Chân dung một chàng trai trẻ

Chương III – Phần 3



– Than ôi!, những cậu bé đáng yêu, họ cũng thất bại. Con quỷ, một thiên thần ánh sáng, con trai của buổi sáng, ma quỷ xấu xa mang hình dạng của một con rắn là kẻ khôn ngoan nhất trong những con thú trong vườn. Nó đố kị với họ. Nó, một kẻ thất bại vĩ đại, không thể chịu đựng được khi nghĩ về người đàn ông đó, một tạo vật bằng đất, sẽ chiếm giữ gia sản thừa kế mà ông ta bị tước đoạt vĩnh viễn vì tội lỗi đã gây ra. Nó tiến đến người đàn bà, một kẻ yếu đuối hơn, để rót những lời hùng biện đầy thuốc độc vào tai bà, hứa hẹn với bà – Ồi, hãy báng bổ lời hứa đó! – rằng nếu bà ta và Adam ăn trái cấm, họ sẽ trở thành thần thánh, hay đúng hơn chính là Chúa. Eve đầu hàng trước các mưu đồ đó. Bà ta ăn trái táo đó và đưa nó cho Adam – người không có đủ dũng khí để chống lại bà ta. Cái lưỡi độc địa của quỷ Xa-tăng đã hiệu nghiệm và họ thất bại.

– Và sau đó, giọng nói của Chúa vang lên trong khu vườn đó, gọi người nặn ra các sinh linh đến và Michael, hoàng tử của thiên đường, với thanh gươm lửa trên tay, xuất hiện trước đôi trai gái tội lỗi và đẩy họ từ vườn Eden xuống thế giới, một thế giới của khổ đau và chiến tranh, của tàn nhẫn và thất vọng, của lao động nặng nhọc và gian khổ, để kiếm miếng ăn trong mồ hôi và nước mắt. Nhưng sau đó, Chúa thật khoan dung nhân từ và độ lượng! Chúa cảm thương cha mẹ tội nghiệp của chúng ta và hứa rằng Ngài sẽ phái xuống từ thiên đường một người giúp cải tạo họ, làm cho họ lại trở thành con của chúa và là người thừa kế vương quốc thiên đường: Và chính người đó, Chúa cứu thế loài người sa ngã, là Con Trai của chúa Trời, Người thứ hai của Chúa Ba Ngôi, Lời Vĩnh Hằng.

– Ngài đến. Ngài đã được sinh ra từ sự trinh tiết nguyên vẹn, Đức mẹ Maria là mẹ đồng trinh. Chúa được sinh ra trong một chuồng bò xơ xác ở Jerusalem và sống như một người thợ mộc giản dị trong ba mươi năm cho tới thời điểm sứ mệnh của Ngài đến. Và sau đó, tràn đầy tình yêu con người, Ngài đã đi và gọi con người đến để nghe lời phúc âm mới.

– Họ có nghe không? Có, họ lắng nghe nhưng không nghe thấy. Chúa bị bắt và bị trói lại giống như những kẻ phạm tội khác, bị chế giễu như một thằng ngốc, bị mang ra cho toàn dân thiên hạ xem như một kẻ trộm, bị quất năm ngàn roi, đội trên đầu một vòng hoa đầy gai, bị đẩy ra đường bởi tầng lớp dân đen Do Thái hèn hạ và bọn lính La Mã, bị lột quần áo ra và treo trên giá treo cổ và sườn bị đâm thủng bằng một cây thương. Từ thân thể đầy thương tích của Chúa của chúng ta, máu và nước chảy ra không ngớt.

– Mặc dù vậy, trong những giờ phút đau đớn tột cùng đó, Chúa Cứu Thế của chúng ta lại tỏ lòng trắc ẩn đối với nhân loại, chúng sinh. Trên ngọn đồi Calvary nơi Chúa Giê-su bị đóng đinh vào thập tự, Ngài tìm ra nhà thờ Cơ đốc mà đối diện với nó các cánh cửa của địa ngục không thể thắng thế. Ngài tìm nó trên phiến đá già và trao cho nó sự khoan dung của Ngài với bánh thánh và vật hiến tế và hứa rằng nếu con người tuân theo điều răn của nhà thờ của Ngài, họ sẽ bước vào một cuộc sống bất diệt; nhưng nếu, sau tất cả những điều Chúa đã làm cho họ, họ vẫn cố tình có sự ác độc thì vẫn còn lại cho họ sự đau khổ bất diệt, đó là Địa ngục.

