng đầu hói mải mê đọc sách. Họ tới cả căn phòng mà lão quận công mệnh danh là “khách thính của giới trí thức”. Tại đó, ba vị đang sôi nổi thảo luận về những tin tức chính trị cuối cùng.
– Quận công, xin mời lại đây, chúng tôi đang chờ ngài, – một khách chơi bài đang đi tìm lão quận công nói, và lão quận công đi ra.
Levin ngồi xuống, nghe ngóng nhưng nhớ lại những câu chuyện buổi sáng, thốt nhiên cảm thấy ngấy đến mang tai. Chàng vội đứng dậy và chạy đi tìm Oblonxki và Turôpxưn, may ra còn vui. Turôpxưn đang ngồi trên một cái đi văng cao trong phòng chơi bi a cùng nhóm uống rượu; còn Xtepan Arcaditr và Vronxki đang nói chuyện ở góc phòng đằng kia gần cửa ra vào.
– Không phải cô ấy buồn đâu, nhưng cái lối mập mờ, do dự ấy… – Levin nghe thấy và muốn lảng đi chỗ khác ngay; nhưng Xtepan Arcaditr gọi chàng lại.
– Levin này, – Xtepan Arcaditr nói, và Levin nhận thấy mắt ông long lanhướt – điều thường xảy ra khi ông uống rượu hoặc xúc động. Lần này do cả hai nguyên nhân. – Levin này, chú đừng đi, – ông nói và siết chặt phía trên khuỷu tay chàng, rõ ràng nhất quyết không để chàng đi.
– Đấy là người bạn chân thành nhất và có lẽ tốt nhất của tôi, – ông nói với Vronxki. – Cả anh nữa, anh cũng rất gần gũi và thân yêu đối với tôi. Tôi mong các anh sẽ là bạn của nhau và nhất định phải như vậy. Vì cả hai anh đều là người trung thực.
– Thế thì ta chỉ còn có việc hôn nhau thôi, – Vronxki nói đùa và chìa tay cho Levin. Chàng sôi nổi bóp mạnh bàn tay chìa ra.
– Tôi rất, rất hài lòng, – chàng nói.
– Bồi, một chai sâm banh đây, Xtepan Arcaditr nói.
– Cả tôi cũng rất hài lòng, – Vronxki nói. Nhưng dù đó là mong muốn của Xtepan Arcaditr và của chung cả hai người, họ vẫn không biết nói gì và cả hai đều cảm thấy rõ điều ấy.
– Anh có biết là chú ấy chưa quen Anna không? – Xtepan Arcaditr nói với Vronxki. – Tôi rất muốn đưa Levin đến chơi nhà cô ấy. Đi đi, Levin!
– Thật không? – Vronxki nói. – Nàng sẽ rất vui sướng. Tôi cũng muốn đi ngay bây giờ, – chàng nói tiếp, – nhưng tôi lo cho Yasvin lắm; tôi phải ở lại đến khi cậu ấy chơi xong.
– Cậu ấy xúi à?
– Có bao nhiêu hắn thua bạc sạch, chỉ có tôi giữ được hắn thôi.
– Thế thì, ta làm ván bi a chăng? Levin đồng ý không? Tốt lắm, Xtepan Arcaditr hỏi. Bày hình tháp đi! – ông nói với người ghi điểm.
– Sẵn sàng từ lâu rồi ạ, – người ghi điểm đã xếp sẵn bi thành hình tam giác và đang lăn hòn cái màu đỏ để tiêu sầu.
– Được lắm, ta chơi thôi.
Sau ván chơi, Vronxki và Levin lại ngồi ở bàn của Gaghin, và Levin, theo lời khuyên của Xtepan Arcaditr, đặt vào quân xì. Vronxki thỉnh thoảng lại rời bàn, nơi bè bạn luôn chạy đến tìm, để sang phòng địa ngục giám sát Yasvin, Levin sau cái mệt mỏi về tinh thần khi sáng, giờ thấy đầu óc thanh thản khoan khoái. Chàng sung sướng thấy Vronxki với mình đã hết hiềm khích, một cảm giác an lạc và vui thích tràn ngập trong lòng.
