Kafka bên bờ biển
Chương 17
Đây là đêm thứ ba của tôi ở căn nhà gỗ này. Mỗi ngày qua đi, tôi lại quen hơn với im lặng và bóng tối thăm thẳm. Ban đêm không làm tôi sợ nữa, ít nhất cũng thôi làm tôi chết khiếp. Tôi chất củi đầy bếp lò, ngồi trấn trước đó và đọc. Khi nào mệt, tôi chỉ ngồi thần ra, trân trân nhìn lửa cháy. Tôi không bao giờ chán nhìn lửa. Những ngọn lửa đủ các hình dạng và màu sắc, chuyển động linh hoạt như những vật sống – chúng sinh ra, tụ lại, rời nhau và chết.
Khi trời quang mây, tôi ra ngoài, nhìn lên bầu trời. Những ngôi sao không đem lại cho tôi cảm giác bất lực như trước nữa và tôi bắt đầu cảm thấy gần gũi chúng. Mỗi ngôi sao phát ra ánh sáng đặc biệt của riêng mình. Tôi nhận ra một số ngôi và quan sát chúng lấp lánh trong đêm. Thi thoảng, chúng bùng sáng hơn như thể chợt nhớ ra điều gì. Vầng trăng treo lơ lửng, trắng và sáng vằng vặc; nếu nhìn kỹ, dường như tôi có thể nhận thấy địa hình lởm chởm trên bề mặt. Tôi chẳng bận óc nghĩ suy gì mạch lạc, chỉ ngây ngất ngắm bầu trời.
Không nghe nhạc được vì máy hết pin không phải là một thiếu vắng trầm trọng như tôi đã tưởng. Có biết bao âm thanh khác thay thế nó – tiếng chim líu lo, tiếng kêu của đủ loại côn trùng, tiếng róc rách của con suối, tiếng lá xào xạc. Mưa rơi, một vật gì trườn trên mái lều, đôi khi một tiếng động bí ẩn không tả nổi. Trước đây, tôi không hề biết thế giới lại đầy những âm thanh tự nhiên đẹp và nhiều đến thế. Cả đời, cho đến tận bây giờ, tôi đã bỏ qua chúng. Tôi ngồi ngoài hiên hàng giờ, mắt nhắm nghiền, không động đậy, lắng nghe không bỏ sót tiếng động nào quanh mình.
Rừng cũng thôi không làm tôi sợ đến độ khiếp vía như trước và tôi đã bắt đầu cảm thấy hồ như gần gũi với nó,ậm chí kính trọng nữa. Tuy nhiên, tôi không mạo hiểm quá xa căn nhà gỗ và chỉ đi theo con đường mòn sẵn có mà thôi. Chừng nào tôi tuân thủ những quy tắc đó, sẽ không có bất trắc gì quá đáng. Đó là điều quan trọng – hãy tuân thủ các quy tắc, rừng sẽ lặng lẽ chấp nhận anh, chia sẻ với anh phần nào sự yên bình và nét đẹp của nó. Nhưng nếu vượt qua ranh giới, những con thú rình núp trong im lặng sẽ chộp gọn anh trong những móng sắc như dao của chúng.
Tôi thường nằm dài trong khoảng trống nhỏ hình tròn, để cho nắng tãi lên khắp người. Mắt nhắm nghiền, tôi thả mình cho nắng mơn man, tai dỏng lên đón tiếng gió rít qua các ngọn cây. Bao bọc trong hương rừng đằm ngát, tôi lắng nghe tiếng chim vỗ cánh, tiếng lá dương xỉ lao xao. Tôi thoát khỏi trọng lực, bồng bềnh bên trên mặt đất (chút xíu thôi) và trôi trong không trung. Tất nhiên, trạng thái này không kéo dài. Đó chỉ là một cảm giác thoáng qua – mở mắt ra là nó tan biến. Dẫu sao, đó vẫn là một trải nghiệm ngây ngất: có thể trôi bồng bềnh trên không.
Có đôi ba lần mưa to nhưng không kéo dài, và lần nào tôi cũng trần truồng lao ra tắm mưa. Đôi khi tập vã mồ hôi, tôi cởi quần áo, tắm nắng ngoài hiên. Tôi uống rất nhiều trà, tập trung vào đọc sách, khi ngồi ngoài hiên, lúc bên bếp lò. Đọc đủ các loại: lịch sử, khoa học, truyện dân gian, huyền thoại, xã hội học, tâm lý học, cả Shakespeare nữa… Thay vì ngốn thẳng một mạch đến hết, tôi thường đọc đi đọc lại những đoạn tôi nghĩ là quan trọng nhất kỳ cho đến khi thật hiểu để từ đó thu hoạch được một cái gì cụ thể. Từng tí một, đủ các loại kiến thức thẩm thấu vào óc tôi. Tôi nghĩ giá có thể ở lại đây bao lâu tùy thích thì tuyệt biết mấy. Có bao nhiêu là sách trên các giá mà tôi muốn đọc và đồ ăn thức uống thì vẫn còn ê hề. Nhưng tôi biết đây chỉ là nơi tạm trú, chẳng bao lâu sẽ phải rời đi. Chốn này thật quá yên tĩnh, quá tự nhiên, quá hoàn hảo. Tôi không xứng đáng với nó. Ít nhất là chưa phải bây giờ.
