Bà Đại Sứ

18. Cuộc cứu nạn



Helen đang sắp chìm vào giấc ngủ thì bỗng nhận thấy một mùi lạ, có vẻ giống hơi tỏa ra từ lò sưởi.

“Lạ thật đấy, đang đêm thế này sao lại nóng lên nhỉ?” – Helen thầm nghĩ.

Giờ đã khuya lắm rồi. Mọi người đã ngủ từ lâu, chỉ mình Helen còn thức. từ vài tuần nay Helen luôn khó ngủ, cứ trằn trọc mãi.

Có lẽ là do vắng cô Ann. Mùa đông này cô Ann đi nghỉ cùng chồng ở Porto Rico, để an dưỡng sau đượt viêm phổi nặng. Khí hậu ấm áp tràn ngập ánh sáng mặt trời hẳn rất tốt cho sức khỏe của cô. Chuyến đi sẽ kéo dài bốn tháng. Trong thời gian ấy, Helen trở lại Tuscumbia , sống giữa ngôi nhà thuở thơ ấu, đây cũng là dịp để được mẹ và em gái Mildred tha hồ chiều chuộng, chăm sóc. Em gái Mildred của Helen bây giờ đã lấy chồng rồi.

Kể từ mồng ba tháng Ba năm 1887, cái ngày Tuscumbia biết đến Ann Sullivan – cô gái can đảm giàu lòng nhân hậu, đây là lần đầu tiên Helen và cô Ann xa nhau lâu thế. Helen nhớ lại tất cả những chi tiết của buổi ra mắt ngày hôm ấy: vòng tay xa lạ đã ôm lấy Helen, cái túi du lịch to đùng trên sàn… con búp bê và không biết bao cơn giận dữ vô cớ… Helen mỉm cười hồi tưởng lại những điều đó… Và lúc này đây, Helen càng cảm thấy thật cô đơn. Dù đã hai mươi năm Helen bước ra khỏi nhà tù u tối đáng sợ của riêng mình, dù Helen đã biết thêm trăm ngàn điều, gặp gỡ bao nhiêu người… cô Ann vẫn luôn là gạch nối của Helen với thế giới bên ngoài, và còn hơn thế rất nhiều. Vẩn vơ suy nghĩ, Helen lại thấy lo lắng cho cô Ann. Liệu cô có thực sự sẽ khỏe hơn không? Đôi mắt cô đang trong tình trạng thế nào? Có tốt hơn không? May mắn là cô Ann đã gửi cho Helen một bức thư dài bằng chữ Braille, cô kể lại tất cả những gì cô thấy, những điều vui vẻ, mới mẻ và rất khác lạ của miền đất nước mà trước đây cô chưa từng biết đến. Bức thư khiến Helen an tâm hơn…

Miên man trong những mơ mộng, Helen đã quên bẵng cái mùi là lạ khi nãy; song nó bắt Helen phải nhớ đến, lần này có phần rõ nét hơn, có chút gì giống mùi cây cỏ khô cháy. Nhưng ai đốt lá vào cái giờ khác thường này.

“Có lẽ bác làm vườn chiều nay đã dọn lá cây trong vườn, bác ây tưởng dập hết lửa rồi nhưng vẫn còn chút tàn âm ỉ bùng lên trong đêm. Thôi lần này thì quyết định ngủ nhé, không nghĩ ngợi lung tung nữa” – Helen vùi đầu vào gối. Bất ngờ, Helen vùng dậy, đạp chăn ra.

Không, Helen không tưởng tượng, cái mùi ấy xộc thẳng vào mũi thật đáng sợ. Có vẻ như mùi nhựa đường, lại mơ hồ mùi gỗ cháy… Nó như đặc quánh lại lừ lừ tiến lại gần.

“Phải đánh thức mẹ!” – Helen nhảy khỏi giường. Bần thần trong giây lát để xác định phương hướng, rồi Helen nhận ngay ra lối đi quen thuộc dẫn đến phòng mẹ.

Vừa tới nơi, Helen lao về phía đầu giường, lay gọi cuống quýt:

– Mẹ, mẹ, dậy đi, nhanh lên! Cháy!

