Chân dung một chàng trai trẻ
Chương I – Phần 5
Đó có phải là tội lỗi khi cha Arnall giận dữ hay là cha được quyền bực tức khi những học sinh lười nhác và vì như vậy sẽ làm bọn chúng học tập tốt hơn; hay là cha chỉ giả vờ tức giận? Tại vì cha được phép tức giận do là cha xứ, ông sẽ biết đâu là tội lỗi và sẽ không thể mắc lỗi được. Nhưng nếu cha một lần mắc lỗi, cha sẽ làm gì để xưng tội? Có lẽ cha sẽ xưng tội với một linh mục. Và nếu linh mục mắc tội, mục sư sẽ xưng tội với cha xứ: còn cha xứ xưng tội với cha chánh xứ địa phương: và cha chánh xứ địa phương xưng tội với tổng hội giám mục. Đó được gọi là ngôi thứ: và cậu đã từng được nghe cha cậu nói rằng họ đều là những người thông minh. Tất cả họ sẽ trở thành những người đầy quyền lực trên thế giới này nếu họ không trở thành những thầy tu. Và cậu trầm ngâm suy nghĩ là cha Arnall và Paddy Barrett sẽ trở thành người mà ông McGlade và ông Gleeson sẽ trở thành nếu họ không chọn con đường trở thành thầy tu. Thật khó để nghĩ về điều đó tại vì phải nghĩ về họ với các cách nhìn khác nhau, những màu sắc quần áo khác nhau; râu, ria mép và các kiểu mũ khác nhau.
Cửa lớp mở ra nhẹ nhàng và đóng lại. Một tiếng thì thầm chạy xuyên suốt lớp học: cha giáo vụ. Một khoảnh khắc yên lặng đáng sợ và một lát sau một tiếng kêu của một chiếc roi da vang lên từ bàn cuối cùng. Stephen cảm thấy tim mình sắp nhảy ra khỏi lồng ngực vì sợ hãi.
– Có cậu học trò nào muốn ăn đòn roi ở đây không cha Arnall? – Cha giáo vụ hét lên. – Còn kẻ lười nhác nào trong lớp này muốn ăn đòn roi nào?
Ông ta đi đến giữa lớp học và nhìn Fleming đang quỳ gối xuống nền.
– Hô hô! – Ông ta hét lên. – Cậu này là ai? Tại sao lại phải quỳ? Tên cậu là gì, con trai?
– Fleming, thưa cha.
– Hô hô, Fleming! Một chú nhóc lười biếng. Ta có thể thấy sự lười biếng trong mắt con. Tại sao cậu ta phải quỳ, cha Arnall?
– Cậu ấy viết bài luận La-tinh sai – cha Arnall trả lời – và cậu ta quên hết các quy tắc ngữ pháp.
– Dĩ nhiên là cậu ta quên hết! – Ông ta kêu lên – Dĩ nhiên là cậu ta quên! Một kẻ lười nhác! Ta có thể nhìn thấy điều này ở khóe mắt con.
Ông ta quật mạnh chiếc roi da lên trên mặt bàn và thét lên:
– Đứng dậy, Fleming! Đứng dậy chú nhóc! Fleming từ từ đứng dậy.
– Xòe tay ra! – Cha giáo vụ hét lên.
Fleming xòe bàn tay ra. Chiếc roi quật xuống bàn tay Fleming: một, hai, ba, bốn, năm, sáu.
– Tay kia!
Chiếc roi lại quật xuống lần nữa với sáu tiếng kêu.
– Quỳ xuống! – cha giáo vụ quát lớn.
Fleming quỳ xuống, mặt cậu nhăn nhó vì đau đớn. Stephen cảm nhận được đôi tay của Fleming đau như thế nào. Có lẽ cậu ấy sẽ cảm thấy rất đau đớn vì đòn roi, những tiếng roi vụt thật khủng khiếp. Trái tim của Stephen đang đập thình thịch.
– Khi học tập, tất cả mọi học sinh! – Cha giáo vụ nói. – Chúng ta không muốn bất cứ kẻ lười biếng nào ở đây, những kẻ gian dối luời biếng. Khi học tập, ta tuyên bố với các con. Cha Dolan sẽ kiểm tra việc học tập của các con hằng ngày. Cha Dolan sẽ đến đây ngày mai.