Đến ngày thứ tư, Oshima xuất hiện vào cuối buổi sáng. Tôi nằm ườn trên ghế ngoài hiên, trần truồng, lơ mở ngủ dưới nắng nên không nghe thấy anh tới. Tôi không nghe thấy tiếng xe của anh. Vai khoác ba lô, anh bước đi trên con đường dẫn tới đây. Anh lặng lẽ bước lên các bậc thềm, chìa tay ra và khẽ xoa đầu tôi. Giật mình, tôi chồm dậy và cuống quít quờ tay tìm một chiếc khăn để che thân, nhưng không có cái nào trong tầm tay.
“Đừng ngại,” Oshima nói. “Hồi mình ở đây, mình vẫn trần truồng tắm nắng thường xuyên. Phơi những chỗ kín ra ánh mặt trời là một cảm giác thật dễ chịu.”
Trần như nhộng trước mặt anh, tôi cảm thấy trơ trẽn với cả bộ tam sự xồm xoàm lông lá phô ra. Tôi không biết nên làm gì. Đã quá muộn để che đậy.
“À anh,” tôi nói, cố lấy giọng thản nhiên. “Anh leo bộ lên à?”
“Trời hôm nay đẹp quá nên mình quyết định để xe ở dưới cổng,” anh với một chiếc khăn vắt trên lan can, đưa cho tôi. Tôi quấn nó quanh mình và cuối cùng mới cảm thấy đỡ ngượng.
Anh vừa nấu nước vừa hát nho nhỏ, rồi lấy bột, trứng và sữa từ ba lô ra, đánh lộn lên làm bánh kếp, rồi láng bơ và xi-rô lên chốc. Rồi anh lôi ra nào rau diếp, nào cà chua, nào hành, dùng dao bếp thái nhỏ tất cả rất cẩn thận để làm món nộm. Đó là bữa trưa của chúng tôi.
“Vậy cậu thấy thế nào qua ba ngày ở đây?” anh hỏi, tay cắt bánh kếp.
Tôi kể với anh về những giờ khắc tuyệt vời tôi đã sống ở đây. Tôi bỏ qua đoạn đi vào rừng: tốt hơn là đừng nhắc đến chuyện đó.
“Mình lấy làm mừng,” Oshima nói. “Mình đã hy vọng nơi này sẽ làm cậu thích
“Nhưng chúng ta sẽ quay về thành phố bây giờ, phải không?”
“Phải. Đã đến lúc trở về rồi.”
Chuẩn bị sẵn sàng để lên đường, chúng tôi nhanh chóng dọn dẹp mọi thứ trong lều. Rửa bát đĩa, xếp lên giá, lau chùi bếp lò, đổ nước trong xô, đóng van bình ga, cho những đồ ăn để lâu được vào chạn, còn bao nhiêu vứt đi, quét sàn, lau bàn ghế, đào một cái hố bên ngoài lều để vùi rác.
Trong khi Oshima khóa cửa, tôi quay lại nhìn căn lều một lần cuối. Một phút trước, tôi còn cảm thấy nó rất thật, nhưng giờ đây nó lại có vẻ hư ảo. Chỉ vài bước thôi là đủ cho tất cả những gì gắn liền với nó mất hết tính chất thực tại. Và tôi – người đã từng ở đấy cho tới giây phút trước – lúc này tôi cảm thấy chính mình cũng hư ảo nốt. Từ đây đến chỗ Oshima đậu xe, đi bộ mất ba mươi phút và trên đường xuống núi, chúng tôi hầu như không trao đổi với nhau một lời nào. Oshima âm ư một giai điệu, còn tôi để mặc tâm trí phiêu diêu.
Dưới chân núi, chiếc xe thể thao nhỏ màu xanh quyện lẫn vào nền cây lá của rừng. Oshima đóng cổng chính để ngăn người lạ đột nhập vào, quấn hai vòng xích và bấm ống khóa móc. Như lần trước, tôi cột chiếc ba lô vào giá để hành lý đằng sau xe. Mui xe đã hạ sẵn.
“Về thành phố,” Oshima nói.
Tôi gật đầu.
“Mình dám chắc cậu khoái sống một mình với thiên nhiên như thế, nhưng thật không dễ gì sống ở nơi đó một thời gian dài,” Oshima nói. Anh đeo kính râm và thắt dây an toàn.
Tôi ngồi xuống cạnh anh và dây an toàn.
“Về lý thuyết thì không phải không thể sống như thế và cố nhiên đã có những người làm thế. Nhưng trên thực tế, cách nào đó, tự nhiên lại có phần phi tự nhiên. Và thư giãn có khi lại trở thành mối đe dọa thực sự. Phải từng trải và có chuẩn bị mới có thể thực sự sống được với những mâu thuẫn đó. Cho nên, tạm thời ta hẵng quay về thành phố cái đã. Trở về với văn minh.”
