Anna Karenina (Tập 2)
Phần 8 – Chương 01
1
Hai tháng trôi qua. Lúc đó vào giữa mùa hạ, thời tiết rất nóng; tuy vậy, mãi tới bây giờ, Xergei Ivanovitr mới sửa soạn rời Moxcva.
Thời gian gần đây, nhiều biến cố đã xảy ra trong đời Xergei Ivanovitr. Khoảng một năm trước, ông viết xong cuốn sách, kết quả của sáu năm trời lao động, nhan đề: “Luận về những nguyên lí và hình thức cai trị ở châu Âu và ở Nga”. Đoạn nhập đề và một số chương của tác phẩm đã đăng trong các tạp chí và ông cũng đã đọc vài đoạn cho bạn bè chung quanh nghe, nên những ý kiến nêu lên trong đó đối với công chúng không còn mới mẻ lắm; tuy nhiên, Xergei Ivanovitr vẫn hi vọng việc xuất bản tác phẩm sẽ làm xôn xao dư luận và nếu nó không dấy lên một cuộc cách mạng trong khoa học thì ít nhất cũng gây xúc động mạnh mẽ trong giới bác học.
Cuốn sách sau khi chỉnh lí cẩn thận, đã phát hành năm ngoái và đưa bán ở các hiệu sách.
Tuy không nói chuyện với ai về cuốn sách, giả tảng thờ ơ khi bạn bè hỏi tác phẩm có được hoan nghênh không, cũng không hỏi các cửa hiệu xem sách bán có chạy không. Xergei Ivanovitr vẫn ngong ngóng xem công trình nghiên cứu đó gây ấn tượng thế nào trong xã hội và giới văn học. Nhưng một tuần, rồi hai tuần, ba tuần trôi qua mà xem ra vẫn không có làn sóng nào làm chấn động xã hội; vài người bạn thân là chuyên gia hoặc học giả họa hoằn có nhắc tới, rõ ràng vì lịch sự. Những người quen khác vốn chẳng quan tâm tới học thuật, không hề bàn đến một câu. Nhất là quần chúng lúc đó đang bận tâm vì những chuyện khác nên hoàn toàn dửng dưng. Còn báo chí thì chẳng buồn đả động tới.
Xergei Ivanovitr tính toán tỉ mỉ thời gian cần thiết để những bài giới thiệu có thể ra mắt, nhưng hai tháng sau vẫn cứ im lìm như cũ.
Chỉ có độc tờ “Bọ dừa phương Bắc”, trong một bài châm biếm ca sĩ Đrabanti bị hỏng giọng, nhân tiện có chêm vài câu miệt thị về cuốn sách của Coznưsev, ngụ ý rằng ai nấy đều xác định ý kiến về cuốn sách đó, vốn từ lâu đã là trò cười cho thiên hạ. Cuối cùng, đến tháng thứ ba mới có một bài phê bình đăng trên một tạp chí đứng đắn. Xergei Ivanovitr biết tác giả bài báo, ông đã gặp anh ta một lần tại nhà Gôlupxôp. Đó là một nhà phê bình rất trẻ, ốm yếu, bút pháp rắn rỏi, nhưng rất ít học và nhút nhát trong quan hệ với mọi người.
Mặc dầu hoàn toàn coi thường tác giả, Xergei Ivanovitr vẫn đọc bài báo với niềm trân trọng lớn. Bài báo thật khủng khiếp.
Rõ ràng tác giả tiểu phẩm hiểu cuốn sách ngược hẳn với lương tri. Nhưng hắn đã khéo chọn trích dẫn đến nỗi, với những ai không đọc (và hầu như chẳng ai đọc cả), thì rõ ràng toàn bộ tác phẩm chỉ là một mớ câu kệ rườm rà, hơn nữa lại dùng không đắt (như nhà phê bình đã vạch ra bằng những dấu chấm hỏi) và tác giả cuốn sách quả thực dốt như lừa. Và tất cả những điều đó được nói một cách rất thông minh đến nỗi chính Xergei Ivanovitr cũng không thể phủ nhận sự sắc sảo đó; nhưng chính cái đó lại đáng sợ nhất. Xergei Ivanovitr đã hết sức thận trọng kiểm tra sự chính xác của những lập luận nhà phê bình đưa ra, nhưng không phút nào, ông chịu dừng lại suy nghĩ về những khuyết điểm hoặc sai lầm bị chế giễu: bất giác, ông lập tức nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa ông với tác giả bài báo. “Hay là ta làm hắn phật lòng gì chăng?”. Xergei Ivanovitr tự hỏi.