Ông ta đẩy nhẹ một cậu bé ở bên cạnh bằng chiếc roi và lên tiếng hỏi:
– Này, cậu nhóc! Khi nào cha Dolan sẽ đến đây?
– Ngày mai, thưa cha – Tom Furlong nói.
– Ngày mai, ngày mai và ngày mai – cha giáo vụ nhắc lại với sự hăm dọa. – Hãy nhớ tới điều trên nhé. Ngày nào cũng có cha Dolan. Cậu nhóc cậu tên gì?
Tim Stephen bất ngờ đập dồn dập.
– Dedalus – thưa cha.
– Tại sao mày không viết bài như những người khác?
– Co… n…
Cậu không thể nói được trong hoảng sợ.
– Tại sao cậu ta không viết luận hả cha Arnall?
– Kính cậu ấy bị vỡ – cha Arnall trả lời – tôi miễn cho cậu ấy viết lại hôm nay.
– Vỡ à? Tôi nghe thấy điều quái gì vậy? Tên cậu là gì nhỉ! – Ông ta gào lên.
– Ra đây, Dedalus. Một kẻ gian dối lười nhác. Cha nhìn thấy sự gian dối trong mắt con. Con bị vỡ kính ở đâu?
Stephen loạng choạng chạy ra giữa lớp, lòa mắt đi hấp tấp vì sợ hãi.
– Con làm vỡ kính ở đâu? – Cha Arnall nhắc lại.
– Trên đường đổ xỉ than – thưa cha.
– Hô hô! Trên đường đổ xỉ than! – Cha giáo vụ mỉa mai. – Ta biết đây chỉ là một trò gian trá.
Stephen ngước mắt lên nhìn trong sự ngỡ ngàng. Khuôn mặt cha Dolan đọng trong tâm trí cậu trong một khoảnh khắc – một khuôn mặt trắng lợt nhưng không còn trẻ, cái đầu hói trắng xám với hai làn tóc mỏng hai bên mặt, đôi mắt không màu lạnh lùng như thép hiện ra qua đôi mắt kính. Tại sao ông ta lại bảo là biết được đó là một trò gian trá?
– Một kẻ gian trá lười biếng! – Cha giáo vụ thét lên. – Vỡ kính ư! Một trò lừa đảo trẻ con! Hãy xòe tay ra!
Stephen nhắm nghiền đôi mắt và xòe ngửa đôi bàn tay run run ra trước mặt. Cậu cảm giác thầy quản giáo chạm vào những ngón tay của cậu để nắn thẳng chúng ra. Và sau đó là tiếng sột soạt của ống tay áo xutan khi cái roi vung lên chuẩn bị đánh đòn. Một tiếng kêu giống như tiếng gãy khi bẻ một chiếc que, đôi bàn tay cậu run run co lại như chiếc lá bị vứt vào trong đống lửa: tiếng kêu rên và những giọt nước mắt nóng bỏng lăn từ đôi mắt cậu trong sự đau đớn. Toàn thân cậu đang run lên trong hoảng sợ, cánh tay cậu co lại như bị đốt nóng đang rung mạnh giống như chiếc lá sắp rụng trước làn gió. Một tiếng kêu thét ra từ đôi môi cậu, một lời cầu xin sắp được thốt ra. Nhưng mặc dù những giọt nước mắt chảy giàn giụa và tứ chi cậu run lên bần bật vì đau đớn và hoảng sợ, cậu cố gắng giữ không khóc mà chỉ kêu thầm trong họng.
– Tay kia! – Cha giáo vụ quát lớn.