Oshima dận ga và xe bắt đầu xuống núi. Lần này, anh không vội và lái nhẩn nha, vừa đi vừa ngắm cảnh và hóng gió thổi tung mái tóc. Hết đoạn đường đất, xe bắt đầu vào một đoạn đường nhựa hẹp, băng qua làng xóm, cánh đồng.
“Nhân nói đến mâu thuẫn,” Oshima đột nhiên nói, “hôm đầu tiên gặp cậu, mình đã cảm thấy một cái gì mâu thuẫn nơi cậu. Cậu đang tìm kiếm một cái gì, đồng thời lại chạy trốn cái đó bằng mọi giá.”
“Em đang tìm kiếm cái gì?”
Oshima lắc đầu. Anh liếc vào gương chiếu hậu và cau mày, “Mình chẳng biết. Mình chỉ nói rằng mình có cảm giác như thế thôi.”
Tôi không trả lời.
“Theo kinh nghiệm bản thân mình, khi ta có công tìm kiếm một cái gì thì chẳng mấy khi thấy được. Và khi ra sức trốn chạy một cái gì thì nó thường bắt kịp ta. Tất nhiên, mình chỉ khái quát hóa thôi.”
“Vậy nếu áp dụng vào trường hợp của em, thì điều gì sẽ xảy ra nếu như cùng một lúc, em vừa tìm kiếm vừa trốn tránh một điều gì?”
“Một câu hỏi hắc búa đấy,” Oshima mỉm cười. Một lát sau anh mới nói tiếp. “Nếu phải trả lời thì mình sẽ nói như sau: bất kể cậu đang tìm kiếm điều gì, nó cũng sẽ đến dưới dạng cậu chờ đợi.”
“Kiểu như một lời tiên đoán gở.”
“Như trong Cassandra.”
“Cassandra?”
“Một vở bi kịch Hy Lạp. Cassandra là công chúa thành Troy có tài tiên tri. Nàng vào đền làm nữ tu sĩ và được Apollo ban cho khả năng đoán trước số mệnh. Đổi lại, Apollo ép nàng ngủ với mình, nhưng nàng từ chối và vị thần đã hô thần chú ếm nàng. Các vị thần Hy Lạp mang nhiều tính chất huyền thoại hơn là tôn giáo. Nghĩa là họ cũng có những khuyết điểm giống như con người: cũng nổi nóng, cũng thèm khát tình dục, cũng ghen tuông, cũng lú lẫn, tật gì cũng có.”
Anh lấy từ hộc đựng găng một hộp kẹo chanh, bỏ một viên vào miệng. Anh ra dấu mời tôi và tôi cũng lấy một viên.
“Thần chú như thế nào?”
“Thần chú yểm Cassandra ấy à?”
Tôi gật đầu.
“Là mọi tiên đoán của nàng đều ứng, nhưng sẽ không có ai tin nàng cả. Hơn nữa, mọi tiên đoán ấy đều nhằm chuyện gở: phản bội, tai nạn, chết chóc, đất nước suy vong. Đại loại như thế. Người ta chẳng những không tin mà còn bắt đầu khinh ghét nàng. Nếu cậu chưa đọc kịch Euripdes và Aeschylus[15], thì mình khuyên cậu nên đọc đi. Tác phẩm của họ nêu nhiều vấn đề cốt tử mà thậm chí tới nay, chúng ta vẫn còn phải đương đầu. Thông qua các koros
“Koros là cái gì?”
“Đó là dàn đồng ca trong các bi kịch Hy Lạp. Họ đứng đằng sau sân khấu, đồng thanh giải thích các tình huống hoặc bình luận những diễn biến nội tâm nhân vật. Thậm chí đôi khi còn khuyên bảo nhân vật. Đó là một thủ pháp rất tiện lợi. Đôi khi mình ước sao có riêng một dàn đồng ca đứng đằng sau mình.”
“Anh có khả năng tiên tri không?”
“Mình đâu có cái may mắn ấy,” anh tủm tỉm cười. “Khốn thay – hay may thay – mình lại không có cái năng lực ấy. Nếu như mình có vẻ như luôn luôn tiên đoán những điều gở, đó là vì mình là một thằng thực dụng. Mình dùng phương pháp lập luận suy diễn để khái quát hóa, và mình đồ rằng kết quả suy luận của mình đoi khi nghe những dự báo điều chẳng lành. Cậu biết tại sao không? Bởi thực tại chỉ là sự tích tụ của những dự báo gở trở thành hiện thực. Cậu chỉ việc giở một tờ báo bất kỳ ngày nào ra và bắc lên bàn cân một bên là tin tốt và bên kia là tin xấu, cậu sẽ rõ mình muốn nói gì.”
Đến một vòng cua, Oshima đều thận trọng giảm tốc độ, sang số nhẹ như không. Chỉ nhận ra ở tiếng động cơ hơi thay đổi.