Hết ván bài, Xtepan Arcaditr bèn khoác tay Levin.
– Thế nào, chú đến thăm Anna chứ? Cô ấy có nhà đấy. Từ lâu tôi đã hẹn với cô ấy sẽ đưa chú lại chơi. Tối nay, chú định đi đâu?
– Tôi không có dự định gì đặc biệt cả. Tôi đã hứa với Xviajxki tới hội nông học. Nếu anh muốn thì ta đi thôi, – Levin nói.
– Tốt lắm! Anh hỏi xem xe của tôi có ngoài ấy chưa? – Xtepan Arcaditr bảo người hầu phòng.
Levin trở lại gần bàn, trả bốn mươi rúp vừa thua về quân xì, tính tiền với lão đầu bếp già đang đứng tựa màn cửa mà không hiểu do phép huyền bí nào đã biết ngay tổng số tiền, rồi, với cái dáng vung vẩy tay riêng biệt, đi ngang qua phòng ra cửa.
9
– Xe của hoàng thân Ôblônxki đâu! – người gác cổng cất giọng trầm, bực bội kêu lên. Xe ngựa lại gần và đôi bạn trèo lên. Thoạt đầu, khi xe vượt qua cánh cổng lớn, Levin vẫn thấy nguyên vẹn cái ấn tượng bình thản, thỏa mãn và dễ chịu mà ai nấy đều cảm thấy lúc ở trong câu lạc bộ; nhưng ra tới phố, khi chàng thấy xe lắc lư trên mặt đường lồi lõm, nghe tiếng la lối của gã đánh xe đi ngược lại, nhìn thấy dưới ánh sáng đèn lồng mờ mờ cái biển hàng đỏ một tiệm rượu, những cửa hàng, cảm giác kia bỗng tan đi, chàng bèn suy nghĩ về cách cư xử của mình và tự hỏi không biết đến nhà Anna thế này có phải không? Kitti sẽ nói sao? Nhưng Xtepan Arcaditr không để chàng ngẫm ngợi lâu la và xua tan luôn mối ngờ vực đó như thể đã đọc được hết ý nghĩ của chàng.
– Mình rất hài lòng thấy cậu sắp quen cô ấy, – ông nói. – Cậu có biết Doli muốn thế từ lâu rồi không? Cả Lvov cũng đến chơi nhà cô ấy. Tuy Anna là em gái mình, – Xtêpam Ackađich nói tiếp, mình vẫn có thể mạnh dạn nói đó là một phụ nữ tuyệt diệu. Rồi cậu sẽ thấy. Hoàn cảnh cô ấy rất khó khăn, nhất là lúc này.
– Tại sao lại nhất là lúc này?
– Bọn mình đang thương lượng với chồng cô ấy về vấn đề li dị. Lão ta đã đồng ý, nhưng lại nảy ra khó khăn về chuyện thằng bé thành thử công việc đáng lẽ xong lâu rồi thì lại kéo dài thêm ba tháng nay. Chừng nào li dị xong, cô ấy sẽ lấy Vronxki. Thật ngu xuẩn, cái lối đi dạo quanh cổ lỗ sĩ theo thủ tục: “idai, cứ vui chơi đi!” chẳng ai tin và chỉ làm cản trở hạnh phúc người ta! – Xtepan Arcaditr nói. – Cuối cùng, đến lúc đó, hoàn cảnh của họ sẽ đâu vào đấy cũng như của mình, của cậu.
– Khó khăn do đâu mà ra! – Levin hỏi.
