Bà Đại Sứ

6. Tất cả đều có tên



Chiều tối, khi Đại úy Keller từ văn phòng về nhà, vợ và con gái ông đang chờ sẵn ở cửa. Đó là một việc rất bình thường, và như tất cả những lần khác, ông bế bổng Helen lên, âu yếm hôn con gái. Nhưng hôm nay bỗng xảy ra một việc chưa từng có: Helen tụt khỏi tay người cha (mọi khi nó thường nán lại rất lâu để tận hưởng cảm giác được chiều chuộng, vuốt ve).

Cô bé chạy về phía Người Lạ và sốt sắng giật tay cô. Trước khi cô bé tới nơi, Người Lạ đã hiểu điều Helen muốn. Cô cầm lấy bàn tay em, từ tốn in vào đó từng động tác mạch lạc.

Một nụ cười sáng bừng trên khuôn mặt Helen. Em biết, em nhận ra rồi, em đã làm những động tác này cả trăm lần! Em có thể lặp lại nó một cách hoàn hảo. Em chạy ngay về phía bố, những ngón tay như múa.

– Cái gì thế? – Người cha ngạc nhiên – Con bé đang làm gì thế? Giọng run run xúc động, bà Keller thốt lên:

– Nhưng đó là từ bố mà, Arthur, con đang gọi anh bố ơi bằng những ngón tay mà.

Say sưa trong niềm vui, bà Keller và cô Ann Sullivan gần như nói cùng một lúc: họ kể những gì xảy ra hôm nay bên bờ giếng. Họ mê mải với những bước tiến của cô bé, trong suốt buổi chiều Helen đã không ngừng gọi tên được tất cả các vật mà cô bé sờ thấy, tất cả những người mà cô bé biết. Chao ôi, Helen hoàn toàn có thể nói bằng đôi tay xinh xắn của mình.

Đại úy Keller xiết chặt tay cô Ann, xúc động nói: “Xin cảm ơn cô vì …” – Nhưng ông không thể nói thêm được gì nữa.

Ngay buổi tối, ông chuyên chú vào học bảng chữ cái bằng tay và lần này chẳng vương vấn mảy may câu hỏi: “Để làm gì?”. Ông muốn giành lại thời gian đã để mất, ông muốn tự mình sẽ nói được với con gái.

Đây quả là khám phá khiến Helen ngây ngất nhất: tất cả đều có tên! Em muốn biết tất cả các tên ấy cùng một lúc. Đến cuối ngày hôm đó, đầu ong ong như có lửa, người mệt bã, nhưng sung sướng như muốn nổ tung, Helen đã biết được 30 từ. Với sự kiên nhẫn không mệt mỏi, Ann Sullivan đánh vần mỗi từ một lần, hai lần, mười lần,… và với lòng ham mê lạ thường, Helen lặp lại những từ ấy một lần, hai lần, mười lần,…

Khi lên phòng ngủ, Helen sờ thấy con búp bê bị vỡ hồi sáng. Cái ngày búp bê mới bị vỡ, cái ngày đã bắt đầu tồi tệ, lại là một ngày vĩ đại! Đó là lần đầu tiên trong đời cô bé biết được tình cảm ăn năn hối hận, dù rất mơ hồ, nhưng cũng lần đầu tiên em cảm nhận được niềm vui to lớn đến thế. Lúc Ann Sullivan nghiêng mình xuống ôm hôn và chúc em ngủ ngon, Helen đã vòng tay qua cổ và ôm cô thật chặt. Em hôn cô, điều em chưa từng làm bao giờ và em cũng nán lại trong vòng tay cô thật lâu. Lần này, một hiệp ước đã được ký kết: mãi mãi là những người bạn.

Trong khi Helen hạnh phúc khôn tả, xoay đi xoay lại trên giường, quá phấn chấn không tài nào ngủ được, thì Ann Sullivan cũng đang băn khoăn với ngàn câu hỏi: “Bây giờ mình phải làm gì? Viết tên tất cả mọi thứ cho cô bé ư? Nhưng sau đó là gì? Bản thân mình cũng không được học hành đầy đủ… mình đâu biết gì nhiều… mình chẳng biết gì cả… làm thế nào để đạt tới trình độ cao hơn đây…? Helen quả là có một trí thông mình phi thường. Nhất định sự thông mình ấy phải được sử dụng. Cuộc sống trong ngục tối của cô bé, cuộc sống đã khiến người người thương hại, hoàn toàn có thể trở thành một cuộc sống phong phú, đầy ý nghĩa…”

Ann Sullivan nhớ về thời thơ ấu của cô. Tuổi thơ ấy nào có nhiều hứa hẹn như cuộc sống của Helen bây giờ. Xét về một mặt nào đó, cuộc sống ấy còn rất nhiều tàn nhẫn nữa.