“Tuy nhiên, mình có một tin tốt cho cậu đây,” anh nói. “Chúng tôi đã quyết định nhận cậu. Cậu sẽ là một nhân viên của Thư viện Tưởng niệm Komura. Mình nghĩ cậu đủ tiêu chuẩn đấy.”
Bất giác tôi liếc nhìn anh. “Anh muốn nói là em sẽ làm việc ở thư viện?”
“Chính xác hơn, từ nay trở đi, cậu sẽ thuộc về thư viện. Cậu sẽ ở ngay trong thư viện, sống tại đó. Cậu sẽ mở cửa và đóng cửa thư viện đúng giờ quy định. Như mình đ trước đây, cậu có vẻ là người có kỷ luật tự giác và khá khỏe mạnh, nên mình nghĩ công việc sẽ không quá vất vả đối với cậu. Cả Miss Saeki lẫn mình về thể chất đều không khỏe lắm, có cậu thêm chân thêm tay, sẽ đỡ đần chúng mình rất nhiều. Ngoài ra, cậu sẽ chỉ giúp vào những công việc vặt hàng ngày thôi. Không có gì đáng kể đâu: pha cà phê ngon cho mình, đi mua sắm giúp bọn này. Chúng mình đã chuẩn bị một căn phòng ở khu nhà phụ của thư viện cho cậu. Đó trước là phòng của khách, nhưng không có khách nào nghỉ lại qua đêm, nên đã lâu không dùng đến. Cậu sẽ ở đó. Cậu có thể tắm vòi hoa sen ngay trong phòng. Điều hay nhất là cậu sẽ ở luôn trong thư viện, nên có thể đọc bất cứ cái gì cậu thích.”
“Nhưng tại sao…” tôi mở đầu nhưng không nói hết câu.
“Tại sao bọn mình làm thế chứ gì? Tất cả đều dựa trên một nguyên lý rất đơn giản. Mình hiểu cậu và Miss Saeki hiểu mình. Mình chấp nhận cậu, còn Miss Saeki chấp nhận mình. Cho nên mặc dù cậu là một thiếu niên mười lăm tuổi bỏ nhà và xa lạ, cũng không thành vấn đề. Vậy cậu nghĩ thế nào?”
Sau một lát suy nghĩ tôi nói: “Tất cả những gì em kiếm tìm là một mái nhà che đầu. Lúc này đây, chỉ có cái đó là quan trọng. Em không thật sự hiểu thuộc về thư viện nghĩa là thế nào, nhưng nếu nó có nghĩa là em có thể ở đấy, thì em rất hàm ơn. Ít nhất em cũng sẽ không phải đi đi lại lại hằng ngày bằng xe lửa nữa.”
“Vậy là ngã ngũ nhé,” Oshima nói. “Ta hãy đến thư viện. Để cậu có thể trở thành một bộ phận thuộc về nó.”
Chúng tôi theo xa lộ, qua một số thị trấn, qua một panô to tướng quảng cáo cho một công ty tín dụng, một trạm xăng với những trang trí lòe loẹt, một cửa hàng ăn uống với những phòng kính, một khách sạn ái tình bắt chước kiểu một lâu châu u, một cửa hàng cho thuê băng video đã phế bỏ còn trơ lại tấm biển, một phòng chơi pachinko[16] với bãi đỗ xe rộng mênh mông, một cửa hàng McDonald’s, những siêu thị 7-Eleven, Yoshinoya, Denny’s… Thực tại ồn ào bắt đầu bắt đầu bao quanh chúng tôi. Tiếng rít phanh hơi của những xe tải mười tám bánh, tiếng còi, tiếng xả khí. Tất cả những thứ mới vừa đây còn gần gũi với tôi: ngọn lửa trong bếp lò, những vì sao lấp lánh, cái tĩnh lặng của khu rừng… giờ biến mất tăm; thậm chí tôi thấy khó mà hình dung ra chúng.
“Có một đôi điều cậu cần biết về Miss Saeki,” Oshima nói. “Hồi nhỏ mẹ mình và Miss Saeki là bạn cùng lớp, rất thân nhau. Mẹ mình kể rằng bà là một nữ sinh xuất sắc, luôn đạt điểm cao, thuộc loại giỏi trong môn tập làm văn, thể dục thể thao và còn chơi dương cầm rất hay nữa. Làm bất cứ cái gì, bà cũng nhất. Lại xinh đẹp nữa. Tất nhiên, bây giờ, bà vẫn còn là một phụ nữ kiều diễm.”
Tôi gật đầu.
“Khi còn ở tiểu học, Miss Saeki đã có đã có người yêu. Con trai lớn của gia đình Komura – trên thực tế là có họ xa. Hai người cùng tuổi, rất đẹp đôi, y như Romeo và Juliet vậy. Hai nhà ở gần nhau, họ luôn xoắn xuýt bên nhau không rời. Và khi đến tuổi trưởng thành, họ yêu nhau thật sự, cả thể xác lẫn tâm hồn hòa làm một. Ấy là theo lời mẹ mình.”