– Chà! Chuyện dài và ngấy lắm! Chả ra đâu vào đâu cả. Nhưng thực tế, cô ấy đã sống để đòi li dị ba tháng nay ở Moxcva, nơi mà ai nấy đều biết họ; cô ấy không đi đâu, không gặp người bạn gái nào trừ Doli, vì cậu cũng hiểu, cô ấy không muốn người ta rủ lòng bác ái mà đến chơi; cả đến mụ Vavara ngu ngốc cũng đánh bài chuồn, cho rằng hoàn cảnh không chính đính. ở cái thế như vậy, một người đàn bà khác hẳn sẽ không thể tự mình tìm ra phương kế nào. Đằng này, cậu sẽ thấy cô ấy đã biết tổ chức cuộc sống ra sao, cô ấy vẫn bình tĩnh và giữ trọn phẩm cách. Rẽ bên trái, trước mặt nhà thờ, – Xtepan Arcaditr bỗng thò đầu ra ngoài cửa xe, kêu lớn. – Lạy Chúa, sao mà nóng vậy! ông nói và cởi nốt khuy áo choàng đã phanh ra, mặc dầu thời tiết đang mười hai độ dưới không.
– Nhưng bà ấy có đứa con gái, chắc bà ấy trông nom lấy? – Levin nói.
– Tựa hồ cậu chỉ nhìn đàn bà như một giống cái, nhưmột cái máy ấy vậy, – Xtepan Arcaditr nói. – Dường như đàn bà chỉ có việc chăm sóc con cái thôi. Không đâu, Anna nuôi con gái rất giỏi, nhưng không ai nghe nói tới đứa con ấy. Trước hết, cô ấy đang bận viết. Mình thấy cậu mỉm cười mỉa mai, nhưng cậu nhầm. Cô ấy đang viết một cuốn sách cho trẻ em và không hề nói với ai, nhưng cô ấy đã đọc cho mình nghe và mình đã đưa tập bản thảo cho Vorkuiep, anh chàng làm xuất bản ấy, cậu biết chứ… hình như chính anh này cũng là nhà văn thì phải. Hắn ta hiểu biết văn học và nói cuốn sách thật đáng chú ý. Nhưng có lẽ cậu tưởng cô ấy là một… nữ sĩ à? Không đúng chút nào. Trước hết, đó là một thiếu phụ có tâm hồn, rồi cậu sẽ thấy. Cô ấy đã cưu mang một con bé người Anh và gia đình nó.
– Sao, làm phúc à?
– Không đâu, bao giờ cậu cũng nặng nhìn về mặt xấu. Không phải chuyện làm phúc mà là lòng tốt. Họ có, đúng hơn là Vronxki có nuôi một gã dạy ngựa người Anh, rất có tài nhưng nghiện rượu. Hắn uống rượu đến bại hoại cơ thể, delirium tremen34, bỏ cả gia đình. Cô ấy tới thăm nom giúp đỡ họ, dần dà đâm quen, và bây giờ thì nuôi cả gia đình, nhưng không phải chỉ làm độc một việc là cho tiền: cô ấy còn dạy tiếng Nga cho mấy đứa con trai nhỏ, chuẩn bị cho chúng vào trường trung học và mang con bé con về nhà. Với lại, rồi cậu sẽ gặp con bé.
(34) Chứng động kinh do nghiện rượu.
Xe đi vào sân, và Xtepan Arcaditr kéo chuông ầm ĩ trước cửa ra vào, tại đó có một chiếc xe trượt đợi sẵn.
Không cần hỏi người đầy tớ ra mở cửa xem có ai ở nhà, Oblonxki bước vào phòng chờ. Levin theo sau, mỗi lúc một thêm ngờ ngợ việc đi thăm này là bất tiện. Levin soi vào một tấm gương thấy mặt mình đỏ; nhưng chàng tin chắc mình không say và đi theo Xtepan Arcaditr lên cầu thang rải thảm. Đến gác hai, Xtepan Arcaditr hỏi người hầu phòng đến chào ông như người thân trong nhà, xem có ai đến chơi với Anna Arcadievna không; người này trả lời là có ông Vorkuiep.
– Họ ở đây?