Stephen co cánh tay phải đau đớn, run rẩy lại và chìa cánh tay trái ra. Ống tay áo xa-tun lại sột soạt khi roi vung; những tiếng kêu của roi da lại vang lên từng cái từng cái một. Sự đau đớn đốt cháy trong cậu làm cho cánh tay cậu chùng xuống với bàn tay và các ngón tay với các vết thương thâm tím. Dòng nước mắt nóng hổi vẫn trào ra từ khóe mắt Stephen trong nỗi tủi nhục, thống khổ và sợ hãi. Cậu co cánh tay đang run lên bần bật lại trong sợ hãi và thốt lên tiếng rên rỉ trong đau đớn. Toàn thân cậu rung mạnh vì đau đớn và hổ thẹn và tức tối. Cậu cảm thấy tiếng khóc nức nở phát ra từ trong cổ họng và dòng nước mắt nóng bỏng trào ra khỏi khóe mắt từ từ lăn xuống đôi má đỏ bừng.
– Quỳ xuống – cha giáo vụ thét lên.
Stephen vội vàng quỳ xuống tÌ hai bàn tay đau đớn sang hai bên. Khi nghĩ đến hai bàn tay bị đòn roi sưng lên vì đau đớn, cậu cảm thấy hối tiếc cho chúng như thể chúng không phải là đôi bàn tay của mình mà là của những người khác phải chịu đòn roi như cậu. Và khi quỳ xuống, cậu cố gắng giữ những tiếng nức nở cuối cùng trong cổ họng và cảm giác đau đớn xuyên ra hai bên sườn. Cậu nghĩ đến đôi bàn tay vừa xòe ngửa ra trong không khí và cái roi quật mạnh mẽ của thầy giáo vụ xuống bàn tay xoè ra của cậu, khi cậu đã cố giữ các ngón tay run rẩy và bị đánh đến tím đỏ lên đã không có khả năng giơ thẳng ra nữa.
– Hãy tập trung vào học, tất cả các cậu. – Cha giáo vụ hét lớn ở cửa trước khi bỏ đi. – Cha Dolan sẽ đến đây thường xuyên để kiểm tra và xem xem những ai lười nhác muốn ăn đòn roi. Cha sẽ đến hằng ngày, hằng ngày.
Cánh cửa lớp khép lại sau lưng ông.
Lớp học im lặng và tiếp tục chép bài. Cha Arnall đứng dậy và đi đến chỗ những đứa trẻ động viên chúng bằng những lời nói nhẹ nhàng và chỉ bảo chúng những lỗi chúng mắc phải. Giọng nói của cha nhẹ nhàng và hiền từ. Lát sau, cha quay trở về ghế ngồi và nói với Fleming và Stephen:
– Hai con có thể quay về chỗ ngồi.
Fleming và Stephen đứng dậy, đi về phía chỗ của mình và ngồi xuống. Stephen, đỏ bừng mặt lên vì xấu hổ, vội vàng mở sách ra bằng một tay yếu ớt, cúi mặt gần sát quyển sách.
Điều này thật tàn nhẫn và không công bằng bởi lẽ bác sĩ đã khuyên cậu ấy không nên đọc sách mà không có kính. Và cậu đã viết thư về cho cha cậu ngay trong buổi sáng hôm đó để cha cậu gửi cho một cặp kính khác. Hơn nữa, cha Arnall nói rằng cậu không phải làm bài cho đến lúc có cặp kính mới. Lại còn gọi cậu ấy là kẻ lừa đảo trước mặt cả lớp và bị đánh đòn trong khi cậu luôn là một trong những người đạt điểm cao nhất nhì lớp và cậu còn là đội trưởng của đội Yorkists! Làm sao mà cha giáo vụ lại có thể cho rằng đó là một trò lừa đảo? Cậu cảm giác được cái chạm tay của cha giáo vụ, những ngón tay của ông ta khi duỗi thẳng bàn tay của cậu ra. Lúc đầu cậu tưởng rằng ông ta sẽ bắt tay với cậu bởi vì những ngón tay của ông ta trơn tru và cứng cáp. Nhưng ngay sau đó cậu nghe thấy tiếng sột soạt của ống áo choàng xa-tun và tiếng roi vọt. Thật không công bằng và tàn nhẫn khi bắt cậu quỳ ở giữa lớp. Thế mà cha Arnall đã bảo cả hai về chỗ ngồi mà không chỉ ra sự khác biệt giữa hai lỗi của Stephen và Fleming. Stephen lắng nghe giọng nói trầm ấm của cha Arnall khi ông ấy sửa những lỗi trong bài luận. Có lẽ bây giờ cha cảm thấy hối tiếc và muốn tử tế với bọn học trò. Nhưng thật tàn nhẫn và không công bằng. Quản giáo là một cha xứ nhưng lại tàn nhẫn và không công bằng. Và khuôn mặt trắng lợt của ông ta với đôi mắt không màu lạnh lùng ẩn dưới gọng kính thép trông thật độc ác bởi vì lúc đầu ông ta duỗi thẳng bàn tay Stephen bằng các ngón tay trơn tru và cứng cáp với mục đích là để đánh vào tay cậu dễ dàng hơn và đau hơn.