Và, sực nhớ trong buổi nói chuyện, ông có nêu lên một chữ chứng tỏ sự dốt nát của người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, Xergei Ivanovitr bèn cho rằng chính đó là căn nguyên giọng văn của bài báo. Sau đó là im lặng hoàn toàn và Xergei Ivanovitr nhận thấy cái tác phẩm viết trong sáu năm ròng với bao công phu và tâm huyết, đã qua đi không để lại dấu vết gì. Sự nhàn rỗi càng khiến cho hoàn cảnh của Xergei Ivanovitr thêm nặng nề: trước đây, công việc viết sách còn chiếm phần lớn thời giờ của ông. Xergei Ivanovitr là người thông minh, có học thức, khỏe mạnh, ưa hoạt động, và giờ đây, ông không biết dùng năng lực hoạt động vào việc gì. Những buổi nói chuyện ở phòng khách, ở hội nghị, uỷ ban, ở tất cả những nơi có thể nói chuyện được chiếm một phần thời giờ của ông; nhưng vốn là người sống ở thành thị lâu, ông rất chú ý dè giữ, không dốc hết tâm lực vào những buổi nói chuyện đó, như chú em cục mịch của ông thường làm trong những ngày đến ở Moxcva. Ông còn thừa rất nhiều thời giờ nhàn hạ và trí lực. Vừa may vào thời kì đặc biệt khổ tâm này vì sự thất bại của tác phẩm, những vấn đề thời sự như: các tông phái dị giáo, tình hữu nghị Mỹ quốc, nạn đói ở Xamara, những triển lãm và trò đồng cốt chiêu hồn đều nhường chỗ cho vấn đề Xlav từ trước đến nay vẫn âm ỉ, và Xergei Ivanovitr từ lâu vốn là một trong những người khởi xướng, liền dốc toàn bộ tâm lực vào vấn đề đó. Trong giới giao du của Xergei Ivanovitr, giờ đây người ta chỉ bàn đến cuộc chiến tranh Xerbi. Tất cả những việc đám đông nhàn rỗi thường làm để giết thời giờ, hiện nay đều hướng vào cứu giúp những “người Xlav anh em”. Khiêu vũ, hòa nhạc, yến tiệc, diễn thuyết, nữ trang, rượu bia, tiệm nước, tất cả đều để biểu lộ mối thiện cảm của mọi người đối với dân Xerbi. Xergei Ivanovitr bất đồng ý kiến với phần lớn những điều được nói hoặc viết ra trong dịp này. Ông thấy vấn đề Xlav đã trở thành một trong những thứ say mê thời thượng vẫn nối tiếp nhau ở chốn thượng lưu, nhờ đó những người trong giới này mới có việc mà làm, ông cũng thấy rất nhiều người quan tâm đến vấn đề chỉ vì một mục đích phù phiếm hoặc vụ lợi. Ông thừa nhận báo chí đã in ra những chuyện tầm bậy hoặc khuếch đại với mục đích duy nhất là thu hút sự chú ý của mọi người và to mồm hò hét át giọng những kẻ khác. Ông nhận thấy trong sự xô đẩy ào ạt chung này, chính những kẻ thất thế và mất quyền lại đi đầu và to tiếng át giọng người khác: những vị tướng không có quân, những bộ trưởng không có bộ, những nhà báo không có báo, những lãnh tụ đảng phái không có đảng viên. Ông thấy tất cả những khía cạnh phù phiếm và lố bịch của phong trào dư luận này; nhưng ông cũng nhìn thấy một luồng phấn khởi rõ rệt đang đoàn kết tất cả các giai cấp xã hội, đang phát triển từng giờ từng phút, khiến ta không thể không đồng tình. Sự tàn sát những người anh em đồng chủng và đồng tín ngưỡng làm nổi dậy lòng thương xót đối với kẻ bị áp bức, lòng phẫn đối với kẻ đi áp bức. Sự dũng cảm của người Xerbi và người Mongtenegro, chiến đấu cho một mục đích vĩ đại, làm nẩy sinh trong toàn thể nhân dân ý muốn giúp đỡ họ không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm. Cuối cùng, một hiện tượng khác làm cho Xergei Ivanovitr rất vui sướng. Đó là sự biểu thị của dư luận quần chúng. Xã hội đã bày tỏ rõ ràng nguyện vọng của mình. Theo lối nói của Xergei Ivanovitr thì tâm hồn dân chúng đã tìm ra cách biểu đạt. Và càng bắt tay vào làm, ông càng thấy chắc chắn công cuộc đó sẽ có quy mô rộng lớn, sẽ đánh dấu một thời đại. Ông cống hiến toàn tâm toàn lực nhằm phục vụ mục đích vĩ đại ấy và do đó, quên không nghĩ tới cuốn sách nữa.
