Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
Tiếp
Đi xa hơn một chút, anh ta hỏi: “Anh nghĩ gì về Ấn Độ?”
“Một câu hỏi khó đây.” Tôi nói. Tôi muốn nói với anh ta về bọn trẻ mà tôi nhìn thấy rất thảm thương sáng nay: chúng ăn trộm phần bữa sáng còn thừa của chúng tôi và hỏi anh ta liệu câu nhận xét của Mark Twain về Ấn Độ có phần nào đúng không. “Bọn họ rất tò mò. Đối với họ, mọi thứ trên đời đều thiêng liêng ngoại trừ đời sống con người.” Nhưng thay vì thế tôi lại nói: “Tôi ở đây chưa lâu lắm.”
“Tôi sẽ cho anh biết điều tôi nghĩ.” Anh ta nói. “Nếu tất cả mọi người đều nói về sự thành thật, công bằng, chủ nghĩa xã hội và vân vân… – nếu họ bắt đầu tự thực hiện, thì Ấn Độ sẽ rất tuyệt. Nếu không ở đây sẽ có một cuộc cách mạng.”
Anh ta là một người nghiêm nghị, khoảng ngoài năm mươi, toát ra vẻ cứng rắn của một người Brahmin. Anh ta không uống rượu, cũng chẳng hút thuốc, trước khi vào làm nhà nước, anh ta từng là một học giả Sanskrit tại một trường đại học tại Ấn Độ. Anh ta dậy lúc 5 giờ sáng, ăn một quả táo, uống một cốc sữa và ít hạnh nhân; anh ta tắm rửa và cầu nguyện rồi sau đó đi bộ một chặng đường dài. Rồi mới đến văn phòng. Để làm gương cho nhân viên cấp dưới, anh ta luôn đi bộ đi làm, anh ta bày biện văn phòng rất sơ sài và không yêu cầu trợ lý của mình mặc đồng phục kaki. Anh ta thừa nhận rằng hình mẫu bản thân chưa thuyết phục. Cấp dưới của anh ta có giấy phép đỗ xe, trang trí phòng hoành tráng và có trợ lý mặc đồng phục.
“Tôi hỏi bọn họ tại sao chi tiêu phung phí như vậy? Bọn họ nói có được ấn tượng đầu tiên rất tốt đẹp là điều quan trọng. Tôi nói với cái thằng cha đáng ghét đó rằng: “Thế còn ấn tượng thứ hai thì sao?”
“Thằng cha đáng ghét.” là từ mà anh ta rất hay sử dụng. Huân tước Clive là một thằng cha đáng ghét, cả những tên tổng trấn khác cũng thế. Những kẻ đáng ghét thường vòi vĩnh tiền hối lộ; bọn chúng lừa đảo. Phòng Kiểm toán; chúng sống trong xa hoa mà lại toàn nói về chủ nghĩa xã hội. Điểm son mà anh chàng cán bộ nhà nước này đã thành thật chia sẻ là trong đời mình chưa bao giờ cho hay nhận tiền hối lộ: “Dù chỉ là một đồng paisa cũng không.” Một số nhân viên của anh ta đã làm thế và trong suốt mười tám năm làm nhà nước, anh ta đã sa thải ba mươi hai người. Anh ta nghĩ đó là một kỷ lục. Tôi hỏi anh ta họ đã làm gì sai.
“Một lũ cực kỳ kém cỏi,” anh ta nói, “đục khoét tiền, trai gái, cờ bạc. Nhưng tôi chưa bao giờ sa thải ai mà trước đó không nói chuyện với bố mẹ bọn họ. Có một thằng cha khốn kiếp ở Phòng Kiểm toán luôn véo mông các cô gái. Những cô gái xuất thân từ gia đình Ấn Độ nề nếp! Tôi đã cảnh báo hắn về chuyện đó nhưng hắn vẫn không dừng tay. Vì thế tôi nói muốn gặp bố mẹ hắn. Hắn nói bố mẹ mình sống cách đây tám mươi cây. Tôi cho họ tiền vé xe buýt. Bọn họ rất nghèo và vô cùng lo lắng về thằng con hư đốn. Tôi nói với họ: ‘Giờ tôi muốn ông bà hiểu rằng con trai ông bà là một rắc rối lớn. Anh ta gây phiền nhiễu cho các nữ nhân viên trong phòng. Xin hãy nói chuyện để anh ta hiểu được rằng nếu vẫn tái diễn, tôi sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chuyện đuổi việc anh ta.’ Bố mẹ hắn đi về, hắn quay lại làm việc và mười ngày sau hắn lại tiếp tục trò bỉ ổi đó. Tôi đuổi hắn ngay lập tức, rồi báo công an.”
Tôi tự hỏi liệu những người đó có tìm cách trả thù anh cán bộ này.