– Trong phòng giấy ạ. Xtepan Arcaditr và Levin đi qua phòng ăn nhỏ, tường lát ván màu sẫm và bước vào một phòng làm việc rải thảm mềm chỉ có một ngọn đèn che chụp sẫm chiếu sáng. Một tấm kính phản chiếu treo trên tường hắt sáng vào một bức chân dung phụ nữ vẽ toàn thân khiến Levin bất giác chú ý. Đó là chân dung Anan do Mikhailov vẽ hồi ở bên Ý. Trong khi Xtepan Arcaditr đi vào sau tấm bình phong mắt cáo và tiếng đàn ông đang nói trong góc đó im bặt, Levin ngắm nghía bức chân dung như đang ra khỏi chiếc khung dưới làn ánh sáng rực rỡ, và chàng không sao quay mặt đi được. Chàng quên cả mình đang ở đâu, và chẳng buồn nghe xem xung quanh đang nói gì, cứ dán mắt vào bức hình tuyệt diệu. Đây không phải là tranh, mà là một thiếu phụ đẹp mê hồn đang sống thực, với những búp tóc đen nhánh, với đôi vai và đôi cánh tay trần, với nụ cười tư lự thấp thoáng trên cặp môi điểm hàng lông tơ mịn màng, và cặp mắt vừa dịu dàng vừa đắc thắng đăm đăm nhìn khiến lòng chàng xao xuyến.
Chính vì từ trong tranh bước ra nên nhìn nàng còn đẹp hơn là sống thực.
– Tôi rất hân hạnh, – chàng bỗng nghe tiếng ai bên cạnh. Đúng là có người nói với chàng thật và đó là tiếng người thiếu phụ mà chàng đang ngắm chân dung. Anna ra đón chàng và trong khuê phòng tranh tối tranh sáng, Levin nhìn thấy nàng trong bộ áo màu xanh sẫm thêu hoa lá. Tư thế cũng như vẻ mặt thì có khác, nhưng vẫn là cái đẹp tuyệt vời mà họa sĩ đã ghi lại trên tranh: trong thực tế, nàng có phần kém lộng lẫy, nhưng lại có một vẻ quyến rũ mới không thấy trong tranh.
10
Nàng ra đón Levin, không giấu nỗi vui mừng được chàng đến thăm. Qua vẻ thư thái của Anna, khi đưa bàn tay nhỏ bé nhưng rắn rỏi cho chàng bắt, khi giới thiệu chàng với Vorkuiep và chỉ một em bé xinh xẻo tóc hung đang ngồi khâu mà nàng gọi là con nuôi, Levin vui thích nhận ra cốt cách một thiếu phụ trong giới thượng lưu, bao giờ cũng bình tĩnh và tự nhiên.
– Tôi rất, rất hân hạnh, – nàng nhắc lại và trên môi nàng, lời nói giản dị đó có một ý nghĩa đặc biệt đối với Levin. – Tôi biết anh từ lâu rồi và rất quý anh, vừa vì anh là bạn thân của Xtiva, vừa vì chị ấy nữa… tôi chỉ quen chị ấy một thời gian ngắn, nhưng chị ấy để để lại cho tôi ấn tượng về một bông hoa tuyệt diệu, một bông hoa, phải dùng chữ ấy mới đúng. Và chị ấy sắp làm mẹ rồi! – Nàng nói không chút lúng túng vội vàng, thỉnh thoảng lại đưa mắt từ Levin sang anh trai. Levin hiểu là mình đã gây ấn tượng tốt và lập tức, cũng thấy thoải mái như đã quen Anna từ lâu.
– Chính vì vậy mà Ivan Petrovic và em mới ngồi ở phòng làm việc của Alecxei, – nàng đáp khi Xtepan Arcaditr hỏi có hút thuốc lá được không, và sau khi nhìn Levin, đáng lẽ hỏi chàng có hút không thì nàng lại kéo cái hộp đựng thuốc lá bằng đồi mồi về phía mình và lấy một điếu bọc trong lá ngô.
– Hôm nay cô có khỏe không? – ông anh trai nàng hỏi.
