Bà Đại Sứ

20. Tưởng nhớ Ann Sullivan



Ngày 25 tháng Mười năm 1946, Polly và Helen đang buồn bã dạo quanh một đống đổ nát: đó là tất cả những gì còn lại từ ngôi nhà của họ.

Ngôi nhà duyên dáng, dễ thương nằm ẩn mình ở nông thôn, gần Westport, bang Connecticut, đã từng là nơi họ sống 7 năm liền. Mới cách đây một năm thôi, họ còn tiếp đón bạn bè ở nơi đó, đã thấy được những giờ phút vui vẻ và thoải mái gần như hồi ở ngôi nhà trắng xinh đẹp ngày xưa.

Chẳng còn gì của ngôi nhà Westport nữa. Khi Helen và Polly vắng nhà, nó đã bị một đám cháy thiêu trụi. Trên nền đất, một miệng hầm há ngoác, những viên gạch đen xạm, nứt vỡ, những mảnh vữa vụn xám xịt, những đồ làm bếp quăn queo vì bị nung nóng. Những mảnh giấy cháy dở bay vật vờ trong không khí khi một cơn gió nhẹ thổi qua.

Helen không trông thấy bằng mắt cảnh điêu tàn này, nhưng hoàn toàn vẫn cảm nhận được nó. Thứ mùi ngự trị ở những nơi có thiên tai, có thảm họa cũng đủ cho Helen thấy hết tổn thất nặng nề, trầm trọng của nó. Không phải thứ mùi thơm dễ chịu của ngọn lửa reo vui, cái hương vị tuyệt diệu của góc bếp ấm áp, của những đêm thức trắng; đây là thứ mùi thật đáng sợ, mùi của sơn, của tường vôi, của áo quần,… bị đốt cháy.

– Thế cái cây của cô Ann?

Hồi hai người đến đây sống, bên cạnh ngôi nhà có một cây sồi non mới mọc. Cái cây đó thật đẹp. Nó vừa có cái trẻ trung tươi mới của cây non, vừa có cái thâm trầm, rắn rỏi vốn có của họ sồi. Helen và Polly đã gọi nó là “cây của cô Ann”, để tưởng nhớ về cô giáo, về người bạn lớn rất mực thân yêu.

– Nó bị đốt cháy một nửa rồi. Nhưng có lẽ nó vẫn còn sống, chúng ta đợi mùa xuân xem.

Khi người ta đánh điện báo ngôi nhà bị cháy, Polly và Helen đang ở Châu Âu. Họ đã đáp chuyến bay gần nhất trở về hôm trước lễ Giáng sinh.

Helen bước đi cô định giữa đống tron tàn, nghĩ về những cảnh đổ nát từng thấy ở Châu Âu. Helen nhìn bằng đôi mắt của Polly, nghe bằng những ngón tay của Polly. Polly (cũng như cô Ann ngày xưa) kiên trì tả lại cho Helen tất cả. Văn phòng Quỹ hỗ trợ người khiếm thị đã gửi Helen tới Châu Âu như một đặc phái viên để tìm hiểu xem họ có giúp được gì cho hàng nghìn binh sĩ và dân thường bị mù lòa do những vết thương chiến tranh hoặc do tai nạn.

Nghĩ tới vô số bi kịch mà mình đã từng cùng Polly tới thăm hỏi, Helen hoàn toàn quên đi những khó khăn của bản thân.

– Chúng ta có nhiều may mắn, quá nhiều may mắn – Helen nói với Polly – Chúng ta có những người bạn tuyệt vời và chúng ta có đủ tiền để sống.

– Đúng vậy! – Polly đồng tình- Tôi cũng đang nghĩ về những nỗi bất hạnh chúng ta từng chứng kiến ở Châu Âu, những người bị mất tất cả. Họ cần sự giúp đỡ của chúng ta, chúng ta không được phép bỏ rơi họ, bằng bất cứ giá nào.

Song dù sao việc mất ngôi nhà cũng là một biến cố nặng nề vớ Polly và Helen. Helen thở dài, nghĩ tới những cuốn sách đang viết để hồi tưởng về cô Ann Sullivan. Helen đã khởi sự từ lâu, dành rất nhiều tâm tư, rất nhiều gắn bó cho cuốn sách; và Helen luôn canh cánh rằng sẽ không bao giờ tỏ hết niềm tôn kính cho xứng với cô Ann.

– Ở tất cả những nơi chúng tôi từng đến – Helen nói với Polly – người ta luôn đặt tôi lên trên. Tôi, Helen Keller. Họ quá quên một điều rằng tất cả những gì tôi có thể làm được đều nhờ cô Ann. Chính cô Ann mới là người xứng đáng được hưởng những lời tôn vịnh, không phải tôi. Tôi muốn cả thế giới hiểu được điều đó và họ sẽ yêu cô Ann như tôi yêu cô, sẽ ngưỡng mộ cô như cô xứng đáng được nhận.

Chính với tâm trạng ấy, Helen đã bắt tay vào việc. trước khi cùng Polly đi Châu Âu, Helen đã soạn được ba phần tư cuốn sách. Helen sắp xếp lại cho gọn ghẽ, cẩn thận trong ngăn kéo bàn làm việc. Nó đã bị cháy rụi cùng với nhiều thứ vô giá khác. Tất cả những lá thư của cô Ann, những lá thư bằng chữ Braille đã luôn bên cạnh Helen khi cô Ann đi xa, tất cả những ghi chép riêng cũng bằng chữ Braille… đều chỉ còn là tro tàn.

