Kafka bên bờ biển

Chương 47



Tôi thức dậy ngay sau rạng đông, đun nước, pha trà. Tôi ngồi xuống cạnh cửa sổ để nhìn xem có gì diễn ra bên ngoài. Tất cả đều lặng tờ, không thấy dấu hiệu gì là có người ngoài phố. Đến cả chim chóc dường như cũng không muốn cất lên bản hợp xướng ban mai thường lệ của chúng. Những ngọn núi đằng đông chỉ hiện lên lờ mờ trong một ánh sáng yếu ớt. Nơi này xung quanh toàn núi cao, cho nên bình minh đến muộn và hoàng hôn thì lại đến rất sớm. Tôi đến đầu giường, nơi tôi để chiếc đồng hồ đeo tay, để xem mấy giờ, nhưng màn chữ số trống trơn. Tôi bấm đại mấy nút, cũng chả thấy gì. Pin còn mới, nhưng không hiểu vì lẽ gì mà đồng hồ lại chết trong khi tôi ngủ. Tôi đặt chiếc đồng hồ trở lại trên gối và xoa xoa cổ tay trái, nơi tôi thường đeo nó. Ở đây, thời gian không phải là một nhân tố quan trọng.

Trong khi nhìn ra quang cảnh trống trơn, vắng bóng chim bên ngoài, bỗng dưng tôi thấy thèm đọc sách, bất kỳ sách gì. Miễn là hình dạng giống quyển sách và có chữ in bên trong là được. Tôi chỉ cần cầm một quyển sách trong tay, lật giở các trang, lướt mắt trên những dòng chữ. Có điều là chẳng thấy bóng dáng một cuốn sách nào. Như thể ở đây, ngành in không tồn tại. Tôi tìm khắp phòng, rành là chẳng thấy gì có chữ ở trong.

Tôi mở tủ trong phòng ngủ để có những loại quần áo gì trong đó. Tất cả đều gấp gọn gàng. Không có cái nào mới, màu thì bạc phếch, vải thì nhẽo nhèo qua bao lần giặt. Tuy nhiên, tất cả đều có vẻ rất sạch. Có những áo phông cổ tròn, đồ lót, bít tất, sơ mi và quần bằng vải bông. Không vừa khít, nhưng cũng xuýt xoát khổ người tôi. Tất cả đều rất giản dị và không có họa tiết gì cả, như thể ý tưởng về những môtíp trang trí quần áo không bao giờ tồn tại. Không một chiếc nào mang nhãn mác – cả ở đây nữa, cũng loại trừ mọi dấu vết của chữ. Tôi cởi chiếc áo phông hôi hám ra, thay bằng một chiếc màu ghi thơm mùi nắng và xà phòng.

Một lúc sau – tôi không xác định được đích xác là bao lâu – cô gái đến. Cô khẽ gõ cửa và không chờ trả lời, mở luôn. Cửa không có bất kỳ kiểu khóa gì. Vai đeo chiếc túi vải, cô bước vào. Đằng sau cô, trời đã hửng sáng.

Cô đi thẳng vào bếp và rán mấy quả trứng trong một chiếc chảo nhỏ màu đen. Trứng ụp xuống dầu nóng phát ra một tiếng xèo vui tai và mùi trứng tươi rán tỏa khắp phòng. Trong khi đó, cô nướng mấy lát bánh mì trên một vỉ nướng bè bè như cái loại thường thấy trong những phim thời xa xưa. Quần áo và tóc cô vẫn y như tối hôm trước: áo váy xanh nhạt, tóc kẹp ra sau gáy. Da mịn, đẹp và đôi cánh tay trắng như sứ ánh lên trong nắng sớm. Qua cửa sổ mở, một con ong vè vè bay vào như để làm cho bức tranh thêm trọn vẹn. Cô gái mang đồ ăn tới bàn, ngồi xuống một chiếc ghế, nhìn tôi ăn món ốp-lết rau với bánh mì nướng phết bơ, uống trà nóng. Cô không ăn uống gì. Mọi sự lặp lại như tối qua.

“Ở đây, người ta có tự nấu lấy bữa ăn không?” tôi hỏi cô. “Tôi hỏi thế vì thấy cô đến nấu ăn cho tôi.”