Giọng của người thuyết giáo hạ thấp dần xuống. Ông ta tạm nghỉ, nắm hai bàn tay lại một lúc rồi buông ra. Sau đó ông lại tiếp tục:

– Bây giờ, chúng ta cố gắng trong một lát để hiểu rõ, càng sâu sắc càng tốt, về trạng thái nguyên thủy của nơi cư ngụ của những kẻ có tội khi bị chúa phán xét và trừng phạt mãi mãi. Địa ngục là nhà tù tối tăm, u ám, nồng nặc mùi hôi thối, nơi cư ngụ của yêu ma ác quỷ và những linh hồn sa đọa, đầy lửa và khói. Sự chật chội của nhà tù này thiết kế theo ý Chúa để trừng phạt những người cự tuyệt lại luật lệ của Ngài. Trong các nhà tù ở cuộc sống trần tục, những tù nhân có tối thiểu là một chút không gian tự do để di chuyển trong bốn bức tường của phòng giam hay trong khu vườn tối tăm của nhà tù. Địa ngục không như vậy. Ở đó, vì số lượng quá lớn của những linh hồn bị đầy đọa xuống, tù nhân bị xếp thành đống trong nhà giam tồi tệ của họ. Người ta nói rằng những bức tường ở đây dày bốn ngàn dặm: và toàn bộ tù nhân bị trói buộc và vô dụng đến mức như. Thánh Anselm viết trong cuốn sách của ngài về Sự So Sánh, họ thậm chí không thể lấy ra con dòi bọ gặm nhấm mắt họ.

– Họ nằm trong bóng tối bên ngoài. Hãy nhớ rằng, ngọn lửa địa ngục không phát ra một chút ánh sáng nào. Vì theo mệnh lệnh của Chúa, ngọn lửa trong lò sưởi của người Babylon mất đi sức nóng nhưng không mất đi ánh sáng của nó, vì theo mệnh lệnh của Chúa, ngọn lửa của địa ngục duy trì được cường độ sức nóng nhưng lại cháy mãi trong bóng đêm. Nó chính là cơn bão không bao giờ ngừng của bóng tối, những ngọn lửa tối đen và khói đen của lưu huỳnh đang cháy, giữa nơi có những cơ thể chồng chất lên nhau, thậm chí không có cả một chút không gian. Trong tất cả những tai họathì tai họamà mảnh đất của các Pharaon đã phải hứng chịu chính là chìm trong bóng tối kinh hoàng. Sau này, chúng ta nên đặt tên gì cho bóng tối của địa ngục không phải kéo dài trong ba ngày mà mãi mãi?

– Sự kinh hoàng của nhà tù chật hẹp và tối tăm này tăng lên bởi mùi hôi thối khủng khiếp. Toàn bộ rác rưởi thối tha của thế giới trần tục, tất cả đồ phế thải và cặn bã của thế giới đều dồn về đó giống như dồn về một miệng cống khổng lồ. Cả lưu huỳnh bị đốt cháy với số lượng lớn nữa cũng lấp đầy địa ngục bằng mùi hôi thối của nó; và chính thân thể của những linh hồn cũng bốc lên những mùi hôi khắm độc hại. Như thánh Bonaventure nói thì chỉ cần một thân xác trong số đó cũng có thể lây lan bệnh dịch cho cả thế giới. Không khí của thế giới thực tại này vốn là môi trường tinh khiết trong lành trở nên bẩn thỉu và không thể thở được nếu như bị đóng chặt. Vậy thì các con hãy suy nghĩ xem đâu là cái dơ bẩn nhất trong không khí của địa ngục. Hãy thử hình dung một xác chết hôi thối kinh tởm đang bị phân hủy trong mồ, như một khối chất lỏng nhầy nhụa hôi thối bẩn thỉu. Hãy thử hình dung một xác chết, một nạn nhân, những đống lửa, bị phá hủy bởi ngọn lửa lưu huỳnh và xông lên mùi khói phân hủy tanh hôi khủng khiếp. Và sau đó, hãy tưởng tượng mùi hôi thối kinh tởm này được nhân lên một triệu lần và một triệu lần nữa, từ hàng tỉ hàng tỉ xác súc vật chết quy lại một chỗ trong bóng tối bẩn thỉu, một đống thân thể thối rữa bốc mùi. Hãy tưởng tượng tất cả những điều này, và các con sẽ có vài khái niệm về sự khủng khiếp hãi hùng của địa ngục hôi thối.