– Đó là một điều thật tồi tệ, thật sự bất công – Fleming bực tức trong hành lang khi cả lớp xếp hàng ra phòng ăn – khi đánh một học sinh trong khi cậu ấy vô tội.
– Cậu chẳng may làm vỡ chiếc kính đúng không? – Nasty Roche hỏi.
Stephen cảm thấy uất ức đến tận cổ khi nghe thấy những lời nhận xét của Fleming và cậu không trả lời.
– Tất nhiên là chẳng may! – Fleming nói. – Tao sẽ không dừng câu chuyện ở đây. Tao sẽ đi trình bày việc này với cha hiệu trưởng.
– Đúng đấy – Cecil Thunder hăng hái hưởng ứng – và tao còn nhìn thấy ông ta giơ chiếc roi qua vai mà nhẽ ra ông ấy không được phép làm như vậy.
– Cậu đau lắm không? – Nasty Roche hỏi.
– Rất đau – Stephen trả lời.
– Tao không chịu nổi cái đầu hói đấy và bất kì cái đầu hói nào, Fleming nhắc lại. – Đó là một cái bẫy xấu xa tồi tệ và thật sự bất công. Tao sẽ trình bày thẳng việc này với cha hiệu trưởng sau bữa tối.
– Đúng đó, phải làm như vậy. Đúng đó, phải làm như vậy – Cecil Thunder quyết liệt.
– Đúng đó, phải làm như vậy. Đúng, hãy đến và trình bày với cha hiệu trưởng đi, Dedalus – Nasty Roche hô lên – vì thầy giáo nói là sẽ lại đến lớp chúng ta vào
ngày mai.
– Đúng đấy! Đúng đấy! Hãy trình bày với cha hiệu trưởng – tất cả học sinh đồng thanh.
Có một vài học sinh khóa trên đang lắng nghe câu chuyện và một trong số họ hô lên:
– Nghị viện và người theo Thiên Chúa giáo La Mã tuyên bố rằng Dedalus đã bị đòn oan.
Điều đó là không đúng. Thật tàn nhẫn và không công bằng. Khi ngồi trong phòng ăn, cậu cảm thấy đau đớn triền miên trong kí ức về nỗi tủi nhục cho đến khi cậu bắt đầu nghi ngờ không biết có cái gì trên mặt cậu vì thế mà cha Dolan đã gọi cậu là kẻ lừa đảo và cậu ước gì có một chiếc gương nhỏ để soi và kiểm tra lại. Nhưng chắc là không thể có cái gì đó trên mặt được: thật bất công và tàn nhẫn.
Stephen không thể ăn được món cá rán màu đen đen mà cá đã bị đánh bắt vào ngày thứ tư ở Lent, rồi cả một trong số củ khoai tây của cậu có hình con pích trên đó. Đúng vậy, cậu sẽ làm theo những điều các học sinh khác đã nói với cậu. Cậu sẽ đến gặp và trình bày với cha hiệu trưởng rằng cậu bị đánh đòn oan. Một việc tương tự như thế đã được ai đó làm trong lịch sử. Họ là những anh hùng trong những quyển sách lịch sử. Rồi cha hiệu trưởng sẽ tuyên bố rằng cậu đã bị đánh đòn oan bởi lẽ những người theo Thiên Chúa giáo La Mã và nghị viện đã tuyên rằng cha giáo vụ đã đánh đòn oan học sinh. Họ là những anh hùng, những con người vĩ đại trong lịch sử mà tên tuổi của họ có trong cuốn Luận bàn của Richmal Magnall. Lịch sử luôn xoay quanh những con người như vậy cùng với những việc họ đã làm và đó là những câu chuyện ngụ ngôn của Peter Parley về Hy Lạp và Đế quốc La Mã. Chính ảnh của Peter Parley được in lên bức tranh ở trang đầu tiên. Có một con đường nhiều cỏ và những bụi rậm nho nhỏ hai bên đường xuyên qua những cây thạch nam, và Peter Parley với một chiếc mũ to giống như mũ của vị mục sư đạo Tin lành cùng với một cây gậy lớn để ông đi bộ được nhanh hơn trên con đường đến Hy Lạp và Roma.