“Một số người nấu lấy, một số khác có người nấu hộ,” cô đáp. “Nhưng nói chung, người ở đây chả ăn mấy.”

“Thật ư?”

Cô gật đầu. “Thi thoảng họ mới ăn. Khi nào họ thích.”

“Cô muốn nói không ai ăn nhiều như tôi chứ gì?”

“Anh có thể nhịn cả ngày không ăn được không?”

Tôi lắc đầu.

“Người ở đây thường nhịn ăn cả ngày mà không sao. Trên thực tế, họ thường quên ăn, có khi cả mấy ngày liền.”

“Tôi chưa quen với cuộc sống ở đây, nên tôi vẫn phải ăn.”

“Hẳn thế,” cô nói. “Vì thế em mới đến đây nấu cho anh.”

“Phải mất bao lâu tôi mới quen được với nơi này?” tôi nhìn vào mặt cô, hỏi.

“Bao lâu?” cô nhắc lại và từ từ lắc đầu. “Em không biết. Đây không phải là vấn đề thời gian. Đến lúc ấy, anh sẽ thấy là mình đã quen rồi.”

Chúng tôi ngồi đối diện nhau, hai tay cô úp sấp trên bàn. Mười ngón tay nhỏ nhắn cương nghị của cô rành là thật trước mắt tôi. Trực diện với cô, tôi thấy từng thoáng rung động của hàng mi cô, đếm được từng cái chớp mắt của cô, quan sát từng sợi tóc cô xõa xuống trán. Tôi không thể nào rời mắt khỏi cô.

“Lúc ấy?” tôi hỏi.

“Sẽ không phải như anh cắt bỏ một cái gì khỏi mình và ném nó đi đâu,” cô nói. “Không phải là ném đi mà là nhận lấy, hấp thụ nó vào trong mình.”

“Và tôi sẽ nhận cái đó vào trong tôi?”

“Đúng thế.”

“Rồi thì sao?” tôi hỏi.” Sau khi tôi nhận nó, điều gì sẽ xảy đến?”

Cô khẽ nghiêng đầu ngẫm nghĩ, một cử chỉ hết sức tự nhiên. Những sợi tóc lại đu đưa. “Rồi anh sẽ trở thành bản thân anh trọn vẹn,” cô nói.

“Vậy theo cô, cho đến nay, tôi chưa trọn vẹn là chính tôi?”

“Bây giờ anh cũng hoàn toàn là anh,” cô nói rồi nghĩ lại. “Có nghĩa là hơi khác một tí. Nhưng em không biết diễn tả thế nào cho chính xác.”

“Tức là, chừng nào nó chưa thực sự xảy đến thì ta chưa hiểu hết được, phải không?”

Cô gật đầu.

Tôi nhìn cô mà thấy nhói trong tim và khi điều đó trở nên quá đau đớn, tôi nhắm mắt lại. Nhưng rồi tôi lại mở ra ngay để chắc chắn là vẫn còn đó. “Ở đây, người ta sống theo kiểu cộng đồng, đúng không?”

Cô nghĩ một lúc. “Mọi người sống với nhau và dùng chung một số thứ như nhà tắm, vòi hoa sen, nhà máy điện, chợ. Có một số thỏa thuận ngầm đơn giản, chẳng có gì là phức tạp. Không có gì cần nghĩ ngợi, hoặc thậm chí phải nói ra lời. Cho nên em không cần phải giải thích gì cho anh về cách thức làm cái này cái nọ. Điều quan trọng nhất ở đây là mỗi người cứ để cho sự vật thụ mình vào. Chừng nào anh làm thế, thì chẳng có vấn đề gì.”

“Hấp thụ nghĩa là thế nào?”

“Chẳng hạn như khi anh ở trong rừng, anh trở thành một bộ phận khăng khít của nó. Khi anh ở trong mưa, anh là một phần của cơn mưa. Khi anh ở trong buổi sáng, anh là một bộ phận của buổi sáng. Khi anh ở bên em, anh là một bộ phận

“Khi cô ở bên tôi, cô là một bộ phận không thể tách rời của tôi chứ?”

“Đúng vậy.”

“Cô cảm thấy như thế nào khi cùng lúc vừa là chính mình vừa là một bộ phận của tôi?”

Cô nhìn thẳng vào tôi và đưa tay lên sờ chiếc cặp tóc. “Rất tự nhiên. Một khi đã quen rồi thì hết sức đơn giản. Như là bay ấy.”

