Bà Đại Sứ
22. Những bức thư của Helen Keller
Những bức thư sau đây do chính Helen Keller viết gửi cho rất nhiều đối tượng khác nhau. Từ đó chúng ta sẽ thấy được những tiến bộ rất nhanh của một cô bé gái thông minh khác thường, nhờ vào sự hi sinh tận tâm hết mình, cũng khác hẳn bình thường, của một cô gia sư, đã không chỉ trở thành một người phụ nữ phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần mà còn đạt tới một kiến thức văn hóa và những thành tích tri thức đáng khâm phục.
Cô Ann Sullivan đã đi vào cuộc đời của Helen Keller ngày mồng ba tháng ba năm 1887. Ba tháng rưỡi sau ngày những chữ cái đầu tiên được viết trong lòng bàn tay cô bé, Helen đã viết bức thư sau bằng bút chì:
Gửi chị họ Anna (bà George T. Turner)
Tuscumbia (Alabama), 17 tháng Sáu năm 1887.
Helen viết thư – anna george sẽ cho helen một quả táo – simpson sẽ bắn chim – jacques sẽ cho helen một cây kẹo mút – bác sĩ sẽ cho mildred uống thuốc – mẹ sẽ may váy mới cho mildred.
(không ký tên)
Hai nhăm ngày sau, từ Huntsville, nơi em đang ở chơi vài ngày, Helen viết một bức thư cho mẹ. Hai từ trong bức thư này gần như không thể đọc được, còn các chữ khác thì cứng koèo và nghiêng ngả mọi phía:
Gửi bà Kate Adams Keller.
Huntsville (Alabama), 12 tháng Bảy năm 1887.
Helen sắp viết cho mẹ một bức thư đây – bố đã cho helen uống một viên thuốc – mildred muốn ngồi trong ghế đu –mildred đã ôm helen đấy – cô giáo cho helen một quả đào – bác george ốm phải nằm giường – bác bị thương ở tay – anna đã cho helen uống nước chanh – con chó đứng được bằng hai chân sau.
Người lái đã xé vé – bố đưa cho helen một cốc nước ở trên tàu.
Carlotta đã cho helen mấy bông hoa – anna sẽ ma cho helen một cái mũ mới – helen sẽ ôm mẹ – helen sẽ về nhà – mẹ rất yêu helen.
Tạm biệt mẹ
(không ký tên)
Tháng Chín sau đó, Helen đã tiến bộ hơn tron việc chú ý tới cấu trúc câu và tổ chức các ý. Gửi cho các bạn mù ở Viện Perkins, Boston (miền Nam) Tuscumbia, tháng Chính 1887
Helen sắp viết một bức thư cho các bạn mù đây – helen và cô giáo của mình sắp đến gặp các bạn đấy – helen và cô giáo sẽ đi bằng tàu hơi nước đến boston – helen và các bạn rất vui – các bạn mù biết chuyện trò bằng ngón tay – helen sẽ gặp bác anagnos – bác anagnos sẽ yêu quý và ôm hôn helen – helen sẽ đến lớp với các bạn – helen biết đọc, biết đếm, biết nói bằng tay và biết viết như các bạn – mildred sẽ không đi boston – mildred khóc – prince và jumbo sẽ đi boston – bố bắn mấy con vịt bằng súng săn và jumbo và mẹ nó bơi trong nước và ngậm vịt vào mõn mang cho bố – helen chơi với chó – helen trèo lên lưng ngựa với cô giáo – helen cầm cỏ trong tay cho handee ăn – cô giáo thúc để handee đi nhanh – helen bị mù – helen sẽ cho thư vào phong bì gửi cho các bạn gái mù.
Tạm biệt,
Helen Keller
Hai tháng sau, cách trình bày một bức thư của Helen đã có phần đúng kiểu cách hơn.
Gửi cho ông Michael Anagnos, hiệu trưởng Viện Perkins.
