Bà Đại Sứ

17. “Tôi cần tự lo được cuộc sống”



Ngay sau lễ tốt nghiệp, Helen tới chào các thầy cô và bạn bè cùng lớp. Helen đã đặc biệt cám ơn thầy Copeland người tác động quan trọng cho “sự nghiệp văn chương” của mình. Rồi ôm bằng tốt nghiệp trong lòng, Helen chia tay trường đại học, cùng cô Ann đáp chuyến tàu điện về ngôi nhà mới.

Bằng số tiền nhuận bút của các bài báo và cuốn sách, cô Ann và Helen đã tìm mua được một trang viên bị bỏ hoang khá lâu, rất gần Trang Trại Đỏ nhà Chamberlin, ở Wrentham. Những giờ phút nghỉ ngơi vui vẻ trong Trang Trại Đỏ đã khiến hai cô trò rất yêu cảnh vật thiên nhiên miền quê này.

Những người thợ mộc, thợ điện, thợ sơn… từng tốp, từng tốp, được mời tới ngôi nhà cũ và chẳng bao lâu đã biến nó thành một nơi cư ngụ ấm cúng và hiếu khách.

Trong khi Helen và cô Ann dự lễ trao bằng tốt nghiệp, nhân công bốc vác đã chuyển đồ đạc của họ từ nhà ở Cambridge tới nơi ở mới. Chi giúp việc Bridget đã đến trước để sắp xếp mọi việc. Chỉ nghĩ tới việc tổ chức “bữa tiệc tân gia” họ đã thấy vui lắm rồi. Xuống ga Wretham, hai cô trò còn phải đi bộ một quãng đường đất nữa.

Cô Ann đã nhận ra ngôi nhà từ xa; toàn bộ được quét sơn trắng, một thảm cỏ đẹp bao xung quanh, chỗ này chỗ kia là một vài cây to. Thảm cỏ thoai thoải đổ xuống một cái hồ khá rộng đủ để thỏa thích bơi lội, thậm chí có thể đi thuyền nhỏ ngắm cảnh trời nước.

Khi họ tới gần ngôi nhà, một con chó to bỗng từ đâu xổ ra mừng rỡ. Đó là Thora, chú chó Đan Mạch của Helen. Quá phấn khởi, nó suýt làm cô Ann ngã, nhưng với Helen, người ta đã dạy nó không được chồm lên người cô, dù nó rất sung sướng được gặp lại cô chủ sau bao ngày xa cách.

Suốt một thời gian dài, Helen không muốn thay thế Sư Tử tội nghiệp; nhưng tới ngày kia, gia đình Chamberlin đã gần như bắt buộc Helen phải nhận một chú chó con mà cô chó Đan Mạch xinh đẹp nhà họ vừa cho ra đời. Không bao lâu, Helen và cô Ann đã rất gắn bó với con vật kềnh càng, hung hăng và cũng rất tình cảm này.

Họ đã tới ven hồ, Thora vẫn theo sát gót. Ở chỗ neo tàu, đã thấy một chiếc ca nô và một chiếc thuyền gỗ của Helen. Mái chèo được buộc chặt bằng những dải dây da để không bị tuột khỏi giá đỡ.

Helen đã học cách bơi xuồng. Cô ngồi đằng trước cầm chèo, còn một người giữ lái đằng sau để định hướng. Trong chiếc thuyền gỗ, Helen chèo cũng khá khéo léo; thường thì luôn có người chỉnh lái ngồi sau, nhưng có những hôm hồ lặng, cô có thể chèo lấy một mình. Cô nhờ vào hương cỏ, hương hoa súng, hương của loài cây bụi rậm ven bờ, và cập bến hoàn hảo.

– Cầu nhảy đã sẵn sàng chưa cô? – Helen hỏi.

Helen đã học bơi lần đầu tiên bên bờ biển, cùng cô Ann. Sau đó, Helen được tập luyện khá bài bản và khá lên rất nhiều trong những ngày nghỉ ở Trang Trại Đỏ, có Hồ Vua Phillip. Cô còn học lặn và bơi dưới nước.

– Sợi dây thừng của em cũng đã có ở đó rồi! – cô Ann bảo.

Có một sợi dây thừng rất dài buông hờ bên bờ hồ. Một đầu nó được buộc chặt vào thân một cây liễu. Khi Helen đi bơi một mình, cô buộc sợi dây quanh thắt lưng, nó giúp cô tránh khỏi những dòng chảy cuốn ra sông.

Trang trại này bị bỏ hoang đã từ lâu, đến nỗi xung quanh những gốc cây to mọc um tùm những cây ngấy. Ann đã kể với Helen những nhân công tới tu sửa đã vất vả như thế nào để cắt tỉa chúng, và họ còn cẩn thận buộc dây thép từ cây to này sang cây to khác theo đường mòn để Helen không bị lạc lối khi đi dạo.