Chúng tôi dừng xe trước một đèn đỏ và Oshima ngước nhìn trời. Khi đèn bật xanh, anh dận ga và chúng tôi vượt một chiếc xe chở xăng. “Cậu có nhớ những gì mình nói với cậu ở thư viện không? Về chuyện con người ta cứ loanh quanh đi tìm cái nửa kia của mình ấy?”
“Cái đoạn đực/đực, cái/cái và đực/cái ấy à?”
“Phải. Những điều Aristophanuốt đời, chúng ta long đong lận đận đi tìm cái nửa kia của chúng ta một cách tuyệt vọng. Nhưng Miss Saeki và chàng trai của mình thì không phải làm thế. Họ sinh ra đã có cái nửa kia ngay trước mặt mình.”
“Họ thật may mắn.”
Oshima gật đầu. “Đúng vậy. Đến một mức độ nào đó.”
Anh đưa tay xoa xoa cằm như để kiểm tra xem cạo có tốt không. Không có vết dao cạo nào trên làn da nhẵn như sứ.
“Năm mười tám tuổi, chàng trai lên Tokyo để vào đại học. Chàng đạt điểm cao và muốn theo một chuyên khoa. Chàng cũng muốn được tận mắt thấy thủ đô to đẹp như thế nào. Nàng thì vào một trường đại học của tỉnh nhà, học chuyên khoa piano. Đây là một địa phương bảo thủ và nàng lại xuất thân từ một gia đình truyền thống chủ nghĩa. Nàng là con một, cha mẹ nàng không muốn để con gái đi Tokyo. Vậy là lần đầu tiên trong đời, hai người xa nhau. Cứ như Thượng đế đã tách đôi họ bằng một lưỡi dao vậy.”
“Dĩ nhiên là ngày nào họ cũng viết thư cho nhau. ‘Có thể việc chúng mình thử xa nhau thế này lại là tốt cũng nên,’ chàng viết cho nàng. ‘Như vậy, chúng mình có thể thực sự hiểu chúng mình cần cho nhau đến độ nào.’ Nhưng nàng không tin thế. Nàng biết họ gắn bó keo sơn với nhau đến mức không cần phải thử thách quan hệ đó bằng một cuộc phân ly. Mối cơ duyên của họ là tiền định, cả triệu mới có một, không thể chia lìa. Nàng tuyệt đối tin chắc thế. Nhưng chàng thì không. Hoặc có thể chàng cũng tin thế, nhưng không chịu chấp nhận. Thế là chàng cứ đi Tokyo, chàng nghĩ rằng vượt qua một số trở ngại sẽ càng củng cố thêm tình yêu của họ với nhau. Đàn ông đôi khi vốn thế.”
“Năm mười chín tuổi, Miss Saeki viết một bài thơ, tự phổ nhạc và vừa hát vừa đệm piano. Đó là một giai điệu đẹp, buồn và ngây thơ. Mặt khác, ca từ lại mang tính chất tượng trưng, đầy suy tưởng và trừu tượng. Sự tương phản ấy khiến cho bài hát có hồn và có sức truyền cảm trực tiếp. Tất nhiên, toàn bộ bài hát, cả nhạc lẫn lời, thể hiện nỗi buồn nhớ người yêu phương xa. Cô có hát cho một số người nghe dăm ba lần. Bình thường cô là người nhút nhát, nhưng cô thích hát và thậm chí đã từng tham gia một ban nhạc dân gian ở trường đại học. Có người cảm kích với bài hát, đã thu một băng demo gửi cho một người bạn là giám đốc một công ty thu băng đĩa. Ông này rất thích bài hát, bèn mời cô lên studio của họ ở Tokyo để thu.
“Đó là lần đầu tiên cô đến Tokyo và cô đã có dịp gặp người mình yêu. Tranh thủ thời gian giữa những buổi thu, họ có thể yêu nhau như xưa. Theo mẹ mình, họ đã có quan hệ tình dục từ hồi mười bốn tuổi. Cả hai đều sớm phát triển tính dục, và cũng như nhiều đứa trẻ phát triển tính dục, họ khó có thể thành người lớn. Cứ như là họ vĩnh viễn ở tuổi mười bốn, mười lăm vậy. Họ quấn quýt với nhau và lại có thể cảm thấy tình yêu của họ mãnh liệt đến nhường nào. Cả hai đều chưa bị bất cứ ai khác hấp dẫn. Ngay cả khi họ xa nhau, cũng không có ai khác xen vào giữa được. Xin lỗi… mình có làm cho cậu chán với câu chuyện tình cổ tích này không?”
Tôi lắc đầu. “Em có cảm giác là sắp đến một bước ngoặt.”