– Nghĩ tới việc mọi thư từ của cô Ann đều mất hết tôi thấy mình như mất đi một cánh tay – Helen buồn rầu tâm sự cùng Polly. Nhưng tôi sẽ không bị đánh quỵ đâu và nhất là tôi sẽ không từ bỏ ý định. Ngay khi nào có thể tôi sẽ bắt đầu lại: Tôi sẽ viết lại những gì đã bị cháy và tôi sẽ hoàn thành cuốn sách của mình.

Nhiều tháng trôi qua trước khi Helen có thể thực hiện dự định của mình. Bởi Polly và Helen có một công việc quan trọng cần phải làm ngay, một việc không thể chờ đợi. Họ phải tham gia giúp cho hàng ngàn người không những bị mù lòa sau chiến tranh mà còn không có nơi ở và đang bị đói rét.

Cần phải có tiền để mua gì cho họ ăn, kiếm gì cho họ mặc, để dựng cho những người bất hạnh ấy nơi cư ngụ mới. Cũng cần phải xây những ngôi trường mới dành cho người mù, thay thế những thư viện chữ Braille đã bị bom đạn phá hủy. Ở một số nước người ta còn cần tiền để trang bị lại những máy dập chữ Braille đã bị đem nấu chảy trong chiến tranh để làm đạn dược. Helen và Polly đã khá quen với công việc quyên góp từ thiện, họ là những thành viên kỳ cựu của Quỹ hỗ trợ người khiếm thị từ nhiều năm trước khi chiến tranh thế giới nổ ra.

Helen và Polly lại rong ruổi trên khắp nước Mỹ. Lần này trong các bài phát biểu, Helen luôn nhấn mạnh về những viễn cảnh tương lai không hề tươi sáng mà nhiều người lính trẻ rất có thể phải gánh chịu, những người lính buộc phải sống nốt phần đời còn lại trong bóng tối. Helen nói về những đứa trẻ bị mù, về một em bé lần mò tìm đường giữa đống đổ nát, đơn côi, hoảng hốt, cố tìm lại người mẹ đã bị bom giết hại.

Bài phát biểu của Helen quá thuyết phục và Polly thậm chí không cần phải nhắc lại, họ hiểu Helen, hiểu những xúc động và nhiệt huyết Helen gửi gắm trong đó. Tiền cứ thế đổ về.

Khi cùng Polly bôn ba trên khắp nước Mỹ, Helen vẫn không nguôi nghĩ về “cuốn sách của cô Ann”. Cuối cùng, Helen bắt tay vào viết ở nhà một người bạn; họ mời Helen và Polly tới nghỉ tạm trong khi chờ có nhà mới. Máy đánh chữ Helen cũng đi mượn vì chiếc cũ đã bị hỏng hết sau đám cháy.

Helen không còn những bức thư của cô Ann, không còn những ghi chép riêng, chẳng còn gì để trợ giúp ngoài một xấp giấy trắng trước mặt và một cái máy đánh chữ.

Helen ngồi bất động hàng giờ, sống lại với những kỷ niệm xa xưa, những tháng năm gắn bó bên cô giáo. Rồi Helen ngồi vào bàn làm việc, cố kể lại tất cả.

Khi tác phẩm hoàn tất, người ngạc nhiên đầu tiên là Helen. Cái mà Helen làm không giống chút nào với những điều đã dự định. Helen muốn viết một cuốn sách trang trọng, kết cấu chặt chẽ, tuân theo trật tự ngày tháng của các sự kiện. Vậy mà, thay vào đó, Helen để những dòng chữ trôi theo những hồi tưởng thất thường. Helen kể lại những kỷ niệm như những gì nó đến, lúc thưa thớt, lúc dạt dào,có vẻ không theo một trình tự nào. Chính sự “rời rạc” ấy đã làm nên tất cả sự lôi cuốn của câu chuyện, nó mang đến cho tác phẩm sự tự nhiên và chân thực. Mở đầu cuốn sách Helen viết như một kẻ lang thang tìm đường, rồi Helen gợi lại thời thơ ấu của mình, ngày cô Ann đến, những ngày nghỉ đầu tiên bên bờ biển… Helen kể những ngày ở ngôi nhà lớn Wrentham, kể những buổi tối bên bếp lửa ở Trang Trại Đỏ, những cuộc chơi bằng xe trượt tuyết, những bông tuyết đầu tiên rơi vào bàn tay… Helen nói về tính tình vui vẻ của cô Ann, về niềm lạc quan của cô… Cô là một minh chứng cho một cô tiên có thật trong đời, bởi cô đã giải thoát cô bé Helen bảy tuổi khỏi ngục tù tăm tối, đưa em tới một thế giới thần tiên. Helen kể về niềm hạnh phúc luôn có cô Ann bên cạnh, theo dõi từng bước tiến, giúp đỡ Helen học chương trình cao cấp ở đại học. Cô luôn cổ vũ, trợ giúp để Helen đạt được vị trí cao, để Helen tự tin và vui vẻ, nhưng không khi nào chán nản hay xa cách mọi người. Cô Ann đã làm một việc siêu phàm, bởi cô có một trái tim thanh cao và một niềm tin sâu sắc vào khả năng của trí tuệ con người.

Suốt cuốn sách Helen viết, mỗi trang, mỗi dòng người ta đều nhìn thấy hình ảnh cô Ann, nhân cách của cô như ngời sáng. Người ta thấy cô Ann dịu dàng nghiêng xuống bên cô học trò nhỏ, những ngón tay mảnh dẻ thoăn thoắt viết trong bàn tay Helen, kể cho em về khoa học, về thế giới muôn màu. Đúng như Helen đã viết, Ann Sullivan là người đã đem được tất cả sự huyền diệu của ngôn ngữ vào trong lòng bàn tay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.