“Cô biết bay?”

“Đó chỉ là thí dụ,” cô nói và mỉm cười, một nụ cười không mang ý nghĩa sâu xa hoặc hàm ẩn gì, cười để mà cười thôi. “Anh không thể biết được cảm giác khi bay là thế nào, chừng nào anh chưa thực sự bay. Ý em là như thế.”

“Vậy đó là một điều tự nhiên, thậm chí ta không cần phải nghĩ đến nó?”

Cô gật đầu. “Vâng, nó hoàn toàn tự nhiên, tĩnh mặc, êm đềm, một cái gì đó ta không cần phải nghĩ đến. Nó thoải mái như không ấy.”

“Tôi hỏi nhiều quá, phải không?”

“Không đâu,” cô đáp. “Em chỉ muốn sao có thể giải thích được rõ ràng hơn thôi.”

“Cô có ký ức không?”

Cô lại lắc đầu và đặt tay lên bàn, lần này để ngửa. Cô nhìn tay mình, sắc mặt không biểu lộ gì.

“Không. Ở một nơi mà thời gian không quan trọng thì ký ức cũng thế. Dĩ nhiên, em có nhớ là tối qua đã đến đây nấu món hầm cho anh. Và anh đã ăn hết sạch, phải không? Về hôm trước nữa, em có nhớ một ít. Nhưng x hơn nữa thì em chả nhớ gì. Thời gian đã hòa tan vào trong em và em không còn phân biệt được sự kiện này với sự kiện nọ.”

“Vậy ở đây, ký ức cũng không quan trọng?”

“Đúng,” cô cười tươi rói. “Ở đây, ký ức không quan trọng. Đó là phận sự của thư viện.”

Cô đi rồi, tôi ngồi bên cửa sổ, giơ một bàn tay ra ngoài nắng. Bóng nó in trên thành cửa sổ, rõ nét năm ngón rành rành. Con ong thôi không vo ve bay quanh nữa mà đậu trên một ô kính. Dường như nó có một điều gì cần suy nghĩ nghiêm túc. Và tôi cũng vậy.

Khi mặt trời vượt qua thiên đỉnh, bà đến chỗ tôi đang ở, gõ nhè nhẹ và mở cửa. Trong một lúc, tôi không dám chắc là mình đang nhìn thấy ai – cô gái trẻ hay bà. Chỉ một thoáng chuyển dịch ánh sáng hay cách gió thổi là đủ để người đứng trước mặt biến đổi hoàn toàn: lúc này là cô gái mười lăm, lát sau đã biến thành Miss Saeki. Tuy nhiên, điều đó không thực sự diễn ra. Không nghi ngờ gì nữa, người đứng trước mặt tôi đích thị là Miss Saeki chứ không phải ai khác.

“Chào,” bà nói bằng một giọng tự nhiên như khi chúng tôi gặp nhau trong hành lang thư viện. Bà mặc chiếc sơ mi dài tay màu xanh nước biển và cái váy đồng bộ chấm đầu gối, đeo một chiếc vòng bạc mảnh và hoa tai bằng ngọc trai – hệt như tôi thường thấy bà. Đôi giày cao gót bước trên bậc thềm phát ra những tiếng khô ngắn, một âm thanh hơi lạc điệu ở đây. Từ khung cửa, bà đứng nhìn tôi như thể để kiểm tra xem có thật là tôi hay không. Cố nhiên, đây chính thật là tôi. Cũng như bà đích thị là Miss Saeki.

“Cô vào dùng chén trà nhé?” tôi mời.

“Rất vui lòng,” bà nói. Và như thể, cuối cùng, đã đủ dũng khí, bà bước và

Tôi vào bếp, mở lò, đun nước, cố gữ cho nhịp thở bình thường.

Bà ngồi vào đúng chiếc ghế cô gái vừa ngồi, bên bàn ăn. “Cô có cảm giác như chúng mình lại đang ở thư viện,” bà nói.

“Đúng thế,” tôi tán thưởng. “Chỉ khác cái là không có cà phê và không có Oshima.”

“Và không thấy một cuốn sách nào,” bà nói.