– Mình tới chỗ để xe đạp đi – Helen nói.

Chiếc xe đạp đang chờ họ trong kho thóc. Nói đúng ra đó là chiếc xe đạp đôi. Cô Ann ngồi trước để định hướng, còn Helen ngồi sau, cùng đạp thong thả. Họ rất thích du ngoạn trên những con đường hẹp vùng nông thôn. Helen nói rằng cô có thể “hít được tất cả cảnh vật” nơi này.

Rời kho thóc, hai cô trò bước vào ngôi nhà đáng yêu của mình, nơi đây họ sẽ cùng trải qua những tháng ngày thật hạnh phúc. Đó là một ngôi nhà vui vẻ và hiếu khách, lúc nào cũng đầy bạn bè tới thăm. Giờ đây, Helen đã nắm chắc trong tay tấm bằng tốt nghiệp danh tiếng, phải đổi bằng biết bao khó khăn, mệt nhọc và cả buồn phiền; cô Ann và Helen xứng đáng được nghỉ ngơi thoải mái, tận hưởng những kỳ nghỉ sống động.

Bà Keller và bác giúp việc ở Tuscumbia (mẹ của Martha Washington, cô bạn thân duy nhất của Helen hồi bé xíu) đã dạy Helen cách làm những món ăn tuyệt hảo miền Nam. Những món ăn đặc sản ấy được Helen nấu từ nguyên liệu chính là thịt gà và ngô, đã khiến những người bạn Boston hay New York rất hâm mộ.

Bà Keller còn hướng dẫn cho Helen yêu thích công việc làm vườn. Cô gái vốn yêu hương hoa và sự mềm mại của những cánh hoa hơn tất cả, có thể bỏ hàng giờ đào đất, nhổ cỏ, vun khóm.

Người khách thường xuyên nhất, cũng là người bạn tốt nhất trong ngôi nhà lớn là John Macy, giảng viên trường Harvard, người đã từng giúp đỡ cô Ann và Helen hồi còn ở trường Radcliffe. John yêu say đắm Ann Sullivan, nhưng hình như cô chẳng cổ vũ cho tình cảm ấy của anh chút nào.

Nhưng, tới một ngày đẹp trời, cuối cùng Ann cũng đã đáp “Vâng” cho lời cầu hôn lần thứ “n” của John. Cô ngỡ ngàng khi thấy John trao đổi gì đó với Helen rồi cả hai cùng cười giòn tan. John giải thích ngay:

– Anh vừa nói với Helen rằng anh hi vọng em sẽ không thay đổi quyết định nữa, nhưng để mọi người không bị bất ngờ quá nhiều lần, chúng mình nên ghi lên thiếp báo hỷ dòng chữ: “Có thể thay đổi kế hoạch vào phút chót!”

Ann cũng cười vì sự trêu chọc của hai người yêu thương cô nhất.

Không phải bàn tới việc Ann có rời bỏ Helen hay không, bởi Ann và chồng cô vẫn tiếp tục sống ở ngôi nhà trắng. John viết sách và báo. Anh động viên Helen nên bắt tay vào công việc gì cô yêu thích. Anh trao đổi chuyện văn chương sách báo với Ann và đỡ đần cô rất nhiều vì mắt vợ anh bây giờ đã yếu lắm.

Helen dự định sẽ kiếm sống bằng ngòi bút. Buồn thay, khi cô không viết về mình nữa, những sáng tác của cô chẳng có chút thành công nào. Cô đặc biệt thất vọng khi tất cả các báo đều từ chối tất cả các bài viết cô đã dành nhiều tâm huyết. Cô đã soạn tài liệu viết bài rất nghiêm túc, bàn về cách chăm sóc đôi mắt cho trẻ em để tránh những căn bệnh bất ngờ có thể biến chúng thành mù lòa.

– Buồn thật, vì độc giả chẳng muốn đọc cái gì em viết ngoài những câu chuyện từ chính cuộc đời em – Một buổi sáng, trong bữa điểm tâm, Helen nói với Ann và John. Nhưng em đã viết hết những gì em có thể viết về chủ đề đó.

John chân thành chia sẻ:

– Tôi sợ rằng đúng như vậy đó Helen ại! – Anh đánh vần vào tay Helen. Và không phải lúc nào cũng thấy vui khi tự nói về mình!

Một lát sau, khi Helen đang ngồi trước máy chữ, cố bới trong đầu “một chủ đề mới”, thì Ann bước vào, mang theo thư báo.

– Có một lá thư của Andrew Carnegie! – Cô dánh vần nhanh cho Helen biết.