Hiện nay, tất cả thời giờ của ông đều bận rộn: thậm chí ông cũng không còn rảnh rỗi để trả lời hết mọi thư từ và yêu cầu đã gửi đến.
Sau khi làm việc suốt mùa xuân và một phần mùa hạ, đến tháng bảy, ông chuẩn bị về nông thôn với em trai.
Ông về đó để nghỉ ngơi chừng mươi mười lăm ngày và để hưởng thụ, giữa thánh thất thâm nghiêm của dân chúng, mãi tận cuối vùng nông thôn hẻo lánh, cảnh tượng thức tỉnh của tinh thần dân tộc mà tất cả cư dân hai thủ đô và những thành phố lớn đang tin tưởng vững chắc. Catavaxov, từ lâu vẫn muốn thực hiện lời hứa đến thăm Levin, cũng đi theo ông.
2
Xergei Ivanovitr và Catavaxov vừa đến ga Kuôcxkơ, hôm đó đặc biệt náo nhiệt, và bước xuống xe để xem lại hành lí thì có bốn xe ngựa thuê chở quân tình nguyện chạy tới. Các bà ôm hoa ra đón họ và tất cả bước vào ga, đằng sau là một đám đông chạy ùa theo.
Một bà tới hoan nghênh quân tình nguyện ra khỏi phòng đợi tàu và nói với Xergei Ivanovitr:
– Ông cũng tới tiễn họ đấy à? – bà hỏi ông bằng tiếng Pháp.
– Thưa quận chúa không ạ, tôi về nghỉ nhà chú em. Bà vẫn luôn trung thành với nhiệm vụ đấy chứ? – Xergei Ivanovitr thoáng mỉm cười nói.
– Nhất định phải thế chứ, – quận chúa trả lời. – Có thực chúng ta gửi đi tám trăm rồi phải không? Manvinxki không chịu tin lời tôi nói.
– Hơn tám trăm kia. Tính cả những người không trực tiếp đi từ Moxcva thì nay đã có tới hơn một nghìn rồi, – Xergei Ivanovitr đáp.
– Thì đúng tôi đã bảo thế mà! – bà vui sướng nói. – Và có thực đến nay đã quyên góp được ngót một triệu đồng rồi phải không?
– Hơn nữa kia, thưa quận chúa!
– Ông đọc bản tin hôm nay chưa? Lại một lần nữa quân Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bại.
– Vâng, tôi đọc rồi, – Xergei Ivanovitr trả lời. – Trong bản tin, người ta thông báo quân Thổ ba ngày liền đều bị đánh bại trên khắp các mặt trận, phải bỏ chạy trốn: mọi người chờ đợi một trận quyết định trong ngày mai.
– À, tôi muốn nói với ông việc này, có một thanh niên rất khá cũng muốn xin đi. Tôi không hiểu tại sao người ta lại gây khó khăn với anh ta. Tôi muốn nhờ ông viết vài chữ giới thiệu. Tôi có quen anh ta, do nữ bá tước Lidia Ivanovna giới thiệu.
Sau khi hỏi những điều cần biết mà quận chúa nắm được về chàng thanh niên đó, Xergei Ivanovitr sang phòng chờ tàu hạng nhất, viết một bức thư gửi người có thẩm quyền giải quyết việc đó và trao cho bà ta.
– Ông biết chứ, bá tước Vronxki, nhân vật trứ danh… hôm nay cũng đi đấy, – quận chúa nói với nụ cười đắc thắng và đầy ý nghĩa, khi ông tới cạnh bà.
– Tôi cũng nghe nói ông ta ra đi, nhưng không biết bao giờ. Ông ta đi chuyến tàu này à?
– Vâng, tôi có trông thấy. Ông ta đang ở đây. Chỉ có mỗi bà mẹ đi tiễn. Ông ta… chỉ còn biết cách làm thế là hơn cả.
– Tất nhiên.