Tuscumbia, tháng Mười một năm 1887.
Cháu sắp viết một bức thư cho bác đây, chúng cháu đã đi lấy chân dung của cháu và cô giáo, cô giáo sẽ gửi cho bác nó. người thợ ảnh đã tạo ra chân dung đấy. người thợ mộc dựng những ngôi nhà mới. người làm vườn cuốc và đào đất để trồng rau. búp bê nancy của cháu đang ngủ. nó bị ốm. mildred vẫn khỏe. chú frank đã đi săn hoẵng. cả nhà sẽ có thịt săn để ăn vào bữa trưa lúc chú về. cháu đã được ngồi trong xe cút-kít và cô giáo đẩy. simpson đã cho cháu nhiều hạt dẻ. chị họ rose đã đi thăm mẹ chị ấy. cháu đã đọc xong quyển sách của cháu và biết được cái khác nhau giữa fox và box, fox (cáo) có thể ngồi vào box (cái hộp). cháu rất thích quyển sách của bác. cháu yêu bác.
Tạm biệt bác,
Helen Keller
Bước sang năm mới, những tiến bộ của Helen đã được khẳng định. Các tính từ đã xuất hiện nhiều hơn, thậm chí cả các tính từ chỉ màu sắc. Mặc dù nghĩa của các từ này không hề mang đến cho em một liên tưởng nào về màu sắc, em dùng những từ ấy đúng chỗ như chúng ta vẫn thường dùng nhiều từ một cách tự nhiên mà không cố hình dung hết những gì nó biểu đạt. Bức thư này được gửi cho một bạn học cùng trường ở Viện Perkins.
Gửi Sarah Tomlinson
Tuscumbia, hai tháng Giêng 1888.
Sarah yêu quý,
Mình rất hạnh phúc khi viết thư cho bạn sáng nay. Mình hy vọng rằng bác Anagnos sẽ sớm đến chơi với mình. Mình sẽ đi Boston vào tháng Bảy và mình sẽ mua găng tay cho bố, và cho James một cái vòng cổ đẹp và cho Simpson mấy cái gài tay áo. Mình đã gặp cô Betty và các học sinh của cô ấy. Họ đã làm một cây Noel thật xinh đẹp và trên cây còn treo nhiều vật xinh xắn cho trẻ con. Mình đã được một cái cốc, một con chim nhỏ và kẹo đường. Dì cho mình một cái rương nhỏ để cất Nancy và quần áo. Mình đã đi đến một buổi chiêu đãi tổ chức trong vườn với mẹ và cô giáo. Bọn mình đã nhảy múa và chơi đùa và ăn hạt hồ đào và kẹo bọc đường và bánh ga tô và cam và mình đã chơi rất vui với nhiều bạn trai và nhiều bạn gái. Cô Hopkins đã gửi cho mình một chiếc nhẫn đẹp. Mình cũng yêu nó như các bạn gái ở trường mù.
Các bác các chú và những cậu con trai làm thảm trong các nhà máy sợi. Len mọc ra từ những con cừu. Người ta cắt len của cừu bằng những cái kéo to và gửi đến nhà máy sợi.
Bông mọc ở những ống cây to ngoài cánh đồng. Đàn ông, phụ nữ, con trai, con gái hái bông. Chúng ta làm từ bông ra sợi và những váy dài bằng vải bông. Những cây bông có hoa xinh đẹp màu trắng và đỏ. Váy của cô giáo bị rách vì móc vào cây. Mildred khóc. Mình chăm cho Nancy. Mẹ sẽ mua cho mình một cái tạp dề mới và một cái váy để đi Boston. Mình đã đi Knoxville với bố và dì. Bessie yếu và bé lắm. những con gà nhà bà Thompson đã làm chết những con gà nhà bà Leila. Eva nằm trong giường mình. Mình yêu những chị gái tốt.
Tạm biệt,
Helen Keller.