– Nhưng dù sao mùi tanh hôi này không phải là điều khủng khiếp nhất, mà là sự hành xác mà linh hồn phải chịu đựng. Việc hành xác trên ngọn lửa là hình phạt kinh hãi nhất mà những kẻ bạo chúa đã từng hành hạ tra tấn bề tôi. Hãy đặt ngón tay của các con một lúc trên ngọn lửa của cây nến và các con sẽ cảm nhận được nỗi đau khi bị tra tấn bằng lửa. Nhưng ngọn lửa cuộc sống trần gian được Chúa tạo ra để mang lại lợi ích cho con người, để duy trì cho con người cuộc sống có ánh lửa và giúp con người trong nghệ thuật hữu ích. Ngược lại, Chúa tạo ra ngọn lửa của địa ngục lại có một mục đích hoàn toàn khác là để hành hạ và trừng phạt những tội đồ ngoan cố. Ngọn lửa trong cuộc sống đời thường của chúng ta cũng nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào vật thể nó tấn công dễ bắt lửa hay không, vì thế mà con người thậm chí đã thành công trong việc phát minh ra các hóa chất để ngăn cản hay làm mất tác dụng của nó. Nhưng lưu huỳnh đốt ở dưới địa ngục là một loại chất được thiết kế đặc biệt để đốt cháy mãi mãi và mãi mãi với những cơn thịnh nộ không nói thành lời. Hơn nữa, ngọn lửa đời thường của chúng ta bị tiêu hủy ngay khi đang cháy, vì thế nó càng mãnh liệt bao nhiêu thì thời gian cháy càng ngắn bấy nhiêu; nhưng ngọn lửa dưới địa ngục thì duy trì lâu dài khi cháy và mặc dù nó cháy vô cùng mãnh liệt nhưng nó tồn tại mãi mãi như vậy.

– Quay trở lại ngọn lửa trong thế giới đời thường của chúng ta, không cần biết nó mãnh liệt hay lan rộng đến mức nào nhưng nó luôn luôn bị giới hạn còn những hồ lửa dưới địa ngục không có giới hạn, không có biên giới và không có đáy. Chính ma quỷ khi được một quân nhân hỏi đã thú nhận rằng nếu toàn bộ quả núi bị ném xuống đại dương đang sôi sùng sục của địa ngục thì nó sẽ chỉ cháy lên trong một lát giống như một mẩu sáp nến. Và ngọn lửa kinh khủng này sẽ không chỉ làm đau đớn thân thể tội lỗi ở bên ngoài, mà còn thiêu đốt linh hồn trong địa ngục. Ồ, thật tồi tệ khi có quá nhiều sinh linh khổ hạnh! Máu trong mạch máu sôi lên sùng sục, những bộ óc sôi sùng sục, trái tim ở trong lồng ngực phồng lên và nổ tung, ruột gan bị đốt chát thành tro bụi, còn đôi mắt cháy rừng rực như những quả bóng kim loại nóng chảy.