– Cũng khá. Nhưng thần kinh vẫn thế.
– Có đúng là tuyệt diệu không? – Xtepan Arcaditr nhận thấy Levin vẫn nấn ná trước bức chân dung, bèn hỏi vậy.
– Đây là bức chân dung đẹp nhất mà tôi được thấy từ xưa tới nay.
– Và giống một cách lạ lùng phải không? – Vorkuiep nói. Levin rời mắt khỏi bức chân dung quay sang nhìn người thật. Mặt Anna ngời lên một ánh sáng đặc biệt khi cảm thấy cái nhìn ấy. Levin đỏ mặt, và để giấu vẻ bối rối, định hỏi lâu nay nàng có gặp Daria Alecxandrovna không, nhưng ngay lúc đó Anna đã nói:
– Vừa rồi Ivan Petrovic có nhắc đến những bức tranh mới đây của Vatsencov. Anh đã xem chưa?
– Rồi ạ, – Levin đáp.
– Xin lỗi, tôi vừa ngắt lời anh, anh định nói… – Levin bèn hỏi lâu nay nàng có gặp Doli không.
– Chị ấy vừa đến thăm tôi hôm qua. Chị ấy bất bình lắm: hình như ở trường trung học, ông giáo dạy tiếng La Tinh đối xử bất công với Grisa.
– Vâng, tôi đã xem những tranh đó. Tôi không thích lắm, – Levin nói, trở lại câu chuyện vừa bắt đầu.
Lần này, Levin không nói chuyện theo lối học trò chăm chỉ như buổi sáng nữa. Với Anna, mỗi lời mỗi chữ đều có nghĩa. Được nói chuyện với nàng đã thú vị, nhưng nghe nàng nói càng thú vị hơn. Anna nói năng không những giản dị và thông minh, mà còn xuề xòa, không hề cho ý kiến mình là có giá trị. Trước mặt người tiếp chuyện mình, nàng rất nhún nhường. Câu chuyện xoay sang những khuynh hướng mới trong nghệ thuật và những minh họa mới đây của một họa sĩ Pháp trong Kinh Thánh. Vorkuiep chê nghệ sĩ tả chân quá đáng đến thành kệch cỡm. Levin nói người Pháp đã đẩy tính ước lệ trong nghệ thuật đi xa hơn ai hết và chính vì vậy họ cho việc quay về chủ nghĩa tả chân là một ưu điểm đặc biệt. Trong việc thôi không nói dối, họ nhìn thấy chất thơ. Chưa bao giờ có câu chuyện thông minh nào đem lại cho Levin nhiều hứng thú như vậy. Nét mặt Anna bỗng sáng lên khi chợt cảm thấy thế. Nàng bật cười.
– Tôi cười, – nàng nói, – như ta thường bật cười khi thấy một tấm chân dung giống quá. Điều anh vừa nói miêu tả rất đúng đặc tính của nghệ thuật hiện đại Pháp, cả trong hội họa lẫn văn học: Zola, Dode. Nhưng có lẽ thoạt tiên người ta tự xác định những quan niệm dựa trên những hình tượng hư cấu và có tính chất ước lệ; về sau, khi tất cả những kết hợp đã được xây dựng, người ta mới thấy chán những hình tượng bịa đặt và bắt đầu sáng tạo ra những hình tượng tự nhiên hơn, chân thực hơn.
– Hoàn toàn đúng như vậy, – Vorkuiep nói.
– Vậy ra các anh đã tới câu lạc bộ đấy à? – nàng vừa nói, vừa quay sang anh trai.
“Phải, phải, thật là một người đàn bà kì diệu!”, Levin nghĩ bụng, mê mải ngắm khuôn mặt đẹp linh hoạt thoắt cái đã thay đổi. Levin không nghe thấy nàng nói gì vì nàng cúi xuống phía anh trai, nhưng ngạc nhiên về sự thay đổi sắc diện của nàng. Khuôn mặt kiều diễm của nàng một phút trước còn thanh thản, giờ bỗng lộ vẻ tò mò lạ lùng, giận dữ, kiêu kì. Nhưng cái đó chỉ thoáng qua một lát. Nàng lim dim mắt như cố nhớ ra việc gì.