May mà khi rời khỏi phòng Helen đã nghĩ nên đóng của lại, nếu không gió lùa sẽ giúp lửa lan nhanh khắp ngôi nhà. Lúc bà Keller mở của buồng Helen, cả căn phòng đã ngập chìm trong lửa, lửa đã liếm tới toàn bộ mé nhà bên ấy.

Đại úy Keller, Mildred và chồng cô bị đánh thức bởi tiếng kêu thất thanh của bà Keller, họ gọi ngay cho trạm cứu hỏa, rồi tất cả bổ nhào ra ngoài. Vừa kịp, vì lửa đã bén chân cầu thang. Đội cứu hỏa đã dập tắt được đám cháy, song thiệt lại cũng không ít.

– Nếu chúng tôi chỉ đến muộn năm phút nữa thôi thì cả ngôi nhà đã thành tro rồi! – người đội trưởng nói.

Người ta không tìm được chính xác nguyên nhân gây cháy. Có lẽ bụi than bắn ra từ lò sưởi đã bén vào mớ giẻ mà chị giúp việc quên chưa vứt đi sau khi lau bộ chân đèn bạc.

– Con yêu, con yêu của mẹ, con đã cứu sống tất cả mọi người – bà Keller cứu ôm chặt Helen vào lòng, nhắc đi nhắc lại câu nói ấy, nước mắt nhòe nhoẹt.

Bà run lên khi hình dung cảnh lửa bén vào phòng đứa con đáng thương may mắn thoát nạn chỉ nhờ vào khứu giác đặc biệt phát triển hơn. Nếu có ai đó ở bên nó, nếu nó có một đôi mắt sáng, nó sẽ sớm biết được đám cháy, sớm tránh khỏi nguy hiểm gần kề bên. Cái phút nó nghĩ tới việc báo mọi người có lẽ cũng là phút cuối cùng nó còn có thể rời khỏi đó. Con bé đơn độc quá!

Helen đã viết thư cho cô Ann kể lại biến cố ấy; cuối thư, Helen nói:

“… Từ hôm ấy, em có cảm giác như mình không thể ngủ yên nếu trước tiên không dán mặt xuống sàn tìm kiếm mọi ngóc ngách xem có mùi gì khác lạ hay một tàm lửa ẩn nấp đâu đó không…”

Sau đám cháy, bà Keller và Mildred càng chăm sóc, chiều chuộng Helen gấp đôi. Hai người lo lắng cho Helen từ những việc nhỏ nhặt nhất. Dù vẫn có đôi phút miên man với những ưu tư của riêng mình, nhưng Helen cũng thực sự hạnh phúc ở Tuscumbia. Helen vào bếp cùng mẹ nấu nướng. Bà Keller chỉ dạy cho cô con gái lớn những mẹo vặt, các bí quyết của những “ông vua bếp”. Không hiểu Helen có cảm nhận được hết ánh mắt trìu mến, chứa chan thương yêu mẹ dành cho cô không?

Ông bà Keller vô cùng tự hào về thành tích của Helen ở trường đại học. Helen càng khôn lớn, họ càng không phải hạn chế những lời ngợi khen, thậm chí có thể nói là ngưỡng mộ đối với Helen.

– Mẹ rất tự hào và thán phục con không kém – bà Keller nói – khi con nấu ăn khéo léo và chăm sóc cây cỏ thành thạo như một người làm vườn có nghề.

Tháng Tư, cô Ann trở về từ Porto Rico. Cô đã khỏe khoắn lên nhiều, dáng dấp lại trang nhã, xinh đẹp như tuổi hai mươi. Thật may mắn, bởi có một việc chẳng vui vẻ gì đang chờ cô và Helen.

Cô Ann chỉ lưu lại gia đình Helen ít ngày rồi cả hai đáp tàu đi Wrentham, không phải để lo thu xếp cho những ngày sống ở đó mà, than ôi, để bán ngôi nhà trắng đẹp đẽ, ngôi nhà mà họ biết bao yêu quý. Họ đã phải nghĩ ngợi và rất đau lòng vì việc này, nhưng cuối cùng cũng phải quyết định. Họ không thể tiếp tục giữ nó lại nữa, nó quá lớn đối với họ và đòi hỏi quá nhiều chi phí duy tu.