– Tuy nhiên những gì ta vừa nói về sức mạnh, tính chất và sự không giới hạn của ngọn lửa chẳng có ý nghĩa gì so với cường độ mãnh liệt của nó, một cường độ được lựa chọn để làm công cụ để trừng phạt thể xác cũng như linh hồn. Nó là ngọn lửa trực tiếp cháy lên sức mạnh của Chúa, không chỉ thể hiện chức năng của chính nó mà còn như một công cụ thần thánh để trả thù. Nếu như nước rửa tội gột sạch linh hồn cũng như cơ thể, thì ngọn lửa lại trừng phạt cả thể xác và tinh thần. Mọi cảm giác của cơ thể và của linh hồn đều bị tra tấn: đôi mắt với ánh tối đen thảm khốc, cái mũi ngửi thấy mùi hôi thối tởm lợm, đôi tai ngập trong tiếng gào thét, la hét, chửi rủa; lưỡi nếm những vị hôi hám, thối tha tởm lợm, rác rưởi bẩn thỉu không thể tả xiết, xúc giác ngập trong đau đớn của đinh, gậy nhọn, và tia lửa tàn nhẫn. Và qua những nỗi thống khổ mà các giác quan phải chịu đựng, những linh hồn tội lỗi bị hành hạ thường xuyên không ngớt chịu phạt này đến hình phạt khác bằng những ngọn lửa rừng rực cháy dưới vực sâu thăm thẳm vì đã xúc phạm đến vẻ uy nghi của Đức Chúa trời và bị đẩy vào cơn thịnh nộ bằng hơi thở giận dữ của đấng tối cao.

– Cuối cùng, sự kinh hoàng và nỗi khổ tột cùng của nhà tù ma quái tăng lên cùng với chính những linh hồn tội lỗi. Cái ác trên mặt đất là sự độc hại đến nỗi ngay cả cây cối, theo bản năng, phải rút lui trước những gì có thể làm hại chúng. Dưới địa ngục mọi luật lệ đều bị đảo lộn – không có khái niệm của gia đình hay đất nước, của ràng buộc hay những mối quan hệ. Linh hồn gào thét la ó lẫn nhau, linh hồn này gào thét chửi bới linh hồn khác, những đau đớn cuồng bạo của chúng càng mạnh hơn bởi sự hiện diện của cường độ đau đớn khủng khiếp và những cơn thịnh nộ. Mọi ý thức của lòng nhân đạo bị lãng quên. Những tiếng gào thét của những tội đồ vang vọng tới mọi ngóc ngách của vực thẳm bao la không có giới hạn. Những cái mồm của linh hồn tội lỗi đầy những lời phỉ báng chống lại Thượng Đế và đầy những lời nguyền rủa căm phẫn những linh hồn cùng cảnh ngộ. Ngày xưa, có một tục lệ để trừng phạt những kẻ dám đang tay giết cha mình, bằng cách dìm kẻ đó xuống đại dương sâu thẳm trong một bao tải có chứa một con gà trống, một con khỉ và một con rắn. Mục đích của những người làm ra luật lệ đó,xem ra quá tàn ác trong thời đại chúng ta, là để trừng trị những kẻ phạm tội bằng sự đau đớn và căm ghét. Nhưng sự bạo tàn của những thú vật xấu xa có là gì khi so sánh với những cơn chửi rủa thịnh nộ phát ra từ những đôi môi khô nẻ và cổ họng đau đớn của những linh hồn tội lỗi dưới địa ngục khi chúng nhìn đồng bọn đang trong sự đau đớn tột cùng, những kẻ đã tiếp tay cho chúng phạm tội lỗi, những kẻ mà ngôn từ của chúng gieo mầm cho những suy nghĩ xấu xa đang tồn tại trong đầu họ, những kẻ đã vô liêm sỉ dẫn dắt chúng đến với tội lỗi, những kẻ bằng đôi mắt đầy quyến rũ lôi kéo chúng ra khỏi con đường đến với đức hạnh. Chúng trở nên thù địch với những kẻ đồng lõa, mắng nhiếc và nguyền rủa chúng. Nhưng chúng lại tuyệt vọng bất lực và không được giúp đỡ: giờ đã quá muộn để ăn năn hối cải.