Trong câu chuyện mà Helen kể sau đây nhân một chuyến đi thăm vài người bạn, những ý nghĩ của em đã gần với những gì người ta vẫn thấy ở một bé gái 8 tuổi bình thường, có thể là chỉ trừ niềm vui thích ngây thơ của em về lòng sốt sắng năng nổ ở những cậu bé lịch lãm.
Gửi bà Kate Adams Keller.
Boston (Mass.) 24 tháng 9 năm 1888.
Mẹ yêu quý của con.
Con nghĩ mẹ sẽ rất sung sướng được biết chi tiết về chuyến đi thăm của con ở West Newton. Cô giáo và con đã nghỉ một thời gian khá lâu với nhiều người bạn dễ mến. West Newton không xa Boston và chúng chon có thể đến đó rất nhanh bằng tàu hơi nước.
Bà Freeman và Carrie và Ethel và Frank và Helen đã đến đón chúng con ở bến tỏng một cái xe ngựa to. Con đã rất ngây ngất khi được gặp những người bạn nhỏ yêu quý của mình, con ôm họ thật chặt và hôn má họ. Rồi chúng con lên xe, đi lòng vòng để thấy tất cả những điều đẹp đẽ ở West Newton. Nhiều ngôi nhà đẹp được bao quanh bằng những thảm cỏ rộng màu xanh thẫm và những cây và những hoa nở rộ và những đài phun nước. Con ngựa tên là Hoàng Tử và nó rất đáng yêu và nó thích phi đều đều rất nhanh.
Lúc về đến nhà, chúng con gặp 8 con thỏ, và hai con chó nhỏ mũm mĩm và một con ngựa nhỏ đáng yêu màu trắng, và hai con mèo con và hai con chó nhỏ xinh lắm lông xoăn tên là Don. Con ngựa tên là Mollie và con đã có một cuộc đi dạo rất tuyệt trên lưng nó; con không sợ. Con hy vọng rằng bác con sẽ sớm mua cho con một con ngựa nhỏ đáng yêu và một cái xe ngựa nhỏ.
Cliffton đã không ôm hôn con vì cậu ấy không thích ôm hôn các cô con gái bé. Cậu ấy ngượng. Con rất hài lòng vì Frank và Clarence và Robbie và Eddie và Charles và George đã không quá nhút nhát thế. Con đã chơi đùa với nhiều bạn gái và chúng con đã rất vui vẻ. Con đã ngồi lên xen ba bánh của Carrie và con đã đi hái hoa và ăn quả chín. Con đã nhảy và múa và con đã đi chơi bằng xe ngựa. những quý bà và quý ông đến thăm chúng con. Lucy và Dora và Charles sinh ra ở Trung Hoa. Con sinh ra ở Mỹ, và bác Anagnos sinh ra ở Hy lạp. Ngài Drew bảo là các bạn gái Trung Hoa không biết nói chuyện bằng ngón tay nhưng con đã hứa sẽ dạy cho các bạn ấy khi nào con đến Trung Hoa. Một bạn gái trung Quốc rất tốt đã đến thăm con, tên bạn ấy là Asu. Một bạn khác tên gọi theo tiếng Tàu là Amah. Chúng con đã trở lại nhà bằng xe ngựa vì đang là ngày chủ nhật và xe hơi nước thì không có thường xuyên vào các ngày chủ nhật. Những người lái xem và thợ máy đã quá mệt và họ sẽ nghỉ ngơi ở nhà. Con đã gặp một bạn trai Willie Swan trên xe và cậu ấy đã tặng con một quả lê mọng nước. Cậu ấy 6 tuổi. Con làm gì khi con 6 tuổi nhỉ? Con rất phiền vì Eva và Bessie đang bị ốm. Con hy vọng sẽ có một đoàn thật tuyệt vào ngày sinh nhật sắp tới, và con muốn Carrie và Ethel và Frank và Helen đến thăm con ở Alabama. Mildred có được ngủ với con khi con về nhà không?