– Với lại, ai hoài hơi nghĩ đến việc đó. Con bảo pha trà ngoài phòng khách hộ mẹ, – nàng nói với đứa bé người Anh.
Đứa bé đứng dậy và đi ra.
– Thế nào, cháu nó thi cử ra sao? – Xtepan Arcaditr hỏi.
– Khá lắm. Đó là một đứa trẻ rất có năng khiếu, tính nết rất dễ thương.
– Rồi cô đến yêu nó hơn con đẻ mất.
– Rõ thật chuyện đàn ông. Trong tình yêu, không có chuyện hơn, kém. Em yêu con gái một cách, lại yêu cháu này cách khác.
– Chính tôi vừa nói với Anna Arcadievna, – Vorkuiep nói, – nếu bà chỉ đem một phần trăm công sức bỏ ra cho con bé người Anh này, để dạy dỗ trẻ em nước Nga, bà sẽ làm được một việc to lớn và hữu ích.
– Biết làm sao được, tôi không có khả năng. Bá tước Alecxei Kirilovitr đã khuyến khích tôi rất nhiều (khi nhắc đến cái tên này, nàng nhìn Levin, vẻ rụt rè, dò hỏi, và bất giác chàng đáp lại bằng cái nhìn kính cẩn và đồng tình), anh ấy rất khuyến khích tôi trông nom cái trường ở nông thôn. Tôi có về đấy nhiều lần. Các em ngoan lắm nhưng tôi không thể làm việc đó được. Ông vừa nói nghị lực dựa trên tình yêu. Mà tình yêu là chuyện không thể bắt buộc. Tôi rất mến con bé này. Tự tôi cũng không hiểu tại sao nữa. – Nàng lại nhìn Levin. Cả con mắt lẫn nụ cười đều nói rằng những lời đó là dành riêng cho chàng, rằng nàng trân trọng ý kiến chàng và biết trước hai người sẽ hiểu nhau.
– Tôi hoàn toàn hiểu điều đó, – Levin đáp. – Người ta không thể đặt trái tim mình vào một trường học hay một thiết chế tương tự, và tôi nghĩ chính vì vậy mà những tổ chức từ thiện bao giờ cũng đem lại kết quả ít ỏi đến thế.
Nàng lặng im rồi mỉm cười.
– Vâng, vâng, – nàng nhấn mạnh. – Không bao giờ tôi làm nổi điều đó. Lòng tôi không đủ rộng rãi để đi yêu cả một trường nữ công đầy những cô bé xấu xí. – Tôi không bao giờ làm nổi việc đó. Thế mà có biết bao bà dựa vào đó để kiếm một địa vị xã hội đấy. Ngay cả bây giờ, – nàng nói, vẻ buồn buồn và tin cẩn (bề ngoài là nói với anh trai nhưng rõ ràng chỉ nói với Levin), – ngay cả bây giờ, giữa lúc rất cần có việc để bận bịu đôi chút, em vẫn không làm thế được. – Rồi nàng bỗng cau mày (Levin hiểu nàng tự trách vì đã nói đến bản thân), chuyển sang chuyện khác. – Người ta bình phẩm rằng anh là một công dân xấu, – nàng bảo Levin. – Tôi đã hết sức bênh vực anh.
– Như thế nào kia ạ?
– Còn tùy ở cách đả kích… Nhưng anh dùng trà nhé? – nàng đứng dậy và cầm một quyển vở đóng bìa da dê thuộc.
– Đưa cho tôi nào, bà Anna Arcadievna, – Vorkuiep chỉ quyển vở, nói. – Cái này thật đáng đem xuất bản.
– Ồ, không, chưa hoàn chỉnh đâu.
– Anh có nói với anh ấy về cái đó, – Xtepan Arcaditr chỉ Levin nói với em gái.