– Cuối cùng hãy nghĩ đến nỗi đau khổ ghê gớm của những linh hồn tội lỗi, kẻ xúi giục hay kẻ bị xúi giục, cùng với ma quỷ. Bọn ma quỷ này sẽ gây đau khổ cho những linh hồn tội lỗi bằng hai cách, bằng bộ dạng ghê sợ và bằng những lời nguyền rủa. Chúng ta có thể không hình dung nổi ma quỷ kinh tởm đến thế nào. Thánh Catherine ở Siena đã một lần nhìn thấy ma quỷ. Ngài đã viết rằng thà phải đi bộ trên than hồng trong suốt cả cuộc đời còn hơn phải nhìn vào ma quỷ ghê sợ trong chốc lát. Những con quái vật đó, đã từng là những thiên thần tuyệt đẹp, trở nên ghê gớm và xấu xí mặc dù trước đó chúng vô cùng xinh đẹp. Chúng nhìn mỉa mai và chế nhạo những linh hồn sa đọa do chúng gây ra. Có phải là chúng, những con quỷ xấu xa đã góp tiếng nói lương tâm trong địa ngục. Tại sao ta phạm tội? Tại sao ta lắng nghe những lời cám dỗ của bạn bè? Tại sao ta lại quay lưng lại với việc cầu nguyện ngoan đạo và những việc làm có ích? Tại sao ta không lẩn tránh những thói hư tật xấu đầy tội lỗi? Tại sao ta không xa rời người bạn xấu xa đó? Tại sao ta không từ bỏ thói quen dâm dục vô đạo đức? Tại sao ta không lắng nghe những lời khuyên can của giáo sĩ nghe xưng tội? Tại sao ta không, thậm chí ngay sau lần phạm tội đầu tiên hay thứ hai, thứ ba, thứ tư, hay thứ một trăm, ăn năn từ bỏ những con đường tội lỗi ma quỷ để quay về với Chúa người duy nhất chờ đợi những lời thú tội chân thành và sẵn sàng giải cứu ta ra khỏi biển cả của tội lỗi? Còn bây giờ thời gian cho sự ăn năn hối cải đã trôi qua. Thời gian hiện hữu, thời gian đã trôi qua nhưng thời gian sẽ không quay trở lại! Thời gian để phạm tội trong bí mật, để tự cho phép mình hưởng thụ sự lười nhác và tự phụ, để thèm muốn những việc làm bất chính, để đầu hàng trước những cám dỗ hèn hạ, để sống như những con thú trong rừng, thậm chí còn tệ hại hơn những con thú mà không có lí do gì để dẫn đường cho chúng: thời gian đã trôi qua, và thời gian đã hết. Chúa nói với ta bằng rất nhiều giọng nói, nhưng ta đã không lắng nghe. Ta đã bóp chết lòng tự phụ và sự giận dữ trong tim ta, ta đã không sửa chữa những việc làm xấu xa, ta đã không tuân theo lời răn dạy của nhà thờ và cũng không thực hiện những bổn phận trách nhiệm tôn giáo, ta đã không rời xa những người bạn xấu xa, ta đã không tránh được những cám dỗ nham hiểm. Chúng là ngôn ngữ xảo quyệt của những kẻ độc ác, những lời nói cay độc nham hiểm của lòng căm phẫn và sự ghê tởm. Của sự ghê tởm, đúng vậy! Thậm chí bọn ma quỷ cũng mắc tội, một sự nổi loạn của những kẻ hiểu biết. Và chúng, bọn ma quỷ độc ác, sự ghê tởm và căm phẫn phải tránh xa những tội lỗi không thể nói thành lời mà loài người hèn kém làm tổn thương và làm vẩn đục thánh đường của Chúa Thánh thần, làm mờ đục và ô uế bản thân.

– Ồ, những con chiên ngoan đạo bé bỏng. Ta mong rằng không ai trong chúng ta phải nghe thứ ngôn ngữ đó. Ta mong muốn rằng chuyện đó sẽ không xảy ra trong đời chúng ta! Trong ngày cuối cùng khủng khiếp, ta nhiệt thành cầu Chúa rằng không một linh hồn của những ai đang ở trong nhà nguyện này hôm nay lại rơi vào đống hỗn độn của các sinh vật đáng thương mà Chúa trời muốn mãi mãi ngoài tầm quan sát của Người, rằng không một ai trong chúng ta có thể nghe thấy câu nói ruồng bỏ khủng khiếp: Sự nguyền rủa hãy rời khỏi ta để rơi vào ngọn lửa bất diệt dành cho ma quỷ và các thiên thần tội lỗi!

