Chân dung một chàng trai trẻ

Chương IV – Phần 1



Ngày Chủ nhật là để tưởng nhớ sự linh thiêng huyền bí của Chúa Ba Ngôi. Ngày thứ Hai là để tưởng nhớ Thánh thần. Ngày thứ Ba là để tưởng nhớ những thiên thần hộ mệnh. Ngày thứ Tư dành cho thánh Giê-su, thứ Năm cho lễ thiêng liêng nhất trong nhà thờ, thứ Sáu cho Chúa Giê-su thống khổ, thứ bảy cho Đức mẹ đồng trinh.

Mỗi buổi sáng Stephen lại tự làm cho mình trở nên thiêng liêng bởi một hình ảnh huyền bí. Một ngày của cậu bắt đầu với những đề nghị đầy quả quyết trong mọi khoảnh khắc hay hành động tuân theo ý của Giáo hoàng quyền uy với một buổi cầu nguyện sớm. Không khí trong lành của buổi sáng kích thích lòng mộ đạo kiên quyết của Stephen. Mỗi khi cậu quỳ xuống cùng đám con chiêu mộ đạo, đọc theo lời thì thầm của cha xứ trong quyển kinh đã đánh dấu, cậu thường lén nhìn người mặc lễ phục đang đứng trong ánh sang le lói giữa hai ngọn nến, và tưởng tượng rằng cậu đang quỳ xuống trong buổi lễ dưới hầm mộ.

Cuộc sống thường ngày của cậu được sắp đặt trong thế giới của tôn giáo. Cậu cầu nguyện cho các linh hồn đã lìa xác hàng trăm năm để họ được trú ngụ tại nơi thanh thoát. Nhưng cái sự chiến thắng về tâm linh với những lần hành xác không hoàn toàn thỏa nguyện lời cầu của cậu, bởi cậu không bao giờ biết được phải tự trừng phạt bao nhiêu trên thế giới trần tục thì mới bù đắp được cho những linh hồn thống khổ. Sợ hãi nếu bị vứt vào giữa ngọn lửa dưới địa ngục trừng phạt mà chỉ khác với địa ngục thông thường ở chỗ nó không vĩnh cửu, hành động hối cải của cậu có lẽ không lớn hơn một giọt sương đọng lại, hằng ngày cậu chèo lái linh hồn qua những vòng tuần hoàn cầu nguyện ngày càng tăng.

Mỗi buổi trong ngày, phân chia bởi những gì cậu cho là nghĩa vụ và bổn phận mà cậu phải thực hiện trong cuộc sống, đều tập trung quanh sức mạnh tâm linh. Cuộc đời cậu có vẻ như đã được kéo về gần với sự bất diệt: mọi suy nghĩ, lời nói, và hành động, ý thức có thể chuyển động lung linh trên thiên đường. Đôi khi cảm giác của cậu về những ảnh hưởng trực tiếp này rõ ràng, sinh động đến mức cậu dường như cảm giác được linh hồn mình đã hiến dâng, rõ như những ngón tay ấn vào bàn phím của máy gửi tiền để xem số tiền chi tiêu trên thiên đường, không giống như một con số mà giống như một cột hương trầm mỏng manh hay là một bông hoa mảnh mai.

Vòng tràng hạt mà cậu luôn mang theo trong túi quần để cậu có thể lầm nhầm đọc kinh trong lúc đi bộ qua các khu phố cũng biến thành những vòng nhỏ bằng hoa siêu thực, đến nỗi dường như không màu sắc, không mùi vị và không tên. Mỗi ngày cậu đọc ba chương nhỏ của quyển kinh đến đến mức linh hồn cậu lớn lên mạnh mẽ trong ba tư tưởng thần học: trung thành với Chúa trời, Người đã tạo ra cậu, hi vọng vào Chúa Giê-su, Người đã chuộc lại lỗi lầm cho cậu, và tình yêu Chúa thánh thần Người đã làm cậu trở nên mộ đạo. Cậu xin Đức mẹ Mary nhân danh niềm vui, sự đau khổ và vinh quang của bà cầu nguyện cho ba vị Chúa.

