Bà Đại Sứ

8. Helen viết thư



Ba tháng sau ngày Helen biết cách liên hệ các từ với các vật; ba tháng sau cái giây phút tuyệt vời của “nước và chén”, đến lúc phải dấn thêm một bước tiến mới.

Một buổi sáng, Helen ngồi bên cô Ann. Cô bé có vẻ buồn chán, em muốn đi dạo, nhưng cô Ann không đồng ý, trời quá nắng. Cô đặt vào tay em một trong mấy tập truyện chữ nổi của em, những cuốn sách phải đặt mua tận Boston. Quyển này em đã đọc cả tram lần rồi. Những ngón tay em chạm rất nhanh trên trang sách, câu chuyện chẳng còn hấp dẫn em nữa, em đã thuộc lòng nó rồi. Em đặt sách xuống, không biết chính xác phải làm gì nữa, em đến bên cô Ann, lấy cùi tay thúc thúc, rõ ràng em đang muốn nói: “Đi chơi với em đi!”.

Ann đang ngồi ở bàn, bận viết một bức thư. Thị lực của cô không tốt, nên khi viết cô phải cố gắng rất tập trung. Helen chẳng hoan nghênh công việc ấy chút nào, em cứ loay hoay xung quanh, huých vào cô như một con cún nhỏ chưa biết vâng lời.

Phải đến khi Helen suýt hất đổ lọ mực, cô Ann mới đặt bút và kêu lên:

– Ôi con bé đáo để này! Cô biết làm gì với em bây giờ?

Cô cầm tay Helen, và rất từ tốn, lặp lại câu cô đã viết cho em hơn chục lần từ sáng đến giờ:

“Tự chơi ngoan đi, cô đang viết thư”.

Helen biết thứ mà người ta gọi là “bức thu”. Một “bức thư”, với Helen là một chiếc phong bì người ta thường bỏ vào thùng bưu điện trên đường đi dạo, đôi lần Helen được cô Ann bế lên để thả thư.

Nhưng Helen không hiểu viết là thế nào. Cũng chẳng quan trọng gì: nếu cô Ann viết thì em cũng viết. Helen lại kéo tay áo cô Ann và đánh vần rất nhanh:

– Helen … thư … Helen … thư.

Ann quá bất ngờ vì sự phát triển nhanh chóng của tư duy đứa trẻ, vì lòng ham mê khám phá không ngừng của Helen; cô đã để em phải chờ lâu quá. Cô đứng dậy, đi về phía tủ, rút từ ngăn trên cao chiếc hộp mà cô không nghĩ có thể dùng sớm đến thế.

Cô lấy từ trong hộp ra một mảnh bìa cứng dày, có kích cỡ như một tờ giấy viết thư. Helen đã đặt tay ngay lên cánh tay cô Ann để theo dõi tất cả các cử chỉ của cô.

Tấm bìa được kẻ dòng như trang vở học sinh, có khác là các dòng kẻ này không được in mà được dập lõm xuống mặt bìa, tạo thành những đường rãnh nhỏ có thể dễ dàng nhận thấy bằng tay. Nó giống như một cái giá đựng bút đặc biệt vậy.

Cô Ann đưa cho Helen và hướng dẫn những ngón tay cô bé lần theo những rãnh bìa. Sau đó, cô đặt lên tấm bìa cứng một tờ giấy, miết thật mạnh lên các rãnh để chúng hằn rõ trên mặt giấy, rồi cô lại cho Helen lần theo đó, giúp em có khái niệm về dòng kẻ viết.

Cô lại đưa cho em một chiếc bút chì và vừa cầm tay em, cô vừa cho em vẽ giữa các dòng kẽ.

Helen cũng đang viết đấy, dù em chưa biết điều đó: Mèo uống sữa.

Ann giúp em bắt đầu lại, cứ như vậy rất nhiều lần, vẫn một “hình vẽ” ấy. Sau vài lần, Helen đẩy tay cô giáo ra, ý muốn nói:

– Để em làm, em hiểu rồi!

Cô Ann vuốt nhẹ lên bàn tay bé nhỏ cần mẫn rồi quay lại với bức thư của mình. Khi viết xong, nhìn ra, cô không thấy Helen đâu nữa. Hẳn con bé lại ra vườn chơi, mặc cho trời nắng gắt, mặc kệ cho những lời dặn dò của cô giáo. Ann đứng dây, định đi tìm cô bé; vừa lúc bà Keller bước vào, trên tay cầm một tờ giấy gấp tư.

– Helen vừa đưa cho tôi cái này – bà nói – con bé cứ cố giải thích cho tôi điều gì đó, như một bức thư thì phải… Nó có vẻ phấn khởi lắm!