Những gì cậu cần làm thật đơn giản. Tất cả đó là khi bữa ăn tối kết thúc, cậu xếp hàng ra khỏi phòng ăn theo thứ tự nhưng không phải là đi ra hành lang theo thường lệ mà là đi lên cầu thang ở bên tay phải hướng thẳng đến pháo đài. Cậu chẳng có việc gì để làm ngoài điều đó: rẽ sang phía tay phải, đi nhanh lên cầu thang và trong vòng nửa phút cậu đã đến được hành lang tối, thấp và hẹp ở đó dẫn thẳng tới pháo đài và tới phòng của cha hiệu trưởng. Mọi học sinh đều cho rằng điều đó thật bất công, ngay cả những học sinh có trình độ trên lớp hai cũng đã nói rằng nghị viện và người La Mã cũng có cùng suy nghĩ.
Điều gì sẽ xảy ra?
Cậu nghe thấy những học sinh khóa trên đang đứng phía trên phòng ăn và cậu nghe thấy những tiếng bước chân khi họ đi trên tấm thảm: Paddy Rath, Jimmy Magee, cậu học sinh người Tây Ban Nha, cậu học sinh người Bồ Đào Nha và người thứ năm to béo là Corrigan sắp sửa bị ông Gleeson đánh đòn. Đó là lí do tại sao cha giáo vụ đã gọi cậu là kẻ lừa đảo và đã trừng phạt cậu một cách oan ức. Với đôi mắt căng thẳng mệt mỏi vì những giọt nước mắt, cậu quan sát đôi vai to và rộng của Corrigan mang theo cái đầu đen đang di chuyển trong hàng.
Nhưng Corrigan đã làm vài việc sai trái và hơn nữa ông Gleeson sẽ không đánh đau cậu ấy: và cậu nhớ lại Corrigan to béo như thế nào trong phòng tắm. Cậu ấy có nước da đen như màu nước than bùn. Khi cậu ấy đi bộ dọc trong nhà tắm, đôi chân trần của cậu ấy tiếp xúc với sàn lát đá phát ra tiếng kêu vang vang và mỗi lần chân đặt xuống sàn, bắp đùi cậu ta rung lên vì cậu ta béo quá.
Nhà ăn bây giờ đã vơi đi một nửa và bọn học sinh vẫn đang ở trong hàng ra khỏi nhà ăn. Stephen có thể đi lên cầu thang bởi lẽ chẳng khi nào có một cha xứ hay cha quản giáo nào ở ngoài cửa phòng ăn. Nhưng cậu không thể đi được. Thầy hiệu trưởng sẽ đứng về phía cha giáo vụ và cho rằng đó là một trò lừa bịp của trẻ con; cha giáo vụ sẽ vẫn đến lớp cậu hằng ngày và mọi chuyện lại lặp lại khủng khiếp còn hơn cả trước đó vì ông ta tức giận về việc một học sinh đến gặp cha hiệu trưởng và tố cáo ông ta. Các học sinh xúi giục cậu ta đến gặp thầy hiệu trưởng nhưng chúng lại không chịu đi. Chúng đã quên tất cả mọi chuyện rồi. Không! Tốt nhất là quên đi tất cả mọi việc và có lẽ cha giáo vụ chỉ nói là có thể sẽ quay lại kiểm tra lớp học mà thôi. Không! Tốt nhất là hãy giấu mình vì khi ta còn trẻ và nhỏ bé ta thường trốn chạy bằng cách này.