Yêu mẹ, hôn mẹ nghìn lần, con gái nhỏ yêu quý của mẹ.
Helen Keller.
Gửi cô Della Bennett.
Tuscumbia, 29 tháng Giêng 1889,
Cô Bennett yêu quý.
Cháu rất vui sáng nay viết thư cho cô. Chúng cháu vừa ăn trưa xong. Mildred chạy xuống cầu thang. Cháu vừa đọc xong cuốn sách của cháu viết về một số điều liên quan tới những nhà thiên văn học (astronome). Astronme bắt nguồn từ tiếng Latin, astr có nghĩa là những ngôi sao; và các astronome là những người nghiên cứu những vì sao và nói cho chúng ta về chúng. Chi chúng ta đang yên giấc trên giường, họ quan sát bầu trời tráng lệ qua kính viễn vọng. Một kính viễn vọng giống như một con mắt rất uy quyền. những ngôi sao rất xa đến nỗi chúng ta chẳng thể nói nhiều về chủ đề này nếu không có những dụng cụ tuyệt vời ấy. Cô có thích nhìn qua cửa sổ buồng vô và ngắm những vì sao nhỏ không? Cô giáo bảo rằng cô giáo có thể nhìn thấy sao Venus từ cửa sổ nhà cháu đấy, và đó là một vì sao to và đẹp. Những vì sao được gọi là anh chị em của trái đất.
Có rất nhiều dụng cụ to khác ngoài những dụng cụ mà các nhà thiên văn dùng. Con dao là một dụng cụ dùng để cắt. Cháu nghĩ đồng hồ cũng là một dụng cụ. Cháu sẽ nói cho cô những gì cháu biết về đồng hồ. Có những đồng hồ có giai điệu và có những đồng hồ không có giai điệu. Có những cái bé xíu và có những cái rất lớn. Cháu đã từng thấy một chiếc đồng hồ rất to ở Wellesley. Nó từ Nhật Bản tới. Những chiếc đồng hồ được dùng trong rất nhiều trường hợp. Chúng báo cho chúng ta khi bữa trưa đã sẵn sàng, khi đã đến giờ đến trường hay đến nhà thờ và khi có đám cháy. Chúng nói với mọi người khi nào quay về nhà để nghỉ ngơi. Đồng hồ ở trên xe báo cho hành khách rằng họ đã đến một trạm đỗ và nói với mọi người xuống xe. Thỉnh thoảng cũng xảy ra những tai nạn xe cộ khủng khiếp và nhiều người bị cháy, bị dìm trong nước và bị thương. Có một hôm cháu đã làm vỡ đầu con búp bê của cháu; nhưng đó không phải là một tai nạn nghiêm trọng, vì những con búp bê không sống và không cảm thấy được như con người. Những con chim bồ câu của cháu vẫn khỏe và con chim nhỏ của cháu cũng thế. Cháu rất muốn có một ít đất sét. Cô giáo bảo bây giờ đã đến lúc cháu phải đi học rồi.
Yêu cô nhiều, hôn cô.
Helen A. Keller
Lá thư tiếp theo được gửi cho cô Sarah Fuller, người đã dạy Helen những bài học nói bằng miệng đầu tiên.
Gửi cô Sarah Fuller.
Nam Boston (Mass.), ba tháng Tư 1890.
Cô Fuller yêu quý.