– Anh nói làm gì. Những điều em viết cũng giống như những cái lẵng nhỏ và những vật chạm trổ do bọn tù làm mà ngày xưa Liza Mercalova vẫn bán cho em. Chả là bà ta quản lí các nhà tù mà, – nàng nói với Levin. – Những kẻ khốn khổ đó đã hoàn thành những kì công của lòng kiên nhẫn.
Thế là Levin lại khám phá thêm một nét mới ở người thiếu phụ đã lôi cuốn chàng một cách kì lạ này. Thông minh, duyên dáng, kiều diễm đã vậy, nàng còn thẳng thắn nữa. Nàng không tìm cách giấu chàng những khó khăn của hoàn cảnh mình. Nói xong, nàng thở dài và mặt bỗng nghiêm hẳn lại, sững ra như tạc. Trông nàng như thế lại càng đẹp, nhưng cái diện mạo này thuộc loại khác hẳn: nó không nằm trong loạt sắc thái rạng rỡ hạnh phúc và mang lại hạnh phúc như họa sĩ đã ghi lại trên bức chân dung. Levin lại đưa mắt nhìn từ bức tranh sang người mẫu trong khi nàng khoác tay anh trai, kéo ra cửa và chàng bỗng ngạc nhiên thấy lòng mình dạt dào trìu mến và thương xót Anna. Nàng mời Levin và Vorkuiep vào phòng khách và nán lại sau để nói chuyện với anh trai. “Nàng nói chuyện gì với ông ta? Về vấn đề li dị chăng? Về Vronxki? Về những việc anh ta đã làm ở câu lạc bộ? Về mình?”, Levin nghĩ thầm. Câu hỏi làm chàng bối rối đến nỗi chỉ lơ đãng nghe bằng một bên tai những lời Vorkuiep nói về những ưu điểm của cuốn tiểu thuyết Anna viết cho thiếu nhi. Trong khi uống trà, họ tiếp tục cuộc trò chuyện thú vị và phong phú. Chẳng những không lúc nào cần tìm kiếm đầu đề mà trái lại, ai nấy đều dồi dào ý kiến, sẵn sàng phải kìm lại để nghe người bên cạnh nói. Tất cả những điều nói ra, không riêng gì của Anna mà cả của Vorkuiep và Xtepan Arcaditr đều mang ý nghĩa đặc biệt nhờ có nữ chủ nhân chăm chú nghe và bình luận thêm: ít ra đó cũng là cảm giác của Levin. Levin vừa theo dõi chuyện vừa thán phục sắc đẹp, trí thông minh, kiến thức và cả vẻ giản dị, thân mật của Anna. Chàng ngồi nghe, nhưng chỉ nghĩ đến nàng, đến cuộc sống nội tâm của nàng. Ngày xưa chàng vốn từng phê phán nàng rất nghiêm khắc, giờ đây, do một diễn biến lạ lùng của tư tưởng, lại biện hộ cho nàng, đồng thời, còn thương nàng và sợ Vronxki không hoàn toàn hiểu nổi nàng. Khoảng mười một giờ, khi Xtepan Arcaditr đứng dậy cáo từ (Vorkuiep về trước rồi), Levin có cảm giác như mình chỉ vừa mới tới. Đến lượt chàng đứng lên, đầy luyến tiếc.
– Chào anh, – nàng nắm tay chàng nói với một cái nhìn đầy vẻ quyến rũ. – Tôi rất vui lòng thấy chúng ta đã bắt đầu thân thiện.
Nàng buông tay ra và lim dim mắt.
– Anh nói hộ với chị là tôi vẫn mến chị như xưa và nếu chị không thể tha thứ cho hoàn cảnh của tôi thì mong rằng cứ nên thế mãi. Vì muốn tha thứ thì phải đau khổ như tôi đã đau khổ, và cầu Chúa đừng để chị ấy phải như thế!
– Xin chị cứ yên tâm, tôi sẽ nói lại với nhà tôi… – Levin đỏ mặt nói.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.