Nó chẳng hay đông vui như ngày xưa nữa mà thường xuyên trống trải. John Macy không còn dạy ở trường Harvard, anh chuyển sang làm việc ở một tòa báo và khá thành công trong nghề nghiệp mới. Nhưng anh luôn luôn phải đi công tác xa nhà nhiều ngày liền. Còn Helen và Ann cũng thường xuyên bận bịu với những chương trình nói chuyện dài ngày.

Họ đã tìm được một ngôi nhà khác ở Forest Hill, ngoại vi New York. Vẻ đẹp của nó tuy không thể so sánh với ngôi nhà ở Wrentham, nhưng nó lại hoàn toàn phù hợp với điều kiện của hai người. Ann và Helen đã thu xếp mọi việc một cách vui vẻ và thoải mái, chẳng nên buộc mình vào những nuối tiếc vô ích làm gì!

Họ không bị mất đi sự lạc quan yêu đời, bởi đó là bản chất của họ và còn bởi giờ đây bên cạnh họ có thêm một người bạn mới luôn cổ vũ cho sự nồng nhiệt ấy. Cô là Polly Thomson.

Sau cái đêm Ann đột ngột ngã bệnh ở Bath, cả hai cô trò phải thừa nhận rằng họ không thể tiếp tục những chuyến đi nói chuyện tới các thành phố mà không có một người thứ ba đi kèm. Và một người bạn đã nhắc tới Polly Thomson.

Polly đến từ Ecosse, định chỉ chơi ít ngày ở nhà anh chị em họ tại Boston. Và “ít ngày” xa nhà ấy đã kéo dài hơn bốn mươi năm.

Polly còn rất trẻ và vừa học xong lớp thư ký. Mới gặp nhau ở nhà một người bạn chung, Helen, Ann và Polly đã tỏ ra rất hợp ý nhau rồi. Ann và Helen mời Polly đến nhà chơi vài ngày, hồi đó họ vẫn còn đang sống trong ngôi nhà trắng. Và từ đấy, Polly chẳng còn nghĩ tới việc ra đi nữa. Còn Helen và Ann thì thấy Polly thật gần gũi thân thiết, hơn cả những người bạn quen biết đã lâu. Chính Polly cũng đã đi cùng Ann tới Porto Rico, bởi công việc của John không cho phép anh nghỉ ngơi tới bốn tháng liền. Vậy là Polly trở thành một cô em , một nữ y tá luôn ở bên Ann. Hết mùa đông, cũng chỉ có Polly “hộ tống” cô Ann về, vì John đang bận làm phóng sự nơi xa.

Điểm hay nhất ở Polly là cô làm tất cả mọi việc, dù nặng nề, khó khăn, một cách rất tự nhiên, thoải mái với một chút ngông nghênh phớt đời rất đáng yêu. Điều này, Ann và Helen càng nhận thấy rõ trong các chuyến đi có Polly tham gia và nhất là sau này khi họ cùng đến sống ở Forest Hill.

Đã từ lâu cho dù có đeo kính, cô Ann vẫn rất khó khăn mỗi lần đọc các chỉ dẫn đường sắt. Người ta thường in cỡ chữ nhỏ, nên ngay cả đã gí sát mắt vào tờ hướng dẫn Ann vẫn không dám chắc mình có bị lầm chữ, lẫn số không, vả lại không thể cứ cản tầm nhìn của hành khách khác mãi được. Cô lấy làm phiền lòng lắm, nhưng thường xuyên vẫn phải mỉm cười trước yêu cầu sự phụ giúp của ai đó:

– Thật xấu hổ quá, khi cứ luôn làm phiền các vị, mà mọi người còn bận bịu bao nhiêu… nhưng…