Trong khi họ nói chuyện, đám đông ùa tới quầy hàng ăn. Hai người bị xô đẩy theo và nghe thấy giọng nói sang sảng của một vị tay cầm chén rượu đang diễn thuyết với quân tình nguyện. “Phụng sự tín ngưỡng, phụng sự nhân loại, phụng sự những người anh em của chúng ta! Ông nói, mỗi lúc một cất cao giọng hơn. Moxcva, mẹ của chúng ta sẽ ban phước lành cho các bạn vì sự nghiệp vĩ đại này,Jivio37”, ông ta hô to, giọng nghẹn ngào nước mắt.
(37 )Tiếng Xerbi: muôn năm.
Tất cả cùng hô: “Jivio” và người ta lại ùa sang phòng đợi tàu, suýt xô ngã cả bà quận chúa.
– Quận chúa thấy thế nào? – Xtepan Arcaditr nói, đột nhiên xuất hiện giữa đám đông, mặt ngời lên một nụ cười rạng rỡ. – Ông ta nói hay lắm, những lời xuất phát tự đáy lòng! Hoan hô! A! Xergei Ivanovitr, ông đấy à! Ông cũng nên nói với họ vài câu khích lệ, ông giỏi hùng biện lắm mà, – ông ta nói thêm với một nụ cười vừa dịu dàng, kính cẩn lại vừa thận trọng. Và ông cố khoác tay Xergei Ivanovitr lôi đi.
– Không, tôi phải đi ngay bây giờ.
– Đi đâu?
– Về nhà chú em, – Xergei Ivanovitr trả lời.
– Ồ, thế thì ông sẽ gặp nhà tôi ở đấy. Tôi vừa viết thư nhưng chắc ông sẽ gặp trước khi nhà tôi nhận được; nhờ ông làm ơn nói giúp là đã gặp tôi và mọi sự đều tốt đẹp cả. Nhà tôi sẽ hiểu. À phải, và cũng nhờ ông vui lòng nói giúp là tôi đã được bổ nhiệm làm ủy viên ủy ban các đại lí liên hợp… Tóm lại, rồi vợ tôi sẽ hiểu. Đó là những nỗi khốn khổ nho nhỏ trong đời sống con người, – ông quay lại phân bua với bà quận chúa. – Tôi đã nói với ông là quận chúa Miagcaia, – không phải là Liza đâu mà là bà Bibitsơ ấy – có gửi đi một nghìn khẩu súng và mười hai nữ y tá chưa nhỉ?
– Vâng tôi có nghe nói, – Coznưsev miễn cưỡng trả lời.
– Thật đáng tiếc là ông phải đi, – Xtepan Arcaditr nói. – Ngày mai, chúng tôi thết tiệc chiêu đãi hai người ra đi: Đime Barnianxki ở Peterburg tới và anh chàng Vexlovxki của chúng ta. Grisa ấy mà. Cả hai đều đi sang đó. Vexlovxki mới kết hôn được ít lâu. Đó là một gã trung thực, phải không, thưa quận chúa? – ông quay lại nói với bà ta.
Quận chúa không trả lời, nhìn Coznưsev. Nhưng dù Xergei Ivanovitr hay bà quận chúa có khó chịu vì sự có mặt của ông ta, Xtepan Arcaditr vẫn không bối rối chút nào. Khi ông mỉm cười chăm chú nhìn cái lông vũ trên mũ bà quận chúa, lúc lại đảo mắt nhìn quanh, như cố nhớ lại điều gì. Thấy một bà cầm hộp quyên góp tiền đi qua, ông gọi lại và bỏ vào một tờ giấy bạc năm rúp.
– Tôi không thể dửng dưng nhìn những hộp quyên tiền đó chừng nào trong người còn có tiền, – ông nói. – Về bản tin hôm nay, các ông bà thấy thế nào? Những người Mongtenegro đó, thật là cừ! Không có lẽ! – ông kêu lên, khi được bà quận chúa cho biết Vronxki sẽ đi chuyến tàu sau. Trong một giây, nét mặt Xtepan Arcaditr lộ vẻ buồn rầu, nhưng chỉ ngay lát sau, khi ông vừa vuốt râu má vừa nhún nhẩy bước vào căn phòng có Vronxki ở đấy, Xtepan Arcaditr đã hoàn toàn quên bẵng những tiếng nức nở tuyệt vọng của mình trên thi hài em gái và chỉ còn thấy ở Vrônxki một vị anh hùng và một người bạn cũ.