Tim cháu đập rộn lên vui mừng trong buổi sáng đẹp trời này, vì cháu đã học phát âm được nhiều từ mới và cháu đã có thể nói được vài câu nữa. Tối qua, cháu đã ra sân và nói chuyện với mặt trăng đấy. Cháu nói là: “Mặt trăng ơi! Xuống đây với tôi!”. Cô có nghĩ rằng mặt trăng đầy quyến rũ hạnh phúc vì cháu đã có thể nói với trăng không? Mẹ cháu sẽ vui sướng biết bao nhiêu. Cháu sốt ruột chờ tháng Sáu đến biết bao, cháu nóng lòng được nói với mẹ và cả em gái yêu quý của cháu nữa. Mildred không thể hiểu ngôn ngữ tay của cháu, nhưng bây giờ em sẽ ngồi trên đùi cháu và cháu sẽ nói với em nhiều điều để làm em vui, và chúng cháu sẽ cùng sung sướng biết bao! Cô có hạnh phúc, rất rất hạnh phúc vì có thể đem hạnh phúc đến cho biết bao nhiêu người đến thế không? Cháu tin rằng cô rất dễ mến và rất kiên nhẫn, và cháu rất yêu quý cô. Hôm thứ ba, cô giáo bảo cháu rằng cô muốn biết tại sao cháu lại có mong muốn được nói bằng miệng. Cháu sẽ kể cho cô nghe tất cả chuyện đó bây giờ đây, vì cháu nhớ rất rõ. Khi cháu còn bé, cháu thường hay ngồi suốt ngày trong lòng mẹ, vì cháu rất nhút nhát và vì cháu không thích bị bỏ một mình. Và cháu thường đặt tay lên mặt mẹ, vì khi cảm thấy các cử động của môi và của các đường nét khi mẹ nói với ai đó, cháu cảm thấy thích thú.Cháu không biết mẹ đang làm gì, vì cháu chẳng biết gì hết. Sau đó, khi cháu đã lớn hơn, cháu tập chơi với chị vú em và những đứa trẻ da đen, và cháu nhận ra chúng cũng động đậy môi như mẹ. Vậy là cháu cũng thử làm như vậy với môi của mình nhưng đôi lúc điều đó chỉ làm cho cháu tức giận, và cháu đã xiết rất mạnh miệng của các bạn. Cháu đã không biết rằng đó là một hành động hung ác đến thế nào. Rất lâu sau đó, cô giáo yêu quý của cháu đã đến, và cô đã dạy cho cháu cách giao tiếp bằng những ngón tay và từ ngày đó, cháu luôn thấy vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng khi đến trường, ở Boston, cháu gặp một vài người câm họ cũng nói được bằng miệng như tất cả những người khác. Và một hôm có một bà sống ở Na Uy đến trường và kể về một cô gái người Na Uy cũng mù và điếc như cháu mà bà đã được trực tiếp nhìn và nghe cô ây nói từ xa; người ta đã dạy cho cô nói và hiểu người khác khi người ta nói. Tin tốt lành và may mắn này đã làm cho cháu vui mừng vô cùng, vì ngay lúc đó, cháu càng hoàn toàn tin rằng, cháu, Helen cũng có thể học được. Cháu thử tạo ra các âm như những bạn học nhỏ tuổi khác của mình, nhưng cô giáo Ann bảo giọng nói là một thứ rất tinh tế và nhạy cảm, và vì vậy cháu sẽ làm hại nó nếu cứ phát âm từng từ một cách sai lạc, và cô hứa sẽ đưa cháu đến gặp một phụ nữ rất dễ mến và giỏi chuyên môn, người đó sẽ chỉ dạy cho cháu. Người phụ nữ đó chính là cô đấy. Bây giờ cháu vui như những con chim nhỏ vậy vì cháu đã có thể nói, và có thể hát nữa. Tất cả các bạn bè của cháu sẽ rất ngạc nhiên và rất vui mừng.
Cô học trò nhỏ của mô, người rất yêu quý cô.
Helen A. Keller.
Lá thư sau đây được sao chụp và đăng lại nguyên bản trong một số báo tháng Bảy năm 1892, tờ “Thánh Nicholas”. Nó không ghi ngày nhưng hẳn đã được viết hai hoặc ba tháng trước khi xuất bản.
Gửi “Thánh Nicholas”.