Những học sinh ở bàn ăn của cậu đứng dậy. Cậu cũng đứng dậy và cùng họ xếp hàng ra khỏi phòng. Cậu phải quyết định. Cậu tiến gần về phía cửa. Nếu cậu tiếp tục đi cùng những học sinh khác cậu sẽ chẳng bao giờ đi tới gặp cha hiệu trưởng bởi lẽ cậu không thể rời khỏi sân chơi vì điều đó. Rồi nếu cậu quyết định đi và cũng lại sẽ bị đánh đòn như trước thì bạn bè sẽ lấy đó làm đề tài chế giễu một Dedalus ngây thơ đi tố giác cha giáo vụ với cha hiệu trưởng.
Cậu đang đi dọc theo tấm thảm và cậu nhìn thấy cánh cửa trước mặt mình. Không thể được: cậu không thể làm được điều đó. Cậu nghĩ đến cái đầu hói của cha giáo vụ với đôi mắt không màu độc ác nhìn cậu và cậu nghe thấy giọng nói của ông ta hai lần vang lên hỏi tên cậu là gì. Tại sao ông ta lại không thể nhớ được tên cậu ấy sau lần hỏi đầu tiên nhỉ? Có phải ông ấy không lắng nghe câu trả lời lần đầu hay ông ta cố tình trêu đùa với cái tên Dedalus của cậu? Những con người vĩ đại trong lịch sử cũng có những cái tên như vậy nhưng chẳng ai dám đùa cợt với những cái tên đó cả. Đây là tên riêng của cậu và cậu có quyền vui đùa với nó nếu cậu muốn. Dolan: nó giống như một cái tên của đàn bà thợ giặt quần áo.
Cậu đi tới cửa và nhanh chóng đi thẳng lên theo phía tay phải, đi lên cầu thang. Và trước khi có thể thay đổi quyết định, cậu đã bước vào hành lang nhỏ, hẹp và tối tăm dẫn đến pháo đài. Khi băng qua ngưỡng cửa của hành lang, không cần quay đầu lại, cậu nhìn thấy tất cả học sinh đang nhìn dõi theo cậu trong khi xếp hàng ra khỏi phòng ăn.
Cậu bước dọc theo hành lang nhỏ, hẹp và tối, băng qua những cánh cửa nhỏ của những căn phòng trong pháo đài. Cậu nhòm ngó đằng trước, bên trái rồi bên phải xuyên qua bóng tối và nghĩ rằng chúng chắc chắn là những bức chân dung. Hành lang tối om và yên tĩnh và đôi mắt không kính mệt mỏi vì chảy nước mắt làm cậu không thể nhìn rõ được. Nhưng cậu cho rằng chúng là chân dung của những vị thánh và chân dung của những con người vĩ đại sắp xếp theo trật tự thời gian. Họ đang im lặng, chăm chú nhìn cậu khi cậu đi qua họ: thánh Ignatius Loyola đang cầm một cuốn sách mở, tay đang chỉ vào những từ “Vì sự vinh quang vĩ đại hơn của Chúa”[2] trong cuốn sách đó; cha Francis Xavier chỉ tay vào ngực ông ta; Lorenzo Ricci với phù hiệu trên đầu trông giống như một trong những thầy quản giáo, ba vị thần hộ mệnh cho những con chiên trẻ tuổi – thánh Stanislaus Kostka, thánh Aloysius Gonzago, và thánh Blessed John Berchmans, tất cả bọn họ đều có những khuôn mặt trẻ trung vì họ chết khi còn quá trẻ, và cha Peter Kenny đang ngồi trong chiếc ghế có áo choàng.
Cậu đi qua đầu cầu thang đằng trước lối vào phòng lớn và nhìn xung quanh. Đó là nơi Hamilton Rowan đã đi qua và dấu vết của những viên đạn của người lính vẫn còn đó. Tại đó, những người hầu già đã nhìn thấy những bóng ma trong chiếc áo choàng trắng của một thống chế.
[2] Một khẩu hiệu của những thày tu dòng Tên.