Mỗi ngày trong tuần, Stephen cầu nguyện nhiều hơn lên để một trong số bảy món quà của Chúa thánh thần có thể đến với linh hồn cậu và mỗi ngày bảy tội lỗi trong qua khứ có thể bị gạt bỏ. Mỗi ngày cậu cầu nguyện cho một món quà nhất định, tin tưởng rằng nó đến với cậu, dù đôi khi cậu cảm thấy lạ rằng trí khôn, hiểu biết và tri thức về bản chất khác nhau đến mức chúng phải được cầu nguyện tách biệt với nhau. Dù vậy cậu tin rằng trong sự tiến bộ của linh hồn, khó khăn này sẽ vượt qua được khi mà linh hồn tội lỗi của cậu đã được cứu rỗi khỏi sự yếu đuối và được thoát tục bởi thánh thần. Stephen càng ngày càng tin tưởng hơn, không còn lo lắng, bởi sự tĩnh mịch linh thiêng ẩn chứa một thế giới vô hình của Chúa – người bênh vực, và những biểu tượng của Người là chim bồ câu và cơn gió lớn, huyền bí, bất diệt. Vì Chúa, cha xứ tiến hành các buổi lễ cầu nguyện mỗi năm một lần, mặc áo choàng đỏ tươi như những ngọn lửa.

Hình tượng mà qua đó bản chất và quan hệ của Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong những cuốn sách thánh cậu đọc – Thượng đế trầm ngâm suy tưởng toàn bộ sự bất diệt giống như trong một chiếc gương. Sự hoàn hảo của chúa và từ đó Cha và Con sinh ra Chúa con và thánh thần từ bất diệt – được dễ dàng chấp nhận bởi suy nghĩ và cảm giác của cậu vì sự uy nghi đáng kính không thể hiểu được hơn là một lập luận đơn giản rằng Chúa thương yêu linh hồn cậu từ cõi vĩnh hằng, từ rất lâu trước khi Stephen được sinh ra trong cõi đời này; từ rất lâu trước khi có sự tồn tại của thế giới.

Stephen đã nghe thấy những cái tên về những niềm đam mê của tình yêu và hận thù tuyên bố đầy trọng thể trên vũ đài và trên bục giảng kinh. Cậu đã thấy chúng được trình bày trang trọng trong những quyển sách và cậu đã tự hỏi tại sao linh hồn cậu không thể cho họ ẩn náu trong bất cứ thời điểm nào hay bắt đôi môi cậu thốt ra những cái tên đó với sự nhận thức tội lỗi. Đôi khi một chút giận thoáng qua người cậu nhưng cậu không bao giờ để nó biến thành một thứ cảm giác cố hữu và cậu thường cho nó bay qua như một vết lướt qua làn da. Cũng có lúc cậu cảm thấy một chút ham muốn kì lạ nhưng rất nhỏ và tinh tế thoáng xuyên qua người, nhưng rồi cũng bay đi nhanh để lại trong tâm trí cậu một vẻ thờ ơ. Đó cũng là thứ tình yêu và lòng hận thù duy nhất ẩn chứa trong tâm hồn cậu.

Cậu không còn nghi ngờ gì về thực tế của tình yêu nữa, bởi chính Chúa cũng đã yêu linh hồn của mình với tình yêu linh thiêng vĩnh hằng. Dần dần khi tâm hồn cậu trưởng thành, cậu thấy cả thế giới đều tạo ra từ tình yêu và quyền lực bao la của Chúa. Mỗi giây phút của cuộc sống trở thành một món quà linh thiêng, dù chỉ là một chiếc lá mong manh treo trên cành cây cũng do công của Ngài tạo thế sinh thành và cậu cần phải cảm ơn ngài về điều đó. Thế giới vật chất này không còn tồn tại trong tâm hồn của cậu, nó chứng tỏ sự tồn tại của sức mạnh và tình yêu của Chúa. Cậu cảm thấy sự bao trùm của Chúa lên khắp tâm hồn cậu đến mức cậu tự hỏi cậu cần phải sống trên cõi đời này làm gì. Ý thức về chân lí vĩnh hằng có mặt ở khắp nơi khắp chốn khiến tâm hồn cậu quay trở lại với cầu nguyện, hành lễ, kính Chúa, hành xác, và đó là lần đầu tiên cậu thấy một cảm giác ấm áp như một sự sống mới sinh hay sự tinh khiết của tâm hồn. Những bức họa hay tượng trong chốn tôn nghiêm đều trở thành hình tượng tâm hồn đang cầu nguyện trong mắt cậu, khiêm nhường và yếu đuối trước Đấng cứu thế.