Stephen đi xuống giữa hai hàng ghế của nhà thờ, đôi chân cậu run lẩy bẩy và da mặt cậu tái xanh mấp máy run run như thể bị những ngón tay ghê sợ của ma quỷ sờ vào. Cậu băng qua cầu thang đi vào trong hành lang dọc theo những bức tường trên đó có treo rất nhiều áo choàng và áo mưa giống như treo những tội nhân trên giá treo cổ, không có đầu, máu nhỏ giọt và biến dạng. Mỗi bước đi Stephen lo lắng rằng mình đã chết, rằng linh hồn cậu méo xệch so với hình dáng bề ngoài của cậu, rằng cậu đang lao thẳng đầu vào khoảng không vô tận.

Cậu không thể đứng vững trên sàn nhà bằng đôi chân của mình và nặng nề ngồi xuống bàn của mình, mở một quyển sách và đọc nghiến ngấu một trang ngẫu nhiên. Mọi từ ngữ đều dành cho cậu. Đúng rồi. Chúa toàn năng. Chúa có lẽ đang gọi tên cậu, gọi tên cậu khi cậu ngồi xuống bàn, trước khi cậu có được ý thức là sẽ bị triệu ra để phán xét. Chúa đã gọi cậu. Đúng không nhỉ? Điều gì đang xảy ra vậy? Đúng không nhỉ? Cơ thể cậu co rút lại như khi chạm phải lưỡi lửa nhọn hoắt, bị làm khô đi như thể bị cuốn vào vòng xoáy của dòng không khí nóng bức ngột ngạt khó thở. Stephen đã chết. Đúng vậy. Cậu đã bị xử tội. Một cơn sóng lửa chạy xuyên qua cơ thể cậu: lần thứ nhất. Lại một đợt sóng nữa. Bộ óc cậu sôi sục trong hộp sọ nứt toác. Lại đợt sóng lửa nữa. Ngọn lửa bùng lên từ hộp sọ cậu giống như một tràng hoa, những tiếng kêu như tiếng nói cười:

– Địa ngục! Địa ngục! Địa ngục! Địa ngục! Địa ngục! Những tiếng la hét ngay cạnh Stephen:

– Dưới địa ngục.

– Ta dám chắc, cậu ta đã ở dưới địa ngục.

– Dám chắc không. Cậu ta đưa tất cả chúng ta vào nỗi sợ hãi ghê người.

Stephen yếu ớt tựa lưng vào bàn. Cậu chưa chết. Chúa vẫn còn tha thứ cho cậu. Cậu vẫn còn tồn tại trong một thế giới quen thuộc của trường học. Ông Tate và thằng Vincent Heron vẫn đứng ở cửa sổ đang cười nói trêu đùa nhau; cùng nhìn ra ngoài trong tiết trời mưa lạnh ảm đạm, lắc lắc cái đầu.

– Ta mong là bầu trời sẽ nhanh tạnh mưa và phong quang trở lại. Ta đã có hẹn đi dã ngoại bằng xe đạp cùng với vài bạn ta ở Malahide. Nhưng đường sẽ vẫn rất lầy lội.

– Trời có thể sẽ quang tạnh, thưa thầy.

Đó là những giọng nói cậu biết rất rõ, những lời nói thường ngày, sự yên tĩnh của lớp học khi tất cả mọi tiếng nói cười tạm dừng, tiếng gia súc đang gặm cỏ non tràn vào lớp học giống như khi những học sinh khác đang lặng lẽ tóp tép ăn bữa trưa, ru ngủ linh hồn đau đớn vật vã của cậu.

Vẫn còn thời gian. Ôi Đức mẹ Mary, nơi nương náu của những tội nhân, làm ơn nói giùm với Chúa! Ôi, Đức mẹ đồng trinh, cứu thoát cậu ấy ra khỏi vực thẳm của cái chết!