Tôi pha hai tách trà thảo mộc và mang ra bàn, ngồi đối diện bà. Chim líu lo bênngoài cửa sổ mở rộng. Con ong vẫn đang ngủ trên ô kính.

Miss Saeki là người đầu tiên lên tiếng. “Cô muốn cháu biết cô đến đây không dễ dàng gì. Nhưng cô cần gặp cháu và nói chuyện với cháu.”

Tôi gật đầu. “Cháu rất vui thấy cô đến.”

Nụ cười quen thuộc của bà thấp thoáng trên môi. “Có một điều cô muốn nói với cháu.” Nụ cười của bà gần giống với nụ cười của cô gái nhưng có chiều sâu hơn, một nét khác biệt nhỏ khiến tôi xúc động.

Bà ấp cả hai tay quanh tách trà. Tôi nhìn đôi hoa tai ngọc trai nhỏ xíu của bà. Còn bà thì ngẫm nghĩ, lần này lâu hơn mọi khi.

“Cô đã đốt hết những hồi ức của mình,” bà nói, chậm rãi chọn từng chữ. “Chúng đã bốc thành khói và biến mất trong thinh không. Cho nên chẳng bao lâu nữa, cô sẽ quên hết. Quên mọi thứ – kể cả thời gian cô ở bên cháu. Vì thế cô muốn gặp và nói chuyện với cháu trong thời hạn sớm nhất có thể. Trong khi cô hãy còn nhớ.”

Tôi vươn cổ nhìn con ong đậu trên cửa sổ, cái bóng nhỏ xíu của nó chỉ là một chấm đen trên

“Điều quan trọng nhất,” bà nói nhỏ nhẹ, “là cháu phải ra khỏi đây. Đi thật nhanh, hết sức của cháu. Rời khỏi đây, xuyên qua khu rừng và trở về với cuộc đời cháu đã bỏ lại. Cửa vào sắp đóng lại. Hãy hứa với cô là cháu sẽ làm thế.”

Tôi lắc đầu. “Miss Saeki, có điều này cô không hiểu, cháu không có thế giới nào để trở về. Cả đời, chẳng có ai thực sự yêu cháu hoặc cần đến cháu. Cháu chẳng biết ai có thể trông cậy được ngoài bả thân mình. Đối với cháu, cái cụm từ ‘cuộc đời cháu đã bỏ lại’ là vô nghĩa.”

“Nhưng cháu vẫn phải trở về.”

“Ngay cả nếu không có gì chờ cháu ở đó? Ngay cả nếu chẳng ai quan tâm đến sự hiện diện của cháu ư?”

“Đó không phải là lý do,” bà nói. “Đó là điều cô muốn. Cô muốn cháu ở đó.”

“Nhưng cô có ở đấy đâu?”

Bà nhìn xuống hai bàn tay nắm chặt tách trà. “Phải, cô không còn ở đấy nữa.”

“Cô cần gì ở cháu nếu như cháu trở lại đó?”

“Chỉ một điều thôi,” bà nói, ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. “Cô muốn cháu nhớ đến cô. Nếu có cháu nhớ cô, thì dù mọi người khác đều quên, cô cũng bất cần.”

Im lặng trùm lên chúng tôi một lúc. Một im lặng sâu thẳm.

Một câu hỏi dâng lên trong tôi, một câu hỏi lớn đến nỗi nó làm cổ họng tôi nghẹn ắng, khiến tôi gần như không thở được. Cuối cùng, bằng cách nào đó, tôi kìm7;c, nuốt ực xuống và chọn một câu hỏi khác. “Việc tưởng nhớ quan trọng đến thế ư?”

“Cũng tùy,” bà đáp và khẽ nhắm mắt lại. “Trong một số trường hợp, đó là điều quan trọng nhất.”

“Thế mà cô lại đốt hết hồi ức của mình.”

“Cô không cần đến nó nữa,” Miss Saeki đặt hai tay úp sấp trên bàn, như cách cô gái hôm đầu. “Kafka, cô xin cháu một điều. Cô muốn cháu mang bức tranh ấy đi.”

“Cô muốn nói bức tranh trong phòng cháu ở thư viện? Bức tranh vẽ biển?”

“Phải,” Miss Saeki gật đầu, “bức Kafka bên bờ biển. Cô muốn cháu mang nó đi. Mang đi đâu, cô không cần biết. Đến bất kỳ nơi nào cháu đến.”