Cậu cũng đã được cảnh báo trước về nỗi nguy hiểm của sự sung sướng quá về tinh thần và không cho phép mình được lơi là việc cầu nguyện dù chỉ là chút ít. Cậu thà hành xác để chuộc lại quá khứ tội lỗi còn hơn là trở thành người của thánh nhưng luôn bị đe dọa bởi nỗi nguy hiểm trên. Mỗi giác quan của cậu phải tuân thủ theo một kỉ luật nghiêm ngặt. Để hành thị giác, cậu tự tạo cho mình một lệ phải luôn nhìn xuống và không được liếc mắt sang phải hay trái hay nhìn lại đằng sau khi đi trên đường. Cặp mắt cậu luôn phải tránh khi gặp ánh mắt phụ nữ. Đôi khi cậu phải kìm nén cái nhìn một cách đột ngột, ngước mắt nhìn lên khi đang đọc dở câu kinh và đóng quyển kinh lại. Để hành thính giác, cậu gào đến vỡ cả giọng và không bao giờ hát hay huýt sáo, và không bao giờ tránh né những âm thanh kinh khủng như tiếng dao sắc lướt trên bàn hay tiếng thảm bị xé. Tra tấn khứu giác khó hơn vì cậu không ngại thứ mùi khó chịu nào cả, kể cả ở bên ngoài như phân hay mùi của chính cậu, và cậu cũng thường so sánh và thử nghiệm các mùi này với nhau. Cuối cùng thì cậu cũng tìm được một thứ mùi mà mũi của cậu có phản ứng, đấy là mùi của một loại cá giống hệt mùi nước tiểu để lâu ngày. Mỗi khi có dịp cậu lại cố tình hít cái mùi này. Để hành vị giác, cậu luôn lập cho mình thói quen nghiêm ngặt khi ngồi vào bàn ăn, thực hiện những buổi nhịn ăn ở nhà thờ và lôi kéo tâm trí ra khỏi các loại thức ăn. Nhưng để tra tấn xúc giác cậu phải vận dụng tất cả sự sáng tạo. Cậu không bao giờ đổi tư thế nằm trên giường, ngồi trong tư thế khó chịu nhất, chịu đựng ngứa ngáy và đau đớn, không dùng lò sưởi, quỳ gối trong suốt buổi lễ, mặc kệ cho mồ hôi ướt đầm cổ để cho ngứa ngáy, khi không đọc kinh trong khi lần tràng hạt thì kẹp chặt hai tay vào nách không cử động.

Đến khi Stephen kết thúc một đợt cầu nguyện và hành xác, cậu rất ngạc nhiên khi thấy mình dễ bị thương tổn bởi những khiếm khuyết hết sức trẻ con và không đáng. Những lời cầu nguyện và đợt tuyệt thực không giúp cậu đè nén cơn giận khi mẹ cậu hắt hơi hay có ai làm ngắt quãng buổi cầu nguyện của cậu. Cậu còn phải cố gắng nhiều để kiềm chế được những cơn bực bội như thế. Khi so sánh với những người thầy của mình kìm nén các cơn giận, mặt đỏ tía tai, môi rung lên, cậu thấy hơi nản chí. Để hòa nhập với dòng chảy cuộc sống luôn tiếp diễn còn khó hơn những tuyệt thực hay cầu nguyện, và cậu luôn không cảm thấy hài lòng với chính mình, nó làm tâm hồn cậu thấy khô khan và nảy sinh hoài nghi. Tâm hồn cậu trải qua một thời kì trống rỗng và những buổi lễ đều trở nên khô khan. Lời xưng tội của cậu bị biến thành lối thoát cho những khiếm khuyết dù là nhỏ nhất. Những buỗi lễ cậu tham gia không mang đến cho cậu cảm giác bị thu phục như những lần cậu đến thánh đường thiêng liêng nhất. Cuốn sách cậu dùng trong những viếng thăm này là một cuốn sách cổ đã bị lãng quên do thánh Alphonsus Liguori viết, nét chữ đã mờ. Đọc cuốn sách này làm cậu thấy như sống lại một thế giới tình yêu đã tàn. Một giọng nói hư vô ve vuốt tâm hồn với những cái tên và câu chuyện, nâng tâm hồn lên từ những ngọn núi sư tử, và tâm hồn đáp lại với một giọng nói vô thanh như vậy rồi đầu hàng: Sẽ nằm trên ngực của ta.