“Đúng,” Oshima nói. “Cái hay của các câu chuyện là ở chỗ đó – một bước ngoặt, một xoay chuyển tình thế bất ngờ. Hạnh phúc thì chỉ có một loại, nhưng bất hạnh thì đến dưới mọi dạng, mọi cỡ. Như Tolstoy đã nói: hạnh phúc là ngụ ngôn, bất hạnh là chuyện đời. Dù sao đi nữa, đĩa hát được tung ra thị trường và thành công lớn. Số đĩa bán được liên tục tăng – một triệu, hai triệu, mình không nhớ chắc con số chính xác. Bất kể thế nào, đó là một con số phá mọi kỉ lục của thời bấy giờ. Hình của cô in trên bìa đĩa, một hình chụp cô ngồi trước một chiếc piano cánh dơi trong studio, mỉm cười với ống kính.
“Vì cô chưa sáng tác bài hát nào khác nên mặt B của đĩa vẫn là bài đó dưới dạng khí nhạc – piano và dàn nhạc. Tất nhiên, phần piano do cô đảm nhiệm. Một cuộc trình diễn xuất sắc. Đó là vào khoảng năm 1970 gì đó. Hồi đó, từ trung ương đến địa phương, đài nào cũng phát đi phát lại bài ấy. Dạo ấy, mình chưa đẻ, nên mọi chuyện đều do mẹ mình kể lại. Đó là bài hát duy nhất của cô với tư cách là ca sĩ chuyên nghiệp. Cô không cho ra thêm đĩa nào nữa.”
“Em không biết mình đã bao giờ nghe bài hát này chưa.”
“Cậu có hay nghe đài không?”
Tôi lắc đầu. Tôi hầu như không bao giờ nghe đài.
“Vậy thì chắc là cậu chưa bao giờ nghe bài hát ấy. Trừ phi trong một chương trình hồi cố. Nhưng đó là một bài hát tuyệt vời. Mình có bài ấy trong một đĩa CD và thỉnh thoảng vẫn nghe lại. Tất nhiên là vào những lúc không có mặt Miss Saeki. Bà ghét mọi thứ gợi nhớ đến nó. Bà không thích ai gợi lại quá khứ.”
“Tên bài hát là gì?”
“Kafka bên bờ biển.” Oshima nói.
“Kafka bên bờ biển?”
“Phải, Kafka Tamura. Cùng tên với cậu. Một sự trùng hợp kỳ lạ, phải không?”
“Nhưng Kafka không phải là tên thật của em. Tuy nhiên, Tamura thì đúng là họ của em.”
“Nhưng chính cậu đã chọn cái tên Kafk
Tôi gật đầu. Tôi đã quyết định từ lâu rằng đó sẽ là cái tên phù hợp với con người mới của tôi.
“Mình nghĩ đó là điểm mấu chốt đấy,” Oshima nói.
Người yêu của Saeki chết năm hai mươi tuổi. Oshima kể tiếp. Đúng vào lúc Kafka bên bờ biển trở thành một “hit”[17]. Trường đại học của anh bãi khóa trong thời kỳ sinh viên nổi loạn và phải đóng cửa. Một đêm, vào khoảng trước mười giờ, anh mang đồ tiếp tế đến cho một người bạn ở chiến lũy. Các sinh viên chiếm giữ trường tưởng lầm anh là thủ lĩnh của nhóm đối lập (quả la rất giống người đó), liền bắt anh, trói vào một cái ghế và tra hỏi anh như tra hỏi một tên gián điệp. Anh cố giải thích rằng họ đã lầm, nhưng mỗi lần anh mở miệng, họ lại quát anh bằng một cây gậy hoặc một cái ống bằng thép. Khi anh gục xuống sàn, họ vẫn dùng ủng đá anh túi bụi. Anh chết vào lúc rạng sáng. Sọ hõm sâu, xương sườn gãy nát, rách cả hai lá phổi. Họ vứt xác anh ra ngoài phố như một con chó chết. Hai ngày sau, theo yêu cầu của nhà trường, lực lượng vệ binh quốc gia tới và trong vòng vài giờ, dẹp xong cuộc dấy loạn. Nhiều sinh viên bị bắt và kết tội giết người. Họ nhận tội và bị đưa ra xét xử. Nhưng vì đó không phải là hành động có mưu tính trước, nên hai trong số bọn họ bị khép tội giết người không chủ định và chỉ chịu án tù ngắn hạn. Thành thử cái chết của anh hoàn toàn vô nghĩa.
Saeki thôi hẳn không bao giờ hát nữa. Cô giam mình trong phòng và không muốn trò chuyện với ai, kể cả qua điện thoại. Cô không đến dự đám tang của anh và bỏ học luôn. Sau vài tháng, người ta đột nhiên nhận ra rằng cô không còn ở thành phố nữa. Không ai biết cô đi đâu hoặc làm gì. Cha mẹ cô từ chối không muốn nói đến chuyện này. Có lẽ họ cũng không biết cô đang ở đâu. Cô biến mất tăm. Ngay cả bạn thân nhất của cô, mẹ Oshima, cũng không nắm được manh mối nào. Người ta đồn rằng sau một lần tự tử không thành trong rừng sâu gần núi Fuji, cô đã được đưa vào một bệnh viện tâm thần. Một số người khác lại nói một người bạn của bạn họ đã trông thấy cô trên đường phố Tokyo. Theo người này, cô đã trở thành nhà văn hay gì gì đó ở Tokyo. Lại có tin đồn khác là cô đã lấy chồng và có một con. Tuy nhiên, tất cả những tin đó đều vô căn cứ, không có gì làm bằng. Hai mươi lăm năm[4] trôi qua.