Bài học tiếng Anh bắt đầu với một câu chuyện lịch sử. Những nhân vật dòng dõi hoàng gia, sủng thần, các mưu đồ, giám mục, trôi qua như những bóng ma yên lặng đằng sau những vỏ bọc bằng những cái tên. Tất cả đều đã chết: tất cả đều bị phán xét. Có ích gì khi một người lấy được cả thế giới nhưng lại đánh mất linh hồn của chính mình? Cuối cùng cậu đã hiểu: và cuộc sống có tình cảm con người vây xung quanh cậu, một bình nguyên yên bình ở đó con người giống loài kiến, cùng nhau lao động trong tình hữu nghị, những cái đầu chụm lại với nhau dưới ụ đất yên bình. Cái khuỷu tay của một nguời bạn chạm vào người cậu, cũng như chạm vào tim cậu: và khi cậu trả lời câu hỏi của thầy giáo, cậu nghe thấy giọng nói của chính mình đầy nhún nhường, nhẹ nhàng hối lỗi.

Linh hồn cậu lại chìm sâu hơn trong sự hối lỗi thanh thản, sẽ không còn phải chịu đau đớn trong nỗi sợ hãi, và khi cậu chìm xuống, một lời cầu nguyện yếu ớt được gửi đi. Ồ, đúng rồi, cậu vẫn được tha thứ; cậu sẽ hối lỗi một cách chân thành và sẽ được tha thứ. Rồi những người ở trên, những vị thánh trên thiên đường, sẽ nhìn thấy sự ăn năn chân thành để chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ của cậu: toàn bộ cuộc đời, hàng giờ của cuộc sống. Chỉ cần đợi.

– Tất cả, Chúa ơi! Tất cả, Tất cả!

Một người đưa tin đến cửa và nói rằng sắp được nghe những lời xưng tội trong nhà nguyện. Bốn cậu bé rời khỏi phòng; và Stephen nghe thấy những người khác đang chạy xuống dưới hành lang. Một cái lạnh run người vây quanh tim cậu, không mạnh hơn một cơn gió nhẹ, và rồi lắng nghe và chịu đựng trong yên lặng, cậu dường như đặt một tai mình vào những cơ bắp của trái tim cảm thấy nó đóng chặt và nao núng và cậu lắng nghe nhịp đập của tâm thất.

Không lối thoát. Cậu phải xưng tội, nói ra bằng miệng những gì cậu đã nghĩ và đã làm: tội lỗi tiếp nối tội lỗi. Như thế nào đây? Như thế nào đây?

– Thưa Cha! Con…

Một suy nghĩ vụt đến như một thanh kiếm mỏng lạnh lẽo lóe sáng lướt qua da thịt cậu: xưng tội? Nhưng không phải là ở trong nhà nguyện của nhà trường. Cậu sẽ thú nhận toàn bộ, mọi tội lỗi của hành động và suy nghĩ, thực sự thành khẩn; nhưng không phải ở đây, trước mặt toàn thể học sinh trong trường. Một nơi rất xa ngôi trường này, một nơi tối tăm kín đáo nào đó, cậu sẽ thì thầm thừa nhận toàn bộ sự tủi thẹn; và cậu cúi mình kính cẩn cầu xin Chúa lượng thứ cho việc cậu không dám xưng tội trong nhà thờ ở trường học và trong sự thấp hèn của tâm hồn, cậu câm lặng nài nỉ xin tha thứ cho trái tim trẻ con của mình.

Thời gian trôi qua…

Cậu lại ngồi đối diện chiếc ghế dài trong nhà nguyện. Ánh sáng bên ngoài yếu dần, khi nó chậm chạp xuyên qua những chiếc rèm cửa đỏ xám xịt. Dường như mặt trời của ngày tận thế đang lặn xuống và toàn bộ linh hồn đang tụ họp cùng nhau kéo về nghe sự phán xét.

– Ta đang không trong tầm nhìn của đôi mắt Người: Những con chiên ngoan đạo, đây là những lời có trong cuốn sách của Psalms, chương ba mươi, dòng thứ hai mươi ba. Nhân danh Cha, Con và thánh thần, Amen!

Người thuyết giáo bắt đầu bằng giọng nói nhẹ nhàng dễ chịu. Khuôn mặt ông thật thánh thiện, ông chắp đôi bàn tay lồng vào nhau, tạo thành hình một cái lồng giam đan bằng các đầu ngón tay.