“Có một gã đấy. Một đêm hắn uống say và cầm dao đến nhà tôi. ‘Ra ngoài đi, tao sẽ giết mày!’ Đại khái hắn nói vậy. Vợ tôi lo lắm. Nhưng tôi đã rất cáu, tôi không thể kiềm chế được. Tôi chạy ra ngoài đấm đá hắn túi bụi. Hắn làm rơi dao và bắt đầu khóc. ‘Xin đừng gọi cảnh sát, hắn nói, ‘tôi còn vợ và con nhỏ’. Hắn rõ là một thằng hèn, anh thấy đấy. Tôi tha cho hắn đi và mọi người trách tôi – họ nói lẽ ra tôi nên đem hắn ra tòa. Nhưng tôi nói với họ rằng hắn sẽ không làm phiền ai nữa đâu.
“Còn một lần khác nữa. Lúc đó tôi đang làm cho hãng Heavy Electricals, kiểm toán cho vài tên gian lận ở Bengal. Công trình bị lỗi, đầu vào tăng gấp đôi, ước tính giá trị tăng năm lần so với thực tế. Thật là vô đạo đức. Một thằng khốn nạn – con trai chủ thầu, rất giàu có – hắn có bốn ả điếm. Hắn cho mấy ả đó uống whisky say mèm rồi bắt họ cởi quần áo, xông thẳng vào một nhóm phụ nữ và trẻ em đang cầu nguyện. Thật kinh tởm! Bọn chúng chẳng thích tôi chút nào. Vào cái hôm tôi rời khỏi đó, có bốn tên đâm thuê chém mướn đã đợi tôi trên đường ra sân ga. Nhưng tôi biết trước nên đi đường khác và lũ khốn đó không bao giờ bắt được tôi. Một tháng sau có hai người kiểm toán bị bọn đó giết chết.”
Đoàn tàu chao đảo khi đi vòng qua một vách núi. Ở sườn bên kia, qua một thung lũng sâu là tới Simla. Thị trấn này hầu như giống chiếc yên ngựa nằm ôm lấy toàn bộ vòm cong của ngọn đồi, khi gần hơn, chúng tôi thấy những đường ven rừng như đang trượt vào thị trấn. Thật khó có thể nhầm lẫn Simla với thị trấn khác, đúng hệt như mô tả trong sách của Murray: “Thật lạ khi đường chân trời bị nhà thờ gothic chắn lại, đó là một lâu đài quý tộc, một dinh thự theo kiểu nữ hoàng Victoria.” Phía trên những chiếc cột xây bằng gạch là đỉnh chót vót của đền Jakhu (nằm ở độ cao hai nghìn bốn trăm mét); phía dưới là mặt tiền những ngôi nhà. Phía Nam Simla, địa hình rất dốc, do đó những bậc cầu thang xi măng thay thế cho đường đi chính. Từ trên tàu nhìn ra thấy nơi đây thật hấp dẫn, một thị trấn mang vẻ đẹp đang bị mai một dần với những dãy núi tuyết trắng làm nền phía sau.
“Văn phòng làm việc của tôi ở trong lâu đài kia kìa,” anh cán bộ nói.
“Lâu đài Gorton,” tôi nói, nhờ đọc sách hướng dẫn, anh có làm việc cho Văn phòng Kế toán trưởng của Pubab không?’
“Vâng, tôi là kế toán trưởng đây.” Anh ta nói. Anh ta nói đúng, chứ không phải khoe khoang gì. Ở sân ga Simla, người khuân vác hành lý buộc va li của tôi lên vai (anh ta là người Kashmir, lên làm theo mùa vụ.). Anh cán bộ tự giới thiệu mình là Vishnu Bhardwaj và mời tôi uống trà chiều hôm đó.