“Nhưng nó thuộc sở hữu của ai không?”

Bà lắc đầu. “Nó là của cô. Người ấy đã tặng cô trước khi đi học đại học ở Tokyo. Từ đó, nó luôn ở bên cô. Sống ở đâu, cô cũng treo nó lên tường trong phòng cô. Khi cô bắt đầu làm việc ở thư viện Komura, cô trả nó về căn phòng ấy, nơi nó được treo đầu tiên, nhưng chỉ là tạm thời thôi. Cô để lại cho Oshima một bức thư, dặn rằng cô muốn cháu giữ bức tranh đó. Xét cho cùng, về căn nguyên, bức tranh đó là của cháu.”

“Của cháu?”

Bà gật đầu. “Cháu ở trong đó mà. Và cô cũng ở đó, đang nhìn cháu. Bên bờ biển, đã lâu lắm rồi. Gió thổi, những đám mây trắng bồng bềnh và mãi mãi là mùa hè.”

Tôi nhắm mắt lại. Tôi đang ở trên bãi biển và đó là mùa hè. Tôi nằm dài trên một chiếc ghế bố. Tôi có thể cảm thấy lớp vải thô nháp của nó trên làn da. Tôi hít thật sâu mùi biển và thủy triều. Ngay cả nhắm mắt, tôi vẫn cảm thấy chói nắng. Tôi có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ bờ. Tiếng sóng lúc lùi xa, lúc tiến lại gần, như thể thời gian làm nó lắc qua lắc lại. Gần đấy, có người đang vẽ tôi. Và ngồi cạnh anh ta, một cô gái mặc chiếc áo váy ngắn tay màu xanh nhạt đang nhìn về phía tôi. Cô đội một chiếc mũ rơm tết nơ trắng trên mái tóc duỗi thẳng, và vốc cát cho chảy qua kẽ ngón tay. Những ngón tay thon dài: những ngón tay của người chơi dương cầm. Đôi cánh tay mịn màng ánh lên trong nắng. Một nụ cười rất tự nhiên thấp thong trên môi cô. Tôi yêu cô. Và yêu tôi.

Đó là ký ức.

“Cô muốn cháu giữ bức tranh đó mãi mãi,” Miss Saeki đứng dậy đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Mặt trời vẫn còn cao trên bầu trời. Con ong vẫn ngủ. Miss Saeki đưa ngón tay lên che cho đỡ chói mắt và nhìn một cái gì đó ở xa tít, rồi quay lại đối mặt tôi. “Cháu phải đi thôi,” bànói.

Tôi đến bên bà. Tai bà cọ vào cổ tôi và tôi cảm thấy chiếc hoa tai cưng cứng trên làn da. Tôi áp cả hai lòng bàn tay vào lưng bà như thể cố giải mã một tín hiệu trên đó. Tóc bà chạm nhẹ vào má tôi. Bà ghì chặt tôi, những ngón tay bấm mạnh vào lưng tôi. Những ngón tay níu riết lấy bức-tường-thời-gian. Mùi biển, tiếng sóng xô bờ. Có ai gọi tên tôi từ xa, rất xa.

“Cô có phải là mẹ cháu không?” cuối cùng, tôi cũng đủ sức để thốt ra câu hỏi đó.

“Cháu đã biết câu trả lời rồi đấy,” Miss Saeki nói.

Bà nói đúng, tôi đã biết câu trả lời. Nhưng cả hai chúng tôi không ai diễn đạt nó thành lời. Làm thế sẽ tiêu tan hết ý nghĩa của nó.

“Lâu lắm rồi, cô đã bỏ mặc một người mà lẽ ra cô không nên bỏ. Một người mà cô yêu hơn bấ cái gì khác trên đời. Cô sợ rằng một ngày nào đó, cô sẽ mất người đó. Cho nên cô phải chủ động. Nếu như số phận muốn rằng cô phải mất người đó bằng cách này hay cách khác, thì cô quyết định là thà tự mình chủ động bỏ còn hơn. Dĩ nhiên, cô cảm thấy giận dữ, một nỗi giận dữ không bao giờ nguôi. Nhưng đó là một sai lầm lớn. Lẽ ra cô tuyệt đối không nên bỏ người ấy.”

Tôi lặng thinh nghe.