Một người hầu già đang quét dọn tại cuối đầu cầu thang. Stephen hỏi ông ta đâu là phòng của cha hiệu trưởng và người hầu già chỉ một phòng ở tít cuối đằng xa và ông ta dõi theo Stephen khi cậu tiếp tục đi và gõ cửa.
Không có câu trả lời nào cả. Cậu gõ cửa một lần nữa và to hơn lần trước. Tim cậu đập mạnh khi cậu nghe một giọng nói bị nghẹt lại:
– Mời vào!
Cậu vặn núm cửa, mở cánh cửa phòng và dò dẫm tìm núm cửa màu xanh bọc nhung bên trong. Cậu tìm thấy nó, đẩy mạnh cửa ra và bước vào.
Cậu nhìn thấy cha hiệu trưởng đang ngồi trên một chiếc bàn và đang viết cái gì đó. Có một chiếc đầu lâu trên bàn và một mùi là lạ trong phòng giống như mùi da cũ của những chiếc ghế.
Tim cậu đang đập mạnh vì cậu đang đứng ở một nơi rất uy nghi và yên lặng; và cậu nhìn về phía cái đầu lâu và khuôn mặt hiền từ của cha hiệu trưởng.
– Chào cậu bé, cha hiệu trưởng nói, có chuyện gì vậy? Stephen nuốt một vật gì đó trong cổ họng lấy hết can đảm nói:
– Con đánh vỡ chiếc kính, thưa cha. Cha hiệu trưởng ngạc nhiên nói:
– Ồ!
Lát sau ông mỉm cười và nói:
– Nếu bị vỡ kính, chúng ta phải viết thư về nhà để có một chiếc kính khác.
– Con đã viết thư về nhà rồi, thưa cha, – Stephen trả lời, – Và cha Arnall nói rằng con không cần phải học bài cho đến khi con có đôi kính mới.
– Rất đúng! – Cha hiệu trưởng tán thành.
Stephen lại nuốt một vật gì đó trong cổ một lần nữa và cố gắng không để đôi chân và giọng nói của mình run lên.
– Nhưng, thưa cha.
– Có chuyện gì vậy?
– Hôm nay cha Dolan đã vào lớp và đánh đòn con vì con không viết bài luận.
Cha hiệu trưởng nhìn Stephen trong im lặng và cậu có thể cảm nhận được máu đang dồn lên khuôn mặt mình và những giọt nước mắt đang sắp trào ra từ khóe mắt.
Cha hiệu trưởng nói:
– Có phải tên con là Dedalus không?
– Vâng, thưa cha.
– Thế con làm vỡ kính ở đâu vậy?
– Trên đường rải xỉ than, thưa cha. Một học sinh ngã khỏi chiếc xe đạp và va vào con làm con ngã, chiếc kính văng ra và vỡ mất. Con không biết tên bạn đó.
Cha hiệu trưởng nhìn cậu một lần nữa trong im lặng. Lát sau ông cười và nói:
– Ồ, được rồi, đây là một sự hiểu lầm. Thầy tin là cha Dolan không biết điều này.
– Nhưng, thưa cha, con đã giải thích với cha Dolan rằng con làm vỡ kính nhưng ông ấy vẫn đánh đòn con.
– Con có nói với cha Dolan rằng con đã viết thư về nhà để lấy kính mới không? – Cha hiệu trưởng hỏi.
– Không, thưa cha.
– Ồ, ta hiểu rồi, – cha hiệu trưởng nói, – Cha Dolan không hiểu điều này. Con có thể nói với cha Dolan là ta không yêu cầu con học bài trong vài ngày tới.
Stephen vội vàng nói trong sợ hãi. Cảm giác run run sẽ ngăn cản cậu:
– Vâng, thưa cha, nhưng cha Dolan nói là ngày mai cha sẽ đến lớp và trừng phạt con vì điều này.
– Ồ, được rồi, – Thầy hiệu trưởng nói, – Đó là một sơ suất và chính bản thân ta sẽ nói với cha Dolan. Bây giờ ta sẽ làm điều đó luôn?
Stephen cảm thấy những giọt nước mắt làm ướt đôi mắt cậu và cậu thì thầm cảm ơn cha hiệu trưởng:
– Xin cảm ơn cha.