Bất kể trong suốt thời gian ấy cô ở đâu hay làm gì, Saeki cũng không gặp khó khăn về tiền nong. Tiền tác quyền của về Kafka bên bờ biển được đưa vào một tài khoản ngân hàng và ngay cả sau khi nộp thuế vẫn còn lại một con số đáng kể. Mỗi lần bài hát được phát trên đài hay được đưa vào một chương trình hồi cố, cô đều được hưởng tác quyền. Cho nên cô có thể dễ dàng sống ẩn dật, xa hẳn chốn phồn hoa đô hội. Phải chăng, gia đình cô giàu có và cô lại là con một.
Đột nhiên, hai mươi lăm năm qua, Miss Saeki xuất hiện trở lại ở Takamatsu. Lý do bề ngoài là về chịu tang mẹ. (Cha bà đã mất năm năm trước đó, song bà đâu có về.) Bà làm một lễ cầu siêu nhỏ cho mẹ, rồi sau khi mọi chuyện êm xuôi, bán ngôi nhà nơi bà ra đời và lớn lên. Bà mua một căn hộ ở một khu yên tĩnh trong thành phố và dường như muốn định cư hẳn ở đó. Sau đó một thời gian, bà đã có những cuộc nói chuyện với gia đình Komura (Sau cái chết của người con trai cả, ý trung nhân của Saeki, chủ gia đình là người em trai kém anh ba tuổi. Không ai biết đích xác họ bàn với nhau những gì trong các cuộc nói chuyện tay đôi). Kết quả là Miss Saeki trở thành người đứng đầu Thư viện Komura.
Ngay cả giờ đây, bà vẫn mảnh dẻ, vẫn đẹp và vẫn có cái dáng vẻ thông minh, nền nã như ta thấy trên bìa bọc đĩa Kafka bên bờ biển. Duy chỉ thiếu nụ cười đẹp tươi, ngây thơ. Đành rằng thi thoảng bà vẫn mỉm cười, một nụ cười thật duyên dáng nhưng chỉ thoáng qua không bao giờ đậu lại. Một bức tường cao vô hình rào quanh bà, khiến mọi người phải đứng cách một sải tay. Sáng sáng bà lái chiếc Volkswagen Golf xám đến thư viện và tối lại lái về.
Trở về thành phố quê hương, Miss Saeki rất ít đi lại với bà con, bạn bè cũ… Nếu tình cờ gặp nhau, bà lịch sự tiếp chuyện, nhưng hiếm khi đi quá một vài đề tài vô thưởng vô phạt. Nếu thảng hoặc đụng chạm đến chuyện quá khứ, nhất là lại liên quan đến bản thân, lập tức bà khéo léo lái sang chuyện khác. Bà bao giờ cũng lịch sự, hòa nhã, nhưng lời lẽ không còn cái tò mò, háo hức thủa xưa. Tình cảm đích thực của bà – ví như điều đó vẫn còn – ẩn sâu tận đáy lòng. Trừ trường hợp cần có quyết định về một vấn đề thiết thực, bà không bao giờ phát biểu ý kiến cá nhân về bất cứ điều gì. Bà ít khi nói về bản thân mình, mà thường lắng nghe người khác nói và nhiệt thành gật đầu tán thưởng. Nhưng nhiều người đã bắt đầu cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với bà, như thể họ ngờ ngợ rằng mình đang làm phí thì giờ của bà, đột nhập vào thế giới riêng tư phong nhã và trang nghiêm của bà. Và về cơ bản, cảm giác ấy là đúng.
Vậy là ngay cả khi trở về định cư ở thành phố quê hương, bà vẫn là một ẩn số. Một phụ nữ phong nhã với một màn bí mật tinh tế bao quanh. Có một cái gì nơi bà khiến người ta khó tiếp cận. Ngay cả gia đình Komura, trên danh nghĩa là chủ của bà, cũng giữ một khoảng cách.
Cuối cùng, Oshima được tuyển vào làm việc ở thư viện và trở thành trợ lý của bà. Dạo ấy Oshima đã thôi học nhưng chưa đi làm, chỉ ở nhà đọc sách và nghe nhạc. Trừ một số người thường cùng anh trao đổi thư điện tử, Oshima hầu như không có bạn. Vì chứng bệnh máu không đông, anh mất khá nhiều thời gian đến khám chuyên khoa ở bệnh viện, hoặc dạo quanh thành phố trong chiếc Mazda Miata. Và trừ những lần khám định kỳ tại Bệnh viện Đại học ở Hiroshima và đôiần tới ở căn nhà gỗ trong vùng núi Kochi, anh không bao giờ ra khỏi thành phố. Chẳng phải là anh không bằng lòng với cuộc sống này. Một hôm, mẹ Oshima tình cờ giới thiệu anh với Miss Saeki và hai cô cháu lập tức quý mến nhau. Ý tưởng làm việc ở thư viện hấp dẫn Oshima. Chẳng bao lâu anh trở thành người duy nhất mà KS tiếp xúc hằng ngày và cùng trò chuyện.