“Con đã bị gạt bỏ bởi cái người duy nhất không bao giờ nên làm điều đó,” Miss Saeki nói. “Kafka… con có tha thứ cho ta không?”

“Con có quyền tha thứ không?”

Bà nhìn vai tôi và gật đầu liền mấy cái. “Chừng nào nỗi giận dữ và sợ hãi không ngăn con.”

“Miss Saeki, nếu con thực sự có quyền tha thứ, thì… vâng, con tha thứ cho cô,” tôi nói.

Mẹ ơi, mày nói, con tha thứ cho mẹ. Và với những lời đó thốt lên thành tiếng, cái phần băng giá trong tim mày sụp đổ.

Bà lặng lẽ buông tôi ra. Bà tháo chiếc cặp tóc ra và không một giây lưỡng lự, đâm mạnh đầu nhọn vào lòng cổ tay trái mình. Tay phải bà ấn chặt nó xuống một mạch ven và máu bắt đầu ứa ra. Giọt đầu tiên giỏ đánh độp xuống sàn nhà. Không một lời, bà giơ cánh tay về phía tôi. Một giọt máu nữa rơi xuống sàn.

Tôi cúi xuống và đặt môi lên vết thương nhỏ, thè lưỡi liếm máu bà, nhắm mắt lại thưởng thức vị của nó. Tôi ngậm chút máu trong miệng và từ từ nuốt. Máu bà chảy sâu và họng tôi. Mặt ngoài khô nứt của tim tôi lặng lẽ hút kiệt nó. Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu mình cần thứ máu ấy đến mức nào. Tâm trí tôi ở tận đâu đâu, nhưng thân xác tôi thì hãy còn ở ngay đây – y như một linh hồn sống vậy. Tôi cảm thấy muốn hút cạn đến giọt máu cuối cùng của bà, nhưng không thể được. Tôi nhấc môi khỏi cánh tay bà và nhìn dõi vào mặt bà.

“Vĩnh biệt Kafka Tamura,” Miss Saeki nói. “Hãy quay về nơi chốn của con và hãy sống.”

“Miss Saeki?” tôi hỏi.

“Gì vậy?”

“Sống có ý nghĩa gì? Quả thật con không hiểu.”

Bà buông tôi ra và nhìn tôi. Đặt một ngón tay lên môi tôi. “Hãy ngắm bức tranh,” bà bình thản. “Hãy tiếp tục nhìn ngắm bức tranh. Như ta đã làm thế.”

Và bà đi. Bà mở cửa ra, không ngoái lại, bước ra ngoài và đóng cửa lại. Tôi đứng ở cửa sổ nhìn theo. Bà nhanh chóng biến mất trong bóng đổ của một ngôi nhà. Tay đặt trên bậu cửa sổ, tôi dõi mắt thật lâu vào chỗ nhà biến mất. Có thể bà còn quên chưa nói một điều gì đó và sẽ quay lại chăng. Nhưng không có chuyện ấy. Tất cả chỉ còn lại một thiếu vắng, giống như một khoảng trống.

Con ong đã thức dậy và vo ve quanh tôi một lúc. Rồi như tôi chợt nhớ ra mình phải làm gì, nó bay vù vù qua cửa sổ ra ngoài. Nắng vẫn rọi xuống. Tôi trở lại bàn, ngồi xuống. Tách trà bà uống dờ còn đó. Tôi để nó ở nguyên chỗ, không đụng đến. Cái tách tựa như một ẩn dụ. Một ẩn dụ về ký ức chẳng bao lâu sẽ mất đi.

Tôi cởi chiếc sơ mi và mặc lại chiếc áo phông thấm mồ hôi hôi rình. Tôi đeo chiếc đồng hồ chết vào cổ tay trái. Rồi tôi đội chiếc mũ Oshima cho, lộn đằng trước ra sau, và đeo cặp kính râm mắt xanh da trời vào. Cuối cùng, tôi mặc chiếc áo sơ mi dài tay ra ngoài. Tôi vào bếp, vặn vòi nước uống một cốc, rồi bỏ cốc không vào bồn rửa và nhìn quanh phòng một lần cuối. Nhìn cái bàn ăn và những chiếc ghế. Nhìn chiếc ghế cô gái và Miss Saeki đã ngồi. Tách tr trên bàn. Tôi nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu. Con đã biết câu trả lời rồi đấy.