“Thánh Nicholas” yêu quý,
Tôi tự đem tới cho mình một niềm vui được gửi bạn một bức thư do chính tay tôi viết vì tôi muốn những bạn đọc của bạn, những cậu bé trại và những cô bé gái biết được những đứa trẻ mù viết như thế nào. Không nghi ngờ gì nữa, nhiều bạn đọc của bạn sẽ hỏi tại sao chúng tôi lại giữ được dòng chữ viết thẳng như thế; vì vậy tôi sẽ giải thích cho các bạn đây. Chúng tôi sử dụng một tấm xoi rãnh đặt giữa dưới những tờ giấy khi chúng tôi muốn viết. Những rãnh này song song với nhau và tương ứng với những dòng kẻ và khi người ta ấn mạnh tờ giấy trên những rãnh này và với đầu bén nhạy của một cây bút chì, sẽ trở nêm rất dễ dàng để giữ cho các từ có cùng một độ cao. Những chữ bé nằm lọt hoàn toàn trong các rãnh, còn những chữ lớn hơn thì sẽ trải dài lên trên hoặc xuống dưới một chút. Chúng tôi điều khiển cây bút chì bằng tay phải trong khi ngón trỏ của tay trái kiểm lại để chắc chắn rằng mình đã viết và định vị những chữ đều đặn. ban đầu rất khó để viết cho đúng, nhưng chỉ cần một chút kiên nhẫn, công việc đã được thực hiện dễ dàng hơn, và nhờ thường xuyên tập luyện, chúng tôi đã đạt viết được loại chữ mà tất cả các bạn bè chúng tôi đều có thể đọc được. Đích đã đạt được, chúng tôi rất, rất hạnh phúc. Có thể một ngày nào đó những bạn đọc nhỏ tuổi của Tháng Nicholas sẽ đến thăm một trường dành cho người mù. Tôi tin chắc rằng họ sẽ mong muốn được tận mắt thấy các bạn học sinh ở đó viết.
Rất chân thành, người bạn nhỏ của các bạn.
Helen Keller.
Helen đã kể lại cuộc đi thăm Triển lãm Toàn cầu trọng một bức thư gửi cho ông John P. Spauldinh, mà tờ “Thánh Nicholas” sau đó đã đăng tải. Lá thư đó cô Caroline Derby, mà chúng tôi đưa ra dưới đây, cũng nói về chủ đề đó. Trong một bài tựa mà cô Ann Sullivan viết cho tờ “Thánh Nicholas”, cô đã nhắc đến một điều mà cô luôn tâm niệm trong lòng: “Helen đã nhìn bằng những ngón tay được nhiều hơn những gì chúng ta nhìn thấy bằng đôi mắt của mình”.
Gửi cho cô Carolin Derby.
Hulton (Pennsylvannie), 17 tháng Tám năm 1893.
…Tất cả mọi người ở Triển lãm đều rất tốt bụng với cháu… Hầu hết những người trương bày hàng đều sẵn lòng cho cháu sờ vào các đồ vật dù dễ vỡ nhất, và họ tỏ ra rất đáng mến cố giải thích cho cháu về tất cả. Một quý ông người Pháp, mà cháu không thể nhớ được tên, đã chỉ cho cháu xem những đồ chạm trổ lớn bằng đồng của đất nước ông. Chắc chắn rằng chúng đã tạo cho cháu sự thích thú hơn tất cả những thứ khác trong triển lãm: chúng quá hoàn hảo đến độ, cháu có cảm tưởng như thấy chúng sống động dưới các đầu ngón tay của mình. Bác sỹ Bett đã đích thân dẫn bọn cháu đến gian trưng bày đồ điện và chỉ cho chúng cháu xem những chiếc điện thoại, cả những chiếc mang ý nghĩa lịch sử. Giáo sư Gillett đến từ bang Illinois đã dẫn chúng cháu đến gian nghệ thuật trường phái Tự do và gian của Quý bà.