– Tuy ông ấy có nhiều tật, ta vẫn phải công bằng mà đánh giá cho đúng, – bà quận chúa nói với Xergei Ivanovitr khi Oblonxki rời họ đi. – Đó là một tính cách rất Nga, điển hình Xlav! Tôi chỉ e Vronxki gặp ông ta sẽ chẳng hứng thú gì. Ông muốn nói sao thì nói, số phận con người đó vẫn làm tôi xúc động. Ông hãy cố tranh thủ nói chuyện với ông ta trong khi đi đường, – bà nói.
– Vâng, nếu có dịp.
– Xưa nay tôi vốn không ưa ông ta. Nhưng hành động của ông ta sẽ chuộc lại rất nhiều lầm lỗi. Ông ta không chỉ bằng lòng tự nguyện ra đi mà còn bỏ tiền túi ra dẫn theo cả một phân đội.
– Vâng, tôi cũng nghe nói như vậy.
Tiếng chuông réo lên. Tất cả kéo đến tụ tập trước cửa ra vào.
– Ông ta đây rồi! – quận chúa nói và chỉ Vronxki.
Chàng mặc áo choàng dài, đội mũ đen rộng vành và đưa tay cho mẹ khoác. Oblonxki đi bên cạnh, và đang sôi nổi nói chuyện với chàng. Vronxki cau mày, nhìn thẳng về đằng trước, như không buồn nghe Xtepan Arcaditr nói. Hẳn là được Oblonxki cho biết, chàng quay nhìn về phía bà quận chúa và Xergei Ivanovitr, và lặng lẽ nhấc mũ chào. Mặt chàng già đi và võ vàng vì đau khổ, đanh lại.
Lúc tới sân ga, sau khi né người nhường mẹ đi trước, chàng bước lên tàu và ở lì trong buồng toa xe.
Trên sân ga vang lên điệu quốc ca “Thượng đế che chở cho Nga hoàng” lẫn tiếng “hoan hô!” và tiếng Xerbi “jivio!”. Một tình nguyện quân, người trẻ măng cao lớn, lưng hơi gù, vẫy mũ dạ và bó hoa trên đầu, vênh vang đáp lại những lời chào. Sau anh ta là hai sĩ quan và một người đứng tuổi râu rậm rì, đầu đội mũ lưỡi trai bẩn thỉu, đang đứng trước cửa sổ và cũng ra hiệu chào mọi người.
3
Sau khi chào tạm biệt bà quận chúa, Xergei Ivanovitr trèo lên tàu chật ních cùng với Catavaxov đã theo kịp ông và đoàn tàu chuyển bánh. Ở Xaritxưn, một đội hợp xướng gồm toàn thanh niên nhịp nhàng hát bài: “Vinh quang thay Nga hoàng của chúng ta!” để chào đón đoàn tàu. Tình nguyện quân lại thò đầu ra ngoài cửa toa xe để vẫy chào: nhưng Xergei Ivanovitr không chú ý tới họ: ông tiếp xúc với tình nguyện quân thường xuyên quá rồi nên giờ đã thuộc làu cái điển hình thông thường của lớp người đó và không quan tâm tới họ nữa. Trái lại, Catavaxov, vì bận nghiên cứu khoa học, không có dịp quan sát tình nguyện quân, nên bị hấp dẫn lớn và cứ hỏi Xergei Ivanovitr dồn dập.
Coznưsev khuyên ông sang toa hàng hải và trực tiếp nói chuyện với những bạn đồng hành ở đó. Tới ga sau, Catavaxov làm theo như vậy. Tới chỗ tàu đỗ đầu tiên, ông sang toa hạng hai và bắt chuyện với các tình nguyện quân. Họ ngồi trong góc toa xe và nói chuyện oang oang, rõ ràng biết hành khách cùng Catavaxov vừa bước vào, đều đang chú mục vào họ. Anh thanh niên cao lớn có đôi vai hơi gù càng to mồm hơn mọi người. Anh ta chắc say rượu và đang kể chuyện gì đó. Trước mặt anh ta là một sĩ quan đứng tuổi mặc binh phục cận vệ áo. Ông mỉm cười nghe anh ta kể chuyện và thỉnh thoảng lại ngắt lời. Người thứ ba, mặc binh phục pháo thủ, ngồi cạnh, trên một cái rương quân dụng. Người thứ tư đang ngủ. Catavaxov nói chuyện với gã trẻ nhất và được biết anh ta là một thương nhân giàu có ở Moxcva. Chưa đầy hăm hai tuổi đầu, anh ta đã phung phí hết một tài sản kếch sù. Catavaxov không ưa anh ta vì vẻ người thướt tha, ẻo lả và ốm yếu; rõ ràng anh ta đinh ninh mình đang làm một hành động anh hùng, nhất là sau khi đã nốc cạn vài chén rượu, và huênh hoang một cách hết sức khó chịu. Người thứ hai, một sĩ quan giải ngũ, cũng gây ấn tượng xấu với Catavaxov. Anh ta hình như đã trải đủ mọi nghề rồi. Anh ta đã làm việc ở ngành hỏa xa, rồi làm quản gia, rồi làm giám đốc công xưởng. Anh ta nói đủ mọi chuyện vô bổ và dùng danh từ khoa học không đúng chỗ. Trái lại, người thứ ba, là pháo thủ, khiến Catavaxov rất có thiện cảm. Đó là một người trầm tĩnh và kín đáo; ông tỏ vẻ nhún nhường trước sự thông thái của vị sĩ quan cùng gương hi sinh anh hùng của gã thương nhân và không nói gì về mình cả. Khi Catavaxov hỏi cái gì thúc đẩy ông ta đi Xerbi, ông chỉ khiêm tốn trả lời:
– Tôi chỉ làm như mọi người khác thôi. Cũng cần giúp đỡ người Xerbi một tay. Tội nghiệp họ!