Tôi mở cửa, ra ngoài và đóng cửa lại. Bước xuống các bậc thềm, bóng đổ rõ nét trên mặt đất, như thể nó bám riết lấy chân tôi. Mặt trời vẫn còn cao vòi vọi.

Ở chỗ cửa rừng, hai người lính đang tựa vào một thân cây như thể họ vẫn đang chờ tôi. Trông thấy tôi, họ không hỏi một câu. Tựa hồ họ đã biết tôi đang nghĩ gì. Rồi họ khoác súng lên vai.

Người lính cao đang nhai một cọng cỏ.

“Cửa rừng vẫn còn mở,” anh nói. “Ít nhất là cách đây một phút, khi anh kiểm tra thì nó vẫn mở.”

“Chú em không phiền nếu các anh đây vẫn giữ nhịp đi như trước chứ?” anh to con hỏi. “Chú em theo được chứ?”

“Không vấn đề. Em theo kịp được.”

“Nhưng nếu ta đến đó mà cửa đóng rồi thì thành vấn đề đấy,” anh cao bổ sung.

“Thế thì chú em sẽ bị kẹt ở đây đấy,” anh to con nói thêm.

“Em biết,” tôi nói.

“Rời khỏi đây, chú em không tiếc à?” anh cao hỏi.

“Không hề.”

“Vậy thì ta đi thôi.”

“Tốt nhất là đừng nhìn lại đằng sau,” anh to con nói.

“Phải, đó là một ý hay,” anh cao bình luận

Và một lần nữa, tôi lại đi xuyên rừng.

Một lần, khi đang leo một con dốc, tôi có ngoái nhìn lại. Mặc dù hai anh đã cảnh báo, tôi vẫn không đừng được. Đây là điểm cuối cùng từ đó có thể nhìn thấy thị trấn. Đi quá nữa, nó sẽ khuất hẳn sau một bức tường cây cao và cái thế giới ấy sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi tầm mắt tôi.

Phố xá vẫn tịnh không một bóng người. Một dòng suối đẹp chảy qua thung lũng, những ngôi nhà nhỏ hai bên đường, những cột điện đổ bóng dài trên mặt đất. Trong một lúc, tôi sững ra tại chỗ. Tôi phải quay lại, bất kể là thế nào. Ít nhất tôi cũng có thể ở đến chiều, khi cô gái với cái túi vải đến thăm tôi. Hễ anh cần là em sẽ đến ngay. Có một cục gì đó nóng rát và một thứ nam châm cực mạnh hút tôi trở lại về phía đó. Chân tôi như bị đổ chì, không nhúc nhích được. Nếu tôi đi, tôi sẽ không bao giờ gặp lại cô. Tôi dừng lại. Tôi mất hết ý thức về thời gian. Tôi muốn kêu to với hai anh lính đi phía trước: Em không về nữa đâu, em ở lại. Nhưng không một tiếng nào được thốt ra. Lời chữ mất hết sức sống rồi.

Tôi bị kẹt giữa hai khoảng trống. Tôi không biết thế nào là phải, thế nào là quấy. Tôi cũng không biết mình muốn gì nữa. Tôi đang đứng trơ trọi giữa một cơn bão cát khủng khiếp. Tôi không cử động được, thậm chí không nhìn thấy đầu ngón tay mình nữa. Cát trắng như xương nghiền thành bột siết chặt quanh tôi. Nhưng tôi nghe thấy Miss Saeki nói với tôi bằng một giọng cương quyết: “Bất kể thế nào, con cũng phải trở về. Ta muốn thế. Muốn con phải ở đó.”

Ma thuật bị phá vỡ và tôi định thần lại. Máu nóng trở lại cơ thể tôi. Máu bà truyền cho tôi, những giọt máu cuối cùng còn lại nơi bà. Phút sau, tôi quay mặt về phía trước và đi theo hai anh lính. Tôi rẽ ngoặt một góc đường và cái thế giới nhỏ bé dưới thung kia biến mất, tani mộng. Giờ tôi chỉ tập trung vào việc đi qua rừng mà không bị lạc. Không chệch khỏi con đường mòn. Đó là điều quan trọng tôi phải làm.