Khu phố mua sắm chật ních khác du lịch Ấn Độ đang đi dạo buổi sáng, những đứa bé ăn mặc ấm áp, phụ nữ mặc áo len bên ngoài váy xari, nam giới mặc bộ vest vải tuýt, một tay lật giở cuốn sách hướng dẫn về Simla màu xanh, tay kia cầm cây gậy. Giờ cao điểm cho người đi dạo rơi vào khoảng từ chín đến mười hai giờ sáng và từ bốn giờ đến tám giờ tối – đây chính là giờ các cửa hàng và quán ăn mở cửa. Giờ giấc này được định ra từ hàng trăm năm trước, khi Simla là trung tâm nghỉ hè của Hoàng gia Ấn Độ và cho đến nay vẫn không đổi. Quần thể kiến trúc hầu như không thay đổi mấy – vẫn mang dáng dấp của thời Victoria, vẫn mang bóng dáng của chế độ thuộc địa, ống máng và những mái cổng cầu kỳ được chống đỡ bằng cột và khung thép để mái nhà không bị trượt khỏi sườn đồi. Nhà hát Gaiery (1887) vẫn là nhà hát Gaiery (mặc dù khi tôi đến đó, người ta đang lấy chỗ này làm “Triển lãm tâm linh” mà tôi được ưu tiên vào xem); những vụ cãi nhau lặt vặt vẫn tiếp tục ở lâu đài Gorton, trong khi người ta vẫn cầu nguyện ở nhà thờ Thiên Chúa (1857), nhà thờ Anh giáo; nhà nghỉ của tổng trấn (Rastrapati Nivas), một dinh thự quý tộc, giờ đã là Viện Nghiên cứu Tiến bộ của Ấn Độ, nhưng các học giả khách mời thường phàn nàn về sự rụt rè của những người quản lý khi duy trì sự uy nghiêm tang tóc của khu vực này. Rải rác xung quanh những tòa nhà ở lớn tại Simla là những ngôi nhà một tầng – Nhà nghỉ Holly, Lâu đài Romney, Nhà Gạch, Không gian Rừng, Bảy Cây Sồi, Fernside – nhưng cư dân sống ở đây giờ toàn là người Ấn Độ hoặc thừa hưởng dòng máu Ấn Độ – điều này đã được khẳng định trong cuốn sách hướng dẫn, gậy đi bộ, cà vạt, uống trà lúc bốn giờ và đi bộ buổi tối. Đây quả thực là nước Anh với những cư dân da sẫm màu, một hình ảnh mẫu quốc ở nơi xa xôi khi những khách du lịch đang cố bảo tồn để nơi này ít bị thay đổi, mặc dù thị trấn này không có tình trạng màu da lẫn lộn như mô tả trong cuốn Kim và dĩ nhiên nơi đây cũng thuần hơn so với một thế kỷ trước. Cô nàng Lola Montez bắt đầu sự nghiệp làm gái ở Simla và những người phụ nữ độc thân duy nhất mà tôi thấy là người lao động Tây Tạng má đỏ, mặc áo bông, đi bộ dọc khu phố mua sắm, đeo trên lưng những tảng đá nặng trịch.
Tôi dùng trà với gia đình Bhardwaj. Không phải là một bữa ăn nhẹ như tôi nghĩ. Có tám, chín món: pakora – rau xào bột nhão; poha – cơm trộn đậu, rau mùi và nghệ tây; khira – bánh kem làm từ gạo với sữa và đường; một loại xa lát hoa quả với dưa chuột và chanh gọi là chaat; murak – món tráng miệng Tamil, giống như một loại bánh quy lạc; tikkiya – bánh cà chua, malai – những viên đường phủ kem và món pinnis có mùi hạnh nhân. Tôi ăn những gì có thể ăn được và hôm sau khi gặp Bhardwaj ở văn phòng của anh ta trong lâu đài Gorton. Quả thực văn phòng rất giản dị đúng như anh ta đã kể lúc trên tàu, đằng sau bạn anh ta có dòng chữ:
Tôi không quan tâm đến bất kỳ lý do trễ hẹn nào;
Tôi chỉ quan tâm đến việc mọi chuyện được hoàn tất.
– Jawaharlal Nehru.
Vào hôm rời đi, tôi có tìm thấy một ashram[1] của các tu sĩ ở trên sườn đồi Simla. Tôi đã rất mong được vào thăm một nơi như vậy, kể từ khi nghe mấy người híp pi trên chuyến tàu đi Teheran nói với tôi về vẻ đẹp hùng vĩ của nơi này. Nhưng tôi thấy thất vọng. Ashram này chỉ là một túp lều xiêu vẹo, do ông già Gupta lắm mồm làm chủ, ông ta tự tuyên bố rằng mình chữa cho nhiều người khỏi bị liệt bằng cách di tay khắp chân họ. Chẳng có tên híp pi nào trong Ashram này, mặc dù ông Gupta rất háo hức thu nhận tôi. Tôi bảo mình phải đi để kịp bắt chuyến tàu. Ông ta nói rằng nếu tôi tin vào yoga, tôi sẽ chẳng phải lo lắng đến việc bắt kịp chuyến tàu. Tôi đáp rằng đó chính là lý do tôi không tin vào yoga.
[1] Nơi ẩn dật.
Ông Gupta nói: “Tôi sẽ kể anh nghe một câu chuyện. Có một người đàn ông đến gặp một bậc thầy yoga xin được làm đệ tử. Bậc thầy yoga nói rằng ông rất bận và không có thời gian cho người đàn ông. Người đàn ông nói ông ta rất tuyệt vọng. Bậc thầy yoga không tin anh ta.” Anh ta bảo mình sẽ tự vẫn bằng cách nhảy từ mái nhà xuống nếu bậc thầy không nhận anh ta. Bậc thầy chẳng nó gì và người đàn ông đã nhảy.