– Buổi sáng nay, bằng cách suy ngẫm về địa ngục, chúng ta cố gắng làm những gì mà những người sáng lập tôn giáo viết trong cuốn sách về những thực hành tinh thần. Chúng ta cố gắng, tức là, với đầy đủ giác quan của trí óc, tưởng tượng một đặc điểm hữu hình của nơi khủng khiếp đó và của sự đau khổ thể xác mà những linh hồn dưới địa ngục phải chịu đựng. Buổi tối, chúng ta sẽ ngẫm nghĩ trong vài khoảnh khắc về bản chất của sự dằn vặt tinh thần của địa ngục.

– Hãy nhớ rằng tội lỗi là một tội ác. Có một sự nhất trí căn bản về sự xúi giục các bản tính xấu xa của chúng ta xuống một bản năng thấp hơn – chính là trở thành bọn ma quỷ xấu xa. Điều này làm chúng ta xa rời những lời khuyên nhủ của bản tính tốt đẹp hơn của chúng ta, những bản tính thuần chất và thần thánh từ Đức Chúa thiêng liêng. Vì lí do này, tội lỗi lớn sẽ bị trừng phạt dưới địa ngục dưới hai hình thức trừng phạt: thể xác và tinh thần.

Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của sự mất mát! Quá lớn! Trong thực tế, chính bản thân sự mất mát là nỗi dằn vặt hơn tất cả các nỗi đau khác. Thánh Thomas, người thầy thuốc vĩ đại nhất của Nhà thờ, thầy thuốc thiên thần như Ngài được chúng sinh gọi, đã nói rằng sự nguyền rủa lớn nhất nằm ở chỗ sự hiểu biết của con người hoàn toàn cướp đi ánh sáng Thần thánh và lòng yêu thương của anh ta ngoan cố rời bỏ sự hào hiệp của Chúa. Hãy nhớ rằng, Chúa là một người hoàn hảo, vì thế đánh mất tình cảm của một người như vậy quả là một sự mất mát to lớn. Trong cuộc sống này, chúng ta không có một quan niệm rõ ràng định nghĩa mất mát là cái gì. Nhưng những linh hồn bị đầy đọa xuống địa ngục, với sự hành hạ khổ đau hơn, hiểu rất rõ những gì chúng đã đánh mất, và chúng cũng hiểu rằng chúng mãi mãi đánh mất nó vì những tội lỗi của chính chúng. Trong mọi khoảnh khắc, cái chết và sự ràng buộc xác thịt bị tách rời nhau, và cùng lúc đó, linh hồn bay về phía Thượng đế như là bay về trung tâm của nơi linh hồn tồn tại. Hãy nhớ rằng – những cậu bé thân mến, linh hồn của chúng ta thuộc về Chúa. Thượng đế sinh ra chúng ta, chúng ta sống được là nhờ ơn Chúa, chúng ta thuộc về Ngài: chúng ta thuộc về Ngài, mãi mãi là như vậy, bất di bất dịch. Chúa yêu thương mọi linh hồn với tình yêu thần thánh, siêu phàm, và tất cả linh hồn của loài người sống trong tình yêu đó. Nó có thể nào khác được không? Mỗi cái hít thở, mỗi tư duy của bộ não, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống của chúng ta đều sinh ra từ sự hào hiệp vô bờ bến của Chúa. Thật khổ đau cho một người mẹ phải xa con, cho một người phải rời xa mái nhà, cho bạn bè chia rẽ khỏi bạn bè. Ôi! Hãy tưởng tượng về những nỗi đau đó. Thật sự khổ nhục nếu một linh hồn bị hất ra khỏi tình cảm hào hiệp bao la của Đấng tạo hóa, Người đã mang đến cuộc sống cho linh hồn đó từ hư vô và tiếp năng lượng cho nó tiếp tục sống đồng thời yêu thương chăm sóc nó bằng một tình cảm không thể đo đếm được. Và cũng thật trớ trêu là linh hồn đó lại bị cô lập mãi mãi ra khỏi hạnh phúc tột cùng, nó cảm thấy đau đớn vì sự chia cắt, nó biết được rất đầy đủ rằng đau đớn này không thể thay đổi được, mãi mãi như vậy: đây là một sự trừng phạt lớn nhất mà những linh hồn phải chịu đựng: nỗi đau tột cùng, một nỗi đau mất mát.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.