Cửa rừng vẫn còn mở. Hãy còn thì giờ cho đến tối. Tôi cảm ơn hai anh lính. Họ đặt súng xuống và, như hôm trước, lại ngồi lên tảng đá lớn bằng phẳng. Anh cao vẫn đang nhấm nháp một cọng cỏ. Họ không hề thở dốc sau cuốc xuyên rừng với tốc độ đứt hơi.

“Đừng quên điều anh nói với chú em về lưỡi lê đấy,” anh cao nói. “Khi chú em đâm lê vào kẻ địch, chú em phải vừa xoáy vừa rạch cho nát ruột nó ra. Nếu không, nó sẽ làm thế với chú em. Cái thế giới ngoài ấy nó là thế.”

“Nhưng không phải chỉ có vây,” anh to con nói.

“Tất nhiên,” anh cao đáp và hắng giọng. “Đấy là mình nói về cái mặt tối của sự vật thôi.”

“Cũng thật khó để phân biệt cái đúng với cái sai,” anh to con nói.

“Nhưng đó lại chính là điều ta phải làm,” anh cao nói.

“Có lẽ thế,” anh to con nói.

“Còn một điều nữa,” anh cao nói. “Một khi chú em rời khỏi đây, chớ có ngoái nhìn lại chừng nào chú em chưa tới đích. Không một lần nào, chú em hiểu không?”

“Cái đó quan trọng đấy,” anh to con nhấn thêm.

“Ban nãy, không hiểu sao chú em thoát được,” anh cao nói, “nhưng lần này thì nghiêm trọng đấy. Chưa tới nơi định đến, thì đừng bao giờ ngoái nhìn lại.”

“Đừng bao giờ,” anh to con nói.

“Em hiểu,” tôi nói với hai anh.

Tôi cảm ơn họ một lần nữa và chào tạm biệt.

Hai anh đứng nghiêm chào kiểu nhà binh. Tôi biết sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Họ cũng biết thế. Và đôi bên đều biết thế, chúng tôi vĩnh biệt nhau.

Tôi không nhớ rõ lắm là sau khi chia tay với hai anh lính, tôi đã làm thế nào để về được tới căn nhà gỗ của Oshima. Chắc là trong khi băng qua rừng rậm, tâm trí tôi để tận đâu đâu. Kỳ lạ thay, tôi lại không bị lạc. Tôi nhớ mang máng là đã thấy chiếc ba lô nhỏ bị vứt đi hôm rồi và đã nhặt nó lên như cái máy. Với chiếc la bàn, chiếc rìu nhỏ, chiếc bình xịt sơn cũng thế. Tôi cũng nhớ lúc thấy lại những dấu sơn vàng đã xịt trên các thân cây như những cái vẩy do một con bướm đêm khổng lồ để lại.

Tôi đứng trong khoảng phát quang trước căn nhà gỗ và nhìn lên trời. Thế giới quanh tôi bỗng tràn đầy những âm thanh tưng bừng: tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách, tiếng gió rung lá xào xạc. Tất thảy đều nhỏ nhẹ, nhưng, với tôi, dường như thể những cái nút bịt chặt lỗ tai vừa được mở bung ra và tất thảy đều vang lên gần kề, sinh động và ấm áp xiết bao. Tất cả quyện lẫn với nhau, tuy nhiên, tôi vẫn phân biệt được từng âm thanh riêng lẻ. nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay: nó lại chạy rồi. Những con số nhấp nháy trên màn hình bé xíu, mỗi phút lại thay đổi, như không có chuyện gì xảy ra vậy. Lúc này là 4 giờ 16 phút.

Tôi vào nhà và cứ để nguyên quần áo nằm trên giường. Kiệt lực. Tôi nằm ngửa và nhắm mắt lại. Một con ong đậu trên cửa sổ. Cánh tay cô gái ánh lên dưới nắng như sứ. “Đó chỉ là thí dụ thôi,” cô nói.

“Hãy nhìn ngức tranh,” Miss Saeki nói. “Như cô đã từng làm thế.

Những hạt-cát-thời-gian trắng xóa chuội qua giữa những ngón tay thon dài của cô gái. Sóng nhẹ nhàng xô bờ, trào lên, rớt xuống rồi vỡ ra. Trào lên, rớt xuống rồi vỡ ra. Và ý thức của tôi bị hút vào một hành lang tối om.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.