“Hãy mang xác anh ta lại đây.” Bậc thầy nói. Cái xác được mang tới. Bậc thầy đưa tay mình vuốt dọc cơ thể anh ta và chỉ sau vài phút, người đàn ông sống lại.
“Giờ ngươi đã sẵn sàng làm đệ tử của ta,” bậc thầy nói. “Ta tin rằng ngươi có thể hành động hợp lý, ngươi đã cho ta thấy tấm lòng chân thành của mình.” Vì thế người đàn ông sống lại kia đã trở thành đệ tử.”
“Ông đã bao giờ làm ai đó sống lại chưa?” tôi hỏi.
“Đến giờ thì chưa.” Ông Gupta nói.
Đến giờ thì chưa! Sư phụ của ông ta Patamahansa Yogananda, gương mặt thần thánh của ngài hiện hữu ở khắp nơi trong căn chòi. Ở Ranchi, Paramahansa Y. xuất hiện hình ảnh này: hàng triệu người Mỹ tập trung lại cầu xin lời khuyên của ngài. Trong cuốn Tự thuật của mình, ngài mô tả bọn họ “là một đám đông, đang chăm chú nhìn ngài” và rằng “bọn họ lướt qua trạng thái ý thức thông thường… Chúa Trời đã bảo ta đến châu Mỹ… Đúng vậy! Ta đang đi khám phá châu Mỹ, giống như Colombus, người đã nghĩ rằng mình tới Ấn Độ; rõ ràng rằng có một mối dây liên hệ nghiệp chướng giữa hai mảnh đất này!” Ngài có thể nhìn thấu rõ con người, ngài nhận ra mặt họ khi tới California vài năm sau đó. Ngài đã ở lại Los Angles trong ba mươi năm và không giống như Colombus, ngài sống một cuộc đời giàu có, no đủ và qua đời trong yên bình, hạnh phúc. Ông Gupta kể lại câu chuyện hài hước đó với một giọng điệu đầy lòng tôn kính, rồi đưa tôi đi một vòng tham quan nhà chòi, hướng sự chú ý của tôi tới rất nhiều bức chân dung của Chúa Jesus (trông giống như những hành giả yoga) được đóng đinh trên tường.
“Anh sống ở đâu?” một ashrmite[2] nhỏ bé và thân thiện hỏi tôi, ông ta đang ăn một quả táo. (Táo ở Simla rất ngon, nhưng vì theo cam kết thương mại, toàn bộ táo thu hoạch ở đây được chuyển đi Ba Lan.)
[2] Người sống ở ashram.
“Hiện tôi đang sống ở phía Nam London.
“Nhưng ở đó ồn ào và bụi bặm lắm.”
Tôi thấy đây quả là một nhận định đáng ngạc nhiên của một người đến từ Kathmandu; nhưng tôi bỏ qua.
“Tôi từng sống ở Vườn thượng uyển Kensington.” Ông ta nói. “Giá thuê nhà ở đó rất cao, nhưng chính phủ trả tiền. Thời đó, tôi đã từng gặp đại sứ Nepal.”
“Ông đã gặp Nữ hoàng bao giờ chưa?”
“Nhiều lần rồi! Nữ hoàng thích nói về những vở kịch đang diễn ở London. Người nói chuyện về diễn viên và các vở kịch. Người có nói: ‘Ngài thích đoạn này hay đoạn kia của vở kịch?’ Nếu chưa xem vở đó thì thật khó trả lời. Nhưng thường thì Người nói về ngựa và tôi rất tiếc khi phải nói rằng tôi chẳng hứng thú về ngựa lắm.
Tôi rời chốn thờ phụng linh thiêng đó và đến thăm Bhardwaj lần cuối. Anh ta cảnh báo với tôi rất nhiều điều về việc đi du lịch và khuyên tôi nên đến thăm Madras, tại đây tôi mới thấy được Ấn Độ thực sự. Anh ta phải đi sửa bộ chế hòa khí trong xe ô tô của mình và hoàn thành nốt công việc kế toán ở văn phòng. Anh ta mong tôi sẽ thích Simla và nói rằng thật đáng tiếc vì tôi không được chứng kiến tuyết rơi. Anh ta rất nghiêm túc, gần như là nghiêm nghị trong cách chào tạm biệt, nhưng khi đi trên đường Cart, anh ta nói: “Tôi sẽ gặp lại anh ở Anh hoặc Mỹ.”
“Thế thì hay quá. Tôi cũng mong chúng ta sẽ gặp lại nhau.”
“Chắc chắn rồi,” anh ta nói với thái độ quả quyết mà tôi thấy thắc mắc.
“Sao anh biết?”
“Tôi sắp được thuyên chuyển khỏi Simla. Có thể sang Anh, hoặc sang Mỹ, cung Hoàng đạo của tôi nói vậy.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.