Helen có người cha và người mẹ yêu em, những người sẵn sàng hi sinh tất cả vì em. Họ đã đưa em tới tất cả những bác sỹ mà mọi người mách bảo, không một chút mệt mỏi và chán nản. Họ đã đúng, bởi dù phải trải qua bao nhiêu thất bại, bao nhiêu lần tuyệt vọng, cuối cùng họ đã gặp được Ann Sullivan.

Còn Ann, mồ côi mẹ từ năm lên 8. Hai năm sau, bố cô cũng từ bỏ cô và cả cậu em trai Jimmie ốm yếu. Từ khi ra đời, Jimmie bị sai khớp đùi và do không được chăm sóc cẩn thận, cậu đã trở thành tàn tật. Ann thì thị lực rất kém, mọi người đều nghĩ rằng cô bé sẽ sớm bị mù hoàn toàn. Vì vậy mọi người cho chị em cô vào một trại tế bần ở Tewsbury, bang Massachusetts.

Trại tế bần này không dành riêng cho trẻ con. Còn có rất nhiều người tá túc khác: đó là những người già khốn khổ – những người không còn sức lực làm việc và không còn nguồn gì để sống. Phần lớn họ đều bệnh tật hoặc lẫn cẫn.

Jimmie đã chết trong trại tế bần. Ann ở lại đó 4 năm. Và bởi cuối cùng, Ann gần như mù hẳn, một nữ ý tá mới nảy ra sáng kiến gửi Ann cho một trường dành riêng cho trẻ khiếm thị ở Boston, hoạt động dưới sự điều hành của giáo sư Anagnos.

Cho đến lúc đó, Ann đã hoàn toàn bị bỏ mặc với riêng mình. Cô không biết đọc, cũng không biết viết. Mười bốn tuổi, nhưng cô bị xếp học với trẻ con 6 tuổi; chúng chế giễu, trêu chọc cô, chúng bảo rằng hẳn cô là một đứa cực ngu ngốc vì đến bây giờ mà vẫn chẳng biết cái gì với cái gì.

Còn lâu Ann mới là đứa trẻ ngu ngốc. Ann thậm chí còn thông minh hơn bình thường là đằng khác. Mười lăm tuổi, một bác sĩ nhãn khoa đã tiến hành phẫu thuật thành công, trả lại ánh sáng cho đôi mắt cô. Từ nay, Ann đã có thể học đọc, học viết như tất cả những đứa trẻ khác. Bác sĩ chỉ khuyên cô một điều quan trọng là không được làm mắt quá mệt. Và với năng lực tuyệt vời, Ann giành lại thời gian bị mất, trở thành một học trò giỏi.

Khi Đại úy Keller viết thư cho giáo sư Anagnos để xin ông lời khuyên, giáo sư đã nghĩ ngay đến Ann. Cô gái này cũng đã từng bị mù, cô sẽ hiểu rõ hơn bất cứ ai những vấn đề đặt ra cho đứa trẻ. Như những người mù, cô biết đọc chữ nổi; cô lại biết sử dụng bảng chữ tay. Điểm cuối cùng, điểm quan trọng nhất: cô rất yêu trẻ. Ann đã từng bị cha bỏ rơi, đã từng chịu nỗi đau mất mẹ, và sau đó là mất người em trai, cô không còn gia đình. Cô chăm sóc những đứa trẻ ở Viện Perkins với một lòng kiên nhẫn mẫu mực. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Anagnos biết kiên nhẫn là đức tính đầu tiên cần có của một nhà sư phạm tốt. Ann không hề buồn chán khi cứ phải lặp đi lặp lại nhiều lần một lời giải thích; và bởi cô rất nhân hậu, vui vẻ, lạc quan nên bọn trẻ thường đạt được rất nhiều tiến bộ khi học cùng cô.