Andrew Carnegie là một trong những người giàu nhất Hoa Kỳ, đầu tư trong ngành công nghiệp luyện kim. Ông cũng là một nhà hảo tâm, một Mạnh Thường Quân có tiếng trong tầng lớp trí thức. Ông đã bỏ tiền cho việc thành lập một trong những thư viện lớn nhất nước Mỹ.

Những ngón tay Ann lại thoăn thoắt như múa giữa những bàn tay giữa bàn tay Helen: Ngài Carnegie muốn giúp đỡ Helen, muốn giành cho cô gái tài năng một khoản trợ cấp đều đặn trong suốt cuộc đời.

– Ông ấy thật tốt bụng – Helen nói – nhưng em không muốn có khoản trợ cấp ấy. Em cần phải tự lo cho cuộc sống của mình như mọi người khác.

Ngay ngày hôm đó, cô viết một bức thư cho Andrew Carnegie, rất cảm ơn quà tặng hào hiệp của ông và… lịch sự từ chối.

Cô sẽ tự lo cho cuộc sống của mình thế nào đây khi tất cả các bài viết mới đều không thành công? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tâm trí Helen mãi.

Cô không muốn nói chuyện này với cô Ann hay John Macy. Đó là vấn đề của riêng cô và cô cần tự mình giải quyết. Ann không biết Helen đang nghĩ gì nhưng cô luôn băn khoăn khi thấy Helen ngày càng hay thần người với những suy tư riêng.

– Mình cần một giải pháp nào đó – một hôm, cô Ann nói với chồng. Tất nhiên là vẫn còn khá nhiều tiền trong khoản dành để học đại học của Helen, nhưng cũng không thể còn mãi được.

Hoàn cảnh của John Macy cũng không khá giả, bản thân anh cũng không thu được quá nhiều từ công việc viết báo. Một mình anh khó có thể lo đủ cho cuộc sống của cả ba người, lại thêm số tiền không nhỏ để trang trải cho ngôi nhà.

Một hôm, Helen nhận được thư gửi từ Văn phòng Pond, đây là một cơ sở thường đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề ở nhiều thành phố khác nhau trên nước Mỹ. Văn phòng muốn dành cho Helen một sê-ri các bài phát biểu trong những buổi nói chuyện này và cô sẽ được nhận một số tiền khá lớn.

– Em… là nhân vật chính trong chương trình đó? – Helen ngạc nhiên khi cô Ann đọc thư… – Một chương trình nói chuyện vòng quanh các thành phố? Nhưng thế thì điên khùng quá, em không bao giờ có thể làm được!

– Em chắc chắn thế sao? – cô Ann hỏi – cô lại tưởng hoàn toàn có thể, trái lại, cô còn không chắc em có thấy công việc đó quá buồn chán không – cô Ann nói thêm, láu lỉnh.

Ann hiểu tính tình Helen hơn bất cứ ai khác, cô gái này luôn muốn vượt qua được những gì thật khó khăn, những điều cô tưởng như không đủ khả năng. Ann luôn cổ vũ cho Helen theo con đường dũng cảm, táo bạo ấy. Cô đã rất thành công! Chính nhờ khuynh hướng ấy mà cô trò nhỏ Helen đã khám phá được bao niềm vui sống.

Helen nghĩ ngợi. Nếu cô chấp nhận đề nghị này và nếu cô thực sự lên đường, chắc chắn cô sẽ dấn thân vào một cuộc mạo hiểm căng thẳng hơn tất cả những gì cô đã vượt qua trước đây.

“Làm sao mình có thể nhỉ?” – Helen không ngừng tự hỏi – “Không một ai trong số thính giả hiểu được những âm thanh méo mó của những điều mình nói!”

Helen biết rõ giọng nói của mình luôn đều đều một điệu, khá khó chịu và phát âm vẫn rất tồi; cho dù hàng ngày Helen vẫn chăm chỉ luyện tập với sự trợ giúp kiên trì của cô Ann. Một số người bạn khi thấy Helen vất vả thế còn thành thật khuyên cô nên từ bỏ ý định đó. Giờ đây, nếu Helen đứng nói trước công chúng, có lẽ ngay sau câu nói đầu tiên, sẽ chỉ còn lại mình cô trơ khấc giữa hội trường.

Ngoài ra, dĩ nhiên Helen sẽ đi một mình, không có cô Ann, Helen không nghĩ rằng mình có thể tách cô Ann khỏi John Macy – người chồng, chỗ dựa tinh thần vững chãi của Ann, khiến Ann phải xa ngôi nhà ấm cúng mà cô mới chỉ được nghỉ ngơi một thời gian. Helen không muốn vậy.