Cha hiệu trưởng đưa tay qua chiếc đầu lâu trên bàn và nắm lấy tay Stephen. Cậu cảm thấy một bàn tay lạnh lẽo và ẩm ướt.
– Chúc con một ngày tốt lành nhé, – Cha hiệu trưởng nói, – Rồi cha khẽ rút tay lại và cúi đầu chào Stephen.
– Chúc cha một ngày tốt lành, – Stephen đáp lại.
Cậu cúi đầu chào và nhẹ nhàng rời khỏi căn phòng, từ từ nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Nhưng khi cậu đã băng qua người hầu già ở đầu cầu thang, một lần nữa phải qua một hành lang thấp, hẹp và tăm tối, cậu bắt đầu bước nhanh dần nhanh dần. Nhanh dần, nhanh dần, cậu vội vàng bước đi trong sự phấn khích. Cuối cùng, cậu đập mạnh khuỷu tay vào cánh cửa và vội bước xuống cầu thang, bước vội vàng băng qua hai hành lang và bước ra ngoài pháo đài
Cậu có thể nghe thấy những tiếng hò reo của bọn học sinh trên sân chơi. Cậu chạy, càng ngày càng nhanh, băng qua đường rải xỉ, thở hổn hển.
Các học sinh đã nhìn thấy cậu chạy. Chúng xúm quanh lại cậu, xô lấn nhau để nghe Stephen nói.
– Nói cho chúng tao nghe đi! Nói cho chúng tao nghe đi!
– Cha hiệu trưởng nói gì vậy?
– Cậu có đi gặp cha không?
– Cha hiệu trưởng nói gì vậy?
– Nói cho chúng tao nghe đi! Nói cho chúng tao nghe đi! Stephen kể lại những gì cậu và cha hiệu trưởng đã nói và trong khi cậu kể lại sự việc, tất cả mọi học sinh hò hét vui mừng tung những chiếc mũ lên không trung:
– Hoan hô!
Chúng tóm lấy những chiếc mũ và lại tiếp tục tung chúng lên không trung:
– Hoan hô! Hoan hô!
Chúng vây quanh và đan tay cúng nhau tung hô cậu trên không trung và khênh vòng quanh cho tới khi cậu cố gắng thoát khỏi chúng. Và khi cậu đã thoát ra được khỏi vòng vây, bọn chúng chạy tán loạn đi mọi hướng, vừa chạy vừa hò hét, tung hô những chiếc mũ lên không trung:
– Hoan hô!
Rồi bọn chúng ba lần lẩm bẩm phản đối cha đầu hói Dolan và ba lần tung hô hoan nghênh cha Conmee. Chúng còn nói rằng ông ấy là một cha hiệu trưởng tốt nhất từ trước tới nay của trường Clongowes.
Những tiếng tung hô tắt dần trong không gian u ám nhẹ nhàng. Cậu còn lại một mình. Cậu đang tự do và rất hạnh phúc; nhưng cậu sẽ không ra vẻ tự hào với cha Dolan. Cậu sẽ rất ít nói và nghe lời: và cậu mong rằng cậu sẽ làm một việc gì đó thật tử tế với cha Dolan để chứng minh rằng cậu không hề ra vẻ tự hào trước ông ta.
Không khí dịu xuống và buổi tối với bầu trời xám xịt ảm đạm đang đến. Có mùi của buổi tối trong không khí, những mùi hương của đồng quê nơi chúng bới trộm những cây củ cải và ăn chúng, trốn ra đi tung tăng trên khu Major Barton, mùi của những mảnh gỗ nhỏ trên khu nhà ngắm cảnh.
Bọn học sinh đang thực hành việc liệng đá, chơi bóng gỗ trong sân chơi. Trong không gian tĩnh mịch u ám, cậu có thể nghe thấy những tiếng va đập của quả bóng: và đâu đó trong không gian tĩnh mịch này có âm thanh của chiếc gậy cricket đập vào trái bóng: pick, pack, pock, puck; giống như tiếng những giọt nước ở vòi phun nước rơi nhẹ nhàng xuống hồ chứa nước.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.