Ở gian nghệ thuật tự do, cháu đã thăm gian trưng bày Tiffany, ở đó cháu đã cầm trong tay một viên kim cương rất đẹp cũng mang tên gọi ấy, mà người ta ước tính trị giá trăm nghìn đô la. Ở đó cháu còn được sờ rất nhiều những đồ vật rất hiếm và có giá trị lớn khác. Cháu đã được ngồi trong chiếc ghế của vua Louis. Gian cho các Quý bà, chúng cháu đã gặp công chúa Maria Schaovosky của nước Nga và một quý bà đẹp khác người Syri. Cả hai người đều gây cảm tình cho cháu. Cháu đã sang khu vực Nhật Bản cùng với giáo sư Morse, một diễn giả rất được nhiều người biết đến. Cháu chưa từng tưởng tượng có một dân tộc tuyệt vời như dân tộc Nhật Bản, trước khi được nhìn thấy gian triển lãm rất hấp dẫn của họ. Những nhạc cụ của họ thật kỳ lạ, những tác phẩm nghệ thuật của họ làm cháu say mê. Những cuốn sách của người Nhật mới thật lạ lùng. Bảng chữ cái của họ gồm những 47 chữ. Giáo sự Morse rất uyên bác, thông thạo về những gì liên quan đến nước Nhật. Ông cũng rất tốt bụng và rất am hiểu. Ông đã mời cháu đến thăm bảo tàng của ông ở
Salem, ngay khi nào đến Boston. Những cánh buồm trên phà trôi chầm chậm và những quang cảnh tuyệt diệu, tất cả những gì mà bè bạn đã tả cho cháu, tất cả đều có trong triển lãm, những điều đó đã khơi dậy niềm phấn khởi khôn tả cho cháu. Một lần, khi chúng cháu đang ở trên nước, mặt trời khuất sau chân trời, bao bọc thành phố trắng bằng một ánh sáng dịu nhẹ và nhuộm hồng nó hơn khi nào hết, thành phố hiện ra trong cảnh sắc tuyệt diệu nhất…
Gửi giáo sư Edward Everett Hale.
Hulton (Pennsylvannie), 14 tháng Giêng năm 1894.
Bác kính mến của cháu,
Đã rất nhiều lần cháu định viết trả lời bức thư dễ thương của bác, nó khiến cháu rất vui và rất muốn cảm ơn về cuốn sách mà bác đã gửi cho cháu; cháu quá nhiều việc phải làm từ khi bắt đầu năm học mới. Mẩu chuyện nhỏ của cháu đăng trên tờ “Bạn đồng hành của tuổi trẻ” đã mang tới cho cháu bao nhiêu là thư. Chỉ riêng tuần vừa rồi, cháu đã nhận được sáu mốt bức. Cháu cần phải trả lời một số thư, nhưng cũng không thể vì thế mà lơi là công việc học hành được, nhất là trong môn số học và môn tiếng Latin. Bởi bác biết rằng một đứa bé gái như cháu muốn hiểu được về Caesar, những cuộc chiến tranh của ông ta và những chiến thắng ông ta dành được, kể bằng ngôn ngữ Latin rất hay này đòi hỏi phải nghiên cứu và suy nghĩ rất nhiều, và việc đó tốn rất nhiều thời gian…
Gửi Carolin Derby.
Trường Wright – Humanson, New York, 15 tháng Ba 1895.
Mình chắc rằng đã tiến bộ nhiều trong việc học đọc môi người nói, mặc dù mình biết nếu gặp những đoạn nói nhanh, mình sẽ còn có nhiều khó khăn hơn. Nhưng mình tin sẽ làm được, chỉ cần mình kiên trì. Giáo sư Humanson đã miệt mài để giúp mình tiến bộ hơn. Ôi, Carrie, mình hạnh phúc biết bao vì có thể nói như tất cả mọi người. Để làm được điều đó, mình đã phải học từ sáng tới tối. Thử nghĩ xem bạn bè mình sẽ vui thế nào khi có thể nghe mình kể chuyện bằng cách thông thường! Mình tự hỏi tại sao người điếc lại học nói khó đến vậy, trong khi việc đó có vẻ rất đơn giản với những người khác. Nhưng bởi vì mình rất kiên nhẫn, mình sẽ nói được, một ngày nào đó, nói được một cách hoàn hảo.