Khắp mặt giấy, Helen viết các từ mèo, uống, sữa. Nét viết rõ ràng chưa khéo léo, thẳng thớm. Những chữ cái ngả nghiêng xiên xẹo, nhưng dù sao vẫn có thể đọc được và đặc biệt thấy rõ người viết rất chú tâm viết chữ giữa các dòng.

– Hay quá – cô Ann reo lên – như vậy là Helen đã tiến bộ nhanh hơn chương trình tôi đã dự định. Chúng ta phải theo cô bé thôi… Không phải chúng ta cảm thấy thời điểm dạy cô bé điều gì mới đã đến hay chưa, mà chính cô bé sẽ quyết định việc đó!

Ann lấy trong chiếc hộp ra rất nhiều mảnh bìa nhỏ, chính không in những dòng kẻ mà in những chữ cái to, in nổi. Chúng giống như những chữ in thông thường, chỉ có điều được cấu tạo hoàn toàn từ những nét thẳng. Tất cả các chữ cái đều vuông vức, kể cả chữ “O” và chữ “G”

– Đây là bảng chữ cái in nổi – Ann giải thích cho bà Keller. Chúng tôi dùng những chữ cái này để dạy các em mù biết viết như mọi người bình thường khác. Người ta đã cố gắng đơn giản công việc của người mù bằng cách tạo hình các chữ ở dạng vuông vắn. Khi không nhìn thấy những gì mình làm thì vạch các đường thẳng sẽ dễ dàng hơn phải tạo những đường cong.

Cho đến bây giờ, để nói bằng bảng chữ cái tay, để đọc các quyển sách nhỏ in nổi, Helen không học từ theo cách phân tách từng âm tiết và càng không phải theo từng chữ cái riêng rẽ. Bởi em học chúng tổng thể những gì sờ được dưới các đầu ngón tay.

Mỗi một cụm các bướu lồi trên một mảnh bìa hay trong các sách thể hiện một điều khác nhau; mỗi một nhóm động tác trong lòng bàn tay cũng vậy. Mỗi từ mang một dáng dấp riêng của nó.

Helen đã được học rằng một chuỗi các từ thì tạo thành một câu. Bây giờ cần dạy cho cô bé biết mỗi từ được tách thành nhiều chữ cái và dùng những chữ cái riêng rẽ đó, người ta có thể tạo thành rất nhiều từ khác nhau.

Ann bắt đầu bằng từ “bébé” (em bé), một từ dơn giản, được kết từ hai âm tiết giống nhau. Cô xếp 4 chữ cái vuông thành một hàng ngang và để Helen nghiên cứu, nhìn chúng bằng các đầu ngón tay.

– Đó là từ “em bé”, – cô Ann nói với Helen.

Rồi cô đặt tay trái Helen lên từng chữ cái còn tay phải cô cho em cầm một chiếc bút chì và tập cho em viết “em bé” theo những hình chữ vuông, trên tờ giấy đã được gắn chặt trên mảnh bìa cứng.

Helen hiểu rất nhanh. Em thiết lập dễ dàng mối quan hệ giữa những từ em sờ được với những từ em đang vẽ, cũng như với những từ em đọc thấy trong các cuốn truyện nhỏ. Các chữ vuông này kể ra không khác chữ trong sách là mấy.

Những trò chơi mới bao giờ cũng hấp dẫn hơn tất cả các trò chơi em biết trước đây. Em dành cho nó hầu hết thời gian mình có, rất nhiều thời gian. Em xiết chặt cây bút chì đến nỗi ngón tay thành chai. Ann buộc cô bé đứng lên đi dạo. Helen, cô bé vốn thích chơi trong vườn, bây giờ chỉ nghĩ đến cái giá viết của mình.

Em đã phân biệt được tất cả các chữ cái, nhờ vậy em có thể đọc và viết được các loại từ mới dễ dàng hơn. Em học cách dùng chúng trong câu. Rồi em vừa phải tập viết trên tờ giấy viết thư, vừa phải cố sao cho các chữ cái xếp theo đúng dòng kẻ nổi.

Một hôm, Helen đặt vào tay cô giáo Ann một mảnh giấy gấp tư. Những ngón tay cô bé thoăn thoắt như múa, có vẻ rất nôn nóng, rất sốt sắng:

– Helen đã viết thư!

Bức thư này chẳng nói điều gì to tát cả. Helen đã viết tất cả các câu mà cô bé mới học được, câu nọ nối tiếp câu kia: “Em bé ăn cháo – Helen có váy mới – Cô giáo có một cuốn sách …”. Vậy mà từ hôm cô bé tập viết từ “em bé” mới chỉ hơn một tuần trôi qua. Những bước tiên cuả Helen lại một lần nữa nhanh hơn rất nhiều so với những gì người ta có thể kỳ vọng. Ann Sullivan nói đúng: Không cần phải thương hại Helen, đó là một học sinh thần đồng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.