Được giáo sự Anagnos đề nghị đến gia đình Keller, Ann đã đồng ý ngay. Cô chỉ lo trình độ mình không đủ để đảm đương nhiệm vụ ấy. Từ tháng tám năm 1886 đến tháng hai năm 1887, trước khi đến Tuscumbia, cô giành tất cả thời gian để chuẩn bị cho “chiến dịch” của mình. Cô vùi đầu vào giáo trình của Howe, vị bác sĩ đã làm cho Laura Brigman nói được. Giáo sư Howe là giám đốc Viện Perkins từ năm 1837, hồi đó chính ông đã đón Laura Brigman vào trường. Một vài năm sau đó, giáo sư Anagnos kế nhiệm ông, vẫn tiếp tục duy trì thực nghiệm từ các phương pháp của bác sỹ Howe.

Ann Sullivan nằm trên giường, mắt chong chong nhìn lên trần, không thể ngủ được; cô quá hạnh phúc, quá phấn chấn vì những thành công đầu tiên cô cùng Helen vừa đạt được. Helen sẽ không có một tuổi thơ đáng thương, bất hạnh như mọi người từng nghĩ, tuổi thơ em sẽ không u ám, cô độc như Ann đã phải chịu.

– Tôi xin các vị đấy, đừng bao giờ cho phép ai gọi Helen là “con bé tội nghiệp” nữa! – Ngay ngày hôm sau, Ann đề nghị ông bà Keller – Em là một đứa trẻ khỏe mạnh, được chăm sóc đầy đủ, với một trí thông minh kì lạ. So với phần lớn những đứa trẻ nhìn được và nghe được, cô bé còn thông mình hơn gấp nhiều lần. Nhất là không được để cô bé quen với lòng thương hại để rồi đến một lúc nào đó cô bé tự thương khóc cho thân phận mình. Không được làm nhụt chí cô bé, đừng bao bọc nó giữa những điều cấm đoán: “Con bé không được làm cái này, không được làm cái kia…, không thể được,… than ôi, con tôi đâu có khả năng,…” vân vân và vân vân. Tôi cam đoan rằng Helen sẽ cho chúng ta rất nhiều bất ngờ đấy!

Ann Sullivan muốn nhất thiết phải làm cho Helen có thể chơi, chạy, nhảy như mọi đứa trẻ khác ở tuổi em. Có một khoảng trống rộng rãi, dọn dẹp cẩn thận để cô bé không bị đụng ngã, rồi cô tập cho Helen chạy tưởng đứt hơi, như những cô bé nghịch ngợm nhất.

– Bà đừng lo – cô trấn an người mẹ – ngay cả nếu Helen có bị vài vết bầm tím thì cũng đâu có gì quan trọng. Điều quan trọng là Helen học được cách tự tin vào mình, không sợ sệt và không còn phải dò dẫm để đi trong cuộc đời với lòng hồ nghi và kinh hãi. Cô bé có thể đi thẳng, rất vững vàng. Với khả năng cảm nhận bằng xúc giác đặc biệt phát triển, em sẽ tập được cách cảm nhận các chướng ngại vật khi còn cách xa chúng và sẽ định hướng một cách dễ dàng.

Cô Ann nhận thấy Helen không cười thành tiếng bao giờ. Cô nói điều này với bà Keller. Từ khi đem được thành công tưởng chừng không thể hy vọng đến cho Helen, Ann như có thêm sự bảo đảm, và cô không ngần ngại đặt ra nhiều câu hỏi, dù đôi khi khiến ông bà Keller đau lòng, song lại giúp cô hiểu rõ về đứa trẻ hơn.

– Helen chưa bao giờ cười từ khi nó bị bệnh – bà Keller buồn bã nói – tôi chắc con bé cũng chẳng biết làm sao người ta cười được thế…

Một buổi chiều, Ann và Helen chạy chơi trong vườn. Hai cô chơi trò “mèo đuổi chuột”. Ann bắt được Helen, cô bé ngọ nguậy trong vòng tay Ann, cố thoát ra; còn Ann vẫn ôm lấy em, cù vào hông, vào nách cô bé, cố làm cho cô bé buồn.

Ông bà Keller đang ngồi hóng mát trên bậc tam cấp từ nhà xuống vườn, hình như họ nghe thấy âm thanh gì đó, gương mặt họ rạng ngời, một âm thanh thật tuyệt vời đối với họ.

– Helen đấy! – bà Keller reo lên – Con bé cười, nó cười rồi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.