Ý tưởng đầu hàng này đã lôi cuốn tâm trí của cậu khi tâm hồn cậu bị mê hoặc bởi giọng tha thiết của thể xác thì thầm trong khi cậu đang cầu nguyện và thiền định. Nó mạnh đến mức cậu có cảm giác trong một giây lát, một tia hành động hay ý nghĩ cũng có thể làm hỏng tất cả những gì cậu đạt được. Cậu cảm thấy như có một dòng nước đang dâng lên dưới đôi chân trần của cậu, chỉ trực chờ cậu ngã xuống để vuốt ve da thịt nóng bỏng của cậu. Vào đúng lúc đó khi cậu sắp ngã gục trước tội lỗi thì cậu lại thấy mình đứng trên một bờ đất khô, cậu vừa được lí trí cứu thoát và dòng nước ngày một xa và rồi lại quay trở lại ve vãn chân cậu. Một sức mạnh lí trí và mãn nguyện lắc mạnh tâm hồn cậu và cậu vẫn chưa đạt được gì, cũng chưa làm hỏng gì.

Sau khi đã nhiều lần khước từ những cơn cám dỗ, Stephen cảm thấy mình rơi vào một mớ bòng bong và tự hỏi liệu sự cao thượng mà cậu không muốn đánh mất có dần dần bị tước đi không. Không có gì là chắc chắn cả. Phải khó khăn lắm cậu mới quay lại được ý thức về sự cao thượng của mình, rằng cậu đều cầu Chúa trong mỗi cơn cám dỗ và Chúa ắt phải ban cho cậu sự cao thượng mà cậu ước. Tần suất và cường độ của các cơn cám dỗ ít nhất cũng cho cậu thấy những điều tai nghe về sự thử thách của các thánh. Những cơn cám dỗ đó cũng chứng minh rằng bức tường thành của tâm hồn không hề bị đổ và cái xấu luôn cố tình hãm hại nó.

Thường thường sau khi cậu thú nhận sự nghi ngờ và lưỡng lự – lơ đễnh trong khi cầu nguyện, một cử động của sự giận dữ nhỏ nhen của tâm hồn, hay là một sự bướng bỉnh không dễ nhận ra trong lời nói và hành động – cậu phải nghe lệnh của giáo sĩ xưng tội và phải kể hết các tội lỗi phạm phải trong quá khứ rồi giáo sĩ tuyên bố rằng các tội đã được tha thứ. Stephen kể tội trong sự xấu hổ và tủi nhục và một lần nữa cảm thấy ăn năn. Nó làm bẽ mặt và làm ô danh cậu khi nghĩ rằng cậu sẽ không bao giờ được hoàn toàn vô tội, cho dù cậu có thể sống thiêng liêng như thế nào hay có bất cứ đức tính tốt hay sự hoàn thiện nào. Một cảm giác không ngừng nghỉ về tội lỗi sẽ luôn hiện hữu trong cậu: cậu sẽ xưng tội, ăn năn hối lỗi và sẽ được xá tội; xưng tội và ăn năn hối lỗi và sẽ được xá tội một lần nữa! Vô ích. Có lẽ lần xưng tội quá vội vàng bởi nỗi sợ kinh hoàng về địa ngục không được thực hiện tốt? Có thể vì lo đến số phận bất hạnh sắp xảy ra với cậu nên cậu chưa thực sự đau buồn vì tội lỗi? Nhưng Stephen biết biểu hiện chắc chắn nhất chứng minh rằng sự xưng tội của cậu thực hiện tốt và cậu thực sự hối hận vì tội lỗi đã gây ra chính là những thay đổi trong cuộc sống của cậu.

– Ta đã cải thiện cuộc đời ta chưa nhỉ? – Stephen hỏi chính mình.

* * * * * *


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.