Dù có rất nhiều việc phải làm, mình vẫn thu xếp được thời gian để đọc chút ít… Gần đây mình đọc “Guillaume nói” của Schiller… Mình đang đọc “Nathan thông thái” của Lessing và “Vua Arthur” của Mullock…
Gửi bà Kate Adams Keller.
New York, 31 tháng Ba 1895.
… Cô giáo và con đã có một buổi chiều đáng yêu ở nhà ông Hulton. Ở đó chúng con gặp ông Clemens và ông Howells. Con được nghe nói về những nhà văn này từ lâu nhưng con chưa từng có ý nghĩ là có ngày lại được chuyện trò với họ, thế mà, niềm vui không ngờ ấy lại được dành cho con. Đôi khi con rất ngạc nhiên rằng con, một cô bé mười bốn tuổi lại thấy mình có quen biết với nhiều người lỗi lạc như thế. Và từ đó, con kết luận rằng con thực sự là một đứa trẻ được nhiều ưu đãi và rõ ràng con được hưởng quá nhiều đặc quyền. Hai nhà văn nổi tiếng này tỏ ra rất dễ mến đối với con. Con khó mà nói được mình mến ai hơn. Clemens đã kể những câu chuyện hài hước làm mọi người cười chảy nước mắt. Con ước gì mẹ cũng ở đó. Ông ta nói sẽ đi châu Âu trong một thời gian ngắn để đón vợ và con gái Jeanne; con gái của ông ấu học ở châu Âu khá lâu, ba năm rưỡi, nên có lẽ am hiểu về nơi đó còn hơn cả cha mình. Con thấy cái tên Maark Twain là một bút danh rất phù hợp với cá tính của ông Clemens vì âm sắc lạ tai và độc đáo, rất phù hợp với những câu chuyện dí dỏm của ông…
Ngày mồng một tháng Mười, Helen vào trường nữ sinh Cambridge do ngài Arthur Gilman làm hiệu trưởng. những bài thi đề cập trong lá thư sau chỉ đơn giản là những bài kiểm tra mang tính khảo sát trình độ học sinh.
Gửi bà Laurence Hulton.
37, đại lộ Concorde, Cambridge (Mass.) 8 tháng Mười 1896.
… Sáng nay cháu dậy sớm để có thể viết gửi bác vài dòng. Cháu biết là bác muốn biết tình cảm của cháu về trường mình. Cháu rất muốn rằng bác có thể đến được đây, để chính bác thấy rằng ngôi trường đẹp đẽ ra sao. Ngôi trường này có hơn một trăm nữ sinh thông minh, hoạt bát và bạn đồng hành với họ luôn là niềm vui.
Hẳn bác rất vui, cháu tin chắc thế, khi biết cháu đã vượt qua kỳ thi thành công. Cháu có các bài thi tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp và lịch sử La Mã. Tất cả các bài thi kiểu này đều đã được dùng trong các kỳ thi vào trường Harvard. Cháu rất sung sướng khi nghĩ rằng có thể mình sẽ được nhận vào học trường đại học đó. Năm nay cháu và cô giáo sẽ có rất nhiều việc phải làm. Cháu phải đọc nhiều sách và bởi có quá ít sách trong số những cuốn sách cháu cần đã được chuyển in cho người mù, thế là cô giáo đáng thương của cháu lại phải đọc hộ cháu, đó là công việc rất vất vả…
(Những bức thư này được trích từ tác phẩm “Điếc, câm, mù”, Chuyện đời tôi của Helen Keller)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.