– Họ thiếu nhất là những pháo thủ như ông, – Catavaxov nói.
– Ồ, tôi trước phục vụ trong pháp binh cũng không lâu đâu, có lẽ họ sẽ điều động tôi sang bộ binh hoặc kị binh.
– Tại sao lại thế, khi mà họ đang cần trước hết là pháo thủ?
Catavaxov nói, ngỡ là với tuổi tác đó, ông ta hẳn ở cấp quân hàm cao.
– Vì tôi trước không ở pháo binh lâu, mới chỉ là chuẩn úy, – ông ta nói và cắt nghĩa tại sao mình thi trượt.
Tất cả những cái đó họp lại thành một ấn tượng xấu đối với Catavaxov và khi những tình nguyện quân xuống uống nước ở ga sau, ông cảm thấy cần trao đổi tâm sự với một người nào đó. Một ông già bé nhỏ mặc áo bành tô nhà binh cùng ngồi toa đó: ông ta cũng đã nghe chuyện. Khi chỉ còn lại hai người, Catavaxov quay lại phía ông già:
– Hoàn cảnh những người ra đi này thật nhiều màu nhiều vẻ, – ông nói bâng quơ ý kiến mình để khêu gợi ông già bé nhỏ phát biểu.
Ông già là sĩ quan, ông đã từng tham dự hai chiến dịch. Ông đã hiểu thế nào là người lính và căn cứ vào dáng điệu cùng lời nói của những người kia, vào cách họ tìm nguồn dũng cảm trong hũ rượu đi đường, ông coi họ là bọn lính tồi. Hơn nữa, ông sống ở tỉnh lẻ; ông đã toan kể chuyện trong cái thành phố nhỏ của ông, có một người lính nghỉ dài hạn, nghiện rượu và ăn cắp, không ai muốn thuê mướn, đã ra đi làm tình nguyện quân. Nhưng, vốn từng trải, ông biết trong tình hình tâm lí hiện nay, phát biểu ngược lại ý kiến chung, nhất là lại chỉ trích tình nguyện quân, là điều nguy hiểm, nên ông cũng chờ Catavaxov bộc lộ rõ thâm ý ra.
– Ông bảo biết làm thế nào, bên đó đang cần người, – ông già nói, nheo mắt cười.
Họ bàn tới bản thông báo cuối cùng và hai bên đều giấu nhau sự ngạc nhiên của mình: theo tin giờ chót, nếu quân Thổ bị bánh bại trên khắp các mặt trận, thì ngày mai còn giao tranh với ai nữa? Họ chia tay mà không ai chịu bộc lộ ý nghĩ sâu kín của mình ra.
Trở về toa xe của mình, Catavaxov bất giác tự dối mình, kể cho Xergei Ivanovitr nghe kết quả cuộc thẩm tra: theo ông, tình nguyện quân đều là những chàng trai ưu tú. Tới thành phố lớn đầu tiên, vẫn lại ca hát và hoan hô: những bà, những cô đi quyên tiền lại xuất hiện với hòm quyên, những bà mệnh phụ của thị trấn mang hoa tới cho tình nguyện quân và theo họ ra quầy hàng ăn: nhưng sự tiếp đón đã lạnh nhạt hơn ở Mac-tư-khoa nhiều.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.