Bây giờ, Polly đã có ở đây, Ann không còn phải lo lắng bởi hàng ngàn chi tiết vụn vặt, nhưng ngày càng trở nên khó khăn cồng kềnh, trong cuộc sống hàng ngày của cô. Polly say sưa với công việc, không hề mệt mỏi buồn chán. Cô ghi lại lịch trình các chuyến đi, sắp xếp giờ tàu xe, lên danh sách những người cần gặp trong mỗi thành phố…

Ngoài những việc đó ra, Polly đã phải bỏ nhiều tâm trí đích thân “chỉnh đốn” lại vấn đề chi tiêu của hai người bạn mà cô rất mến. Ann gần đây hay đau yếu, và về cơ bản cô cũng không hào hứng với công việc quản lý tài chính, hơn nữa lại thêm đôi mắt ngày càng kém nên chuyện chi tiêu khiến cô hao tổn không ít sức lực. Ấy là chưa kể khi tới nhà băng, gặp người nào không được trung thực lắm thì họ cũng chẳng thèm nhắc nhở nếu cô có lẫn lộn các tờ tiền to nhỏ mà có lợi cho họ. Helen thì dĩ nhiên chẳng thể giúp gì cô trong việc này.

Ann và Helen không có khả năng “điều hành ngân sách” còn bởi họ là những người rất hào hiệp. Ai cũng biết, ngay khi hay tin một đứa trẻ, hoặc một người tàn tật, một tổ chức từ thiện cần giúp đỡ là họ vội vàng ủng hộ ngay. Chẳng khi nào những lời kêu gọi lòng tốt bị họ từ chối, cho dù họ có phải ăn khoai tây, uống nước trắng trong nhiều ngày để đợi thù lao của những buổi nói chuyện sau…

Giả sử John Macy vẫn còn ở đây, anh sẽ lo lắng cho họ, sẽ là người chỉ đường cho họ, cổ vũ, giúp đỡ họ, như trước nay anh vẫn luôn làm như vây. Nhưng, John Macy đã chết, rất xa những người thân yêu, trong một chuyến đi làm phóng sự ở nước ngoài. Sau cái chết của chồng, cô Ann đã già đi rất nhiều.

May mắn làm sao giờ lại có Polly! Cô giải thích với Ann và Helen rằng cô không ngăn họ làm từ thiện, việc đó rất tốt, nhưng dù thế nào cũng không được để mình chết đói. Cô tự đảm nhận nhiệm vụ sẽ tính toán và dành riêng một khoản cần thiết cho việc ăn uống và chi phí cho các sinh hoạt thiết yếu khác, trích thêm một chút cất đi dùng khi phải sửa chữa nhà cửa hoặc phòng lúc đau ốm.

Đúng ra công việc chính của Polly là thư ký. Cô học rất nhanh, thành thạo bảng chữ cái bằng tay để thay thế cho cô Ann đọc sách cho Helen. Giờ, dù cô Ann có muốn cũng không thể làm được; mặt khác, Helen cũng cấm ngặt, Helen nghiêm khắc lấy lại sách khi thấy cô Ann đọc, mặc cho cô có viện lý do nào khác. Polly soạn chu đáo hàng đống thư từ gửi tới cho Helen, phân loại, sắp xếp chúng; và mỗi ngày lại cặm cụi ghi chép chi tiêu như một vị bộ trưởng tài chính thực thụ.

Khi “bà bộ trưởng tài chính” thấy không còn nhiều tiền để tiếp tục mướn người giúp việc, Polly đeo tạp dề và vui vẻ bắt tay vào rửa bát, giặt giũ.

Polly kiên quyết nói sẽ chỉ nhận lương khi các khoản nợ đã thanh toán xong xuôi và tất cả những người cần trợ giúp đã được hài lòng. Điều đó cũng có nghĩa là không bao giờ. Nhưng Polly yêu Ann và Helen như những người chị gái. Cô ngưỡng mộ sự can đảm của họ, sự yêu đời cảu họ và trí tuệ thông minh của họ; chính những điều đó đã đem đến cho họ một cuộc sống tuyệt diệu, ở nơi ấy, những khó khăn về vật chất chỉ còn là thứ yếu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.