“Nghe anh kể em có cảm giác như Miss Saeki trở về đây cốt để phụ trách thư viện,” tôi nói.
“Mình cũng nghĩ thế. Đám tang mẹ bà chỉ là cơ hội để bà trở về. Thành phố quê hương đầy những kỷ niệm chua xót, cho nên mình nghĩ việc trở về này hẳn là một quyết định khó khăn đối với bà.”
“Tại sao thư viện lại quan trọng đến thế với bà?”
“Người yêu của bà trước kia ở một căn nhà nằm trong khuôn viên thư viện. Ông là con cả trong gia đình Komura và vốn mê đọc sách từ trong máu. Ông thích sống một mình, đây cũng là một nét đặc trưng của gia đình. Cho nên lên trung học là ông nằng nặc đòi ở một căn tách biệt hẳn với ngôi nhà chính và hai cụ thân sinh chấp nhận. Cả gia đình đều mê đọc sách nên thông cảm với ý muốn của ông: nếu con muốn quanh mình toàn là sách thì cũng tốt thôi, đại loại các cụ nghĩ thế. Vậy là ông ở căn nhà phụ ấy một mình, không ai quấy rầy, chỉ quay về ngôi nhà chính vào những bữa ăn. Miss Saeki hầu như ngày nào cũng đến thăm ông ở đó. Hai người cùng học, cùng nghe nhạc và trò chuyện miên man. Và rất có thể là làm tình ở đó luôn. Nơi này là thiên đường riêng của họ.”
Cả hai tay đặt trên vô lăng, Oshima ngoái sang nhìn tôi. “Đó là nơi cậu sẽ ở, Kafka. Trong căn phòng ấy. Như mình đã nói, thư viện đã được tân trang, nhưng phòng đó vẫn để y nguyên.”
Tôi
“Cuộc đời Miss Saeki về cơ bản đã dừng lại ở tuổi hai mươi, khi người yêu của bà chết. Không, có lẽ không phải ở tuổi hai mươi, mà sớm hơn nhiều… Mình không rõ thật cụ thể, nhưng cậu cần biết điều này: những kim của chiếc đồng hồ chôn sâu trong lòng bà đã dừng lại vào thời điểm đó. Dĩ nhiên, thời gian bên ngoài vẫn tiếp tục trôi chảy, nhưng không tác động đến bà. Đối với bà, cái mà ta thường gọi là thời gian chẳng có nghĩa gì hết.”
“Không có nghĩa gì hết?”
Oshima gật đầu. “Như thể nó không hề tồn tại.”
“Anh muốn nói Miss Saeki hiện vẫn sống trong cái thời gian ngưng đọng ấy?”
“Chính xác. Nhưng không có nghĩa là bà là một thứ thi thể sống đâu. Khi nào cậu biết rõ hơn, cậu sẽ hiểu.”
Oshima đặt tay lên đầu gối tôi trong một cử chỉ hoàn toàn tự nhiên. “Kafka ạ, trong đời mỗi con người, đều có một điểm không-đường-trở-lui. Và trong một số rất ít trường hợp, lạ có một điểm không thể tiến thêm chút nào nữa. Và một khi ta tới điểm đó, ta chỉ còn một nước là lặng lẽ chấp nhận sự việc. Như thế mới tiếp tục sống được.”
Ngay trước lúc đi vào xa lộ chính, Oshima dừng xe, kéo mui lên và bỏ một đĩa xô-nát Schubert vào ổ CD.
“Còn một điều nữa mình muốn cậu nên biết,” Oshima nói thêm. “Miss Saeki có một trái tim bị thương. Thực ra, trong chừng mực nào đó, chúng ta đều thế, kể cả mình lẫn cậu. Nhưng ở Miss Saeki, đó là một vết thương cá nhân đặc biệt vượt quá cái nghĩa thông thường của từ ấy. Tâm hồn bà có những xáo động bí ẩn. Mình không nói bà là người nguy hiểm đừng hiểu sai ý mình. Thường ngày, bà xứng xử rất đúng mực, có lẽ còn chỉn chu hơn mọi người mình biết. Bà duyên dáng, sâu sắc, thông minh. Nhưng đừng lo lắng nếu thi thoảng cậu nhận thấy một điều gì kỳ dị ở bà.”
“Kỳ dị?” tôi không thể không hỏi.
Oshima lắc đầu. “Mình thực sự quý mến và kính trọng Miss Saeki. Mình dám chắc rồi đây cậu cũng sẽ chia sẻ những tình cảm ấy với mình.”
Đây không thực sự là một câu trả lời cho câu hỏi của tôi, song Oshima không nói thêm gì nữa. Anh sang số rất đúng lúc, dận ga và vượt một chiếc xe tải nhỏ trước khi đi vào một đường hầm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.