Chính Ann là người đã đưa ra quyết định, bởi cô rất hiểu, vì cô mà Helen còn nhiều lưỡng lự. – Đi – cô nói với Helen – Chúng ta cùng lên đường! Khởi hành thôi chứ!

Những buổi nói chuyện lập tức thu được thành công mặc dù ban đầu Helen tưởng chết được vì lo lắng. Đúng là người nghe rất khó hiểu Helen nói gì, cô Ann bắt buộc phải nhắc lại sau khi Helen ngừng lời.

Nhưng họ đều là những người đã nghe nói về Helen từ khi còn bé xíu. Họ muốn được nhìn thấy Helen. Khi bước vào hội trường, họ bị bất ngờ bởi hiện ra trên sân khấu là một cô gái trẻ, cao, mảnh mai, nhã nhặn và thực sự quyến rũ. Chỉ có đôi mắt xanh luôn đăm đăm nhìn vào một điểm vô định tố cáo sự tàn tật của cô.

Cô đi lại và hoạt động khá tự nhiên thoải mái. Cô bước nhẹ nhàng, một bàn tay bám hờ trên cánh tay cô Ann. Những trò chơi của cô bé hiếu động cùng cô giáo từ thời thơ ấu đã cho Helen rất nhiều niềm tin, sự vững chãi trong đời. Cô không e dè khi tiến lên phía trước, không phải lê bàn chân ngần ngại trên sàn, không ru rẩy lần mò,… cô không sợ.

Người nghe không phải luôn hiểu hết những gì Helen nói, nhưng họ đều lặng đi khâm phục khi cô cất lên câu “Tôi không còn câm nữa!”. Câu nói tuyệt diều đã nổi tiếng cùng Helen, câu nói đầu tiên Helen nói với cô Ann rất nhiều năm về trước.

Ở mọi nơi hai cô trò tới, Helen luôn lo lắng cho đôi mắt cô giáo. Cô Ann không phàn nàn gì, nhưng Helen cảm thấy, khi Helen đi cạnh cô, khi cô Ann bỗng bám lấy khuỷu tay Helen, khi những bước chân cô không còn nhanh nhẹn tự tin ngày trước… Bây giờ gần như là Helen dẫn cô

Ann đi. Ann thường ngần ngại mỗi lần qua phố. Hôm tới Buffalo, New York, cô Ann không nhìn thấy một gờ bước lên, cô bị vấp ngã và chấn thương khá nặng ở bả vai.

Sau tai nạn, ngay khi cô Ann có khả năng đi lại được, hai cô trò quay về Wrentham, quay về nhà mình. Nhiều tháng sau đó, họ từ chối hoàn toàn mọi chuyến đi.

Những buổi nói chuyện chuyên đề ấy dù sao cũng cho phép họ chi tiêu rộng rãi hơn tron cuộc sống hàng ngày. Khi cô Ann bình phục hẳn, họ lại lên đường… cho tới cái đêm kinh hoàng ở Bath, bang Maine…

Mấy hôm liền trời trở lạnh, Ann Sullivan hơi khó chịu. Tối ấy, cô thấy mệt đến nỗi, hết buổi, phải gắng hết sức bình sinh để lê về khách sạn.

Helen thức dậy giữa đêm, bỗng nhiên thấy lo lắng. Cô nhỏm dậy, đếm gần giường Ann. Helen cầm tay cô giáo, những ngón tay nóng bỏng, bất động. Trán cô Ann cũng nóng bỏng như thế. Helen không nghe thấy tiếng cô Ann rên rỉ, mê sảng nhưng vẫn biết rất rõ cô Ann đang trong cơn nguy kịch.

Làm sao bây giờ? Helen tìm thấy nút chuông. Cô ấn mạnh. Vô ích, người gác đêm hẳn đang ngủ. Điện thoại ư? Cô không dùng nó được, bởi chẳng ai hiểu được giọng nói ngọng nghịu, khác thường của cô nhất là qua điện thoại. Nếu cô có trực tiếp xuống quầy tiếp tân thì cũng không hơn gì, vả lại nếu có người dưới đó thì họ đã trả lời chuông cấp cứu.

Helen không thể làm gì ngoài việc chờ đợi, chỉ chờ đợi. Cả đêm còn lại, Helen ngồi bên cô Ann. Cho tới lúc thấy bàn tay cô nắm lấy tay mình, Helen tưởng như hàng năm đã trôi qua. Những ngón tay Ann động đậy, cô đang bảo: “Đừng lo, mọi việc sẽ ổn thôi!”

Ann đã gượng dậy được và gọi điện thoại. Cô nhờ chủ khách sạn tìm cho một bác sỹ. Ông ta chẩn đoán đây là ca viêm phổi nặng.

Sau chuyện khủng khiếp này, Helen và Ann không đi đâu xa mà chỉ có hai người nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.